3 thg 1, 2023

CHIỀU NGỒI ĐẾM TUỔI ,- Thơ Chân Trời Chân Mây,Ngân Triều Bình


Chiều ngồi đếm tuổi
 
Đếm tuổi, chiều trôi mơ viễn vông,
Ngước nhìn mây vẻ cảnh lông bông.
Biết đâu là thực, đâu là ảo,
Em nhé! Cùng ta cạn chén nồng!
*
Em nhớ thời xưa mấy đoạn trường,
Rừng xao xác khổ...thương còn thương.
Ê tay tháp bút, mờ thơ ngọc,
Nhập thế dìu con, khóc giữa đường!
*
Rượu thơm thấm thấu tình tri kỷ,
Anh hôn gò má ướt mù sương.
Ngấm hiểu thiên đàng trong địa ngục,
Cầm tay an lạc... sống bình thường!
*
Anh muốn thần sầu bay mất hút,
Hiện về Sen thắm... tỏa ngàn thương!
Chân Trời Chân Mây
Aug 10-2014
 
Lời bình, Ngân Triều:
 
Ngân Triều 06:40 3 tháng 4, 2015
 
 ♫ Xin diễn ý thơ của tác giả theo từng đoạn thơ:
Đếm tuổi, chiều trôi mơ viễn vông, (1)
Ngước nhìn mây vẽ cảnh lông bông. (2)
Biết đâu là thực, đâu là ảo,
Em nhé! Cùng ta cạn chén nồng!
● (1) Tự sự, đếm tuổi; thời gian vào một buổi chiều dần tắt nắng; trữ tình trong liên tưởng, mơ ước viễn vông:
Nhớ! Phải chăng đó là một buổi chiều dần tối. Nắng tắt dần, (chiều trôi). Tôi thả hồn mình trong mơ, liên tưởng về một tương lai xa mờ, (mơ viễn vông).
● (2) Trong khoảnh khắc bất chợt, tôi ngẫng đầu lên bầu trời, ngước nhìn; để thấy hình ảnh những vầng mây đang trôi theo gió mung lung, tạo ra vô số hình ảnh, thiên hình vạn trạng trên trời, (mây vẽ). Một bức tranh mây chuyển động, quấn quít, lan tỏa; cảnh hỗn độn, lùng nhùng, dợn dợn, lung tung, không ra hình thù chi cả, (lông bông).
● (3) Suy luận qua kiểm nghiệm: Phải chăng hình ảnh mà mây đang vẽ trên đó không biết đâu là thực và đâu là ảo. Mà nhìn kỹ, trong tầm mắt thịt, tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi. Vì đời nầy thực và hư khó lường, như thuyết Nhị nguyên âm dương, của biểu đồ thái cực; thực và mộng luôn đối kháng và tương tác lẫn nhau; trong thực có mộng và ngược lại, như âm trung hữu dương căn; dương trung hữu âm căn. (3)
● (4) Lẽ đời vốn là như vậy rồi. Thôi thì "em nhé" là thực thể, là thực, xin hãy "cùng ta”, vui đi. Mà vui gì mới được chứ? Xin hãy "cạn chén nồng" để biết đâu sau nầy chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa mà chỉ còn gặp nhau trong ảo mộng, trong giấc chiêm bao.(4) Xin hãy cùng nhau cạn chén nồng để quên đi những điều cay đắng trong cái biển trần khổ vơi vơi trời nước này đi! (5)
 ♫ Tiếp theo là tâm tình với người thương:
Em nhớ thời xưa mấy đoạn trường,
Rừng xao xác khổ (6)...thương còn thương.
Ê tay tháp bút, mờ thơ ngọc,
Nhập thế dìu con, khóc giữa đường!
● (5) Có còn nhớ không em, đời chúng ta khi ấy đã lâm vào những khổ đau bất hạnh vô cùng, những đau khổ tận cùng ấy cơ hồ như không sống nổi, đứt ruột, đoạn trường.
● (6) Anh ở nơi rừng sâu, sơn lam chướng khí thiếu thốn, gian khổ trăm bề… xao xác khổ; nhưng cái niềm tin và hy vọng duy nhất và diệu kỳ để anh gắng sức vượt qua mọi thử thách ấy chính là tình yêu của chúng mình, em yêu anh và anh yêu em, thương còn thương.
● (7) Cụ thể, tin nhạn vô giá, thơ của em gởi cho anh, em viết rất nhiều và rất dài; thẫn thờ tay mỏi, ngón đau, ê tay tháp bút. Còn anh trong rừng, chắt chiu những vần thơ quý báu như ngọc, luôn mang theo bên mình chờ dịp tiện hồi âm cho em mà những nét chữ trong thơ đã mờ đi do giấy thấm ướt mồ hôi gian lao và sương ướt lạnh, mờ thơ ngọc.
● (😎 Nhất là lúc em và con đi thăm anh, con đường rừng dài hun hút, vắng người (Như con đường gian khổ mà chúng ta cùng đi chung nhau khi cha mẹ đôi bên tác hợp). Chân đã mỏi như giần rồi mà chưa tới chỗ, bóng chiều dửng dưng không hề đoái đến người mẹ dìu con, đang lê từng bước nhọc nhằn, tủi thân, thổn thức trong lệ ướt giữa đường.
 ♫ Những nỗi niềm và mong ước riêng tư:
Rượu thơm thấm thấu tình tri kỷ,
Anh hôn gò má ướt mù sương.
Ngấm hiểu thiên đàng trong địa ngục,
Cầm tay an lạc... sống bình thường
● (9) Ôi! Gian lao cùng cực; còn được gặp nhau, còn có chén rượu thơm ngon! Cảm nhận chất rượu nồng, nóng hừng chạy rần rần trong cơ thể. Thế mới biết, mới hiểu, mới thấm thía, anh đã chọn không lầm người, em chính là người tri kỷ của anh.
● (10) Đây nè! Cho anh hôn em một cái! Sao má em lại ướt? Có phải má em ướt bởi mù sương hay giọt tủi tuôn trào?
● (11) Có ai hiểu, trong địa ngục đắng cay, cũng có lúc hạnh phúc, tuy đơn sơ đầy ý nghĩa, ngập tràn nỗi niềm hạnh phúc biết bao!
● (12) Đơn sơ nhất là được nắm tay người thương, trong an bình, vui vẻ… không cao xa, rất bình dị như trong đời thường thế nhân.
 ♫ Vẫn là mơ ước cho cuộc đời:
Anh muốn thần sầu bay mất hút,
Hiện về Sen thắm... tỏa ngàn thương!
● (13) Anh ao ước, đời chúng ta sẽ an bình, sẽ không ai gieo rắc cho chúng ta muôn điều đau khổ nữa.
● (14) Bóng Sen từ bi đằm thắm, nhân ái sẽ ngự trị trên cõi đời nầy…với tình thương chan hòa, hạnh phúc bao la.
Bài thơ Chiều ngồi đếm tuổi, không phải là đếm tuổi đời mình mà là chơi chữ, biểu đạt những tủi thân, tủi phận với ít nhiều nỗi nhớ thiết tha, rất logic, chặt chẽ, có chất trí tuệ, hàm súc, gợi cảm; nói về mình thôi...nhưng rất điển hình, (phảng phất hình bóng của tôi, của chúng ta, không phải chỉ là chuyện riêng tư của tác giả) và phảng phất đậm nhạt phần nào về tấn bi kịch bể dâu.
Xin cảm ơn anh Chân Trời Chân Mây đã thể hiện một tiếng thơ của tình tri kỷ đằm thắm, tuyệt vời. ֎ Thân mến, Ngân Triều
 
Ghi chú:
(1) Mơ viễn vông: Mơ ước xa vời trong tương lai.
(2) lông bông: không có cơ sở, không có mục đích. Vẽ cảnh lông bông: vẽ cảnh vu vơ, lung tung, không ra hình ảnh gì cả.
(3) “Âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn” nghĩa là trong âm có gốc dương, trong dương có gốc âm. Ở Đông phương, chúng ta thường thấy hình thái cực đồ, trong có nửa âm nửa dương, trong âm có một chấm nhỏ là gốc dương, trong dương có chấm nhỏ là gốc âm. Đó là triết lý âm dương: Âm dương tương sinh, tương khắc, tương hỗ, tương hành. Âm dương sinh ra nhau, chống nhau, hỗ trợ nhau, đi chung với nhau. Như là đàn ông và đàn bà.
Nghĩa là trong ban ngày có mầm ban đêm để sinh ra ban đêm; trong ban đêm có mầm ban ngày để sinh ra ban ngày. Trong thiện có mầm ác, như là người có lòng thiện tuyệt đối, rất dễ thành kiêu căng, hoặc rất dễ sử dụng các quy tắc thiện thành hình phạt ác cho người làm ác; trong ác có mầm thiện, như là người giết người nhiều quá có lúc sẽ đau khổ vì giết người (như là giết người mình yêu), rồi từ đó mà tỉnh ngộ.
(4) Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 443- 444
(5) Biển trần khổ, vơi vơi trời nước,
(Kinh cúng tứ thời khai kinh của Đạo Cao Đài).¬
Nghĩa là:
Những nỗi Khổ đau của con người nơi trần gian nầy dẫy đầy như nước biển mênh mông, chỉ có trời và nước.
(6) Xao xác: nhộn nhịp, dồn dập; xao xác khổ là những nỗi khổ do bị thù hận, bị thiếu thốn, bị đày đọa, bị thúc ép, bị xô đẩy…rơi vào cảnh hoạn nạn, đau đớn từ vật chất đến tinh thần; con người cơ hồ như mất tất cả nhân tính.
(7) Tình tri kỷ: tình cảm của người biết mình, biết rõ tâm tính mình.
*
(Trích Tuyện tập Bình thơ thân hữu, chương IV, sẽ xuất bản sau Tết 2023 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét