27 thg 12, 2023

Niềm Vui Từ Vọng Cổ. - GHIMHO

Niềm vui từ vọng cổ.

Sau ngày định mệnh 30 tháng 4 một thời gian, tôi cương quyết rủ bỏ tất cả nơi phố thị. Cùng mẹ và bà ngoại về nơi heo hút xa xôi của xã Minh Thạnh, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé...đó là Căm Xe. Một nơi vắng vẻ bên cạnh khu rừng có dòng suối bao quanh. Một nơi xa hẳn ánh sáng văn minh, không điện, không TV, không tủ lạnh, không tiếng xe cộ và vắng bóng người.
Những ngày đầu chưa giao tiếp cùng ai, trong chòi lá ven rừng chỉ có ba người phụ nữ...bà ngoại độ bảy mươi, mẹ chưa đến năm mươi và tôi ...trên đôi mươi. Bà ngoại theo mẹ và mẹ theo tôi. Mang tâm trạng của một kẻ chán thời cuộc, lúc đầu chỉ về rừng để thu gọn đồ đạc của người em trai đã ra đi. Không ngờ định mệnh giữ chân mình lại vùng đất ấy. Dù trong lòng rất thương nhớ Sài Gòn, nơi sinh ra và lớn lên, tôi vẫn cương quyết ra đi. Tất cả những gì tôi đã có, đã tiếp thu, đã suy nghĩ từ xã hội cũ. Tôi thấy mình không thể phù hợp với cái mới và tôi chỉ muốn tìm nơi ẩn náu. Vẫn nhớ ai đó đã viết lên vách tường của trường đại học Khoa học SG...
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ.
Dăm bảy nụ cười không xóa nổi ưu tư.
Mỗi ngày tôi cùng mẹ và ngoại cuốc đất trồng mì, trồng lang. Tôi cũng không thấy buồn vì đã chọn cho mình con đường xa lánh thế nhân nhưng đôi khi đêm đến...nhìn mông lung vào rừng vẫn thầm nghĩ...
Có bao giờ mình trở lại SG để được cầm cây bút.
Nhìn bàn tay với những vết chai sần vì cầm cuốc, rựa để rồi ngâm nga bài thơ của Sơn Nam trong Hương rừng Cà Mau...
Thân không là lính thú.
Sao chưa về cố hương.
Đêm nằm nghe vượn hú.
Hoa lá rụng buồn buồn.
Tiển đưa về cửa biển.
Những hạt nước về nguồn.
Hơi vọng cổ nương bờ tre cao vút.
Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa.
Ray rứt mãi đời ta.
Nắng mưa miền cố thổ.
Phong sương mấy độ qua đường phố.
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
...
Ngày làm lao động, đêm về đọc sách. Cả một thùng phi sách ông anh ra đi để lại.
Dù sao cũng đang tuổi thanh niên...đam mê và khám phá. Những buổi lang thang trong rừng một mình, hái gùi, tắm suối, tìm hiểu thiên nhiên đã làm tôi mê mẩn, quên bẳn cuộc sống bên ngoài. Mọi việc cơm nước đã có mẹ lo và tôi làm theo chỉ đạo của bà ngoại. Bây giờ nghĩ lại mới biết ...mẹ là người đau khổ nhất. Một con trai du học bặt tin, một con trai bỏ đi biệt tích không biết sống chết ra sao và bốn con còn thơ dại nơi thành phố.
Tôi không biết ngoại nghĩ gì, chỉ biết quá động lòng cho hai người phụ nữ thân yêu, không niềm vui nơi đèo heo hút gió. Nơi đây, lúc cuốc đất giữa đồng chỉ mong nghe được tiếng người. Niềm vui duy nhất lúc ấy tôi có thể mang đến cho bà và mẹ là...ca vọng cổ.
Rất may là lúc bé tôi chuyên môn đi bụi...lang thang gần hết các nhà trong xóm và thường được giao phó...ngồi canh đĩa hát. Lúc ấy, đĩa hát như cái bánh tráng to và kim quay một chút là hết, phải nhấc kim lên trở mặt đĩa. Mỗi bản vọng cổ là một đĩa. Một tuồng cải lương là phải thay cả xấp đĩa. Toàn là đĩa cải lương, vọng cổ như Sơn nữ Pha Ca, Tiếng hát Muồng Tênh, Nắng chiều trên sông Dịch, Hai chiều ly biệt....
Từ đó tôi bị nghiện vọng cổ và thuộc lòng lời hát của nhiều nhân vật.
Còn bé xíu nhưng tôi đã khóc với Út Trà Ôn trong vai Muồng Tênh...
Muồng Tênh nghèo lắm Nuông Sa Rây ơi.
Lếch thếch lê thân giữa cuộc đời.
Một chiếc xe tồi là sản nghiệp.
Đường dài soi bóng một mình tôi.
Hoặc đau thương cho Hữu Phước với chàng ngốc bán than...
Tôi là thằng ngốc bán than.
Người ta dùng để lót đàng mà đi.
Thân hèn tôi sống nữa mà chi.
Sống chi để bị người đi trên thân hèn.
...
Đêm đêm tôi cứ ca cải lương theo trí nhớ và đóng tất cả các vai...nhớ đâu hát đó. Có lúc tôi vừa hát vừa ngủ...giật mình khi nghe ngoại la lên...
Sao khúc này mày hát kỳ vậy.
Mới biết mình hát tầm bậy, tuồng này nhảy sang tuồng kia.
....
Thời gian trôi qua...tất cả là kỷ niệm. Ngày ấy xa rồi. Hiện tại với ánh sáng văn minh, mọi thứ đều biến chuyển cho đời sống tốt hơn nhưng người xưa đã không còn. Bây giờ không còn đam mê vọng cổ nhưng vọng cổ đã khắc sâu dấu ấn trong lòng tôi vì ngày ấy.
Bây giờ tôi mới thấu hiểu...cái sâu thẳm, cái mong chờ, cái đi theo mình mãi mãi...đó là lòng thương yêu.
 
GHIMHO
 

 Mời Xem :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét