15 thg 11, 2023

ĐỪNG ĐỂ ĐỒ VẬT PHẢI RƠI LỆ(Điều 21 )

Điều 21: Nên nghĩ rằng mọi vật trên đời đều có thể giúp ích cho đời sống con người và hàng ngày chúng ta nên quan tâm phát huy chúng, cách suy nghĩ tích cực này chắc chắn sẽ giúp cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn.) (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Tất cả mọi vật có trong đời này đều có ích lợi cho đời sống con người. Bạn nên có nhận thức căn bản này và nỗ lực phát huy từng mỗi vật (2).

Trong bài viết trước tôi đã trình bày, từ nhận thức căn bản rằng tất cả mọi vật trên đời này đều hữu ích cho đời sống con người, và do đó chúng ta cần nỗ lực cố gắng phát huy từng mỗi vật đến mức có thể làm được.

Như vậy để phát huy từng vật một, chúng ta cần phải có tư thế, cách nhìn và suy nghĩ như thế nào? Để phát huy được các vật, có bí quyết quan trọng gì không?

Về việc này, có một câu truyện đã xảy trước đây một thời gian mà tôi cảm thấy thú vị. Đó là truyện về người tên Sakata Sankichi 坂田三吉(1870~1946). Tôi nghĩ là có nhiều người biết về nhân vật này. Ông sinh ra vào đầu thời Minh Trị ở thành phố Sakai, thuộc phủ Osaka. Mặc dù cả đời không biết đọc, biết viết nhưng bằng tự học ông đã đạt được cấp bậc 8 của môn cờ tướng Nhật Bản (3), là một người thông đạt cờ tướng Nhật Bản đến mức sau khi qua đời đã được tặng cho danh hiệu Meijin (名人Danh Nhân), Ôshô (王将Vương Tướng) (4) của môn này.

Trong một vở kịch tên Ôshô (Vương Tướng) lấy cuộc đời Sakata Sankichi làm đề tài. Trong vở kịch này có một màn sau. Khi ông nhìn thấy nhân vật chính trong kịch đánh con cờ Ngân 銀 (nghĩa là bạc) (5) trên bàn cờ không đủ phát huy đủ chức năng của nó, ông lẩm bẩm: “Con cờ Ngân đang khóc”. Khi nghe lời lẩm bẩm này tôi cảm thấy rất thú vị và nghĩ rằng đúng là lời nói của meijin (danh nhân) khác với người thường.

Không cần phải nói, cờ tướng là trò chơi tuân theo những quy định nhất định, di động từng con cờ sao con cờ “vua”của đối thủ không còn đường để chạy tránh. Do đó để thắng cuộc, người đánh cờ cần phải biết rõ điểm mạnh và đặc điểm của mỗi con cờ và phát huy tối đa những điểm mạnh và đặc điểm của chúng. Tôi nghĩ người mà bất cứ trường hợp nào cũng có thể chắc chắn làm được việc nói trên thì được gọi là meijin (danh nhân), được xem là  giỏi.

Nhân vật Sakata Sankichi có lẽ mỗi khi đánh cờ đều đem hết tâm huyết vào việc nói trên (việc phát huy tối đa điểm mạnh và đặc điểm của mỗi con cờ). Có lẽ bởi vì chính có được như vậy, ông mới thấy được con cờ Ngân khóc khi không được sử dụng đúng điểm mạnh và đặc điểm của nó trên bàn cờ.

Dĩ nhiên, trình độ đánh cờ tướng của tôi chỉ ở mức biết quy định về cách đi của các con cờ. Do đó tôi nghĩ thật là rất thất kính cho việc tự ý giải thích lời nói của một người tài giỏi đánh cờ như Sakata Sankichi.

Tuy nhiên, nếu thử xem xét theo thể nghiệm của tôi đã có đến nay, phải chăng giải thích trên nhất định không sai. Và tôi cảm thấy rằng việc có tư duy, nguyện vọng nghiêm chỉnh và thái độ tương tự đối với đồ vật không biết nói, như Sankichi không những trong giới cờ tướng mà ngay cả trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của chúng ta phải chăng cũng quan trọng?

Tôi nói như trên bởi vì trong quá trình tôi liên tục làm việc cho đến nay, không ít trường hợp tôi cảm thấy những đồ vật mà tôi chế tạo thử như muốn nói gì, muốn bày tỏ với tôi điều gì. Những lúc có được như vậy là những lúc tôi trút hết tâm tư vào công việc một cách rất nghiêm chỉnh và tôi nghe được tiếng nói của những đồ vật không biết nói. Tôi nghĩ rằng những trường hợp như vậy hầu hết các đồ vật làm thử thật sự là những sản phẩm được hoàn thành tốt.

Chúng ta có thể suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ có trên đời này có những đặc tính, đặc sắc cá biệt của mỗi thứ giống như các con cờ của cờ tướng, và chúng đang chờ đợi để giúp ích cho sinh hoạt đời sống của chúng ta. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhận thức đúng tính chất, giá trị của mỗi vật, và ứng với giá trị của chúng, chúng ta ứng xử thích hợp, không quá đáng dư thừa và cũng không thiếu sót, việc chúng ta thật sự phát huy các đồ vật là quan trọng. Phải chăng chính việc có nhận thức và làm như vậy, đời sống sinh hoạt của chúng ta sẽ được nâng cao lên?

Tôi nghĩ rằng để không làm cho đồ vật phải than khóc, chúng ta hàng ngày nên để ý quan tâm nỗ lực phát huy mọi vật, mọi thứ với tinh thần nghiêm chỉnh như nhân vật Sakata Sankichi.

Nguyễn Sơn Hùng, 22/1/2023

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nhận xét của người dịch

Chúng ta hãy thử suy nghĩ, xem xét tại sao tác giả khuyên chúng ta nên quan tâm phát huy tối đa những ưu điểm và đặc tính của đồ vật, ngay cả một thứ vô tri vô cảm giác?

Bởi vì trong bài 27 tác giả nói đời người là hoạt động của sản xuất và tiêu thụ bao gồm cả 2 mặt tinh thần và vật chất. Để có một cuộc đời có hiệu và ý nghĩa, nghĩa là đáng sống, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện có hiệu quả tốt của 2 công việc này, chỉ có thế, rất đơn giản. Để thực hiện có hiệu quả tốt là chúng ta cần phải có quan tâm để ý, càng nhiều càng tốt. Và để có hiệu quả tốt thì một khi đã quyết định làm thì suy nghĩ, xem xét làm thế nào để phát huy tối đa việc đang làm. Một khi đối với đồ vật chúng ta đã tập luyện có được thói quen thường xuyên như vậy sẽ giúp đỡ nhiều cho chúng ta trong việc dùng người. Đó là lời giải đáp của người dịch đối với câu hỏi nêu trên. Theo thể nghiệm của người dịch ở lâu năm tại Nhật Bản, phải chăng nhờ nhận thức và thực hiện như tác giả nói mà người Nhật có rất nhiều  người thợ có kỹ năng dẫn đầu thế giới trong ngành nghề chuyên môn của họ?

Một đặc điểm khác của sản phẩm Nhật Bản là rất tiện lợi và dễ dàng sử dụng. Thí dụ họ đã làm sẵn các đầu mối để người sử dụng chỉ cần nắm kéo thì có thể mở gói hàng không phải dùng dao kéo. Ngày nay việc đã trở thành khá phổ thông. Do đó, mỗi khi chúng ta sử dụng dụng cụ hay làm việc gì nếu gặp phải điểu khó khăn hoặc không tiện lợi, chúng ta thử suy nghĩ, xem xét cách giải quyết ra sao. Đây cũng là một cách áp dụng lời khuyên của tác giả.

Tuy nhiên nên lưu ý rằng nghĩa ra ý tưởng cải tiến đã khó nhưng việc thực hiện ý tưởng đã nghĩ ra cũng không phải dễ. Hôm qua người viết tình cờ xem một chương trình truyền của đài NHK biết rằng có hiệp hội tổ chức buổi giới thiệu các sản phẩm sáng kiến của người thường để các xí nghiệp đến tham gia và xem xét có thể sản xuất bán ra thị trường không. Đây là cách làm tốt cho cả người đề xuất và xí nghiệp sản xuất.

Nguyễn Sơn Hùng

Viết xong 19/4/2023

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Cấp bậc của cờ tướng Nhật Bản có 2 loại: dan 段 (âm Hán Việt là đoạn) ở đây dịch là đẳng, kyu 級(âm Hán Việt là cấp) ở đây dịch là cấp. Số của đẳng càng lớn thì càng giỏi; cấp thì ngược lại, số càng nhỏ thì càng giỏi.

Người đánh cờ (kỳ sĩ) có chuyên nghiệp và nghiệp dư. Trong kỳ sĩ chuyên nghiệp tùy theo nam nữ mà phân chia đẳng cấp khác nhau. Đối với nghiệp dư phân chia đẳng cấp cũng khác với chuyên nghiệp.

– Kỳ sĩ (nam): đẳng 9~ sơ đẳng; cấp 1~6.

– Kỳ sĩ (nữ, gọi là jyôryu, âm Hán Việt là nữ lưu): đẳng 7~ sơ đẳng; cấp 1~2.

– Nghiệp dư: đẳng 7~ sơ đẳng; cấp 1~10.

Cấp 6 của kỳ sĩ (nam) tương đương đẳng 3~5 của nghiệp dư. Cấp 2 của kỳ sĩ (nữ) tương đương đẳng 2~4 của nghiệp dư.

(4) Danh xưng (title) của cờ tướng Nhật Bản có 8 cấp bậc như sau theo thứ tự: Ryuô竜王 (Long Vương), Meijin名人 (Danh nhân), Ôi 王位 (Vương Vị), Ôza 王座 (Vương Tọa), Kiô棋王 (Kỳ Vương), Eiô 叡王 (Duệ Vương), Ố shyô王将 (Vương Tướng), Kisei 棋聖 (Kỳ Thánh).

Hiện nay có một kỳ sĩ (đẳng 9) thiên tài mới xuất hiện là cậu Fujii Sôta 藤井 聡太 (Đằng Tỉnh Thông Thái) sinh năm 2002 là người thứ hai trẻ nhất (20 tuổi 8 tháng) đạt 6 danh xưng: Vương Tướng, Long Vương, Vương Vị, Duệ Vương và Kỳ Thánh (vào thời điểm tháng 3 năm 2023).

Người đầu tiên trẻ nhất là kỳ sĩ (đẳng 9) Habu Yoshiharu 羽生善治 (Vũ Sinh Thiện Trị) sinh năm 1970.

(5) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

Ảnh nn

 

 Mời Xem Diều 20  KHÔNG CÓ VẬT GÌ VÔ DỤNG (Điều 20 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét