Phạm Nguyên Trường
Chuyện con khỉ
Năm 1952, các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu hành vi của Macasa Fuscata, một giống khỉ ở đảo Koshima. Họ cho những chú khỉ ở đây những củ khoai lang khá ngon nhưng bám đầy cát. Một con khỉ cái 18 tháng tuổi phát hiện ra nó có thể dùng nước để rửa khoai. Sau đó nó “dạy” “chiêu” này cho mẹ của nó và những con khỉ khác cùng lứa với nó bắt chước làm theo. Một số ít những con khỉ lớn hơn cũng “tò mò” học theo và biết cách rửa sạch khoai để ăn. Mùa thu năm 1958, một vài điều khác lạ xảy ra. Một đám đông những con khỉ khác nữa cũng lại bắt chước theo và biết cách rửa khoai, ước chừng khoảng 99 con. Cho đến khi, một mức ngưỡng quan trọng xuất hiện. Con khỉ thứ 100 bắt đầu biết rửa khoai. Và từ lúc này, việc rửa khoai trước khi ăn đã lan ra những đảo khác mà không có giao tiếp, hoặc “chỉ dạy” nào giữa những chú khỉ ở đảo này với đảo kia. Việc rửa khoai đã trở thành một kỹ năng trong ý thức của bầy khỉ.
Sau đó TS Rupert Sheldrake (1942-), trong bài báo nhan đề Morphic Fields and Morphic Resonance (Những trường hình thái và cộng hưởng hình thái) (*) đưa ra nhận định chấn động như sau: “Mỗi cá thể vừa đồng thời sử dụng vừa đồng thời đóng góp cho trí nhớ tập thể của chủng loài. Điều này cho thấy các mô thức hành vi mới có thể lan truyền nhanh chóng hơn so với lẽ thường. Ví dụ, nếu một giống chuột nào đó học được một loại hành vi mới ở Harvard (Mỹ), thì những con chuột cùng giống trên khắp thế giới có khả năng sẽ học được cùng một loại hành vi đó nhanh hơn”.
Xuất hiện câu hỏi: Tại sao những con khỉ hay chuột cùng giống loài không nhìn thấy, không “học” đồng loại mà lại “biết” làm những hành động có lợi cho mình?
Hai cuốn sách Bằng chứng về Thiên đường của Eben Alexander (1953-) [Trần Trung Phúc Hạnh dịch, Nhã Nam phát hành] và Power vs. Force của David R. Hawkin (1927-2012) [Quế Chi – Hoàng Lan dịch, Thái Hà Book ấn hành] đều nói đại ý rằng tâm trí của chúng ta, tương tự như một cái Laptop câu thông với kho dữ liệu của cái máy tính khổng lồ của vũ trụ. Chỉ là do chúng ta luôn luôn bận bịu với những ý nghĩ chợt đến chợt đi bất tận của mình cho nên chúng ta không nhận được tín hiệu của cái máy tính khổng lồ với kho dữ liệu vô cùng vô tận kia mà thôi. Đấy có lẽ là lý do mà trong Bát chánh đạo của đạo Phật có Chánh niệm (Chú tâm vào giây phút hiện tại. Chánh niệm là ngưng hoạt động như máy lái tự động và tỉnh giác với bây giờ và ở đây), còn các nhà huyền môn như Osho, Eckhart Tolle, và các nhà sư như Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ cũng đều nói đại ý: “dừng ý nghĩ/chuyện nhảm trong đầu”. Khi dừng được những ý nghĩ bất tận ở trong đầu có thể là lúc chúng ta không cho cái Laptop trong hộp sọ của mình tiếp quá trình “tìm kiếm siêu văn bản trong bộ nhớ của chính nó” và đấy là lúc nó có thể câu thông với cái máy tính vĩ đại của vũ trụ. Đức Phật hay Chúa Jesus đều Chứng ngộ/Mặc khải trong khi thiền định sâu, các thiền sư và các nhà huyền môn của tất cả các tôn giáo cũng đều nói tới những trải nghiệm huyền diệu không thể mô tả bằng lời trong khi thiền định.
Thực ra, các nhà huyền môn còn nói rằng con người vốn có bản sự như thế, nhưng do sau này quá dựa vào kĩ thuật nên chúng ta đã “bỏ quên” kho tàng kiến thức vô giá mà vũ trụ lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp cho chúng ta. Muốn tái lập thì phải thiền định.
Xin nói them rằng các loài kiến, chuột, chim thường tránh bão trước khi bão lụt xảy ra; trẻ con hiện nay biết sử dụng Iphone, Ipad, hay remote TV nhanh hơn người lớn và học chữ cũng nhanh hơn hẳn các thế hệ trước; hệ thống kinh lạc và huyệt đạo mà người xưa biết chắc chắn không phải do “nghiên cứu” mà tìm được.
Như vậy là, con khỉ không cần nói với đồng loại là ăn khoai sạch thì ngon hơn, cũng không cần dạy cho những con khỉ khác trên thế giới cách rửa khoai. Việc nó trở thành con khỉ biết rửa khoai là sự kiện vĩ đại của loài khỉ này trên khắp hoàn cầu. Con khỉ này có thể không biết lời giáo huấn của các nhà huyền môn từ cổ chí kim: “Chúng ta thay đổi thế giới không phải bằng lời nói hay việc làm mà đấy là hệ quả của con người mà chúng ta trở thành”, nói cách khác: “Hành bất ngôn cho giáo”.
Đa số nhân loại cũng không biết điều này. Bằng chứng là hàng ngày, hàng giờ biết bao nhiêu tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình trên khắp thế giới và bằng mọi thứ tiếng đang tìm cách tác động vào tâm trí con người và muốn nhân loại thay đổi theo ý những người nắm được các phương tiện đó. Từ khi có mạng xã hội thì hầu như tất cả mọi người đều tìm cách tác động lên nhau cũng với mục đích là làm cho những người kia thay đổi theo hướng tốt lên. Nhưng dường như chẳng có mấy hiệu quả. Vì, như ta thấy đạo đức xã hội ngày càng lao dốc, còn xã hội thì ngày càng hỗn loạn hơn. Hay là không có những người đủ sức làm gương hoặc là có mà do chúng ta quá bận bịu với Iphone, Ipad, với mốt nọ mốt kia… mà không nhìn thấy, không nhận ra họ?
Chuyện con bướm
Năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn độn Edward Norton Lorenz (1917-2008) trình bày trước American Association for the Advancement of Science (Hiệp hội phát triển khoa học Hoa Kỳ) bản tường trình với tựa đề Predictability: Does the Flap of a Butterfly’s Wings in Brazil Set off a Tornado in Texas? (Dự đoán: Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?). Trước đó, năm 1961, trong khi mô phỏng một dự đoán về thời tiết trên máy tính, Lorenz đã lỡ nhập số liệu là 0,506 chứ không phải 0,506127 như dự định, và do đó, đã thu được kết quả dự đoán thời tiết hoàn toàn khác so với tính toán ban đầu. Xin lưu ý: đầu vào ở đây thay đổi rất nhỏ. Từ kết quả này Lorenz rút ra kết luận: thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào dẫn đến thay đổi lớn của kết quả, ví dụ, con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas, thậm chỉ ở tận Phần Lan. Người ta thường gọi là Con bướm của Lorenz hay Hiệu ứng cánh bướm.
Đây là lý do vì sao các nhà sư ngày xưa rất thận trọng trong lời nói hay việc làm, thậm chí cả ý nghĩ. Vì nói, ngay cả khi nói những điều tưởng là đúng, nhưng do trình độ học vấn, tâm tính, địa vị xã hội… mà người nghe có thể hiểu sai, người này lại có thể truyền đi theo cách hiểu của mình, làm cho “tam sao thất bản” thì nghiệp chướng quả thật là to lớn. Việc làm, hành động thì còn kinh khủng hơn nữa. Ngày xưa các nhà sư không nói rõ được, nhưng chắc chắn là họ đã cảm nhận được sự kiện “con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở tận Phần Lan”.
Ông quan hiểu đạo lý (Cổ học tinh hoa tân biên)
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một ông quan vô cùng công tâm và liêm khiết, chỉ làm theo luật và không bao giờ tơ hào một đồng một cắc nào của dân. Thế rồi, một ngày nọ, đã khá khuya, ông quan đang ngồi đọc sách thì có tiếng gõ cửa, nghe chừng gấp gáp. Ông đành bước ra mở cửa. Khách là một người trung niên, khệ nệ xách vào một va li căng phồng và một thanh gì đó, được bọc trong mấy tờ báo, mới trong đã biết là kim loại vì khá nặng.
Vị khách chắp tay cung kính nói:
- Thưa đại quan, xin ngài tha lỗi cho sự đường đột này vì kẻ hèn biết rằng chỉ gặp ngài vào lúc đêm khuya thanh vắng thì mới thưa được chuyện với ngài.
Rồi người khách hé mở va li và bóc một mảng nhỏ tờ báo bọc thanh kim loại. Hóa ra va li chứa toàn tiền 100 đôla, còn thanh kim loại là thỏi vàng vừa được lấy ra từ kho bạc của ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ.
Đợi một chút cho ông quan bình tĩnh lại, người khách tiếp tục nói:
- Thưa đại quan, xin ngài cho phép tôi đóng hết cửa sổ, cửa ra vào và tắt điện thoại của cả ngài và tôi thì tôi mới dám thưa chuyện.
Ông quan thấy người này khá kì quặc, nhưng cũng tắt điện thoại và bỏ lên bàn. Còn người khách thì đóng tất cả cửa sổ, cửa ra vào và cũng bỏ điện thoại lên cái bàn trước mặt.
Sau đó anh ta mới quỳ xuống và nói:
- Thưa đại quan, dân chúng tôi biết rằng ngài là một người vô cùng công chính và liêm khiết, ngài không nhận của ai bất cứ thứ gì. Nhưng hôm nay, xin ngài đèn giời soi xét, lúc này, đêm khuya thanh vắng, không có ai biết, xin ngài nhận cho chút lễ mọn này…
Ông quan thanh liêm sầm mặt lại và nói:
- Tuy là đêm khuya, các cửa đều đóng cả, nhưng có ông biết, tôi biết, Trời biết, Đất biết, sao lại bảo là không có ai biết?
Người khách còn cố vớt vát thêm một câu nữa:
- Sang năm ngài sẽ nghỉ hưu, mà tôi nhìn gia cảnh…
Nhưng ông quan thanh liêm của chúng ta dứt khoát xua tay, rồi mở cửa tiễn khách.
Có thể nhận thấy đạo lý của câu chuyện này:
1. Thứ nhất, ông quan trong truyện này biết rất rõ tâm lý của con người: Đã một lần nhận đút lót thì sẽ nhận thêm nhiều lần nữa, và sau đó thì tìm cách móc ngoặc để buộc người ta phải hối lộ. Đây là Tri Thức của người bình thường, ai cũng có thể biết.
Thứ hai, ông quan trong truyện này còn biết một Pháp Lý vô cùng quan trọng: Trời-Đất-Người (Thiên-Địa-Nhân) có liên hệ mật thiết và hữu cơ với nhau. Không chỉ hiện tượng của Trời và Đất có ảnh hưởng trực tiếp tới con người, mà con người, thông qua tư tưởng, lời nói, việc làm của mình cũng tạo ảnh hưởng đến cả Trời và Đất. Đây là kiến thức của người có Trí Huệ
Người xưa thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, tức là con người nên cố gắng hết sức mà làm việc, cuối cùng thành công hay không thành công cũng đều là do ý Trời; thành công không được tự phụ, mà thất bại cũng chẳng cần đau khổ quá. Ngày xưa, sau khi làm xong một việc lớn nào đó, những người có Trí Huệ đều nói đấy là do Trời Đất, Thần Phật phù hộ; chỉ có người thời nay, với vài kiến thức lỗ mỗ, gọi là Tri Thức, học mót được từ khoa học thực chứng, mà chính những môn khoa học này cũng còn lỗ mỗ lắm, mới dám nhận xằng là tự mình làm được việc gì đó, mới dám “ngạo nghễ” trước Đất Trời.
Không còn tôn trọng quy luật Thiên-Địa-Nhân, tức là không còn quy phạm ước thúc hành vi của con người thì điều gì họ cũng dám làm, vì để thu được càng nhiều của cải vật chất hơn mà phá hủy môi trường sống tự nhiên, tranh giành lợi ích, như thế là đang làm nghịch với ý trời, làm nghịch với quan hệ Thiên-Địa-Nhân; kết quả chắc chắn sẽ là tai họa, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh chắc chắn là sẽ xảy ra, và sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Đấy là Nhân-Quả và Nghiệp Báo. Nhưng con người, do không hiểu biết lại bảo những tai họa như thế là hiện tượng tự nhiên. Thật đáng buồn thay!
Nguồn: Ban đầu đăng thành ba kỳ trên FB Phạm Nguyên Trường, sau đưa toàn văn lên blog của tác giả. Xin xem: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2021/08/chuyen-con-khi-con-buom-va-ong-quan.html
(*) Lý thuyết của Rupert Sheldrake được trình bày chi tiết trong hai cuốn sách: A New Science of Life: The Hypothesis of Morphic Resonance (Los Angeles, CA: J.P. Tarcher, 1981) và The Presence of the Past: Morphic Resonance and the Habits of Nature (New York, NY: Times Books, 1988). Đây là lý thuyết phi chính thống và do đó không được cộng đồng khoa học thừa nhận, thậm chí có người phê phán nặng nề. Tuy thế, Rupert Sheldrake có ảnh hưởng đáng kể: đến nay cuốn trước được dịch sang sáu thứ tiếng: Pháp (1985, 2003), Tây Ban Nha (1989), Đức (2008), Latvia (2012), Ba Lan (2013), Croatia (2015); còn cuốn sau ba thứ tiếng: Pháp (1988), Tây Ban Nha (1990, 2010), Bồ Đào Nha (1995). (Văn Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét