13 thg 9, 2020

Xin Hãy Cứu Con Cua Đồng,Con Ốc Lác - Đoàn Quốc Tuấn



 Bạc Liêu là xứ quê mùa

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Đây là câu ca dao hình tượng xứ Bạc Liêu quê tôi thuở xa xưa.
Cách nay trên 60 năm ,khi tôi còn ở Bạc Liêu,lúc đầu nhà tôi nằm trên con đường ,chưa được trải nhựa, đi ra biển cách Cầu Quay (nay là cầu Kim Sơn) khoảng 1km.Phía sau nhà tôi có một con kinh nhỏ,người ta thường làm cầu tiêu trên sông,mỗi khi có người đi cầu thì lập tức có cơ man nào là cá chốt tụ lại đốp mồi.Dân Bạc Liêu ít ăn loại cá này vì các loại tôm cá khác có rất nhiều,vì thế cá chốt càng sinh sôi nẩy nở.
  
  Tôi còn nhớ,hàng ngày,gần sáng khi mặt trời chưa mọc,từng đoàn người gánh cá tôm cua ...từ bờ biển đi trên con đường đất trước nhà tôi để đem ra chợ bán.Mẹ tôi thường đón mua cá kèo để nấu cháo ăn buổi sáng.Cá kèo để nguyên con chỉ dội nước rửa sơ qua rồi bỏ vô nồi cháo.Khi ăn,người ta gắp con cá lên,bằng hai ngón tay cầm đầu con cá,tay kia cầm đủa tuốt thịt cá xuống tô cháo.Cháo ăn rất ngọt !
  Ngoài cá kèo,món thứ hai cũng rất rẻ ,đó là ốc len,ốc nầy thường sống bám vào cây đước cây vẹt ở bờ biển ngập nước.
  Thời gian sau,nhà tôi dọn về ấp Trà Khứa gần Quốc lộ xuống Cà Mau.
   Một căn nhà lá nhỏ ở cuối xóm,ba mặt là ruộng,phía sau là con rạch nhỏ nước cạn.
  Thời gian đó,tại Bạc Liêu người ta chỉ trồng lúa mùa,lúa được cấy vào tháng 5 và gặt vào cuối tháng 10 âm lịch.Cây lúa mùa cao trên 1 m ,buội lúa nở rất lớn,có khi người ta phải nhổ bớt trồng chỗ khác.Một năm chỉ làm một vụ,tức là đất nửa năm trồng lúa nửa năm để không.Nông dân không bao giờ dùng phân bón hay thuốc trừ sâu rày mà cây lúa vẫn tươi tốt ,cho năng suất cao,hạt gạo nấu cơm ăn ngon ngọt,Nông dân có lời và có gạo ăn quanh năm !
  
  Mấy đứa con nít như tôi thường ra bờ ruộng bắt cua đồng và ốc lác (ốc bươu),chỉ cần đem theo cái thùng thiếc đi một vòng là "lượm" được nửa thùng cua ốc !Cua thường bò trên mặt ruộng,bờ ruộng,chúng đào hang ở bờ ruộng để trú ẩn.Ốc lác thường đẻ trúng từng đám trắng bám ở bờ ruộng.
  Tôi cũng thường lấy rổ xuống con rạch sau nhà để xúc tép,chỉ cần đi dộ 20m là có đủ tép cho cả nhà ăn trong ngày.
  Như trên tôi đã nói,đất Bạc Liêu tôm cá đầy đồng nên người ta ít ăn cua đồng lắm,chỉ có bọn con nít bắt cua đồng về nướng trong đống rơm,ăn vài con,còn lại đem bằm nhỏ cho vịt ăn.
  Tôm cá cua ốc là của trời cho !

Tại Bạc Liêu tỉ lệ người Tiều ( Triều Châu ) sinh sống rất đông so với các tỉnh khác và họ đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và văn hóa của tỉnh này,họ sống hòa đồng với người Việt và người Khmer nhưng vẫn giữ phong tục tập quán truyền thống của họ (như không bao giờ gả con gái cho người Việt !),họ thường giúp đỡ đồng hương.Nếu nhừng từ "đi mình ên " là của người Khmer thì "hia" (anh),"chế " ( chị)," củ" (cậu ) là của người Tiều.Ngay cả ngày nay ra chợ Bạc Liêu tôi vẫn nghe người ta gọi nhau hia,chế,củ!

 Mấy năm trước dịp về Bạc Liêu,thăm lại cảnh cũ thì tôi giống như Từ Thức lạc Thiên Thai vừa trở lại trần gian :mọi vật đều thay đỗi kể cả con người !
   Cầu Quay không còn nữa,con đường ra biển đã được trải nhựa bằng phẳng không còn cảnh từng đoàn người gánh tôm cá;con kinh sau nhà đã bị lấp theo đà đô thị hóa,lũ cá chốt bây giờ không biết trôi giạt nơi nao !
  
Xuống ấp Trà Khứa thì cua đồng và ốc lác trở thành món đặc sản .
  Hỏi ra mới biết,từ ngày mỗi năm làm hai ba vụ lúa,đất không được nghỉ,để đạt năng suất cao,nông dân phải bỏ vốn ra nhiều để mua phân bón thuốc trừ sâu rầy,những chất này từ đồng ruộng ra sông rạch làm hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản,tôm cua cá không sống được,ốc lác còn bị ốc bươu vàng tiêu diệt !
 Ngày xưa,người ta chê con cá chốt,ngày nay cá chốt là món ngon,ngày xưa không ai ăn con cá thòi lòi,cá lìm kìm,bây giờ không có mà ăn !
  
  Buổi trưa ,tới Nhà Hàng Công Tử Bạc Liêu kêu món cá kèo kho tộ,hỏi cô phục vụ tôi mới biêt cá kèo ở đây cũng là cá kèo nuôi vì ngoài thiên nhiên gần như tiệt chủng.
  Nhớ lại có lần tới Đồng Sen Tháp Mười ăn món cá lóc nướng trui,cá ở đây cũng là cá nuôi !.

  Tôi không phải là nhà nghiên cứu khoa học mà chỉ là khách qua đường nên cứ băn khoăn không biết cách nào để cứu lấy môi trường,cứu con cua đồng con ốc lác để cho mấy đứa con nít có cảm giác như tôi ngày xưa "biết mò cua bắt ốc".

      ĐQT




2 nhận xét:

  1. Bài thuật chuyện của Đoàn Quốc Tuấn tuy bình dị đơn sơ mà hấp dẫn, tha thiết với quê hương, cho thấy Tuấn có triễn vọng viết văn lôi cuốn người đọc.Cách nay độ 5 năm tôi có gợi ý Tuấn viết bài ký ức tuổi thơ,chuyện đồng quê miền sông nước Cửu Long, hoặc làm thơ. Tuấn có hứa sẽ viết bài nhưng không thấy, nay mới ra mắt bạn đọc bài viết đầu tiên, nghe cũng hay và hấp dẫn !Nghe Tuấn kể chuyện hồi nhỏ đi bắt cua,ốc, còng, cá kèo, cá chốt mà bắt ham. Hồi xưa không ngờ sông nước miền Hậu Giang có nhiều cá tôm đến như vậy ! Hồi thời chiến tranh trước 75, vùng Cai Lẫy-Cái Bè trên sông , trên ruộng cá tôm vô số kể nhất là vùng bất an ninh không người lui tới, cá tôm sinh sôi nẩy nở tràn đồng . Trên nhánh sông Cái Bè tù xã Thông Luư tới Cái Nứa,ở thượng nguồn cá đặc cứng khúc sông, nhô râu ,đầu,quãy đuôi rào rào,ục ục, thấy khiếp. Còn trên ruộng cạn chổ nào có vũng nước là có tôm thẻ dày đặc. Bây giờ nghe bà con nói: Lội xuống sông cả ngày cũng không bắt được một con cá ! Chúc mùng bạn Tuấn ! NC

    Trả lờiXóa

  2. Anh Tuấn ơi, chuyện kể về 60 năm trước nghe vui mà cũng bùi ngùi ! Cái thời xa xưa đó ta chỉ là một cá nhân mà nay đã là một gia đình ít nhất gồm 2 thế hệ con - cháu khoảng 10 ngừoi rồi. Trong khi đó, đất, ruộng không "đẻ" thêm một tấc nào, không kể mũi Cà Mau, do đó con, cháu phải khai thác, tận dụng thôi. Tuổi già thường nghĩ về quá khứ, như người ta nói, rồi có so sánh là lẽ thường. Mong sao chúng ta cũng tìm được nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm để kể lại cho con cháu nghe, Anh ạ . Kính chúc Anh Tuấn cùng gia đình vui, khỏe nha ! -
    TđThìn.

    Trả lờiXóa