25 thg 11, 2023

CỤ QUÁCH TẤN, CỤ ĐÀO DUY ANH VÀ THẦY TUỆ SỸ -HT Thích Phước An *

                                          Chùa Hải Đức trên đồi Trại Thủy, Nha Trang.

 Vào những tháng cuối năm 1975 và tiếp đến những năm 1976 và 1977, theo chỗ tôi biết, đó là những năm tháng buồn bã nhất trong cuộc đời của Quách Tấn. Bạn bè cũ, một số đã ra đi, một số còn ở lại thì sợ “tai vách mạch rừng” nên ít ai dám lui tới để trò chuyện, tâm sự, mặc dù có quá nhiều chuyện để mà tâm sự với nhau.
Lúc ấy anh Tuệ Sỹ vẫn còn ở Nha Trang, chùa lúc ấy cũng chẳng còn chuyện gì để làm, nên anh Tuệ Sỹ và tôi vẫn thường xuống nhà thăm Quách Tấn, thỉnh thoảng ông cũng lên chùa thăm lại. Những lần viếng thăm như vậy đã an ủi tâm hồn ông rất nhiều, nhất là trong hoàn cảnh cô đơn và đầy bất an như lúc ấy. Một bữa nọ ông có trao cho anh Tuệ Sỹ và tôi một bài thơ:
Bạn thơ nay chẳng còn ai
Tới lui trò chuyện chỉ vài nhà sư
Chung trà hớp ngụm vô tư
Chia tay nhìn bóng thanh hư gởi lòng.
Riêng với Tuệ Sỹ, mặc dù tuổi tác khá chênh lệch nhau. Tuệ Sỹ đến sau Quách Tấn gần nửa thế kỷ, nhưng Quách Tấn vẫn một mực quý trọng tài hoa và nhất là tư cách của Tuệ Sỹ. Tôi nhớ có một lần ông đã nói với tôi rằng, ở Việt Nam có hai tác phẩm viết về Tô Đông Pha (một đại thi hào nhà Tống của Trung Quốc), một của Nguyễn Hiến Lê và một của Tuệ Sỹ. Nhưng theo ông, Nguyễn Hiến Lê chỉ mới đứng từ xa mà nhìn ngọn Lô Sơn, còn Tuệ Sỹ thì mới đích thực là kẻ đã vào được “thâm xứ” ấy.
Quách Tấn là một nhà thơ, mà nhất là một nhà thơ rành rẽ về thi ca Trung Quốc, thì lời nhận định của ông tất nhiên phải có giá trị lớn rồi. Nhân đó, tôi cũng cho ông biết rằng, vì Tuệ Sỹ là một nhà thơ, một nhà thơ mà viết về một nhà thơ thì tất nhiên phải hay hơn một học giả viết về thi ca vậy. Quách Tấn rất đỗi ngạc nhiên khi biết Tuệ Sỹ cũng có làm thơ. Vì từ lâu ông chỉ biết Tuệ Sỹ là một nhà Phật học, một dịch giả vậy thôi.
Khi Đào Duy Anh lần đầu tiên từ Hà Nội vào Nha Trang đến thăm Quách Tấn, ông hỏi ý kiến Quách Tấn là ai là người mà ông nên đến thăm? Quách Tấn trả lời ngay: Tuệ Sỹ, chỉ có Tuệ Sỹ là người đáng thăm nhất. Và ông Đào Duy Anh đã leo núi lên chùa Hải Đức để thăm Tuệ Sỹ. Cuộc trò chuyện hơn hai tiếng đồng hồ tại chùa Hải Đức. Tôi vẫn còn nhớ là Đào Duy Anh đã tỏ ra rất tiếc khi ở ngoài Bắc mấy chục năm mà ông vẫn không có tác phẩm “Essay Zen Buddhism” của D.T. Suzuki để đọc, đến khi vào Nam thì ông mới đọc được bộ “Thiền luận” do Tuệ Sỹ dịch từ tiếng Anh của D.T. Suzuki, trong khi ông biết là tác phẩm đó đã chinh phục thức giả Tây phương từ lâu rồi. Ông công nhận là một sự muộn màng đáng tiếc.
Khi tiễn Đào Duy Anh xuống núi, ông cứ đi một đoạn là dừng lại bắt tay anh Tuệ Sỹ, những cái bắt tay rất chặt. Cứ như vậy ông bắt tay cho đến khi xuống cuối dốc chùa mới thôi. Điều ấy chứng tỏ rằng Đào Duy Anh rất trân trọng về cuộc gặp gỡ này.
Sau đó, có lẽ không chịu đựng nỗi không khí ngột ngạt ở thành phố nên Tuệ Sỹ đã đi làm rẫy tại một khu rừng hẻo lánh ở thị trấn Vạn Giã, gần đèo Cả, cách Nha Trang khoảng sáu mươi cây số. Đây là thời gian anh làm thơ nhiều nhất. Hầu hết những bài thơ nói lên tâm sự u uẩn của chính mình và cho cả quê hương đất nước đều được anh làm tại nơi núi rừng heo hút này. Tỷ như:
Quê người trên đỉnh Trường Sơn
Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu
Hoặc:
Trong mắt biếc mang nỗi buồn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương
Đúng là tâm hồn của kẻ sĩ, nếu có hờn có trách thì chỉ hờn và trách mình thôi, còn đối với con người, đối với cuộc đời thì vẫn yêu thương nồng nàn.
Làm rẫy một thời gian thì bỏ vào Sài Gòn, dấn mình vào một cuộc “Lữ” khác. Cuộc “Lữ” này trầm trọng hơn những cuộc “Lữ” trước đó. Ít lâu sau, Quách Tấn cũng rơi vào trường hợp tương tự, nhưng ông chỉ bị một thời gian ngắn thôi, có lẽ nhờ đến tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Quách Tấn hiện đang đi chơi xa và không bao giờ trở về nữa. Tôi cứ tưởng tượng ông đang đứng nhìn một cây mai nở rộ trên một hòn núi cao nào đó, điều mà khi còn sống ông rất khát khao nhưng không bao giờ thực hiện được, như có lần ông đã đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông:
Tìm về núi cũ xem hoa nở
Mộng bén ngàn xa hạc điểm canh
Những lúc ngồi một mình nhớ Quách Tấn và Tuệ Sỹ, tôi cứ bâng khuâng tự hỏi: Tại sao có những người muốn đem hết cả tấm lòng của mình để hiến dâng cho cuộc đời mà họ vẫn cứ bị cuộc đời đối xử một cách bất công? Vì tài hoa của họ chăng? Chữ tài đi với chữ tai một vần, như xưa nay ai cũng nghĩ như vậy. Theo tôi, quan niệm đó chỉ đúng một phần thôi, vì có biết bao nhiêu người tài hoa ở những nơi khác trên đời này, họ vẫn có hoàn cảnh, có điều kiện để đem tài hoa của họ ra mà hiến dâng cho cuộc đời?
Có một bài thơ của Quách Tấn, mà tôi nghĩ có thể tạm giải thích được. Ít nhất là trong trường hợp Quách Tấn và Tuệ Sỹ. Bài thơ ấy như thế này:
Bao phen bến hẹn đổi dời
Làng phong tao vẫn con người thủy chung
Gió lau thổi lạnh sóng tùng
Hương xưa thắm lại cụm hồng ngày xưa.
Phải chăng chỉ vì muốn “thủy chung” với “cụm hồng ngày xưa” ấy, mà Quách Tấn và Tuệ Sỹ phải chấp nhận số phận lao đao của mình?
Thích Phước An
(Nha Trang, mùa mưa 1996)
___________
* Nhan đề bài viết của Thích Phước An là “Theo Quách Tấn tìm về núi cũ xem mai nở”, đăng trên Tạp chí Hoa Sen (Tạp chí nghiên cứu Phật giáo và sáng tác – Garden Grove, CA), số 27, Xuân Bính Tý, tháng 2/1996; trang 18-31. Ở đây anh Nguyễn Hiền Đức chỉ trích mục 4 từ trang 28 đến 31, và đặt nhan đề. Nguồn: Hoa Sen, số 27. tháng 2/1996, tr. 28-31 (T.P.A.)

 
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng đứng tên trong danh sách mà cộng đồng quốc tế yêu cầu bãi bỏ án tử hình đối với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nay nhìn tấm hình này, người Phật tử Việt Nam không khỏi xúc động. Ngài luôn dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam. (Thich Thanh Thang).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét