Trích Giấc mộng con
của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
đăng lần đầu trên Ðông Pháp
thời báo, Sài Gòn, 1927
“. . .
Chỗ cụ Nguyễn Trãi ở cõi trên rất là thâm nghiêm. Mình nói anh gác cửa xin gặp, anh ta cho hay Cụ đã biết trước rồi nên đang ngồi đợi. Gặp Cụ, mình xưng danh là Hiếu, là người nước nhà ở hạ giới. Cụ mặt coi buồn rầu mà như ý trầm tư lắm và dậy:
– Anh Hiếu, tôi đương buồn, anh đến chơi cũng hay.
Cụ sai lấy bàn ghế và rượu ra uống. Mình từ tạ không dám ngồi. Cụ nói:
– Ở trên này không như dưới hạ giới, ai đã lên tới đây thời coi nhau tiên cả với cửa đóng, đầu non, đường lối cũ, nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Cụ cầm ve rượu rót cho mình và nói rằng:
– Cái này, tôi cũng không uống được mấy, nhưng buồn quá thì mượn nó để tiêu sầu. Anh say sưa nghĩ cũng hư đời, hư thời hư vậy, say thời cứ say thì cứ uống.
Uống một hai chén rượu, chỉ thấy cứ như thể buồn rầu nghĩ ngợi. Mình gợi chuyện:
–
Bẩm như Cụ công nghiệp như thế mà cái cảnh ngộ về sau không ra sao;
người nước ta sau này đọc sử đến chỗ đó của cụ, ai cũng phải lấy làm
buồn.
– Cái cảm giác của người đọc sử thế nào thời tôi không biết,
chỉ tiếc người ta không được tái sinh ở trần thế. Để nhìn thấy nước Việt
ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, mà bắc nam cũng khác… (Bình Ngô Ðại Cáo).
. . .”
***
Rồi Cụ ngâm khe khẽ thơ Tự thuật của Cụ:
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời na
Mà đem non nước làm rày chiêm bao.
Mình vừa tớp xong chén rượu trắng vừa lúc cụ ngâm hết bài thơ, Cụ rủ xuống hạ giới chơi. Trên đường rúc vào mây mà bay, gió thổi ù ù ong cả tai, mình gợi chuyện một là từ “sơn hà cương vực” của Cụ, mình chợt có ý viết Mê lộ mạn ký. Hai là qua giai thọai, Cụ 26 tuổi đang làm quan nhà Lê, gặp Thị Lộ xinh đẹp, Cụ ứng khẩu Ả ở đâu mà bán chiếu gon – Chẳng hay chiếu bán hết hay còn có thật chăng? Cụ vặc mình bà Thị Lộ mới 16 tuổi làm sao đi bộ từ làng Hời, Thái Bình tới Tây Hồ bán chiếu cho đặng? Mình rọ mồm trong chốn làng văn xóm chữ, mình có nghe nói tới cậu Ngộ Không, người Thái Bình vì lo văn ế đang bán văn dưới hạ giới. Nghe vậy, Cụ ậm ừ bà ta đâu có biết đằng vân giá vũ như Tôn Ngộ Không, hay như Cụ, vì vậy nào có chuyện bán chiếu.
Cụ góp nhóp lý sự gì mình chọn cái tựa đề “Mê lộ mạn ký“? Mình thật thà như đếm ăn mày chữ nghĩa từ tiêu đề Hạn mạn du ký (trong có bài thơ Hồ Trường) của Nguyễn Bá Trác. Tác giả gọi khiêm tốn mạn có ý là chuyện “phiếm”, hay ký để che đậy tâm sự…như thơ cụ với Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay. Hoặc gỉa như Nguyễn Tuân viết phiếm Tùy bút Phở với phở chín. Cụ nghe chuyện…“chín” rồi lậu bậu mà rằng Cụ chưa đọc mạn ký nên chả biết nhân vật chính là…anh Hiếu hay… cái anh Ngộ Không đây?
Vừa lúc chân chạm đất, mình đang ngơ ngác đây là đâu thì Cụ bảo: “Anh quanh năm luống những lo văn ế, thân thế xem thua chú hát trèo (sic)nên như phường chèo chả biết gì sất cả”. Cụ nói đây là đất Bằng Tường ở bên Tàu và thở hắt ra Cụ tiễn đưa thân phụ Nguyễn Phi Khanh tới nơi này: Mình ớ ra vậy chứ ải Nam Quan qua báo chùa, báo chợ bây giờ ở nơi nao? Cụ cách rách…cách đây khoảng 30 cây số về phía Đồng Đăng. Vừa lững thững đi, cụ vừa rì rầm là thằng tướng Tây Negrier, trong Ủy ban phân định biên giới Pháp-Thanh giật sập ải Nam Quan năm 1884 để xây cổng mới, sát với biên giới Việt Tàu. Tới ải mới gần thác Bản Giốc, Cụ nói cửa ải được thằng Tây dựng năm 1886. Theo ngón tay chỉ Cụ hỏi mình dẫy nhà sau đằng sau cổng Tàu xây theo kiểu Tây, cao hai tầng và hỏi mình trông có giống nhà thương Grall ở Sài Gòn không. Mình trả lời vừa vào Sài Gòn năm 1927, chưa có cơ hội….đau ốm để vào nhà thương nên không biết.
Qua cổng Tàu 100 thước có Chợ trời biên giới, mấy gã cửu vạn đang khiêng từ xe thồ xuống máy móc điện tử. Ðĩa lậu ở đâu mà nhiều thế, giá cả rẻ như bèo. Mình xúi dại Cụ mua một cái CD để nghe nhạc họ Trịnh Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi…Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam. Nghe rôi Cụ đủng đỉnh: “Anh gánh văn lên bán chợ trời sao dốt thế!”, Cụ mắng mình như té như tát vì mình gánh văn lên bán chợ trời thì phải biết trên trời không có…điện chứ.
Lóang một cái Cụ biến mất, ắt hẳn đây là chợ trời dương thế nên Cụ bị lạc, giờ mới về. Một gã cửu vạn hỏi: “Sao ông già đã trả thù dân tộc chưa?”. Nghe thủng rồi Cụ dấm dẳn: “Chuyện này trên trời không có đây!”. Nhân tiện mình hỏi Cụ trên trời có gì hay hớm chăng? Cụ cho hay là mình lên chơi thì quá đã, nhưng ở lâu thì chán lắm vì chỉ có tiên ông tiên bà bay…như mây bay. Nên chả vui như ở dưới trần ai một cõi này.
Cụ gọi gã cửu vạn có xe thồ chở cả hai tới Đồng Đăng…
Theo bước chân phù lãng nhân trong cõi ngu lạc trường, mình tới huyện lỵ chả thấy phố Kỳ Lừa qua ca dao Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Thêm câu Gánh vàng đi đổ sông Ngô là nghĩa lý gì. Bèn hỏi. Cụ hòm hõm bài ca dao Ai lên thú Lạng diễn tả tâm sự người lính thú kể lể việc gánh tượng bằng vàng thế mạng cho ông tướng Tàu bị giết ở ải Chi Lăng. Còn Ngô là nhà Đông Ngô thời Tam Quốc cai trị nước ta thời Bà Triệu, họ “ác ôn” như các cụ ta xưa có câu giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng nên ta gọi họ là giặc Ngô.
Từ Đồng Đăng xuống tới Lạng Sơn…
Xe thồ vưa leo lên cầu Kỳ Lừa bắt qua sông Kỳ Cùng, mình bị Cụ mắng cho rát mặt vì cái đáng hỏi lại không hỏi. Như dựa vào bia đá “Thế Tồn Bi Ký” đời Lê Huyền Tông, năm 1670, ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn ghi “Việt Nam hầu thiệt, trấn bắc ải quan, thạch bích hoàn vũ, Uyên quận giới phiên, Đồng Đăng linh ấp”. Thêm tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ 16, trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Lê Qúy Đôn trong bộ Vân đài loại ngữ cũng có câu: “Nay xét tục ngữ Việt Nam….”. Ngoài ra quốc hiệu Việt Nam có từ cuối thế kỷ 14, trong sách “Việt Nam thế chí “ do Hồ Tông Thốc biên soạn. Ngay cả cuốn Dư địa chí đầu thế kỷ 15 của Cụ nhiều lần nhắc đến 2 chữ Việt Nam. Cụ chép miệng cái bép mà rằng chữ Tàu không viết hoa 2 chữ Việt Nam mà là việt nam, thế nên người sau nên hiểu theo chữ quốc ngữ là đất đai phía nam đất Việt. Còn như Hồ Tông Thốc viết Việt nam thế chí thì tạm hiểu là sách ghi chép các đời vua phía nam đất Việt. Vì các vua triều Lý (1010-1225), Trần (1226-1400), Lê (1428-1527) tên nước ta là Đại Việt.
Xe tới Đông Anh, Bắc Ninh, hay Trấn Kinh Bắc xưa…
Gã cửu vạn chỉ một khúc tường hình chữ “L” nhô lên khoảng nửa thước giữa đồng không mông quạnh, vắng tanh vắng ngắt, nói khơi khơi nơi này là vùng ao đầm nhiều ốc, lại có làng tên Vọng Nhân nghĩa là “người ốc”. Nên dân làng gọi cái thành cũ kỹ trước kia là…”thành ốc”. Cụ hứ một cái chỉ ăn ốc nói mò vì đất này thời cổ thuộc Mường, người Mường cổ gọi là “Klu”. Người Việt đọc trại đi “Klu” là…”Cổ”, là:…Cổ Loa.
Cụ rị mọ cứ theo truyện thần kỳ Lĩnh Nam chích quái, An Dương Vương đánh vua Hùng lúc vua ta…“đang say rượu” lập nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa ở đây. Cụ bòn mót tiếp sử gia Hà Nội Trần Quốc Vượng luận về An Dương Vương khi thì có, lúc thì không, nên Cụ cũng không biết thành Cổ Loa có hay không nữa.
Cụ mặt mũi héo don vì sử Tàu, sử Ta cũng rối rắm lắm…
Theo sử Tàu, ở Ngô Gia thuộc Giang Tô có “Vương thành” của nước Việt (Câu Tiễn). Vương thành có 3 vòng thành, vòng thành trong hình chữ nhật. Với sử Ta, Cụ bớt hai thêm một khi Mã Viện sang xâm chiếm nước ta, họ xây 3 vòng thành, vòng trong cũng hình chữ nhật như…thành Cổ Loa để chống lại Hai Bà Trưng. Với huyễn sử, huyễn hoặc Cụ chẳng biết đâu mà lần
Nói rồi, móc cái “cùi bắp”, Cụ gọi thuê bao “xe con” xuôi Nam…
Qua sông Hồng, mình chỉ cầu Long Biên khoe mẽ kỹ thuật của ông Tây Doumer. Với Long Biên, Cụ nói nhịu Lý Nam Đế tự Lý Bí đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và đóng đô ở Long Biên. Năm 766, đế đô được rời về nơi nảo nơi nào chả ai hay.
Xe con qua sông Mã tới Thanh Hóa….
Chỉ hướng trước mặt, Cụ như lạc đường vào lịch sử vì quả thật hiếm có vùng đất nào như Thanh Hoá phát lên được tới ba dòng vua, hai dòng chúa như ở đất Thanh. Đó là vùng đất phát tích của nhà tiền Lê, hậu Lê, nhà Hồ; và là đất tổ của hai họ Trịnh Nguyễn.
Vào tới địa phận Quảng Bình…
Dọc theo Quốc lô 1, mình lõ mắt đi tìm sông Gianh…Làm như đi guốc vào bụng mình, Cụ cho hay phân chia đất của Trịnh-Nguyễn là thung lũng sông Ranh (tên dân gian) chứ chả phải sông Gianh (tên chữ). Theo Việt sử xứ đàng trong, Đào Duy Từ xin chúa Sãi đánh Bắc Bố Chính để rời ranh giới qua sông Ranh lấy Đèo Ngang làm ranh giới mới.
Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan, thấy Cổng Trời tên chữ là Cổng An Nam, hay Hoành Sơn Quan do Minh Mạng xây năm 1833. Bỗng không Cụ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Nhưng mình chả thấy con cuốc nào? Đất sinh cỏ già sinh tật, mình lại có tật ôm rơm rặm bụng chả hiểu cụ vua Minh Mạng xây cái Cổng Trời làm khỉ mốc gì chả biết nữa?
Rời Quảng Bình vào Quảng Trị…
Bỗng Cụ hỏi mình có biết tích “Ngũ phụng tề phi” chăng? Mình đáp: “Dạ thưa biết” thì Cụ phạng ngay: “Biết khỉ gì” và nói hãy đếm 5 “Quảng” thử coi. Mình đếm chỉ có 4 quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi (Quảng Tín ở Quảng Nam thời 75, nay không còn nữa). Còn thiếu quảng thứ 5? Tính hỏi Cụ thì…
Thì vừa lúc vượt qua bến Hói mà thằng Tây nghe lạng quạng sao đó ghi vào sổ bộ là sông Bến Hải . Lúc này Cụ mới vắn hai dài một: Quảng Trị là đất châu Ô, còn Quảng Đức tức Thừa Thiên là châu Rí, quà cưới của Chế Mân để lấy Công Chúa Huyền Trân.
Cụ rủ mình tạt vào thăm Huế ở Thừa Thiên, hay Thuận Hóa cũ…
Ngỡ đi ngay, Cụ bảo ngồi lại quán nước bên đàng để cụ ngắm thành cổ Quảng Trị do Minh Mạnh xây sau khi Gia Long hợp nhất Đàng Ngòai và Đàng Trong vào một cõi. Đến trần ai khoai của này mình có “cảm giác” cụ vua Minh Mạng rõ rối chuyện với cỗng quan, thành quách, cửa ải. Thảng như Cổng An Nam, hay Hoành Sơn Quan ở đèo Ngang, nay đến Thành Quảng Trị. Ít nữa qua đèo Hải Vân lại gặp cửa ải “Hải Vân quan”, bên cạnh còn bia đá với biển đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Mà đệ nhất hùng quan đâu chả thấy, mình chỉ thấy Hải Vân quan như…cái lô cốt của Tây.
Phú Xuân hay Huế ở Thừa Thiên…
Đột nhiên, Cụ moi cái điều cày ra thông điếu. Mình bật ngửa ra chả hiểu Cụ thửa cái điều cày ở chợ trời biên giới từ hồi nào không hay. Cả hai điếu động quan, điếu hạ thủy, mình như người cưỡi khói theo mây đẩy đưa hương tàn khói lạnh với Cụ:
Năm 1972, Mùa hè đỏ lửa có một cuộc chiến trang Nam Bắc như chúa Trịnh với chúa Nguyễn đánh nhau ở đây để thành Quảng Trị thành phế tích. Để khúc đường từ Quảng Trị thở thành…Đại lộ Kinh Hòang.
Không hay biết mình đang trong cõi mụ mị, Cụ bắn một bi thuốc lào ròn tanh tách. Đợi Cụ nhấp ngụm chè xanh xong, mình hỏi Cụ về tên kinh đô Huế. Cụ cho hay năm 1803 Gia Long lập kinh đô ở Phú Xuân. Chữ Huế từ chữ Hóa của Thuận Hóa, vì kỵ húy ông Nguyễn Nạp Hóa, con của ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Bặc nên đọc tránh đi là Huế.
Trước đó năm 1788, Quang Trung cũng đã chọn Phú Xuân làm kinh đô (sau xây kinh đô mới ở Nghệ An). Năm 1805, Gia Long mới khởi sự xây dựng kinh đô ở Phú Xuân và hoàn tất năm1818. Kinh đô với tam cung lục điện theo kiểu Tàu. Tường thành theo kiểu thành lũy Vauban của Tây với lỗ súng thần công, pháo đài. hơn cả pháo đài Saint George ở Madrass của người Anh.
Ngồi trên xe, Cụ vạy vọ tiếp địa danh Huế đã có từ đời Lê, trong Thập giáp cô hồn quốc ngữ văn Lê Thánh Tông viết: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an túc, bì hồ tiêu, than Lào, thóc Huế…”. Theo nguồn khác Huế biến thể từ âm “Hũe” của người Chàm cổ.
Mình lưỡi đá miệng: Minh Mạng đổi tên Bắc thành…thành Hà Nội, sao không đổi Phú Xuân là…Huế. Cụ đắng đãi sử triều Nguyễn gọi kinh đô là Phú Xuân, vì Huế là tên gọi của người Chàm cổ. Cụ cắt lưỡi mình hỏi “hóm” vừa chứ…chứ cái này phải hỏi…Bà Trời cho chắc ăn. Cụ đưa mình tới bờ sông Hương và hấm húi.rằng khi vào đến Thuận Hóa, chúa Tiên Nguyễn Hòang đang trắng mắt như con tinh vì không biết “Tả thanh long, hữu bạch hổ” ẩn mình ở…mô. Tối hôm ấy, nhà chúa nằm mơ thấy một bà lão tóc bạc phơ, hiện về và dậy rằng: Đất này có thế “Nhất hổ trục quần dương – Tiên vi tướng, hậu vi vương” nếu muốn mạng đế vương truyền tử tôn đời đời kế thế phải dựng chùa thờ…bà ta. Cụ cười vu vơ mà rằng chuyện Tả Ao với phong thủy của nhà Nguyễn đi vào văn học sử thế đấy.
Nghe thế mình len vào chuyện: cậu Ngộ Không trong chữ nghĩa làng văn học theo nhà văn Nguyễn Tuân muốn viết ký phải biết lịch sử và địa lý. Một ngày cậu ta hóa kiếp là…thầy tướng số xem…tướng đất với động mồ, động mả thì Sài Gòn có thế đất “hoàng xà thính cáp” tức rắn vàng rình con cóc. Qua lịch sử của ông Tây và các cụ ta xưa với thế đât này, mai kia Sài Gòn sẽ bị con rắn nuốt chửng cho mà xem. Cụ rấm rẳn ông Tây lập ra Sài Gòn biết khỉ gì địa lý với phong thủy. Nhưng ấy là chuyện sau. Bỗng không cụ gật gù: nghĩ cho ngay cái anh Ngộ Không trẻ người non dạ cũng hay hớm ra phết. Cụ gật đầu tắp lự: “Tên Sài Gòn đã đi vào …cổ sử, cũng…lịch sử lắm chứ, anh Hiếu nhỉ “.
Chuyện bây giờ của Cụ là tên đất đai…
Cụ kỳ cổ với Hồ Hán Thương đánh chiếm phủ Thăng Bình của Chiêm Thành. Của người phúc ta, Gia Long đổi tên Thăng Bình là Quảng Nam với nghĩa “Quảng” là rộng rãi, “Nam” là nhà Nguyễn phát triển đất đai về phía nam. Cụ đẽo đọt thêm: vì họ Hồ chiếm Thăng Bình, Chiêm Thành chạy về thành Đồ Bàn (Phan Rang). Thế là Gia Long đổi tên Đồ Bàn là Bình Định với nghĩa “bình định” đất đai hai miền Nam Bắc từ…năm 1802.
Được thể mình bòn mót Hội An ở Quảng Nam, có ông Tây tới phố cổ Hội An lớ ngớ hỏi: Faifo? Ý hỏi là: “Phải phố không?”. Nhưng qua Cuộc hành trình từ Pháp đến Việt Nam năm 1819, Captain Rey viết: “Vịnh Tourane đã được ghi lại trong chuyến Hải trình đến Trung Hoa năm 1972 của Lord Macartney. Nay tôi (Captain Rey) vẽ lại chính xác hơn và thêm một đường bờ biển từ sông Fai-Fo (sông Thu Bồn). đến đảo Tiger gần Hué”. Vì vậy mình thưa với cụ tên Fai-Fo có từ thời Gia Long. Từ tích Quảng Nam phát triển đất đai về phía nam. Cụ vẽo vọt thêm ấy là chưa kể Gia Long xây Tử cấm thành của kinh đô Phú Xuân cũng quay đầu về phía nam theo kinh dịch: “Thánh nhân nam diện nhi thánh thiên hạ” là vua quay đầu về phía nam để cai trị thiên hạ.
Cuối cùng chiếc xe thổ tả cũng ậm ạch như trâu vào đến Sài Gòn…
Cụ dẽ dàng vùng đất Chợ Quán thuở sơ khai nằm bên con rạch là chi nhánh của sông Sài Gòn gặp sông Đồng Nai ở Nhà Bè. Theo Trịnh Hòai Đức, bến nước người Miên gọi là Kompong Krabey với Kompong là bến, Krabey là…trâu. Trong Promenade dans Saigon của bà Hinda Arnold ghi rõ vùng Chợ Quán là khu các đầm ao (des Mares), có vết tích của một làng cổ người Miên (làng Nhơn Giang). Bà tìm được những tượng đá Khmer. Tại đây đêm đêm cá sấu, chúng kêu văng vẳng như nghé nên được gọi là “nghé”, kết hợp với “bến” nước thành…Bến Nghé. Năm ngày bảy tật của mình là tật nói leo, nên nói leo theo Cụ mình nghiêng về thuyết bà Hinda Arnold: Vì cá sấu ăn thịt hết…trâu của người Miên nên nó đói, nó há mõm kêu đói ngọ nghẹ nghe như nghé là đúng quá rồi.
Làm như không nghe, Cụ dàng dênh tiếp…
Sử ta lần đầu tiên nói đến Sài Gòn vào năm 1674 khi Nặc Ông anh đuổi vua Nặc Ông em tiến xuống chiếm lũy Sai Gòn. Ông em cầu cứu chúa Nguyễn đem binh đánh. Ông anh tử trận. Chúa Nguyễn phong cho ông em làm phó vương ở Sài Gòn. Doanh trại ông em ở vùng từ chùa Cây Mai tới trường đua Phú Thọ Nhà khảo cổ Pháp Malleret cho biết cung điện này ta gọi là “Tây cung” để phân biệt với thành Sài Gòn ở Bến Nghé.
Lại vẫn cái tật đánh chết không chừa của mình là tật nói leo…
Vậy thì tên Sài Gòn có từ thơi chúa Nguyễn năm 1674. Chứ đâu như ông Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc cứ vật lộn với tên Sài Gòn từ đâu mà có. Học mót theo Cụ, mình trộm nghĩ mấy ông biên khảo không viết những cái đáng viết về Sài Gòn như: Thời Lê Văn Duyệt, John White 1824 tới thăm Sài Gòn cho biết dân số Sài Gòn: 120.000 người trong đó có khoảng 20.000 người Pháp, 10.000 người Hoa. Hay năm 1861, người Pháp đặt tên: Thành phố Sài Gòn. Năm 1954, Bảo Đại đặt tên: Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn.
Làm như lãng tai không nghe, Cụ đùm đậu.
Năm 1790, Gia Long ra lệnh xây cất “Thành Sài Gòn”. Người Pháp vẽ kiểu tên Oliver de Puymanuel, ông này có tên Việt là Ông Tín, xây theo kiểu Vauban: thành xây tám góc theo Bát Quái, tên chữ gọi Quy Thành. Vách cao 4m80, toàn bằng đá ong Biên Hòa kiểu “lục lăng”.
Thành Sài Gòn tám góc nắm trong 4 đướng hình chữ nhật:
Phía bắc là Phan Đình Phùng (Rue Richaud) nay là Nguyễn Đình Chiểu.
Phía nam là đường Lê Thánh Tôn (Rue d’Espagne)
Ở chính giữa từ tây qua đông là đường Thống Nhất (Boulevard Norodom)
Phía tây là đường Công Lý (Rue Mac Mahon)
Phía đông là đường Cường Để (Rue Rouseau)
Trong thành đặt nhà Thái miếu và kho về bên tả, bên hữu là xưởng trại, ở giữa là hành cung. Trại lính bố trí chung quanh. Vòng ngoài thành, Gia Long ra lệnh xây nhà cho giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc hay cha Cả) để trả ơn sự giúp đỡ của ông ta khi có chiến tranh với Tây Sơn. Ngày nay vị trí tòa nhà này là Tòa Tổng Giám mục.
Cũng giống bên ngòai Thăng Long thành là làng mạc, gọi chung là Kẻ Chợ. Từ cổng thành Sài Gòn xuống đến bến sông Sài Gòn tức từ đường Lê Thánh Tôn xuống bến Bạch Đằng là phố phường xưa của người Việt gồm cửa tiệm, hàng quán nằm trong bốn làng Hòa Mỹ tức xưởng Ba son bây giờ, Tân Khai, Long Điền và Trường Hòa.
Cấu vào mắt là đường…cụ Nguyễn Đình Chiểu, mình khoe mẽ với Cụ xưa kia người Pháp đặt tên là đường Mọi (Rue des Mois). “Mọi’’ đây là người bản xứ, là người Mạ, người Stieng sống ở thung lũng Donai ở trên Biên Hoà (người Thượng). Thế kỷ 17, người Chàm, Khmer, lưu dân Việt, người Minh Hương sống lẫn lộn với họ để có giọng nói đặc thù người Sài Gòn ngày nay. Nghe rồi Cụ mắng mình đa thư loạn mục, là đọc nhiều quá nên rối mắt vì đường Mọi là con đường cắt ngang đường Công Lý gần rạch Thị Nghè.
Cụ trở lại chuyện bán buôn hồi nãy: Xưa bến sông Sài Gòn có chợ Bến Thành, con kênh đào để khách thương hồ vào thành Sài Gòn buôn bán. Sau con kênh được lấp đi thành đường Nguyễn Huệ. Xe đang chạy trên con đường này tới bên hông chợ Bến Thành cũ là đường Ngô Đức Kế. Vị trí chợ cũ khi ấy là kho bạc, dưới tháp đồng hồ kho bạc trước kia là pháp trường của người Pháp xử bắn người mình. Chợt nhớ đến “xưởng Ba son” ở trên, Cụ lần mò ra bến Bạch Đăng nhìn tượng Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống sông Sài Gòn. Cụ thì thầm với mình: “Cứ theo anh văn vận nước nhà đương buổi mới, như trăng mới mọc tớ còn chơi, hay là ta xuống miền Tây chơi”.
Xe ra khỏi Sài Gòn, bỗng Cụ vỗ vai bác tài nói ghé xóm M…
Vồ được…xóm Mới, mình nghĩ vội thảo nào ở chợ trời biên giới Cụ tâm sự: “Chuyện này trên trời không có đây”. Bởi theo cậu Ngộ Không: xóm Mới ở Gò Vâp có Ngã ba chú ía, nhưng đúng ra là ngã ba chó ỉa. Bởi một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, ta nói trại đi là chú ía, như…chú chệt vậy. Qua một trăm năm đô hộ giặc Tây, người Tây lập trại quân khuyển ở ngã năm này, tên dân gian gọi là ngã năm chuồng chó nay là…ngã sáu với tên gì ấy. Cũng qua cậu Ngộ Không, mình mới hay ở đây có gò đất cao, người Chàm trồng cây vấp ở gò đất thành rừng nên mới có tên Gò Vấp. Nhưng bây giờ cây vấp không còn, người Chàm cũng chẳng còn nữa vì vong gia thất thổ làm mình cũng buồn lây. Cụ lụi đụi cái anh Ngộ Không này chỉ vun chuyện là hay. Cụ tiếp: “Ấy nhưng anh ta cũng hay thật đấy, vì tôi cũng đang muốn nói chuyện nước non nhà với anh Hiếu đây”.
Tiếp đến, cụ lây dây nói thì nói vậy chứ…chứ cái anh Ngộ Không nhè cái tuổi 14, 15 mò đi cắt chỉ thì biết khỉ gì. Vì Cà Mau không có xóm Mới mà chỉ có…xóm Mũi. Mình nghe hãi quá thể bởi ca dao có câu Cà Mau là xứ quê mùa – Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu nên đành ngồi im. Xe chạy tuốt luốt xuống mỏm Cà Mau và ngừng ở xóm Mũi. Cụ rủ mình ghé quán nhậu bên bãi biển, kêu một xị “Nước mắt quê hương” và để đấy. Cụ lại nói không uống được mấy, nhưng buồn quá mượn rượu để tiêu sầu vây thôi. Cụ râm ran đất say đất cũng lăn quay, trời say trời cũng đỏ gay, ai cười thì mình cứ uống.Bởi chỗ ăn ngon, món ăn ngon, có người ăn ngon nên mình bắt đĩa gà xé phay ắt…ngon lành. Cụ hỏi gà ngon chăng? Mình ngậm ngùi rằng đang ăn …muỗi chứ chả phải…gà.
Với chuyện nước non nhà, cụ móc túi lấy tờ giấy bảo mình đọc…
“…Gần đây vào năm 2006, một nhà biên khảo ở Hà Nội tìm thấy một tấm đồ thị có tên Việt Nam địa dư đồ lưu trữ ở Anh Quốc, do Xa Khâu Từ Diên Húc đời Thanh sọan. Trong bản đồ có ghi: Việt Nam quốc tòan đồ thuật lược, là ghi chú tóm tắt và đánh dấu đất đai thời ấy, như “Nguyễn Quang Trung phụ tử cư” là thổ ngơi của cha con Nguyễn Quang Trung. Tới “Thử Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt chi tọa độ thử” là Nguyễn Phúc Ánh diệt họ rồi lấy đó làm kinh đô. Ngay chỗ này ghi “Việt Nam kiến quốc đô” tức đóng đô (Huế). Vùng bể An Nam có hai hàng chữ và dấu rất sắc sảo là “Tiểu Trường Sa hải khẩu” chỉ Hòang Sa và “Đại Trường Sa hải khẩu” chỉ quần đảo Trường Sa hiện nay…”
Qua chuyện nước non nhà như thế mình vừa buồn vừa thẹn, không biết dám nói làm sao! Mình làm thơ Vịnh bức dư đồ rách có câu Nọ bức dư đồ thử đứng coi – Sông sông núi núi khéo bia cười, thế mà cầm chai bia Sài Gòn mình cười không nổi. Bỗng dưng không đâu lay lắt tới cậu Ngộ Không qua câu văn vẻ bây giờ Chỉ có bia mới hiểu bụng…mênh mông nhường nào – Chỉ có bụng mới biết…bia đi về đâu. Thế là mình tu hết nguyên chai bia Sài Gòn để bụng dạ thấy việc trần ai, ai tỉnh ai lo, say túy lúy nhỏ to đều bất kể…Kể ra cũng đến lúc…’’thử đứng coi’’ thôi, bởi lòng mình cứ dàn dạt thắt lại như sóng biển ngoài kia nghe ong cả tai. Mình đứng lên hóng mắt ra biển về phía Vũng Tàu, chỉ mang máng Trường Sa cách Vũng Tàu khoảng 500 cây số. Đảo mắt lên nữa, Hoàng Sa cách Cù lao Ré (gần Đà Nẵng) khỏang 315 cây số Trời đất nhạt nhòa, gà gà đắm vào bóng chiều. Mình nguyên uống được nhiều, nhưng ngồi hầu Cụ, mặc dù Cụ có nhắc, cũng chỉ uống cầm chừng thôi, đành…gọi thêm chai nữa đến lúc mặt đỏ cay đỏ cợi. Lúc ấy bất giác mình uống những hớp bia thật to, như không uống thời không qua được cái thời khắc.
Đến tơm tởm chiều tối, chỉ cái cột đèn đang đỏ đèn bên kia đường, Cụ đờ đẫn cười: “Cái cột đèn nếu có chân, nó cũng muốn đi nữa là…”. Nói vậy nhưng làm như không có mình ngồi bên cạnh, Cụ bâng quơ, bâng khuâng cái hạc bay lên mãi tận trời, trời đất từ nay xa cách mãi rồi thong thả…thả bộ qua bên kia đường.
Qua bên kia đường, ngỡ Cụ bay về trời với trời đất từ nay xa cách mãi, hóa ra Cụ lững thững bước xuống ghe taxi, rồi lồm cồm leo lên ghe lớn. Mình lom dòm thấy Cụ kẹp nách xị Nước mắt quê hương, tay kia, Cụ cầm cái điếu cày…
Thạch trúc gia trang
Nhâm Thìn 2012
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(hiệu đính 2016, 2019)
Nguồn: Trần Gia Phụng, Phan Khoang, Trần Quốc Vượng
Thái Văn Kiểm, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Duy Chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét