26 thg 6, 2020

Thăm con cháu trong mùa đại dịch (Trùng Dương-TC.Da Màu )

Vào một ngày thứ bẩy, ba tháng kể từ khi Cali đóng cửa vì đại dịch và đang từ từ mở lại, tôi ra khỏi nhà lần đầu đi thăm mẹ con cô Út ở tình kế bên, cách nhà khoảng nửa tiếng lái xe.
Cali mở cửa lại với các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 lây lan, mặc dù các ca nhiễm vẫn gia tăng; và giữa những cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc khơi mào bởi cái chết thê thảm của một người đàn ông da đen dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis cách nay đã ba tuần. Một cái chết mà biểu tượng chống bạo lực của nó đã vượt biên giới của cả không gian lẫn thời gian, từ các thành phố tại Mỹ lan sang các nước như Anh, Pháp, Hòa Lan, Úc, Tân Tây Lan, vươn tới tận thời các đế quốc đem quân đi xâm chiếm các quốc gia khác làm thuộc địa, tiêu diệt các dân tộc bản xứ, và bắt cóc người da đen đem bán vào kiếp nô lệ.
Tôi mang khẩu trang ghé vào một tiệm ăn Việt lấy mấy hộp đồ ăn đã gọi đặt sẵn qua điện thoại. Bún chả giò thịt nướng, cơm chiên Dương châu, và một phần chả giò riêng. Cả hai mẹ con tôi cùng thích món chả giò của tiệm này vì được gói bằng bánh tráng Việt, loài dòn dễ vỡ vụn nên nhiều tiệm không dùng, mà thay vào đó là bánh tráng của Phi hay Tầu, đã không ngon mà thường có bột mì, trong đó có chất gluten mà con gái tôi bị dị ứng. Tiệm này chỉ mở cửa cho take-out, vì quá nhỏ để có thể làm theo luật là kê các bàn cách nhau sáu feet, tức hai thước. Tôi muốn gợi chuyện hỏi thăm chuyện hàng họ với cậu coi tiệm, nhưng thấy cậu bận rộn vừa trả lời điện thoại, vừa tính tiền, vừa chạy ra chạy vô nhà bếp để lấy đồ giao cho khách, nên thôi. Tuy khiêm tốn như một quán ăn gia đình, tiệm cũng nhận đặt đồ trên mạng, có kèm theo cái bar code để mở xem thực đơn.
Trên đường tới nhà cô Út, tôi thấy xe cộ qua lại trên xa lộ không vắng như dự tưởng. Tôi nhìn những ngọn núi còn phủ tí tuyết ở đường chân trời, thấy thèm một chuyến dong duổi đường trường đã không còn có thể thực hiện từ sau chuyến đi Nam Cali về vào cuối tháng Giêng khi dịch Covid chưa tới, hay đã mà chưa được phát hiện, ở bờ bên này Thái Bình Dương. Qua những đường phố có các cửa tiệm hay chợ thì thấy xe đậu trong các bãi đậu xe không đông đúc như những buổi cuối tuần trước đại dịch.
Cô Út mở cửa ngay sau khi tôi vừa nhấn nút chuông như đã chờ mẹ từ sáng, xong bước lui vào phía trong. Mẹ con gặp nhau sau mấy tháng mỗi người đều ý thức giữ một khoảng cách. Không có màn ôm nhau như trước. Tôi hỏi thằng cháu ngoại vừa bước vào tuổi 13 đâu thì mẹ nó trả lời đang ngủ, dù lúc ấy đã quá 12 giờ trưa. Tôi nghe tiếng cô gọi thằng bé. Không có tiếng trả lời. Tôi xách gói đồ ăn vào đặt lên bàn bếp. Như thói quen từ mấy tháng nay mỗi khi đi ra ngoài về, tôi đi rửa tay mặc dù đã dùng thuốc tẩy sau khi lấy đồ ăn ở tiệm ra, rồi mới mở gói đồ ăn bầy ra bàn, trong khi tự hỏi không biết liệu Covid có dính vào bao nhựa đựng và các hộp đồ ăn.
Chúng tôi ăn bữa ăn đầu tiên với nhau từ khi có đại dịch. Với tôi đây là lần trực diện đầu tiên với một người kể từ khi có Covid. Có lẽ cũng là một cái hay khi cứ để cho thằng bé ngủ tiếp, để hai chúng tôi mặc sức trao đổi với nhau những chuyện thời sự và nhân sự đang diễn ra từ nhiều tuần nay mà đối với một khối óc trẻ thơ còn đang phát triển là quá nặng nề, vượt ngoài tầm cảm nhận của cháu, nếu không nói là khiến chúng thêm hoang mang bối rối lo âu sợ hãi.
Mà nào phải mình lũ nhỏ bối rối lo âu. Những lúc về sau này có những lúc tôi cảm thấy mình không còn biết phải nghĩ gì. Một cảm giác tê dại hơi giống với nỗi tê dại tôi cảm thấy trong thời gian trôi giạt trong trại tị nạn sau biến cố 30 tháng 4, 1975. Hồi ấy dầu sao tôi còn trách nhiệm với các con và còn tương lai vì biết mình đã đặt chân tới đất Mỹ, đất của an toàn và cơ hội, của tiến bộ và bao dung. Cũng nước Mỹ mà tôi thương yêu quí mến kỳ vọng lâu nay ấy hiện đang bị bệnh nặng.
Tôi còn tơi tả như vậy. Làm sao không xót khi nhìn đám trẻ?
Con gái tôi là một therapist, chuyên về trẻ em. Cô có một lối điều trị mà cô mệnh danh là “du mục trị liệu” (nomad therapy). Thay vì ngồi trong phòng đối diện với thân chủ, cô hẹn thân chủ ở ngoài công viên hay một khung cảnh thiên nhiên nào đó. Trong khuôn khổ một tiếng đồng hồ tiêu chuẩn cho mỗi cái hẹn, cô và thân chủ đi dạo giữa thiên nhiên, chuyện trò. Dù vậy, câu chuyện không chỉ xoay quanh các vấn đề đặc thù của mỗi em, mà còn để mặc cho cảnh trí thiên nhiên xung quanh làm sao lãng. Họ có thể dừng lại trước một đóa hoa, một con thú hoang, một chú sên ló hai cái vòi ra khỏi vỏ như dò xét thế giới bên ngoài, một con chim lạ, một cụm mây có hình dạng hay hay, một cảnh trời chiều, hoặc chụp một bức ảnh, hoặc chỉ im lặng cùng ngắm nhìn.
Gần đây, cô Út còn đưa vào cái chương trình du mục trị liệu của cô trò paddle-boarding, trong đó cô dùng một cái paddleboard với thân chủ, trong chiếc áo vest phòng chết đuối, ngồi trên tấm ván bằng nhựa trong khi cô đứng dùng mái chèo đưa tấm ván lướt trên giòng một con sông, vừa ngắm cảnh vừa chuyện trò. Tôi đề nghị cho chụp hình từ bờ tại một địa điểm nào đó, cô không cho, viện dẫn nguyên tắc thông tin mật (confidentiality) của thân chủ. Những khi trời mưa, cô hẹn thân chủ trong một cái trung tâm thương mại (shopping mall), nhưng sau vài lần du mục trị liệu kiểu đó thì bỏ, vì một số em phản đối, nói trời mưa thì mặc áo mưa đi dạo cũng thú vậy. Dường như các em tìm lại được tuổi hồn nhiên vô tư của mình giữa thiên nhiên.

Thực ra môn du mục trị liệu của cô Út không phải mới lạ. Trong ngành trị liệu, người ta đã nói tới việc dùng thiên nhiên vào việc trị liệu này, gọi là ecotherapy hay nature therapy hay forest therapy, hiện khá thịnh hành. Tuy nhiên, chỉ những người yêu thích thiên nhiên và không ngại tốn công bầy vẽ như cô Út mới bỏ thì giờ và sức lực ra đưa thân chủ ra ngoài thiên nhiên để trị liệu. Cô cho biết là các em rất thích tham dự vào chương trình du mục của cô vì các em thấy thoải mái tâm tình. Hiệu nghiệm thế nào, tôi không rõ. Nhưng thấy lành mạnh. Tôi thầm hài lòng về việc hai vợ chồng tôi mấy chục năm trước dọn nhà lên rừng để nuôi các con giữa thiên nhiên và thấy các con mình tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên.
Câu chuyện giữa hai mẹ con dần hướng sang nghề nghiệp của cô trong thời đại dịch khi hầu như mọi sinh họat đều dọn lên Internet, một điều tôi rất muốn biết mà chưa có dịp hỏi chi tiết. Cô cho biết là hiện tiếp thân chủ trên mạng, qua video. Có thân chủ có thể gặp trực tuyến. Song cũng có vài gia đình có dịch vụ Internet không đủ mạnh, phải dùng điện thoại. Có một số đòi cô tiếp tục chương trình du mục trị liệu nay những hạn chế phòng lây lan đã có phần nới lỏng, nhưng cô nói vẫn không dám. Cô có một chứng bệnh mà tôi không tìm thấy trong tiếng Việt, gọi là autoimmune disease, không phải là “tự miễn nhiễm” như một tự điển tiếng Việt trên Internet dịch. Thực tế thì bệnh autoimmune là một điều kiện khiến hệ thống miễn nhiễm xoay ra tấn công nhầm chính cơ thể mà nó phải bảo vệ. Người có mầm mống bệnh này, như cô Út, là như có tiềm năng khiến dễ bị lây nhiễm Covid-19.
Các thân chủ của cô Út hầu hết là ở tuổi vị thành niên. Ở tuổi này, bình thường khi không có đại dịch, tự nó đã có những vấn đề tâm thần dẫn tới rối loạn, trầm cảm và có khi tự tử, như đã có lần xẩy ra cho một thân chủ của cô. Nay thêm đại dịch Covid, những biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan, như lockdown, shelter in place; chết chóc đã lên hàng trăm ngàn tử vong tại Mỹ. Hàng họ và mọi sinh hoạt ngưng đọng; hàng chục triệu người mất việc; kinh tế suy sụp. Theo thống kê đa số dân Mỹ ủng hộ các biện pháp ngăn ngừa lây lan. Song không thiếu người chống các biện pháp này qua những cuộc biểu tình có cả võ trang và cả được người đứng đầu chính phủ liên bang khuyến khích bằng những cái tweets đòi “giải phóng” những tiểu bang còn đóng cửa để chặn dịch lây lan. Các chuyên gia y tế và cả gia đình của họ bị đe dọa khi họ muốn những biện pháp tránh lây lan tiếp tục được duy trì, khiến nhiều người đã từ chức, bỏ cuộc.
Chia rẽ không chỉ diễn ra trong chính trị, ngoài xã hội, mà đã len lỏi vào tận các gia đình, giữa bằng hữu. Chưa hết, lại thêm các vụ biểu tình chống bạo lực của cảnh sát tràn lan như một thứ đại dịch trong lòng một đại dịch. Các em hầu như đứa nào cũng có một cái điện thoại thông minh nên, dù muốn dù không, chúng cũng thấy những cảnh hỗn loạn vô trật tự từ trên xuống dưới ấy, tránh sao được.
“Tụi trẻ con rất lo sợ, mất hướng, có em có khuynh hướng tự tử,” con gái tôi nói. “Có em đã học trung học hẳn hoi xin vào ngủ chung phòng với bố mẹ vì sợ. Có đứa sợ tới đái dầm.”
Tôi hỏi thăm về thằng cháu ngoại mà hồi nó còn nhỏ hai bà cháu rất gần nhau. Cô Út kể thằng con nói không muốn trở lại trường học vì sợ.
Khi tôi ra về sau bốn tiếng chuyện trò với con gái, thằng cháu ngoại vẫn ngủ vùi, mặc dù tôi đã một lần vào phòng, đứng xa chứ không dám lại gần, gọi nó nhè nhẹ. Nó hé mắt nói “Hello Grandma,” không có ý gì muốn dậy. Không muốn làm rộn nó thêm và cũng không cả cảm thấy thất vọng vì không được nhìn thấy mặt cháu, tôi lui ra cửa. Trước khi đóng cửa phòng, tôi nghe nó lầm bầm chi đó như không muốn làm bà bệnh.
Tôi nghĩ tôi biết vì sao tôi không buồn vì không thấy mặt thằng cháu ngoại sau nhiều tháng không gặp, dù sẽ không thể ôm nó. Ngoài các trò video games, có lẽ ngủ đối với một đứa trẻ vị thành niên lúc này là một giải thoát khỏi một thực tại chẳng có gì vui và một tương lai xem ra bất định?
Tôi muốn ứa nước mắt. Di sản của chúng ta để lại cho con cháu là như thế này ư?
[TD2020-06]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét