9 thg 5, 2022

Miệt Ukraine (TC.Da Màu )

♦ Chuyển ngữ: ♦ 

 

                                           Artem Chapeye (1981 – )

Vừa là nhà văn, nhà báo, dịch giả. Đã bốn lần vào chung kết giải BBC Ukraine Book hàng năm. Sinh quán tại Kolomyia, phía tây Ukraine. Sinh sống tại thủ đô Kyiv. Trong cuộc chiến với Nga 2022, tháng 3, ông di tản gia đình đến nơi an toàn, rồi trở về đăng lính bộ binh Ukraine, chống quân Nga. 

Tốt nghiệp triết học tại Kyiv Mohyla Academy năm 2008. Nhận học bổng của Central European Initiative và giải Paul Celan cho dịch thuật.

(Ngu Yên chuyển ngữ từ bản dịch Anh ngữ “The Ukraine,” của Zenia Tompkins, xuất hiện trên tạp chí The New Yorker, ngày 4 tháng 4, 2022.)


 

Our Army, Our Protectors – Maria Prymachenko (1978)

Tôi và cô ấy cùng mang một lòng yêu nước cay đắng. Ai đó có thể nhận xét, đây là một thứ yêu-ghét. Tôi cũng từng nói, đây là một tình yêu nhuốm màu khổ hạnh. Còn cô ta thì nói, đó là tình yêu bất chấp đau khổ. Đó cũng là cách chúng tôi yêu nhau, qua nỗi đau và một chút điên rồ.

Hầu như mỗi cuối tuần, cô ấy và tôi đều đi đâu đó bằng tàu điện hoặc xe buýt. Ở Ukraine, có thể đi chơi xa trong vòng cuối tuần. Chỉ một lần chúng tôi về trễ, đi làm muộn hôm thứ hai. Đó là dịp chúng tôi đứng ngoắc xe đi nhờ để về nhà từ Milove, vùng Luhansk, vào tháng Giêng. Đây là nơi cực điểm miền đông của đất nước. Tới đó bằng xe buýt, lúc quay về, chúng tôi cầm tay nhau đi bộ dọc con đường phủ đầy tuyết. Thuở đó chúng tôi say mê nhau. Những anh chàng đi xe Zhiguli bốn cửa kiểu Liên Xô cho chúng tôi đi nhờ, không có vấn đề, ngoại trừ mỗi lần họ chỉ chở chúng tôi vài kilô mét, rồi thả xuống để rẽ vào làng của họ. Nhìn ánh sáng xanh ngát buổi hoàng hôn, chúng tôi rùng mình và cảm thấy hạnh phúc.

Đúng như vậy, những thứ ở Ukraine làm chúng tôi yêu thương một cách u buồn, điều này khiến cho nhiều người quen cảm thấy khó chịu. Tiếng các mảnh kim loại va chạm bất ngờ trên các xe buýt liên tỉnh. Các chương trình hài kịch khủng khiếp kéo dài nhiều giờ bắt buộc phải xem như “Khu Phố Buổi Tối”. Những màn ảnh truyền hình phẳng ở các trạm xe buýt cao cấp, chẳng hạn như Dnipro, nơi dàn loa ầm ĩ chói tai, ví dụ nghe một đoạn nói rap ngắn: “Cảm giác đẹp nhất là khi anh le lói nhất bọn,” do những nghệ sĩ Ukraine trình diễn, với những cái tên viết theo mẫu tự La tinh vì chắc họ cho rằng như vậy sẽ quen thuộc hơn với dân Tây Âu. Mùi rượu chua bốc lên từ các giường tầng dưới thấp, trong bóng tối mập mờ của  xe giường nằm hạng bình dân, trong khi chúng tôi cố gắng dỗ giấc ngủ trên tầng giường cao nhất. Mùi cà phê tan trong ly nhựa. Vị xúc xích như plastic kẹp trong bánh mì. Thức ăn bình dân ở ga xe lửa, như bánh nhồi bắp cải, bánh gói nhân thịt; nhớ lại lúc đó, tôi vẫn thắc mắc, vì sao cô ta chẳng quan tâm gì đến sức khỏe.

Nhưng cũng có những điều dễ thương hơn: Bà mẹ mập mạp và cô con gái ngồi xổm nói tiếng Surzhyk, ngôn ngữ kết hợp giữa tiếng lóng Nga và Ukraine. Họ nhìn rất giống nhau, cắt tóc ngắn, da sẫm, mặt to, má ửng màu củ cải, không đời nào được coi là đẹp, nếu họ không có đôi mắt to xanh xám! Họ là chủ quán cà phê bình dân ở nhà ga trong một thị trấn vô danh, với những chiếc bàn phủ khăn dầu rách bươm bởi những vết dao của các thực khách bất cẩn. Cô con gái đã dùng giẻ xám chà xát mặt bàn trước khi bưng đĩa thức ăn do mẹ cô chuẩn bị cho chúng tôi. Tính hết bữa ăn này giá tiền chưa đến một đô-la. Gồm có khoai tây nghiền với bơ nóng chảy ở giữa, sườn heo chiên giòn và nước anh đào ép tươi đựng trong cốc. Trên chuyến xe buýt Dotnetsk cũng có những người mặt xám chì, không thấy nụ cười, trông mệt mỏi sau khi nhiều giờ làm việc. Những lá thu ẩm ướt rải rắc trên các lối đi trong vườn Storozhynets ở Chernivtsi, nơi chúng tôi ghé đến chỉ để dạo quanh. Có thể, chúng tôi là những người hiếm hoi dành cả ngày du ngoạn đến một thị trấn, nơi mà quá quắt lắm, cũng chẳng có gì đáng xem.  

Cô ta trích dẫn nhà thơ Serhiy Zhadan mà cô yêu thích: “Ya liubliu tsiu krainu navit bez kokainu” (Tôi yêu quê hương này mặc dù không có bạch phiến.) Tự nhiên, tôi buông miệng nói tiếp, “và cũng không có thuốc an thần.” Đó là thời điểm cô ngừng dùng thuốc chống trầm cảm; cô nói, việc này khiến cô lên cân. Đây là mối quan tâm duy nhất về nhan sắc mà tôi thấy ở cô trong bao năm quen biết.

Giờ đây, cô ấy luôn luôn hiện lên trong tâm trí tôi cùng với dòng thơ của thi sĩ Tom Waits mà tôi yêu thích: “Nàng là thiếu nữ trung lưu…” Cô ta đã sống vài năm ở Mỹ. Cha cô sang đó, cần gấp rút kiếm một số tiền và mang cô theo. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô lấy chồng và nhanh chóng ly dị. Tôi rất ghen tị quá khứ này, nên hiếm khi nhắc lại chuyện bên đó.

Một lần, cô nói, bạn bè cô ở Mỹ, ngay cả người chồng cũ, thường gọi đất nước này là “miệt Ukraine”, mặc dù, họ biết trong tiếng Anh, chỉ cần nói “Ukraine”, nhưng lưỡi của họ vẫn tiếp tục phát âm “miệt” theo phản xạ. Cô hỏi người chồng, tại sao? Sau một hồi suy nghĩ, anh ta trả lời: “Tôi nghĩ là tại âm U trước mạo từ “the,” như the U.S., the U.K., “the” Ukraine thì là “miệt” Ukraine. Hai đứa tôi bật cười qua cách giải thích như vậy. Rồi từ đó trở đi, chúng tôi bắt đầu để ý và chỉ cho nhau những hoàn cảnh, những trường hợp, phải nói “miệt Ukraine” mới đúng, vì tuy đã có Ukraine, miệt Ukraine cũng hiện hữu song song – một “voilà-Ukraine”. Một hữu thể Ukraine. 

Ví dụ, những đàn ông trung niên đội mũ lưỡi trai, râu mép dài, áo khoác da bên ngoài áo ấm. Những phụ nữ trung niên đội mũ rộng đan bằng len. Những nữ sinh viên trở lại ký túc xá sau khi nghỉ cuối tuần về nhà. Mang giày ủng trắng thời trang, họ bước qua các vũng bùn lầy lội, tay nắm chặt những túi đựng đồ bằng nhựa ca-rô, những ngón tay đỏ ửng vì lạnh, cố gắng không làm hư những móng tay mới vừa sơn.  Một bà già mặc áo khoác nâu dài đến mắt cá, mang giày thể thao trắng rẻ tiền, đang chở táo trên chiếc xe đẩy. Người tài xế già nua mái tóc xù màu vàng ngồi sau tay lái trong một dòng xe cộ đông nghẹt ở Donetsk, đang bình tĩnh hút thuốc, nhìn qua cửa, theo dõi đời sống.

Cũng có dạo, trong những đợt sương tồi tệ nhất hoặc dưới những cơn mưa dầm, cô nhốt tôi vào chiếc xe Skoda Fabia màu đỏ, quà tặng của người cha. Cô ấy có bằng lái. Chở tôi đi xem vùng quê bị ngăn cách bởi kính xe và âm nhạc: phần nhiều là những bài hát của Tom Waits, vì một số lý do nào đó, hoàn toàn thích hợp với Ukraine. Nhưng rốt cuộc, chuyến đi chơi bằng xe hơi khiến tâm trạng cô không vui, có lẽ, vì bị ngăn cản bởi kính xe và âm nhạc, chúng tôi chỉ có thể nhìn ngắm, nhưng không thể trải nghiệm, không thể xác định. Cuối tuần sau, chúng tôi lại sẽ mua vé xe buýt hoặc tàu điện để được sống giữa dân chúng.

Đối với chúng tôi, Miệt Ukraine là một bến xe buýt mới, khổng lồ, trống trải, phủ đầy tuyết, ở ngoại ô Cherkasy. Không thể hiểu, tại sao bến lại quá lớn và trống vắng. Hai đứa tôi đứng giữa cánh đồng ngập tuyết, dưới tàng cây, lẻ loi, lạnh cắt da. Đối diện là một chiếc xe buýt nhỏ hiệu Mercedes Sprinter màu trắng – xe của chúng tôi. Tôi bước đến, mở cửa, người tài xế quát, “Đóng lại. Hơi lạnh vào. Đây không phải là địa điểm dừng.” Chúng tôi đành đứng chờ, thổi những ngón tay cho nhau, mười lăm phút sau, anh tài xế lết xe được mười lăm mét. Mặt cô đỏ bừng trong không khí đông lạnh. Trong xe cũng vậy, hơi thở trở thành hơi nước. 

Trả tiền cho tài xế, ông ta càu nhàu. “Đây mới là trạm dừng“, cô cười khúc khích rồi thì thầm vào tai tôi, “Đây là miệt Ukraine.”

Nói chung, cô ấy dễ cười, đôi khi có khiếu hài hước đen. Ví dụ, một lần ở Khotyn, chúng tôi chụp ảnh selfie trước cửa hàng có tên gọi là “Đồ dùng và phụ tùng cho nhà quàn”. Cô ta bật cười sảng khoái rồi nói, đây cũng là miệt Ukraine.

Khi xe ngưng lại trên xa lộ phía bắc Rivne, một bà già mặc áo khoác da cừu bốc mùi bò và cỏ khô, một số hành khách quay mũi sang phía khác, vì họ không biết bà này thực sự biểu hiện cho miệt Ukraine

Bà là phụ nữ gương mẫu, mặc y phục dân gian chính thống, đeo ru băng trên tóc, cầm bánh mì và muối trên một khăn thêu cổ truyền, tuy là đồ giả, nhưng bức hình thêu xơ xác trên khăn là lối vào ngôi làng, miêu tả  một phụ nữ Ukraine với ru băng trên tóc, nhưng bị mất một mắt, đó là miệt Ukraine bây giờ.Miệt Ukraine cũng là sự lãng mạn đang suy giảm: Tòa lầu cao xây bằng bê tông chưa hoàn tất ở ngoại ô Kamiaets-Podilskyi.  Hồ nước xanh tím sâu không đáy trong mỏ đá ngập nước ở Kryvyi Rih, nơi có thể nhìn từ đống đá cao, cảm giác kinh sợ khi chứng kiến cảnh một vận động viên chậm rãi bơi ếch, trồi thân mình cao lên khỏi độ sâu không thể tưởng của đáy hồ như những phim trợt nước nguy hiểm. Một sự tàn phá chậm chạp thể hiện trên ngôi nhà thờ thánh Dominic ở Lviv, bị xám xịt bởi những cơn mưa; những tượng thiếu niên Tiền phong Liên Xô  bằng thạch cao trắng phai màu với kèn hạ thấp ở Kremenets, trong con hẻm giữa các hành lang xẻ núi, giữa những cánh đồng cỏ khô dày đặc. Trại Tiền phong bỏ hoang bên ngoài Mariupol, nơi chúng tôi ngồi trên các xích đu rỉ sét, tay cầm bình nước giữ nóng, nhìn ra biển Azov, nơi những đợt sóng đẩy nhau vào bờ bị đóng băng. Ngay cả ở thủ đô Kyiv, giao điểm lưu thông bằng bê tông xám nhiều tầng tại trung tâm giao thông Vydubychi, những ống khói các nhà máy năng lượng TET bao quanh, tỏa ra những làn khói dày đậm lên nền trời xanh thẳm.

Chúng tôi lang thang lướt qua bên ngoài bề mặt của Ukraine, nhìn xuyên những ô kính xe mờ hơi sương. Trong những năm sau cùng, cô ta phải điều trị vào mùa hè, chúng tôi không còn đi du lịch nữa. Đó là lý do, những chuyến đi tôi thường nhớ lại, là vào cuối thu hoặc đầu xuân, khi quang cảnh có màu xám, rỉ sắt, vàng nhạt và xanh tái. Những con đường nhỏ dọc theo các hành lang rừng đầy những cây dương hoặc bạch dương, hầu như không quanh co dẫn qua những ngọn đồi, đưa đến những nơi lạ lẫm, chưa bao giờ viếng thăm. Chúng ta sẽ cảm thấy sự thôi thúc, phải dừng lại, leo ra khỏi xe buýt, thực sự đi bộ, nhìn ngắm những nơi chưa đến, chưa một lần ghé qua. 

Một lần kia, tôi ngủ gật tựa đầu lên chiếc mũ kê vào mặt kính ẩm ướt, khi tỉnh dậy, qua khung cửa sổ, thấy ngay cạnh đường, những đợt sóng lớn và có vẻ giống kim loại đã đóng băng.

Tôi hỏi cô: “Có phải là hồ chứa nước uống không? Chúng ta đang ở đâu?”

Cô cười nhẹ và gõ vào thái dương tôi.

“Dụi mắt đi.”

Những con sóng đóng băng đó hóa ra là một gò đất đen lớn đã cày xới.

Một lần khác, ban đêm, sau vành đai khu rừng trơ trụi trong tháng Mười một, chiếc máy kéo đang chạy chiếu bốn đèn pha chói mắt, hai đèn trên cản xe và hai đèn trên trên phòng lái, tôi đặc biệt thấy chi tiết này lãng mạn, không hiểu vì sao, có vẻ huyền bí. Rồi thêm một lần, tài xế xe buýt nhỏ dừng lại quán cà phê giữa rừng, tôi nghĩ, có lẽ gần Chudniv.  Bao quanh quán là một bức tường cây gỗ, đầu nhọn như bút chì, có chạm khắc những khuôn mặt dài đáng sợ, đeo bông tai lớn, và đội mào lông của người Cossack. Trông rất sến và quê kệch nhưng đó là miệt Ukraine. Đêm lạnh rét, không gian sâu thẳm lấp lánh sao trời.  

Tôi nghĩ, trong chuyến đi này, sự mệt mỏi ảnh hưởng đến nhận thức. Không nghỉ ngơi đủ; những thứ đập vào cảm nhận có một chút hư ảo, đồng thời rất thật. Mọi thứ lờ mờ và con người xuất hiện trong màn sương rồi trở nên khác biệt khi đến gần. Trong im lặng, chia sẻ nỗi đau và niềm vui, hai chúng tôi có thể để dành cả phút để nhìn một giọt nước nhỏ xuống bên ngoài gương cửa. Ngay cả khi đó, cô ta không chịu nổi tâm trạng thất thường, những thứ đó đang xóa bỏ trong tôi.

Có lần, tôi nhớ, những người trên xe buýt la lên, “Starkon, Starkon. Chúng ta đang đi đến Starkon.” Có điều gì như một vũ trụ, tương lai, và bí mật trong từ vựng này, Starkon. Rồi, một giờ sau, hóa ra là quận Starkostiantyniv, có lý do nào đó, cô trở nên thất vọng, khó chịu, và thu mình vào nội tâm. Trong một giờ tiếp theo, mọi thứ dường như rất khủng khiếp. Ở Starkon, hai thanh niên ngồi sau chúng tôi, nồng nặc mùi rượu. Tất cả hành khách chìm vào một phần tối xám đậm trong xe, lắc lư như bao tải trên đường gồ ghề. Không thấy ai cười. Đột nhiên, một trong hai người say rượu sau lưng chúng tôi, bắt đầu kể cho người kia nghe về đứa con trai nhỏ của anh:

“Tôi nhìn sang, thấy nó mũi dãi thò lò và đang khóc. Tôi nói, ‘Mở miệng ra, ba xem.’ Nó mở miệng. Anh biết không, có chiếc răng nhỏ một bên đang mọc lệch lấn vào hai chỗ. Thật đáng thương.’Tội nghiệp thằng bé.’ Tôi hôn nó và ôm chặt vào lòng …”

Chuyến xe bất ngờ ướt sũng tình thương và vẻ đẹp. Mọi người ngồi lặng lẽ, lắc lư theo nhịp xe, chìm lắng vào suy nghĩ những vấn đề riêng tư, không còn là những người mẫu bằng nhựa màu xám: trong mỗi con người, sau lớp mặt nạ mệt mỏi, là một vũ trụ bao la đầy sao trời, và cô ấy nghiêng người, thì thầm vào tai tôi, “con người thật tốt đẹp, ngay cả những lúc họ không nhận thấy.”

Đôi khi, hai đứa tôi đi bộ trong những chuyến du hành cuối tuần, vào những năm trước, khi còn đi được. Bên ngoài thành phố Yuzhnoukrainsk, trong một khu nghĩa địa của người Polovtsian ở thảo nguyên, chúng tôi hái trộm dưa hấu và ăn ngon lành. Ra ngoài thành phố Konotop, đi lạc trong những khúc sông Seim quanh co, trồi lên từ lớp bùn cao đến thắt lưng, đến một trang trại, nơi có người phụ nữ và anh chồng đi đánh cá bằng thuyền câu. Cô mời chúng tôi ăn cá rô luộc và món ngô nghiền dính lẫn vảy cá. Khi trả tiền, người phụ nữ cố gắng từ chối, nhưng tay cô run lên vì đây là số tiền quá lớn đối với cô. Trong khi vẫn còn thời giờ, chúng tôi leo lên một ngọn núi nhìn ra Yalta, từ độ cao một cây số, thấy rõ ràng trái đất hình tròn: biển xanh đậm tách biệt khỏi bầu trời xanh lợt, thành một vòng cung rõ ràng. 

Trong những chuyến đi lúc đầu, tôi thường háo hức mong chúng tôi được thường xuyên làm tình, đặc biệt là ở trên những cánh đồng, những nơi vắng vẻ, hoặc những nơi phong cảnh đẹp như ngọn núi nhìn xuống Yalta. Nhưng cô ta thường trách, “Khiếp, chúng ta tục tĩu quá.

Một vài lần, trong lúc ở trạng thái cao hứng của bệnh tâm thần, cô ấy đóng vai chủ động trong việc ân ái, như trong khách sạn dọc đường xa lộ ở những vùng bùn lầy thuộc vùng Polissia, nơi chúng tôi làm cho những tài xế lái xe vận tải liên tỉnh phải giật mình, nhưng tôi nhanh chóng hiểu ra, những chuyến đi của chúng tôi không phải là hoàn toàn du lịch. Cô ta cố bám víu vào thời gian đang nhỏ giọt qua những ngón tay.Nhất là, trong những năm cuối cùng, khi cô cần điều trị càng ngày càng nhiều, thì chúng tôi đi chơi càng ít.

Tôi ghen tị với quá khứ ở Mỹ của cô ấy, về những gì cô đã học được, không biết đến từ đâu. Hoặc đúng hơn, về sự uyên bác hỗn độn của cô. Ví dụ cô có biệt tài về “những kiến thức vụn.” Một dạo chúng tôi đi trên một chiếc xe đen xuyên qua cánh đồng phủ đầy tuyết trắng ở một vùng nhà quê, hai đứa tôi thích gọi là “Kamianka-Znamianka”, ngạc nhiên trước màu xanh lục của nhựa đường, không biết từ đâu, do một phản ứng liên tưởng nào đó, cô bỗng nhiên thốt lên, “Một kiến thức vụn: Khi ông Voltaire qua đời, gia quyến đã đưa ông lên xe ngựa ngồi như thể ông còn sống. Cứ như thế, ngồi như lúc còn sống, xác chết đã đi đến một vùng xa xôi ở hướng đông. Anh biết tại sao không? Vì muốn đến trước khi thư được gửi đến. Vì giáo hội sẽ không kịp gửi thư cho vị giám mục ở vùng này để ra lệnh cấm chôn Voltaire trong khu đất thánh.” 

Tôi ghen tị quá khứ của cô ấy ở Mỹ, quá khứ mà từ đó những cơn kích thích bệnh bùng phát, trong khi, có vẻ như cô ghen tị với tôi những năm cô đã bỏ lỡ cơ hội ở lại Ukraine. Tôi kể cô nghe nhiều chuyện. Vào những năm trong thập niên chín mươi, khi còn là một học sinh, tôi đã cùng với cha mẹ đào xới những khu vườn, vào thời đó, chúng tôi tận sức gom góp nhiều mảnh đất nhỏ do chính quyền cung cấp cho những người thân lớn tuổi và những họ hàng đã đi ra ngoại quốc làm việc, để gia đình tôi có thể có đủ thức ăn cho cả nhà qua suốt mùa đông. Kể sang chuyện cúp điện như thế nào giữa mùa giá lạnh. Cả nhà tôi, mặc áo len dày vì ngay cả khí đốt cũng không ấm đủ, tụ tập trong bếp. Trước là ngồi quanh những ngọn nến, và sau cùng là quây quần xung quanh bình điện xe hơi mà cha tôi đã mua, thắp sáng một bóng đèn tỏa ánh vàng nhạt. Rồi làm thế nào, vào những buổi tối trong bếp, mẹ có thể nướng trong lò ga, những bánh quy dẹp với một ít mức hoặc chiên bánh kếp trên nắp lò mà chúng tôi ăn rất dè xẻn. Dĩ nhiên, lúc đó, tôi không biết, đây sẽ là những kỷ niệm hạnh phúc nhất trong thời thơ ấu.

Tôi kể cô nghe chuyện tôi và người anh đi dự đám tang của ông nội từ Kyiv. Lúc đó, tôi đang sống ở Học viện Bách khoa, gần ga tàu điện, trong khi, anh tôi đang ở nhà trọ ngoại ô khu Vydubychi. Chúng tôi mua vé tàu chợ khởi hành vào nửa đêm đi Radyvyliv, khi tàu điện ngầm chưa chạy, từ nhà ga anh tôi đi bộ đến chỗ của tôi. Hai đứa ngồi trò chuyện, hút thuốc, rồi trở lại nhà ga. Hóa ra chúng tôi đến gần trễ, phải chạy nước rút suốt cây số cuối cùng, túa mồ hôi, thở muốn đứt hơi, nhảy lên con tàu đang di chuyển, bủn rủn trên những bậc thang đang rút lên. Người soát vé nhìn thấy, mắng chúng tôi, “Đồ ngu, hai đứa có thể bị cắt đứt chân biết không!” Tôi muốn cười cho nhẹ bớt nặng nề nhưng cảm thấy cười lúc này không thích hợp.

Rốt ráo, chúng tôi dự đám tang muộn. Khi đến làng Boratyn, cha tôi và các hàng xóm vừa trở về từ nghĩa trang. Họ đang ngồi ở chiếc bàn dưới gốc cây lê già trong sân với chai rượu bình dân, xúc xích hun khói rẻ tiền, và dưa chua nhà làm. Họ ép chúng tôi uống rượu. Một phút sau, những hàng xóm thay nhau kể lại những gì tốt đẹp họ đã làm cho ông lão đã khuất và những gì người chết đã hứa sẽ để lại cho họ. Con trai ông lão, cha tôi, ngồi im lặng. Sau đó, ông dẫn chúng tôi ra mộ, ông phàn nàn, “Thân xác chưa lạnh mà họ đã phân chia tài sản. Cha không cần những thứ này, nhưng ít nhất là đừng công khai trước mặt mình.”

Sau khi nghe, tôi nhớ cô nói, những suy nghĩ về miệt Ukraine, sớm muộn gì sẽ dẫn đến những ký ức về đám tang. Tại sao?

“Có lẽ tình thương sẽ sâu sắc hơn khi nó lẫn lộn với cảm giác mất mát không thể tránh được,” cô phỏng đoán.

Sau cùng, tôi cũng hiểu được ý cô.

Một lần vào năm cuối cùng đời cô, tôi kể chuyện người mẹ của bạn thân nhất của tôi đã chết trong bệnh viện vì bệnh ung thư. Và anh ấy đã phải đút lót cho cô ý tá trưởng hai mươi hryvnia mỗi lần anh muốn cô ta tiêm cho người mẹ một mũi morphin, cho đỡ đau đớn.

Cô ấy cười. “Chắc chắn điều này đại diện cho miệt Ukraine.” Và cô bắt đầu khóc.

Đối với hai đứa tôi, sự bùng phát những cuộc nói chuyện “chính thức” về “tình yêu nước dành cho Ukraine”, đang nổi lên khắp nơi, các cuộc tuyên bố vênh váo, trống rỗng, nhàm chán, và trên hết, người Nga gọi là poshlo, nghĩa là lỗi thời và rẻ tiền. Hoặc, nếu thích tiếng Anh hơn, thì gọi là thô tục.     

Diễn giải một câu tục ngữ của người Mỹ, cô ta lập luận: Lòng yêu nước giống như cái dương vật. Bất kể kích thước, không thể là một ý tưởng tốt, nếu đem ra lắc lư ở nơi công cộng. Hát đồng ca và đi theo đội hình. Sharovary, chiếc quần rộng bóng loáng của người Cossack. Cùng một ngày, mọi người đồng loạt đeo đồ thêu truyền thống trên áo, thậm chí, dán lên xe hơi. Vẫy cờ cột trên những cây gậy, hoặc hơn nữa, nếu có thể được, dương cao những lá cờ lớn nhất. Đeo dấu hiệu chiếc đinh ba Ukraine trên ngực. Tất cả chỉ phô trương, khoe khoang. Việc này có thẩm mỹ tương đương với việc dựng tấm biển quảng cáo bên đường với hình ảnh người yêu đang cầm bó hoa đã được Photoshop tu sửa, với lời nhắn: “Natalka! tôi yêu em! Tolia.” Trong trường hợp yêu nước này, hành động thực hiện một cách tập thể, sẽ như sau: “Natalka! Coi nè em, em đã khơi dậy lòng yêu nước của bọn anh.”  Đây là chủ nghĩa phô diễn.

Tình cảm chân thành không cần loa phóng thanh. Tình yêu lặng lẽ, hầu như không nghe thấy. Đó là dấu phẩy, trong lời lập lại: “Tôi yêu cô ấy, tôi rất yêu Ukraine nghèo của tôi.” Hôm nay, tôi gần như bật lên tiếng thổn thức khi nghe dòng chữ này. Taras Hryhorovych Shevchenko. Bất kể đau đớn, một chút điên cuồng, dịu dàng, sâu sắc, với nỗi sợ mất mát. Trong tình yêu, điều bắt buộc là sự chấp nhận.

Một trong vài chuyến đi cuối cùng, vào giữa mùa đông, chúng tôi trên chiếc xe buýt về vùng nông thôn bị hư giữa đường, bên ngoài Dunaivtsi. Từng chút một, xe bắt đầu đông đá. Bên ngoài, cơn gió lạnh xuyên qua da thịt vào tận xương tủy. Tài xế loay hoay sửa máy. Chiếc xe đã quá cũ, đương nhiên thường bị hư. Hành khách bắt đầu cằn nhằn, “Ở đây chúng ta thường nghe câu hỏi, có phải chúng ta là một quốc gia thuộc Châu âu?” Tôi cũng trở nên bực bội, nhưng cô ấy mỉm cười, sưởi ấm hai bàn tay đang kẹp trong nách. Rồi nói, “Em chưa bao giờ nghe nói một người nào chết cóng ở Ukraine vì xe hư dọc đường. Không sao đâu. Dĩ nhiên là khó chịu. Nhưng việc đã xảy ra rồi.”

Tôi học được từ cô ấy, sự chấp nhận. Khi mẹ cô gọi điện thoại mời tôi đến dự đám tang, tôi buồn khổ, nhưng không ngạc nhiên. Cô không trực tiếp nói với tôi điều gì, nhưng bây giờ, nhìn lại, tôi hiểu cô đã sống một cuộc sống ngắn ngủi. Như cô ta đã lượm lặt được sự hài lòng từ bệnh trầm cảm và từ tình yêu buồn rầu bất chấp đớn đau, tôi tin chắc, cô cũng đã đạt được một cảm khoái nào đó trong việc tự tử. Chỉ mong rằng, những khốn khổ thân xác sẽ ít hơn những dày vò tâm thần mà cô phải chịu đựng.

Nhưng bây giờ nàng đã chết

Chết mãi mãi

Bây giờ, chết và đáng yêu

Tôi không nhận thấy là mình đã đãng trí bước chân lên rìa gò đất mềm, mới đào. Mẹ cô nhìn tôi dò xét khó chịu. Môi mím lại thành một sợi đỏ đậm màu son môi. Khuôn mặt mỏng được trang điểm đúng kiểu cách. Một thân hình đẹp so với tuổi tác. Nếu sống lâu, cô sẽ giống mẹ cô. Bà mặc bộ đồ đứng đắn màu nhạt, áo khoác trắng và giày cao gót đen: đó là lý do bà đứng trên mặt lề bê tông, không đến gần gò đất. Mang một chiếc khăn che đầu, nghĩ cho cùng, đây là nghĩa trang. Có lẽ, bà cho rằng tôi không tỏ lộ đầy đủ nỗi đau buồn. Tất cả những năm qua, bà vẫn nghĩ, tôi mang ảnh hưởng xấu đến cho con bà. Đã lôi kéo cô ấy “cùng khắp nhưng bất định”, không chịu lập gia đình chính thức, cũng chẳng sống chung với nhau một thời gian. Tôi tò mò, liệu người mẹ có hiểu nỗi đau mà con gái bà phải trải qua không? Một ngày nào, tôi sẽ kể cho bà biết. Hoặc có thể, không bao giờ. Mẹ cô rất sùng đạo Chính Thống và che giấu sự thật để thân xác đứa con gái được chôn cất theo các nghi lễ vào khu đất thánh.

Tôi đã học được sự chấp nhận từ cô ấy. Đất sét từ ngôi mộ dính vào giày tôi, làm nhớ lại buổi đi dạo quanh nghĩa trang Krasnoilsk vào mùa xuân trước. Hoa giả trang trí gần như tất cả các thánh giá. Những hàng chữ viết lẫn lộn bằng tiếng Lỗ Ma Ni, Nga và Ukraine, đất sét vàng dính vào chân chúng tôi cũng theo cách như vậy.

Mẹ cô và tôi nghe tiếng chửi rủa lầm bầm sau lưng. Rõ ràng, hai phu lấp mộ đang tranh cãi về số tiền bà đã đưa cho một người trong hai người. Nếu tôi nhớ không lầm, họ hơi say. Mẹ cô liếc nhìn những phu mộ, đôi môi mím lại, sau đó, bà quay đi, thắt chặt khăn quàng cổ mà bà sẽ cởi ra khi rời nghĩa trang. Bà thì thầm, “Thật là những người kinh khủng!”

Những phu lấp mộ ra dấu bằng cử chỉ xin tôi tha thứ. Họ im lặng đi ngang qua chúng tôi, vác xẻng trên vai. Khi họ nghĩ, tôi không còn theo dõi, một người đấm vào vai người kia, rồi gằn giọng: “Đồ ngốc”. Vâng, họ có uống một chút. Có mùi rượu. Họ trông bẩn thỉu trong áo khoác rách màu xám. Họ không phải người Âu châu, thiếu văn minh. Không có gì để nói. Bên trong mỗi người đều có một vũ trụ khổng lồ đầy sao trời. Do đó, vẻ bên ngoài không hấp dẫn, lao động tẻ nhạt, vui chơi thiếu suy nghĩ, tranh giành tiền bạc, thường khiến người khác không nhìn thấy bên trong. Đôi khi, người ta quên sự hiện diện của nội tâm. Đôi khi, chúng tôi cũng vậy.

Tôi quay sang nói với mẹ cô: “Bà có biết con gái bà thường nói gì không? Mọi người đều tốt đẹp, ngay cả khi họ không nhận thấy.”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét