26 thg 8, 2023

TIẾP TỤC VÀ NHẪN NẠI -MATSUSHITA Kônosuke (*)

Điều 18 Cách suy nghĩ “tiếp tục là sức mạnh”, và “thành công là tiếp tục cho đến khi thành công” chắc chắn giúp bạn thành công ) (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Thành công là tiếp tục sự việc cho đến khi thành công. Trong lúc bạn nhẫn nại chịu đựng và cố gắng tiếp tục, tình thế chung quanh sẽ thay đổi và con đường dẫn bạn đến thành công sẽ mở ra.(2)

Kết quả công việc toàn đi ngược lại với mong đợi. Đã cố gắng hết sức mà vẫn không thuận lợi. Rơi vào tình trạng nói trên và phải điên đầu là việc đôi lúc chúng ta gặp phải trong cuộc đời lâu dài của chúng ta. 

Những lúc như vậy, dĩ nhiên điều quan trọng là chúng ta không nên thất chí bỏ cuộc mà nên tiếp tục nỗ lực đều đặn. Thông thường được thuận lợi ngay lập tức là điều hiếm có. Tôi cảm thấy rằng có bền chí nhẫn nại tiếp tục nỗ lực đều đặn không ngừng thì thành quả ở mức độ nào đó mới có thể đạt được. 

Bản thân tôi lúc 22 tuổi ra làm riêng để bắt đầu chế tạo và bán ổ cắm điện tôi cũng đã suy nghĩ và thực hành như vậy. Tôi phải tốn 4 tháng trời chế tạo ổ cắm điện mà số tiền bán được không đến 10 yên (3) tính theo đồng tiền lúc đó. Khoan nói đến việc tiếp tục công việc, tôi bị khốn khổ đến mức không biết làm sao để có thể sống đến ngày mai. Nếu như khi đó tôi nghĩ là không còn gì nữa và bỏ cuộc công việc chế tạo ổ cắm điện này thì dĩ nhiên con người tôi của hôm nay và xí nghiệp có tên Điện Khí Matsushita cũng không có được. Tuy nhiên tôi đã suy nghĩ đi suy nghĩ lại, và cho đến cuối cùng tôi không thể nào chấp nhận bỏ cuộc công việc mà tôi đã mạnh mẽ quyết tâm bắt đầu làm. Tôi đã tiếp tục nỗ lực cải thiện sản phẩm dụng cụ cắm điện cho tốt hơn trong cuộc sống khốn khổ. Trong khi tôi nỗ lực cải thiện sản phẩm gần đến cuối năm tình trạng cùng cực khốn khổ mỗi ngày mỗi tăng thì bất ngờ có một công ty đặt hàng cho chúng tôi chế tạo dụng cụ cách điện (gaiban碍盤) (4) để điều chỉnh tốc độ quay của quạt gió chạy bằng điện. Là dụng cụ dùng cho quạt điện nhưng chúng tôi có thể dùng kỹ thuật chế tạo ổ cắm điện để chế tạo được. Nhờ vậy mà xưởng chế tạo đã có thể thoát ra cảnh khốn đốn và con đường sự nghiệp sản xuất đồ điện của tôi bắt đầu lên quỹ đạo.

Sau đó tôi đã thể nghiệm nhiều trường hợp tương tự như trên. Kết cuộc, ở mặt nào đó phải chăng sự vật trong đời này đều được thành lập như nói trên? Nghĩa là, dù cho lúc ban đầu thành quả không được như dự tưởng nhưng nếu bền chí nhẫn nại tiếp tục nỗ lực thì sau đó tình thế chung quanh sẽ thay đổi và đem lại thành quả không ngờ tới cho chúng ta. Hoặc là từ bên ngoài sẽ có sự cộng hưởng và giúp đỡ đối với sự nỗ lực của chúng ta sẽ tăng lên và chúng ta có thể tiến tới con đường thành công. Tôi nghĩ có nhiều trường hợp như vậy.

Nếu như vậy, đối với bất kỳ sự việc gì, một khi chúng ta đã lập chí và bắt đầu làm thì đừng vì không thuận lợi hoặc thất bại một ít mà dễ dàng bỏ cuộc là điều không nên. Đôi lúc thất bại làm chúng ta nản chí nhưng việc cố gắng nhẫn nại không chịu thua và tiếp tục nỗ lực đều đặn là quan trọng và phải chăng chính có thực hiện được như vậy chúng ta mới có thể hoàn thành được sự việc? Tôi nghĩ rằng trong những thất bại xảy ra chung quanh chúng ta có rất nhiều trường hợp do bỏ cuộc giữa chừng trước khi thành công. Nếu hôm nay chúng ta bỏ cuộc thì nhất định không thể nào có được thành công của ngày mai!

Dĩ nhiên, dù nói việc nhẫn nại và tiếp tục cố gắng là quan trọng nhưng nếu chúng ta cố chấp vào một điều gì đó, nghĩa là chúng ta rơi vào ngoan cố là không nên. Nếu chúng ta cố chấp vào một thứ mà đường đi sai lạc, trái ngược với quy luật của tự nhiên thì dù chúng ta có nhẫn nại tiếp tục cố gắng đến mức độ nào đi nữa chúng ta cũng không có được thành công. 

Tuy nhiên, trong những trường hợp chúng ta đi đúng đường, thực hiện hợp với đạo lý (quy luật của tự nhiên) (5) và khi đã lập chí thì chúng ta nên làm cho đến cùng không nên bỏ cuộc giữa chừng. Thành công là gì? Thành công là sự tiếp tục cho đến khi thành công. Tôi mong muốn mọi người chúng ta khi làm việc gì nên luôn luôn ghi nhớ điều này trong tâm khảm. Phải chăng việc này là một trong những bí quyết quan trọng để có được cuộc sống con người tốt đẹp hơn?

Nguyễn Sơn Hùng – 3/12/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nhận xét của người dịch

Lời của tác giả “Thành công là tiếp tục cho đến khi thành công” có thể nói là danh ngôn mặc dù rất thông thường nhưng không sai! Điều quan trọng khi chúng ta áp dụng châm ngôn này, điều mà tác giả cũng đã nhắc nhở trong bài viết là không nên nhẫn nại cố gắng vào một việc trái ngược với quy luật tự nhiên. Ông trình bày cụ thể ý tưởng này trong một bài viết tựa “Cái gì thành thì sẽ thành, cái gì không thành thì không thành” trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa”. Tựa của bài viết cũng có thể nói là một danh ngôn. Ý nói làm việc gì hợp với quy luật tự nhiên thì sẽ thành công nếu chúng ta bền bỉ nỗ lực đến mức độ nào đó, đối với những việc trái ngược với quy luật tự nhiên thì dù chúng ta có cố gắng đến mức độ nào đi nữa cũng không thành công.

Việc phân biệt được việc gì nên “tiếp tục kiên trì, không bỏ cuộc giữa chừng” và việc gì “không được cố chấp, ngoan cố” là điều không phải dễ dàng! Tác giả đã gợi ý chúng ta: cần phải biết quy luật tự nhiên. Làm sao để biết được quy luật tự nhiên?

Người dịch nghĩ rằng đối với hiện tượng vật chất, các nhà nghiên cứu đầu tư trí não và thí nghiệm để tìm ra. Đối với các sự việc trong cuộc sống, trong xã hội chúng ta chỉ có phương pháp học hỏi kinh nghiệm của người đi trước rồi tự áp dụng thử để tích lũy kinh nghiệm về cách áp dụng hữu ích cho bản thân mình. Bởi vì chỉ cần sai một chút thì thất bại thay vì thành công. Do đó cổ nhân thường nói: “học cả đời người” là vậy.

Tuy nhiên, trong bài viết tựa “Điều gọi là vô lý” trong sách Nhân Sinh Đàm Nghĩa, tác giả cho biết muốn biết được quy luật tự nhiên cần phải có “tâm tự nhiên” (6), tâm nhìn sự vật một cách trung thực tự nhiên. Bởi vì một trong 10 đặc tính của tâm tự nhiên là nhìn thấy được thật tướng (nội dung thật sự) của sự vật.

Ngoài kinh nghiệm của tác giả khi mới ra làm ăn riêng đã được giới thiệu trong bài viết, trong bài viết tựa “Hãy có can đảm thêm một lần nữa!” trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa”, tác đã giới thiệu một kinh nghiệm khác xảy ra lúc sau Thế chiến thứ hai, khi trên 50 tuổi. Số là ông bị quy định Bộ Tư lệnh của Mỹ ở Nhật Bản chỉ định thuộc gia tộc tài phiệt mặc dù sự nghiệp thành đạt của ông chỉ do một mình ông gầy dựng, không phải có từ thời tổ tiên của ông. Ông phải tiếp tục kiên trì đến Bộ Tư lệnh 50 lần trong 3 năm 6 tháng để kháng nghị, trình bày giải thích mới được giải trừ ra khỏi gia tộc tài phiệt, và sau đó ông mới thật sự có thể bắt đầu phục hưng công ty.

Do đó, trong phần cuối của bài viết này ông nói “Mỗi lần đối diện với sự kiện khó khăn, tôi tự bảo “Thêm một lần nữa!”. Nếu không có những lần “Thêm một lần nữa!” chắc có lẽ không có con người của tôi ngày nay.”

Nguyễn Sơn Hùng – Viết xong ngày 25/2/2023

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

  1. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Theo bài viết tựa “Hãy có can đảm thêm một lần nữa!” trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa”, khi ông ra làm riêng với số vốn khoảng 100 yên, số tiền ông để dành được sau 7 năm làm việc.

  1. Dụng cụ cách điện để điều chỉnh vận tốc của quạt máy.

Bên trái: dụng cụ bằng đồ sứ có từ trước.
Bên phải: dụng cụ làm bằng tài liệu làm ổ cắm điện của Matsushita.

  1. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(6) Tâm tự nhiên: nguyên văn là sunao na kokoro, tâm trung thực một cách tự nhiên. Tâm tự nhiên là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).

                                Matsushita Kônosuke 1961
 Mời Xem :

QUAN ĐIỂM VỀ KINH DOANH của MATSUSHITA Kônosuke

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét