4 thg 1, 2023

Chử Nghĩa Làng Văn 1/1/2023 - Ngộ không Phí Ngoc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

 

***

Ký, Đường, Tự, Kim

Thời còn đi học, nhất là mấy năm đầu, bởi vì học ban Việt Hán, có môn Hán văn nên chịu tìm tòi chữ Hán dữ lắm. Còn nhớ hồi ấy GS Trần Trọng San, một người có in sách dịch thơ Đường và GS Phan Hồng Lạc dạy môn đấy. Học Hán văn thì phải có tự điển, cuốn Tự điển Hán Việt của tác giả Thiều Chửu là cuốn sinh viên nào cũng ráng mua về để tra cứu. Trong lớp có mấy bạn là thầy tu Phật giáo đã có học chữ Hán trong chùa nên rất giỏi môn này.

Tôi nhờ có chút hoa tay nên chỉ được viết chữ đẹp thôi, còn Hán không rộng lắm. Để khắc phục yếu kém của mình, tôi và vài người bạn thường vào Chợ Lớn, nhìn các bảng hiệu để đoán chữ như là một cách học thêm.

 (Đỗ Duy Ngọc)

Câu đố dân gian

Mình dài một tấc,
Quần áo quá nhiều;
Sống chẳng biết nói,
Chết la vang trời

(cái pháo) 

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ điển chính tả tiếng Việt của Gs Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót. 

 trung: lang chung”.

Viết chuẩn là “lang trung郎中 (thầy thuốc; tên một chức quan).

(Hòang Tuấn Công)

Bố cục câu đố

Người dân quê có một óc trừu tượng rất tinh tế. Nhìn một sự vật, cũng như nhà họa sĩ, họ tách biệt ra được ngay giữa những màu sắc hỗn hợp một màu sắc riêng biệt với một vài đặc tính cá thể của vật đó, khiến họ chỉ cần nhớ ngần ấy đủ nhận lại và làm cho người khác cũng nhận ra được sự vật. 

Nói nôm, trong câu đố, sự vật được tả một cách rất sơ sài, nhưng rất tài tình. Cái sơ sài đó phải biểu hiện tính cách đặc biệt của sự vật làm cho sự vật đó không thể lầm lẫn với sự vật khác. 

Đây, ta nghe họ tả một cây rau xam:
Cây xanh, lá đỏ, hoa vàng,
Hạt đen, rễ trắng, đố chàng biết chi?

Hay là một quả dừa
Sông không đến, bến không vào,
Lơ lửng giữa trời, làm sao có nước?

(Câu đố  - Thanh Lãng)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

trưởngtrưởng bạ. → không viết: chưởng”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “chưởng” mới đúng. Vì “chưởng” nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ.

Giấy má làm theo kiểu văn tự bán đất có chữ ký, có triện của lý trưởng chưởng bạ.” (Tô Hoài).

(Hòang Tuấn Công)

Câu đố dân gian

Trên dương gian trăm ngàn đoạn khúc,
Xuống dưới đất, mẹ đẻ con ra;
Con thì quấn quýt mẹ cha,
Mẹ tôi ốm yếu, đẻ tôi ra ù ì

 

(khoai lang)

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 

xaxa trường. → không viết: sa”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “sa” mới đúng. Vì “sa trường” 沙場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “sa trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường

 

(Hòang Tuấn Công)

 

Nón quai thao

 

Nón quai thao lợp lá gồi hoặc lá cọ. Lá mỏng, sống nhỏ, không già. Quanh nón là thành nón cao giúp che khuôn mặt người đội tuy vẫn giữ thoáng, mát. Giữa nón là khua nón, một vành tròn cao khoảng 8 cm, ráp đúng vào đầu để đội cho chắc. Tuy nhỏ, khua nón đòi hỏi nhiều công phu để làm. Phải chuốt bóng sợi tre nhỏ trước khi lấy chỉ móc trắng và săn như giây cước may kỹ lại với nhau. Khua cần phải cứng để chịu đựng được nón nặng.

 

(Chiếc nón quai thao Kinh Bắc – Võ Quang Yến)

 

Sách cũ miền Nam 1954 -1975

 

Sau này, ông Khai Trí ở Mỹ về VN một lần nữa, hy vọng làm được một chút gì. Ông đã mang về 2000 đầu sách để tiếp tục làm văn hoá. Sách bị tịch thâu với lý do : in trước 75.

Theo Nguyễn Thụy Long, phần lớn sách bị tịch thâu là các sách học làm người, báo chí quý hiếm trước 1954. Sách ông mang về ai cũng biết là sách hiền, sách tốt cả. Mà dại gì ông mang sách dữ. Nó chỉ có một cái tội: Tội đã in trước 1975.

 

Ông đau lòng vì sách, ôm đơn đi kiện. Kết cục chẳng đi đến đâu. Trước khi ông mất, người ta đã không quên đặt tên ông cho một con phố nhỏ. Đúng như ông thày TQ nhận xét: Hôm qua nó giết mình, hôm sau nó mang vòng hoa đến phúng điếu. 

 

Ông ra đi tại nhà riêng, hỏa táng tại Bình Dương. Cụ Toan Ánh, năm nay 91 tuổi, trong bữa đưa đám ma ông Khai Trí than thở: Tại sao mình sống lâu như thế, ông Khai Trí mới có 80 tuổi.

                                  

(Nguyễn Văn Lục)

 

Đừng tưởng


Đừng tưởng cười nói ân cần

Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương

 

(Bùi Giáng)

 

Góp nhặt phố văn ngõ chữ

 

Lê Văn Trương 

 

Lê Văn Trương (1906-1964), bút hiệu Cô Lý, là nhà báonhà văn thời tiền chiến. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, ông được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất.

Chân dung Lê Văn Trương  /// Ảnh: T.L

Lê Văn Trương sinh tại làng Đồng Nhân, Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Bắc Giang. Năm 1921, ông theo cha về Hà Nội thi vào học trường trung học Bảo hộ (tức trường BưởiHà Nội). Học đến năm thứ ba thì bị đuổi, vì cùng với bạn cầm đầu cuộc phản kháng chống lại một hiệu trưởng người Pháp đã mắng học sinh người Việt là "Sale Annamite" ("Tên An Nam bẩn thỉu!").

Sau khủng hoảng kinh tế 1931-1932, sau khi bị phá sản, ông đi làm thầu khoán, buôn , buôn ngọc, buôn lậu...có khi sang tận Thái LanTrung Quốc.

 

Năm 1932, ông trở về nước tham gia làng báo, làng văn ở đất Bắc, cộng tác với báo Trung Bắc tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san. Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách.

 

Ngày 25-2-1964, Lê Văn Trương mất tại một căn nhà ở hẻm Bùi ViệnSài Gòn, trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi.

 

Tướng mặt

 

Mặt là bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất trong nhân tướng học phương Đông. Chỉ cần nhìn qua người đối diện, bạn có thể biết cá tính, vận mệnh cả đời của người đó.

 

1 - Khuôn mặt chữ Điền ()

Đây là khuôn mặt vuông vức có trán rộng, cằm hơi nhô, độ dài, rộng của cằm tương đương phần trán. Mặt trông rắn rỏi nhưng không thô, thuộc dạng dễ coi

Khuôn mặt được coi là quý tướng, tiêu biểu cho sự quyết đoán, chủ nhân vận thế tương đối tốt. Cả đời luôn được sung túc.

 

Những nhà văn và truyện ngắn

 

Đi xa hơn, một số tác giả cho rằng truyện ngắn gần với thơ. Đó là “Một thể văn cô đọng gần như thơ,” theo Viên Linh; Võ Phiến cụ thể hơn một chút, truyện ngắn là “thứ thơ tản văn và có it nhiều tình tiết. Dương Nghiễm Mậu mở rộng hơn khái niệm này khi cho rằng: “Truyện ngắn gần với thơ, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chém.”

 

Bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn, theo kinh nghiệm riêng của mình, Túy Hồng thú nhận rằng viết một truyện ngắn cũng mất nhiều thì giờ, “có khi hai ba tháng chưa ra một truyện.” Nó “đòi hỏi nhiều công phu và hy sinh.” Vì sao? Vì bà “chú ý mạnh đến cách sử dụng từ ngữ và tâm lý nhân vật hơn là tìm cốt truyện và bố cục câu chuyện. Tôi chú ý thật nhiều đến đoạn kết

 

Trong lúc đó, Nguyễn Thị Hoàng có một cái nhìn tương đối khác. Theo bà: “Một truyện ngắn phải là một chuỗi liên tục của biểu tượng nào đó, nên phải được thoát ra, như một hơi thở không dứt. Vì vậy, khi viết, từ chữ đầu cho đến chữ cuối của một truyện ngắn, tôi thường không nghỉ viết một lần nào, mà chỉ một hơi liên miên cho đến khi xong.”

 

(Trần Doãn Nho)

 

Góp nhặt làng văn xóm chữ

 

Lan Khai - Nghệ sĩ tài năng bị lãng quên?

 

Cuốn nổi tiếng nhất của Lan Khai về mảng hiện thực - tâm lý xã hội nổi bật nhất là cuốn Lầm than. Tác phẩm viết về cuộc đời cơ cực của người thợ mỏ, ở đây là Thuật. Một cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, làm mỗi ngày đến 14, thậm chí 18 tiếng mà không đủ ăn. Cái chết luôn rình rập mỗi khi có tai nạn nổ khí hay sập lò.

Tác phẩm được nhiều nhà phê bình, nhà văn đánh giá là có giá trị do "ghi lại những cái đáng ghi" trong đời sống (lời Vũ Ngọc Phan), được một nhà văn "to gan lớn mật nhất văn giới Bắc Hà" (lời Nguyễn Tuân) viết ra. Trước Nam Cao khá lâu, Lan Khai là người đã mở ra trước mắt người đọc cái thế giới đầu mâu thuẫn, đôi khi nhỏ bé, thảm hại và mòn mỏi của những người cầm bút thời...

 

Ở lĩnh vực nghiên cứu lý luận và phê bình, ông đã thể hiện rất rõ quan điểm về thiên chức của nhà văn...Ông phê phán sự: mất gốc, mô phỏng, sáo rỗng, và thiếu tinh thần chống ngoại xâm của nền văn chương lúc bấy giờ...Rồi bị người Pháp bắt và bị còng tay đưa lên xe lửa Hà Nội, tôi thấy có mặt anh Lan Khai. Hôm ấy anh ốm quá, mặt xanh xao gầy còm. Tôi mỉm cười ngó anh. Anh đáp lại bằng một cái nhìn đăm chiêu tịch mịch.

 

Sau này, trong thời kỳ đồng bào miền Bắc di cư, tôi có tìm kiếm các bạn cũ đất Hà Thành. Một đôi bạn cho tôi biết Lan Khai đã bị thủ tiêu ở Tuyên Quang. Tôi nghẹn ngào, không nói được. Tôi biết anh là người của VNQDĐ, bạn đồng chí rất thân của Nhượng Tống. Đó là nguyên do người ta thù ghét anh...

 

(Phạm Vũ)

 

Nói lái trong văn học


Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều


(Bùi Giáng)

Trò chuyện cùng nhà văn

 

Ban Mai: Vậy cuộc sống của các nhà văn miền Nam như thế nào trước tình hình chiến sự ngày 30 tháng 4 năm 1975, những ngày sau cùng, và rồi sau tuyên bố đầu hàng của Dương văn Minh, họ có lo lắng và suy nghĩ gì? 

Thế  Phong: Tôi chỉ nói riêng về gia đình chúng tôi.  Từ Khu Gia binh Không quân ở Tân Sơn Nhất ra ở nhờ chị họ, tại 13 Trần Khắc Chân, Tân Định một tuần; sau chuyển sang căn nhà ở 118/12  Trần Khắc Chân Tân Định - Nhà có gác lửng bỏ không , anh Đàm Xuân Cận cho ở nhờ.

 

Bắt đầu, kiếm miếng sống độ nhật - sắm một tủ kiếng nhỏ,  mua bánh bông lan về  bán lẻ,  đầu tiên ngồi trước ngõ 27 Trần Khắc Chân,  bán ế,  chuyển ra trước chợ Tân Định. Một thời gian sau, tôi đi làm " lơ" xe, tuyến xe buýt Thủ Đức-Saigon. Rồi tôi trở thành công nhân viên chức Công ty Xe Khách Thành, từng" kinh qua” phụ xe, nhân viên an toàn giao thông, bảo vệ điều độ.  

 

186 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 

Nhà văn Trần thị NgH, một bút danh đặc biệt như văn phong của chị, bắt đầu viết năm 1968 với tác phẩm đầu tay “Nhà Có Cửa Khóa Trái”, được xem là tác phẩm có tính cách đột phá vào thời đó và thường được gọi là “cây viết ngỗ ngáo” vào thập niên 70.

Sau thời gian dài im lặng, hơn 10 năm gần đây chị trở lại với văn học, vẫn với phong cách viết rất đặc biệt của mình: sinh động, trào lộng nhưng vẫn chuyên chở những vấn đề xã hội. Minh Thùy có dịp phỏng vấn nhà văn Trần thị NgH, mời quí vị theo dõi:

 

Minh Thùy: Chào chị Trần thị NgH, cái tên này có vẻ khá bí hiểm với bạn đọc, vì sao chị có cái bút hiệu không giống ai như vậy, chị có thể cho biết tên thật không?

Trần thị NgH: Tên thật là Trần thị Nguyệt Hồng. Thứ nhất, tôi chọn như vậy vì lấy từ chữ ký, ngắn gọn dễ chịu; thứ hai, cái tên hơi sến nên tôi không thích lắm; thứ ba do...hèn, lúc mới thập thò ở cửa viết lách, không dám xuất đầu lộ diện sợ bị má rầy.

 

Minh Thùy: Truyện ngắn đầu tiên của chị là truyện gì, khi mới bắt đầu viết chị có gặp khó khăn khi gửi truyện đến các tạp chí văn học không, vì chưa có tên tuổi trong giới văn nghệ ?

Trần thị NgH: Truyện ngắn đầu tiên để chuyền tay nhau đọc được viết rất sớm, lúc còn học tiểu học. Để đăng báo ngày là những truyện viết trong thập niên 60. Đầu thập niên 70 mới gửi đến các tạp chí có vẻ cây đa cây đề, sừng sỏ trong giới văn nhjệ...

Truyện ngắn đầu tiên được gửi đến tạp chí Văn - lúc đó anh Trần Phong Giao làm tổng thư ký - không được chọn đăng; nhưng cũng truyện đó khi gửi sang tạp chí Vấn Đề của Mai Thảo thì được chọn. Truyện có tựa là Chủ Nhật.

 

Minh Thùy: Theo Minh Thùy được biết trước đây chị được xem là nhà văn ngỗ ngáo nhất trong số các nhà văn nữ, lý do tại sao, và tên gọi như vậy có đúng với phong cách viết văn của chị không?

Trần thị NgH: Ngỗ ngáo là chữ của người khác đặt cho người viết, còn người viết trong người như thế nào cứ...xịt ra như thế ấy, chả biết có phải là ngỗ ngáo không, nhưng mà không thích điệu, thích cắt tóc tém, đi nhanh, ăn mặc gọn; trong văn chương không thích uốn éo, không tráng men, chắc vì vậy nên được coi là ngỗ ngáo.

 

(Nói chuyện cùng nhà văn Trần Thị NgH – Minh Thúy)

 

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca


Ăn uống khoan thai là…người thanh cao
Ăn uống nhồm nhoàm là người thô tục


Giai thoại làng văn xóm chữ - 1

 

Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là Tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính.

Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức.

 

Điểm đặc biệt đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao "Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

 

(Chú bé si tình Nguyễn Bính – Trần Đình Thu)

 

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca


Răng cao, miệng nhỏ: điêu ngoa
Răng thấp môi kín: thương cha nhớ chồng

Chữ nghĩa làng văn - 2

 

Nếu ai quá tin vào những chỉ dẫn có sẵn hẳn sẽ nhận được thông tin sai lạc, ví dụ nếu tra trong Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin) sẽ chỉ biết có một tờ Trăm Hoa của Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nguyễn Bính, ra từ tháng 10/1956.

 

Trên thực tế có hai tờ Trăm Hoa:

1/ Ðầu tiên là tuần báo Trăm Hoa do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm, ngoài tên gọi Trăm Hoa (đặt theo tinh thần “trăm hoa đua nở” đang là khẩu hiệu đương thời ở Trung Quốc, tinh thần này được nói rõ ở lời mở đầu số 1 của tòa soạn) còn có phụ đề là “tuần báo tiểu thuyết”, tòa soạn đặt tại 15 Hai Bà Trưng, Hà Nội Tờ Trăm Hoa này ra được 31 số, tồn tại từ tháng 9/1955 đến giữa tháng 5/1956; mỗi số thường có 26 trang ruột và 4 trang bìa, khổ báo 18x26 cm; ban đầu trang bìa chỉ ghi chức danh Chủ nhiệm của Nguyễn Mạnh Phác; từ số 11 (19/11/1955) trên tiêu đề mới xuất hiện thêm chức danh Chủ bút của Nguyễn Bính.

 

2/ Tuần báo Trăm Hoa do Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là Trăm Hoa loại mới, tòa soạn đặt tại 17 Lê Văn Hưu, Hà Nội; số 1 ra ngày Thứ Bảy 20/10/1956; sau số 11 (Chủ Nhật 6/1/1957) là hai số cuối cùng, đều không đánh số: Trăm Hoa Xuân, và Trăm Hoa số đặc biệt đầu Xuân, đều phát hành trước và sau Tết Ðinh Tỵ. Trăm Hoa số thường gồm 8 trang in typo 28x40cm, hai số cuối là hai đặc san: Trăm Hoa xuân gồm 24 trang phát hành từ 23 Tết; Trăm Hoa số đặc biệt đầu xuân Ðinh Tỵ.

 

(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)

 

Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát

 

Hoạn lộ

 

Tuy đỗ Cử nhân từ khoa 1831 nhưng mãi mười năm sau (1841) ông mới được triệu vào Kinh giữ chức Hành tẩu bộ Lễ, một chức quan hàng thất hay lục phẩm, có nhiệm vụ truyền các mệnh lệnh của vua, của các quan Thượng Thư hay quan đầu nha môn.

 

Tháng tám năm 1841 ông được cử làm Sơ khảo trường Thừa Thiên. Lúc chấm bài thấy cố mấy quyển viết hay nhưng lỡ phạm trường quy, ông cùng bạn là Phan Nhạ lấy muội đèn chữa hộ. Việc phát giác, Cao bị giam cầm, đánh đập gần ba năm mới thành án trảm, nhờ vua Thiệu Trị tiếc tài, cho giảm án xuống "giảo giam hậu", tức là đáng lẽ bị chặt đầu thì nay được giam lại chờ ngày bị thắt cổ, được chết toàn thây kể như tội nhẹ hơn. Cuối cùng án đổi sang "dương trình hiệu lực" nghĩa là được phép lập công chuộc tội, đi theo phái đoàn Đào Trí Phú sang "Tây dương" bán hàng nội hóa và mua sản vật Tây phương như ống dòm, phong vũ biểu v.v.

Năm 1847, sau bốn năm bị thải, ông lại được triêu vào Kinh làm trong Hàn-lâm-viện. Hơn một tháng sau phải đi công cán ở Đà Nẵng, rồi trở về sưu tầm, sắp xếp các "văn thơ" cho vua

 

Năm 1850, ông đổi đi làm Giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây). Năm 1853 các tỉnh Sơn Tây, Kinh Bắc bị nạn châu chấu cắn lúa, dân đói khổ, nổi loạn. Ông từ chức, lấy cớ nuôi mẹ già rồi liên lạc với các nhóm nghĩa quân, bầu Lê Duy Cự (tức Duy Đồng, tự xưng là cháu bốn đời của Lê Hiển Tông) lên làm Minh chủ, mình làm Quốc sư. Ông khởi nghĩa ở Mỹ Lương, tức Chương Mỹ và Lương Sơn, Bắc Ninh), tiến đánh vùng Hà Nội, Sài Sơn (Sơn Tây) nhưng mấy tháng sau thua trận phải rút về Mỹ Lương.

Tháng 11 năm 1854 ông mất.

 

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

 

Gọi là tàu có từ…thời Cao Bá Quát?

 

Cao Bá Quát xuất dương vào lúc chủ quyền lãnh thổ ở Trung Quốc và ở Việt Nam đang bị đe doạ trầm trọng : Hai năm sau khi những chiếc thuyền mành lỗi thời của nhà Thanh không địch lại sức mạnh cơ khí của những chiến hạm chạy bằng hơi nước của người Anh trong chiến tranh Nha Phiến và ba năm sau khi chiến thuyền Pháp lần đầu tiên vào bắn phá ở cửa biển Đà Nẵng.

 

Trên boong tàu Phấn Bằng, nhìn “ con vật khổng lồ quái dị ” chạy bằng hơi nước đang rẽ sóng phăng phăng từ xa tiến lại, Cao Bá Quát đã sáng tác bài Hồng mao hoả thuyền ca (Bài thơ về chiếc tàu chạy bằng hơi nước của người Anh).

Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà lời thơ của Cao Bá Quát trong bài này đượm vẻ hùng tráng.

 

Cao yên quán thanh không     Khói ùn lên tuốt trời xanh,

Ổng tác bách xích đôi             Đùn lên cao ngút ba trăm thước liền,

Yêu kiều thuỳ thiên long          Rồng trời sa xuống nghiêng nghiêng,

Cương phong xuy bất khai.     Mặc cuồng phong thổi con tàu

                                                 chẳng sao              

 

Cao Bá Quát miêu tả khá chi tiết con tàu kinh dị này:

Cột tàu cao chót vót, con quay gió đứng im (nguy tường ngật lập, ngũ lạng tĩnh), ở giữa có ống khói phun khói lên cao ngất (tu đồng trung trĩ, phún tác yên thôi ngôi), bên dưới có hai bánh xe xoay chuyển liên hồi đạp sóng dồn (hạ hữu song luân triển chuyển đạp cấp lãng), guồng quay, sóng đánh tung toé ầm ầm như tiếng sấm rền (luân phiên lãng phá, ẩn kỳ sinh nộ lôi).

 

Một chiếc cùm lim chân có đế 

 

Cao Bá Quát mộ quân nổi lên chống lại triều đình. Nhưng cuối cùng thất bại, ông bị giết.

Hoàng Xuân kể nhiều chi tiết về cái chết của Cao Bá Quát :

- Cao bị bắt giam tại ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải vào Huế...

Tới kinh, Quát bị bỏ ngục chờ ngày hành quyết.

Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình :

Một chiếc cùm lim chân có đế 
Ba vòng xích sắt bước thì vương

 

Sau được lệnh của triều đình, người ta giải ông cùng hai con (Bá Phùng và Bá Thông) về quê nhà để hành quyết.

Trước khi thọ hình, ông ứng khẩu ngâm hai câu chửi rủa :

Ba hồi trống giục, đù cha kiếp 
Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời

(Hoàng Xuân Hãn, Cao Bá Quát thi tập).

 

(Chửi thề, văng tục ! - Nguyễn Dư)

 

Tiến sĩ vinh quy

 

Năm 1780, định lại phép thi võ cử.  Cứ ba năm mở một khoa, đại lược dựa theo thể lệ thi hương, thi hội về bên văn. Trước hết thi giương cung, múa siêu đao, sau thi bắn cung, múa kiếm và cưỡi ngựa múa đâu mâu, sau nữa thì văn sách hỏi 7 bộ sách trong Võ kinh và một bài về phương pháp mưu mẹo việc binh. Người nào 3 kỳ đều trúng cách, là tạo sĩ  (...).


Thời Nguyễn chép thi tạo sĩ  hay võ cử. chia làm bốn kỳ (...) (1). 
Năm Minh Mạng thứ 17 mới mở khoa thi võ ở Thừa Thiên, sau lại mở thêm trường thi ở Hà Nội và ở Thanh Hoá. Năm Thiệu Trị thứ 5, nghị định cứ năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa võ hương thí; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì mở khoa võ hội thí. Cứ thi văn chương thì kế đến thi võ. 
Ai quán cả 3 kỳ võ hương thí, điểm cao cho đỗ võ cử nhân, điểm thấp cho đỗ võ tú tài. Võ hội thí, ai trúng đủ 3 kỳ thì cho dự đình thí. Điểm cao cho đỗ võ tiến sĩ, điểm thấp đỗ phó bảng (2). 

http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyendu/nddg_CuoiVoiGiuongDong/TaoSiHienHoi.jpg
Tạo sĩ thời nhà Lê, võ tiến sĩ thời nhà Nguyễn cũng được ân thưởng mũ áo, biển lọng, cũng được ăn yến, xem hoa và được vinh quy như các ông tiến sĩ bên văn. Rất có thể các ông quan võ Tạo sĩ  được cưỡi voi vinh quy như trong tranh dân gian. - (nguồn: Nguyễn Dư)

 

(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục

(2) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục

 

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1


Vào cuối thập niên 1970, người viết
(Trần Đông Phong) có dịp sang làm việc tại một số quốc gia Bắc Phi và trong những ngày lưu lại Alger, thủ đô nước Algérie, tình cờ có được nghe một số người Algériens lớn tuổi nói về một người VN rất nổi tiếng tại đây vào hồi cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20 với một niềm ưu ái và kính phục, đó là người mà họ gọi là Le Prince d’Annam hay là “Hoàng Tử Xứ Annam.”

 

HAMNGHILe Prince d’Annam chính là vua Hàm Nghị

Đối với người VN thì vua Hàm Nghi là một trong hai vị vua trẻ tuổi anh hùng nhất vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 vì hai thiếu niên này đã dám đứng lên chống lại thưc dân Pháp để rồi cả hai người đều bị thực dân đưa đi đày sang tận Phi Châu: Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion và vua Hàm Nghi bị đày sang nước Algérie.

 

Vua Duy Tân thì đã được nhiều người nói đến sau khi ngài bị tử nạn phi cơ vào tháng 12-1945 tại Trung Phi, tuy nhiên vua Hàm Nghi cho đến năm 1975, người VN gần như không được biết gì về cuộc đời của ngài sau khi bị đày sang Algérie từ năm 1889.

 

Khi nghe nói về vua Hàm Nghi, trong những ngày giờ rảnh rổi, người viết không bỏ lỡ dịp may đi tìm hiểu thêm về cuộc sống lưu đày của vị anh hùng này tại nước Algérie và trong thâm tâm, có ý nguyện tìm kiếm thêm tài liệu để sau này ghi chép lại về cuộc đời của vị hoàng đế trẻ tuổi trong cuộc sống lưu đày trên lục đia. Phi Châu trong suốt 55 năm trời.

Nhà vua có thể được xem như là “Người VN bị lưu đày đầu tiên” tại Phi Châu và ông đã khuất phục được những hàng rào như chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa để tạo được một cuộc sống đầy tiết tháo và tư cách của một vị quân vương, với những năm tháng lưu đày tương đối thoải mái nơi xứ người.

 

Dựa vào một số tài liệu mới nhất về cuộc đời trưởng thành của vua Hàm Nghi, người viết hy vọng rằng bài viết này đây sẽ có một khái niệm về cuộc sống lưu đày, tuy đã bị mất nước, nhưng vẫn giữ tròn danh dự của một đấng quân vương, giữ tròn khí tiết của một người VN, nhưng vẫn cố gắng học hỏi để thích ứng với một nền văn hoá hoàn toàn ngoại lai của cuộc sống nơi xứ người và ông đã trở thành một người nghệ sĩ đa tài, đã chinh phục được sự yêu mến không những của người dân Algériens và người Pháp. Trong số đó có người vợ trong 40 năm của ông, một người đàn bà thuộc giai cấp thượng lưu người Pháp, bà Marcelle Laloe.

 

(Trần Đông Phong)

 

Khoa cử thời xưa

 

Quốc tử giám hay Văn miếu

Khởi đầu là Văn thánh miếu, dựng tháng 8 năm 1070 đời Lý Thánh Tông, phía tây nam thành Thăng Long, thờ Khổng Tử và Chu Công tại chính điện, thêm Tứ phối là Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư va Mạnh tử.

 

Gia Long mở trường Quốc tử giám ở xã Yên Ninh, phía tây thành nội Huế, chính điện thờ Khổng Tử, hai bên là thần vị Tứ phối, phía đông và tây thờ Thập nhị triết, trước sân là tả vu và hữu vu, thờ Thất thập nhị hiền, phía nam là khu dựng bia tiến sĩ triều Nguyễn.

 

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2

 

Sau khi vua Tự Đức băng hà, triều đình và hoàng gia chọn người con nuôi trưởng của nhà vua là Ưng Chân lên làm vua lấy hiệu là Dục Đức, dù rằng trong di chiếu, vua Tự Đức nói rằng trong ba người con nuôi của ông thì Dục Đức ăn chơi không xứng với ngôi vị thiên tử. Tuy nhiên Thái hậu Từ Dũ và bà Học Phi áp lực với ba vị đại thần là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành đưa Dục Đức lên làm vua. Nhưng sau khi lên ngôi được ba ngày thì vua Dục Đức khám phá ra việc Nguyễn Văn Tường thông gian với bà Học Phi, một phi tần của vua Tự Đức, nên vua bị Nguyễn Văn Tường và bà Học Phi tìm cách hãm hại.


Vua Dục Đức làm vua được ba ngày, từ 20 cho đến ngày 23 tháng 7 năm 1883, rồi bị Phụ chánh Nguyễn Văn Tường ra lệnh giam vào lãnh cung cho đến khi bị chết đói vào ngày 6 tháng 10 năm 1883, thọ 31 tuôi. Theo Việt Nam sử lược, sử gia Trần Trọng Kim cho biết: “Ở Huế Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chuyên chế đủ mọi đường. Tháng 9 năm Giáp Thân (1885,) hai ông ấy đem ông Dục Đức giam vào nhà tối, không cho ăn uống để chết đói, đổ tội cho là thông mưu với giặc…”

Lúc bấy giờ ở kinh đô Huế dân gian có câu vè như sau:

Nước Nam có bốn gian hùng:
Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu

 

(Trần Đông Phong) (1)

 

(1) Trần Đông Phong, tên thật là Trần Đức Thắng, sinh năm 1937 tại Thanh Hóa. Năm 1958, ông là giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ. 1969-1975, ông là chủ bút Nguyệt San Anh Ngữ "Free Front,",  Sang Hoa Kỳ năm 1995, định cư tại Dallas, Texas.

 

Tác phẩm: "Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng", "Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hoa Kỳ và VN: Thomas Jefferson, Hoàng Tử Cảnh" và "Vua Hàm Nghi: Một nhà ái quốc, một nghệ sĩ tài hoa" nhưng chưa kịp ấn hành thì qua đời năm 2009 tại Dallas.

 

Giai thọai làng …vua xóm chữ

 

Vua Lê Thánh Tông cấm phá thai

Trong bộ luật Hồng Đức do Lê Thánh Tông ban hành có nhiều quy định liên quan đến nghề y như trừng phạt thầy thuốc kém đức, vấn đề về pháp y... Vua ra lệnh cấm phá thai.
Theo sách
 Đại Việt sử ký toàn thư (1484):

“…Ngày 12, nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng: loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp. 

Thế mà vẫn không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp…”.

(Những chuyện thú vị về các vị vua Việt Nam – Lê Thái Dũng)

 

Sống trên đời…

 

 “...Thịt mộc tồn rõ ràng có duyên nợ sao đó với văn chương, hay ít nhất với văn giới. Trong bài Hành lạc từ, Nguyễn Du khuyên "Có chó cứ làm thịt". Tô Hoài chuyện cũ khi nhớ thịt chó Hà Ðông, khi tưởng thứ thịt chó bán trong ruột cây rơm ven đường Cầu Khâu. Ðâu đó trong hồi ký đã vẽ hình ảnh một Nguyên Hồng ôm kè kè chiếc cặp có gói cẩu nhục.

 

Khi họa chân dung đời thường của Xuân Diệu đã có thêm một nét nhỏ cho chúng ta biết thi sĩ của tình yêu mỗi tuần, mỗi đi chợ mua thịt chó sống về tự nấu nướng để bồi dưỡng cho thơ…”.

 

(nguồn Vũ Bằng)

 

Lại say

                   

Thê ngôn tế tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do

Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say túy lúy nhỏ to đều bất kể

 

(Tản Đà)

 

Quán là…quán xá

 

Sự hình thành tên “đền Tú Uyên”

Đền Quán Thánh do vua chúa tạo dựng, trùng tu nên tên chữ được hình thành trước. Từ đó dân gian có thể sáng tạo tên nôm qua quá trình chuyển ngữ. Cụ thể như sau : Quá trình đảo trật tự ta có tên “Quán Trấn Vũ”. Xu hướng bổ sung thành “Quán thánh Trấn Vũ”, rút gọn thành “Quán Thánh” với quán trong tiếng Hoa đã được thay thế bằng đềnlà từ thuần Việt.

 

Để chứng minh cho việc dân gian đã từ chối hấp thu chữ  “quán” có thể lấy đền Tú Uyên làm ví dụ. Đền Tú Uyên ở số 14 phố Cát Linh – Hà Nội còn có tên là đền Bích Câu là nơi thờ Trần Tú Uyên và tiên Giáng Kiều. Nghi môn của đền có chữ Bích Câu Đạo Quán trong đó chữ quán là quán xá.

 

Phân biệt hai chữ (đạo quán nơi thờ cúng sinh đạo giáo) và (quán xánhà trọ) được sử dụng ở đền Trân Vũ và đền Tú Uyên.

 

(David Phùng – Sự hình thành tên Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

 

Văn hoá ẩm thực

 

Hủ tiếu bò viên


Hủ tiếu bò viên với sợi bánh của món này nhỏ như bún. Thành phần chỉ gồm sợi bánh, bò viên, hành khô và hành lá. Mỗi tô thường có từ 6 viên trở lên. Những miếng bò to tròn, có hai loại gân và thường. Hành lá xanh tươi tăng độ bắt mắt và hành phi thơm tạo vị ngon ngọt quyến rũ. Bạn nên kết hợp cùng các loại rau sống, hương vị sẽ đậm đà hơn nhiều.

(Diệu Huyền)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Những giải thích sai, hoặc không giải thích nghĩa đen, ghi sai, ghi nhầm, hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ trong “Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ” của Nguyễn Lân.

Bán bò tậu ễnh ương 

Chê kẻ không biết làm ăn.

 

Câu này không được giải thích nghĩa đen. Vậy con ễnh ương là con gì? Tại sao có người vụng làm ăn tới mức bán bò đi để mua con ễnh ương về ?.

Ễnh ương thuộc họ ếch nhái, đầu nhỏ nhưng bụng rất to (ễnh bụng ra). Môi trường sống của chúng là các khu vườn hoang rậm, ẩm thấp, nhiều lá rụng, hay ngập nước. Chúng giao phối, sinh sản vào mùa mưa và thường gọi bạn tình bằng những âm thanh không biết mỏi: ộp…ương…ộp…ương to như bò rống. Đặc biệt khi kêu thì bụng ễnh ương càng phình ra.

 

Thế nên, ễnh ương là hình ảnh được dân gian chỉ loại bò gầy, suy dinh dưỡng, thoái hóa do sinh sản cận huyết hoặc có bệnh. Vùng Thanh Hóa hay gọi loại bò này là “bò cóc”.

 

Nghĩa đen câu thành ngữ đang xét là: bán một con bò tốt, mua về con bò khác gầy ốm, “bụng ỏng, đít beo” trông như con ễnh ương.

Nghĩa bóng: chê kẻ vụng về, không biết làm ăn. Thế nên có bài ca dao cười diễn dịch rất hay câu thành ngữ này: “Nhà anh khéo liệu khéo lo, Bán một con bò tậu cái ễnh ương, Đem về thả ở gầm giường, Đêm nằm ương ộp lại thương con bò…”.  Gầm giường là môi trường sống của cóc, không phải của ễnh ương. Thế là cái “nhà anh” kia vụng về hết chỗ nói. Phải hiểu được nghĩa đen mới thấy hết cái hay, cái sâu sắc của tục ngữ, thành ngữ.

 

(Hoàng Tuấn Công)

 

Góp nhặt vụn vặt từ văn học Trung Hoa

 

Trung niên táng thê

中年 trung niên chỉ người ở tuổi khoảng 40 đến 50. Ở lớp tuổi này phần nhiều là người đã kết hôn, và có con cái, kinh nghiệm từng trải, trí thức phong phú.

-Tuy thế, không có giới hạn tuổi nhất định để chỉ tuổi trung niên. Người Tàu có câu " Trung niên táng thê " là chỉ người ở vào tuổi 40 đến 50 bị goá vợ.

 

Tuỳ theo sự trưởng thành và suy lão, lại có những định nghĩa, cùng giới hạn về tuổi trung niên khác như:

-Tuổi " ấu niên " khoảng 0 tuổi đến 3 tuổi.

-Tuổi " đòng niên " từ 4 đến 9 tuổi.

-Tuổi thiếu niên từ 10 tuổi đến 19 tuổi

-Tuổi thanh niên từ 20 đến 40 tuổi

-Tuổi tráng niên từ 41 tuổi đến 50 tuổi.

-Tuổi trung niên từ 51 đến 65 tuổi ;

-Cao niên từ 65 đến 74 tuổi.

(Tửu cuồng – Phạm Xuân Hy)

 

Bích Câu kỳ ngộ, một truyện Nôm thuần Việt bị lãng quên

 

Truyện Nôm của ta vốn gần gũi với dân gian, được phổ biến rộng rãi trong nhiều thế kỉ trước khi có sự xâm nhập của văn hóa phương Tây. Số lượng truyện Nôm không nhỏ: có khoảng 40 truyện viết bằng chữ Hán hoặc kết hợp Hán+ Nôm; lại có khoảng 50 truyện thuần Nôm. Ngoại trừ các truyện do các Nho sĩ sáng tác, ghi rõ tên tác giả như Truyện Kiều, Hoa tiên truyện, truyện Lục Vân Tiên…thuộc phần văn học viết, phần lớn còn lại là truyện thơ khuyết danh, đa số viết theo thể lục bát, dễ thâm nhập đời sống văn hóa quần chúng. Hình thức diễn đạt dân dã mà nội dung lại gần với nếp sống, tình cảm người lao động nêntruyện Nôm là những bài học giản dị mà sâu sắc giúp giữ gìn được giềng mối luân lí gia đình, xã hội qua mấy nghìn năm.

 

Số lượng lớn, chất sống văn hóa mạnh mẽ lại mang tính giáo dục đạo đức luân lí… mà đến nay xem ra có được mấy phần trăm người chú ý đọc truyện Nôm? Truyện Nôm dân gian là những tác phẩm quý mà cả mấy chục năm nay ít được đề cập. Không hiểu vì lí do gì, khi bàn đến mảng này, các giáo trình Văn học dân gian đa phần tập trung khai thác, ca ngợi trường ca hoặc truyện thơ của Ê Đê, Thái, Tày Nùng, Mường, H'Mông... mà quênrằng truyện thơ Nôm ta vốn đã dày công trong văn hóa. Đơn cử Chương trình Ngữ văn Trung học hiện hành (tập trung ở lớp 10): cả thảy có 17 tiết học về Văn học dân gian - trừ đi 3 tiết khái quát và ôn tập, còn lại 14 tiết học về tác phẩm dân gian và giảng văn trích đoạn… nhưng không có một tiết nào học truyện thơ Nôm của người Kinh – trong khi đó có đến 2 tiết để học trường ca Đăm San của người Ê Đê và truyện thơ Xống chụ xon xao của người Thái…lại có thêm 2 tiết học về sử thi Ô đi xê của Hi Lạp và 2 tiết học sử thi Ramayana của Ấn Độ!

 

(Nguyễn Cẩm Xuyên)

 

Tác giả: Nguyễn Cẩm Xuyên tên thật Nguyễn Văn Duận, sinh ngày 18.01.1950 tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. 1955 di cư vào Nam, cử nhân giáo khoa Triết học và cử nhân Văn Khoa tại miền Nam.

Tác phẩm: Đoàn Thị Điểm không phải là tác giả Chinh Phụ Diễn Âm? (biên khảo)

Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương: Cuộc tình thơ hay ảo mộng? (biên khảo), v…v…

 

***

 

Phụ đính I

 

Tranh không phải của... hoạ sĩ

 

Khác với thi sĩ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) từ lâu từng được mọi người biết tiếng là ngoài việc soạn ca khúc, còn làm thơ, viết tùy bút, và vẽ. Từ thời trẻ, sớm đam mê "tiếng nói của hình và sắc", Trịnh Công Sơn đã kết thân với nhiều họa sĩ tài năng như Trịnh Cung, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ, v.v. Không khí làm việc trong các atelier / xưởng vẽ của bạn bè mà Trịnh Công Sơn thường xuyên lui tới thực sự kích thích chàng troubadour / kẻ hát rong (chữ dùng của Văn Cao trỏ Trịnh Công Sơn) kiếm tìm và phát hiện khả năng biểu đạt nội tâm cùng phản ánh ngoại giới thông qua một ngôn ngữ nghệ thuật khác: tạo hình. Một số phác thảo bằng chì hoặc than, tốc họa (2) hay hồi họa (3) bằng bút mực hoặc bút bi, cùng những bức màu nước hoặc sơn dầu trên giấy khổ nhỏ mà Trịnh Công Sơn hoàn thành vào thập niên 1960 và 1970 đã cho thấy chanter / người ca thơ (cũng chữ dùng của Văn Cao trỏ Trịnh Công Sơn) vẽ cũng dễ, tương tự viết bài hát, như nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra".

 

(2) - Vẽ nhanh.

(3) - Vẽ theo trí nhớ.

 

Bức sơn dầu trên giấy Diễm xưa - trùng nhan đề một ca khúc quen thuộc - của Trịnh Công Sơn vẽ chân dung nàng Ngô Vũ Bích Diễm vào năm 1963 là ví dụ.

Một ví dụ khác là tranh màu nước kết hợp bút sắt chạy contour / đường viền năm 1972 mà Trịnh Công Sơn đã in trong tập Tự tình khúc. Phong cách và kỹ thuật thể hiện đôi bức tranh này còn cho thấy sự ảnh hưởng của nhóm "hoạ sĩ trẻ" một thời, mà Đinh Cường nổi bật.

(Phanxipăng)

 

***

 

Phụ đính II

 

Chữ nghĩa làng văn

 

Chẳng bút nào tả xiết nỗi cay đắng của nhà văn, nhà thơ nạn nhân trong nhóm Nhân văn Giai Phẩm. Phùng Quán đi câu cá trộm. Hữu Loan chở đá rách vai. Nguyên Hồng trở lại Thái Nguyên với núi rừng bạc mầu. Riêng Nguyễn Hữu Đang bị đày lên trại Cổng Giời, ông là một trong 11 người sống sót của trại tù khắc nghiệt này. Được tha, về Thái Bình, sống ở căn lều trong chuồng lợn, ông phải chắt bóp từng bao thuốc lá để đổi những con cóc.

 

(Chân Diện Mục)

 

Chữ nghĩa làng văn

 

Trong khi cả thiên hạ đang phải gân cổ ca bài “chống chủ nghĩa cá nhân”, làm việc quên mình vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1957, Nguyễn Tuân lại chơi ngông, nhâm nhi, tỉ mẩn luôn một bài… “Phở”. 

 

Than ôi, cái “ngông của Nguyễn Nguyễn cũng mới ở mức độ vuốt ve con tì con vị, chứ chưa dám “ngông” thở than oán trách gì chế độ, ấy thế mà cũng đã bị ông trùm phê bình mác xít Như Phong choang cho một chuỳ trên báo Nhân Dân:

”...Ở Nguyễn Tuân, ưa phân tích cầu kỳ các cảm giác như vậy không phải chỉ là một phong cách văn chương mà còn một lối sống ưu du, hưởng thụ mà Nguyễn Tuân muốn truyền bá. Có đặt cả quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân, mới thấy bài “Phở” hãy còn mang nhiều dấu vết của khuynh hướng nhảm đó…”. 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét