20 thg 10, 2017

Cuộc đời buồn như chiếc lá rời cành của Huyền Trân công chúa

Trần Hồng Phong
Bình Luận Án Blog

Huyền Trân công chúa là tên gọi của một vị công chúa còn rất trẻ thời nhà Trần, có số phận đau buồn cả ở khía cạnh cuộc đời lẫn tình duyên. Nàng (xin gọi như vậy, thay cho đại từ "bà" có phần lạnh lùng và không phù hợp về độ tuổi) là con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông. Câu chuyện của Nàng còn đặt ra câu hỏi về chữ "TÍN" của người Việt chúng ta. 

Bức vẽ phỏng về Huyền Trân công chúa. Cuộc đời nàng buồn quá (nguồn: internet)



Theo sử sách chính thức ghi lại, năm 1306, khi chỉ khoảng 15-17 tuổi Huyền Trân công chúa "được" nhà vua khi ấy là Trần Anh Tông gả cho quốc vương (vua) nước Chiêm Thành là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III), để đổi lấy một vùng đất là hai châu Ô và Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Một năm sau, vua Chế Mân chết, vua Trần Anh Tông sai tướng là Trần Khắc Chung vượt thuyền vào tận kinh thành Đồ Bàn của Chiêm Thành "cướp" Huyền Trân công chúa về lại cố hương.  Sau đó Huyền Trần công chúa xuất tục, nương nơi cửa Phật.

Cũng cần nhắc rằng Chiêm Thành thời nhà Trần là một quốc gia khá hùng mạnh, ở phía Nam, chung biên giới với nước Đại Việt chúng ta. Thời hưng thịnh của mình, vua Chiêm Thành đã nhiều lần đem quân vượt biên giới tiến đánh Đại Việt, gây không ít khó khăn cho triều đình. Nhưng chỉ khoảng vài thế kỷ sau, Chiêm Thành đã bị nước Đại Việt ta "sáp nhập" mà mất vĩnh viễn.

Bị ép duyên khi mới khoảng 16 tuổi

Liên quan đến Huyền Trân công chúa, sau hơn 700 năm sương khói, chắc chắn có nhiều thông tin, vấn đề chưa được rõ ràng và sẽ không bao giờ có thể sáng tỏ. Chỉ có một điều chắc chắn, là cái tên Huyền Trân công chúa đã đi vào lịch sử dân tộc, không thể nào quên và để lại cho hậu thế chúng ta ngày nay nhiều suy nghĩ, ưu tư.

Huyền Trân công chúa được cho rằng ra đời năm 1289, là giai đoạn đã dần chuyển sang suy thoái của đời nhà Trần hùng mạnh một thời, với chiến công lừng lẫy ba lần đánh tan giặc Nguyên (Mông Cổ). Mẹ nàng có thể là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu - con gái trưởng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng cũng có thuyết cho rằng có khả năng nàng là con gái của Tuyên Từ hoàng hậu, em gái của Khâm Từ hoàng hậu.

Theo Từ điển mở Wikipedia, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Trần Nhân Tông ở lại trong cung điện Chiêm Thành là thành Đồ Bàn (nay thuộc địa phận huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) gần 9 tháng. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Tapasi, người Java (Indonesia ngày nay). Sau đó, nhiều lần Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.

Năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14 (1306), tháng 6, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) cho Đại Việt làm hồi môn, vua Trần Anh Tông khi đó chính thức đồng ý gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Công chúa khi về đến Chiêm Thành, được phong làm Vương hậu thứ 2, phong hiệu là Paramecvari.

Năm Đinh Mùi (1307), vào tháng 5, tức là chỉ sau 1 năm cưới công chúa Huyền Trân, quốc vương Chế Mân qua đời. Sách chép Thế tử Chiêm Thành khi ấy là Chế Đa Da sai sứ thần là Bảo Lộc Kê sang Đại Việt báo tang, dâng một con voi trắng.

Mờ ảo chuyện "tư thông" của Huyền Trân công chúa

Ngay sau khi nhận được tin vua Chiêm Thành Chế Mân chết, vua Trần Anh Tông khi ấy liền cử tướng sang cướp công chúa Huyền Trân về lại cố hương.

Theo Đại Việt sử ký, sở dĩ có chuyện cướp công chúa ngay trên đất xứ người, là vì vua nghe rằng theo tục nước Chiêm, khi Quốc vương chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Nên vua Trần Anh Tông liền cử Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu công chúa để nàng khỏi bị chết theo chồng.

(Ghi chú: theo nhiều chuyên gia lịch sử khẳng định, đây chỉ là một giả thuyết đưa ra, để biện minh cho "lý do" cướp công chúa, vì người Chiêm Thành không có tục lệ hoả thiêu hoàng hậu theo vua. Chưa kể là nếu có đi nữa, thì cũng không đủ thời gian để vua Trần kịp cử người sang cướp công chúa về).

Tướng Trần Khắc Chung đã thành công, cứu (hay "cướp") được Huyền Trân công chúa và đưa Nàng  xuống thuyền, về Đại Việt bằng đường biển.

Một chuyện ly kỳ được Đại Việt sử ký ghi lại, là cuộc hải hành này kéo dài tới một năm và trong thời gian đó, trên con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi, Trần Khắc Chung đã "tư thông" với công chúa.

Lại nói rằng trong cuộc hành trình trở về, công chúa còn đi theo Thế tử Đa Da, vì vậy về sau không ít người cho rằng Thế tử là con của công chúa. Tuy nhiên xét theo hành trạng có thể cử sứ thần sang báo tang, Thế tử rất có thể chẳng phải là con của Huyền Trân công chúa, và việc đi cùng với công chúa về là do lý do chính trị nào đó mà thôi.

Cho tới nay, chuyện Trần Khắc Chung "tư thông" với Huyền Trân vẫn có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng đây là chuyện gièm pha, đồn thổi chứ không có thật. Vì sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người là quá lớn. Trần Khắc Chung lại là một quan võ được tiếng đạo đức, trên tàu còn rất nhiều người khác cùng đi, thì không dễ dàng làm chuyện bậy bạ được.

Sau khi về đến cố hương, Đại Việt sử ký không còn bất kỳ ghi chép nào về hành trạng của Huyền Trân công chúa nữa.

Theo dã sử và thần tích tại các đền thờ Huyền Trân công chúa, thì sau khi trở về Thăng Long, theo di mệnh của Thái Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh).

Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng. Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.

Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn.

Ngày công chúa mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Các triều đại sau đều sắc phong công chúa Huyền Trân là Thần hộ quốc. Nhà Nguyễn ban chiếu ghi nhận công lao của công chúa Huyền Trân "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần".
.........

Lời bàn của Bình luận án Blog:

1. Trước hết, tôi xin phép không bình luận về chuyện chữ TÍN, hay giữ chữ tín, trong câu chuyện của Huyền Trân công chúa ở trên. Nhưng thực lòng mà nói, qua công việc, tiếp xúc xã hội, tôi thấy trong thời điểm hiện tại, rất rất nhiều người chẳng coi chữ tín là gì, ra gì cả. Thực dụng lắm, ham hố quyền lực, vật chất lắm. Có khi chỉ vì cái ghế, mà dù tuổi đã cao, sức đã yếu, tài đã cùn mà vẫn quyết bất tín để ngồi càng lâu càng tốt.

2. Còn chuyện cho dù vì tình cảm thương yêu máu mủ, mà đem quân tinh nhuệ xông vào ngay giữa kinh thành đất nước người ta, bắt cóc hoàng hậu của nước người ta, rồi đưa về nước mình - thì rõ ràng là sai tè le rồi. Chả coi pháp luật của người ta, quan hệ quốc tế ra cái gì cả. Nhưng thôi, ấy là chuyện thời phong kiến, còn lạc hậu. Chứ ngày nay nếu vậy có thể là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ chính trị, ngoại giao.

3. Xét về yếu tố con người, thì bất luận thế nào, đã cho thấy Huyền Trân công chúa, một cô gái nhỏ, đã bị người thân của mình ép duyên. Nếu theo quy định của pháp luật bây giờ, đó là hành vi sai trái, thậm chí là tội phạm. Huyền Trân công chúa là nạn nhân của một cuộc đổi chác, hoặc hứa hẹn phi lý. 

Tôi biết rằng việc dù Nàng phải ra đi lấy chồng một cách tức tửi, nhưng đổi lại mang về được đất, nên sẽ có người nói theo kiểu "siêu lý luận" là "có thể chấp nhận được", "chấp nhận hy sinh". Vả lại đó là thời phong kiến, cha mẹ, nhà vua đặt đâu thì phải ngồi đó. Truyền thống từ xưa nó vậy. Ừa thôi thì cũng có thể hiểu là vậy đi.

4. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ đến suy nghĩ, ước muốn của Nàng? có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc một cô bé 16 tuổi bị buộc phải ra đi, xa rời người thân, đất nước mình, trong một tương lai bất định (dù là làm hoàng hậu 2 của vua). Mà sao trong con đường tình duyên của Huyền Trân công chúa buồn quá. Cho dù nàng thực sự có hạnh phúc với người chồng vương đế xứ Chiêm Thành, thì niềm vui cũng ngắn chẳng tày gang. Người chồng, chỗ dựa lớn nhất của nàng nơi đất khách quê người, cũng đã chết chỉ 1 năm sau ngày cưới.

5. Chuyện Huyền Trân công chúa "tư thông", tôi nghĩ lại càng thấy thương. Cho dù chuyện ấy là có thật, thì kẻ đáng trách, người có lỗi ở đây chính là Trần Khắc Chung, một người đáng tuổi cha chú công chúa, lại đã có vợ mà dám tư thông với em gái Vua, là sự ép uổng, mà cũng là phạm thượng ghê gớm lắm. Chứ Huyền Trân công chúa có lỗi gì trong chuyện ấy.

6. Ngày nay sau 700 năm, thân phận người phụ nữ Việt Nam liệu có thật sự tốt đẹp, bình đẳng hơn? Chúng ta thấy hiện đang có rất nhiều phụ nữ thành đạt, giỏi giang, nắm giữ những vị trí lãnh đạo. Nhưng còn có một thực tế khác, một bộ phận nhỏ (tôi nhấn mạnh là chỉ "một bộ phận nhỏ") những cô gái trẻ phải nhắm mắt đưa chân đi lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc - chỉ để mang về cho cha mẹ vài chục triệu đồng, vẫn còn có biết bao cô gái trẻ đẹp phải bán thân, làm những công việc mang tính mua vui, giải trí cho đàn ông. Hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lao động nữ đang làm việc ở các doanh nghiệp bị chèn ép, trả lương rẻ rúng, bị ép phải nghỉ việc ở tuổi 35. (Báo chí đưa tin chính thức).

7. Câu chuyện cuộc đời của Huyền Trân công chúa, đã mãi trở thành một biểu tượng, một trang buồn trong lịch sử dân tộc. Xin đừng gán cho nàng cái công "đổi đất", vì điều ấy là khiên cưỡng, đạo đức giả.

8. Tôi đã nhiều lần lang thang trên khu vực thành Đồ Bàn ngày xưa (sau này thời Quang Trung là thành Hoàng Đế). Nơi đây trên 700 năm trước, Huyền Trân công chúa đã sống.

9. Tôi lại nhớ đến câu chuyện truyền thuyết nàng công chúa Mỵ Nương thời vua An Dương Vương. Một cô gái nhỏ cũng bị lịch sử gán cho tội phản bội, bị chính cha mình xử chém một cách oan ức không qua xét xử, chưa làm rõ đúng sai. Việc mất nỏ thần, dẫn đến mất nước là lỗi của Vua - người giữ trọng trách cai quản đất nước, đã để cho bọn Tàu cài cắm gián điệp, dưới hình thức hôn ước chính trị, ở rể - sao lại đổ lên đầu một cô gái ngây thơ trong trắng? 

Ôn chuyện xưa ngẫm chuyện nay, lại càng thấy thương hơn, quý hơn những người phụ nữ Việt Nam vậy. 
.............

Một số ý kiến của người đời sau:

* Sử thần Ngô Sĩ Liên: 
Chữ "tín" ở đâu?

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngô Sỹ Liên chê trách chuyện này, viết:

"Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho thiền vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy nàng Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ.

Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?"

* Phạm Văn Sơn:

Ta đã bất tín với Chiêm Thành


Trong Việt sử toàn thư, tác giả Phạm Văn Sơn viết:

"Duy việc Trần Khắc Chung lập mưu đưa Huyền Trân trở về nước sau khi Chiêm Vương qua đời, dù muốn sao ta cũng phải nhận là một việc bất tín đối với Chiêm Thành. Thì phản ứng của nước Chiêm là lẽ dĩ nhiên và chính đáng. Còn người Việt đã thắng một canh bạc không lương thiện lắm lại còn ra bộ não nùng xót xa …"

* Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước:

(Trích lưu bút lưu tại điện thờ Huyền Trân Công Chúa, Huế)

"Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ".

........

Một số đoạn thơ về Huyền Trân công chúa:

1. Tục ngữ dân gian: 

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

2. Bài thơ "Nước non ngàn dặm" 
tương truyền cho rằng chính công chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm:

Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...

3. Phạm Duy - trường ca Con đường Cái Quan:

Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công chúa Huyền Trân tôi lên đường
Đường máu xương đã lắm oán thương
Đổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no
Đèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô....

4. Hoàng Cao Khải - Công chúa Huyền Trân 

Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời,
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi... !

.........

Quy định tại Bộ luật hình sự (năm 1999):

Điều 146. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.


Điều 148. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn

Người nào có một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn;

b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Trước đây tôi cũng trách nhà vua Trần Nhân Tông về việc để con gái mình làm hòa thân công chúa, nhưng khi đọc qua cuốn tiểu thuyết lịch sử "Huyền Trân Công Chúa" của tác giả Hoàng Quốc Hải, tôi lại có góc nhìn khác. Trần Nhân Tông khi đó đã từng là vua của hai cuộc chiến thắng quân Mông - Nguyên, người sáng lập thiền phái Trúc Lâm, một người như vậy thì quyết định của họ đâu chỉ thể nhìn bề ngoài mà nói hết được.

    Trả lờiXóa