13 thg 1, 2023

Ru Tôi Ru Anh Thơ Hoàng Oanh; Lời bình Ngân Triều

Thơ Hoàng Oanh; Lời bình Ngân Triều
 
Ru Tôi... Ru Anh...
Tình thơ đã khép, anh ơi về thôi!
Ru đời ru người, ru anh và tôi.
Thôi Tôi đừng khóc, thôi Anh đừng buồn!
Đem tình chôn kín, bên đồi nhớ thương.
*
Ngày sau còn gặp, dáng tình xanh xao...
Trách ai-ai trách...biết mình mất nhau.
Anh đi phương đó, Tôi về phương nầy!
Ngậm ngùi tự hỏi! Ai buồn hơn ai !?
*
Ngủ đi Anh ơi! mai sáng quên tình.
Thôi ngủ Tôi ơi! sáng mai một mình!
Về nơi hẹn cũ, ru tình lênh đênh,
Tình si một thưở ... mấy mùa mưa tuôn.
*
Nắng nghiêng mấy cõi, trên vai em buồn,
Tôi ru gió cát, biển đời mông mênh.
Ru tình Anh nhé! nghe đời chông chênh,
Ru ta Anh hỡi, sóng lòng dâng lên!
Hoàng.Oanh 5/4/2014
 
Lời bình, Ngân Triều:
 
Đọc bài thơ "Ru Tôi Ru Anh" của Hồ Thị Hoàng Oanh, tôi liên tưởng ngay đến hai khúc ca Ru Tình và Ru Ta ngậm ngùi của Trịnh Công Sơn. Ru Tình thì khỏi phải nói, nó tự nói lên tình yêu thăng hoa tuyệt vời:
Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ. Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu
Và cuối bài hát như một lời tỏ tình duyên dáng, si mê:
Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về
Môi em là đốm lửa, cuộc đời đâu biết thế
Xin em còn đâu đó, cho tôi còn tiếng ru
Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho
Như lá rụng về cội, như đốm lửa ngất ngây...tôi vẫn mãi ru...cho em và tôi tìm cuộc tình giúp cho em (như một ông Mai muốn làm mai em cho tha nhân, cuối cùng thương em quá nên ông làm mai em với...ông Mai...thật là khéo nói và duyên dáng).
Ru Ta ngậm ngùi thì ngược lại. Tình yêu cất cánh, dang dở, chia xa...để chỉ còn trong ta những nỗi đau đớn ngùi thương hay chỉ còn trong ta những thành sầu, thương nhớ, cô đơn, mông mênh:
Người về soi bóng mình,
Giữa tường trắng lặng câm.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày.
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi.
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời.
Không chờ, không chờ ai.
Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời,
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay,
Xin ngủ trong vòng nôi, Ta Ru Ta Ngậm Ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây.
Đời người thì vui ít, buồn nhiều. Tình yêu cao trào hay thoái trào, luôn luôn có những đau khổ đắng cay. Trong nỗi hụt hẫng, đau đớn nhất, chắc là những nỗi đau của cuộc tình tan vỡ mà người trong cuộc phải "Ru tôi Ru anh" để mong lành lặn những vết thương lòng...có thể trong vấp ngã...có thể do khách quan hay thành kiến xã hội.
Ta hãy nghe Hồ Thị Hoàng Oanh bộc bạch một trường hợp, có thể là của tác giả hay thay lời muốn nói cho ai:
Ru Tôi Ru Anh
Tình thơ đã khép, anh ơi về thôi!
Ru đời ru người, ru anh và tôi.
Thôi Tôi đừng khóc, thôi Anh đừng buồn!
Đem tình chôn kín, bên đồi nhớ thương.
*
Ngày sau còn gặp, dáng tình xanh xao...
Trách ai-ai trách...biết mình mất nhau.
Anh đi phương đó, Tôi về phương nầy!
Ngậm ngùi tự hỏi! Ai buồn hơn ai!?
*
Ngủ đi Anh ơi! mai sáng quên tình.
Thôi ngủ Tôi ơi! sáng mai một mình!
Về nơi hẹn cũ, ru tình lênh đênh,
Tình si một thủơ...mấy mùa mưa tuôn.
*
Nắng nghiêng mấy cõi, trên vai em buồn,
Tôi ru gió cát, biển đời mông mênh.
Ru tình Anh nhé! Nghe đời chông chênh,
Ru ta Anh hỡi, sóng lòng dâng lên!
 
Lời bình, Ngân Triều
♫ Khổ thơ thứ nhất:
"Tình thơ" có phải chăng là mối tình đầu đời, thời thơ ấu? Hay mối tình thơ mộng, thi vị của lứa đôi? Tình ta dang dở rồi, anh ơi, (đã khép), ngoài ý muốn. Thôi anh ơi! Mình hãy quay lại, hãy "về" với chính mình, Ta hãy tìm cách ru [1] tự an ủi. Hãy tự nhủ, không khóc không buồn, hãy quên đi (đem tình chôn kín). Có còn chăng là những kỷ niệm không bao giờ quên (đồi nhớ thương, một hình tượng cảm xúc trữ tình, sáng tạo, hàm súc).
♫ Khổ thơ thứ hai:
Tâm tư phát triển trong một logic: ngày sau...gặp nhau...dáng tình xanh xao...dẫu trách hay không...ta đã mất nhau rồi...hai người hai hướng...gặp nhau bồi hồi vết thương lòng...ai buồn hơn ai.
Dáng tình xanh xao, có hình dáng, có sắc độ nhợt nhạt; tình yêu tan vỡ đã lâu nhưng vẫn còn mang dấu ấn của nỗi khổ đau chưa dứt. Rất hay.
♫ Khổ thơ thứ ba:
Ngủ đi, Anh sẽ quên. Tôi không thể nào ngủ được, dằn vặt chuyện cũ...trong nỗi cô đơn. Kỷ niệm Tình xưa giờ như nổi trôi, không phương hướng (lênh đênh), chừng như ai đã quên mất rồi (mấy mùa mưa tuôn).
♫ Khổ thơ cuối:
Tâm tình của em. Đời em (cõi) trĩu nặng, "trên vai em buồn", biết bao năm tháng, (nắng nghiêng); nỗi buồn quằn quại vẫn miết trên vai!
Ru gió cát (phong trần, [2] cảnh nghèo hèn vất vả để xây dựng sự nghiệp cho mình) thì quá xa vời (biển đời mông mênh).
Ru tình rất khó anh à, Chông là nguy hiểm; chênh là nghiêng lệch; khó có thể bằng phẳng như xưa.
Ru chúng ta, chỉ còn là những tình cảm rộn ràng trong lòng như những con sóng dâng lên...đập mạnh vào ghềnh đá, tung ra vô số bọt nước sa xuống [3] … như những cánh hoa trắng trôi giạt vô định theo dòng vước xoáy; hoa trôi về đâu?
Cuối cùng gặp lại nhau, tiếng dư ba [4] trong tâm hồn của Ru tôi Ru anh chỉ còn là "tiếng sóng lòng dâng lên" mà thôi! Thật rất tâm lý! Thật rất đúng...trong đời thường! Mà có còn gì nữa đâu! Ván đã đóng thuyền!
Nói nghe buồn quá! Nhưng cao niên rồi, ai cũng có cháu nội, cháu ngoại đùm đề...có người "giữ cửa". Có muốn phiêu lưu nối lại tình xưa...chẳng thể được nào!!! Như vậy đi! Một thoáng "sóng lòng dâng lên" để rồi thanh thản... an phận mình, như "con mắt còn có đuôi":
Bài thơ với một số sáng tạo ngôn ngữ tuyệt vời, với nhiều nhạc điệu khả ái, duyên dáng, hấp dẫn, với ý thơ như tâm tình của một người từng trải đã thể hiện một sắc thái biểu cảm không những riêng biệt, mà còn như rạt rào một cách ứng xử chung của một thế hệ, một nỗi lòng của tình yêu lứa đôi:
Tóc mai sợi vắn, sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng...thương hoài ngàn năm.
Ca dao
Nói như vậy, tức là tôi rất thú vị với bài thơ "Ru Tôi Ru Anh" của một nhà thơ trẻ ở Hóc Môn vậy.
 
 
Ghi Chú
[1] ru: an ủi, làm cho lắng đọng, thanh thản, lãng quên.
[2] Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì
Kiều- Nguyễn Du, câu 2445-2446.
[3] Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Kiều ở Lầu Ngưng Bích, ĐTTT, Nguyễn Du, câu 1049-1050
[4] Tiếng dư ba: âm thanh của tiếng sóng lòngcòn nghe được; còn sót lại,
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Ca dao

Trích "Tuyển tập bình thơ thân hữu", chương 4, bài số 77 của Ngân Triều, sẽ in sau Tết.

Mời Xem :


CHIỀU NGỒI ĐẾM TUỔI ,- Thơ Chân Trời Chân Mây,Ngân Triều Bình  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét