31 thg 1, 2023

NGHIỆP GIÁO - Ghim HO

Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Bắt phong trần phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào.
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Nguyễn Du
Nghiệp giáo.
Có phải hữu ý không khi ta dùng từ dạy học. Với tôi, dạy cũng là học. Nghiệp giáo đeo mang từ lúc ra đời cho đến giây phút cuối. Cho dù tôi đã trãi qua biết bao nghề từ nông dân, công nhân, thủ kho, giúp việc nhà,mua bán… và về hưu với ngành kế toán. Nghiệp giáo vẫn nặng mang và ắp đầy kỷ niệm để nhớ thương.
Ngày ra trường SPSG sau 75 và bước về trường Tân Túc Chợ Đệm Bình Chánh với tâm hồn rộng mở của một con nai vàng ngơ ngác trước ngưỡng cửa cuộc đời. Sao quên được ngày đầu tiên đến lớp, nhìn mấy bé lao xao. Khi thầy hiệu trưỡng giới thiệu vài lời và bước ra khỏi cửa, cô giáo trẻ như bị đứng hình trước lũ trẻ im phăng phắc. Không gian như ngừng đọng, rồi cô bỗng bật cười. Thế là tiếp theo những tràng cười nối tiếp. Không cần lời nói đã có giao lưu. Thế mới biết tiếng cười là đầu câu chuyện. Tôi đã yêu biết bao những nét hồn nhiên, tươi sáng của trẻ con, cho dù cũng bao lần thất vọng khi đương đầu với nhân vật gan lì. Bây giờ mới hiểu rằng cái cho ta nhớ nhất là cái thử thách nhiều nhất. Anh chàng Kiều Khắc Thảo với gương mặt tròn bụ bẫm, với ngón tay như quả chuối vẫn luôn làm rối lòng tôi.
Một hôm ra đề văn…Em hãy tả con trâu nhà em. Tôi bất ngờ với câu văn…Em rất thích con trâu nhà em vì nó có mắt đen tròn to như hai trái dừa.
Hôm giao bài cho học sinh, tôi gọi em đứng lên và đọc câu ấy cho cả lớp nghe. Cả lớp cười ầm trong khi em đang mếu máo. Tôi hỏi : “ Em thấy mắt con trâu to như trái dừa sao?” . Trong tiếng nấc, em trả lời : “ Nó giống hai trái dừa mới ra.”
Giật mình nhìn lại, đúng thế thật. Đây là bài học đầu tiên của nghiệp giáo mà tôi học từ đứa trẻ. Muốn hiểu ai hãy cố gắng đứng về phía người ấy. Cô giáo trẻ lúc ấy thường mặc áo dài xanh, đồng phục của SPSG. Luôn có những fan hâm mộ lấp ló phía sau khi cô ra khỏi lớp. Khi cô ngồi chấm bài trong phòng học, chổ ở tạm cho các cô trọ lại nhà trường, những đôi mắt nai tơ lại xuất hiện qua khe cửa. Khi cô ngẫng đầu lên lại thấy lúc thì trái xoài, lúc thì trái ổi nằm ngay khung cửa tự khi nào, cứ như xuất hiện do phép thuật của bà tiên trong cổ tích. Có lúc cô đến lớp thấy dòng chữ non nớt trên bảng…Cô đẹp như thiên nga….Buồn cười, mình giống con thiên nga sao. Chỉ không hơn nửa năm hạnh phúc nơi đây, cô dạy chúng hát, đóng kịch. Chúng thích nhất đóng kịch với truyện Hầm vàng hầm bạc. Diễn đến lúc đàn khỉ xúm lại khiêng người anh và quăng đi mình mới hết hồn. Mình ngu thật. Bọn chúng diễn sâu quá, không khéo diễn viên bị thương như chơi. Có lúc được cô giáo lớp một mời đến dạy hát cho lũ nhỏ. Mình thích quá. Ước gì được dạy lớp một. Vui nhất là đi thăm học trò, vào vườn cây của phụ huynh. Đến vườn rồi cô giáo mới biết mình bị lừa, bọn chúng đã chuẩn bị sẳn muối ớt để hái mận ăn.
Vì nhiều duyên nợ, tôi lại trôi giạt về rừng để làm nông dân gần ba năm trước khi quay về nghiệp giáo. Ngày bước lên xe đò từ giã tôi là bao gạo của học trò và những đôi mắt thân thương sau cánh cửa. Tôi gạt nước mắt ra đi và chưa bao giờ trở lại.
Ngày ngày phát rẫy, chặt cây, cuốc đất, dù vui với thiên nhiên tôi vẫn mang trong lòng niềm ân hận. Vì một chút tâm tư, tôi đã bỏ mấy em để đi. Luôn luôn là những sai lầm như khi rời trường Khoa học.
Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
……………………………………………………
Những tưởng chỉ biết cây cỏ, duyên nợ giáo viên lại đến. Một lần nữa, tôi trở thành cô giáo của vùng kinh tế mới Căm Xe, nơi xa nhất của xã Minh Thạnh huyện Bình Long tỉnh Sông Bé, thuộc trường Phổ thông cơ sở Minh Thạnh. Nơi lớp học chỉ là túp lều nhỏ, không vách, với lưa thưa vài em không đếm hết đầu ngón tay, cho dù tôi đang dạy lớp ghép 4 và 5.
Có em học trò vừa đi học kết hợp chăn trâu. Thế nên thường xuyên tấm bảng dựng trên cột đổ ngã vì con trâu không thích học cũng như chủ nó. Thằng bé thường xuyên cột trâu gần chổ ngồi và cả hai cùng quậy.
Sau vài buổi học tôi phải tìm đến nhà em để xin cho con trâu đừng đi học. Vào thời điểm mưa to, gió lớn, nước dâng ngập cầu không đi được. Tôi bất ngờ với lũ trẻ ướt như chuột nhưng mặt mài tươi rói chạy quanh nhà cho khô trước khi học. Dạy học thì ít mà nghỉ thì nhiều vì không có học trò. Vào vụ mùa thì lớp trống không. Ngày thi học kỳ, cô giáo phải tìm đến nhà học sinh thật xa xôi. Đến nơi, có lúc em đã ra rẫy. Phải chờ để gà bài cho em làm và mang về chấm, nộp cho trường.
Sau một thời gian tôi chuyển sang làm Bổ túc văn hóa ban đêm và được mệnh danh là Vua đi đêm. Cùng làm hướng dẫn Đội với thầy Tuấn và cô Mỹ Dung, đôi bạn trẻ thật dễ thương và đầy nhiệt huyết. Thầy Tuấn vẫn gọi đùa tôi là nữ hoàng về đêm, tặng cho hai câu thơ :
Xe thồ mấy lượt thay phanh,
Hồ Ghim kiện tướng vẫn trên xe thồ.
Hình ảnh cô giáo với lỉnh kỉnh đồ đạc trên chiếc xe đạp không vè, không thắng và thường xuyên là dắt bộ. Vì từ nhà ra trường lớn xa xôi qua bao nhiêu đèo dốc với con đường băng rừng nhỏ xíu. Mùa mưa thì ngập nước, mùa nắng thì đầy những đụn cát trắng, không đạp qua nổi, dắt bộ là thượng sách. Hàng hóa thường xuyên là can dầu hôi cấp cho học viên ban đêm. Thường dựng lớp ban đầu có học trò rất vui nhưng khi phát dầu hôi xong là biến mất, lớp học khi ẩn khi hiện. Giáo viên ban đêm cũng là người được tuyển từ địa phương và tôi chịu trách nhiệm theo dỏi dựng lớp. Có khi đi dự lớp ban đêm ở khu C đến gần hai giờ sáng mới về nhà, tôi cùng cô bạn thân chun vào mùng, ăn khoai mì và tha hồ tán dóc. Khi bỏ ngang lớp ở Căm Xe trôi về thành phố, được biết có em đã bỏ học vì cô ra đi, lòng ân hận chỉ muốn quay về nhưng tất cả đều dang dỡ….
Ước hẹn đã thành dang dỡ.
Con sông đã lỡ nhịp cầu.


 Mời Xem :

Truyện kể mùa Giáng sinh. - GHIMHO  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét