8 thg 12, 2023

TÔI ĐI HỌC : 3. NĂM HỌC CUỐI Ở TRƯỜNG LÀNG TÔI.

3. NĂM HỌC CUỐI Ở TRƯỜNG LÀNG TÔI.
 
Lên lớp Ba, tôi học với Thầy Tám Long. Thầy đồng thời giữ chức trưởng giáo trường sơ học Tân Hòa Thành (coi như hiệu trưởng của trường). Ngày đầu năm học, sau khi điểm danh xong, Thầy gọi tôi lên và lấy cây thước gỗ một mét đo chiều cao, rồi Thầy nói lớn lên cho cả lớp nghe “đúng một mét nhen mấy em”! Tôi là đứa vừa nhỏ tuổi vừa thấp lùn nhứt lớp. Tôi mắc cỡ đỏ mặt và khi đi học về, vừa bước vô nhà là kể lại liền cho cả nhà nghe. Mọi người cười nghiêng ngữa, còn riêng má tôi thì lầm bầm rủa ông Thầy “thiệt là ác đức, làm cái chuyện hổng nên”. Vào thời đó, người ta kiêng cử chuyện cân, đo con nít, chỉ có ở nhà thương mới làm.
Có lẽ được Thầy chú ý nên tôi học rất khá, thường xuyên được thầy tuyên dương trước lớp. Nhưng cái kỹ niệm không quên của năm lớp Ba lại là lần thất bại thảm hại của tôi trong ngày Ông Thanh tra tiểu học về trường. Đó là một ông già cao lớn, mặc bộ đồ bốn túi, miệng ngậm “ống vố”, coi thiệt là oai vệ. Mỗi bước chân ông đi kèm theo tiếng giày gõ cồm cộp trên nền gạch lớp học càng làm cho đám học trò xanh mặt. Ông Thanh tra đi tới đi lui từ đầu lớp tới cuối lớp và đưa ra những câu hỏi kiểm tra học trò. Câu đầu tiên ông hỏi về các phương hướng trong môn địa lý. Khi ông cầm tấm bản đồ trãi lên bàn thầy giáo và chỉ về bên trái rồi đưa ra câu hỏi đó là hướng gì thì cả lớp im re. Câu hỏi thuộc về bài học địa lý “Bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc” này Thầy mới dạy 2 tuần trước, nhưng lại nhằm cái ngày tôi nghỉ học vì bệnh. Nhớ lời Thầy dặn hôm qua là Ông thanh tra hỏi câu gì thì các em cũng phải mạnh dạn giơ tay dù biết trả lời hay không, tôi và hầu hết các bạn lần lượt giơ tay. Khi bị Ông Thanh tra chỉ tay gọi, tôi trả lời sai ngay từ lần đầu. Tôi nhớ Ông Thanh tra lắc nhẹ đầu và rút vai, vậy là tôi lại tiếp tục cho đến lần trả lới thứ ba thì mới đúng! Ông thanh tra quay chúng tôi chừng 5,7 câu hỏi thì chuyển sang chỉ định một số trò đem tập lên để ông xem việc chép bài vở. Hôm sau, Thầy tôi phát thưởng cho những trò đã trả lời giỏi mỗi đứa 5 viên phấn trắng. Riêng tôi cứ đinh ninh sẽ bị rầy, nhưng Thầy lại tỏ ý khen chỗ “dạn dĩ” và cũng được thưởng 2 viên phấn, bằng với những trò được ông thanh tra xét tập. (Viên phấn trắng đối với đám học trò nhỏ của tụi tôi thời đó rất quý vì học trò trong lớp học đều thường xuyên phải xài phấn trắng, đi kèm với bảng đen)
Cuối năm lớp Ba, tôi được phần thưởng “ưu hạng” và lại còn được Thầy giao cho làm đại diện học sinh lên sân khấu đọc cảm tưởng trong lễ phát thưởng. Khi Thầy hỏi tôi có quần dài để bận khi lên sân khấu không, tôi tự nhiên nghĩ ngay tới cái quần dài trong bộ “bi-ra-ma” mà tôi thỉnh thoảng phải bận vào mùa lạnh hoặc mỗi khi bị bệnh, nên tôi lẹ làng trả lời là có. Đến khi về nhà, tôi đã làm cho cả nhà được dịp cười ngạo cho một trận khi kể lại câu chuyện. Sau đó tôi được thầy cho đổi lại bộ “lễ phục” khi lên sân khấu là áo sơ mi trắng, bỏ vô trong quần cụt đen. Cũng may là tôi có áo sơ mi trắng, trường hợp hiếm hoi trong lớp (chớ quần tây thì tôi nào có được đâu). Thầy soạn bài “diễn văn tri ân” và căn dặn tôi phải đọc trước nhiều lần để khi lên sân khấu khỏi vấp váp cũng như phải bình tỉnh và đọc rõ ràng . Tôi bỏ mấy ngày học thuộc lòng luôn, cho chắc ăn. Tới khi lên sân khấu, tôi đọc mau và lớn tới nổi Thầy phải chạy lên đứng sau tấm màn mấy lần nhắc tôi đọc chậm và nhỏ lại.
Bây giờ hồi tưởng lại những năm học ở trường xã (1957-1959) thật là quảng thời gian tươi đẹp nhất của tuổi thơ. Đó là lúc quê tôi được sống trong cảnh thanh bình và tuy cuộc sống chưa sung túc nhưng mọi mặt đều đang được cải thiện rõ rệt. Trên quảng đường tôi đi học, cầu đường đã được tu bổ, mở rộng. Con lộ đất từ nhà việc xã lên các ấp phía Tây giáp với Đồng Tháp Mười được mở rộng và kéo dài lên cuối xã với một cây cầu ván mới rộng rải thay cho cây cầu khỉ. Tại ngã tư con đường này, một ngôi trường 2 phòng học kiên cố đã được xây dựng thay cho cái phòng học ộp ẹp mà tôi đã trãi qua lớp học đầu đời, và tự nhiên quán xá bắt đầu mọc lên. Đầu tiên là một cái tiệm hàng xén của vợ chồng anh Sáu Ba, kiêm luôn tiệm may (chị Sáu là thợ may) và tiệm hớt tóc (nghề tay trái của anh Sáu). Kế đó là tiệm hớt tóc của Chú Hai, chỉ mở cửa từ trưa tới chiều.
Vui nhứt là tới mùa khô, khi lúa mùa đã được gặt xong, mặt ruộng khô ráo và trở thành một cái sân banh ngay sát ngã tư. Quanh sân banh vài cái chòi bán nước giải khát lập tức được dựng lên bên đường, phục vụ cho đám khán giả cứ chiều chiều là tụ họp ì xèo. Những ngày đó, chém chết đám học trò con trai tụi tôi trên đường tan học về cũng tấp vô tới tối. Không chỉ làm khán giả, tụi tôi còn giành nhau chạy lượm banh mỗi khi banh văng ra khỏi sân. Được ôm “trái banh da” đá vô sân một cái là quá sướng. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần thường có các trận đấu sôi nổi diễn ra, khi thì giữa các ấp, khi thì giữa các xã lân cận. Lúc đó thì tụi con nít hết kiêng cử mà leo lên đứng đầy trên mấy gò mã gần bên sân banh để coi cho rõ.
Mùa khô, cũng là lúc dân làng rỗi rãnh vì mùa lúa đã xong từ cuối tháng Giêng âm lịch, vụ lúa sau sớm lắm cũng cuối tháng Ba mới có “mưa sa đầy đồng” để tháng Tư thì bắt đầu ra đồng dọn bờ, cày ruộng. Cho nên thời gian này hoạt động văn nghệ cũng xập xình nổi lên. Không nhớ ai đứng ra tổ chức, mà mấy anh chị thanh niên cùng nhau tập diễn kịch, ca vọng cổ, tân nhạc rồi dựng sân khấu trên sân trường xã trình diễn rộn ràng, thật vui. Rồi còn Đội chiếu bóng lưu động dưới tỉnh cũng thường về và cái sân banh ruộng được chọn làm nơi phục vụ tiện lợi trăm bề. Chỉ cần phát loa a-lô a-lô, một-hai-ba!.., căng tấm màn màu trắng lên, khi trời sụp tối một đổi là người lớn, con nít nườm nượp kéo tới, và giờ chiếu phim bắt đầu.
Những cuộc vui lành mạnh trong khung cảnh làng quê thanh bình có sức quyến rủ không dễ ngó lơ nên ông anh lớn nhứt của tôi “bị kêu quân dịch” khi còn đang học dở dang bậc trung học, vì đã 20 tuổi mà thi 2 năm vẫn rớt cái bằng “đít-lôm” (bằng Trung học đệ nhất cấp, tương đương tốt nghiệp cấp II ngày nay). Cũng nên nói thêm vào những năm thanh bình đó, người ta không trốn khi bị giấy của tỉnh gởi về xã kêu trình diện để đi quân dịch, nên gọi là “kêu”, chớ không như từ Sáu mươi trở đi, là những năm chiến tranh, gọi là “bị bắt quân dịch”. Anh tôi đi học trễ nên đến 18, 19 tuổi mới hết lớp Đệ Tứ (lớp 9 ngày nay). Ba má tôi đỗ thừa tại anh “mê chơi” nên đi thi 2 năm, tổng cộng 4 kỳ mà vẫn rớt. Mà có lẽ cũng đúng, cuối tuần từ Mỹ tho về tới là anh thường xuyên xáp vô những anh chị cùng trang lứa trong làng. Trưa, chiều thì đá banh, tối thì văn nghệ văn gừng. Học lớp Ba mà tôi đã được Má giao nhiệm vụ viết thơ cho anh khi anh đóng quân tuốt ngoài Quảng Trị. Được bà Chị lớn, là học sinh Nữ Trung học cho coi cuốn lưu bút của chị, tôi thuộc lòng mấy câu thơ và đưa liền vô lá thơ gởi ông anh để diễn tả tình cảm của mình: “chim xa rừng thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi”! Báo hại ông anh được một bữa cười lộn ruột.
Vào thời đó, Xã Tân Hòa Thành của tôi là xã nhỏ (ít dân) nên chỉ có trường sơ học, ai muốn học lên thì phải qua xã Phú Mỹ hoặc xã Tân Hội Đông mới có trường tiểu học. Bãi trường chừng vài tuần thì một số học trò lớp ba chúng tôi qua xã Phú Mỹ để thi vô lớp Nhì. Học hết sơ học, khá nhiều người kết thúc chuyện học vì nhiều lý do khác nhau, như nhà quá nghèo hoặc trò ta “ngán chuyện học như cơm nếp”. Cũng có vài gia đình không nghèo nhưng chỉ muốn cho con học để “biết đọc biết viết là được rồi, ở nhà tập mần chuyện đồng áng cho quen rồi cưới vợ, gã chồng”, vì có người học hết lớp Ba đã “tồng ngồng” 13, 14 tuổi rồi. Vậy là sau 2 năm, tới lúc tôi phải từ giã ngôi trường làng của mình và rồi đây cũng sẽ phải giã biệt cái tên Lê Văn Mười. Cái tên không có khai sanh, nhưng nhờ nó mà tôi hoàn tất 3 năm học đầu tiên trong đời.
Mỹ Tho, 30/11/2023
Lê Tấn Tồn

Ảnh trên mạng :Hoc trò chụp khoảng na8m1875-90 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét