15 thg 5, 2022

Người Mông Cổ thoát Trung và thoát Xô thế nào?

Bản đồ thể hiện biên giới của Đế quốc Mông Cổ trong thế kỷ XIII so với các khu vực người Mông Cổ hiện nay (đỏ).

Mông Cổ có diện tích 1.560.000 km2, dân số 3.17 triệu người với khoảng hơn 50% là cư dân đô thị (riêng Ulan Bator 1.3 triệu người). Mông Cổ là một đất nước toàn núi đồi, thảo nguyên và sa mạc nhưng lại giầu khoáng sản: đồng, thiếc, kẽm, vàng, molibden, volfram, uranium và than đá. Tổng cộng có khoảng 75 khu quặng mỏ có giá trị khai thác công nghiệp. Tổng giá trị 10 khu mỏ tiềm năng nhất ước lượng là 2750 tỷ USD. Những năm 2000-2012, Mông Cổ có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội từ 13-15% năm. Từ sau 2012, kinh tế Mông Cổ bắt đầu chững lại. Cụ thể năm 2018, tốc độ tăng trưởng là 5.8%. Cơ cấu kinh tế (đóng góp GDP): chăn nuôi trồng trọt 16.6% (42% lao động), khai khoáng 20% (4% lao động), gia công chế tạo 7.2% (6% lao động), dịch vụ 44.8% (48%). Năm 2017, doanh số xuất khẩu của Mông Cổ là 6.201 tỷ USD (đối tác chính gồm có TQ 73%, Anh và Thụy Sỹ 9.7%, Nga, Ý, Hàn Quốc dưới 1%). Nhập khẩu là 4.335 tỷ USD (đối tác chính gồm có Trung Quốc 31.6%, Nga 27.8%, Nhật Bản 8.7%, Hàn Quốc 4.6% và Mỹ 4.4%). Theo IMF năm 2018, GDP (PPP) trung bình người của Mông Cổ là 13.447 USD. Năm 2018, chỉ số HDI (Human Development Index) của Mông Cổ là 0.741, xếp hạng 92.

Mông Cổ là một trường hợp kỳ lạ. Nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc, từng có một lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, rồi có lúc lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nước này hoặc nước kia, nhưng cuối cùng, bao giờ người Mông Cổ cũng tìm ra lối thoát thoát ngoạn mục để phát triển đất nước theo con đường riêng của mình.

1/ Lựa chọn thứ nhất: Thống nhất các bộ tộc

Dưới áp lực của các bộ tộc Tartar, Khiết Đan, Mãn Châu và Turk, từ thế kỷ 12, các bộ lạc Mông Cổ phân tán đã bắt đầu có ý thức hợp nhất. Sau gần một thế kỷ thăng trầm, cuối cùng năm 1206, trong một cuộc họp toàn thể các bộ tộc Mông Cổ, các thủ lĩnh đã chọn Thiết Mộc Chân (Temujin) và bầu ông làm Đại Hãn (thủ lĩnh tối cao) với danh hiệu Thành Cát Tư Hãn (Genjis Khan).

Sau cuộc nhất thống các bộ tộc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn và con cháu đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt tàn bạo khắp Châu Á và Châu Âu. Họ đã thành công nhờ sức hành quân bền bỉ vô song, kỷ luật sắt, tổ chức quân đội và chiến thuật giao tranh hiện đại, vũ khí tinh xảo của người Mông Cổ và kỹ thuật phá thành Trung Hoa hiệu quả. Trong các thế kỷ 13-14, một Đế Quốc Mông Cổ mênh mông được hình thành với thủ đô ban đầu ở Karakorum (Trung Á).

Đế quốc Mông Cổ từng có lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trải dài từ biển Nhật Bản phía Đông đến Đông Âu phía Tây, từ Siberia phía Bắc đến vịnh Oman và Đông Nam Á ở phía Nam, bao gồm phần lớn lãnh thổ Châu Á (China, Nam Siberia, Trung Á, Trung Đông, Tây Tạng, Caucasus) và một phần lãnh thổ Châu Âu.

Tóm lại, việc thống nhất thành công các bộ tộc Mông Cổ và bầu được Đại Hản, không những cho phép người Mông Cổ bảo tồn được dân tộc, mà còn đưa dân tộc Mông Cổ lên một tầm vóc mới về tổ chức chính trị xã hội (chuyển sang chế độ phong kiến, hình thành các đô thị lớn), và văn hóa (tiếp nhận rất nhiều thành tựu văn hóa khoa học kỹ thuật của cả Trung Hoa lẫn Châu Âu).

Mặt khác, phải nói rằng việc hình thành Đế quốc Mông Cổ cũng là sự bắt đầu quá trình suy vong của dân tộc này. Đơn giản là vì việc quản lý một đế quốc như vậy vượt quá xa khả năng của họ. Về sau người Mông Cổ đành phải chấp nhận cơ chế tản quyền tự trị cống nạp.

2/ Lựa chọn thứ hai: Thoát Trung

Hốt Tất Liệt cháu Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục được Trung Quốc và thành lập nhà Nguyên (1271-1368). Xuất phát từ trinh độ văn minh thấp hơn hẳn Trung Quốc (TQ), sau một thời gian ngắn không thành công trong việc “du mục hóa” TQ, và dưới áp lực của phong trào phục quốc Trung Hoa do Chu Nguyên Chương lãnh đạo, người Mông Cổ lập tức tháo chạy khỏi TQ.

Phải nói rằng việc “rút chân” kịp thời ra khỏi Trung Quốc, là một sự lựa chọn rất sáng suốt. Sau hơn 80 năm thống trị Trung Hoa người Mông Cổ rất ít bị (chịu) Hán hóa, họ bảo tồn được hầu như nguyên vẹn lãnh thổ, bản sắc dân tộc và phiên hiệu quốc gia của mình.

Điều này hoàn toàn khác với người Mãn Châu một ngoại tộc thống trị Trung Hoa dưới thời nhà Thanh (1644-1912). Cùng xuất phát từ trình độ văn minh thấp hơn hẳn văn minh TQ như người Mông Cổ, nhưng lại có tham vọng chinh phục Trung Quốc bằng cách “hòa mình” vào văn hóa Trung Hoa, nên họ đã có kết cục khá bi thảm.

Mặc dù từng có những minh quân như Khang Hy, Càn Long, sau 268 năm “nấn ná” ở Trung Quốc, người Mãn Châu đã bị Hán hóa và “hòa tan” hầu như toàn phần, nghĩa là đánh mất hết cả lãnh thổ, bản sắc dân tộc và phiên hiệu quốc gia của mình. Điều thú vị nhất, là trong thời kỳ Nhật xâm lược Trung Quốc (1937-1945), người Mông Cổ còn truyền bá kinh nghiệm lịch sử này cho người Nhật.

3/ Lựa chọn thứ ba: Trong những cái xấu chọn cái ít xấu nhất

Sau triều đại nhà Nguyên sụp đổ, người Mông Cổ rút về phía Bắc thành lập triều đại Bắc Nguyên (1368-1635) trên phần lãnh thổ Mông Cổ và Nội Mông (Trung Quốc hiện nay). Đây cũng là thời kỳ mà Phật giáo Mật Tông (Lamaism) từ Tây Tạng bắt đầu xâm nhập vào Mông Cổ

Triều đại Bắc Nguyên tuy giữ được độc lập đối với nhà Minh và các quốc gia Trung Á khác, nhưng đã mất hoàn toàn hào quang của Đế quốc Mông Cổ và dần suy yếu do những mâu thuẫn nội bộ.

Năm 1635, Đại Hãn Bắc Nguyên chính thức đầu hàng Mãn Châu, và trở thành một bộ phận TQ từ 1644 khi nhà Thanh chính thức thành lập. Sau đó, dần dần Mông Cổ trở thành một tỉnh ngoại vi lạc hậu của nhà Thanh. Họ chỉ thoát khỏi sự cai trị của Trung Hoa vào năm 1911, khi nhà Thanh sụp đổ trong Cách mạng Tân Hợi. Sau năm 1911 ở Mông Cổ đã thiết lập chế độ quân chủ Đại Hãn (1911-1924).

Damdin Sükhbaatar là người có công lớn nhất trong việc đưa Mông Cổ hoàn toàn thoát khỏi Trung Quốc lạc hậu, nửa phong kiến và nửa thuộc địa lúc đó. Xuất thân là một chiến binh trẻ tuổi (sinh 1893), Sükhbaatar nổi tiếng là một chỉ huy dũng cảm và có học thức trong quân đội Đại Hãn. Nhận thức được sự vượt trội về mọi mặt của nước Nga, của Liên Xô so với Trung Quốc phong kiến, Sükhbaatar đã cùng với các đồng chí như Choibalsan tiếp cận được các lãnh đạo Liên Xô (kể cả Lenin). Được sự giúp đỡ của Liên Xô họ thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (1921) và Quân đội Nhân dân Mông Cổ theo mô hình ĐCS và Hồng quân Liên Xô.

Ông Sükhbaatar là Tổng chỉ huy đầu tiên của quân đội này. Được sự hỗ trợ của Liên Xô, Quân đội Nhân dân Mông Cổ của Sükhbaatar đã đuổi được Quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc ra khỏi Mông Cổ. Ngày 11/07/1921 Mông Cổ chính thức tuyên bố độc lập. Cũng từ đó Mông Cổ chính thức bước vào kỷ nguyên Liên Xô hóa toàn diện, thậm chí cả chữ viết Mông Cổ cũng dùng mẫu tự Kiril. Trong khoảng thời gian kỷ lục bốn mươi năm (1925-1965), Mông Cổ đã từ một nước phong kiến với nền kinh tế nông nghiệp chăn nuôi du mục lạc hậu trở thành một quốc gia nông công nghiệp có nền chăn nuôi khá phát triển, gần như Liên Xô hồi đó.

Thời kỳ Xô Viết, Mông Cổ thường được gọi là nước Cộng hòa thứ 16 của Liên Xô. Thực tế Mông Cổ đã thực sự trở thành một bản sao không tồi về mọi phương diện, và được giúp đỡ toàn diện mọi mặt của Liên Xô. Sau Thế chiến 2, từ khoảng 1950 thủ đô Ulan Bator bắt đấu được quy hoạch, các căn hộ kiểu Xô Viết đã thay thế hầu hết các khu nhà yurt (nhà lều truyền thống Mông Cổ). Liên Xô thường xuyên tư vấn và hỗ trợ kinh phí xây dựng. Hầu hết các công trình tại Ulan Bator hiện nay được xây dựng trong thời kỳ từ 1960 đến 1985.

Tuy đô thị Mông Cổ phát triển gần như từ số không, nhưng nhìn chung cũng khá khang trang. Đặc biệt là tránh được tình trạng nhà ổ chuột, nhà ống, cũng như quy hoạch nhôm nham ở phần lớn các đô thị Châu Á đương thời. Đa số người Mông Cổ đã được chuyển đến sống trong các khu chung cư có đầy đủ điện nước và các tiện nghi tối thiểu, cũng như được sử dụng các phương tiện công cộng, được biết đến nhà hát, rạp chiếu bóng, nhạc viện. Đồng thời giống như các nước thuộc Liên Xô thời kỳ đó, giáo dục Mông Cổ phát triển vượt bậc, trẻ em được đi học ở các trường thuộc một nền giáo dục hiện đại bao gồm hệ thống các nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học được trang bị đầy đủ. Tóm lại, bị “kẹp chặt” giữa TQ và Liên Xô, giới tinh hoa Mông Cổ luôn nói đùa một cách cay đắng “nếu không có nước Nga, Mông Cổ từ lâu đã là “Nội Mông mở rộng”. Còn nếu không có TQ, từ lâu Mông Cổ đã trở thành “nước Cộng hòa tự trị Mông Cổ” thuộc LB Nga”.

Tuy nhiên phải nói rằng trong nửa đầu thế kỷ 20 đối với người Mông Cổ, việc ngả về Liên Xô là một lựa chọn thành công. Lựa chọn này vừa tạo cho Mông Cổ khả năng phát triển tăng tốc trong một giai đoạn lịch sử nhất định, vừa tránh cho Mông Cổ nguy cơ bị đồng hóa nếu trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Vào những năm 1990, cùng với phong trào dân chủ hóa xã hội và mở cửa sang Phương Tây, trong thế hệ trẻ Mông Cổ khá nhiều người (đặc biệt là những người chưa bao giờ từng phải đốt phân bò khô để sưởi ấm lều trại trong mùa đông) đã phủ nhận sự lựa chọn này. Họ cho rằng Liên Xô đã kìm hãm và làm “méo mó” sự phát triển tự nhiên đáng lẽ có thể rất huy hoàng của Mông Cổ, tương tự như trường hợp Cộng hòa dân chủ Đức và Czech.

4/ Lựa chọn tứ tư: Đi vào dòng chảy của nhân loại

Như tất cả các nước thuộc Liên Xô thời kỳ Brehznev làm làm Tổng bí thư đảng (1964-1982), ở Mông Cổ đó là một giai đoạn kinh tế trì trệ, đi kèm với sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ trong giới lãnh đạo. Năm 1984, Yumjaagiin Tsedenbal, Tổng bí Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (ĐNDCMMC), chiến hữu của Brehznev, người lãnh đạo Mông Cổ hơn 40 năm bị hạ bệ, do phản đối việc Liên Xô bình thường hóa và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Được truyền cảm hứng từ những cải cách ở Liên Xô, phái cải cách trong ĐNDCMMC do Tổng bí thư mới Jambyn Batmönkh dẫn dắt, đã thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế.

Tuy nhiên trong con mắt các đảng viên trẻ của ĐNDCMMC, những điều này là chưa đủ. Tháng 11/1989, do ảnh hưởng từ Liên Xô, những cuộc đấu tranh đòi dân chủ hóa xã hội đã bắt đầu. Người khởi xướng của phong trào này là nhà hoạt động trẻ tuổi Tsakhiagiin Elbegdorj, vốn là sinh viên Trường Quan hệ Quốc tế Moskva danh tiếng. Tsakhiagiin Elbegdorj bắt đầu tuyên truyền các ý tưởng cải tổ kinh tế và dân chủ hóa xã hội của Liên Xô. Ông đã cùng 2 người khác là Dari Sukhbaatar và Chimediin Enkhee thành lập Phong trào dân chủ. Ngày 10/12/1989, cuộc tuần hành rầm rộ diễn ra trước Trung tâm Văn hóa thanh niên tại Ulan Bator. Tại đây, Elbegdorj tuyên bố thành lập Liên hiệp (Đảng) Dân chủ Mông Cổ.

Trong khoảng từ tháng 12/1989 đến 07/03/1990, tại Ulan Bator và một số thành phố Mông Cổ khác, đã diễn ra nhiều cuộc diễu hành (cả khi ngoài trời là – 30 độ C) với hơn 100.000 người tham dự. Những cuộc diễu hành này đã kết thúc vào ngày 09/03/1990 với việc người cầm đầu Chính phủ của ĐNDCMMC Jambul Batmönkh tuyên bố từ chức. Jambul Batmönkh cũng là người kiên quyết chống lại mọi biện pháp đàn áp đối với những người dân diễu hành. Cùng ngày 09/03/1990 đã diễn ra các cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo ĐNDCMMC và những người lãnh đạo đối lập. Chính phủ mới tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội tự do đầu tiên tại Mông Cổ sẽ được tổ chức vào 07/1990, mở đường cho cuộc bầu cử nhiều đảng phái đầu tiên tại Mông Cổ.

Những sự kiện này về sau được gọi là Cách mạng Mông Cổ 1990. Ngày 29/07/1990 cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên ở Mông Cổ được tổ chức. Trong cuộc bầu cử này, ĐNDCMMC thắng 357/430 ghế tại Đại Hural (Thượng Nghị viện) và 31 trong số 53 ghế tại Tiểu Hural (Hạ Nghị viện). Đây là kết quả của việc ĐNDCMMC có một vị thế rất vững chắc ở các khu vực nông thôn. Vào tháng 11/1991, Đại Hural bắt đầu thảo luận về một Hiến pháp mới, có hiệu lực từ 12/02/1992. Hiến pháp xác định Mông Cổ là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, Hiến pháp đảm bảo một số quyền tự do dân chủ, bao gồm việc bổ nhiệm chính phủ và nhánh hành pháp, việc thiết lập một cơ quan lập pháp đơn viện là Đại Hural Quốc gia.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, ứng cử viên đối lập Punsalmaagiin Ochirbat đắc cử. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên mà những người không thuộc ĐCMNDMC giành thắng lợi. Từ đó đến năm 2019 trải qua nhiều thăng trầm, Mông Cổ nhịp nhàng chuyển sang chế độ đại nghị với 18 chính đảng chính thức hoạt động, trong đó ĐNDCMMC là chính đảng lớn nhất. Khối Liên minh Dân chủ dưới quyền đồng lãnh đạo của Tsakhiagiin Elbegdorj, Chủ tịch Đảng Dân chủ Mông Cổ giành được đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên vào năm 1996. Còn bản thân Tsakhiagiin Elbegdorj cũng chỉ trở thành Tổng thống Mông Cổ lần đầu tiên năm 2009.

Định hướng đi vào dòng chủ lưu của nhân loại của Mông Cổ càng rõ nét hơn, sau thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 07/2017 của ứng cử viên của Đảng Dân chủ Khaltmaagiin Battulga, cựu vô địch thế giới môn sambo (1989) và là một trong những doanh nhân giàu nhất ở Mông Cổ (tài sản cá nhân 1.2 tỷ USD). Chương trình tranh cử của ông bao gồm việc phát triển sâu rộng kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, chống tham nhũng và đặc biệt là kêu gọi chống lại sự bành trướng bá quyền của láng giềng trong công nghiệp khai khoáng (ngành kinh tế chính của Mông Cổ) đã mang lại thắng lợi cho Battulga. Sau khi trở thành Tổng thống Mông Cổ, ưu tiên hàng đầu trong đường lối chính trị kinh tế đối ngoại của Battulga, là mở rộng quan hệ thương mại với Nga, để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng còn quan trọng hơn, là mở rộng quan hệ với “người hàng xóm thứ ba” (Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Turkey, Ấn Độ, Úc, Việt Nam …), để cân bằng ảnh hưởng và giảm phụ thuộc vào cả Trung Quốc lẫn Nga. Tuy nhiên, Battulga và các nhà lãnh đạo Mông Cổ khác không có ý định tham gia vào bất cứ liên minh chính trị quân sự nào nhằm chống lại Nga và Trung Quốc.

Như đã nói ở trên, người Mông Cổ rất lo ngại và phẫn nộ trước sự bành trướng của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, trước hết là trong công nghiệp khai khoáng. Khác với người Nga được tôn trọng, vì nhiều lý do lịch sử và văn hóa, trong đời sống thường nhật, không ít người Mông Cổ công khai bầy tỏ thái độ không thích, kỳ thị với người Trung Quốc. Chẳng hạn, thường là công dân Trung Quốc bị khám xét kỹ lưỡng hơn rất nhiều khi đi qua các trạm biên phòng và hải quan. Hay là người Mông Cổ thường không chào đón, mặn mà việc kết hôn với người Trung Quốc. Hiện nay ở Mông Cổ thường xuyên có khoảng từ 20-25.000 lao động nhập cư Trung Quốc làm việc trong các công ty khai khoáng hoặc xây dựng. Nhìn chung Sở di trú Mông Cổ theo dõi rất chăm chú những người này. Trường hợp không có giấy phép lao động, hoặc thị thực nhập cảnh quá hạn, đối tượng sẽ bị trục xuất cưỡng bức trong vòng 6 giờ. Chính quyền Mông Cổ kiểm soát được tương đối chặt biên giới Mông Cổ - Trung Quốc (dài tổng cộng 4677km). Vì vậy, biên giới Mông Cổ - Trung Quốc hoàn toàn không phải là “thiên đường” cho buôn bán tiểu ngạch và hàng nhập lậu.

Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga có vợ gốc Nga (quốc tịch Mông Cổ), và sử dụng thành thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Cả nhà Tổng thống sống trong một căn hộ của riêng gia đình ở ngay gần dinh tổng thống. Hàng ngày Haltmaagiin Battulga đi bộ đến Văn phòng làm việc. Cách tốt nhất để hiểu người Mông Cổ, là đắm mình vào thiên nhiên kỳ vỹ của họ. Lần đầu tiên tôi đến Mông Cổ vào giữa mùa đông, và lập tức bị mê hoặc, choáng ngợp. Bầu trời mênh mang xanh ngắt không một gợn mây, nắng vàng chói chang trên thảo nguyên, trời lạnh thấu xương (- 40 độ C), mà các cô gái và lũ trẻ má hồng hây hây vẫn thản nhiên từ tốn dạo chơi.

Link:

https://m.viettimes.vn/nguoi-mong-co-thoat-trung-va-thoat...

https://www.google.com/.../nguoi-mong-co-xu-ly-the-nao...



Mời Xem :Mời Xem 1 Bài Báo Trên Mạng :Đuổi kịp Mông Cổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét