3 thg 1, 2018

Hỏi chuyện người Nhật 20 năm kinh nghiệm trường mầm non về bạo hành trẻ em


Vấn nạn bạo hành đối với trẻ em làm nhiều người lo ngại ở Việt Nam.

Chị N. Yoko là một người Nhật có 20 năm kinh nghiệm làm việc ở môi trường trường mầm non, trong đó có 16 năm làm trường mầm non của Nhật ở Việt Nam một nửa thời gian là hiệu trưởng. Hỏi chuyện chị N. Yoko về vấn nạn bạo hành trẻ em đang làm dư luận bức xúc hiện nay.
Chào chị, dư luận Việt Nam đang nóng chuyện bạo hành trẻ em ở một cơ sở trường mầm non, chị cho biết tình trạng tương tự có xảy ra trong trường học ở Nhật Bản hay không?
Ở NB hiện tượng thầy cô đánh học sinh trước đây cũng có xảy ra nhưng rất ít. Bản thân tôi hồi học lớp 4 có một lần bị cô giáo đánh một cái vào má. Vài chục năm nay vấn đề này đã giảm hẳn, không phải là tuyệt đối không có mà có thể nói là hiếm có.
Một tác động lên học sinh mức độ nào thì bị xem là hành vi bạo hành?
Bất kỳ một hành động đánh học sinh nào dù mạnh hay nhẹ tay đều không được phép.
Ngành giáo dục NB đã có đối sách gì mà vấn đề bạo hành học sinh trở thành "chuyện hiếm có" như chị vừa nói trên?
Theo ý kiến cá nhân tôi thì có nhiều nguyên nhân. Như khi bạn nộp hồ sơ thi vào ngành giáo viên trường mầm non, khác với ở vài nước mà tôi biết trong đó có VN, các thí sinh được cho làm bài thi viết có chủ đề giống nhau thì ở NB áp dụng bài kiểm tra xử lý tình huống từng thí sinh một kết hợp với kiểm tra năng khiếu như đánh đàn, ca múa hát, khả năng hoạt náo, chơi trò chơi... để chuyên viên có thể tuyển chọn được những người có sức khỏe bình thường, đức tính giản dị, có lòng yêu trẻ, ít tham vọng cá nhân... được coi là những tố chất trở thành giáo viên mầm non.
Ngoài ra chu kỳ vài năm thì có một đợt luân chuyển giáo viên trong hệ thống giáo dục trong phạm vi một tỉnh, thành phố... Trong quá trình luân chuyển giáo viên có cơ hội nhìn nhận lại bản thân, cơ quan quản lý cũng làm việc với giáo viên để hoàn thiện những điểm chưa tốt trong một chu kỳ công tác... Sự quản lý những manh nha ban đầu những vấn đề phát sinh có tác dụng ngăn ngừa từ xa hữu hiệu. Có thể còn nhiều nguyên nhân khác mà tôi không thể nắm bắt hết như môi trường sống xã hội, chính sách lương...
Được biết chị có thâm niên làm quản lý trường mầm non NB, chị cho biết quá trình công tác của chị?
Thời còn học sinh tôi đã có suy nghĩ lớn lên sẽ làm cô giáo mầm non. Sau đó học xong phổ thông tôi học đại học chuyên ngành giáo dục mầm non. Để bổ sung kiến thức mở mang hiểu biết tôi học thêm đại học chuyên ngành kinh tế. Từ ngày ra trường đến nay tôi đã làm trong lĩnh vực trường mầm non đã gần 20 năm.
Môi trường làm việc của chị ở VN có sự tương đồng với môi trường trường mầm non ở bên Nhật không?
Ở trường tôi đang làm việc có khoảng 1/3 nhân viên là người Nhật Bản còn lại là người Việt. Các bé ở trường tôi có nguồn gốc liên quan đến NB như bố hoặc mẹ đang nhiệm kỳ công tác ở VN, bé có phụ huynh có hôn nhân đa chủng như cha Nhật mẹ Việt, Mỹ - Nhật, Trung - Nhật đang sinh sống làm việc ở VN... Dù hoàn cảnh xuất xứ là thế nào thì khi họ gởi con vào trường chúng tôi tức là họ có lòng yêu mến văn hóa NB. Chúng tôi thiết kế một chương trình ăn ngủ vui chơi bước đầu học giao tiếp cho các bé đúng với khoa học phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ dựa trên nền tảng văn hóa NB. Điều đặc biệt được nhấn mạnh là tôn trọng tự do cá tính của trẻ mức độ cao nhất và tuyệt đối không bạo hành trẻ.
Những lễ hội truyền thống NB cũng được chúng tôi thiết kế vào chương trình, ngày lễ hội truyền thống NB do chúng tôi tổ chức ở đây phụ huynh và con em tham gia rất là tích cực và rất là hòa quyện, tôi có thể cảm nhận họ đang hít thở bầu không khí lễ hội không khác gì lúc họ đang ở bên NB vậy.
Theo chị vấn nạn bạo hành trong nhà trường xảy ra ở VN có xu hướng gia tăng như hiện nay là do đâu?
Theo hiểu biết của tôi thì bạo hành trẻ trong nhà trường không hẳn là đang gia tăng như bạn nói mà có thể đang giảm do điều kiện sống bây giờ thay đổi và do sự phát triển và độ phổ biến của công nghệ số, internet... Nhưng dù nói là giảm thì vấn đề bạo hành trẻ ở VN như hiện tại là không thể chấp nhận được.
Nguyên nhân có thể từ môi trường sống, thu nhập của giáo viên, áp lực thời gian và công việc, vấn đề đào tạo tuyển dụng còn tự phát, thiết kế chương trình không khoa học, sự lơ là của cấp quản lý v.v... Hơn nữa sự hiểu biết tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ của giáo viên còn hạn chế. Mỗi đứa trẻ là một tính cách, một trường mần non nhỏ thường có khoảng 100 trẻ là có 100 tính cách, chúng ta không lấy khuôn mẫu của trẻ này áp dụng cho bé khác được. Ví dụ trong giờ ngủ mà có bé muốn chơi, giờ ăn thì có bé muốn ngủ... phải có phương án dự phòng các vấn đề như vậy thì khi xảy ra giáo viên không bị động sinh ra bực bội...
Quan niệm xã hội về vai trò của cô giáo cũng nên thay đổi. Nên tiếp cận theo khuynh hướng cô giáo là một người bạn của trẻ hơn là đặt quá nhiều kỳ vọng vào vai trò của họ. Theo tôi biết ở VN có những cha mẹ khi nói con không nghe lời điều gì thì hay nói "mét cô nhe", vô hình chung làm cho suy nghĩ còn non nớt của trẻ lo sợ về cô. Vì lo sợ nên bé nảy sinh tâm lý đề phòng, là một trong những lý do sự hợp tác giữa bé và cô không hiệu quả, làm cô giáo mất kiên nhẫn dẫn tới bạo hành thái độ, bạo hành lời nói... bạo hành hành vi là sự bộc lộ ra của những loại bạo hành kia.
Ngoài ra hàng ngày trên đường phố chúng ta bắt gặp những hành vi mang mầm mống bạo hành. Một tiếng còi xe vô ý thức là một hành vi bạo hành, một lời nói khiếm nhã là bạo hành ngôn ngữ... ngay chính phụ huynh cũng có người bạo hành con mình. Hôm kia khi tôi đứng chờ xe thì có người mẹ dẫn theo em bé, em bé hiếu động không chịu đứng yên mà chạy nhảy thì liền bị mẹ đánh mấy cái vào mông làm em khóc... Thỉnh thoảng tôi chứng kiến hành vi dạy con theo cách sai như vậy.
Ở trường chị có 2/3 giáo viên, bảo mẫu là người Việt lại hoàn toàn không có bạo hành. Tại sao nhân viên người Việt giữ được kỷ luật đó?
Nhân viên hoặc bảo mẫu trường tôi đa số biết nói tiếng Nhật. Khi học tiếng Nhật thì không nhiều thì ít họ hiểu văn hóa Nhật Bản, họ biết người Nhật có truyền thống tinh thần kỷ luật và văn hóa NB rất tôn trọng trẻ em... Khi phỏng vấn tuyển dụng tôi có nhấn mạnh quy định của trường trong đó có quy định không được đánh trẻ... Nhưng có lẻ môi trường văn hóa làm việc đã tác động lên nhận thức của họ mới là yếu tố mang tính quyết định. Tôi nghe nói người VN khi đi du lịch qua Singapore thì không vứt rác, câu chuyện ở trường tôi có lẻ cũng tương tự như vậy.
Cám ơn chị vể buổi nói chuyện!
Cám ơn bạn.

(Trúc Nguyễn Thực Hiện- TG gửu đến Dân Luận )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét