17 thg 9, 2020

Đi tìm Vũ Hữu Định ở Mỹ - Trần Hoài Thư

 Trong một căn phòng rộng mênh mông của thư viện Đại học Cornell New York, đầy kệ ngăn san sát, nơi chứa đựng những di sản về văn hóa của toàn thế giới, có ai ngờ một tạp chí như Tiếng Ðộng, tiếng nói của Ban đại diện Ðại học xá Minh Mạng vào năm 1971, hay Trước Mặt do Phan Nhự Thức chủ biên trước 1975 ở Quảng Ngãi lại nằm giữa kệ sách. Ai có thể ngờ tập san Bộ Binh của khóa 23/24 Thủ Ðức vào năm 1966 lại được đóng bìa cứng, có mặt tại đây. Cũng thật không thể tưởng tượng có những nội san của các trường trung học, đại học miền Nam trước đây được cất giữ. Ðó là những ví dụ để nói lên sự giữ gìn và bảo tồn văn hóa nhân loại của một đại học Hoa Kỳ. Nó không có màn kỳ thị, không kẻ thắng người thua. Không trả thù. Không kết án nọc độc để rồi đốt hủy… Nó chẳng cần phân biệt hay ưu đãi ai. Sách nào cũng được bảo bọc tối đa, bìa cứng, chữ nổi. Nếu là tạp chí quá cũ thì được bỏ vào hộp carton, cột dây cẩn thận.

Không những chỉ có căn phòng rộng mênh mông này để cất giữ di sản văn chương miền Nam mà còn có cả một tòa nhà khác nằm riêng biệt ngoài vòng đai của khuôn viên đại học cũng chứa các tạp chí và sách báo của miền Nam, loại ngoại cỡ. Nơi này, có những tập như Khởi Hành đóng bộ, hay nguyệt san Ðời, hay những bộ nhật báo Chính Luận, Tin Sáng, Ðiện Tín v.v… Nhưng đừng mang ra ngoài hay xé. Coi chừng tiếng hú báo động đấy.

*Nơi đây không có ngăn riêng dành cho nhà văn lớn hay nhà văn nhỏ. Không người nổi tiếng hay kẻ vô danh. Bên cạnh tập thơ của Tố Hữu là tập truyện của Nguyễn Mạnh Côn. Những tập sách mỏng của nhà xuất bản Quân Giải phóng nằm cạnh những tác phẩm của Cục Chỉnh huấn Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Sách của kẻ chiến thắng nằm bên sách của phe chiến bại. Bên cạnh một cuốn sách đóng bìa công phu, phụ bản nhiều màu, tranh bìa của họa sĩ tên tuổi vẽ, là một tập sách nghèo nàn, đơn sơ, đến tội nghiệp. Chỉ có kẻ đọc mới có quyền thẩm định và lựa chọn. Cho dù cuốn sách có mạ vàng, giấy loại hoa vân, bìa cứng hay cho dù tranh bìa được vẽ bởi một họa sĩ hàng đầu đi nữa, cũng không thể thu hút quyến rũ được hắn.

Riêng tôi, tôi chọn Vũ Hữu Ðịnh.

Thứ nhất là anh thuộc thế hệ chúng tôi. Dù sinh thời, anh chưa có một tác phẩm nào xuất bản, nhưng không vì thế mà thơ anh lại không được nhiều người ưa thích. Riêng bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã đi vào tâm trí chúng tôi không ít thì nhiều, thời ấy.

Nói đến Vũ Hữu Định là nói đến một người bạn giang hồ, và những cốc rượu bốc cháy. Có người trách anh bỏ bê gia đình, vợ con để theo tiếng gọi của những phần rượu tặng. Có lẽ những bài thơ về rượu này khá phổ biến, nhưng họ làm sao hiểu được nỗi lòng của Ðịnh và lý do tại sao anh lại phải xa người mẹ bệnh tật, xa vợ con, xa quê. 

Từ ba năm làm lính biên trấn mà Ðồn cheo leo đón gió/Bốn mùa phên mây che/ Ðất trời đây một cõi/Nhốt đời chưa cho về đến những tháng năm luân lạc, chấp nhận làm một người con bất hiếu, một người chồng một người cha không chu toàn trách nhiệm, để được sống, để được tiếp tục làm thơ, tiếp tục dâng hiến cho đời, cho người đọc những bài thơ đẹp, hay, để đôi lứa càng thương yêu nhau, để Pleiku càng đi vào trong tim của chúng ta, bằng tóc em mướt và mắt em ướt, để bọn trẻ chúng tôi thời ấy, cả tháng không thấy đàn bà, không thấy cả một tờ tạp chí, được an ủi rằng may mà có em đời còn dễ thương… trong khi đêm ngày tai như muốn bục màng nhĩ vì trái pháo và tiếng trực thăng cùng những núi đồi vây hãm khó có thể thoát được ra ngoài.

Hãy hiểu nỗi lòng của Ðịnh. Hãy thương lấy Ðịnh qua những dòng tâm sự đành đoạn não nùng khi anh viết về người vợ của anh:

Lần nào em sinh nở

ta cũng phải vắng nhà

tháng này em sinh nở

ta lại trên đường xa

…cám ơn người vợ khổ

chiều nay ta khóc thầm

uống những giọt rượu đắng

ngày xa quê long đong

Trách anh hay trách hoàn cảnh, thời thế ?

***

May mà có em đời còn dễ thương…

Vâng. Nếu cảm ơn thành phố ấy có em, thì cũng cần phải cảm ơn Vũ Hữu Định của chúng ta nữa.

*Ðể rồi từ đó, những chuyến đi đi về về thư viện Đại học Cornell, Library of Congress, dặm dài thăm thẳm, qua đồi, qua đèo trập trùng, để chúng tôi nói với lòng, chúng tôi đi tìm Vũ Hữu Định đây. Rồi những chồng tạp chí cũ mà người phụ trách mang đến cao ngất, cứ lật và cứ lật miệt mài. Nơi nào có cõi thơ anh trú ngụ? Tạp chí nào, số nào, để có thể mượn mà tìm ra dấu vết thơ anh? Trang giấy nào có tên Vũ Hữu Ðịnh dù chỉ một hai dòng, nhất là ở giữa xứ lạ quê người mà việc sưu tập di sản văn chương miền Nam chỉ biết trông cậy vào các thư viện Mỹ?

Nhưng chúng tôi tin hương hồn anh sẽ phù trợ việc làm của chúng tôi, hà hơi tiếp sức chúng tôi vượt tất cả những trở ngại khó khăn. Ðể rồi những lần lên đường vào bốn giờ sáng, khi đêm bưng bít cùng tuyết rơi mịt mùng. Và những lần trở về, một mình trong đêm, giữa xa lộ đầy ánh đèn xuôi ngược, hay qua dốc đèo hiu quạnh, có khi lạc qua một thị trấn quờ quạng tìm lối ra, không phải đi năm phút đã về chốn cũ mà đi một phút đã về chốn cũ, mắt lão như không thấy đường nhưng lòng thì vui thật là vui. Bởi vì mỗi lần trở về là những bài thơ Vũ Hữu Định làm bạn đồng hành, nằm bên cạnh, để cho mình quên cả nhọc mệt, mà nhấn mạnh bàn đạp gia tốc…

Tập thơ này là một tập thơ được may mắn. Với tổng số 80 bài (tập thơ in trong nước chỉ có 45 bài), nó không phải bị nộp lưu chiểu hay phải qua giấy phép xuất bản nào để phải chịu cắt xén hay thay đổi cho phù hợp với chế độ đương đại. Sách dày 170 trang, gồm 2 phần. Phần đầu Dẫn nhập và phần hai là thơ sưu tập. Riêng lần xuất bản này, chúng tôi “chơi sang”: Bìa sách được in bằng lọai nhũ kim (gold metallic and golden foil), và giấy toàn là loại đặc biệt. Chỉ dành tặng nếu có yêu cầu. Không bán. Xin nhắc lại, dành để tặng khi có yêu cầu. 

Ðể chứng tỏ cùng Ðịnh là đám bạn bè tuổi ngựa của anh dám chơi đẹp, chơi sang và chơi hết mình vì bạn!

Chúng tôi xin được để tập thơ này bên cạnh phần rượu tặng trong ngày giỗ thứ 25 của anh.


Trần Hoài Thư


( Từ Tác Giả và Tác Phẩm :NK.Phi Ngoc Hùng )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét