12 thg 9, 2021

Cách Trung Quốc kiểm soát người ra đường giữa Covid-19 (Vn.Express )

Dân Trung Quốc ở vùng dịch được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống tiểu khu, kết hợp với mã y tế để kiểm soát việc ra đường của từng người.

Giống như nhiều người cao tuổi khác, Jiang Hong phải học cách dùng các ứng dụng để thích nghi cuộc sống mới sau khi Vũ Hán phong tỏa vì Covid-19 hồi năm ngoái.

Tất cả cư dân sống cùng khu vực với Jiang, được gọi là "tiểu khu", kết nối với nhau thông qua một nhóm trên ứng dụng WeChat, nơi họ nhận được các thông báo của chính quyền cũng như thực hiện mọi giao dịch trực tuyến. Những tiểu khu này tạo thành một hệ thống quản lý theo mạng lưới bao trùm đất nước, giúp hỗ trợ giám sát đi lại của người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Trung Quốc hiện có khoảng 2 triệu cảnh sát, tương đương 143 cảnh sát trên mỗi 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 351/100.000 dân của toàn cầu. Bởi vậy, Trung Quốc không thể chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát để giám sát các thành phố phong tỏa, trong khi biện pháp triển khai quân đội gặp nhiều khó khăn về hậu cần.

Thay vào đó, nhiệm vụ giám sát đi lại của người dân tại tiểu khu chủ yếu được giao cho lực lượng bảo vệ tư nhân (hay còn gọi là "bảo an") của các công ty quản lý bất động sản. Phần lớn các tiểu khu ở Trung Quốc hiện nay đều ký hợp đồng vận hành với một công ty quản lý bất động sản và mỗi hộ dân trả phí vận hành cho công ty.

Các công ty này đang tuyển dụng hơn 5 triệu nhân viên bảo an, đảm bảo an ninh cho tiểu khu mà họ phụ trách. Trước dịch, nhân viên bảo an chủ yếu giám sát khách ra vào tại cổng các khu căn hộ để đề phòng trộm cắp. Nhưng khi thành phố áp lệnh phong tỏa, họ được công ty quản lý bất động sản giao nhiệm vụ kiểm tra dữ liệu y tế và đo thân nhiệt cho những người dân ra khỏi nhà vì mục đích thiết yếu.

Để ngăn người dân trong tiểu khu ra ngoài không cần thiết, công ty quản lý bất động sản còn kiêm luôn nhiệm vụ đặt hàng và vận chuyển nhu yếu phẩm tới từng nhà. Hỗ trợ họ là các tình nguyện viên và nhân viên xã hội, những người sẵn sàng giúp người dân có được những thứ cần thiết trong thời kỳ giãn cách.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các công ty quản lý bất động sản này cũng tham gia vào hệ thống mã y tế được chính phủ Trung Quốc xây dựng. Hệ thống mã y tế này được xây dựng trên nền tảng của lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ ở Trung Quốc, với vai trò tích cực của Alibaba.

Với hệ thống này, các chương trình giám sát địa phương được tích hợp thành một chương trình quốc gia, trong đó người dân khai báo tình trạng sức khỏe cũng như lịch sử đi lại trực tuyến và được cấp một mã QR trên ứng dụng.

Người mắc Covid-19 sẽ có mã đỏ trên ứng dụng di động và mã này chỉ có thể chuyển sang màu xanh khi bệnh nhân đã hoàn thành thời gian cách ly sau hồi phục. Những người tiếp xúc gần hoặc nghi nhiễm sẽ có mã màu vàng, còn những người khác có mã màu xanh.

Dưới sự giám sát của nhân viên bảo an tại các tiểu khu, chỉ những người có mã xanh trên ứng dụng y tế mới được phép ra đường đi lại và làm việc.

Người dân nhận đồ ăn tại một khu phố bị phong tỏa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hồi tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

Người dân nhận đồ ăn tại một khu phố bị phong tỏa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hồi tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

Hệ thống mã màu này còn được kết hợp với các trạm đo thân nhiệt ở nơi công cộng. Người có mã màu xanh có thể chuyển sang vàng nếu trạm đo phát hiện thân nhiệt của họ cao bất thường. Khi đó, người mang mã vàng sẽ bị từ chối sử dụng các dịch vụ công, trong khi các đơn vị kiểm soát dịch bệnh cấp cơ sở sẽ sớm can thiệp.

Hệ thống này có chức năng giám sát toàn bộ dân cư, không để lọt trường hợp nào. Jiang cho biết sau khi Vũ Hán áp đặt những biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt từ ngày 23/1/2020, các tòa chung cư trong khu của bà đều bị phong tỏa, người dân phải ra vào thông qua một cổng duy nhất có nhân viên bảo an gác suốt ngày đêm.

Nhà phân tích chính trị độc lập Chen Daoyin đánh giá mô hình này là sự kết hợp giữa hệ thống đăng ký hộ khẩu và mạng lưới tổ dân phố ở Trung Quốc. Sự phát triển của công nghệ giúp hệ thống trở nên hiện đại hơn.

Sau khi Vũ Hán chấm dứt lệnh phong tỏa vào đầu tháng 4/2020, những biện pháp kiểm soát cộng đồng vẫn có hiệu lực và được thực thi trên phạm vi rộng. Mỗi ngày, những cư dân như Jiang phải báo cáo kết quả đo thân nhiệt cho cán bộ phụ trách tiểu khu, đồng thời cập nhật thông tin di chuyển.

Các "kiểm soát viên" trong hệ thống quản lý phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về việc giám sát toàn bộ cư dân và báo cáo bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Dorothy Wang, con gái của Jiang, đã dành thời gian ở bên cha mẹ lâu hơn dự định sau khi trở về Vũ Hán đón Tết Nguyên đán năm ngoái. Người phụ nữ 45 tuổi cho biết tình trạng hỗn loạn đã diễn ra trong tháng đầu tiên lệnh phong tỏa được áp đặt với 11 triệu cư dân.

"Không ai biết phải làm gì sau khi lệnh phong tỏa được ban hành. Hầu hết mọi người trong khu phố này đã nghỉ hưu và họ không biết chuyện gì đang xảy ra", Wang, người quản lý một hãng cung cấp thiết bị y tế tại thủ đô Bắc Kinh, kể lại.

Tuy nhiên, Wang cho hay tình hình bắt đầu được cải thiện từ giữa tháng 2, khi chính quyền Vũ Hán điều khoảng 44.500 công chức đến hơn 7.000 tiểu khu trên toàn thành phố, nhằm hỗ trợ 12.000 cán bộ cấp cơ sở quản lý nỗ lực kiểm dịch trên diện rộng. Wang cho rằng sự xuất hiện của các công chức đã tạo ra thay đổi đáng kể.

Jennifer Pan, trợ lý giáo sư về truyền thông tại Đại học Stanford của Mỹ, cũng đánh giá đội ngũ này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của hệ thống. "Tại một số khu phố, các kiểm soát viên làm việc rất hiệu quả, nhưng nhiều người chưa thực hiện tốt. Mức độ hiệu quả giám sát khác nhau giữa các tiểu khu trên toàn quốc", Pan cho hay.

Mô hình giám sát này nhanh chóng phát huy tác dụng, khi giới chức y tế Trung Quốc ghi nhận rất ít ca nCoV cộng đồng kể từ ngày 17/3/2020. Hầu hết ca nhiễm mới sau đó đều là nhập cảnh.

Covid-19 sau đó tăng tốc lây nhiễm trên toàn cầu, khiến nhiều quốc gia khác quyết định ban hành các lệnh phong tỏa tương tự. Tuy nhiên, hệ thống giám sát theo tiểu khu của Trung Quốc được cho là giúp tạo nên phản ứng mạnh mẽ và chặt chẽ hơn.

Jeremy Wallace, phó giáo sư về quản trị tại Đại học Cornell của Mỹ, cho rằng hệ thống này "là một phần quan trọng đối với hoạt động thu thập dữ liệu quy mô lớn của Trung Quốc nhằm ứng phó khủng hoảng, chủ yếu thông qua kiểm tra thân nhiệt và giám sát việc tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội".

Giới quan sát còn đánh giá mặc dù các biện pháp quyết liệt được áp dụng tại Vũ Hán đóng vai trò chủ chốt trong thành công của Trung Quốc trước Covid-19, không phải nơi nào cũng áp dụng được hệ thống giám sát như vậy. Pan chỉ ra rằng những nước như Mỹ phải phụ thuộc vào khu dân cư, trường học, nhà thờ và các tổ chức cộng đồng phi lợi nhuận để huy động người dân ứng phó đại dịch, do không có hệ thống tương tự Trung Quốc.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng lập luận hầu hết quốc gia phương Tây không có cơ cấu quản lý từ trên xuống dưới như Trung Quốc. Ngoài ra, văn hóa Trung Quốc nhấn mạnh lợi ích tập thể hơn là sự tự do và riêng tư của mỗi cá nhân.

Wu đề cập đến những quốc gia đã quản lý khá tốt tình hình Covid-19 mà không phải áp phong tỏa hoàn toàn. "Hàn Quốc đã triển khai xét nghiệm rộng rãi như Trung Quốc, đồng thời nhanh chóng sử dụng công nghệ hiện đại để tránh phong tỏa hoàn toàn. Một điểm mấu chốt khác là chia sẻ thông tin liên quan đến mọi ca nhiễm một cách kịp thời và minh bạch", chuyên gia cho hay.

"Ngoài cách làm của Trung Quốc, có những mô hình khác tốt hơn và giúp giảm bớt cái giá phải trả về kinh tế và xã hội. Vấn đề là cần tìm ra biện pháp khả thi và phù hợp nhất", ông kết luận.

 Ánh Ngọc (Theo SCMP, Conversation)

 💗💗💗💗💗💗💖💖

Xem Thêm :Kinh nghiệm từ chiến dịch đối phó chủng Delta của thị trấn nhỏ tại Đài Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét