1 thg 12, 2016

RadioFM 974 : Chuyện Thê Giới Trong Tuần-Thứ Hai 28/11/2016



Miến Điện: Bỏ Rakhine Mà Đi - Nơi Người Thiểu Số Rohingya Không Còn Đất Sống
            
 Hàng ngàn rồi hàng ngàn, người thiểu số Rohingya, ở vùng Rakhine, một tỉnh miền tây bắc Miến Điện, theo nhau vượt thoát đến biên giới Đông Hồi, với hy vọng thoát khỏi bị hiếp dâm và tra tấn của quân lính chính quyền trong những ngày bạo động tàn khốc kéo dài vài tuần qua.
    Nhiều người cho báo chí ngoại quốc biết họ đã bị hiếp dâm, tra tấn hoặc bất lực đứng nhìn nhà cửa của mình cháy rụi và thân nhân gia đình bị xử bắn một cách tàn bạo. Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Lalu Begum, mắt mày xơ xác, nói rằng, hễ quân lính tìm được bất cứ một đứa con trai nào trên mười tuổi thì họ bắn chết liền tại chỗ, đàn ông cũng bị quân lính bắt đem đi mà không biết đi đâu và số phận ra sao, khi quân lính tràn vào làng, họ phải bỏ nhà cửa chạy đi, không biết ông chồng giờ còn sống hay đã chết. Bà Begum hiện đang tạm trú tại trại tỵ nạn Kutupalong, ở phía nam Đông Hồi cũng nói thêm, có rất nhiều đàn bà con gái cùng làng đã bị quân lính hiếp dâm thô bạo, một khi họ thấy người nào dễ nhìn, đẹp mắt, họ giả vờ vào xin nước uống, và khi đã vào trong nhà, họ dùng bạo lực đe dọa ra tay cưỡng bức sau đó.
    Theo ước lượng, có khoảng hơn một triệu người sắc tộc Rohingya sống ở tỉnh Rakhine, nơi họ được xem là những người thiểu số vô tổ quốc, chính quyền Miến chính thức không nhìn nhận người Rohingya, cho họ là những người Bengali di dân bất hợp pháp, mặc dù, tính từ cội gốc, người Rohingya đã sống ở Miến qua nhiều thế hệ. Một nhân viên của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, ông John McKissick, có văn phòng ở Đông Hồi nói rằng, người sắc tộc Rohingya là những người bị áp bức cao nhất trên thế gới, dường như, qua vụ bạo động xảy ra ở Rakhine, mục đích của chính quyền Miến là, nhằm quét sạch hẳn sắc dân thiểu số này.
    Những người tỵ nạn Rohingya tại trại Kutupalong đã bỏ lại nhà cửa, ra đi vào lúc nửa đêm, âm thầm lẩn trốn từng làng này qua làng khác, để tránh bị quân lính phát hiện, rồi đến được con sông Naf, từ đây họ tìm mọi cách vượt qua bên kia sông vào đất Đông Hồi. Gia đình bà Begum đi mất bốn ngày đêm sau khi làng bà bị quân lính nổi lửa đốt cháy, họ thay đổi chỗ trốn luôn luôn, nhờ vậy bà mới tới được biên giới, dọc theo đường, không biết bao nhiêu người đã chết hay mất tích, một người khác, bà Nassima Khatun, em dâu của bà Begum, lúc ra đi gia đình có tất cả sáu người thì ba người đã chết, chồng và đứa con trai bị quân lính bắn, một đứa con khác lạc mất không tìm ra. Báo chí ngoại quốc có mặt tại trại tỵ nạn Kutupalong, tìm cách kiểm chứng tin tức và hình ảnh bạo động ở Rakhine, được xem trên các trang mạng hay điện thoại di động nhưng không thành công vì theo cách gọi của LHQ thì, vùng Rakhine hiện là “vùng khóa kín”, báo chí và nhân viên cứu trợ không làm sao vào được, họ có liên lạc với chính quyền Miến, yêu cầu cho họ tới đó, để có thể, có được con số người tỵ nạn chính xác cho công việc cứu trợ nhưng chưa được trả lời.
    Với nhiều người tỵ nạn Rohingya, tới được biên giới Đông Hồi không có nghĩa là đã không còn đau khổ nữa, chính quyền Đông Hồi hiện đã kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn vì lý do an ninh và cũng để đuổi họ quay trở lại Miến vì không còn khả năng lo liệu nữa, hàng ngàn từ Miến đã vượt vào bên trong đất Đông Hồi rồi và theo chính quyền Đông Hồi, có hàng ngàn người nữa đang tụ tập tại biên giới. Đông Hồi đã cho mời đại sứ Miến ở Dhaka, đến để bày tỏ sự quan tâm của họ về những gì đang tiếp tục xảy ra ở Rakhine sau khi quân đội Miến tràn vào đó. Chính quyền Miến phủ nhận và bác bỏ những báo cáo về chà đạp nhân quyền ở Rakhine, cho rằng, quân đội chỉ hành động để truy lùng thủ phạm, đã tấn công giết chết chín người lính biên phòng hôm 9 tháng 10 mà thôi, cũng theo lời của thông tấn xã Miến, kể từ đó, có hơn 100 người bị giết và khoảng 600 người khác bị bắt. Theo ông Mckissick thì chính quyền Miến đang thi hành một sự trừng phạt tập thể đối với cộng đồng sắc tộc Rohingya vịn vào lý do trên.
    Trong bản tường trình của tổ chức nhân quyền mới đây, cho biết, họ ước lượng có khoảng 1250 căn nhà của người Royingha đã bị quân lính đốt cháy, chính quyền Miến phủ nhận và nói rằng, chính bọn nổi loạn, tấn công quân lính đã làm nên chuyện này. Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ của đảng cầm quyền hiện tại, người được giải thưởng Nobel, và từng đấu tranh cho dân chủ, bị giới quan sát thời cuộc chỉ trích mạnh mẽ vì đã hoàn toàn im lặng, không thấy lên tiếng gì về việc này, vì thế, theo họ, dường như chính phủ dân chủ dân sự của Miến chưa nắm được quyền kiểm soát khối quân đội còn lại trong chính quyền. Một số báo chí tây phương đã liên lạc với văn phòng của bà Suu Kyi, hỏi ý kiến trong nhiều lần nhưng cho tới nay vẫn không nhận được trả lời.
    Vụ bạo động mới đây nhất, bắt đầu vào đầu tháng mười, khi một số quân nhân và sĩ quan cảnh sát bị giết bởi một nhóm khoảng 300 người đàn ông, có võ trang, theo như lời báo chí trong nước tường thuật, vì vậy, quân đội Miến Điện đã cho lùng xét tìm bắt thủ phạm, gây cho hàng chục người sắc tộc Rohingya chết và 230 chục người bị bắt giam. Tỉnh Rakhine là nơi sinh sống của phần lớn người Hồi giáo Rohingya, mà người ta gọi là “sắc tộc thiểu số vô tổ quốc”, bị kỳ thị và áp bức trong nhiều thập niên qua. Chính quyền Miến từ khước nhìn nhận hai chữ “Rohingya” và xem họ là những người di dân Bengali bất hợp pháp. Qua sự việc xảy ra, người ta trông đợi ở chính phủ dân sự Miến, đặc biệt là bà Aung San Suu Kyi, có giải pháp nào đó nhằm chấm dứt hành động của quân đội, tuy nhiên, theo hiến pháp được chế độ quân phiệt tam đầu chế Miến trước đây soạn ra, quân đội vẫn còn duy trì 25% số ghế dân biểu trong quốc hội và giữ quyền quyết định về những vấn đề an ninh của quốc gia, quân đội Miến Điện hay “Tatmadaw”, được đặt dưới sự chỉ huy của trung tướng Min Aung Hlaing, người do cựu tướng chủ tịch Than Shwee đưa lên thế ông ta năm 2011, xem ra, chính phủ dân sự được dân chúng Miến bầu lên không làm gì khác hơn được.
    Không chần chừ, bà Begum cho biết, chính vì sự thụ động của chính quyền mà bà phải bỏ đi, tại làng quê nơi mà bà sinh sống, không còn ai là người hồi giáo Rohingya ở đó nữa, tất cả đã trốn chạy hết rồi, với bà Nassima Khatun, và hàng trăm người tỵ nạn khác, sẽ nghĩ tới chuyện trở lại Miến Điện khi nào bạo động thật sự chấm dứt, những gì gọi là tài sản có được của họ đã bỏ lại đó, bỏ tất cả để giữ được mạng sống, thì làm thế nào có thể quay lại, Khatun lắc đầu ngao ngán, quay lại để bị  quân lính Miến bắn chết hay sao. Bà Begum, Khatun, và hàng ngàn người Royingha khác, không còn một sự lựa chọn nào khác hơn, là phải bỏ Rakhine mà đi, vì ở đó họ không còn đất sống.

Thuyên Huy
Mon 28.11.201

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét