2 thg 9, 2020

THỜI VỜ NGỦ

Sái Ích Hoài (Trung Quốc) Nguyễn Hải Hoành lược dịch

Thời nay là thời đại giả vờ ngủ, cho nên khi phóng mắt quan sát giới văn nghệ Trung Quốc thấy chỗ nào cũng tưng bừng nhộn nhịp, gió xuân thoang thoảng làm cho các văn nhân thiu thiu giấc nồng, hiếm thấy những người gác đêm tỉnh táo.
Vì sao tôi lại có cảm khái như vậy? Có gì đâu, giờ này hôm nay có quá nhiều người làm công tác văn hóa đang xa rời chính đạo, hoặc là ngủ say không tỉnh, hoặc là giả vờ ngủ, hoàn toàn đánh mất phẩm chất nhân cách và lương tri mà một nhà văn hóa nên có. Trước những bất công và chính sách sai trái, họ nhìn mà không thấy, ngược lại chỉ nôn nóng kinh doanh những công việc tầm thường, nếu không cao giọng ca những lời lẽ nhàm chán xu phụ thời thế thì cũng lại tự mình mê mẩn gửi tình cảm vào những ngõ cụt. Vả lại, xã hội thời nay phổ biến tôn thờ thứ triết lý công lợi, thứ logic khốn kiếp, không nhấn mạnh thực hành, rất nhiều người chỉ muốn đi tắt, một bước lên trời, được cả danh lẫn lợi.
Hãy nói về sáng tác văn học, không ít người chỉ ham thực lợi, giải thưởng, tiền thu được qua bán vé, hoặc công danh. Dĩ nhiên cũng có những nhà văn nghệ vì văn nghệ, nhưng họ chỉ cố gắng rèn tay nghề, chơi tay nghề mà coi nhẹ phần dưỡng hộ tâm tính. Họ không biết rằng thơ văn hay chỉ có thể sinh ra từ những tâm hồn có hiểu biết, từ những bậc trí giả dũng cảm và thông minh. Hơn nữa, xã hội cũng kêu gọi các nhà tiên tri của thời đại, cần họ ra gánh vác việc thế gian.
Người trí thức trước hết cần độ lượng và hiểu biết, sau đó mới nói tới sáng tác.
Đối với nhà nghệ sĩ, việc nhìn thấy rõ sự vật thì quan trọng hơn tay nghề. Cổ nhân nói: Người trí thức trước hết cần độ lượng và kiến thức, sau đó mới nói tới sáng tác.
Trong bài “Tôi và nhà sư Hoằng Nhất”, nghệ sĩ nổi tiếng Phong Tử Khải [1] từng nói “Ngâm thơ và vẽ tranh, bằng bằng trắc trắc, xanh xanh đỏ đỏ vốn chẳng qua là sự tỉa tót tỉ mẩn, sự nông cạn về nghệ thuật mà thôi”, cho nên ông yêu cầu người học nghệ thuật cần thấm nhuần tinh thần tôn giáo để có thể tiến bộ về tay nghề. Ông nói câu ấy là do nhớ đến nhà sư Hoằng Nhất. Mọi người đều biết, Phong Tử Khải thủa trẻ theo học Lý Thúc Đồng - người về sau xuất gia đi tu trở thành đại sư Hoằng Nhất. Xét về mặt nghệ thuật và đời sống tôn giáo, Phong Tử Khải đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ân sư của mình. Trong bài viết trên, ông đã giải thích cặn kẽ quan điểm văn nghệ của sư Hoằng Nhất.
Ông nói, sư Hoằng Nhất khi dạy người thường hay dẫn câu nói của Nho gia: “Sĩ tiên khí thức nhi hậu văn nghệ” để nói rõ sự cao thấp của tôn giáo và nghệ thuật. Bài báo viết: “Người nghệ sĩ nhìn thấy hoa cười, nghe hiểu lời chim hót, nâng chén mời trăng sáng, mở cửa đón mây trắng, có thể coi thiên nhiên như con người, có thể biến đổi vô tình thành hữu tình”. Đây là cảnh giới thẩm mỹ đạt được khi chủ quan và khách quan thống nhất với nhau, không còn sự chia cắt giữa chủ thể và đối tượng thẩm mỹ. Tiến thêm một bước nữa, sẽ là chân lý Phật giáo “Vạn pháp tòng tâm”, “Chư tướng phi tướng” [Thấy tướng mà chẳng phải là tướng]. Nhà nghệ sĩ cao nhất từng nói: Thơ không tiếng thì không một chữ. Bức tranh không có hình thì không có lấy một nét bút. [nguyên văn: “Vô thanh chi thi vô nhất tự, vô hình chi họa vô nhất bút”]. Đây chính là sự chân truyền nghệ thuật.
Lý Thúc Đồng thăng hoa từ nghệ thuật lên tôn giáo mà thành chính quả, điều đó đã làm cho Phong Tử Khải được truyền cảm sâu sắc, vì thế ông cũng đưa ra quan điểm nhân sinh nghệ thuật của mình, dùng ba tầng lầu để ví ba tầng nấc của đời người: “Một là đời sống vật chất, hai là đời sống tinh thần, ba là đời sống linh hồn. Đời sống vật chất là ăn mặc. Đời sống tinh thần là học thuật, văn nghệ. Đời sống linh hồn là tôn giáo.” Dùng cách nói của ông thì người sống ở tầng thứ nhất sẽ làm tốt phần đời sống vật chất, ăn ngon mặc đẹp, giàu sang, vợ đẹp con khôn, thế thì sẽ thỏa mãn. Phần lớn người thế gian là loại này.
Những người sống ở tầng thứ hai thì chuyên tâm làm học thuật, văn nghệ, họ cống hiến cuộc đời vào học vấn, gửi gắm vào việc sáng tác và thưởng thức văn nghệ. Loại người đó được gọi là “Nhà trí thức”, “Học giả”, “Nghệ sĩ”.
Sống ở tầng thứ ba là những người có “Ham muốn nhân sinh” mạnh mẽ. “Họ rất nghiêm chỉnh làm người, thỏa mãn “Ham muốn vật chất” rồi còn chưa đủ, thỏa mãn “Ham muốn tinh thần” rồi cũng chưa đủ, mà họ còn phải theo đuổi tìm kiếm ngọn nguồn tận cùng của cuộc đời. Họ cho rằng tài sản và con cháu đều là vật bên ngoài thân xác, học thuật văn nghệ đều là thứ cảnh đẹp tạm thời, ngay cả thân xác mình cũng đều là sự tồn tại hư ảo. Họ không chịu làm nô lệ cho bản năng, mà phải truy tìm nguồn gốc của linh hồn, cái nguồn gốc (căn bản) của vũ trụ, như thế mới có thể thỏa mãn “Ham muốn cuộc đời” của họ. Đây là những tín đồ tôn giáo.” (tác phẩm Tôi và nhà sư Hoành Nhất, xem Phong Tử Khải Tĩnh quan ứng thế, Tập đoàn xuất bản Trường Giang, Hồ Bắc, bản in 10/2007).
Cuộc đời của Phong Tử Khải chính là sự kiểm chứng tốt nhất của thuyết “Ba tầng nhà” ấy. Các sáng tác của ông cùng thái độ sống của ông trong cái thời gian khốn khổ ấy đã thể hiện đầy đủ phẩm chất và tính cách nên có ở một người có tinh thần tôn giáo. Đúng như ông viết: “Làm thơ tức là làm người. Làm được người tốt thì cũng làm được thơ hay”. Tản văn và tùy bút của Phong Tử Khải chân thật thuần phác, tình cảm chân thành, cá tính siêu thoát, thanh đạm, không có tranh chấp gì với người đời, vì thế ông được gọi là “Đào Uyên Minh của thế kỷ XX”.
Phong Tử Khải cũng được bạn bè quốc tế gọi là “Nghệ sĩ giống nghệ sĩ nhất”. Nhưng đó chính là một đại gia quy y Phật giáo, có tín ngưỡng tôn giáo, dốc toàn bộ thân tâm vào nghệ thuật; cuối đời lại vô cớ rơi vào án văn tự, bài tùy bút tả con mèo “A My” của ông bị lên án là đả kích “Lãnh tụ vĩ đại”, chuốc lấy tai họa phê đấu, bức cung, dong đi diễu phố, nhốt chuồng bò. May sao, cho dù gặp phải số phận bất hạnh thế nào đi nữa ông đều không hốt hoảng, giữ được nhân cách và phẩm chất nghệ thuật. Về cuối đời, trong hoàn cảnh thời đại cực kỳ hiểm ác, ông bí mật lưu lại 33 bài tùy bút, nhớ lại chuyện cũ, cũng tự quan sát bản thân, giữ được phong cách nghệ thuật nhất quán, tự nhiên thanh thoát, bình dị hòa nhã. Loạt tác phẩm này về sau được tập họp lại thành cuốn “Duyên duyên đường tục bút”, trở thành trân phẩm nghệ thuật hiếm có của thời đại.
Học giả đại lục Lưu Anh viết: “[Tác phẩm] không có sự tạo tác lừa gạt, không có sự tô vẽ đáng ghét, không có sự tâng bốc giả dối. Tác phẩm hoàn nguyên con người trở về con người, mô tả được một thế giới hữu tình đầy tính người hợp với tình lý. Tác phẩm cách xa cái thế giới xáo động giả dối do phong trào dựng nên, ca ngợi cuộc sống thực tại tràn đầy sự chân thành và sức sống. Tác phẩm ấy là sự giãi bày và thể hiện cá tính chân thành và tình cảm chân thật của Phong Tử Khải. Trong cái thời đại ồn ào nhốn nháo đầy ắp những bá quyền ăn nói đại phê phán khiến hầu như toàn bộ văn nhân và nhà văn Trung Quốc đều bất đắc dĩ phải quẳng bút để sống cho qua ngày đoạn tháng, sáng tác của Phong Tử Khải vẫn có thể giữ được phẩm cách độc lập, dùng phong cách siêu thoát tươi mới liếc nhìn những luận điệu cũ mèm của xã hội chính thống. Đây thật là một kỳ tích.” (Sự trở về thật sự của cuộc đời nghệ thuật, xem Vãng sự tỏa ký của Phong Tử Khải, Tập đoàn xuất bản Trường Giang Hồ Bắc, bản in 1/2007). Một người trải qua bao nhiêu tai họa bị sỉ nhục và hành hạ mà vẫn có thể sống một cách tỉnh táo, toát ra nhân cách của mình thì chẳng phải là dựa vào cái tinh thần tôn giáo, cái khí thức đạo đức đó ư?
CÓ VĂN ĐÀN MÀ KHÔNG CÓ VĂN NHÂN; CÓ THI ĐÀN MÀ KHÔNG CÓ THI NHÂN
Thế nhưng khi phóng mắt nhìn khắp vườn văn Trung Hoa ngày nay, chúng ta lại thấy một cảnh sắc khác, một loại “văn nhân” khác, “nghệ sĩ” khác. Không thể nói văn đàn và nghệ đàn ngày nay không nhộn nhịp, thậm chí có thể nói còn có cảnh tượng phồn vinh nữa kia. Nhưng nói thực lòng thì trong mắt tôi đó chỉ là một cảnh tượng hoang vu, có văn đàn mà không có văn nhân, có thi đàn mà không có thi nhân, quá nhiều người chỉ say sưa tranh giành danh lợi, chạy sô, chạy giải thưởng, tạo dư luận, còn đâu đoái tâm tới chuyện tâm hồn? Khí tiết, phẩm hạnh, chuyện ấy cao thượng quá. Lễ nghĩa liêm sỉ thì sao? Chỉ nói ngoài miệng thôi. Đó là hiện thực của xã hội Trung Quốc ngày nay, một thời đại thế tục hóa không có tín ngưỡng. Nhà cửa có thể trang hoàng lộng lẫy, quần áo có thể ngày một đẹp hơn, nhưng linh hồn thì ngày càng xấu xa, văn đàn không còn sạch sẽ, tất cả thành cái hố rác hôi thối.
SỐNG TRONG CỐNG NGẦM
Học nghề trước hết phải lập đức, khi đã có tâm hồn và sức quan sát thì còn sợ rằng mình chẳng có nghệ thuật khác thường ư? Hãy xem Lý Bạch: “Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi” [Hoàng thượng chẳng thấy sao: Dòng Hoàng Hà lưng trời tuôn nước, xuống biển rồi có ngược lên đâu]; “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, thiên kim tán tận hoàn phục lai” [Sinh ta trời có chỗ dùng, nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về. Lời dịch của Ngô Tất Tố]; “Thiên tử hô lai bất thướng thuyền, tự xưng thần thị tửu trung tiên” [Nhà vua cho thuyền tới đón mà ta không chịu lên, còn nói rằng thần là vị tiên say rượu], một tâm tình như thế nào, một khí phách như thế là sao?
Lại xem Lão Đỗ “An đắc quảng hạ thiên vạn gian, đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan, phong vũ bất động an như sơn” [Mong sao có được ngàn vạn gian nhà to để giúp các vị hàn sĩ trong thiên hạ đều được vui vẻ, mưa gió chẳng lo gì, yên ổn như núi non], một tấm lòng như thế nào, một cảnh giới như thế là sao?
Lại xem Lỗ Tấn, “Phàm là quốc dân ngu yếu, cho dù thể xác kiện toàn, khỏe mạnh đến đâu thì cũng chỉ có thể làm thứ vật liệu và khách xem không có ý nghĩa dùng để bày cho thiên hạ xem, có ốm chết bao nhiêu thì cũng chẳng cần cho là bất hạnh”, hiểu biết thế nào, sức quan sát thế nào vậy? Chính là nhờ có bụng dạ phi phàm như thế mà Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn đều trở thành người phát ngôn, người gác đêm của thời đại.
Có điều hay là Trung Quốc ngày nay cũng có những nhà văn tốt có khí thức phi phàm. Gần đây Lưu Từ Hân [Liu Ci-xin] với tác phẩm khoa học viễn tưởng “Tam thể” [The three body problem] được tặng giải thưởng văn học Hugo, là một trong những người như vậy. Ông nói rất hay: Chúng ta đều sống trong cống rãnh, nhưng bao giờ cũng có người nhìn lên trời. Đây lại là một nhà văn hóa tỉnh táo của thời đại.
“Văn chương nhất tiểu kỹ, vu đạo vị vi tôn” [2] người làm văn nghệ sao có thể đầu đuôi lộn ngược, chỉ tìm kiếm những cái vụn vặt nhỏ nhặt mà quên ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầy sao để tìm kiếm cái tinh thần và gánh vác sứ mạng thời đại?
Tỉnh lại đi, hỡi những người còn đang ngủ say hoặc giả vờ ngủ.
Ghi chú:
* Sái Ích Hoài (蔡益怀1962-), bút danh Nam Sơn, Tiến sĩ văn học, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TQ khóa IX, hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hong Kong. Nguyên văn đầu đề: Thời vờ ngủ cần những người tỉnh táo.
[1] Phong Tử Khải (1898-1975), họa sĩ, nhà giáo dục mỹ thuật, nhà phiên dịch, nngười mở đầu ngành biếm họa TQ. Năm 1927 quy y đạo Phật, trở thành cư sĩ Phật giáo.
[2] Câu tự chữa thẹn của Lý Tư (284-208 TCN, chính khách và nhà văn nổi tiếng đời Tần), ý nói viết văn làm thơ đều là chuyện nhỏ, cho dù nổi tiếng. Các học thuyết chỉ là học vấn nhỏ; làm cho nước nhà yên bình phồn thịnh mới là học vấn lớn.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch
https://www.facebook.com/permalink.php?id=1199373556754968&story_fbid=4495916550433969

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét