NHỮNG MẢNH NHỚ CŨ
Nằm dưới cái bóng của giấc ngủ vẫn còn đẫm rợp, trong cơn chiêm bao mơ màng của thành phố, đôi khi tiếng rao của người sửa bếp ga, mài dao kéo… làm tôi như lại chìm lỉm vào một giấc trưa nào đã cũ trên cái võng giăng bên hè nhà ngoại tôi. Rồi thức dậy với tiếng rao vẳng lại từ doi đất tuốt đằng kia. Không thấy người đâu, chỉ nghe Ai vá xoong vá chảo không… là miệng tôi đã ngọt lừ rồi. Ông già đó hôm nào ngang qua cũng cho tôi cục kẹo chanh hay kẹo dừa.
Hồi đó tôi bảy tuổi, được làm bạn với những người dầm dãi rày đây mai đó như ông già vá chảo nhờ khoảng sân nhà ngoại mát rượi bóng cây và gió sông. Bà ngoại còn kê bộ vạc cau ở hàng ba cho người qua đường nghỉ chân, trên đó để sẵn ấm trà, bình thủy nước đãi khách bộ hành. Cả cái khạp nước mưa ngoại đặt sát bên đường nữa, đã làm nên một khung cảnh ấm áp thân tình khiến ai cũng muốn tạt qua nắn lại đôi chân mỏi; làm chỗ gặp nhau của những người hành nghề lang bạt, những anh bán ve chai, cà rem cây, kẹo kéo, cốm ngào đường…
Những câu chuyện góp nhặt từ nơi chốn họ qua đã làm cho cuộc sống thôn quê trở nên sống động. Không cần đi đâu, bà ngoại cũng biết vụ cháy kho xăng, xóm ngoài có vài đám cưới và miệt nào đó xảy ra vụ cướp cô dâu. Những chuyện tào lao theo gió bay đi, đôi khi bà ngoại tôi còn giữ lại được vài bài thuốc hay, vài kinh nghiệm làm ruộng rẫy cũng hay, vài món ăn mới… Trẻ con thì mê những chuyện đường xa ly kỳ kiểu như dừa tám ngọn, rắn hai đầu... mộng giang hồ nhen lên trong trái tim non nớt. Quẩn quanh bên họ riết rồi tôi thuộc lòng luôn giọng của từng người, dù vắt vẻo trên cây khế hay đi thăm lưới mị ngoài vườn, nghe tiếng rao ơi hời vẳng lên trên những tầng lá thấp, là biết ai sắp đi ngang nhà, và đôi chân cứng quèo rắn rỏi đó đã qua khúc quanh nào trong xóm. Tôi không biết họ từ đâu đến, sau lúc nghỉ chân ở thềm nhà mình họ sẽ đi đâu, những đôi chân đó tiếp tục lặn lội đến đồng sâu, đến xóm vắng nào… nhưng tôi hình dung họ đi một vòng tròn xa lắm, để năm mười bữa sau họ lại quay lại, và tôi mừng như những người thân ở xa về. Họ cũng nhận ra tôi trong một chòm con nít đang chơi, để cất tiếng rầy rà, “ê nhỏ, phơi nắng quá chừng coi chừng bịnh…” hay như ông già vá chảo giả vờ bâng quơ, “e hèm, có cục kẹo mà không biết cho ai đây?”. Ông chú bán cà rem còn hứa hôm nào đó ông dẫn về Sa Đéc ăn trái cây mệt nghỉ, “thằng út tao ngon lắm à nghen…”
Giờ nhớ những người cũ bỗng nhớ luôn nghề cũ, phát hiện ra hồi ấy chắc nghèo lắm, nên thứ gì cũng vá. Nên có mấy ông hành nghề vá nồi niêu xoong chảo vá lu khạp, vá dép, vá chài… Nên bà ngoại thỉnh thoảng lại kêu tôi đón chừng ông Ba ông Bảy ông Mười Một để vá vài món trong nhà, đã rách. Đến nỗi cái chum da bò mà cũng vá thì nghèo thiệt, xưa tôi không nhận ra nỗi ấy vì cả xóm ai cũng giống ai, cũng mái lá và áo vải, cũng có vài món rách trong nhà đợi mấy ông thợ ngang qua.
Mùa rách vá nên có những người rách đi vá víu cho người rách. Đồ nghề đa phần là tự chế, lỏng chỏng trong cái bị bàng, một nửa vốn liếng còn lại được góp bằng đôi chân lặn lội dẻo dai. Sình lầy xóm trên được họ mang đi xóm dưới bằng những kẽ chân trần. Nửa năm xóm làng bị cô lập giây bủa vì những cơn mưa mùa, một tiếng rao của đội bộ hành bán hàng và vá víu cũng làm xao động bởi cái ý nghĩ, chúng tôi không bị bỏ quên. Chắc cảm kích việc đó, ngoại tôi vẫn thường dúi cho họ nải chuối xiêm, hay trái dừa khô, mớ khế ngọt hái trong vườn, nói gởi cho mấy nhỏ ở nhà… Mặc nhiên "trong mấy nhỏ đó biết đâu có thằng út ngon ngon.
Tôi chỉ hơi quạu nếu ngoại tặng gì đó cho anh vá dép. Anh này biết bao lần làm tan nát tim tôi. Bằng một cách rất tầm thường: lấy que sắt vùi vào cái lon sửa bò chứa một cục than cháy thiu thiu le lói, anh cắt miếng mủ đắp lên chỗ dép đứt rồi dùng sức nóng của que làm miếng mủ tan chảy ra đắp lành một vết thương… và giấc mơ được sắm dép mới của tôi thành mây khói.
Đồ nghề của người ta thì đinh vít, búa, khoan…, anh vá dép hơi khác thường ở cái lon giữ lửa xỏ quai xách trên tay, đi qua bao nhiêu hui hút mưa gió. Có lần chơi ác tôi hắt nước cho tắt ngúm, dì ái ngại kêu anh vô bếp trả lại chút tro, than. Chỉ vậy thôi mà anh bồi hồi. Anh luôn đi qua nhà vào những ban trưa, lúc cơm nước đã xong ngoại và dì hay ra ngoài hiên trước đương rổ, chầm lá, hay sàng gạo… Tạt vào uống nước. Ngồi thật lâu. Ngó thật sâu. Không nói gì. Chừng ngoại đằng hắng người mới dợm bước đi.
Sau hôm đám hỏi dì, có trưa tôi đòng đưa trên võng ca nghe Lệ Thủy ca thì dì nạt bảo tắt radio đi. Hình như ai rao vá dép kìa, dì thảng thốt. Nhưng không có ai hết, ngoài khói nắng gờn gợn. Anh vá dép không đi ngang nhà ngoại nữa vì biết từ giờ người ta không cần những mảnh vá của anh.
Mới đây bầy mối trổ lên đánh úp từ đáy tủ đã tiêu hóa sạch thời con gái của dì – mấy cái hình trắng đen chụp nghiêng, xõa tóc. Có nghĩa đã mất luôn bằng chứng cuối cùng rằng bà già kia từng là một mỹ nhân. Tôi bảo không sao, tuổi thanh xuân của người đàn bà thường được lưu giữ trong ký ức của những người đàn ông. Không tin hỏi ông vá dép.
Nhưng biết tìm ở đâu?
Tôi đã về Sa Đéc ăn trái cây trừ cơm, nhưng không phải với ông chú bán cà rem có cái vai lệch đi vì quảy nặng, có thằng con “ngon lành” trạc tuổi tôi. Đứa - bé - tôi đã làm mất biệt những người bạn giang hồ ngày trước, không dấu vết, dường như không có cuộc chia tay chính thức, không một hẹn hò nào. Mỗi lần về ngoại ngồi ở thềm trước lại nhớ họ từng ở đây cho đỡ đôi chân mỏi, họ cho mình kẹo, họ gãi lưng xỏ lổ tai cho, họ thắt cào cào chim sâu bằng lá dừa, chép bài ca vọng cổ tặng mình…
Giờ có đi ngang mặt nhau hay đứng cạnh những người bạn đó, chắc tôi không còn nhớ. Chút manh mối chỉ còn ở một tiếng rao, ai… vá... không. Nhưng từ tôi không rách nữa, những người vá víu của một thời vá víu, đã xa.
Và tiếng rao của anh sửa bếp ga, ông già mài dao kéo dạo… của trưa nay một ngày nào đó không còn nữa, chẳng biết sẽ có tiếng rao nào khác để đánh thức ký ức tôi, về những người xa những nghề xa đã từng đi qua đời mình…
Nguyễn Ngọc Tư
(Ảnh trên của Trần Trọng Tri)
Copy từ trang LảngPhong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét