12 thg 11, 2023

TỰ KỶ QUÁN CHIẾU (Điều 19 ) - Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*) Nguyễn Sơn Hùng dịch

(Điều 19: Quan sát khách quan bản thân như quan sát người ngoài giúp nắm rõ các đặc tính con người chúng ta để sống hạnh phúc. Các nhân vật có sự nghiệp to lớn có thói quen phản tỉnh việc làm của họ mỗi ngày) (2)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Nên biết đúng năng lực và năng khiếu của bản thân. Bằng cách bình tĩnh quan sát bản thân từ bên ngoài với thái độ như tiếp xúc với người ngoài.(3)

                                           Itô Jinsai (Y Đằng Nhân Trai)

Tôi nghĩ rằng để chúng ta có thể sống một cuộc sống viên mãn (cuộc sống có nội dung thật sự) (4), một điều chúng ta cần phải thực hiện là hiểu rõ bản thân của chính mình, nghĩa là chúng ta cần phải nắm đúng các đặc tính, các năng khiếu và năng lực của chúng ta v.v…. Nếu chúng ta nắm đúng con người của chúng ta, chúng ta sẽ không tự kiêu và cũng không tự ti (tự đánh giá mình thấp), chúng ta sẽ dễ dàng phát huy năng lực và đặc sắc mà chúng ta có. Tôi nghĩ rằng từ đó dạng thức (phương thức, hình thái) thành công mà làm người nên có sẽ được hình thành.

Thí dụ ở đây có một người là chủ nhân của một tiệm buôn. Nếu người chủ này không rõ năng lực, năng khiếu của ông, và cũng khó có niềm tin để làm việc gì, ông chỉ để ý đến việc làm của người khác. Ông thấy tiệm buôn bên cạnh tu sửa, cải trang nên nghĩ mình cũng làm thử xem sao. Hoặc có một tiệm buôn khác thành công do việc mướn nhiều nhân viên nên ông cũng muốn làm theo. Nếu làm như thế, tiệm buôn của người khác thành công nhưng tiệm của bản thân mình không được như vậy, là việc thường xảy ra. Nguyên nhân là do họ bị việc làm của người khác lôi cuốn mà làm những việc không thích hợp với năng khiếu và khả năng của bản thân, nên quên mất đạo lý (quy luật) của sự vật. Nếu lập đi lập lại những việc làm như vậy, kết cuộc tiệm buôn có thể phải phá sản.

Tuy nhiên, nếu người chủ nhân tiệm buôn nắm rõ bản thân của mình, khi tiệm buôn khác làm như vậy thì ông dùng phương pháp phù hợp với tiệm buôn của ông, và tôi nghĩ ông có thể làm tiệm buôn trở nên phồn vinh thịnh vượng. Dĩ nhiên, dù biết rõ con người của bản thân nhưng nếu không có hành động thích hợp với việc muốn làm thì không thể làm tiệm buôn phồn vinh thịnh vượng. Nhưng nếu biết rõ năng lực và năng khiếu của bản thân, chúng ta sẽ trở nên quan tâm để ý việc phát huy chúng vào thực tế, và tôi nghĩ rằng nếu làm được như vậy chúng ta thường có được thành công.

Ở bài nói về thiên phận (Bài 5), tôi đã trình bày qua, việc chúng ta tự biết bản thân khó hơn chúng ta nghĩ. Bởi vì là việc của chính bản thân nên đáng  lẽ chúng ta biết rõ hơn ai hết nhưng trên thực tế hoặc chúng ta không phát hiện ra hết các điểm tốt của chúng ta hoặc chúng ta đánh giá quá đáng khả năng của chúng ta; việc này việc thường có.

Tuy nhiên, mặc dù khó khăn nhưng chúng ta cần nên nỗ lực cố gắng nắm rõ và đúng bản thân của chúng ta. Để làm được, chúng ta nên làm thế nào?

Đối với việc này, bản thân tôi cũng áp dụng và tôi cũng khuyến khích người khác phương pháp “tự kỷ quán chiếu”. Nội dung phương pháp này ra sao? Là thử tự mình bình tĩnh quan sát con người của mình từ bên ngoài với thái độ như khi chúng ta tiếp xúc với người khác. Nói cách khác, chúng ta bước ra khỏi con tim (nghĩa là tình cảm) của chúng ta, và bằng con tim (tinh thần) trong trạng thái như vậy (nghĩa là bằng thái độ khách quan) để quan sát, nhìn kỹ con người của chúng ta.

Dù nói vậy, nhưng trong thực tế chúng ta không thể lấy con tim của chúng ta ra ngoài. Tuy nhiên, với tâm tình như thể chúng ta đã đem con tim ra ngoài con người của chúng ta để nhìn kỹ con người của chúng ta một cách khách quan. Phương pháp này tôi gọi là “tự kỷ quán chiếu”, và nghĩ rằng với phương pháp này chúng ta có thể tương đối nắm rõ được con người của chúng ta.

Từ xưa người đời thường nói “người leo núi không thấy được núi”. Nghĩa là người leo núi Phú Sĩ sẽ không thấy được toàn thể hình dạng của một núi Phú Sĩ tuyệt đẹp mà chỉ thấy toàn là hang lỗ và đất đá. Do đó, cần phải cách xa núi và nhìn núi từ xa chúng ta mới thấy được hình thể toàn bộ của núi. Tôi nghĩ rằng để tự mình tìm hiểu con người của bản thân cũng phải tương tự như thế.

Dù cho chúng ta không ý thức nhiều nhưng phải chăng trong đời sống thực tế chúng ta cũng thực hiện tự kỷ quán chiếu nhiều lần. Thí dụ khi chúng ta tập trung hết tinh thần vào thảo luận hoặc công việc, do nhịp điệu hoặc sự ăn khớp gì đó, chúng ta đột nhiên tự phản tỉnh công việc chúng ta đang làm. Tôi nghĩ rằng điều này là do chúng ta tự nhìn chúng ta như một người thứ ba. Tôi nghĩ thỉnh thoảng chúng ta tự mình ý thức thực hiện tự kỷ quán chiếu là quan trọng.

Nếu chúng ta làm như nói trên, dù cho chúng ta không đạt tới mức hoàn toàn nhưng chúng ta có thể nắm rõ đúng được một phần nào thiên phận, năng lực và năng khiếu của bản thân, phải chăng để rồi từ đó con đường phát huy đúng thật những đặc tính của bản thân và con đường thành công của làm người sẽ mở rộng ra.

Nguyễn Sơn Hùng, 18/12/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nhận xét của người dịch

Sống hợp với đặc tính con người của bản thân mới thật sự cảm thấy hạnh phúc vui vẻ là điều đương nhiên dễ hiểu. Tuy nhiên nhiều khi do bị nhiều thứ chung quanh lôi cuốn, chúng ta quên hẳn điều này, nhất là lúc trẻ. Cũng có trường hợp vì mong muốn được thành công hoặc thuận lợi, chúng ta đầu tư nhiều thời giờ và công sức để tìm hiểu người khác nhưng lại không hoặc rất ít tìm hiểu về bản thân.

Trong Bài 5 Tự Tìm Ra Thiên Phận tác giả đã đề cập sự quan trọng của việc biết rõ những đặc tính con người của bản thân, bài viết này tác giả giới thiệu cụ thể một phương pháp “tự kỷ quán chiếu” để chúng ta có thể tự tìm ra thiên phận của chúng ta. Một từ khác mà chúng ta thường gặp hơn là “phản tỉnh” hay “tự kiểm”, “tự xét mình”.

Trong sách “Để Có Được Tâm Tự Nhiên (sunao na kokoro)” của Matsushita Kônosuke do Viện PHP xuất bản năm 1976, 2004, 2006, tác giả đã giới thiệu “tự kỷ quán chiếu” và “phản tỉnh mỗi ngày” là hai trong 10 điều thực tiễn để nuôi dưỡng tâm tự nhiên. Ngoài ra, còn có “Mong muốn mạnh mẽ có được tâm tự nhiên”, “Học người đi trước” và “Gần gũi thân thiện với thiên nhiên”. Người dịch nghĩ rằng đây là 5 điều quan trọng để nuôi dưỡng tâm tự nhiên.

Người dịch rất ngạc nhiên khi đọc Bài 56 quyển trung tác phẩm Đồng Tử Vấn của Itô Jinsai (5) viết “Trọng yếu của học vấn (của Khổng Mạnh) là phản tỉnh (6). Ngạc nhiên bởi vì trong quá trình tìm hiểu Shibusawa Eiichi, nhân vật được người Nhật Bản xem là cha đẻ xây dựng nền tảng tư bản của đất nước họ, và Matsushita Kônosuke, nhân vật được người Nhật Bản xem là vị thánh của kinh doanh, người dịch biết cả 2 nhân vật này đều rất xem trọng công việc phản tỉnh, và người dịch tin chắc rằng đây là một trong các nguyên nhân giúp 2 nhân vật này xây dựng được sự nghiệp to lớn không những hữu ích cho bản thân mà còn hữu ích cho xã hội. Xét ra cái học Khổng Mạnh mà Jinsai đã cho biết, đúng là rất thực dụng và hữu ích.

Nhân dịp này người dịch cũng xin được giới thiệu một đặc sắc khác của Jinzai. Trong Bài 57 của cùng sách nói trên, ông viết: “Không có khác biệt giữa phản tỉnh và trung thứ忠恕 (7). (Tỉnh lược một đoạn). Do đó, Khổng tử, Tăng tử chuyên nói về trung thứ, và Mạnh tử chuyên đề cập về phản tỉnh.

Trong sách Luận Ngữ và Bàn Tính của Shibusawa Eiichi ông cho biết: Nếu buổi tối trước khi ngủ của hôm trước ông không thực hiện được việc phản tỉnh thì buổi sáng hôm sau ông làm ngay! Ôi, một người như vậy thì làm sao không thành công?

Matsushita Kônosuke cho rằng “gương 鏡”, một trong 3 thần khí của tổ tiên Nhật Bản truyền lại cho con cháu đời sau, là tiêu biểu cho sự phản tỉnh. Ông cũng chủ trương 3 tinh thần truyền thống của Nhật Bản là 1) giữ thủ tọa (địa vị trên hết trong nhóm), 2) quý trọng hòa (hòa thuận, hòa hợp) và 3) tập hợp chúng trí (trí tuệ của nhiều người). Theo Eiguchi Katsuhiko (đệ tử trực tiếp của Matsushita và nguyên Giám đốc của viện PHP) việc “giữ thủ tọa” có liên quan đến “phản tỉnh”.

(Viết xong ngày 3/3/2023)

Ghi chú

(1) Tự kỷ quán chiếu: tự mình quan sát bản thân mình để khách quan nắm rõ hiểu rõ bản thân mình là con người như thế nào. “Quán chiếu” vốn là từ trong Phật học, nghĩa là dùng trí tuệ chân thật để tìm thấy quy luật chi phối sự vật. Trong ngôn ngữ thông thường được dùng với ý nghĩa “xem xét sự vật một cách khách quan”.

Một từ khác mà chúng ta thường gặp hơn là “phản tỉnh”, tự nhớ lại những gì mình đã làm, xem xét những gì đúng, hay những gì sai, dở. Đối với điều hay thì tại sao hay và làm thế nào để hay hơn, hiệu quả hơn. Đối với điều sai thì làm thế nào để sửa và nên làm thế nào để lần sau làm đúng làm có kết quả tốt. Matsushita Kônosuke dùng “tự kỷ quán chiếu” cho việc hiểu rõ, nắm rõ những đặc tính con người của bản thân. “Phản tỉnh” dùng cho việc xem xét các ưu khuyết điểm của các việc làm hàng ngày của mình để tu sửa hoặc phát huy hiệu quả hơn.

(2) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

  1. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  2. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(5) Itô Jinsai (Y Đằng Nhân Trai伊藤 仁斎(1627~1705): người lập ra phái Cổ Nghĩa học của Nhật Bản. Ông mới đầu theo Chu tử học nhưng về sau phát hiện nhiều điểm giải thích sai Khổng Mạnh học của Chu tử. Ông cho rằng sách Luận Ngữ là “thiên hạ đệ nhất thư” và sách Mạnh Tử là sách giải thích Khổng học, đặt trọng tâm vào “nhân nghĩa”. Sách Luận Ngữ chỉ đặt trọng tâm vào việc giáo dục thực tiễn không quan tâm đến việc giải thích hoặc lý luận, lý thuyết. Các tác phẩm chính của ông là: Luận Ngữ Cổ Nghĩa, Mạnh Tử Cổ Nghĩa, Ngữ Mạnh Cổ Nghĩa, Trung Dung Phát Huy, Đồng Tử Vấn, Cổ Học Tiên Sinh Văn Tập.

(6) Sách Đồng Tử Vấn cũng như sách Mạnh Tử gọi “phản tỉnh 反省” là “phản cầu反求” (tìm ngược lại).

(7) Trung忠: tận hết sức mình, dốc lòng.

Thứ恕: suy đoán ý nghĩ, tâm tình của người khác. Suy từ lòng mình mà biết lòng người khác, từ đó biết được “mình không muốn điều gì thì người khác cũng không muốn điều đó”.

Bài số 15, thiên 4 Lý Nhân của sách Luận Ngữ viết:

“Tử viết: “Sâm hồ! Ngô đạo nhất dĩ quán chi”. Tăng tử viết: “Duy”. Tử xuất, môn nhân vấn viết: “Hà vị dã?” Tăng tử viết: “Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ.”

Dịch của Nguyễn Hiến Lê (sách Khổng Tử và Luận Ngữ): Khổng tử nói: “Sâm này! Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả”. Tăng tử thưa: “Dạ.” Khổng tử ra rồi, các môn sinh khác hỏi Tăng tử: “Thầy muốn nói gì vậy?” Tăng tử đáp: “Đạo của thầy chỉ có trung, thứ mà thôi”.

Giải thích của Jinsai (chỉ trích dẫn một phần) : “Bởi vì “trung” là tận hết mình nên khi tiếp xúc với người thì thành thực không có lòng lừa đảo dối trá. “Thứ” là suy đoán lòng người khác nên đối với người khác thì khoan dung không có chỗ bạc tình, tàn khốc. Đã có được trung lại thêm được thứ thì có thể đạt được đức nhân. Há còn có con đường nào khác sao? Phu tử nói “Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả thảy”. Tăng tử lấy 2 chữ trung thứ mà giải thích đạo của Phu tử thật là chí lý thay!”

Mời Xem 
TIẾP TỤC VÀ NHẪN NẠI -MATSUSHITA Kônosuke (*)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét