28 thg 2, 2021

Thơ : MƯỜI NĂM XA CÁCH - Hồ thị Hoàng Oanh

 Mười Năm Xa Cách

Đã mười năm rồi anh cách xa
Mà em cứ ngỡ mới hôm qua
Mỗi lần đến giỗ, bao kỷ niệm…
Vây kín hồn em để lệ nhòa…
Mười năm anh ngủ giấc bình yên
Quên chuyện trần gian lắm ưu phiền
Em mãi thăng trầm vòng tục lụy
Mệt nhoài giữa đời lắm đảo điên…
Mười năm em trở thành góa phụ
Cô phòng lặng lẽ khúc tình ru
Dòng đời kia cứ hoài xuôi ngược
Vẫn nhớ anh mộng giấc ngàn thu
Em vẫn tìm nơi chốn cửa thiền
Cầu cho anh sớm đến cõi tiên
Nơi ấy sẽ không còn nỗi chết
Ai cũng tịnh tâm rất đỗi hiền …
Ngày mai đến giỗ, lại nhớ anh
Trăm năm mộng ước đã không thành
Âm dương cách biệt đường đôi ngã
Một đời, em vẫn mãi nhớ anh …

THĂNG TRẦM CỦA MAYA – Bài học về môi trường (P2) - Tôn Thất Thông (Diễn Đàn Khai Phóng )

 Những thành quả khoa học của Maya

Tác giả: Tôn Thất Thông

Tóm tắt: Trong phần một (xem ở đây, có kèm video), chúng ta đã có một cái nhìn sơ lược về lịch sử thăng trầm của Maya. Trình độ văn minh và các sự kiện lịch sử Maya được các giáo sĩ và học giả ghi chép cẩn thận trong các văn thư. Tiếc là trong hàng vạn kinh văn đó, chỉ còn sót lại bốn văn tự còn tồn tại và được lưu giữ cẩn thận. Từ bốn văn tự đó, chúng ta xem thử Maya đã có những thành quả khoa học nào, từ đó so sánh sơ bộ với văn minh thế giới đương thời. Việc phân tích nguyên do của sự suy tàn được dời lại vào phần 3, sẽ lên mạng tuần sau.

**

Trong thời cổ đại và trung cổ, “người Maya là bậc thầy về kiến trúc, thiên văn, toán học và là người khám phá một loại chữ viết phức tạp” [xem Obländer]. Giáo sĩ và học giả Maya ghi chép rất cẩn thận mọi hoạt động trong xã hội của họ. Đó là những sách xếp (Codices) như chúng ta thường thấy ở những tài liệu quảng cáo hiện nay. Tiếc là tất cả các sách này đã bị người Tây Ban Nha thiêu hủy gần hết. Những điều chúng ta biết về văn minh Maya ngày nay, một phần do công trình khảo cổ để đưa đến kết luận, nhưng vì thế, không phải kết luận nào cũng được mọi người đồng ý tán thành. Chỉ có những điều được chính người Maya ghi chép lại thì mới có mức độ chính xác cao. Tiếc thay, trong hàng vạn văn tự của họ chỉ còn sót lại bốn Codices may mắn thoát khỏi nạn bị thiêu đốt bởi các giáo sĩ Tây Ban Nha. Đó là bốn văn tự được lưu giữ rất cẩn thận ở Dresden, Paris, Madrid và Mexico City, tổng cộng chỉ còn 220 trang. Vì thế, những điều chúng ta biết hôm nay về Maya chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ nền văn hóa vốn được xây dựng qua hai thiên niên kỷ, được ghi chép cẩn thận trong hàng vạn cuốn sách không còn tồn tại.

REPORT THIS AD

Bức họa truyền thần của Catherwood: Nữ tu viện của người Maya ở Uxmal.
Khám phá năm 1840 bởi hai nhà thám hiểm nghiệp dư Stephens và Catherwood.

Sử gia nghệ thuật Suzanne Nolan tóm tắt như sau: “Maya là một xã hội phát triển rất cao. Họ có một hệ thống toán học hoàn chỉnh, một hệ thống số độc đáo. Họ là dân tộc đầu tiên của loài người biết sử dụng số 0, vốn là một khái niệm vô cùng quan trọng của toán học hiện đại. Họ có một hệ thống khảo sát thiên văn rất chi tiết về sự chuyển động của các hành tinh và các vì sao. Họ tính toán rất chính xác vị trí từng ngày của Venus, vì hành tinh này là thần chiến tranh của họ. Bộ lịch phức tạp của họ chính xác hơn các bộ lịch đương thời trong thế giới phương Tây. Họ xây dựng nhiều công trình vĩ đại mà không hề sử dụng phương tiện bằng kim loại. Không có súc vật để kéo, không có bánh xe, xe đẩy hoặc các phương tiện tương tự. Dù thế, họ vẫn có thể xây dựng đền đài, kim tự tháp rất lớn, chính xác là lớn nhất thế giới, hơn cả Ai Cập” [xem Pomeroy].

Về nông nghiệp, người Maya nổi tiếng về phương pháp đa canh để tăng sản lượng lương thực. Trên cùng một mảnh đất, họ canh tác rất khoa học một lúc ba loại hoa màu mang tính chất cộng sinh: bắp, đậu leo và bí ngô. Cây bắp là chỗ dựa cho đậu leo. Ngược lại, đậu nhả khí ni-tơ ra đất, vốn là chất dinh dưỡng cần thiết cho bắp. Bí ngô thì có tàn lá rộng, có vai trò giữ độ ẩm, bảo vệ đất chống mưa lớn và cản các tia sáng mặt trời. Bắp cũng là thực phẩm chính của người Maya và theo truyền thuyết, họ cũng chính là “người bắp” do thần linh nhào nặn từ bột bắp mà ra.

Nhà khảo cổ Richard Hansen tìm thấy những minh chứng khảo cổ về năng lực sáng tạo của người Maya để biến những vùng trũng bùn lầy trở thành diện tích canh tác. Ở những vùng đó, họ có sáng kiến dùng bèo, đất bùn, rơm rạ để biến những khu đầm lầy thành diện tích khai khẩn nông nghiệp, những vùng đất mà các nhà khảo cổ sau này gọi là cánh đồng ruộng bơi trên nước. Ở đó có đủ loại hoa màu: trái bơ, ớt, cà chua v.v… [xem Obländer, Gregor].

Bắt đầu thế kỷ 4 trước CN, người Maya đã sử dụng chữ viết rất rộng rãi trong giới giáo sĩ và học giả. Trên mỗi công trình xây dựng, họ đều ghi lại sự tích và ngày hoàn thành căn cứ vào bộ lịch dài ngày (long count calendar). Chuyên gia Maya GS Nikolai Grube cho rằng, Maya có thể đã có vài chục ngàn văn tự ghi chép lịch sử và các hướng dẫn cần thiết cho việc cai trị. Có lẽ mỗi vị vua, mỗi giáo sĩ đều có một thư viện riêng, vì các văn tự này, kết hợp với bộ lịch dài ngày là phương tiện chính xác để họ quy định các sự kiện quan trọng như khai khẩn mùa màng, cử hành thánh lễ v.v…, một hình thức biểu dương quyền lực đối với thần dân [xem Obländer]. Sau này, khi chữ viết Maya đã được giải mã, các nhà khảo cổ đều thống nhất rằng, chữ viết của người Maya mang tính biểu tượng cao với trí tưởng tượng thông minh. Maya cũng là dân tộc duy nhất trong cộng đồng các thổ dân Nam Mỹ có chữ viết mà các nhà khảo cổ hôm nay có thể chuyển ngữ được. So với Hy Lạp, nơi chữ viết ra đời sớm nhất trong nền văn minh Địa Trung Hải, thì Maya đã có chữ viết cùng thời với tiếng Hy Lạp cổ, vốn được dùng trong tác phẩm của các học giả Hy Lạp như Plato, Aristotle.

Sau đây là vài thành quả khoa học lấy từ các ghi chép trong bốn Codices còn được lưu trữ nói trên.

Thiên văn

Không có kính viễn vọng mà chỉ cần những dụng cụ rất giản dị, người Maya dùng mắt thường để quan sát và tính toán một cách chính xác sự chuyển động của các hành tinh. Từ đó họ kết luận rằng quả đất quay chung quanh mặt trời với tốc độ 365,2422 ngày để quay đúng một vòng trở về vị trí cũ.

Theo tôn giáo người Maya, mặt trời là thần linh của mọi thần linh, và mặt trời cũng chính là tổ tiên của người Maya. Có lẽ vì thế mà họ dễ dàng đến với thuyết nhật tâm (Heliocentrism), tức mặt trời là trung tâm của vũ trụ và tất cả các hành tinh khác đều quay quanh mặt trời, như khoa học ngày nay đã chứng minh. Người Maya rất coi trọng ngành thiên văn. Ở những trung tâm lớn, họ xây dựng đài thiên văn với kiến trúc tân kỳ chính xác để quan sát sự chuyển động các hành tinh, sao và các thiên thể khác. Trong các hành tinh thuộc thái dương hệ, người Maya chú ý đặc biệt đến Venus, vì theo họ, đó là thần chiến tranh. Từ đài thiên văn xây dựng rất đặc biệt, người Maya đo được vòng quay của Venus chung quanh mặt trời với độ sai số 14 giây trong một năm, nếu so sánh với kiến thức thiên văn ngày nay. Về vòng quay của mặt trăng chung quanh quả đất, họ tính được với sai số 23 giây trong một tháng [xem Gregor]. Theo người Maya, nhật thực và nguyệt thực là những biến cố quan trọng mang tính định mệnh, cho nên những ngày đó được người Maya tính toán rất chính xác, được tiên đoán từ nhiều năm trước và được ghi chép trong bộ lịch dài ngày độc đáo của họ.

Cho đến ngày hôm nay, không ai cắt nghĩa được từ đâu mà con người cách đây 3000 năm có thể biết chính xác các số liệu về thiên văn như thế.

Để so sánh với châu Âu: Thuyết địa tâm (Geocentrism), tức quả đất là trung tâm của vũ trụ, được Plato và Aristotle đưa ra vào thế kỷ thứ 4 trước CN, sau đó được Ptolemy hệ thống hóa. Thuyết này được Giáo hội Kitô hết lòng quảng bá, vì nó phù hợp với Thánh kinh giảng rằng con người do Chúa sáng tạo, cho nên con người và quả đất là trung tâm của vũ trụ. Niềm tin đó kéo dài gần 2000 năm, cho đến lúc Nicolaus Copernicus chứng minh thuyết nhật tâm (Heliocentrism) bằng luận cứ khoa học trong tác phẩm phát hành năm 1543. Sách bị Giáo hội cấm phổ biến gần 200 năm vì lập luận bị xem là phản giáo. Học giả nào bênh vực Copernicus đều bị tòa án dị giáo kết án, như Giordano Bruno bị thiêu sống năm 1600, hay Galileo Galilei bị quản thúc chung thân năm 1633. Phải chăng, vũ trụ quan của Maya đã đi trước châu Âu gần 2000 năm?

Toán học

Để dễ hiểu, trước hết chúng ta so sánh với toán học hôm nay. Hàng ngày chúng ta đang sử dụng hệ thống thập phân, tức cơ số 10 bao gồm các số 0, 1, 2,…9. Tuy nhiên, hệ thống số hiện nay của chúng ta chỉ có giá trị thực tiễn sau khi người Ả Rập dùng hệ thống số của Ấn Độ, bổ sung thêm khái niệm số 0 để tạo thành hệ thống thập phân vào thế kỷ thứ 9. Mãi đến lúc Ả Rập suy tàn vào thế kỷ 12, hệ thống này mới được du nhập vào châu Âu. Ngành toán học vì thế phát triển nhanh. Trong kỹ thuật digital bắt đầu thế kỷ 19, chúng ta lại bổ sung thêm hệ thống cơ số 2 bao gồm hai thành phần 0 và 1, từ đó lý thuyết về ngành máy tính mới có thể phát triển được.

Người Maya cũng có một hệ thống số tương tự như thế, nhưng lấy cơ số 20 làm chuẩn và chỉ bao gồm ba ký hiệu căn bản: 0, 1 và 5 (xem hình dưới, bên trái). Phối hợp ba ký hiệu đó, người ta biểu diễn được 20 số, từ 0 đến 19 cho mỗi vị trí trên một dãy số. Cứ thế, trị giá thực của vị trí kế tiếp được nhân cho lũy thừa theo cơ số 20, đó là 1, 20, 400, 8000. Như vậy, trị giá của một dãy số được tính bằng tổng cộng các trị giá theo lũy thừa của 20. Hình bên phải là thí dụ để tính một dãy số theo hệ thống số của người Maya. Hệ thống này được họ sử dụng từ thế kỷ thứ 3 trước CN.

Điều độc đáo là họ biết sử dụng số 0 vài thế kỷ trước CN, điều mà châu Âu gần 1500 năm sau mới biết công dụng của nó. “Số 0 có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của loài người. Không có số 0, mọi tính toán phức tạp đều bất khả thi. Và đời sống hiện đại của chúng ta cũng khó hình dung ra được. Người Hy Lạp, La Mã chưa hề biết đến số 0. Người châu Âu, mãi đến thế kỷ 12 mới biết thực hiện các phép tính với số 0” [xem Obländer].

Lịch sử thế giới cho thấy, châu Âu và châu Á phát triển sớm và có ảnh hưởng hỗ tương nhờ giao thương với nhau, từ đó văn minh vùng này có thể dễ dàng ảnh hưởng đến vùng khác. Hiệu ứng cộng sinh này đã làm cho văn hóa và sự phồn vinh của hai châu lục này không ngừng được nâng cao. Trong lúc đó, ba lục địa khác hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài: Nam châu Phi bị cô lập vì biển cả và sa mạc Sahara rộng cả 2000 cây số, Úc Châu và Mỹ Châu được bao quanh bởi đại dương. Trong lúc Úc Châu và Nam châu Phi vẫn còn nếp sống bộ lạc và phát triển chậm, thì Maya ở Mỹ Châu đã có nếp sống định cư, phát triển nông nghiệp đa canh, thành lập vương quốc và tự phát triển một nền văn minh độc đáo, cao hơn các nơi khác.

Giá mà giữa châu Âu, Á và châu Mỹ có sự giao thương từ trước thì biết đâu, nền toán học nói riêng và nền khoa học của chúng ta nói chung đã có thể phát triển sớm hơn vài thế kỷ nhờ học hỏi từ Maya? Giá mà người Tây Ban Nha không có chính sách diệt chủng và hủy diệt văn hóa, thì biết đâu, văn minh Maya đã có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển văn minh thế giới ngày nay? Và biết đâu, kinh nghiệm hai lần suy tàn của Maya có thể là một cảnh báo sớm cho chúng ta về ý thức bảo vệ thiên nhiên? Dù không quay ngược được bánh xe lịch sử, nhưng việc học hỏi từ lịch sử có thể giúp chúng ta cảm thông nhau để xây dựng một quan hệ hài hòa giữa các chủng tộc, nhất là với những chủng tộc bị kỳ thị thô bạo như thổ dân và người da đen.

Lịch Maya

Bộ lịch của người Maya có ba thành phần: Lịch ngày, lịch chiêm tinh và lịch dài ngày. Mỗi thành phần được biểu diễn bằng một chuỗi số có bánh răng cưa đan vào nhau.

Lịch ngày (Haab): được xác định do sự quan sát của chuyển động của mặt đất chung quanh mặt trời. Từ đó họ tính được thời gian để quả đất quay đúng một vòng là 365,2422 ngày, tức là sau 1507 ngày sẽ có một ngày nhuận như lịch của chúng ta hôm nay, nhưng người Maya tính chính xác hơn. Nói cách khác, sau 1507 ngày, hay 4 năm và 47 ngày, sẽ có điều gọi là năm nhuận như cách hiểu của chúng ta hôm nay. Để so sánh: Lịch La Mã có 365 ngày trong năm, cứ bốn năm là năm nhuận, tức 366 ngày. Tuy vậy, theo tính toán hiện nay, lịch La Mã vẫn còn một sai số nhỏ là 11 phút mỗi năm.

Lịch chiêm tinh (Tzolk’in): Lịch này có hai vòng tròn đan chéo vào nhau như bánh xe răng. Bánh xe lớn có 20 ngày, bánh xe nhỏ có 13 con số thiêng liêng. Hai bánh xe đó đan chéo với bánh xe của lịch ngày sẽ chỉ cho người Maya biết ngày nào sẽ là tốt hay xấu cho một sự kiện nào đó, như ngày gieo hạt trồng trọt, xây nhà cửa đền đài, làm thánh lễ cúng thần linh v.v…Bộ lịch chiêm tinh của Maya có công dụng tương tự như lịch bói toán của Trung Hoa.

Lịch dài ngày (Long count): Lịch này dùng để ghi chép những sự kiện cần lưu trữ dài ngày. Lịch được phân chia thành nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ có một tên riêng, và chu kỳ được lập lại theo cơ số 20 (trừ một ngoại lệ). Thí dụ 20 K’atun có chu kỳ 394 năm, 20 B’aktun có chu kỳ 7885 năm v.v… Các nhà khảo cổ không rõ bộ lịch này được sáng chế từ lúc nào, nhưng có lẽ rất sớm, vì trên mỗi công trình kiến trúc đều có ghi chép năm hoàn tất. Thí dụ lễ đăng quang của một triều đại Maya được ghi trên đền thờ là B’aktun 8, điều đó cho phép chúng ta lấy năm đó (250 sau CN) là năm khởi đầu của thời kỳ cổ điển.

***

Ghi chú thêm:

 Các nhà sử học hôm nay đều ngạc nhiên rằng, dù trình độ khoa học tự nhiên rất cao, nhưng một số biểu hiện hàng ngày của văn minh châu Âu và Á lại thiếu ở vùng Maya, thí dụ như việc sử dụng kim loại để chế tạo dụng cụ và vũ khí, việc sử dụng bánh xe để kiến tạo các phương tiện giao thông chuyên chở. Ngoài ra thiên nhiên cũng không cho họ những giống cây sản xuất nhiều chất dinh dưỡng như khoai tây, lúa. Họ cũng không có các loại súc vật có thể được được thuần hóa để phục vụ nhu cầu đời sống như trâu, bò, lạc đà, voi để kéo vật nặng, ngựa để làm phương tiện giao thông, cừu để lấy lông làm áo ấm. Người Maya cũng không có một loại vũ khí nào đáng kể. Có lẽ những thiếu sót này đã làm cho sức mạnh của họ giảm hẳn khi đối địch với quân đội Tây Ban Nha trong thế kỷ 16, cho nên bị diệt vong bởi người châu Âu.

./.

Xem thêm cùng tác giả:
Những bài viết về lịch sử, kinh tế và các đề tài khác

Tài liệu tham khảo:

Diamond, Jared: Kollaps – Warum Gesellschaften überleben oder untergehen (Sụp đổ – Tại sao các xã hội tồn tại hay suy tàn). ISBN 978-3-596-16730-2 (Dịch từ bản gốc tiếng Anh: Collapse. How societies choose to fail or succeed).

Gregor, Michael – ARTE Dodumentation 2004: Die Rache des Regengottes: Untergang der Maya (Khi thần mưa trả thù: Sự suy tàn của Maya).

Junglen, Sandra – Phỏng vấn bởi Alexandra Endres: Wer Pandemien verhindern will, muss den Regenwald erhalten (Muốn ngăn ngừa đại dịch, cần bảo tồn rừng nhiệt đới). ZEIT Online 8-2-2021.

Honigsbaum, Mark – phỏng vấn bởi Simmank, JakobEs gab stets einen Zyklus von Panik und Gleichgültigkeit (Luôn luôn có một chu kỳ hỗn loạn rồi thờ ơ) – ZEIT Online 6-2-2021.

Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.

Obländer, Carsten & Holländer, Anne – ZDF DokumentationsfilmSöhne der Sonne – Maya (Những người con của Mặt Trời – Maya).

Pomeroy, Gerry – Phim ZDF-Info: Das Geheimnis der Maya (Bí mật của người Maya).

Wikipedia (English Version)Maya CivilizationNicolaus Copernicus.

Wikipedia (Deutsche Version)MayaKonquistador.

Zipple, Jeremy – Dokumentationsfilm ARTE: Untergang der Maya (Sự suy tàn của Maya).

           🌺🌺🌺🌺🌺🌺


Mời Xem :THĂNG TRẦM CỦA MAYA – Bài học về môi trường (P1)

27 thg 2, 2021

THƠ XƯỚNG HOA KỲ 23- nhóm THI HỮU

 THƠ XƯỚNG HOA KỲ 23- THI HỮU

C:\Users\cangs\OneDrive\Documents\layhinh\hinh1180.jpg

(Thơ Đường thể tung hoành trục khoán, giao cổ đối).

Hai câu khoán:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.


Bài xướng:

            NỐI MÙA SAY!

(Tung Hoành trục khoán+Giao cổ đối)

 

THUYỀN cập bờ đưa khách mỗi ngày

AI người kết cỏ nối mùa say ?

ĐẬU cung lộ vắng,sương mờ mịt

BẾN rạt rào,neo giấc mộng gầy

SÔNG hững hờ trôi cùng góc bể

TRĂNG vàng võ dọi cuối chân mây

ĐÓ còn giữ vẹn câu nguyền ước

CÓ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY ?!

Thích Thiện Thông



Họa 1:

             THUYỀN TRĂNG 

(Giao cổ đối)*

THUYỀN nhỏ đón đưa khách suốt ngày

AI chiều bờ bãi đến mê say

ĐẬU ghềnh̀ đêm vắng, trời sương phủ

BẾN sóng chao, xua ánh nguyệt gầy

SÔNG ngậm gương nga lồng lộng bóng

TRĂNG chìm đáy nước lặng lờ mây

ĐÓ đang mời mọc Hằng Nga tới

CỐ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY

Mỹ Ngọc

Aug.13/2020



Họa 2:

               NỐI MÙA SAY!

(Tung Hoành trục khoán+Giao cổ đối)

 

THUYỀN cặm sào trông chẳng quản ngày

AI đành hờ hững lỡ đường say

ĐẬU dòng thanh tục ngàn lau phủ

BẾN đợi mùa trôi bóng nguyệt gầy

SÔNG gửi tâm tình về biển cả

TRĂNG hoài thả mộng với ngàn mây

ĐÓ hay nhắc chuyện câu thề ước

CÓ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY ?!

 

Chu Hà



Họa 3:

                THUYỀN VÀ TRĂNG

( Tung hoành trục khoán+giao cổ đối)

THUYỀN đợi bờ đông  nắng cuối  ngày

AI người  ôm  trọn giấc mơ say

ĐẬU  chờ nguyệt  khuyết,  cung hò hẹn

BẾN dạt dào,  ươm  dệt tóc gầy 

SÔNG  lững lờ trôi, dòng nước biếc

TRĂNG sao khuya, lấp lánh giăng mây

ĐÓ đây vẳng tiếng câu đò lỡ

CÓ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY?

Nguyễn Cang (13/8/2020)



Họa ý:

                  THẤT HẸN

TRĂNG vàng tỏa sáng tựa ban ngày

TREO lững lơ rừng núi ngũ say

LẼ bạn bao trùm thân viễn xứ

BÓNG đêm bọc phũ dáng hao gầy

BÊN bờ cát trắng sóng tràn đất

BIỂN thẳm mịt mờ trắng xóa mây

VẮNG lặng lê chân chầm chậm bước

CHỜ NGƯỜI THẤT HẸN TỐI HÔM NAY

Tím August/11/2020




CHIỀU TRONG LÀNG - Y Uyên (viết năm 1968 )

Ảnh :VNQĐ


Chiều trong làng


Cây thanh long mỗi ngày một xum xuê. Những nhánh cây như nhành xương rồng, dài thậm thượt bò kín cả cái giàn trước nhà, leo lên cả bức tường đầu hồi còn lại của ngôi nhà năm xưa, trông một màu xanh dịu mềm mại. Bên mắt nhánh, những trái thon thon như những trái thơm nhỏ đeo lủng lẳng, nổi bật màu da hồng tươi. Bức tường rêu chơ vơ bên nền nhà cũ trồng thuốc lá mang những nhánh thanh long đầy quả nom vừa hoang phế, vừa tươi thắm. Chính vì vậy, Bước không muốn phá bỏ bức tường để lấy gạch xây cho cái hầm ở đầu nhà. Vợ Bước căn nhằn nhiều bận vì bức tường hầu như vô ích đó. Chị kêu hoài về cái hầm thiếu kiên cố chỉ có hai thân cây nhỏ bằng bắp chân đỡ một lớp đất mỏng. Mong muốn của chị là có những lớp gạch chồng ở trên vòm vừa gọn mắt, vừa vững chắc. Nhưng mỗi lần chị mở miệng than, Bước đã vội bạt đi, nhất định giữ bức tường lại cho cây thanh long. Có lần giận quá, chị bảo chồng:
    "Bộ anh quí cây thanh long hơn vợ anh chắc. Anh có ngủ ở nhà đâu mà biết sợ đạn?"
    Bước cũng giận dữ bảo vợ:
    "Mày nói như thể đêm nào mày cũng ngủ ở nhà, tụt xuống hầm coi cửa coi nhà cho tao. Mày ngỡ tao không biết tao đi khỏi thì mày cũng kéo xuống nhà thằng thầy pháp mà ngủ sao?"
    Tới đây không còn ai nghĩ đến cây thanh long và căn hầm nữa. Trong đầu hai người chỉ còn chung một hình ảnh. Lão thầy pháp. Lão thầy pháp là một lão già quái dị ám ảnh hầu hết mọi người trong vùng. Trước kia nhà lão ở thánh thất, sau vì xích mích với một vị chức sắc, lão dọn xuống ở dưới cuối thôn. Nhà lão rực rỡ nhưng cũng bí ẩn như một cung điện nhỏ. Trong việc tín ngưỡng, người ta hãi lão hơn sợ ông quận trưởng trong việc trị dân. Những người theo hầu lão nhiều khi được nể vì hơn một người nghĩa quân. Người ta kể nhiều chuyện về lão. Chuyện nào cũng lạ tai, hoang đường nhưng lại dễ lôi cuốn lòng tin của mọi người. Như người lãng mạn tìm cái chết để tạo cho mối tình mình thêm thơ mộng một cách bi thảm, người nghe những chuyện về lão tin lão để sợ hãi thêm trong việc tin tưởng quỷ thần. Càng thấy sợ lão bao nhiêu, người ta càng tin tưởng ở lão bấy nhiêu và càng thấy được che chở giữa đời sống chỉ có ý nghĩa vì bị nỗi chết ám ảnh. Người ta tin lão dễ dàng như tin chuyện gã phu xe ngựa vừa dò vé số ở trước cửa chợ đã ngã lăn ra chết sau đó năm phút, ruột người lẫn lội với ruột ngựa, như tin chuyện lão già Phướn lên tỉnh ở với con cháu đã tưới dầu vào mái lá và vào mình rồi châm lửa đốt… Vì vậy, ở đâu người ta cũng dễ dàng tìm được dấu vết nhắc nhở tới lão thầy pháp. Nhìn lên đỉnh núi Chóp để coi mưa gió, người ta nghĩ đến chuyện một kho tàng ông bà giấu ở đó dành cho con cháu bao giờ "lấy lá chuối làm quần áo, lấy sỏi cát làm gạo bắp" thì sẽ cho phép lão thầy pháp giở chỏm núi ra lấy phân phát cho dân chúng. Tuy dân chúng chưa gặp nỗi khốn khó như vậy lâu lâu lão vẫn phải viếng kho tàng một lần bằng cách giở chóp núi ra kiểm điểm lại. Nhìn những cây dương bên này bờ sông, người ta nhớ đến vị trí trước kia của chúng. Trước kia hàng dương này ở mãi khúc quành bên kia sông, đến hồi lão thầy pháp lấy được cái sọ của một người bị sét đánh mang về để điều động bọn âm binh, thì bỗng nhiên sau một thời gian tản cư lên núi, lúc về người ta thấy đám hàng dương đó đã được chuyển hết cả sang bên này do phép của lão. Có nhiều người trẻ tuổi coi lão như thù nghịch, trỏ cho mọi người thấy vùng đất trồng dương bên kia sông bị lụt cuốn đi và nhắc cho mọi người nhớ lại những dây dương nhỏ bên này sông trước khi tản cư. Người nói cứ nói và người tin cứ tin. Mất lòng tin ở nơi lão thầy pháp, họ còn biết tin ai, tin gì bây giờ. Nhất là từ ngày thánh thất chỉ còn một người phế binh ở lại trông coi, nơi thờ tự trở nên hoang vắng thì lão thầy pháp lại càng đắc thế. Nhóm người thù ghét lão phần nhiều thuộc lớp trẻ đã đi lính hầu hết. Vả lại lão vốn là người ít đi ra ngoài trong những trường hợp không cần thiết. Lão cũng không tỏ vẻ thù ghét ai bao giờ. Những ai muốn tìm một cái cớ để buộc tội lão quả đã làm một việc vô ích. Nhưng những việc lão làm qua những lời đồn đãi vẫn tỏ lão mà một người giảo quyệt. Người không ưa lão vẫn nghe nói lão làm tiền các tín chủ, hành dâm với người nọ người kia. Nhưng ai làm gì được lão. Nếu bỏ qua những lời đồn, rút cục lòng thù ghét lão chỉ là một ông già có của, cưới được cô vợ nhỏ mười tám tuổi để một nơi gần tỉnh lỵ.
    Nhưng với Bước lúc này, Bước thật tình thù lão vì nghi lão ngủ với vợ mình. Buổi sáng ở tỉnh đạp xe về, nghe lõm bõm chuyện đó, Bước lặng người một lát. Bước về nhà không đả động chi cả, sợ vợ cho mình ghen tuông vô căn cứ. Bước chờ khi nào nắm chặt được bằng cớ, trị vợ cũng không muộn. Song từ hôm đó. Bước ít muốn góp mặt nói chuyện dông dài với người nọ người kia. Bước sợ phải nghe lại những tố cáo mơ hồ lõm bõm vừa làm Bước bồn chồn thêm vừa khiến Bước ngượng mặt. Kết cục chỉ còn lại trong lòng Bước nỗi nghi ngờ, tức giận không có trớn biểu lộ. Có chăng chỉ những lúc cãi cọ về cây thanh long, nỗi giận đó cũng biểu lộ một cách mơ hồ qua câu trách vợ bỏ nhà ra đi ngủ ở chỗ khác lúc mình vắng nhà. Sự thực chính Bước hồi mới bắt đầu lên thị xã ngủ nhờ, đã dặn vợ: "Nếu hãi ngủ nhà một mình thì xuống ngủ dưới chị hai. Nhờ bác Sau coi dùm nhà cũng được". Chị Hai, chị ruột của vợ Bước và là vợ lão thầy pháp. Vì vậy câu trách móc của Bước sẽ hết ý nghĩa nếu biến thành chữ "xuống nhà thầy pháp mà ngủ" thành "xuống nhà chị Hai mà ngủ". Bước chẳng còn biết sao hơn là im lặng, tự cho cái khổ nghi vợ ngoại tình nằm chung hỗn độn với những nỗi khổ do súng đạn gây ra.
    *
    Chị đàn bà ngồi bệt xuống cỏ giở nón ngửa cổ quạt. Bên chị, gánh hàng bọc bằng hai cái bao vải bố cũ cao và cồng kềnh. Bước ngó những sợi tóc dài và mềm dính ở cái cổ ngửa hất lên của chị thấy có vẻ là lạ hay hay. Chiếc nón quạt thật đều như tạo một cử chỉ như toan quơ vào lòng một vật gì. Cái cổ khỏe khoắn và tròn chốc chốc lại hất lên khi chị nhìn Bước nói chuyện. Chiếc nút áo trên cùng lại ép chặt vào ngực chị hơn. Bước tưởng chị khi chỉ ngước mặt lên thêm một chút, chiếc nút sẽ bật ra và chiếc áo trên người đàn bà sẽ nom thật phong phanh. Bước ngạc nhiên, nhớ lại, thấy như chưa một lần mình để ý đến cái cổ của vợ. Bước không biết cổ vợ có lúc nào dính những sợi tóc như chị đàn bà. Nếu có, Bước tiếc lắm. Bây giờ, Bước muốn được lấy móng tay út gảy những sợi tóc đó ra để gió thổi cho khô.
    "Chợ bây giờ mau hết người mua quá, nhỉ?"
    Bước hỏi. Người đàn bà như có một sự nôn nả qua cánh tay quạt nón liên tiếp. Như vẫn theo dõi sự nôn nả của mình, chị đáp thờ ơ:
    "Trước, một buổi mai bán ở chợ dưới, hàng bán còn gấp đôi số hàng bán cả hai buổi bây giờ. Chợ chi mà chỉ có người bán".
    "Chiến tranh mà chị".
    "Chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ".
    Giọng chị đàn bà vụt trở giọng dè bỉu. Bước thấy hơi lúng túng vì lỡ lời khơi đúng cơn giận của người đàn bà nổi tiếng ưa gây lộn. Người chồng tập kệt của chị như làm chị chuyên môn hơn trong những lời bới móc chiến tranh. Trong lúc mọi người đàn bà khác chỉ lịm đi trong sợ hãi, chị Thiên - tên chồng chị đàn bà - lại có những lúc ồn ào như một sự vùng vẫy bướng bỉnh. Chị ưa cãi cọ với mọi người như thể họ là những người sống yên ổn khác hẳn chị. Thời chồng chị còn ở nhà, chị mười tám tuổi đã nổi danh bắt nạt chồng. Chị lấy chồng năm mười sáu, hai năm sau chị đẻ cho chồng hai đứa con. Mỗi lần rặn đẻ chị kêu tên chồng chị là đồ bỏ, ham ôm súng hơn ôm vợ con. Chị chỉ trở nên ngoan ngoãn trước những người nghĩa quân và lão thầy pháp. Ít lâu nay, Bước cũng như nhiều người trong làng thấy chị lại nhà lão như đi chợ. Có người nói chị đến "trả ơn" lão đã phá thai cho chị hồi chị lén lút ăn nằm với một anh con trai đã bỏ vô Sài Gòn. Người ta ngờ sau khi trả ơn xong chị lại mắc cái ơn khác. Chiều nay Bước ngồi nói chuyện với chị ở đây cũng vì những điều dính dáng với lão thầy pháp. Lúc đầu Bước chỉ muốn gợi chuyện xem chị Thiên có rõ gì về chuyện vợ mình, nhưng lúc nhìn chị quạt và những sợi tóc vơ vất ở cổ chị, Bước lại muốn tạm quên những thắc mắc, nói những lời vu vơ, hay hơn. Tự dưng Bước muốn được trả thù vợ và lão thầy pháp qua người đàn bà lúc nào cũng có vẻ nôn nả ngồi trước mặt. Nhưng Bước không biết làm gì hơn là nhìn chị rõ nhiều hy vọng có lúc nào đó đôi mắt của người đàn bà bớt những tia chạy nhảy, xa vời, dừng lại lúng túng trước mắt Bước. Bước nói từng câu ngắn, vu vơ, bất chợt đến độ câu nói như một lời mào đầu, chìm ngay vào những câu hỏi ồ ạt của chị Thiên chị nói thiệt nhiều nhưng Bước ít bắt kịp vì những lơ đãng âm thầm nơi Bước.
    Trời chiều nhưng nắng vẫn gay gắt. Làng mạc đằng xa không gợi một sinh hoạt. Bóng cây đổ xuống chỗ hai người ngồi đậm màu và gọn. Đập nước trên nông giang đổ nước như thác khiến Bước vu vơ một lo ngại về mùa mưa sắp tới. Ngày tháng qua thiệt mau, Bước bám vào công việc đồng ruộng như bám vào một cành cây, treo mình tòn ten. Bỏ tay xuống, ngã vỡ đầu. Tiếp tục bám để thấy mỗi lúc thêm vất vả trước khi rớt hẳn xuống. Bước nghĩ tới vợ, lão thầy pháp và chặt lẳng tai nghe chị đàn bà nói. Dường như nếu Bước không có mặt ở đây, chị ta cũng vẫn nói như vậy. Tay quạt, miệng nói như vẫn chưa giải thoát nỗi nôn nả trong người chị. Tia mắt vẫn chạy nhảy, xa xôi, không hề có chỗ đậu. Bước hết còn chịu nổi, bật hỏi:
    "Nghe chị hay lại nhà ông thầy pháp?"
    Chị Thiên trả lời như nói tiếp câu chuyện, không mảy may khó chịu vì lời mình bị ngắt ngang:
    "Vợ anh cũng thường lại đó, đâu có riêng tôi. Ổng là người nhân đức, thương người khổ cực".
    "Vợ tôi nó khổ nỗi chi?"
    "Không khổ bộ sướng sao? Con cái không có, đêm đến một mình ở nhà, không khổ bộ sướng sao? Bọn đàn bà chúng tôi ơn ông như cha mẹ. Cha mẹ tôi còn sống chắc tối tối cũng lên nằm trên thị xã, còn ổng lúc nào cũng có quỷ thần phò trợ, lúc nào cũng ở bên những người còn lại trong làng, không ơn ổng sao được".
    Bước ngẩn ra suy nghĩ rồi đột ngột:
    "Ơn chi mà tới ngủ ở đó".
    "Ai tới đó ngủ? Có mình vợ anh chớ ai".
    Bước đỏ mặt chăm chăm ngó người đàn bà.
    "Chị chớ nói giọng đó, nghe dị lắm".
    Người đàn bà cười khan đứng dậy gánh hàng đi. Bước nhô ra khỏi bóng cây nhìn theo giận dữ. Thế là hết. Không hỏi gì được về chuyện vợ mình, không nói được những lời vu vơ mong muốn. Bước giận mình không định chắc chắn được chuyện gì. Bước ngẩn ngơ ngồi bệt xuống chỗ người đàn bà vừa rồi. Hơi nóng bốc hai bên thái dương không đủ để Bước để ý đến hơi nóng chỗ mình ngồi. Nỗi giận dữ của Bước như có lẫn vẻ bực bội vừa ngây ngất. Bước như lây vẻ nôn nả của chị đàn bà nhưng không hề có một cử động biểu lộ. Bước ngồi im nghe một nỗi hỗn độn trong mình. Từ trước tới giờ, hiếm khi Bước gặp lòng mình có sự kỳ cục như vậy. Bước từ trên thị xã về, đi làm ruộng tới xế chiều, về nhà sửa soạn lên thị xã như một bánh xe lăn đều. Đến chiều nay cái bánh xe đó tự dựng bị kẹt. Bước, như sự đãng trí của đời sống, thấy yêu một phần thân thể một người đàn bà trong một nỗi giận bị xúc phạm xót xa.
    Bước uể oải ra khỏi bóng mát, đi men theo đọc con mương. Trong cuộc chiến, người ta thiếu điều làm khó dễ nhau bằng cách vò rối mớ tóc của vợ địch thủ. Con mương nom hiền lành như chẳng hề biết nghe súng đạn, chẳng thể thêm một gam sức nặng trên đĩa cân hơn thua, cũng nhiều lần bị đe dọa phá vỡ nếu còn những trái đại bác dội vang trong núi. Bước giẫm trên những đám cỏ xanh, nhớ lại các buổi sáng đạp xe về trên con đường bên kia mương, cái bóng Bước theo ánh sáng mặt trời mới mọc, nhô dài sang bờ bên này tạo một vùng tối biết chạy. Vùng tối chạy tới đâu, những đám cỏ nổi lên những giọt sương óng ánh tới đó. Những vẻ im lìm buồn tẻ của đồng ruộng chỉ có vẻ sinh hoạt với những người quen thuộc, gần gũi với nó. Bước chiều như chỉ còn mình Bước tìm cách băng qua con mương về làng. Bước nghĩ sẽ có một chuyện cần nói với vợ.
    Tới đầu thôn, nghe có tiếng kèn bát âm vọng ra, Bước thoáng chút ngần ngại. Bước nghĩ về nhà chắc không gặp vợ. Nghĩ tới lão thầy pháp, Bước muốn tới ngay chỗ đám ma xem dự đoán của mình có trúng không. Song nhìn quần áo lấm láp trên mình, Bước lại đi thẳng về nhà. Đường vắng không, Bước tưởng mình là một kẻ về muộn nhất.
    Vợ Bước không có nhà thật. Hai cánh cửa lớn đóng chặt. Mấy trái bí rợ hồi sáng để ở ngoài hiên đã được mang vào nhà. Bước như người lâu ngày về thăm nhà. Ý nghĩ này có từ hồi Bước bắt đầu lên thị xã ngủ. Suốt một ngày Bước có mặt ở nhiều nơi xa nhau. Lúc Bước thấy có thì giờ để nghĩ tới vài việc vặt trong nhà cũng là lúc Bước sửa soạn phải đi. Thời gian ở nhà thật là quá ngắn ngủi. Buổi chiều ngồi trên hiên vấn một điếu thuốc thật dễ chịu nếu không có nỗi buồn sắp phải lật đật ra đi.
    Bác Sáu ngồi yên lặng trên cái nắp hầm đầu nhà cắm đầu moi cùi dừa bỏ vào miệng, không để ý tới Bước. Bước hơi khó chịu vì vể lạm dụng của bác. Từ hồi Bước đi ngủ nhờ, bác thường có những lời trấn an bằng những bảo đảm săn sóc việc nhà giùm Bước. Nhưng cũng từ đó bác coi mọi thứ trong nhà Bước như của bác, muốn rờ rà, muốn xài lúc nào cũng được. Những trái dừa nước ngọt, uống chỉ thấy mát không thấy ợ chua, những trái thanh long ăn sậm sựt, lần lượt bị bác hái xuống. Nếu có vợ chồng Bước, bác mời cùng ăn như mời khách, nếu có một mình, bác vẫn điềm nhiên ăn ngay tại nhà Bước. Bước cố nén lòng nghĩ đó là những cái vặt, việc trông nom nhà cửa mình nếu phải trả giá, giá đó quá rẻ.
    Bước ra mấy gốc dừa múc nước rửa mặt. Bác Sáu quăng trái dừa rỗng ruột vô đống vở dừa khô, quẹt mép bảo Bước:
    "Vợ mày nói cơm gói cho mày để ở trong nhà đó. Nếu nó chưa về kịp thì mày cứ đi".
    "Nó đi đám ma?"
    "Tao không hỏi mà nó cũng không nói".
    Bác Sáu sờ sà cái miệng hầm.
    "Miệng hầm làm thế này lúc lật đật cụng bể đầu".
    "Tôi chưa xuống lần nào. Có khi rắn rít đầy nhóc dưới đó".
    Bác Sáu lại bàn lật bát uống nước. Bước vấn một điếu thuốc.
    "Hầm kín để trốn tụi nó, chính phủ không cho làm, cho làm hầm lộ để tránh bom đạn chính phủ, coi không hợp lẽ chút nào. Đại bác của chính phủ lỡ mà tới nhà mình, làm sao biết trước mà lánh?"
    Bước cười khẩy. Lúc này không biết vợ Bước cười hay khóc bên lão thầy pháp. Lúc này không biết chị Thiên đã nghĩ tới đôi mắt ngó chị chăm chăm của Bước chưa.
    "Cũng như hồi xưa chưa cấp chứng nhận cho người đi ngủ trên đó, quận thì kêu nên đi ngủ mà tỉnh thì bắt nhốt vì không có tên trong sổ gia đình".
    Bác Sáu nói tiếp. Bước bực mình:
    "Bắt nhốt thì ngủ càng chắc chớ sao. Làng mình mà được chắc chắn như phòng giam, mình khỏe biết mấy".
    Bước vào nhà thay đồ, thấy gói cơm bọc lá chuối để trên mặt bàn thờ có mấy con thạch sùng lại nhấm nháp, Bước mang ra đặt trên mặt bàn ngoài hiên. Gói cơm làm Bước thấy đói nhưng không dám ăn. Mang lên thị xã ăn, đêm mới đỡ đói, mới đỡ thấy thèm những hàng quà rong.
    "Tôi đến chỗ đám ma một lát, bác coi giùm nhà".
    Bước nói cho có lệ. Kỳ thực, chiều nay Bước không mong bác Sáu có mặt ở nhà mình chút nào. Vẻ thản nhiên dùng các thứ trong nhà mình, nghĩ đến, Bước vẫn thấy gai gai, không muốn nghe bác thêm một lời.
    Ra đến ngoài đường, Bước thấy nghĩa quân đã đi bắt người gác cầu. Những bóng áo đen vừa khuất, đường làng lại vắng không. Giờ này chắc bọn người trên núi bắt đầu đi xuống. Những đứa trẻ con, những người đàn bà, con gái lại sắp được vào từng làng la hét, lục soát, được nhìn những người đàn ông khỏe mạnh sợ hãi, năn nỉ. Bước nghĩ tới những bụi rậm, những bờ tre có mình ẩn trốn hồi chưa đi ngủ nhờ. Lúc đã ép thân trong những nơi đó, người thân chỉ còn là ánh sáng mặt trời. Tấm thân chạy trốn lúc đó là cái đích cho những tràng đạn hoảng hốt điên cuồng của bất cứ kẻ nào có súng đi ngang, giật mình vì một con chuột chạy trên lá khô, vì một cánh chim vỗ lên bất ngờ trong bóng tối. Bước rùng mình như một kẻ thoát hiểm. Quả thực, lên tỉnh ngủ, dù có bị nhốt giam vẫn thấy vững lòng hơn. Một lần bị bắt nhốt với một số người cư trú bất hợp pháp khác, lúc vào phòng giam Bước thấy họ lăn ra ngủ. Giấc ngủ cong queo trên nền xi măng phòng giam hết còn bị những bóng ma ám ảnh, yên ả hơn bất cứ nơi nào. Bước cũng kiếm một xó, tiếp tục giấc ngủ nhưng không thể yên tâm được như họ, Bước vẩn vơ lo ngại nhớ đến ngày mình bị hỏi thẻ cử tri mấy năm trước. Lúc đó Bước đã ngớ người trước vẻ giận dữ của người lính. Qua những lời hạch hỏi nạt nộ Bước thấy được giải thích. Bước thành thực nói làng mình không có nghe nói bầu cử và kết cục bị bắt giữ như một người đi biểu tình. Từ đó, Bước đinh ninh bất cứ lúc nào người ta cũng có thể có thêm những giấy tờ mới - như tấm thẻ cử tri - để bắt lỗi mình. Bước trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt. Nhưng chỉ một lát, Bước lại ngồi nhổm dậy, dụi mắt lơ láo ngó xung quanh. Nhìn ngọn đèn vàng khè trên trần và những người cong queo bên mình, Bước mới nhớ ra mình đang ở đâu. Một người bên cạnh Bước cũng thức giấc. Có vẻ nghi ngờ sợ Bước lần túi, càu nhàu:
    "Đang ngủ thức dậy chi vậy cà?"
    Bước bâng khuâng:
    "Nghe như có tiếng gà gáy".
    "Gà gáy con mẹ gì ở thành phố, ngủ đi".
    Giọng càu nhàu tắt ngấm. Bước vội nằm xuống. Từ đó tới sáng, Bước nhắm mắt nhưng thấy rõ mình trở mình nhiều bận.
    Tới nhà có đám ma, Bước lén qua đám người lố nhố ngoài sân, bước lên hiên. Lão thầy pháp ngồi cúng ê a trước cái bàn kê trước mấy tấm trướng, mấy câu đối viết trên mấy tấm vải trắng thô. Trên bàn, tấm hình người em trai vừa chết, bình bông lư hương… Sau lưng lão thầy pháp, người anh của người chết chít khăn trắng mặc áo sô chân trần đứng sững mặt nhợt nhạt. Hai lỗ mũi nở lớn, đỏ vằng, chốc chốc lại phập phồng theo cái chớp mắt hoặc di chân của anh ta. Đã sắp tới giờ tốt để đưa đám. Ngoài cổng, cờ quạt nghiêng ngả. Tiếng trống nện cầm chừng. Bọn thợ kèn ngồi ở cuối hiên nghỉ ngơi bên đống quần áo đen đủi của bọn khiêng quan tài. Bước vào trong nhà hỏi han ít câu với người trưởng họ, hút một điếu thuốc rồi sang gian để quan tài. Vợ Bước đứng đó, bên người mẹ có con chết. Người mẹ được giữ lại trước quan tài. Giọng bà ta khản đặc. Bà kể lể từng lời rời rạc như cười. Bà hỏi đứa con đã chết sao lại không chịu mặc manh áo đã vá hằng trăm đường kim của bà. Bà hỏi về người con gái cãi lộn với con trước hôm con chết. Bà hỏi về buổi chiều con trai lội xuống nông giang rửa mặt… Bà hỏi…
    Bước thấy vợ như muốn cười với mình. Mi mắt chị ta đỏ như bị cấu. Chị ta lảng nhìn chỗ khác như không muốn nói với chồng lúc này. Bước thấy sau gáy vợ mình cũng buông nhiều sợi tóc. Những chân tóc bới lên nom cong cong lòa xòa. Vậy mà lão thầy pháp đã rờ tới những chân tóc đó? Chỉ có ma quỷ mới tin được điều đó. Bước lắc đầu, ra hiệu cho vợ quay trở ra, rồi ra phòng ngồi đợi. Nhưng chị ta như không nom thấy, ở lì trong đó.
    "Hay nó đã biết ý định của mình?"
    Bước loay hoay thắc mắc. Ánh nắng trên một mái nhà đằng xa đã dịu màu. Những ngọn cây cao sáng loáng ánh sáng. Đám ma ra khỏi nhà. Hơn chục người cởi trần lực lưỡng hè nhau khiêng quan tài ra ngõ. Cờ dựng, trống khua, bát âm nổi dậy. Làng mạc như bỏ trống, dồn của quanh đám ma. Lão thầy pháp hai tay áo rộng vén cao, ống quần cạp vải trắng bó chặt căng nhầy lên cái minh tinh để ngoài ngõ hô những tiếng âm hồn. Bọn lực lưỡng hô theo. Bước thấy trờn trợn. Nếu không quen biết, Bước đã nghĩ những tấm thân lưng trần đó, sau khi bới đất lên quan tài sẽ vào một bụi rậm nào đó lấy mỗi người một con mã tấu đi tìm một xác chết khác trong đêm.
    Đám ma từ từ ra khỏi thôn. Ngọn cờ, bức trướng vật vờ phường bát âm và những khúc hành vân, lưu thủy lằng nhằng, đẩy đưa. Tiếng trống như khua cả buổi chiều nắng sắp rút. Những bờ dậu um tùm trên lối đi, những mảnh vườn trải nắng đất xốp trắng khô, những bông hoa dại tím vàng len lỏi trong bờ tre, bụi rậm một vài bóng người từ một bờ hiên cao, thấp thoáng sau cành cây ngó ra.
    Tới bực đá cổng, Bước tìm vợ. Chị ta đã rời đám ma từ hồi nào. Bước quay về với vài người ngại đi xa.
    Vợ Bước đã về nhà. Thấy Bước, chị lườm:
    "Sau không đưa luôn ra ngoài ruộng để tối nay ở nhà ra ngoài bụi mà nằm".
    Bước cười:
    "Ai mà đi đưa đám ma. Đi kiếm mình đó".
    "Kiếm chi?"
    Bước gượng gạo:
    "Có chuyện mới kiếm, không chuyện bộ kiếm sao. Hồi nãy bộ không thấy người ta chờ sao?"
    "Ai mà biết".
    Quả thật chỉ có ma quỷ mới tin vợ Bước ngoại tình. Buổi chiều hôm nay, thêm một xích mích nhỏ với vợ, còn biết vui với ai.
    "Có chuyện tôi mới về, không có tôi đã đưa đám ma tới ngoài ruộng rồi. Anh biết chuyện chi không?"
    Vợ Bước nhìn chồng. Thấy Bước ngơ ngác chị không cười như mọi khi.
    "Nẫu vừa có lệnh cấm đi khỏi nhà ban đêm. Mấy người xe ngựa ở trển chạy về nói vậy".
    Bước ngẩn mặt. Lại có một lệnh mới truyền miệng về làng. Lên thị xã ngủ lại là một tội mới.
    Bước thở dài sau một lát im lặng cố nén. Thuở nhỏ Bước sợ ma quỷ bắt về âm phủ, một góc nhà tối, một bụi cây um tùm, một khúc quẹo trên đường làng như đều có âm binh xuống đón. Nhưng chưa bao giờ Bước gặp và những góc nhà bụi cây, khúc quẹo đều gần Bước để Bước trông thấy rồi mới nghi mình bị đe dọa. Bây giờ từ miệng một người phu xe qua thôn, từ một thành phố Bước chỉ tin là có vì được nghe phát thanh chốc chốc lại nhắc lại: "Đây là tiếng nói nước Việt Nam phát thanh từ…" từ một ngôi nhà làng… đâu đâu cũng có lệnh cho Bước, ai ai cũng có thể ra lệnh cho Bước. Dẫu Bước không có một căn cứ cụ thể như có bụi cây để nghĩ ma quỷ lẩn quất ở đó là hợp lẽ, bây giờ Bước vẫn phải tin và tuân những lệnh đó và vẫn sợ những trừng phạt kèm theo. Mỗi một mệnh lệnh lại như thêm một bệnh mới trong cái cơ thể quá suy nhược của người dân. Sớm muộn thế nào hắn cũng bị vật chết.
    "Nẫu nói tối mốt sẽ về kiểm soát từng nhà. Ai không có nhà bị coi là chống Nẫu".
    Vợ Bước nói xong bỏ ra sau nhà. Hết những lời thuật lại với chồng, chị như hết lo lắng. Bước buông người xuống ghế vấn một điếu thuốc. Lưỡi Bước thè ra giữa hai cặp môi dày nặng nề. Có tiếng cần kéo nước ken két nặng nề từ sau nhà. Bước như nom rõ dáng người dẻo dai của vợ nghiêng mặt trên giếng và hai cánh tay với lên thoăn thoắt kéo cần. Bước muốn ra kéo nước giùm vợ nhưng vẫn ngồi trên đẩu, phập phèo từng hơi thuốc. Hai người như có nhiều việc riêng không có dính dáng với nhau. Bước nghĩ đến chuyến đi của mình, đến những lời đe dọa và vợ Bước chắc cũng nghĩ tới một chỗ chị cho là an toàn nào khác. Chắc chắn không ai nghĩ đến những việc xa hơn. Tình thế này nhồi nhét biết bao biến cố, xử sự theo hoàn cảnh trước mắt cũng là điều khó khăn, ai dại khờ chi mà đem đặt trong đầu một tính toán xa vời. Bước đành coi lời đe dọa như không có và tiếp tục lên thị xã ngủ Bước sẽ trông chừng người ta. Họ làm sao Bước làm vậy. Bước đành tin vào đám đông khốn nạn như mình. Bước đành đem số phận mình ghép vào số phận chung mọi người. Đó là điềm an ủi độc nhất cho Bước.
    Bước đứng dậy, mang gói cơm buộc vào sau chiếc xe dưới hiên. Thấp thoáng qua những cành dừa lòa xòa, Bước nom thấy người phế binh chống nạng đứng ở bên hông thánh thất. Anh ta như một pho tượng thiếu một chân bên bức tường cao sững sững. Ánh nắng đã rút tới bực thềm thứ ba. Những chiếc lá khô theo gió bay vòng vèo dưới chân anh. Những con chim sẻ đã rút hết cả nóc ngói còn ngợp ánh mặt trời. Bước chắc anh ta chờ rung chuông. Tiếng chuông đổ liên tiếp ngân vang lên lúc Bước ở trên con đường lên thị xã. Lúc dời khỏi cổng thôn, Bước ít nghĩ tới những thứ còn lại đằng sau. Nhưng lúc nghe tiếng chuông Bước không sao tránh được những nôn nao về những con đường đất vắng không những ngôi nhà im ỉm đang dần dần sửa soạn lẫn vào với cây cối. Đã lâu Bước không ngồi chơi cờ với anh thương binh để xem anh nóng nảy thí quân một cách bừa bãi để cuối cùng dùng tượng của mình chắn lối tượng của bên kia, Bước không thích chơi kiểu đó. Thường thường chơi được hai ván, Bước cáo từ và chỉ trở sang bên đó những lúc rảnh chân tay nhất.
    Ở sau nhà, vợ Bước tắm dội nước ào ào. Bước nhìn trời sốt ruột. Điều định nói với vợ vẫn chưa nói được.
    Bước ra gần buồng tắm lộ thiên. Vợ Bước kêu:
    "Chớ có vô".
    Bước bật cười:
    "Làm như lạ lắm không bằng".
    "Quen cũng không được vô".
    "Lẹ lẹ lên. Có câu chuyện định nói mà đã nói được đâu".
    Bước lên nhà. Ngoài đường đám người có chồng con lên núi đã đi gác cầu. Chị Thiên cũng có mặt trong đó như mọi khi. Vai chị quàng một tấm khăn lớn sặc sỡ như cái khăn tắm. Chị đi sát bên bờ dậu bên mấy người đàn bà khác yên lặng như ngậm tăm. Bước chắc tấm khăn đó chị dùng đắp mặt lúc dựa vào thành cầu ngủ cho khỏi sương. Vẻ nôn nả nhường cho bước chân đều đặn, hai tay buông xuôi. Tia mắt chạy nhảy, xa vời, Bước không gặp lại vì chị đi cúi đầu.
    Bước nhìn sang nhà bác Sáu thấy bác bế con đứng ở cổng ngó ra. Đoàn người đi khỏi, bác quay sang cười với Bước. Bước vội quay vào trong nhà. Có tiếng vợ Bước trao đổi với bác, Bước cau mày.
    Một lát chị ta bước vào, thấy Bước vẫn ngồi chồm hổm trên cái ghế bụi, chị hỏi:
    "Bộ anh toan ngủ ở nhà thiệt sao?"
    Bước lắc đầu:
    "Còn đi hoài".
    Chị ta nhìn Bước dò xét:
    "Chuyện chi vậy?"
    Bước ngắm vợ, gượng gạo, chỉ vào cái giường.
    "Chớ có tầm bậy. Ban ngày…"
    Bước liếc ra ngoài rồi lại nắm hai vai vợ:
    "Cả tháng nay rồi. Có đêm nào ngủ nhà đâu".
    Giọng Bước có vẻ năn nỉ. Chị vợ vùng vằng toan nói. Bước như bị cái lách vai của vợ làm dạn dĩ, vội đưa một tay khép cửa lại.
     *
    Bước ra khỏi phòng, nắng đã nhạt. Bước vội vàng nhấc xe, nhảy lên. Vợ Bước mà ngoại tình, chỉ có ma quỷ mới tin được.
    Bước đạp xe như chạy trốn. Tiếng chuông của người phế binh đã ngân nga. Trâu bò đã về chuồng chỉ còn lại trên đường những vết chân bừa bộn, những đống phân tung tóe. Trên núi Chóp đã nom rõ những đóm lửa lập lòe. Những tiếng súng đại bác đã dội vang liên tiếp trong vùng núi.
    Và ở cuối con đường lớn trong thôn, khăn quấn kín tay, áo dài đen, chân cạp vải trắng, lão thầy pháp bước những bước chập chờn.


  

Mời xem  :Bão Khô - Y Uyên     Bão  Khô - Y Uyên