31 thg 1, 2023

NGHIỆP GIÁO - Ghim HO

Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Bắt phong trần phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào.
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Nguyễn Du
Nghiệp giáo.
Có phải hữu ý không khi ta dùng từ dạy học. Với tôi, dạy cũng là học. Nghiệp giáo đeo mang từ lúc ra đời cho đến giây phút cuối. Cho dù tôi đã trãi qua biết bao nghề từ nông dân, công nhân, thủ kho, giúp việc nhà,mua bán… và về hưu với ngành kế toán. Nghiệp giáo vẫn nặng mang và ắp đầy kỷ niệm để nhớ thương.
Ngày ra trường SPSG sau 75 và bước về trường Tân Túc Chợ Đệm Bình Chánh với tâm hồn rộng mở của một con nai vàng ngơ ngác trước ngưỡng cửa cuộc đời. Sao quên được ngày đầu tiên đến lớp, nhìn mấy bé lao xao. Khi thầy hiệu trưỡng giới thiệu vài lời và bước ra khỏi cửa, cô giáo trẻ như bị đứng hình trước lũ trẻ im phăng phắc. Không gian như ngừng đọng, rồi cô bỗng bật cười. Thế là tiếp theo những tràng cười nối tiếp. Không cần lời nói đã có giao lưu. Thế mới biết tiếng cười là đầu câu chuyện. Tôi đã yêu biết bao những nét hồn nhiên, tươi sáng của trẻ con, cho dù cũng bao lần thất vọng khi đương đầu với nhân vật gan lì. Bây giờ mới hiểu rằng cái cho ta nhớ nhất là cái thử thách nhiều nhất. Anh chàng Kiều Khắc Thảo với gương mặt tròn bụ bẫm, với ngón tay như quả chuối vẫn luôn làm rối lòng tôi.
Một hôm ra đề văn…Em hãy tả con trâu nhà em. Tôi bất ngờ với câu văn…Em rất thích con trâu nhà em vì nó có mắt đen tròn to như hai trái dừa.
Hôm giao bài cho học sinh, tôi gọi em đứng lên và đọc câu ấy cho cả lớp nghe. Cả lớp cười ầm trong khi em đang mếu máo. Tôi hỏi : “ Em thấy mắt con trâu to như trái dừa sao?” . Trong tiếng nấc, em trả lời : “ Nó giống hai trái dừa mới ra.”
Giật mình nhìn lại, đúng thế thật. Đây là bài học đầu tiên của nghiệp giáo mà tôi học từ đứa trẻ. Muốn hiểu ai hãy cố gắng đứng về phía người ấy. Cô giáo trẻ lúc ấy thường mặc áo dài xanh, đồng phục của SPSG. Luôn có những fan hâm mộ lấp ló phía sau khi cô ra khỏi lớp. Khi cô ngồi chấm bài trong phòng học, chổ ở tạm cho các cô trọ lại nhà trường, những đôi mắt nai tơ lại xuất hiện qua khe cửa. Khi cô ngẫng đầu lên lại thấy lúc thì trái xoài, lúc thì trái ổi nằm ngay khung cửa tự khi nào, cứ như xuất hiện do phép thuật của bà tiên trong cổ tích. Có lúc cô đến lớp thấy dòng chữ non nớt trên bảng…Cô đẹp như thiên nga….Buồn cười, mình giống con thiên nga sao. Chỉ không hơn nửa năm hạnh phúc nơi đây, cô dạy chúng hát, đóng kịch. Chúng thích nhất đóng kịch với truyện Hầm vàng hầm bạc. Diễn đến lúc đàn khỉ xúm lại khiêng người anh và quăng đi mình mới hết hồn. Mình ngu thật. Bọn chúng diễn sâu quá, không khéo diễn viên bị thương như chơi. Có lúc được cô giáo lớp một mời đến dạy hát cho lũ nhỏ. Mình thích quá. Ước gì được dạy lớp một. Vui nhất là đi thăm học trò, vào vườn cây của phụ huynh. Đến vườn rồi cô giáo mới biết mình bị lừa, bọn chúng đã chuẩn bị sẳn muối ớt để hái mận ăn.
Vì nhiều duyên nợ, tôi lại trôi giạt về rừng để làm nông dân gần ba năm trước khi quay về nghiệp giáo. Ngày bước lên xe đò từ giã tôi là bao gạo của học trò và những đôi mắt thân thương sau cánh cửa. Tôi gạt nước mắt ra đi và chưa bao giờ trở lại.
Ngày ngày phát rẫy, chặt cây, cuốc đất, dù vui với thiên nhiên tôi vẫn mang trong lòng niềm ân hận. Vì một chút tâm tư, tôi đã bỏ mấy em để đi. Luôn luôn là những sai lầm như khi rời trường Khoa học.
Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
……………………………………………………
Những tưởng chỉ biết cây cỏ, duyên nợ giáo viên lại đến. Một lần nữa, tôi trở thành cô giáo của vùng kinh tế mới Căm Xe, nơi xa nhất của xã Minh Thạnh huyện Bình Long tỉnh Sông Bé, thuộc trường Phổ thông cơ sở Minh Thạnh. Nơi lớp học chỉ là túp lều nhỏ, không vách, với lưa thưa vài em không đếm hết đầu ngón tay, cho dù tôi đang dạy lớp ghép 4 và 5.
Có em học trò vừa đi học kết hợp chăn trâu. Thế nên thường xuyên tấm bảng dựng trên cột đổ ngã vì con trâu không thích học cũng như chủ nó. Thằng bé thường xuyên cột trâu gần chổ ngồi và cả hai cùng quậy.
Sau vài buổi học tôi phải tìm đến nhà em để xin cho con trâu đừng đi học. Vào thời điểm mưa to, gió lớn, nước dâng ngập cầu không đi được. Tôi bất ngờ với lũ trẻ ướt như chuột nhưng mặt mài tươi rói chạy quanh nhà cho khô trước khi học. Dạy học thì ít mà nghỉ thì nhiều vì không có học trò. Vào vụ mùa thì lớp trống không. Ngày thi học kỳ, cô giáo phải tìm đến nhà học sinh thật xa xôi. Đến nơi, có lúc em đã ra rẫy. Phải chờ để gà bài cho em làm và mang về chấm, nộp cho trường.
Sau một thời gian tôi chuyển sang làm Bổ túc văn hóa ban đêm và được mệnh danh là Vua đi đêm. Cùng làm hướng dẫn Đội với thầy Tuấn và cô Mỹ Dung, đôi bạn trẻ thật dễ thương và đầy nhiệt huyết. Thầy Tuấn vẫn gọi đùa tôi là nữ hoàng về đêm, tặng cho hai câu thơ :
Xe thồ mấy lượt thay phanh,
Hồ Ghim kiện tướng vẫn trên xe thồ.
Hình ảnh cô giáo với lỉnh kỉnh đồ đạc trên chiếc xe đạp không vè, không thắng và thường xuyên là dắt bộ. Vì từ nhà ra trường lớn xa xôi qua bao nhiêu đèo dốc với con đường băng rừng nhỏ xíu. Mùa mưa thì ngập nước, mùa nắng thì đầy những đụn cát trắng, không đạp qua nổi, dắt bộ là thượng sách. Hàng hóa thường xuyên là can dầu hôi cấp cho học viên ban đêm. Thường dựng lớp ban đầu có học trò rất vui nhưng khi phát dầu hôi xong là biến mất, lớp học khi ẩn khi hiện. Giáo viên ban đêm cũng là người được tuyển từ địa phương và tôi chịu trách nhiệm theo dỏi dựng lớp. Có khi đi dự lớp ban đêm ở khu C đến gần hai giờ sáng mới về nhà, tôi cùng cô bạn thân chun vào mùng, ăn khoai mì và tha hồ tán dóc. Khi bỏ ngang lớp ở Căm Xe trôi về thành phố, được biết có em đã bỏ học vì cô ra đi, lòng ân hận chỉ muốn quay về nhưng tất cả đều dang dỡ….
Ước hẹn đã thành dang dỡ.
Con sông đã lỡ nhịp cầu.


 Mời Xem :

Truyện kể mùa Giáng sinh. - GHIMHO  


Hồi tưởng.- Thơ BTĐ

Hồi tưởng.
Trường SPSG- Thầy cô cùng các bạn thân
Ta xa Trường SPSG (1974)
Thuở đôi mươi ăn sâu ký ức
Ta ra đi như cá theo dòng nước .
Nhớ .
“Rời SPSG mình mang ngọn đuốc.
Ngọn lửa thiêng rực rỡ soi sáng......”
. 49 năm sau.
Ta về như lá rụng về cội .
Và thả hồn đi thơ thẩn .
Chiều SG ngập nắng gió .
Con đường thân quen đã đổi họ thay tên.
Nhưng tên cũ còn lưu trong bộ nhớ .
Con đường Cộng hoà,Thành Thái,Trần Bình Trọng còn nhớ người xưa ?
Hàng điệp đẫm lệ lâu ngày gặp lại .
Vài tiếng chim thân quen trên đám lá lao xao.
Còn chút cằn cỗi trong tâm trí.
Từng bước chân trên hè phố ngày xưa
Nhớ Thầy cô bạn bè và nỗi nhớ
Dừng chân đau quặng thắt tim can .
Gần nửa thế kỷ quấn đời ta cùng số phận.
Cố cởi hoài cởi có ra đâu !
Ta ngơ ngác đứng bên con đường quen như lạ
Khẽ mi gió nhè nhẹ luyến lưu .
Nỗi nhớ xôn xao không khui bật tróc .
Ước quá nhiều một chẳng làm nên .
Giờ từng vết nhăn cày trên khuôn mặt .
Thời gian trôi tóc đã thay màu .
Chỉ biết nuốt khô lệ sầu , nuối tiếc!
 
BTĐ 

 Mời Xem :
 

30 thg 1, 2023

NÓI VỚI VỢ - TRẦN PHONG VŨ


NÓI VỚI VỢ
 
Giớ bà sống khỏe tôi mừng
Đừng như tôi tưởng mấy lần xong phim
Hai ta bao thuở nổi chìm
Bây giờ nghĩ lại cũng êm hết rồi
Ngày xưa bà đẹp tôi vui
Bây giờ bà xấu thằng tôi cũng già
Tóc bạc răng rụng xương da
Tôi yêu ai nổi mà bà rầy tôi
Dăm ba gái gú treo chơi
Thơ văn dấm dẳng cho người mua vui
Nghĩ tôi sướng lắm hở trời
Chẳng qua cái nợ mà đời trao cho
Mặt dày thì phài làm mo
Của ấy nếu có chỉ cho mỗi bà
Cục te cục tác con gà
Gáy cho sướng miệng đạp ra giống gì
Chi bằng nửa muổng hành phi
Một nồi cháo trắng tôi phi vào lò
Bàn thờ chân duỗi chân co
Cho bà khóc tiếng con so dỗi hờn
Nhá nhá
TRẦN PHONG VŨ


 Mời Xem :

MUỐN HỎI - TRẦN PHONG VŨ

Mỗi Năm Một Lần Đánh Đuổi Thành Hoàng - Ngô Tất Tố

Mới vắng mùa xuân bốn ngày, trời đất đã thấy khác hẳn. Hai tiếng “lò cừ” của Cung oán ngâm khúc có lẽ chỉ để chỉ vào vũ trụ hôm nay. Hôm nay ông thần Hạn bạt (1) đã báo thù trần gian một cách tàn nhẫn. Mới già nửa ngày thiêu đốt, lá cây đều héo rũ như ngọn cờ tang, mặt đất tuy không chảy mỡ, nhưng hơi khét bốc lên ngào ngạt. 

Ngô Tất Tố

 

Bãi cỏ vệ đường lúc này đã thành ra vật cần dùng cho khách bộ hành. Nhờ nó, gót chân những người không dép không giày cũng bớt rát bỏng. 

Chỉ mấy ông nông phu là đáng kính phục. Mắt họ đã không thể mở vì bồ hôi tràn trụa chảy qua, miệng họ đã phải há ra để giữ lấy sợi quai nón, vai họ đã phải ỏe xuống để đỡ lấy chiếc đòn gánh nặng nề, nhưng, đôi ống chân của họ vẫn thay lượt nhau cất nhẹ nhàng và nhanh chóng. 

Theo họ, đem hết năng lực, nghị lực chiến đấu với con quạ vàng, chúng tôi đã tiến vào cổng thôn T. với sự sung sướng của một người qua bể cát. 

Cái làng nhà quê vùng bể dâu phải là thế giới vàng trong câu vịnh chùa của Tống Huy Tông? Vậy mà trước mắt chúng tôi, ngọn tre, lá chuối, tường đất, mái tranh, gì gì cũng vàng tất cả. 

Sau nửa tiếng đồng hồ nấp dưới bóng rợp cây đa, để lau cho ráo bồ hôi, và nghỉ cho tinh con mắt, ông P. – một người đưa đường của tôi – dẫn tôi vào nhà người quen ông ấy. Chúng tôi chờ coi cảnh tượng buổi tối. 

Mồng bốn tháng tư. 

Tối nay, năm thôn của làng V.L. tề tập cả ở thôn T. 

Để diễn một cuộc đánh đuổi thành hoàng. Thiên hạ đồn rằng vui lắm. Ai mà không phải ngạc nhiên, khi nghe ở vùng nông thôn quê có chiến tranh kiểu này. 

Phải! Trong lũy tre xanh, thành hoàng làng nào tức là vua của làng ấy.

… (kiểm duyệt)… 

“Không hình không bóng”, đó đều là những đấng thiêng liêng luôn luôn ngự ở đầu họ, vai họ, có thể làm oai làm phúc cho họ. Vì vậy, họ đều thành thực kính sợ, không dám dị nghị điều gì. Thì đến những con lợn ỷ nuôi để cúng những đức vua ấy, họ còn kính trọng mà tôn làm ông làm người, huống chi bản thân các ngài, khi nào họ dám động tới? 

Thế thì cớ sao lại có cái làng dám đánh dám đuổi thành hoàng? Hay là làng ấy đã cách mệnh với thần giới? 

Các ngài sẽ hỏi như vậy. 

Thưa không! Cuộc trị an của chư thần, đâu cũng như đâu, vẫn vững như núi Thái Sơn, trận đánh đuổi đó chỉ là ván trò diễn lại ở một võ công oanh liệt của đức thành hoàng làng ấy. Nhưng không phải là chuyện dẹp giặc dẹp cướp, cái võ công này là võ công của… me – xừ Toóng.

Chúng ta đã thường thấy trong sách Tàu: Chú cai phu có thể làm vua nhà Hán, anh bợm bạc có thể làm vua nhà Tống, thằng nhỏ của chùa Hoàng Giác có thể làm vua nhà Minh, và vô số những ông cắn cơm không vỡ, chỉ nhờ cái thi đẻ vào nhà vua mà nghiễm nhiên ngồi trên ngai vàng, cố nhiên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy những ông chết đói, chết rét, những ông ăn cướp ăn trộm ngang nhiên được làm thượng đẳng phúc thần. 

Nhưng đến cái ông “bốn cẳng” mà cũng được làm thành hoàng, thì thật là việc gia ân rất đặc cách! 

Là vì, nghề làm thành hoàng cũng phải có đủ điều kiện. Điều kiện cốt yếu của các vị thành hoàng tức là bốn chữ “hộ quốc tý dân”, các sắc bách thần đều thế, dù là sắc của những ông thành hoàng chết đói chết rét, ăn trộm, ăn cướp mặc lòng. 

Me-xừ Toóng có thể hộ quốc tý dân được chăng? Tôi đã tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy trong nhiều cuốn công đức lục của các đấng tiên liệt họ Toóng. 

Nhân hậu hơn hết, chỉ có ngài Toóng trong truyện liêu trai. 

Ngài ấy quán ở Triệu Thành bên Tàu. Vì trót ăn thịt con trai của một mụ già vùng ấy, ngài ta mới bị quan huyện sở tại bắt làm con nuôi bà kia, để sớm hôm nuôi cái thân già cô độc. Ngài ấy bằng lòng, và liền bắt hươu, bắt nai, ăn trộm vàng bạc, gấm vóc tha về cho bà mẹ nuôi. Rồi khi bà lão tạ thế, ông con nuôi này còn về tận mả gầm gào một hồi. Người ta bảo đó là ông cọp khóc mẹ. Vì vậy, người ở miền ấy mới lập ngôi nhà thờ ngài, họ gọi là đền Nghĩa Hổ. 

Ngoài đức Toóng ở liêu trai, loài Toóng chỉ có hạng hay ăn thịt người. Thuở xưa mẫu quốc chưa biết lo về nạn nhân mãn, chắc rằng người ta không coi việc đó là việc tý dân hộ quốc.

Vậy mà ông Toóng V.L. cứ được làm vua năm thôn! Thì ra trong nước Việt Nam, cái gì cũng có đặc ân được cả. 

Tôi không biết trong đạo thần sắc của ngài, phong ngài làm “gì đại vương”. Chỉ biết người trong làng ấy đều kiêng tiếng “hổ”, họ gọi tránh đi là “hể”, cũng có người gọi là ông Ba mươi, hay là quan tướng năm dinh… 

Cái miếu để thờ vua Hổ ở đây nghiêm lắm, nghiêm như một nơi cung cấm. Trừ ông thủ từ là kẻ cận thần của ngài, người làng không ai được ngó mắt vào. Những người đi qua trước miếu đều phải ghé ô, ghé nón. 

Nhờ có một ông đàn anh trong làng làm người hướng đạo, chúng tôi đã được chiêm yết cái hành doanh của Hổ đại vương. 

Nó là năm gian nhà gạch lối cổ nhiều bề rộng mà ít bề cao. Giữa tiết trời hè, trong nhà vẫn tối om om và ẩm rờm rợp. Bước vào trong cửa, tôi tưởng như bước vào trong hang núi. Dưới lớp mái ngói, đầu xà mối kẻ quanh những con cốn, con trồng, long, ly, quy, phượng nằm chen nhau với cúc, trúc, thông, mai để làm chỗ chứa đựng cát bụi. Mạng nhện chăng chít như những chiếc võng chăng từ đầu cột nọ đến đầu cột kia. Cứt chim sẻ rơi xuống dưới sàn trắng xóa. 

Lòng miếu chia làm ba ngăn. Hai ngăn bên đều có lát ván, chừng để làm nơi dân làng họp hành, ăn uống. 

Ngăn giữa tức là ngự doanh của Hổ đại vương. 

Vì có bức mành hoa thườn thượt từ trên mái nhà buông xuống, chỗ này có thể gọi là hai lớp. Lớp ngoài, không hiểu là để làm gì. Ngự tọa của Toóng đại vương thì ở lớp trong, cái lớp bị bức mành mành che kín, người làng gọi là hậu cung. 

– Chết nỗi! Hậu cung là chỗ thâm nghiêm, ngoài tôi ra không ai dám bước chân vào. Các ngài không nên coi thường. Đức thượng đẳng làng tôi thiêng lắm, người nào vô ý sẽ bị Người vật chết tươi. 

Ông thủ từ nghiêm nghị nói với chúng tôi như thế khi chúng tôi yêu cầu ông ấy cho vào xem trong hậu cung. 

Bằng một giọng khẩn khoản thiết tha, chúng tôi phải nói dối là rất thành kính, rất thanh tịnh và cam đoan rằng nếu Người vật chết chúng tôi xin vui lòng, bấy giờ ông ta mới chịu khúm núm thắp đèn đốt hương làm lễ, rồi rụt rè hé bức mành mành cho vào. 

Chúng tôi tưởng như mình đi xuống âm cung, vì cái hậu cung của Toóng đại vương tối như hũ nút và hôi như tổ cú. 

Nào có gì lạ đâu! Trước ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu, ta chỉ thấy một cái bệ gạch sứt sở đột ngột nổi ở chính giữa. Trên bệ một cái bình hương, đầy ụ chân hương. Và ở trước cái bình hương, một vật đỏ đỏ xanh xanh sùm sụp úp xuống mặt bệ, coi chẳng khác cái đầu sư tử tháng tám. 

– Đấy là lốt “bệt”. 

Ông thủ từ cắt nghĩa như vậy trong lúc ông ta đã đưa chúng tôi ra ngoài mành mành và lên trên sàn ngồi chơi. Chúng tôi không hiểu và cố hỏi cho hiểu: 

– Bệt là cái gì, thưa ông? 

Ông thủ từ mỉm cười, ra bộ kiêu ngạo: 

– Tôi tưởng các ông nhà báo thì biết nhiều tiếng. Té ra hai ông không biết tiếng ấy ư? Lốt bệt tức là cái lốt bằng giấy làm giống hình người. Lát nữa, coi dân làng tôi đuổi bệt các ông sẽ thấy.

Như sợ chúng tôi không nhận sự long trọng của cái lốt bệt, ông ấy nói thêm: 

– Tiếng rằng nó là đồ mã, nhưng cũng là vật sự thần, vì vậy, từ xưa đến nay, không bao giờ làng dám mua bán bằng cách cẩu thả. Hàng năm cứ đến hai nhăm tháng ba, cụ trưởng lễ và bốn ông hương trưởng làng tôi phải sửa trầu rượu ra đình làm lễ, xin đi thửa bệt. Luôn trong bữa ấy, cả năm ông đó lại đem một trăm quả cau đến nhà một người thợ ở làng bên cạnh, bảo họ làm lốt. Người thợ mã nhận số cau ấy, liền phải đặt lên bàn thờ cúng tổ sư, rồi mới nhận lời các cụ làng tôi. Trong lúc đan hom, dán giấy, người thợ mã phải tắm rửa sạch sẽ, ăn chay, không được gần vợ, gần con. Nếu không thế, tất nhiên bị Người quở phạt. Năm xưa, có người thợ mã đương làm công việc nhà thánh, thình lình thấy trời đổ mưa, cả nhà đi vắng, anh ta phải chạy ra sân cất cái xống (2) nâu cho vợ. Đáng lẽ, hắn dùng nước gừng tẩy uế cái tay thì không sao cả. Nhưng anh ta vội quá, cứ để bàn tay uế tạp lại vào cắt giấy. Tức thì Người cho một trận đau bụng lăn giường trên xuống giường dưới, tưởng như sắp chết đến nơi. May sao người vợ vừa về. Chị ta vội vàng sắm sửa trầu rượu, thiết lập bàn thờ giữa sân, kêu khấn với Người, bấy giờ anh ta mới khỏi. Các ông coi đó, việc quỷ thần có phải chuyện chơi? 

Nghe nói ông cọp luôn luôn ăn trầu uống rượu, chúng tôi đã suýt phì cười, phải cố nhịn mãi mới giữ được vẻ mặt tự nhiên. Chờ cho ông thủ từ dứt mạch, tôi lại hỏi tiếp: 

– Thần tích làng ta ra sao? Ông có thể nói cho chúng tôi biết chăng? Ông thủ từ lắc đầu một cách quả quyết:

– Cái đó không sao được! Bởi vì sự tích của Người vẫn cất ở trong hòm sắc, cả làng tôi không ai được coi, chính tôi cũng không được biết ra sao. Vả chăng, sự tích của Người, xưa nay làng tôi vẫn giữ bí mật, dù có biết nữa, tôi cũng không dám nói ra. 

Rồi ông ấy cáo từ chúng tôi, đứng dậy sắp sửa mũ áo, vì giờ đuổi bệt đã đến. 

Trời tối, trẻ con tấp nập chạy nháo quanh đình với những tiếng hò reo vui vẻ. 

Trong đình nổi một hồi trống cái, xen với hồi chiêng, ông thủ từ xúng xính mũ áo thụp xuống lòng đình lễ đủ bốn lễ, rồi thụt vào trong hậu cung. Tám, chín ông khác đứng ngoài đồng thời lạy vào. Kẻ đã ngay lưng đứng lên, người mới cúi đầu gục xuống, cảnh tượng giống như lũ phu bổ củi. 

Cánh đồng trước đình bỗng nghe có tiếng ầm ầm và thấy bóng lửa bốc lên sáng rực. 

Ánh lửa mỗi lúc mỗi rõ thêm, tiếng ầm ầm mỗi lúc mỗi gần lại. 

Một lát sau, hàng trăm bó đuốc đùng đùng chiếu vào cổng làng với những hàng gậy tre nghênh ngang ở trước ánh lửa. 

Người đâu mà nhiều dữ vậy! Họ đi hàng ba, hàng tư, hàng năm, một lũ dài kéo vào cửa đình, chẳng khác một đám quân chạy. 

Trống cái trong đình thúc mau như trống hộ đê. 

Tù và thổi liên thanh bất chỉ. 

Đám người cầm đuốc tức thì rẽ ra hai hàng và đứng thẳng băng trước đình như hai dãy cột đèn, làm cho sân đình thành một đoạn đường cái. Mấy trăm gậy tre nhất tề vừa múa vừa theo đoạn đường giữa hai hàng đuốc nhảy vào cửa đình. 

Hình như những người múa gậy đều có luyện tập. 

Nếu không làm sao bấy nhiêu chiếc gậy cùng múa mà không chiếc nào đụng vào chiếc nào? 

Đuốc vẫn cháy nỏ, trống cái vẫn thúc rền, tù và vẫn thổi dữ, đám gậy hùng dũng xông vào lòng đình, tiếng người reo như xô mái ngói. 

Bỗng như bị vật gì ngăn cản, mấy trăm người và mấy trăm gậy nhất tề chạy ra chỗ cũ như một đàn vịt bị đuổi. 

Trống cái, tù và lại thưa. Các gậy lại thi nhau múa. 

Rồi, lại như trước, trống cái lại thúc mau, tù và lại thổi dồn. Đám gậy lại sầm sập tiến vào lòng đình và lại ù té chạy ra giữa những tiếng hò reo vang trời dậy đất. 

Tôi đương lo rằng cái trò “thả chiến thả tẩu” (3) diễn đến bao giờ cho rồi, thì đội quân đánh gậy đã lại hùng hổ xông vào phía trước hậu cung một lần thứ tư. 

Trước bóng lửa sáng, bức mành mành treo dưới cửa cấm tự nhiên lay động. 

Một vật xanh xanh đỏ đỏ từ trong hậu cung chồm chồm nhảy ra.

– Người ra! Người ra! Người ra kìa!

Theo với một hồi vỗ tay, tiếng la “Người ra” ầm ầm như đám chợ vỡ. “Người” là cái mà người làng này vẫn gọi là “bệt”. 

Đóng vai đội cái lốt bệt là ông thủ từ nói chuyện với chúng tôi vừa rồi. Tuy rằng phải chạy, phải nhảy, có khi phải tế bằng kiểu bốn chân, ông ấy vẫn giữ chiếc áo thụng lam xúng xính. 

Đám người múa gậy đều dạt ra hai bên đường, đứng lộn với đám người cầm đuốc, nhường quãng đất không cho bệt chạy ra. 

Giống như người múa sư tử, bệt cứ chạy, vừa nhảy vừa tế bốn chân mà lồng ra đường. 

Đuốc gậy, tù và, trống cái nhất tề chạy theo với những tiếng reo rầm rầm. 

Lúc này quang cảnh mới càng náo nhiệt. Trên những ruộng đất cày lổm chổm, lắm người ngã sấp ngã ngửa. 

Chúng tôi đã sắp đứt hơi vì muốn theo đuổi trò lạ đời ấy cho đến cứu cánh (4). 

Trong ánh lửa sáng, một tòa đền cổ lù lù hiện dưới bóng cây với những chiếc tréo đao cong rướn. 

Đám đuốc vừa suỵt tới nơi, bệt liền thụt vào trong đền. 

Một hồi vỗ tay chấm dấu hết cho một cuộc chiến đấu. Bọn người đuốc gậy lẻ tẻ chia đi các ngả, ai về làng nấy. Chúng tôi vừa thở vừa theo người quen, – ông P. trở về thôn T. Thì ra trong lúc mới rồi, chúng tôi cũng như những người đuổi bệt đã vô tình mà chạy một mạch luôn bốn cây số.

Ngủ một đêm, hôm sau vẫn còn thấy mệt. 

Trước khi từ biệt, ông chủ nhà căn dặn lại chúng tôi: 

“Các ông đừng cười. Cái hèm (5) nhà thánh làng tôi như thế. Nếu mà bỏ đi, trong làng sẽ không được yên, có khi sinh ra dịch tễ người chết như rạ”. 

Ngô Tất Tố 

Báo Con Ong, các số 20, 21, 22 Các ngày 18.10, 25.10 và 1.11.1939

Chú thích

(1) Thần Hạn bạt: Thần làm nắng. 

(2) Xống: Cái váy. 

(3) Thả chiến thả tẩu: Cho đánh, cho chạy. 

(4) Cứu cánh: Đích cuối cùng.  (5) Cái hèm: Trò diễn lại sinh hoạt, sự tích của vị thần thờ trong làng, coi là một nghi tiết lúc mới vào đám.

  nguồn : 304Đen – Llttm - sgtc

 

BÊN ĐƯỜNG HẠ NGƯỜI CHỜ - Thơ Nguyễn Đạm Luân

 

Mời Xem :Chiều Mưa Thu Qua Sông - Nguyễn Đạm Luân


Vọng Sài Gòn - Trác Thúy Miêu

VỌNG SÀI GÒN

 Tôi nhớ hoài một đêm thứ Bảy đang bát phố lòng vòng Sài gòn Chợ lớn, anh bạn tôi bỗng thốt lên “Giá mà giờ rủ nhau chui vô rạp coi cải lương thì mới đã đời!”

Câu nói vu vơ khiến tôi cũng thốt chùng lòng: đêm thứ Bảy giữa trung tâm Sài gòn, muốn tìm nghe một câu vọng cổ, coi một lớp tuồng mà rọi đuốc kiếm không ra!

Sài Gòn ở hai phía rèm nhung

Có lẽ từ thời những ban hát miền lục tỉnh dạt về đây, nương theo bất cứ nơi nào lưu dấu chân khai khẩn mà dựng rạp sắm tuồng, nơi những bản tài tử, những bài vọng cổ được kết chuỗi thành lớp lang với đủ đầy kịch tính mà thành những kịch bản trọn vẹn, từ hương xa, đường rừng, cho tới tuồng tâm lý xã hội với đào kép ăn bận phấn sáp kiểu tân thời, dáng điệu lịch duyệt đời thường chứ không còn lối ra bộ cường điệu của tuồng tích cổ trang, hát bội.

Cải lương từ đó, là món nhắm tinh thần khoái khẩu của thị dân Sài Gòn, thú thưởng ngoạn cho mọi giới từ mặc khách tới bình dân. Đầy đủ chuyện giựt gân, diễm tình, những gã cướp rừng xanh đậm máu giang hồ tứ chiếng, tới câu chuyện đời mấy cô gái bán bar, chuyện nghĩa hiệp đường rừng, tới Lữ Bố mang khẩu khí giang hồ Cầu Muối và thứ tiếng lóng vỉa hè đặc trưng.

Dân Sài Gòn dễ bị chọc cười mà cũng dễ bị chọc cho khóc. Cải lương có hết, với miếng hài miếng bi đan lẫn như hai bức mặt nạ khóc cười đã từ lâu thành “logo” nhận biết của thế giới rèm nhung.

Dân Sài Gòn ham thói hiếu kỳ trước những điều mới, thì cải lương có tân cổ giao duyên, có kích động nhạc xập xòe, có đờn Hạ Uy Di, kèn tây và những bản tuồng hương xa mang âm hưởng ngoại quốc dù Cao Miên hay tiểu thuyết kinh điển Pháp. Từ tuồng dã sử nước nhà cho tới những pha đấu kiếm như chưởng Hương Cảng, đủ pha lộn mèo, tọt gươm vô nách chết dãy lâm sàng mà vẫn nấc ặc ặc trọn sáu câu, xuống xề mới chịu lăn ra chết.

Cho tới tận mấy năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, vẫn còn lác đác vài nhà hát cải lương hoạt động, áp phích vẽ tay trưng lộng lẫy. Người ta bu quanh mấy sạp thuốc trước rạp mua xá xị bỏ bịch và quạt bóng kiếng, mỗi bà mỗi cô đều thủ chiếc mouchoir điệu đà để chậm nước mắt. Người ta vô rạp, mê mẩn coi đào kép sắm vai, hả hê cười khóc những khóc cười mà bi hài của cuộc mưu sinh thường nhật trở nên quá trần tục, tầm thường. Thị dân cần những vở tuồng, những làn hơi cải lương mùi mẫn như những cuốn tiểu thuyết diễm tình vẽ bìa sặc sỡ để thêm thắt vào bữa tiệc đời chút món nhắm đưa cay.

Về sau, tức là vào thời tôi lớn lên, khi trường phái bi lụy diễm tình bị lên án, dân Sài Gòn có món nhắm thoại kịch tươi vui, đời thường hơn với Trong nhà ngoài phố mỗi tối thứ Năm, cải lương đen trắng vào tối thứ Bảy có cô Thanh Nga diễn Bên cầu dệt lụa, cô Bạch Tuyết đi Âu châu diễn Đời cô Lựu làm người hải ngoại khóc rần rần…

Rạp cải lương Hưng Đạo trên đường Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn năm 1965. Ảnh: Frank O’Rear.

Rồi người ta vô rạp thưa dần.

Những rạp hát cuối cùng của Sài Gòn đã hấp hối và diễn những xuất hát cuối cùng ra sao, ngay cả người Sài Gòn cũng không biết, mà cũng không được các sử gia bận rộn lưu tâm ghi nhận.

Có lẽ rạp cuối cùng hoạt động đã là trụ sở của đoàn ca múa nhạc Bông Sen ở đường Nguyễn Thái Bình, đoạn Lê Công Kiều ngó qua, ngay gần tiệm cơm Âu Thiên Nam. Hồi Tết 2011 hay 2012, tôi có thử hỏi mua vé xuất diễn nào gần nhất, người bán vé uể oải thở dài yêu cầu tôi để lại số liên lạc đặng khi nào đủ vé coi mới dựng tuồng sắm vở.

Họ không bao giờ gọi lại cho tôi nữa, vài tháng sau nghe đâu đóng cửa luôn.

Từ “cải lương” thành thứ tính từ giễu nhại, dùng để chỉ những gì lòe loẹt hay hủ lậu quê mùa. Vậy mà cách chưa đầy thế kỷ, Trung Trực đã viết trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn rằng “…nên làm những việc chi hễ bịa vào tiếng nói cải lương được, thì trong trí vẫn trộm tưởng rằng việc ấy đã thập phần hoàn mỹ…”.

Vậy mới thấy mặt trở trớ trêu giữa những giai kỳ. Chỉ đôi chục năm về trước, mấy ai ngờ có ngày người Việt kém chữ Việt đớn đau tới nỗi vĩnh viễn đánh mất nghĩa hiếu tri và canh tân tốt đẹp của hai âm tiết “cải lương”.

Như tôi và anh bạn nọ, tội tình thay giữa đêm thứ Bảy Sài Gòn, lòng thèm nghe câu vọng cổ mà rọi đuốc kiếm không ra, nao nao ngỡ mình đang đi lạc.

Tiếng nấc Trụ Vương giữa đêm bão thị thành

Tôi sửa soạn quần áo chỉnh tề, dùng cơm sớm rồi khoác tay chồng đi coi hát – than ôi, đó đã từng là một điển lễ không quá xa hoa của nếp sống thị dân Sài Gòn chưa lâu! Không rạp không rèm, cũng không trống kèn cờ quạt, phòng trà Tiếng Xưa trên đường Trần Hưng Đạo hiu hắt đêm thứ Năm, chỉ vài bước cách rạp Nguyễn Văn Hảo thuở nào, với đêm diễn kinh hoàng của đoàn Kim Thoa, vở Lấp sông Gianh. Bây giờ thì rạp Nguyễn Văn Hảo xưa tổ chức diễn hài, có loa phóng thanh và các cô PG đứng giữa đường phát tờ bướm. Còn nơi đây, chỉ cách vài bước, một mầm phục hưng yếu ớt của cải lương đang thoi thóp quẫy cựa trong khung cảnh một phòng trà.

Từ hồi còn “cát cứ” ở quận 10, Tiếng Xưa đã trở thành một góc lui tới đặc biệt của Sài Gòn, với lối trang trí sân khấu tuy thô sơ nhưng mang hơi hướm Sài Gòn thập niên 1960, ban nhạc với những bản phối cũ và những đêm tái ngộ tưởng như có thể làm sống lại hàng chục năm đã từng bôi xóa. 

Chỉ mới dời về khu trung tâm gần đây, dù với khán phòng lịch sự hơn, cùng những ngôi sao hải ngoại không ngừng xuất hiện, nhưng có vẻ việc gián đoạn, di dời đã khiến khách cũ không còn tìm tới xôm tụ như ngày nào.

Những đêm thứ Năm đặc thù phong vị giải trí kiểu Sài Gòn xưa với những ngôi sao cải lương cũ mới kiểu này là một đêm trong cả tuần hoạt động, cặp chủ nhân phòng trà chọn thực hiện như một lối “trả nghĩa” cho các nghệ sĩ vang bóng một thời. Nói “trả nghĩa” bởi khi tôi tới, chỉ lác đác vài bàn có khách.

Tôi đến để được tái ngộ và nghe giọng ca đệ nhất đào thương – Sầu nữ Út Bạch Lan, nhưng bất ngờ hơn nữa, khi lớp trích đoạn rút vào hậu đài, một người đàn bà lớn tuổi chập choạng bước ra sân khấu. Khuôn mặt bị biến dạng bởi tháng năm không nhắc nhớ được gì, cho tới khi khúc vọng cổ cất lên bi tráng: “…Trời ơi đám tôi trung đã phản Trụ đầu Châu kéo binh về vấn tội. Trong khi hoàng hậu Tô Nương lại bỏ ta sớm vội… bôn… đào… Lần đầu tiên, trẫm để cho suối lệ tuôn trào…”. 

         Đệ nhất đào võ Diệu Hiền!

Có lẽ chưa người đàn bà nào cất tiếng nấc Trụ Vương tài tình hơn như vậy, đòn tay ra bộ điệu nghệ xuất thần, còn ánh mắt chợt thoắt tinh anh nộ khí vị hôn quân thất trận. Người ta quên cả người đào hát đã về già trước mặt, khi nét uy nghiêm hằn dấu sát khí hung tàn mà vẫn bi lụy cất tiếng ca nghe buốt can tràng kẻ kiêu binh thất trận.

Tôi ngồi bật dậy khỏi chiếc ghế dựa, như không tin được ngần ấy uy lực tinh anh vẫn phát tiết ngời ngời từ cuống họng, lồng ngực cô đào một thời làm điên đảo khán trường cải lương của Sài Gòn hoa lệ.

Mong manh nhành lan trắng giữa đêm mộng phục hưng

Hết Trụ Vương thiêu mình, người ta lại chao đảo sau nhịp ngựa hối hả với tiếng kêu thống thiết giữa pháp trường “hãy để anh can phần đừng giết oan một trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La… Thành…”, rồi dẫu có nghe lại một vạn lần bản Tần Quỳnh khóc bạn, người nghe vẫn rưng rưng theo từng ngón tay cô đào dừng lại, lẩy bẩy giữa không trung và làn hơi tắc nghẹn “Thôi rồi một lưỡi gươm đưa đã dứt mạng anh hùng…”

Hai bản ca trứ danh của bậc thầy Viễn Châu vừa dứt, đào Diệu Hiền lại trở về trong hình mạo người đàn bà bé nhỏ, cúi chào khán phòng vắng ngắt, tựa vào cánh tay dìu bước rời sân khấu trong tiếng tung hô tuy mỏng nhưng da diết không muốn ngừng.

Không chỉ là một đêm phủ phê thịnh soạn với đào võ Diệu Hiền, mà người ta còn được khoản đãi giọng tình mùi mẫn của Sầu nữ Út Bạch Lan với những bài bản bất hủ, khuôn diện đăm chiêu nhưng thanh thoát, xứng tầm tàn dư nhan sắc một đệ nhất đào thương.

                                Đào võ Diệu Hiền & Út Bạch Lan

Nhưng vượt trên tất cả còn là lòng xót xa của chính từng người thưởng lãm những ánh hào quang muộn mằn sau cuối của hai bà hoàng sân khấu ấy, đó là những suy tàn của thời gian đã hiển hiện lồ lộ, lòng áy náy không tránh khỏi khi phải bất lực ngồi đó, nhìn những tượng đài cao niên dìu nhau đến từng đêm hát hiếm hoi bởi cuộc mưu sinh thường nhật, hay dẫu bởi ơn gọi mỏi mòn của nghề ca xướng. Họ vẫn dìu nhau đến, hóa thân bà chúa ông hoàng, nơi một ánh đèn leo lét nhất, một khán phòng thưa thớt cũng làm nên cả một di tích thánh đường quý báu cho những hồi ức vãn thời.

Chúng tôi tiếc rẻ ra về, đi một đoạn sau hai cô đào một thời vang bóng, nay chỉ là hai cái bóng cập rập liêu xiêu dựa vào nhau, dắt díu từng bước ra khỏi vùng tối phòng trà. Khán giả ngày nay cũng đánh mất thói quen tụ tập trước cổng rạp chờ chiêm ngưỡng đào kép ra về. Chắc trong đời hát xướng của hai người đàn bà tài hoa đó, đây là một trong những buổi vãn hát đìu hiu nhất.

Họ chỉ có nhau.

Chồng tôi có hỏi “Vì sao cải lương Sài Gòn biến mất?”. Tôi không có được câu trả lời. Chỉ biết rằng ngày nay, người ta không trốn nhà mải miết theo ghe bầu gánh hát để ăn xin cơm tổ nên không được học đức khiêm nhu từ các tiền bối, không được dạy dỗ bởi các thầy đờn. Họ thi thố học hành trong những học viện chính quy, ra sức canh tân hai nghĩa “cải lương” và “vọng cổ” bằng phục trang dã sử Tàu lai trên những bản tuồng nghèo ca từ mà giàu tính tư tưởng. Thời của hoa và lệ, của những soạn giả hàng Hà Triều – Hoa Phượng đã qua đi không hậu duệ, bởi những bài bản Viễn Châu hoa mỹ đã không còn dễ hiểu dễ nghe so với ca từ hoặc mang tính khẩu hiệu, hoặc nặng mùi sáo ngữ. Mà có lẽ cũng bởi ngày nay, ở những trường lớp dạy nghề ca diễn, người ta hình như cũng không dạy ra các thầy tuồng.

Trong một cuộc phỏng vấn, cô Út đã từng thật thà nói: “Mộng lớn của tôi bây giờ là dựng lại được một nhà hát thiệt đàng hoàng. Có nghệ sĩ vẽ cảnh trí, có máy vi âm thả dòng từ nóc rạp như hồi xưa, chứ ca ra bộ mà tay cầm mic phòng trà thật khổ cho mấy cháu, mấy em…”.

Đêm đó, cơn bão hiếm hoi tạt ngang thành thị, gió giật và mưa tầm tã. Giữa cơn mưa xối vần vũ trên những nóc gia đã say ngủ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai làn hơi sầu nữ không chút tì vết thời cuộc, nhưng đã nhuốm hơi hướm tủi thân nghiệp mệnh xướng ca:

Đêm nay mưa gió ngập trời, 
Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan…

Trác Thúy Miêu

Nguồn: Người Đô Thị

Từ trang DDQGHCUC