Cuộc biểu tình hiếm khi xảy ra của người Mông Cổ ở Nội Mông, Trung Quốc.

Một nhóm vận động cho người Mông Cổ cho hay, trong bối cảnh các trường học trên toàn cầu đang chuẩn bị cho một học kỳ mới, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, người Mông Cổ thiểu số ở Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình hiếm thấy để phản đối kế hoạch loại bỏ tiếng Mông Cổ khỏi chương trình giảng dạy.

Trong video có lời dẫn “Tiếng mẹ đẻ của chúng tôi là tiếng Mông Cổ! Cho đến khi chết chúng tôi là người Mông Cổ!” do Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ trụ sở tại New York chia sẻ, cho thấy, trong tuần này một đám đông giận dữ gồm học sinh và phụ huynh đã tụ tập bên ngoài trường học ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc, nơi còn được gọi là Nam Mông Cổ.

Các hướng dẫn hiệu lực vào 15/9 tại khu vực do Trung Quốc quản lý, theo đó yêu cầu trong vài năm tới các môn học ở cấp tiểu học và trung học bao gồm lịch sử và chính trị phải được dạy bằng tiếng Quan Thoại – ngôn ngữ chủ yếu của Trung Quốc.

“Đây là sự xóa sổ hoàn toàn ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của người Mông Cổ”, Giám đốc Trung tâm Thông tin nhân quyền Nam Mông Cổ Enghebatu Togochog, cho biết và nói thêm rằng động thái này là một phần trong “cuộc diệt chủng văn hóa” rộng lớn hơn đối với nhóm dân tộc thiểu số.

“Người dân từ mọi tầng lớp xã hội ở Nam Mông Cổ đang tự tổ chức một phong trào phản kháng bất tuân dân sự bất bạo động quy mô chưa từng có”, ông cho NBC News biết qua email. “Không người Mông Cổ nào cảm thấy họ là người Trung Quốc cả. Đây chính xác là điều khiến người chính quyền Trung Quốc thất vọng.”

Nhóm nhân quyền cho biết, các cuộc biểu tình đã bắt đầu được tổ chức từ đầu tháng Sáu, nhưng các cuộc biểu tình trong tuần này đã chứng kiến hàng chục nghìn người tụ tập. NBC News không thể xác minh độc lập số liệu này.

Chuẩn hóa giáo dục quốc gia là một chính sách quan trọng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy lòng trung thành với Trung Quốc và đảng cộng sản cầm quyền. Chương trình thay thế ngôn ngữ dân tộc trong các môn học chính cũng đã được triển khai ở Tân Cương, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ sắc dân Hồi giáo và Tây Tạng, và đây đều là những khu vực nổi tiếng với tình trạng bất ổn dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.


iến sĩ Nathan Hill, chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa Đông Á tại Đại học London, cho biết, quyền bình đẳng cho các nhóm dân tộc thiểu số được đảm bảo trong hiến pháp Trung Quốc, một quốc gia có hơn 300 ngôn ngữ. Nhưng dưới thời ông Tập, nhà nước đang tìm kiếm “sự đồng hóa” lớn hơn.

Ông Hill cho biết thêm, cho đến gần đây, người Mông Cổ không bị giám sát nhiều như người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng và thường được coi là nhóm dân tộc thiểu số “trung thành hơn”, nhưng đại dịch virus Vũ Hán đã khiến khu vực trở nên táo bạo hơn.

Theo Nbcnews,
Triệu Hằng biên dịch