Những Người Bạn Sư Phạm Saigon
30 thg 11, 2023
CHIẾC LÁ MÙA THU - Thơ Nguyễn Cang
Mỗi độ thu về lá vàng rơi
Chiều hoang sơ, sương phủ đầy trời
Ngồi lặng im, bên thềm tượng đá
Nghe đâu đây chuông đổ từng hồi
Nhìn mưa bay hàng cây trút lá
Nỗi ưu tư len lén vào lòng
Giọng ai ca tầng cao chất ngất
Ta vong thân trọn kiếp tang bồng
Mỗi độ thu về cây trút lá
Mang hình hài vất vả ưu tư
Bên giáo đường hồi chuông giục giã
Nghe phôi pha khúc hát tạ từ
Mỗi độ thu về cây trút lá
Chiều bâng khuâng rót nhẹ vào tim
Nếu một mai cuộc tình dang dở
Ở phương xa biết thuở nào tìm ?!!
Nguyễn Cang ( Nov. 18, 2023)
Mời Xem :
THƯ NGỎ (Thông Tin Về Họp Mặt 1/1/2024 của GĐSPSG )
Kính gởi Quý Thầy Cô Sư phạm Sài Gòn .
Các anh chị em đồng môn khóa Cấp tốc và 13 khóa .
Thông qua việc chấp bút của Thầy Hiệu trưởng Đoàn Viết Bửu ,
Hồng xin mạn phépgởi thư ngỏ nầy đến Gia đìnhSư phạm Sài Gòn những thông tin như sau :
_ NGÀY 01/01/2024
HOP MẶT GĐ SPSG LẦN THỨ 27.
_ RA MẮT TUYỂN TẬP
SPSG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ.
Đia điểm :
Nhà hàng KIM THANH
141 Đường Bắc Hải Q 10
Tp HCM
Chi phí tham dự :
400.000đ/1 người .
_ Các ACE tham dự vui lòng đăng ký với người đại diện
Khóa của mình .
_ Thời hạn chót : 15/12/2023
BTC chốt lại để đặt bàn .
( Hồng sẽ gởi tên người đai diện và số đt của từng khóa cho các ACE đăng ký.
Đồng thời cũng báo tin vui đến cả nhà mình
" Tuyển tập SPSG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ đã hoàn thành , sách in rất đẹp .Đây là phần quà ý nghĩa thân tình nhất của quý Thầy Cô và các ACE đồng môn đã gởi gấm bao tâm tình kỷ niệm dưới mái trường SPSG thân yêu và ký ức cuộc hành trình dạy học của mỗi chúng ta . Sách bao gồm Thơ Văn Nhac Họa đều do các tác giả cây nhà lá vườn gởi về và công biên tập của của các anh chị lá vườn cây nhà nên nó lag món quà vô giá đối với chúng ta.
HY VỌNG thông tin nầy sẽ cùng cả nhà mình lan tỏa để mọi người biết cùng tham dự đông vui
Chúc cả nhà mình sức khỏe dồi dào Tâm Thân An Lạc .Mong chờ Xuân hội ngộ .
Tuyết Hồng kính báo
29 thg 11, 2023
THÀNH TỰU KHOA HỌC HOA KỲ
Phát minh robot chui vào cơ thể tiêu diệt khối ác tính trong cơ thể và thông các mạch máu bị tắc hay cầm máu bên trong…
Hy vọng phát minh này sẽ giúp được nhiều cho nhân loại.
Con robot hình cua này bé tí xíu, chỉ nửa mm. Nhưng nó có thể chui vô cơ thể người để tìm và diệt các khối u ác tính, thông các mạch máu bị tắc hay cầm máu bên trong. Nó vừa được nhóm nghiên cứu tại đại học Northwestern tại Mỹ phát minh ra và công bố. John A. Rogers, một giáo sư về khoa học vật liệu và kỹ thuật là người đứng đầu nhóm nghiên cứu này.
Thêm vào đó, bởi vì toàn bộ cơ thể robot nhỏ hơn một milimet không cần dây điện hoặc điện để hoạt động, nó thậm chí có thể đi lang thang trong cơ thể con người vào một ngày nào đó, hoạt động giống như một trợ lý y tế sáu chân.
Túm lại, đây là một thành tựu mới cho Y khoa thế giới từ các bước tiến vượt bậc của khoa học vật liệu và robot.
Vì ở nhiều xứ sách giáo khoa là miễn phí, đi học phổ thông từ nhỏ tới hết lớp 12 cũng miễn phí, nên hỏng xảy ra các vụ tranh cãi mất thời gian làm gì. Rảnh thì ráng làm cái gì cả nhân loại đều cần như con robot tí hon này sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho thế gian hơn nhiều.
Hình từ đại học Northwestern
Thơ Phỏng Dịch- Nguyên tác : PAIN OF A BROKEN HEART- CGQ
Tim vỡ nát, lệ máu đang tuôn chảy,
Em đâu ngờ mình đã phải chia tay !
Tears of blood fall from my broken heart.
I never thought we would be apart.
Khi ôm em, anh nói yêu em mãi...
Giờ lìa xa, biến thành nỗi bi hài !
When you held me, you said “forever.”
Now that you’re gone, I know you meant “never.”
Anh nói yêu với mắt nhìn say đắm,
Có đâu ngờ tim dối trá lạnh căm.
Saying you love me with that look in your eye,
And that was a cold-hearted lie.
Em sẽ nhớ từng nụ hôn phớt nhẹ,
Nhớ những lần anh mơn trớn vuốt ve.
Your tender touch, a soft kiss,
Two things about you I will miss.
Em ngồi đây nghĩ về anh và nhớ,
Lệ trào tuôn, mặt ướt đẫm bao giờ !
As I sit here thinking about you,
My face is wet with tears past due.
Đáng lẽ ra em khóc từ dạo ấy,
Vì yêu anh, kềm giữ mãi tới nay.
I should’ve cried a long time ago,
But I loved you so.
Người ta nói tình yêu là mù quáng,
Hồn trí em mình anh đủ tan hoang.
I know they say love is blind,
But I had only you on my mind.
Như dao cắt, vết thương sâu quá đỗi,
Nhưng sẽ lành, đời em tiếp tục trôi !
A hurt so deep it cuts like a knife,
But wounds heal and I’ll go on with my life.
Phỏng dịch : ConGàQuè Azalea Nguyen
Nguyên tác : © Erika Jong (Dec 2007)
Source :
BẢO HIỂM Y TẾ TỰ NGUYỆN -Pho Kim Yến
Lưu ý: Bài nầy viết năm 2009 (cách nay 14 năm ) Đọc cho vui thôi để nhớ những những khó khăn rất 'vô duyên và sai trái" mà nhiều người trong số chúng ta đã trải qua.
Mong những ngày tốt đẹp đến....Mọi việc thuân lợi
Phàm cái gì đã nói là tự nguyện thì dù có bị đày ải khổ sở đến đâu thì cũng phải cắn răng mà chịu không dám than van nửa lời. Ví dụ như đã tự nguyện yêu thì đâu có ai than khổ vì yêu. Đâu có ai la lên tôi đang đau khổ vì người yêu đi lấy chồng, bồ đi cưới vợ. Vậy thì đã tự nguyện mua bảo hiểm y tế thì phải chịu bị hành là chính.
Tôi xin kể lại câu chuyện của tôi để bà con rút kinh nghiệm.
Con tôi bệnh đột xuất, sốt cao. Tôi đưa con đi cấp cứu ở BVND Gia Định. Thẻ BHYT của con tôi không được chấp nhận, lý do thẻ in mờ, không đọc được năm sinh của con tôi. Nhân viên ở đây hướng dẫn tôi đi đổi cái thẻ mới. Khi nào có thẻ mới chữ nghĩa rõ ràng con tôi sẽ được khám chữa bệnh theo đúng chế độ ghi trong thẻ. Lúc bấy giờ con tôi đang sốt cao cần phải khám chữa bệnh gấp . Tôi đâu thể bỏ con ở đấy để chạy đi đổi cái thẻ. Tôi đành phải bỏ tiền ra để khám chữa bệnh cho con với hi vọng tôi sẽ được Bảo Hiểm TPHCM thanh toán lại tiền.
Ngày hôm sau tôi đến số 18 Cách Mạng tháng Tám làm thủ tục để xin thanh toán chi phí khám chữa bệnh và đổi lại thẻ.
Đến nơi tôi mới biết ở đây chỉ giải quyết việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh chứ không có bộ phận in thẻ BHYT. Thôi thì tôi cứ giải quyết chuyện thứ nhất trước vậy. Để được thanh toán tiền, tôi phải điền vào 2 tờ biểu mẫu khai rõ họ tên của cả hai mẹ con, số giấy chứng minh nhân dân (CMND) của tôi , số thẻ BHYT, mã số thẻ, địa chỉ, ... kèm theo hai hóa đơn khám bệnh và mua thuốc của bệnh viện cấp, rồi còn phải photocopy đơn thuốc và thẻ BHYT của con tôi nữa. Đủ các thứ giấy tờ xong rồi tôi đem nộp và ngồi chờ được lãnh lại tiền của mình. Chờ một hồi lâu tôi nhận lại hồ sơ của mình và được biết chỉ được thanh toán có 30.000 đồng mặc dù tôi đã phải chi tổng cộng hơn 100.000 đồng. Tôi nêu thắc mắc thì được giải thích đó là quy định. Tôi không hiểu nổi cái quy định này. Tôi gọi đó là QUY ĐỊNH ĂN CƯỚP. Nhưng dù sao đã mất công làm thủ tục thì tôi cũng đành phải lê tấm thân già với 2 cái đầu gối bị bị viêm khớp lên một tầng lầu để lãnh tiền. (Ai mắc bệnh viêm khớp gối mà phải leo lầu thì mới hiểu được nỗi đau của tôi).
Tôi cứ tưởng sẽ được nhận tiền ngay nhưng cô nhân viên ở đây lại bảo tôi phải xuống lầu để bổ sung thêm 1 bản photocopy giấy CMND của tôi nữa. Nghe cô ấy nói tôi muốn khóc liền tại chỗ. Chân cẳng tôi như vầy làm sao mà lên xuống lầu nhiều lần như vậy được. Mà biết đâu sau khi tôi nộp bản sao CMND xong cô ấy lại chẳng đòi thêm bản sao hộ khẩu, bản sao khai sinh của con tôi, bản sao giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng tôi, vân vân và vân vân, ... Cô ấy lại còn bảo tôi phải chờ hơn 30 phút mới được nhận tiền. Tôi hỏi tại sao phải chờ lâu vậy, cô ấy bảo phải chờ lãnh đạo ký tên. Trong phòng lúc ấy chỉ có mình tôi là khách hàng duy nhất. Tôi không hiểu tại sao chỉ lấy một chữ ký của lãnh đạo mà bắt tôi phải chờ đến 30 phút. Mà tôi lại còn phải đi về nơi xa để làm lại cái thẻ BHYT cho con tôi nữa chớ. Nếu tôi chờ để lấy được 30.000 đồng ở đây thì có thể ở bên kia đã hết giờ làm việc. Thế là tôi đành phải bỏ của chạy lấy người để tiếp tục con đường đau khổ tập hai.
Quá tức giận, tôi chạy như ma đuổi ra đến cổng, định về thẳng nhà nhưng nghĩ lại thẻ BHYT của con tôi còn hạn sử dụng đến ngày 30 tháng 11 năm 2008. Ngộ nhỡ từ đây đến đó nó mà bệnh nữa thì khổ. Tôi gọi xe ôm, đưa ra cái địa chỉ 33/22 Lý Văn Phức, quận 1. Ông xe ôm cầm ngược tờ giấy vẽ sơ đồ đường đi, luôn miệng kêu biết chỗ này rồi. Thế mà ông ấy chở tôi đi vòng vèo vào mấy cái ngõ hẻm, hỏi đường 3 người, sau cùng mới đưa tôi đến đường Lý Văn Phức, bỏ tôi xuống trước một tòa nhà đồ sộ, uy nghi, có bậc tam cấp cao ngất (tôi đếm đủ tất cả 14 bậc) với tấm biển to BẢO HIỂM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Tôi mừng thầm vì đã đến được nơi cần đến. Tôi lấy hết sức lực leo lên 14 bậc tam cấp, hùng dũng đẩy cửa kính bước vào tòa nhà. Tôi trình bày hoàn cảnh xin đổi lại thẻ BHYT bị in mờ không sử dụng được. Tôi được hướng dẫn : đây không phải là chỗ in thẻ, muốn in thẻ tôi phải đi vòng ra cửa, đi vào hẻm, đến số 33/22. Đó mới là chỗ in thẻ. Tôi lộn ngược ra cửa chính , bước xuống 14 bậc tam cấp . Vừa lúc đó một cơn mưa rào đổ ập xuống (những ngày này đang là cơn bão số 2). Thế là tôi phải đội mưa chạy vào con hẻm tìm đến số 33/22. Tôi không dám dừng lại trú mưa vì sợ hết giờ làm việc.
Tôi không hề biết đây mới chính là nơi bắt đầu nỗi khổ của tôi. So với cái chuyện nhận tiền chi phí khám chữa bệnh tôi kể ở trên thì chẳng là cái gì cả. Ở bên kia tôi chỉ bị leo có một tầng lầu còn ở đây ... xin mời quý vị xem tiếp hồi sau sẽ rõ.
Tôi đẩy cửa kính bước vào phòng. Trông thấy tôi những nhân viên trong phòng mới biết bên ngoài trời đang mưa rất to. Tôi lại trình bày hoàn cảnh. Những câu này tôi đã thuộc lòng vì đã nói đến lần thứ n rồi. Tôi được hướng dẫn lên tầng lửng, vào phòng 2 sẽ được giải quyết. Lại lên lầu, tôi thầm kêu khổ nhưng tự nhủ hãy cố lên, sắp thắng lợi rồi.
Tôi leo lầu lên tầng lửng. Tôi vào phòng 2. Trong phòng đầy ắp giấy tờ, sổ sách, máy vi tính sáng đèn nhưng không có một bóng người. Tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Đến khi hết kiên nhẫn, tôi bước qua phòng 1 hỏi thì được hướng dẫn lên tầng 1, phòng 3, gặp anh Dũng sẽ được giải quyết. Trời ơi, lại lên lầu.
Tôi lại leo lầu lên tầng 1, phòng 3 tìm anh Dũng không thấy. Người ta lại chỉ tôi lên tầng 2, phòng 5 tìm cô Nga để được giải quyết vì anh Dũng đã đi công tác rồi. (Có trời mà biết anh ấy đi công tác hay tư tác).
Tôi lại leo lầu lên tầng 2, phòng 5, không có cô Nga. Tôi lại được chỉ lên một tầng nữa, phòng 7 để tìm cô Nga. Bây giờ thì tôi rớt nước mắt thực sự chứ không còn muốn khóc nữa. Hai đầu gối tôi đau ê ẩm. Ngực thở không ra hơi, tôi mệt muốn xỉu (Tôi vốn có bệnh cao huyết áp). Nhưng tôi quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ vì lòng thương con. Chỉ cầu mong tòa nhà này đừng có thêm một tầng lầu nào nữa.
Tôi lại leo lầu lên tầng 3, phòng 7. Tôi hỏi cô Nga, bị hỏi lại tìm cô Nga nào . Tôi có biết cô nào đâu mà nói vì tôi đâu có quen biết gì với quý cô. Tôi đang bận hổn hển thở, không có sức để mà trả lời. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng vừa thở vừa nói tôi cần in thẻ BHYT. Tôi còn nói thêm làm ơn đừng chỉ tôi leo lầu nữa, tôi kiệt sức rồi. Người ta nói hết lầu rồi. Mô Phật, nếu còn lầu chắc gì người ta không chỉ tôi leo nữa.
Tôi được phát cho một tờ biểu mẫu, lại phải điền đủ thông tin, ký tên nộp lại, ngồi chờ in thẻ. Cô Nga mở máy vi tính, tìm kiếm một hồi rồi in ra cho tôi một cái thẻ mới. Tôi lại phải ký nhận một lần nữa vào mặt sau của tờ biểu mẫu hồi nãy mới được nhận cái thẻ.
Cầm cái thẻ trong tay , tôi có cảm tưởng như mình là Đường Tăng vừa trải qua 81 kiếp nạn mới thỉnh được chân kinh.
Ra khỏi tòa nhà, để tiết kiệm, tôi không đi xe ôm nữa mà đi bộ từ đó ra đến góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai, chỗ Đài Truyền Hình HTV, đón xe buýt về nhà ở quận 9, kết thúc một hành trình gian nan nhưng cũng tạm coi là thắng lợi.
Đêm hôm đó, hai chân tôi đau nhức cả đêm không ngủ được.
Tôi quyết định sang năm tới tôi VẪN MUA BHYT TỰ NGUYỆN cho cả nhà. Tôi dặn con tôi đừng bao giờ nhận thẻ bảo hiểm in mờ. Con tôi bảo trong lớp nó, thẻ BHYT của bạn nào cũng bị in mờ.
Bà con nghĩ sao về cái bài viết này? Tôi cam đoan đây là chuyện thật 100%. Tôi mà bịa đặt, tôi chết liền.
Trích blog của phokimyen
Thứ Hai, ngày 15 tháng 06 năm 2009 - 02:28pm
Người Tri Kỷ & Lời Tâm sự - Nguyễn Thị Châu (9)
1./ NGƯỜI TRI KỶ
Nghe tiếng heo may thoảng gió ngàn
Mong chờ Thu đến Đông lại sang
Bấy lâu vắng bóng người tri kỷ
Nay được cùng ai thoả mộng vàng
Nhìn giọt cà phê lưa thưa rớt
Như từng giọt lệ khi nhớ mong
Ta như chiếc bóng hằng đêm đợi
Đợi ánh trăng vàng rớt bên song
Ngày tháng dần trôi nhớ bạn hiền
Gặp nhau vui vẻ biết bao nhiêu
Tri âm tri kỷ, tình nhân nghĩa
Tay bắt mặt mừng bớt cô liêu
Nghĩa đó ái ưu giữ trong lòng
Cảm mến tình nầy cả mấy sông
Vị cà phê đắng, nhưng ngon ngọt
Biết thuở nào đây? Mới gặp nhau…!!!
22-11-2023
Nguyễn thị Châu
2./ LỜI TÂM SỰ
Tôi đến thăm anh một buổi chiều
Tâm sự nặng oằn biết bao nhiêu
Tình xưa nghĩa cũ không phai nhạt
Cành lá ngoài kia gió liêu xiêu
Biết bao kỷ niệm còn vương vấn
Niềm riêng một nỗi nhớ thương nhiều
Ngày xưa chung bước con đường vắng
Mà nay xa cách thấy điều hiu
Cảm mến với nhau thời xanh tóc
Giờ mới tìm nhau thuở bạc đầu
Tình cũ u hoài rưng rưng khóc
Nỗi niềm ai oán những canh thâu
Bâng khuâng đứng đợi buổi hoàng hôn
Ánh nắng chiều phai chiếu chập chờn
Thương chiếc lá vàng rơi thềm vắng
Khơi niềm tâm sự bớt cô đơn…!
22-11-2023
Nguyễn thị ChâuMời Xem :
SÓNG và BIỂN, THỜI GIAN VÀ CON NGƯỜI - Thơ Nguyễn Thị Châu (8 )
Tản mạn cháo Tây, cháo Tàu, cháo Ta.
Có một lần cũng lâu rồi, có một cô bạn dịch bài về ẩm thực Việt Nam cho một tờ báo tiếng Anh hỏi tôi từ “cháo” dịch sang tiếng Anh như thế nào? Tôi lúc đó chủ quan nên bảo với cô ấy “cháo” dịch tiếng Anh là “porridge” mà không suy nghĩ gì nhiều. Đến khi cô ấy đưa bài dịch của mình đã được đăng báo cho tôi xem thì tôi mới giật mình, vì món cháo mà bạn tôi hỏi là “cháo vịt Thanh Đa” mà dịch ra “duck porridge” thì sai bét. Sau lần đó tôi tự trách mình rất nhiều về sự ẩu tả của mình và cũng chính vì vậy mà tôi trở nên cẩn thận hơn rất nhiều, vì đúng là sai một ly đi một dặm.
Trong tiếng Anh có đến ba từ để nói về cháo. “Porridge” là từ để chỉ cháo trắng đặc được nấu từ gạo hoặc yến mạch gần giống như cháo trắng mà chúng ta hay dùng để ăn chung với hột vịt muối. Các nước phương Tây cũng ăn porridge nấu rất đặc vào buổi sáng cho thêm tí muối tiêu với trứng tráng hoặc xúc xích nhỏ. Còn cháo hoa (cháo nấu với ít gạo và nhiều nước để hạt gạo nở ra như hoa) và thường nấu chung với thịt thì được gọi là “congee” hoặc “rice soup”. Để nói về món cháo vịt, đáng lẽ phải gọi là “duck meat congee” hoặc “duck meat rice soup” mới đúng. Quả thật, có những cái mình nghĩ rằng mình biết rồi nhưng vẫn sai như thường.
Trở lại với cháo, lúc nhỏ tôi rất ghét ăn cháo vì cháo vừa nhạt vừa loãng, ăn xong cũng như chưa ăn, không được chắc bụng như ăn cơm. Tôi né tất cả các thể loại cháo từ cháo trắng ăn với thịt kho tiêu mỗi khi bị bệnh, cho tới cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo cá… Trong đó, món cháo mà tôi ghét nhất là cháo trắng của người Tiều. Không như cháo trắng của người Việt bán ở các xe cháo khuya ăn cùng với dưa món, hột vịt muối hoặc thịt cá kho tiêu, vốn là cháo trắng nấu đặc; cháo trắng của người Tiều nấu rất loãng, bảy phần nước và ba phần gạo, nấu tới hạt gạo nở bung ra gần như nát nhừ, ăn chả có mùi vị gì cả.
Người Tiều ăn cháo gần như trong mọi bữa ăn. Buổi sáng của người Quảng Đông, sang thì điểm tâm với đủ thứ há cảo xíu mại, bình dân thì cũng tô hủ tíu mì hay cái bánh bao; còn buổi sàng của người Tiều thì ăn cháo loãng với cà na muối, hột vịt muối hoặc cải xá bấu muối thật mặn. Sang hơn tí thì người Tiều có thêm cặp dầu cha quảy là xong bữa ăn sáng. Buổi trưa và buổi chiều thì họ lại tô cháo loãng được múc ra húp thay canh. Ngay cả những quán bán đồ ăn người Tiều cũng luôn có nồi cháo trắng kế bên nồi cơm.
Hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn tôi đi ăn cơm Tiều, ba tôi luôn kêu thêm chén cháo trắng để húp với ít nước thịt kho còn lại. Khi tôi tỏ vẻ không hứng thú với việc húp chén cháo trắng nhạt thếch lõng bõng này, ba tôi hay bảo: “Hồi ba còn nhỏ, a dè a mà (ông nội bà nội) nghèo lắm, cả nhà bảy tám anh chị em, mỗi người chỉ có dách gủn pạc chúc (một chén cháo trắng) và pun che hàm tản (nửa cái trứng vịt muối) thôi.” Ba tôi chẳng bao giờ dạy cho tôi nói tiếng Quảng Đông một cách bài bản mà luôn có cách nói chuyện nửa Việt nửa Quảng như vậy, con cái hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi. Vậy mà cuối cùng tôi cũng nói được tiếng Quảng.
Người Tiều không chỉ ăn cháo trắng mà còn có cả cháo lòng với đầy đủ tim gan cật ruột cũng gần giống như cháo lòng của người Việt; nhưng lòng xắt lát mỏng để bên ngoài chứ không nấu trong nồi như cháo lòng của người Việt, khi nào khách gọi thì mới trụng qua cháo rồi cho vào tô. Nước cháo được nấu bằng mực, nấm rơm và xương ống nên rất ngọt và thơm. Người Tiều ăn cháo lòng cũng thường thêm dầu cha quảy như người Việt nhưng không bỏ giá và ớt mà bỏ rất nhiều hành lá xắt nhỏ, tiêu xay, gừng tươi xắt sợi và một ít dầu mè. Cũng như ăn hủ tiếu mì, người Hoa ăn cháo thường nêm thêm giấm đỏ và nước tương chứ không nêm nước mắm. Không chỉ có cháo lòng mà cháo cá, cháo mực, cháo thịt bằm hoặc cháo tôm viên khi ăn cũng nêm nếm như vậy: gừng tươi, dầu mè, tiêu, xì dầu và giấm. Cháo lòng kiểu người Tiều hồi đó tôi cũng có ăn một vài lần ở chợ Bàn Cờ quận 3 nhưng vì không hảo cháo lắm nên lâu rồi cũng không ăn lại.
Dân sành ăn tối Sài Gòn – Chợ Lớn chắc ít người không biết tới quán cháo thập cẩm ở bùng binh Soái Kình Lâm kế bên chợ thuốc bắc Phùng Hưng. Cháo ở đây nấu theo kiểu người Quảng Đông là cháo trắng nấu đặc và ăn với tôm, mực, da heo, gan, cật, phèo nên gọi là “chạp chúc” (cháo thập cẩm). Thật ra gọi là “thập cẩm” không đúng lắm vì “chạp cẩm” dịch ra tiếng Việt là “tạp cẩm” mới đúng. Có lẽ chữ “tạp” nghe có vẻ hổ lốn và hỗn tạp quá nên người Việt mới gọi là “thập cẩm” cho sang hơn.
Theo lời kể của những người sống lâu ở Chợ Lớn thì quán cháo Đèn Năm Ngọn (tên cũ của khu Soái Kình Lâm) này đã có từ rất lâu đời rồi, nếu tính tới nay chắc cũng không dưới năm sáu chục năm. Hồi nhỏ, ba tôi hay chở tôi ra đây ăn, nhưng quán cháo này gắn với một kỷ niệm khá kinh dị nên tôi không bao giờ quay trở lại ăn nữa, dù thỉnh thoảng thèm món Hoa, tôi vẫn chở bà xã đi vòng vòng Chợ Lớn ăn lại những quán gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình. Có một lần khi đang ngồi ăn với ba mẹ tôi ở quán cháo đó, có một cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó (5-6 tuổi) bán vé số mời mua. Và khi nhìn lên thì tôi suýt nữa hét toáng lên vì sợ: cánh mũi của cậu bé này không biết bị ai cắt mất chỉ còn hai cái lỗ sâu hoắm nhìn vừa đáng thương vừa đáng sợ. Hình ảnh đó ám ảnh tôi tới ngày hôm nay đến mức tôi không dám ăn lại quán cháo đó lần nào nữa cho dù đã hơn 30 năm rồi.
Dạo mấy năm gần đây tôi lại đổi tính thích ăn cháo. Nhiều lúc cảm thấy mệt trong người hoặc chỉ là đơn giản không muốn ăn cơm thì một chén cháo trắng và nửa cái hột vịt muối luộc hoặc tí thịt kho tiêu mặn cũng có thể giải quyết cơn đói và nhẹ người. Cầu kỳ hơn một tí thì cho cái trứng hột vịt bắc thảo và tí thịt bằm vào trong nồi cháo quấy lên. Tôi thích ăn trứng bắc thảo nấu chung với cháo hoặc chưng cùng với trứng vịt tươi, trứng vịt muối tạo thành món trứng 3 màu ăn chung với cơm hay cháo gì cũng rất ngon. Hột vịt bắc thảo (tiếng Quảng Đông gọi là pì tản) ai ăn không quen thì nhìn hơi sợ sợ vì cả quả trứng đen bóng và có mùi ngai ngái của amoniac, nhưng khi đã quen rồi thì sẽ ghiền vì vị béo béo bùi bùi rất đặc trưng. Hồi còn ở Mỹ có lần tôi nấu cháo trứng vịt bắc thảo mời cô bạn người Nhật ăn thử. Cô lúc đầu còn ngại vì thấy màu cháo đen thui nhưng khi ăn một chén thì tự động vô nồi múc thêm chén nữa. Bởi vậy mới nói, không phải cứ là sơn hào hải vị mới ngon mà đôi khi những thứ dân dã đơn giản nếu hạp khẩu vị vẫn ngon hơn yến sào bào ngư vi cá vậy.
Huỳnh Chí Viễn .
Facebook Vien Huynh.
28 thg 11, 2023
Bài 25 SỐNG TRỌN HẾT CUỘC ĐỜI -MATSUSHITA Kônosuke- Nguyễn Sơn Hùng Dịch (DĐKP )
Bài 25 SỐNG TRỌN HẾT CUỘC ĐỜI
trong tác phẩm NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG của
K. Matsushita.
(Điều 25 Việc tích lũy sống trọn vẹn cho hết mỗi giây phút sẽ tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và luôn trẻ trung) (1)
Giờ phút hiện tại chỉ có trong giây lát. Tích lũy việc sống trọn vẹn cho hết mỗi giây phút sẽ tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và đem tới cho bạn sự trẻ trung (2).
Có lẽ đã 10 năm, từ khi tôi có cơ hội gặp nhà điêu khắc gỗ Hirakushi Denchuu 平櫛田中(3) do có cơ duyên với ông.
Ông Hirakushi là nhà điêu khắc đứng đầu của giới điêu khắc gỗ Nhật Bản, sanh năm Minh Trị thứ 5 và đã sống qua 3 thời đại Minh Trị, Đại Chính và Chiêu Hòa. Khi gặp, ông gần 100 và tôi đã quá 70 tuổi. Khi đó ông nói với tôi: “Này ông Matsushita, 60 hay 70 tuổi là trẻ con hỉ mũi chưa sạch, tuổi đầy sức sống của đàn ông là từ 100 tuổi. Do đó thanh xuân của tôi là từ đây đó ông”.
Theo thường thức thì đối với tuổi của ông và của tôi có thể nói là tuổi về hưu nhưng nghe ông nói như trên, tôi phải ngạc nhiên và cảm phục nghĩ thầm “Đúng là người có tâm hồn thật trẻ trung”. Nghe đâu ông thường lập đi lập lại lời nói này như một thói quen, và ngoài ra ông cũng thích nói những câu như “Bây giờ không làm thì chờ đến khi nào mới làm” hoặc “Tôi không làm thì ai làm đây?”
Sau đó vài năm, khi mà ông Hirakushi tròn 100 tuổi, tôi tình cờ biết được ông chứa trong vườn nhà ông lượng gỗ dùng điêu khắc cho 50 năm tới.
Lần đầu tiên gặp ông, tôi đã cảm thấy “ông đúng là người có tâm hồn thật trẻ trung” nhưng đến khi biết ông tích trữ gỗ để điêu khắc cho 50 năm tới lúc 100 tuổi tôi mới thật sự hiểu rằng lời ông nói “Tuổi đầy sức sống của đàn ông là từ 100 tuổi” không phải chỉ ở cửa miệng. Việc này một lần nữa làm cho tôi phải nghĩ rằng “Ông thật sự nghĩ rằng để hoàn thành nghệ thuật của ông, ông phải tiếp tục điêu khắc gỗ trong 50 năm nữa. Lòng nhiệt tình và ý muốn sáng tạo tác phẩm đang có của ông mạnh mẽ đến mức độ có thể nói là “cố chấp không chịu bỏ cuộc” (nguyên văn là chấp niệm執念).
Trong thực tế sau khi hơn 100 tuổi ông Hirakushi cũng vẫn tiếp tục cố gắng hoạt động sáng tác và khi 102 tuổi ông có gửi đến nguyệt san PHP (4) của chúng tôi một bài viết ngắn, trong đó có câu “Tôi còn có những tác phẩm mà nếu không sống thêm một chút nữa thì tôi không thể nào hoàn thành nghĩa vụ của mình. Năm hay sáu tác phẩm nữa. Không, không phải vậy, dù có phải hạn hẹp số lượng tác phẩm hơn nữa, ít nhất tôi cũng phải làm thêm 4 tác phẩm nữa.
Gần đây, ngoài 4 tác phẩm vừa nói, tôi còn thử làm một tác phẩm tổng kết nhưng không được thuận lợi như ý. Tôi đã mất 3 năm nhưng vẫn còn khó khăn chưa giải quyết được. Từ khổ tâm này đến khổ tâm khác, rồi tôi mới thống thiết thấm thía rằng việc tu nghiệp trau dồi nghề nghiệp của tôi là giả tạo, không thật. Trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu học tập điêu khắc cho đến 5 năm hoặc 10 năm, dù cho thế nào đi nữa, người điêu khắc phải lấy việc đem vật đối tượng vào gỗ làm căn bản, làm cơ sở nhưng tôi đã không làm được việc này. Có nghĩa là từ trước đến nay tôi chỉ xử lý khéo léo, khéo tay mà thôi.” (5)
Khi đọc lời trên tôi bị xúc động mãnh liệt và tiếp nhận được một khích lệ lớn lao.
Lý do là ông Hirakushi lớn hơn tôi 22 tuổi và đã quá 100 tuổi, thế mà ông không những nhiệt tình ham muốn làm việc mà còn biết phản tỉnh sự tu nghiệp trau dồi chuyên môn của mình và muốn tìm kiếm nghiên cứu để đạt đỉnh cao của đạo (con đường) (6) điêu khắc gỗ. Hình ảnh nghiêm túc hết mức của ông đã truyền đạt mãnh liệt qua lời nói trên.
Đáng tiếc là vào ngày 2 tháng 10 năm 1979, sắp đến ngày sinh nhật 108 tuổi ông đã qua đời, và đã không sử dụng hết các gỗ tích trữ dùng cho 50 năm. Tuy nhiên, mặc dù ông đã để lại gỗ nhưng từ nhiệt tình và ý muốn cải tiến đối với công việc của ông đã tiếp tục cho đến giờ phút cuối cùng của đời ông, phải chăng chúng ta có thể nói ông là người đã sống trọn vẹn hết cuộc đời một cách tuyệt vời hoàn hảo, là người đã sống hết sức cho sinh mệnh của mình.
Khi thử suy nghĩ, tôi cảm thấy rằng lý do mà ông vẫn trẻ trung và khỏe mạnh như đã trình bày ở trên mặc dù ông đã quá 100 tuổi là bởi vì ông đã sống tận hết mỗi giây phút hiện tại với tâm tình “bây giờ không làm thì bao giờ mới làm” và “ta không làm thì ai làm đây” đối với điều mà ông nên làm.
Con người chúng ta, không ai có thể biết khi nào sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ai cũng có mong ước là vừa sống vừa làm việc mình nên làm của mình cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Tuy nhiên trong thực tế của đời người, việc thực hiện được mong ước này không phải dễ dàng. Bản thân tôi đã sắp 90 tuổi nhưng đôi lúc tôi cảm thấy khó khăn của mong ước này. Đối với mọi người chúng ta, cách sống của ông Hirakushi phải chăng cho chúng ta một khích lệ to lớn hiếm có?
Nguyễn Sơn Hùng
3/2/2023
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
1. Lời ông Hiratsuki “60 hay 70 tuổi là trẻ con hỉ mũi chưa sạch, tuổi đầy sức sống của đàn ông là từ 100 tuổi”, có thể đúng với người đã sống được gần tròn 100 năm nhưng đối với người dịch mới sống được 70 năm thấy nói “hỉ mũi chưa sạch” là hơi quá đáng. Đối người dịch sau khi về hưu thấy được nhiều điều mà lúc còn “đi làm” không nhận thấy ra. Điều này có thể do “hỉ mũi chưa sạch” hoặc không có “thảnh thơi tinh thần” để nghĩ ra, có thể do môi trường làm việc ở Nhật Bản khác hơn những quốc gia khác.
Trong bài 4 chương 2 Vi Chính của sách Luận Ngữ , Khổng tử nói “Ngũ thập tri thiên mệnh” (50 tuổi hiểu được mệnh trời). Người dịch hiểu “thiên mệnh” là “quy luật tự nhiên của xã hội con người”, quy luật tự nhiên này rất phức tạp nên khoa học xã hội chưa khám phá hoặc làm rõ ràng đầy đủ một cách khách quan được. Ngoài ra, người dịch cũng hiểu “thiên mệnh” là “đạo lý” hoặc chân lý, hoặc nhân sinh quan mà làm người nên sống theo. Ngoài ra, người dịch nghĩ rằng điều mà Fukuzawa Yukichi trong chương 4 “Tri thức và đạo đức của người dân một nước” trong tác phẩm “Khái Lược Văn Minh Luận” gọi là “thời thế”, gọi là “khí chất con người đương thời”, gọi là “tình trạng tri thức và đạo đức của xã hội con người đương thời” cũng là một phần của “thiên mệnh”. Với tuổi đời trên 50 năm kinh nghiệm sống hoặc dài hơn giúp con người chúng ta thấy được hoặc “giác ngộ” được những điều mà trước đó chúng ta chưa nhận ra. Những điều thấy được có thể thuộc về 3 loại của “thiên mệnh” nói trên.
Do đó đối với người dịch, “tuổi sau về hưu” trên mặt nào đó chính là “tuổi đầy sức sống” mà ông Hiratsuki đã đề cập. Không những của đàn ông mà cả của phái nữ, đặc biệt đối với những người có nghề nghiệp trong xã hội. “Tuổi sau về hưu” bao gồm ý nghĩa chúng ta có thời giờ để làm được những gì chúng ta thích làm, không còn bị ràng buộc quá nhiều vấn đề sinh kế.
Đối với người dịch, đời người có 2 thời kỳ đẹp: 1) Thời kỳ thanh thiếu niên: mặc dù “hỉ mũi chưa sạch” nhưng nhiệt tâm lập chí hoặc lý tưởng và gắng sức nỗ lực thực hiện, 2) Thời kỳ sau về hưu: đã biết “hỉ mũi” sao cho sạch và có thời giờ tự do để thực hiện những gì chưa thực hiện trước đó. Do đó nói theo kiểu của Hiratsuki “thanh xuân” của người dịch là “sau tuổi về hưu”.
2. Đại ý của bài viết “Tích lũy việc sống trọn vẹn cho hết mỗi giây phút sẽ tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và đem tới cho bạn sự trẻ trung”. Tuy nhiên một điều kiện cần thiết không thể thiếu để có được kết quả của lời nói này là: để có cuộc đời phong phú và mãn nguyện chúng ta cần phải có mục tiêu của cuộc đời và xem đó là sứ mệnh của bản thân mà trời giao cho. Có lẽ do tác giả đã viết trong bài khác (7) trong cùng tác phẩm nên không lập lại trong bài này.
Chúng ta nên lưu ý đây là mục tiêu dài hạn, ngoài mục tiêu này chúng ta nên có những mục tiêu ngắn hạn hơn như mục tiêu mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm...Nên nhớ đối với mục tiêu ngắn hạn chúng ta không nên đặt mục tiêu cao khó thực hiện. Trước tiên nên đặt mục tiêu dễ đạt và sau đó nếu đã đạt được sẽ từ từ nâng cao hơn. Người dịch nhớ có nhiều nhà chuyên môn cho biết: việc đạt được mục tiêu giúp chúng ta phấn khởi, trở nên tích cực hơn và giúp chúng ta yêu đời hơn, thấy cuộc sống vui vẻ hơn, và nhờ đó mà trẻ trung hơn.
Ngoài ra, người dịch còn thích và thường tự nhủ: “Có bắt đầu bước đi thì có thể đến, xác suất đến được là 50%; không bắt đầu bước đi là chắc chắn không bao giờ tới, chọn cái nào?” May mắn thay, trời cho con người chúng ta được 2 lần để có thể sống đẹp.
Nguyễn Sơn Hùng
Viết xong ngày 25/5/2023
Ghi chú
(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
(3) Hirakushi Denchuu 平櫛田中(1872~1979):Tên thật là Takutarô. Cho đến trên 50 tuổi vẫn còn phải khổ cực trong cảnh ngộ nghèo khó. Ông có 3 người con nhưng 2 người qua đời vì bệnh lao. Ông để lại những lời sau: “Con người có thể chịu đựng với nghèo khó nhưng không có gì đau khổ bằng việc mất con”, “tôi phải mất 3 năm mới hết đổ lệ”. Tác phẩm “Ấu Nhi Cẩu Trương Tử” ông đã lấy hình ảnh con trai trưởng ném đồ chơi cho con chó tên Trương Tử làm mẫu. Tác phẩm “Tầm Ngưu” là tác phẩm trước khi ông qua đời. Tầm Ngưu là giai đoạn đầu tiên của tác phẩm thi họa “Thập Ngưu Đồ”, tác giả là thiền tăng Khuếch Am廓庵 để diễn tả 10 giai đoạn tiến tới ngộ của thiền đạo.
(4) Nguyệt san PHP: tạp chí phát hành hàng tháng của viện nghiên cứu PHP.
(5) Nội dung quá ngắn nên hơi khó hiểu hoặc có thể người dịch không diễn tả hết hoặc sai nội dung tác giả muốn truyền đạt. Có thể ý ông muốn nói là không diễn tả được “hồn”, mặt tinh thần mà đối tượng ông điêu khắc truyền đạt.
(6) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
(7) Matsushita Kônosuke (1984): Thí dụ: Bài 13 “CÔNG VIỆC VÀ VẬN MỆNH”, trong NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản.
https://diendankhaiphong.org/
Hirakushi Denchuu (1872~1979)
TRÊN ĐỒI HOA TRẮNG,ĐÂU RỒI ĐƯỜNG HÀM NGHI ƠI! - Thơ Hathuthuy (SPSG )
1./ TRÊN ĐỒI HOA TRẮNG
Giữa rừng hoa cà phê thơm ngát
Bỗng nghe hồn mình thơ dại lại
Trời cao nguyên nắng vàng ngào ngạt
Lẫn dịu dàng hơi lạnh lay phay.
Muốn úp mặt vào ngàn hoa trắng
Tìm giọt sương ướp mật hương trời
Nếm một chút ngọt ngào sâu lắng
Trải dấu yêu vào nắng rạng ngời
Hoa cỏ chạm vào nhau khẽ hát
Trời Di Linh dìu dặt gió về
Ru êm êm ngàn hoa xào xạc
Bài thơ tình một thuở đam mê.
Lùa đôi tay vào ngàn hoa trắng
Nghe thiên nhiên rót mật đầy hồn
Cây một đời thủy chung cùng đất
Đất cả đời cho hết nụ hôn.
Hoa cà phê êm đềm khép mắt
Giữa hoang sơ trầm mặc mây ngàn
Chan yêu thương hoàng hôn ngây ngất
Thả trăm ngàn giọt mật miên man.
hathuthuy
2./ ĐÂU RỒI ĐƯỜNG HÀM NGHI ƠI!
Khi đi qua con đường đầy nắng đổ
Có dòng sông dào dạt sóng rì rào
Có hàng cây chim tụ về làm tổ
Có hoa chuông vàng vẫy gió lao xao.
Bỗng rất nhớ đường Hàm Nghi ngày cũ
Cùng bạn bè đùa nghịch tiếng cười vui
Thời gian qua... Thơ ngây không còn nữa
Con đường xưa...Mang tên khác mất rồi.
Những nhà cổ dọc sông Đồng lộng gió
Giờ trở thành hàng quán...Mất hồn xưa
Đường im mơ... Bỗng ồn ào xe cộ
Tháng năm dài... Thơ dại đã hoàng hôn.
hathuthuy
Mời Xem :
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)