5 thg 9, 2020

HORACIO QUIROGA - NHÀ VĂN LỚN CỦA RỪNG ĐẠI NGÀN NAM MỸ

 HORACIO QUIROGA (1878-1937): NHÀ THƠ, NHÀ SOẠN KỊCH, NHÀ VIẾT TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN DANH TIẾNG CỦA NAM MỸ, CÓ ẢNH HƯỞNG NHIỀU TRONG TRƯỜNG PHÁI HIỆN THỰC HUYỀN ẢO MÀ GARCIA MARKET LÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN TIÊU BIỂU. SINH RA Ở NƯỚC CỘNG HÒA URUGUAY, NHƯNG KHI LỚN LÊN, ÔNG CHỌN MIỀN RỪNG NÚI NƯỚC ACHENTINA LÀM NƠI LẬP NGHIỆP. ÔNG LÀ NHÀ VĂN VIẾT VỀ CON NGƯỜI VÀ CẢNH VẬT MIỀN RỪNG. RIÊNG TRUYỆN NGẮN, ÔNG ĐỂ LẠI CHỪNG MỘT TRĂM TÁC PHẨM.


Nhà văn Horacio Quiroga

Ở Mỹ Latinh khi nhắc đến một nhà văn lớn đã rời bỏ thành phố để đi sống cuộc đời của những người ở rừng, học hỏi ở họ để viết nên những câu chuyện về họ chẳng lẫn với ai, người ta nghĩ ngay tới Horacio Quiroga (1878-1937). Ông là nhà thơ, nhà soan kịch, nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn danh tiếng, được dư luận rộng rãi coi là một trong những nhà văn lớn của tiếng nói Tây Ban Nha. Sinh ra ở nước Cộng hòa Uruguay, nhưng khi lớn lên, Horacio Quiroga chọn một miền rừng núi nước Achentina làm nơi lập nghiệp. Ở đây, được “hòa mình vào thiên nhiên” – như lời ông tâm sự, và viết văn về con người và cảnh vật miền rừng.

Nhìn trên bản đồ châu Mỹ, hướng xuống phía Nam, sẽ gặp hai con sông lớn là Parana và Uruguay. Cả hai dòng sông này đều khởi nguồn từ nước Brazin. Ở những điểm khác nhau trên dòng chảy của mình, hai con sông trở thành biên giới giữa Brazin với các nước Uruguay, Paraguay, Achentina. Khi chảy sắp tới biển, sông Parana và sông Uruguay hợp lại thành Sông Bạc (Rio de Plata). Cửa Sông Bạc rộng tới 230 km. Vì thế, người ta còn gọi cửa sông này là Biển Ngọt. Dường như ba con sông (Parana, Uruguay và Sông Bạc) cũng yêu thương, đồng cảm cùng nhau. Những hòn đảo do chúng tạo ra trong suốt dòng chảy của mình hao hao như những chị em sinh đôi. Chúng giống nhau về thực vật, động vật và cả những con người sinh sống ở đôi bờ các dòng sông. Dân cư của những vùng này có chung nhau phong tục, tập quán, lối nói năng cũng như cách tổ chức cuộc sống.

Theo những dòng sông đẹp như tranh của vùng Nam Mỹ, Horacio đã đi tới những miền đất lạ khi chưa đầy 30 tuổi. Nhà văn sống như anh em cùng những người dân địa phương cần cù lao động, có tâm hồn trong sáng như gương. Người ta không gọi nhà văn danh tiếng này là người Achentina hay người Uruguay mà nhận ông một cách thân tình là người Sông Bạc. Với tấm lòng đôn hậu, chân thành tha thiết, Horacio đã đến tìm hiểu tường tận về vùng Sông Bạc. Khi cầm bút viết văn, ông không nghĩ đến việc bịa ra một câu chuyện nào mà chỉ ghi lại những gì mắt thấy tai nghe ở các triền sông. Trong chuyến đi tới vùng thượng lưu sông Parana, đến tỉnh Misionet của nước Achentina, Horacio đem lòng yêu mến miền rừng này, liền nẩy ra ý định chọn nơi đây làm chốn sinh cơ lập nghiệp. Cùng với vài người thân, ông tự tay cắt cỏ, đốn cây tạo thành một khoảng trống giữa rừng miền San Igonacio, rồi dựng lên một túp lều nhỏ để ở. Ông cần mẫn vỡ đất, trồng hoa màu, cây cối xung quanh nhà. Trong một lá thư gửi bạn, Horacio tâm sự rằng: Cho tới khi chết, tôi chỉ tưới cây và trồng trọt… hòa mình với thiên nhiên.

Vùng Misionet có nhiều điểm giống như nhiều vùng khác ở Achentina, Paraguay, Uruguay, Brazin… Ở đây, có những dòng sông chảy xiết, nước lũ ào ạt trong suốt mùa mưa. Những cánh rừng bạt ngàn quanh năm xanh tốt, rất thích hợp cho nhiều loại thú, chim muông, cỏ cây phát triển. Có không ít loài quý hiếm mà các nhà làm từ điển có thể chưa kịp ghi vào công trình của mình. Người dân sống ở đó phần đông là nghèo khổ, lam lũ. Lịch sử châu Mỹ thấm máu từ buổi người da trắng châu Âu tìm đến, tiến hành “khai hóa” để lấy vàng, bạc, hương liệu quý. Vào những thế kỷ sau này, chủ nghĩa tư bản đã len lỏi ảnh hưởng tới cả những vùng xa xôi hẻo lánh như Misionet. Người dân lao động vùng Sông Bạc sống khốn khổ trong cảnh làm thuê cho các ông chủ đồn điền, chủ xưởng cưa, nhà buôn tầu thuyền …

Horacio chỉ viết về những người thực, việc thực, cảnh vật thật. Ông đã đem đến cho người dân ở thành phố và các miền xa những câu chuyện ngồn ngộn tư liệu sống, giầu chất thơ có địa chỉ rõ ràng. Người ta kể rằng, sau khi Horacio Quiroga qua đời, người con trai của ông tên là Daio đã tới thăm lại túp lều ở vùng Misionet bên dòng sông Parana. Dario chẳng gặp khó khăn nào trong việc tìm địa chỉ của những người mà anh từng gặp đến quen thuộc trong trang viết của cha mình. Tất cả họ đều còn rất nhớ nhà văn bằng tình cảm thân thương và tấm lòng bạn hữu. Đi theo những người bạn của cha, chàng thanh niên Dario được đến tận khúc quẹo của con sông, nơi cá sấu nuốt mất con chó săn dầy dạn kinh nghiệm săn mồi; thăm cánh rừng có hàng đàn châu chấu bay ngang; cả vạt rừng có chú cáo lạ làm mọi người sửng sốt…

Nhà văn vùng Sông Bạc rất ham đọc sách, thần tượng các nhà văn Nga và phương Tây, tự coi mình là học trò của Sêkhốp (nhà văn Nga) và Môpátxăng (nhà văn Pháp). Horacio Quiroga đặc biệt thành công trong thể văn kể chuyện. Riêng truyện ngắn mà ông để lại tới con số 100. Tác phẩm thường ngắn, đầy ắp sự kiện, nhiều chất nguyên sơ, huyền thoại, giầu sức tưởng tượng, thấm đượm tính nhân văn. Những tác phẩm văn xuôi chính của Horacio Quiroga: Truyện rừng, Lỗi lầm của kẻ khác, Dã thú, Loài trăn nước, Sa mạc, Những lá thư rừng, Những con thú đồng mưu, Con gà bị chặt đầu…

Horacio Quiroga là một trong số những nhà văn được xem là có ảnh hưởng lớn trong trường phái Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh mà Garcia Market là người đại diện tiêu biểu. Năm 1937, Horacio Quiroga trở về Achentina rồi mất ở thủ đô Buenos Aires bằng cái kết buồn: ông tự sát.

Hai truyn viết cho Thiếu nhi ca Horacio Quiroga

1 / CUỘC SĂN HỔ

Minh họa của Vũ Đình Tuấn

Các con yêu quý của bố,

Điều làm các con chú ý trong lá thư đầu tiên này là nó dính máu. Máu ở mép thư là máu của bố, còn hai giọt máu ở giữa là máu của con hổ mà bố vừa mới săn được.

Trên thân cây mà bố dùng làm bàn, treo một tấm da hổ lớn vừa vằn vàng vừa vằn đen.

Chà, quả là một lão hổ, các con ạ! Các con có nhớ rằng, trong vườn bách thú có tấm biển đề “hổ ăn thịt người”. Điều đó có nghĩa là con hổ ấy bất chấp tất cả mọi trở ngại để vồ người. Một đôi lần nó đã nếm thịt người, nên thích loại thịt này lắm. Nó có thể nhịn đói hàng ngày liền để rình một người đi săn, vồ anh ta, chén sạch rồi gầm lên một cách mãn nguyện.

Ở bất cứ nơi nào cũng vậy, khi người ta biết có hổ ăn thịt người về thì mọi người đều khiếp đảm. Vì lúc đó loài dã thú này đã rời bỏ sào huyệt của mình, về làng rình bắt người. Ở những làng nhỏ hẻo lánh giữa rừng sâu, ngay cả vào ban ngày, người ta cũng không dám ở lâu ngoài rừng. Và khi trời chập choạng tối, làng xóm đã đóng tất cả cửa, cài chặt then lại.

Như vậy đó các con ạ. Con hổ mà bố vừa săn được là thuộc loài hổ ăn thịt người. Vậy là các con đã biết thế nào là một con thú giữ thèm thịt người rồi nhé! Bây giờ bố kể tiếp câu chuyện cho các con nghe:

Cách đây hai ngày, khi bố và hai con chó săn ra khỏi rừng thì bỗng nghe thấy tiếng gọi lớn như thét. Bố nhìn về phía ấy thì thấy ba người đàn ông chạy lại. Họ vây chặt lấy bố và hết người này đến người khác sờ vào khẩu súng săn của bố, mừng rơn. Một người nói:

- Anh bạn của tôi, thật là tuyệt, khẩu súng này tốt quá!

Người đàn ông này chắc phải là người vùng Mi-si-ô-nét (Misionet), Cô-ren-ti (Corentino), Cha-kê-nhô (Chaqueno) hay Phô-rơ-mô-sê-nhô (Formoseno) hoặc là Pa-ra-guay (Paraguay). Còn chẳng có ở nơi nào trên trái đất này người ta lại nói âm điệu như vậy.

Một người khác như hét lên:

- Ồ, anh tốt lắm. Với khẩu súng của anh, chúng ta sẽ giết chết con hổ dữ .

Các con ạ, người này rõ ràng là người Bơ-ra-sin (Brazin). Những người ở vùng biên giới thường nói như thế, lẫn lộn các ngôn ngữ.

Chỉ trong vòng năm phút, họ đã cho bố biết rằng, hổ đã ăn thịt mất bốn người của họ: hai đàn ông, một phụ nữ cùng đứa con trai của bà ta.

Nhưng các con có biết vì sao họ lại mừng quýnh lên khi nhìn thấy bố không?

Thế này nhé! Những người đi săn trên vùng núi Mi-si-ô-nét dùng súng lục hoặc súng săn, hầu hết nòng ngắn, nên đạn đi gần. Họ sử dụng những loại súng ngắn, bởi vì trong các khu rừng nhiệt đới mà dùng súng nòng dài, khi cần chạy thật nhanh đuổi theo đoàn chó săn thì thật là khó.

Khẩu súng săn của bố là khẩu súng gém, có chứa 14 viên đạn nên đã làm cho những người đi săn tội nghiệp phấn chấn.

Họ cho bố biết về con hổ nọ. Ngay tối hôm qua, người ta còn nghe thấy nó gầm ở rìa làng; cho tới khi trời tảng sáng, nó cắp chặt một con lợn giữa hai hàm răng, giống hệt như con chó tha miếng bánh mỳ vậy. Các con nên biết rằng, khi hổ đã cắn chết và ăn một phần con vật lớn kiếm được, thì thế nào tối hôm sau nó cũng sẽ quay lại để ăn nốt con mồi. Ban ngày thì nó ngủ. Nhưng đêm đến, thế nào nó cũng sẽ mò về để chén nhẵn con mồi mới thôi.

Bố và những người đi săn gặp dấu chân của con hổ ấy liền sau đó giữa lùm cây rậm rạp. Bố trông thấy phần còn lại của chú lợn tội nghiệp nằm đó. Ngay ở chính nơi ấy, bố cùng các bạn, mỗi người trèo lên một cây cao khoảng ba mét, cách nhau chừng 8 đến 10 bước chân, ngồi chờ con thú dữ. Họ là người Cô-ren-ti-nô, người Pa-ra-guay, người Bơ-ra-sin và bố.

Bóng tối bao phủ khu rừng thì mọi người đã ngồi gọn trên cây. Trời tối đến mức xòe bàn tay ra không còn nhìn thấy gì nữa, tất cả đều tắt thuốc lá và im lặng.

Ồ, các con ạ! Các con chẳng thể tưởng tượng được rằng, thế nào là ngồi hàng giờ liền mà không động đậy, cho dù bị tê chân, cho dù những chú muỗi càng có thể nuốt sống mình đâu!  Nhưng đi săn ban đêm là phải như vậy đấy. Người nào không có khả năng chịu được những thử thách này thì cứ nằm quách ở nhà là hơn. Đúng thế không nào? Thế này nhé, bạn của bố với những khẩu súng săn ngắn, còn bố với khẩu súng săn của mình, chờ mãi, chờ mãi trong đêm tối mịt mù…

Chẳng tính được thời gian mà bố và các bạn ngồi đợi như thế. Bố cảm thấy như nó dài lê thê bằng ba năm vậy. Nhưng rồi bỗng nhiên ngay trong màn đêm và sự tĩnh mịch, khi mà một chiếc lá cũng không lay động, bố nghe thấy một giọng thì thào:

- Nó kia rồi!

Đúng thật rồi, con hổ đã đến từ lúc nào chẳng hay. Nó ở ngay dưới chân mọi người, hơi chếch về phía trái một chút. Vậy mà chẳng ai nghe thấy tiếng chân nó đến!

Các con tưởng rằng, có thể nhìn thấy hổ ban đêm ư? Hoàn toàn không phải như vậy đâu. Người ta chỉ nhìn thấy hai đốm sáng xanh lè, bất động, tựa hai hòn đá lửa, dường như ở xa lắm.

Không rời khỏi chỗ nấp, bố và những người đi săn trao đổi rất nhỏ đôi lời.

- Bắn trúng vào nhé, anh bạn! – Người Pa-ra-guay thì thào.

Người Bơ-ra-sin nói thầm:

- Nhanh lên nào, nó nhảy chồm lên bây giờ đấy!

Như để khẳng định điều đó, người Cô-ren-ti-nô gần như kêu lên:

- Lẹ lên bạn! Bắn vào giữa hai con mắt ấy!

Con hổ chuẩn bị nhảy thật. Bố liền hạ nhanh súng xuống phía mắt nó. Và khi đã ngắm trúng giữa hai đốm sáng xanh, bố bóp cò.

Chà, các con ạ! Tiếng gầm của nó khiếp kinh lên được! Hệt như tiếng gào của một con mèo sắp chết vậy, nhưng to hơn một trăm lần.

Các bạn của bố reo hò mừng rỡ, vì họ biết rằng, hổ chỉ gầm lên như thế khi nó bị một phát đạn chí chết vào giữa óc hoặc tim thôi.

Từ trên cây, bố rút từ thắt lưng ra chiếc đèn pin và chĩa luồng sáng vào con hổ. Nó nằm sõng soài, chân vẫn còn giẫy giẫy và răng nanh chìa ra đầm đìa những máu.

Con hổ chết rồi, không còn mảy may nghi ngờ gì nữa. Bố và các bạn nhảy phóc xuống đất. Cây đèn pin vẫn trong tay, bố ngồi xệp, chân thấp chân cao xuống cạnh con hổ.

Chà, các con ạ, cầu trời là không nên làm như thế bao giờ nữa! Mặc dù nó đã gầm lên tiếng kêu hấp hối và những cái chân sau đang giẫy chết, nhưng nó vẫn còn đủ sức để nhảy lên cào vào bố nhanh như một tia chớp vậy. Bố thấy như bả vai và cả cánh tay nữa bị rách ra bởi năm cái vuốt của con hổ; rồi bố ngã xuống nằm đối đầu với nó.

Cái cào ấy là cái cào cuối cùng của cuộc đời con thú dữ.

Tuy vậy, vẫn còn kịp, trong khi ngã xuống bên mình con hổ, bố rút nhanh súng lục có nạp đạn sẵn chĩa vào họng nó.

Các bạn của bố kéo bố đi khi bố còn ngất xỉu. Và, bây giờ khi bố viết thư cho các con thì tấm da con hổ đang treo, nhỏ máu xuống tờ giấy. Bố cảm thấy dưới lớp băng vết thương của mình, máu chảy tràn xuống cả những ngón tay.

Nhưng không sao, các con thân yêu của bố ạ! Chỉ mươi ngày nữa thôi là bố sẽ khỏi. Hôm nay viết thư thế thôi nhé, hẹn các con lá thư sau, bố sẽ kể một chuyện thú vị hơn.

 

2. CUỘC SĂN TÊ TÊ



Minh họa của Vũ Đình Tuấn

Các con yêu quý của bố!                                 

Trong lá thư trước, bố hứa sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện thú vị khác nữa.

Có ai lại có thể nghĩ rằng, đang lúc săn một con thú giữa rừng sâu mà bố lại cười ha hả!

Thế mà thực như vậy đấy. Cả những người da đỏ cùng đi săn với bố, mặc dù tính khí đều rất nghiêm nghị trong khi đi săn, họ cũng vừa nhảy vừa cười, ôm bụng mà cười.

Nhưng trước hết bố cần phải nói rằng, cuộc liên hoan trong núi đó lại xẩy ra ngay sau ngày có cuộc đụng độ giữa bố với hổ. Năm vết hổ cào sâu vào da thịt đã làm vùng thịt bị thối, mặc dù bố giữ gìn rất cẩn thận (Những cái móng của thú rất bẩn các con ạ! Mặc dầu bố rửa sạch và giữ cẩn thận bao nhiêu đi chăng nữa. Bố đã làm như vậy đấy; nhưng những vết thương vẫn bị nhiễm trùng và bố bị ốm nặng).

Như bố kể hôm trước, những người đi săn đã đặt bố nằm trên một cái cáng rồi khiêng đến bờ sông Parana. Khi có một chiếc tầu chạy từ I-gua-xu (Iguazú) đến, họ bắn súng săn lên trời để gọi. Bố được đưa lên tầu trong lúc ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Mãi ba ngày sau bố mới tỉnh lại được.

Hôm nay, sau một tháng, như đã nói với các con, bố đã hoàn toàn bình phục. Ngồi trên tấm thảm vùng Pho-rơ-mo-sa (Formosa), tấm da tê tê dùng làm bàn, bố viết thư cho các con đây.

Thế nhé, các con thân yêu của bố. Vậy là đầu đề lá thư này gọi là “Cuộc săn tê tê” (Trước hết cần phải biết rằng, loài tê tê có nhiều tên gọi khác nhau). Bây giờ các con nghe kể chuyện nhé!

Hôm kia, để đến được bờ sông Béc-mê-hô (Bermejo) ngay trong đêm, ba người da đỏ và bố phải băng qua một cánh rừng. Họ và bố đều đi như những con cáo đói.

Các con ạ, không phải bao giờ cũng có thể dễ dàng kiếm được cái gì ăn trong rừng như ta tưởng đâu. Chỉ khi trời xẩm tối hay lúc trời rạng sáng, người ta mới có thể gặp thú rừng ra tìm mồi hoặc trở về hang ổ. Còn vào lúc này thì khó có thể gặp may mắn thấy chúng.

Bố và các bạn cứ đi xiêu vẹo vì đói và mệt. Bỗng lúc ấy có một tiếng kêu trầm và sâu như từ dưới lòng đất vọng lên. Tiếng kêu mang máng như tiếng hổ gầm khi nó dũi mõm xuống đất. Tiếng gầm gừ ấy như vang lên ngay dưới chân mình. Cứ như là có một con quỷ nào đó đang gầm gừ dưới lòng đất.

Bố ngơ ngác nhìn những người da đỏ, chẳng hiểu ra làm sao cả. Họ hét lên và bắt đầu nhảy vòng tròn, miệng gào lên:

Tê tê! Tê tê!

Lúc đó bố mới bắt đầu hiểu ra. Và, khi nghĩ đến món ăn ngon tuyệt mà tiếng gầm ấy hứa hẹn, thì bố cũng xông vào nhảy vòng tròn cùng với những người da đỏ. Bố nhảy như điên cùng với họ (Chỉ thấy người ta nhảy như một đứa trẻ của ba người da đỏ trần như nhộng là đủ biết thế nào là đói các con ạ).

Chưa bao giờ nhìn thấy tê tê, nhưng lúc đó bố đã biết tê tê nướng là một món ăn của vua chúa.

Vừa nhảy múa, những người da đỏ vừa lao hết sức mình lên núi, miệng kêu lên một cách thèm thuồng. Bố mở hết tốc lực chạy theo cho tới khi đuổi kịp những người da đỏ đói mèm.

Và khi ấy, bố trông thấy một con tê tê nằm trong một cái hang hầu như không động đậy, im hơi. Tiếng gầm gừ mà bố và những người da đỏ nghe thấy chính là tiếng do nó phát ra. Rõ ràng đó là một chú tê tê. Nhưng tê tê gì mà kỳ quá các con ạ!

Hầu như chẳng thấy cái gì khác ngoài cái đuôi to tướng của nó! Trong nháy mắt, những người da đỏ đã tóm lấy cái đuôi và hò nhau kéo thật lực. Lúc bấy giờ chú tê tê mới bắt đầu cào đất… Đó quả là một trận động đất! Đất bay lên rào rào, tới tấp rơi vào mặt bố và các bạn. Bằng tất cả sức mình, chú tê tê bới đất, hất lấy hất để, đất tung tóe như mưa.

Những người da đỏ bị ngạt vì đất. Chú tê tê thò cái đuôi ra như đuôi rắn, loáng một cái biến mất vào hang. Cùng hét lớn, mọi người nằm bò xuống đất, thọc tay xuống hang cho tới khi tóm được cái đuôi của nó và rồi bốn người lại ra sức kéo.

Nào kéo nào! Kéo nào! Bốn con người đói mèm, thèm khát, ra sức kéo… Các con có tin không? Thật chẳng khác nào ngựa kéo vậy. Nhưng con tê tê lại lớn, với những cái móng xòe ra bám chặt vào đất, lưng bám chặt lên thành hang, không lùi một phân, khác nào như nó bị đóng đinh vào đó vậy.

Mọi người lại dốc sức ra kéo, ai nấy đều lấm lem đầy đất và những mạch máu ở cổ gần như muốn vỡ ra vì căng quá. Đôi lúc, do mệt lử, mọi người nới tay ra một tý. Lúc ấy con tê tê chớp ngay lấy cơ hội, cào lấy cào để xuống đất. Đất lại bắn tung tóe như đạn liên thanh, văng đầy mặt bố và những người da đỏ. Ai cũng lem luốc và cứ một lát lại rũ ra cười vì thấy ai cũng đói meo và cứ kéo cái đuôi con tê tê như một lũ người điên.

Bố không biết làm cách nào để kết thúc được cuộc săn bắt! Biết đâu con tê tê lại chả kéo tuốt cả bốn người vào hang., vì mọi người đều quyết không thả đuôi nó ra. Nhưng thật là may, bố nhớ tới một cách đơn giản có thể kéo được con tê tê ra khỏi hang.

Các con có biết cách gì không nào? Đó là… lấy một cành cây nhổ, cù cù vào cái đuôi con vật! (Đừng cười nhé, các con bé bỏng của bố ơi! Đây là cách đã từng cứu sống bao nhiêu người đi săn khỏi chết đói đấy).

Thế là mọi người thi nhau cù cù vào con vật. Con tê tê không biết do khoái chí hay chết cười vì buồn, nên rời chân ra,nhẹ bỗng. Cả bốn người kéo mạnh, lôi tuột nó ra khỏi hang.

Chà chà, khiếp quá. Con tê tê này lớn hơn cả 20 con tê tê bình thường gộp lại. Nó to hơn cả con rùa lớn nhất ở vườn bách thú. Có lẽ con tê tê này nặng tới 50 cân, dài một mét. Với cái lưng tròn, nó giống loài tê tê ở ruộng.

Bây giờ loài tê tê này rất hiếm. Người ta nói rằng, có loại tê tê còn to hơn nữa, nặng hàng trăm cân cơ. Loài tê tê đó là con cháu của loài tê tê bự sống vào những thời đại trước. Người ta gọi loại tê tê này là gơ-lip-tô-đông-tê (gliptodontes) mà da của nó hiện còn thấy trong Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên ở La Plata.

Thế là bố và ba người da đỏ chén thịt tê tê nướng, ngon như món thịt tê tê nướng ở chợ huyện Plata vậy.

Đến bây giờ bố cùng các bạn vẫn còn đang ăn thịt tê tê. Nhưng, hễ có nhớ đến việc làm hôm qua: kéo, kéo, kéo nữa nào, thì bố lại buồn cười và chén tiếp.

Chu Huy Sơn  Thanh Chương

(Dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, tập Những lá thư rừng/ Las cartas de la selva, La Habana, Cuba)

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét