26 thg 6, 2020

THA HOÁ Chuyện Ngắn của Julio Ramón Ribeyro


♦ Chuyển ngữ:  
Julio Ramón Ribeyro (1929-1994) là nhà văn Peru nổi tiếng về truyện ngắn, tuy ông cũng rất thành công với thể loại tiểu thuyết, kịch, khảo luận và bút ký. Ông học văn chương và luật khoa ở thủ đô Lima, trước khi qua làm việc và định cư ở Pháp. Tác phẩm của ông phần lớn nhuốm màu bi quan, song song với yếu tố khôi hài và châm biếm. Vào năm cuối đời, ông được tặng giải thưởng Văn Chương Mỹ La Tinh và Vùng Caribe, mang tên của nhà văn Mễ Tây Cơ Juan Rulfo (1917-1986).

Lời người dịch Nước Mỹ đang trải qua một trong những cơn khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của nạn kỳ thị chủng tộc. Đây cũng là một vấn nạn toàn cầu, từ Âu đến Á, từ Phi qua Mỹ. Vùng châu Mỹ La Tinh, từ cả trăm năm nay, cũng là nơi chứng kiến nạn kỳ thị giữa thực dân Tây Ban Nha và người bản xứ, hay giữa dân bản xứ với nhau vì có giòng máu lai trắng hay lai đen. Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, có rất nhiều danh từ để chỉ những người có hai giòng máu như mestizo, criollo, mulato, v.v. (còn dân bản xứ không lai thì được gọi là indio). Những từ ngữ này liên tục thay đổi ý nghĩa và màu sắc theo thời gian và lịch sử phát triển xã hội, có lúc thì bị tránh né, có lúc lại được chấp nhận. Câu chuyện dưới đây được chuyển dịch từ truyện ngắn “Alienación” của nhà văn Julio Ramón Ribeyro, là một bức tranh nhỏ trong bức tranh lớn của nạn kỳ thị chủng tộc ở Peru, một quốc gia Nam Mỹ, cựu thuộc địa của Tây Ban Nha, nơi thứ tiếng này trở thành ngôn ngữ chính thức bên cạnh những hai thứ tiếng chính của thổ dân địa phương là Quechua và Aymara, ngoài một số ngôn ngữ thiểu số khác. Trong truyện ngắn này, tác giả sử dụng hai danh từ chính để phân biệt hai nhóm người thổ dân mang hai (hay nhiều) giòng máu khác nhau. Danh từ thứ nhất là zambo để chỉ những thổ dân lai châu Phi, da đen, và danh từ thứ hai là cholo để chỉ những thổ dân lai Tây Ban Nha, da trắng. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự phân biệt rất khái quát, vì qua nhiều thế hệ, người Peru càng ngày càng mang nhiều giòng máu pha tạp hơn, nên những tên gọi, những nhãn hiệu chỉ có tính cách tượng trưng. Muốn tìm hiểu thêm bức tranh chủng tộc khá phức tạp này ở Peru (và ở nhiều quốc gia Mỹ La Tinh khác), độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm khác trong văn chương Mỹ La Tinh, cùng các bài khảo cứu hay các luận án cao học và tiến sĩ nói về đề tài này.
 🌸🌸🌸🌸🌸🌸

Mặc dù là thổ dân lai đen và mang họ López, càng ngày hắn càng muốn mình nhìn bớt giống một chân hậu vệ trong đội banh câu lạc bộ Alianza Lima, đồng thời cố làm cho mình thêm giống một anh chàng da trắng tóc vàng từ Philadelphia đến. Cuộc đời đã dạy cho hắn rằng, nếu muốn vươn lên trong thành phố cựu thuộc địa này, hắn nên đốt giai đoạn mà trở thành một người Mỹ từ chốn xa xôi kia, trước khi làm một tên da trắng quèn ở đây. Trong suốt những năm tháng tôi quen biết hắn, hắn chỉ đi từ thất bại này đến thất bại khác và suy sụp chóng vánh, cố gắng tự Mỹ hoá trước khi nghịch cảnh đưa đẩy biến hắn thành, nói tỉ dụ, một anh gác cửa ngân hàng hay một tài xế tắc-xi. Hắn bắt đầu bằng cách cố giết đi con người Peru trong hắn và bắt chước từng chút một những người Mỹ mà hắn có dịp làm quen. Mang đôi bốt da, hắn trở thành một con người mới, diêm dúa nhưng chắp vá, đen không ra đen, Mỹ không ra Mỹ, kết quả của một quá trình lai tạo phản tự nhiên, một điều mà, khốn khổ thay cho hắn, sự mãnh liệt của nó đã biến giấc mơ màu hồng của hắn trở thành một cơn ác mộng.
Nhưng chúng ta đừng vội. Hãy cứ biết rằng hắn tên là Roberto, và rằng ít lâu sau đó người ta gọi hắn là Boby, nhưng thời gian gần đây trên giấy tờ chính thức hắn lại là Bob. Trên bước đường thăng tiến với tốc độ chóng mặt về phía hư vô, cứ qua mỗi giai đoạn, hắn lại đánh mất đi một âm tiết trong cái tên của mình.
Mọi việc bắt đầu từ một buổi chiều nhóm trẻ da trắng chúng tôi đang đá banh ở công viên Bolognesi. Lúc ấy đang là kỳ nghỉ hè. Lũ chúng tôi sống trong những ngôi biệt thự lân cận, cả trai lẫn gái tụm năm tụm ba ở công viên để làm cái gì đó cho qua đi những buổi trưa hè dường như bất tận. Roberto cũng có mặt ở đó, mặc dù hắn học trường công, không ở biệt thự mà trong một cái hẻm cuối xóm. Hắn đến để xem lũ con gái chơi đùa hay để được một đứa da trắng nào đó chào hỏi vì biết hắn lớn lên ở đây và là con của một bà thợ giặt.
Thật ra, cũng như tất cả bọn chúng tôi, hắn đến để được thấy Queca. Ai trong chúng tôi cũng mê Queca cả, cô bé này đã được bầu ngôi vị hoa hậu hai năm liền trong cuộc thi cuối năm học. Queca không học trường Santa Úrsula của các bà xơ người Đức, hay trường Villa María của các bà xơ Mỹ, mà học trường Reparación của các bà xơ người Tây Ban Nha. Nhưng điều đó không liên quan gì đến chúng tôi, cũng như chuyện bố của cô bé sắp trở thành tài xế xe buýt, hay nhà cô chỉ có một tầng và chỉ trồng phong lữ thảo thay vì hoa hồng. Điều tôi muốn nói đến là nước da hồng hào mặn mà của Queca, đôi mắt xanh biếc và mái tóc màu hạt dẻ của cô bé, cách chạy nhảy, cách nói cười, cùng cặp đùi không ai cưỡng nổi của cô, lúc nào cũng để hở, rám nắng, về lâu về dài nhất định sẽ trở thành một huyền thoại.
Roberto ra đó để chỉ nhìn Queca chơi đùa, vì ngay cả các anh chàng từ những khu xóm khác như Miraflores, và sau này là San Isidro và Barranco, cũng không lọt được vào mắt xanh của cô bé. Peluca Rodríguez có lần đã biểu diễn nhảy xuống từ cành cao nhất của một cây sung, Lucas Tramontana đến công viên trên một chiếc mô-tô sáng loáng có bảy cái đèn pha, thằng mập Gómez ra oai đánh một anh chàng bán kem gãy mũi vì đã dám huýt sáo chọc chúng tôi, còn Armando Wolf diện bộ complet và thắt cả một chiếc nơ hình bướm. Vậy mà chẳng có anh nào được Queca đoái hoài đến. Cô bé chẳng để ý đến đứa con trai nào cả. Ai cô cũng thích nói chuyện. Cô chỉ thích chạy nhảy, vui cười và chơi bóng chuyền. Rồi khi chiều xuống, cô bỏ lại sau lưng bọn con trai mới lớn rầu rĩ với cơn thèm muốn xác thịt mà chỉ có bàn tay mơn trớn dưới làn chăn mỏng mới xoa dịu được phần nào.
Thế rồi một quả banh định mệnh do một kẻ nào đó đã tung lên trong một buổi chiều mà Queca không đỡ được. Quả banh lăn về phía cái băng đá, nơi Roberto đang ngồi một mình theo dõi trận đấu. Đây là cơ hội mà hắn đã chờ đợi từ bao lâu nay! Hắn nhảy xuống sân, bò toài giữa những luống hoa, nhảy qua bụi chanh dây, lội cả xuống cái rãnh nước, vừa kịp chụp quả banh trước khi nó lăn vào dưới bốn bánh của một chiếc xe đang chạy trờ đến. Nhưng khi Roberto ném quả banh về phía Queca, và cô đã chìa hai tay ra để sẵn sàng đón lấy, bỗng cô như điều chỉnh lại một lăng kính vô hình, quan sát một điều từ trước đến giờ cô chưa hề để ý kỹ: một kẻ thấp bé, đen đủi, môi dày, tóc quăn, một trong những điều quen thuộc mà hằng ngày cô vẫn nhìn thấy, như những cái băng ghế hay mấy cây sung. Cô hoảng sợ lùi lại. Không bao giờ Roberto quên được câu nói của Queca lúc cô vừa nói vừa vội vã lảng xa ra: “Tôi không chơi với thổ dân đen!”
Câu nói này đã quyết định cuộc đời của hắn. Tất cả những kẻ đau khổ cuối cùng đều trở lại làm khán giả, và Roberto vẫn tiếp tục ra công viên trong những năm sau đó, nhưng ánh mắt của hắn đã mất hết vẻ hồn nhiên. Ánh mắt đó giờ đây không còn là tấm gương phản chiếu thế giới, mà là một bộ phận cảnh giác, biết xét đoán, lọc lựa và đánh giá.
Trong khi đó, Queca lớn dần lên, cách chạy của cô chừng mực hơn, những cái váy của cô dài ra thêm, cô không còn nhảy nhót, và cô giao thiệp với lũ con trai dè dặt và chọn lọc hơn. Tất cả những điều này chúng tôi đều nhận thấy, nhưng Roberto còn thấy thêm một điều khác: Queca thường ít chú ý đến những kẻ nào có màu da sẫm. Cô so sánh kẻ này với kẻ khác, cho tới lúc cô chỉ còn để mắt đến Chalo Sander, anh chàng trong bọn có mái tóc vàng nhất, có làn da trắng hồng, và đặc biệt là đang theo học trường của các bà xơ người Mỹ. Khi cặp đùi của cô trở nên săn chắc hơn một cách ngạo nghễ, cô chỉ còn chuyện trò với Chalo Sander mà thôi. Lần đầu tiên cô cùng hắn ta tay trong tay đếm bước trên lối đi trong công viên, lũ chúng tôi hiểu ra rằng cánh đồng cỏ xanh tươi không còn thuộc về mình nữa, và rằng chúng tôi không còn cách nào khả dĩ hơn là trở thành dàn diễn viên trong một bi kịch Hy Lạp, hiện diện sờ sờ ra đó, nhưng xa cách hết thảy thánh thần, không gì cứu vãn nổi.
Bị coi thường và khinh rẻ, chúng tôi thường tụ tập với nhau ở một góc đường sau những trận đấu bóng, phì phèo những điếu thuốc lá đầu tiên trong đời, hay vân vê hàng lông măng mới lún phún trên mép một cách kiêu hãnh và bình phẩm về những điều không còn thay đổi được nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi lại vào tiệm tạp hoá của ông Tàu Manuel để đưa cay qua những chai bia.
Roberto thường lẽo đẽo theo chúng tôi như một cái bóng. Từ một ngưỡng cửa, hắn ngồi chăm chú nhìn chúng tôi, không bỏ sót lời nào trong những câu chuyện đấu láo của cả bọn. Đôi khi chúng tôi cũng chào hỏi hắn: “Ê, Đen! Làm một ly nhé!” Và lần nào hắn cũng trả lời: “Thôi, cám ơn. Để lúc khác.” Tuy hắn luôn luôn giữ khoảng cách với nụ cười thân thiện trên môi, chúng tôi biết hắn cũng hoà mình vào không khí buông thả của cả bọn chúng tôi theo cách riêng của hắn.
Tất nhiên Chalo Sander là người đưa Queca đến buổi lễ tốt nghiệp trung học năm đó. Từ sớm, chúng tôi đã hẹn gặp nhau ở quán ông Tàu, uống bia nhiều hơn mọi lần, và bàn bạc những kế hoạch rồ dại như bắt cóc hay chọc ghẹo một ai đó. Nhưng tất cả chỉ là lời nói gió bay. Lúc tám giờ tối, chúng tôi đứng trước căn nhà nho nhỏ có trồng hoa phong lữ thảo, chấp nhận làm chứng nhân cho sự thua cuộc của chính mình. Chalo đến nơi trên chiếc xe của bố hắn, trong bộ smoking màu trắng thanh lịch. Một lúc sau, hắn bước xuống xe, theo sau là nàng Queca mặc đầm đen, tóc bới cao, chúng tôi không còn nhận ra cô bạn từng chơi banh với mình lúc trước nữa. Queca không buồn nhìn đến chúng tôi, cô cười mỉm, tay nắm chặt một cái ví bằng lụa. Đó là cảnh tượng phù du cuối cùng đối với chúng tôi, bởi chưng không có gì sẽ còn như trước nữa. Trong khoảnh khắc ấy, tất cả những ảo tưởng đã chết đi, và vì thế, chúng tôi sẽ không bao giờ quên đi hình ảnh đó. Nó đã mãi mãi khép lại đoạn đời tuổi trẻ của chúng tôi.
Hầu như không còn ai đến công viên nữa, nhiều kẻ vì đang chuẩn bị vào đại học, một số lại dọn đi chỗ khác để mong tìm một bản sao không bao giờ có của Queca. Chỉ có Roberto, vì đang làm công việc giao hàng cho một tiệm bánh, là còn đến công viên lúc đêm xuống, nơi lũ trai gái trẻ nối bước nhóm đàn anh đàn chị để lập lại những trò chơi cũ, tin chắc rằng chính chúng là những kẻ đã nghĩ ra các trò chơi ấy. Vẫn ngồi lẻ loi trên chiếc băng ghế, Roberto lơ đãng nhìn sinh hoạt náo nhiệt của bọn trẻ, nhưng con mắt còn lại của hắn đang hướng về phía có căn nhà của Queca. Nhờ thế, hắn đã chiêm nghiệm được trước bất cứ ai khác, rằng Chalo chỉ là một màn kịch trong cuộc đời của Queca, một bài tập nhập môn đưa cô đến chỗ khám phá ra gốc gác của con người mà Chalo đã mô phỏng: Billy Mulligan, con của một viên chức làm trong toà lãnh sự Hoa Kỳ.
Billy là một gã mặt đầy tàn nhang, tóc đỏ, thường mặc sơ-mi hoa hoè. Hắn có đôi bàn chân to tướng, hay cười lên hô hố, mặt trời không làm hắn trở nên rám nắng mà chỉ khiến hắn bị lột da không ngừng. Nhưng hắn đến chơi với Queca bằng xe của mình chứ không phải mượn từ ông bố. Không ai biết hắn làm quen Queca ở đâu hay làm thế nào mà hắn lại dừng chân chốn này. Nhưng càng ngày người ta càng thấy hắn tới lui với Queca thường xuyên hơn, cho đến khi chỉ còn thấy có mình hắn, với cặp kính lúc nào cũng mờ hơi nước, kèm theo những cây vợt tennis, , vài cái máy chụp ảnh, trong lúc hình bóng của Chalo càng lúc càng mờ nhạt, nhỏ bé đi, xa dần, xa dần, rồi cuối cùng tan biến hẳn. Từ một nhóm người đến một mẫu người, rồi từ một mẫu người đến một con người thật sự, cuối cùng Queca đã vớ được món bở. Chỉ có Mulligan mới là người sẽ sánh duyên cùng cô, đường hoàng trước pháp luật (sự việc đó về sau đã diễn ra đúng y như vậy). Hắn sẽ có toàn quyền vuốt ve cặp đùi của cô mà trong bao nhiêu năm trời lũ chúng tôi đã từng hão huyền mơ ước.
Nói chung, chẳng ai chịu đựng được những điều thất vọng, nên ai cũng đành phải cố chôn chúng vào quên lãng, phải bóp méo mọi nguyên do, phải biến chúng thành chuyện để cười cợt, hay thậm chí chuyển chúng thành đề tài cho những bài luận văn trong lớp. Thế rồi anh chàng mập Gómez bỏ đi học ở Luân Đôn, Peluca Rodríguez làm ra một bài thơ si dại, Armando Wolf kết luận rằng Queca chỉ là một cô tiểu thư giả hiệu, còn Lucas de Tramontana thì khoe khoang láo lếu rằng hắn đã sờ soạng Queca nhiều bận trên lối đi quanh công viên.
Chỉ có Roberto là kẻ rút ra được từ tất cả những chuyện này bài học thực tế rõ ràng nhất: hoặc là trở thành Mulligan, hoặc không là gì cả. Đối với hắn, làm một đứa da trắng thì phỏng có được gì hơn khi quanh đây đã có biết bao nhiêu đứa da trắng khác, ầm ĩ, tuyệt vọng, lười biếng và thất bại? Hẳn phải có một vương quốc thượng đẳng của những thần dân đang thống trị thành phố u ám này một cách thành công, và ai nấy đều phải đành nhường cho họ những cây quả thơm ngọt nhất trên mảnh đất này. Vấn đề là từ một thổ dân lai đen làm sao để trở thành một người như Mulligan? Nhưng chính nỗi đau khổ đã rèn luyện nên những con người tài giỏi, nếu không giết lần giết mòn nạn nhân của nó. Roberto đã thoát ra khỏi những ngày tháng dài đầy tủi nhục để vạch ra một chương trình hành động cho riêng mình.

Trước hết, phải lột bỏ cái lốt thổ dân lai đen này. Chuyện tóc tai không phải là chuyện khó: Roberto nhuộm tóc bằng nước oxy và làm duỗi tóc ra. Để thay đổi màu da của mình, hắn thử trộn tinh bột với bột gạo và bột talc rồi bào chế thành một hỗn hợp lý tưởng để bôi lên da. Nhưng một thổ dân lai đen đã nhuộm tóc và trát bột vẫn là một thổ dân lai đen. Hắn chưa biết cách ăn mặc, nói năng, đi đứng hay suy nghĩ như người Mỹ. Người ta thấy hắn, trong những lúc rảnh rỗi, thường lai vãng đến nhiều nơi chốn thoạt nhìn thì không ăn nhập gì đến nhau cả, nhưng kỳ thực là những chỗ đó có chung một đặc điểm: đó là nơi người Mỹ thường lui tới. Có người từng thấy hắn đứng tần ngần trước Câu lạc bộ Đồng Quê, kẻ thì bắt gặp hắn ngay cổng trường Santa María. Lucas de Tramontana quả quyết rằng đã nhìn tận mặt hắn cạnh hàng rào của sân golf. Một người khác lại làm hắn giật mình ở phi trường khi chứng kiến hắn xách giùm hành lý của một du khách. Không thiếu người đã từng gặp hắn thơ thẩn trong hành lang của toà lãnh sự Mỹ.
Giai đoạn này trong kế hoạch của hắn thật hết sức quý báu. Chẳng bao lâu, hắn đã khẳng định được rằng người Mỹ nổi bật hơn cả vì cách ăn mặc mà hắn nhận thấy đầy chất thể thao, thoải mái và không gò bó theo bất cứ khuôn khổ nào. Nhờ thế, hắn là một trong những người đầu tiên khám phá ra những lợi điểm của chiếc quần jeans, nét phong trần và nam tính của sợi dây nịt da to bản, tương phản một cách đầy mỹ thuật với cái khoá nịt lớn, vẻ thoải mái của đôi giày vải trắng, đế cao-su, sự quyến rũ đầy học thức toát ra từ chiếc mũ lưỡi trai bằng vải thô, chất tươi mát của cái sơ-mi ngắn tay hoa hoè hay có kẻ sọc lớn, những cái áo khoác ni-lông đủ loại, khép lại chỗ ngực bằng dây kéo hay một dấu hiệu băng nhóm, khiêu khích và bất cần, nổi bật lên nhờ chiếc sơ-mi trắng mang phù hiệu của một trường đại học Mỹ.
Tất cả những thứ này không có tiệm nào ở đây bán mà phải gởi mua từ bên Mỹ, điều mà túi tiền của hắn không cho phép. Tuy nhiên, nhờ chịu khó tìm tòi, hắn kiếm ra được những mặt hàng như vậy ở ngay trong nước. Có nhiều gia đình người Mỹ sắp về nước nên cần bán lại tất cả đồ đạc của họ qua mục rao vặt trên báo chí. Roberto vội tìm tới những nhà đó trước bất cứ ai khác để tậu một số quần áo với những món tiền mà hắn đã kiếm được bằng sức lao động của mình hay nhờ bán được những món đồ hắn có. Tóc nhuộm vàng và duỗi thẳng, quần jeans và sơ-mi sặc sỡ, Roberto đã sẵn sàng trở thành Boby.
Nhưng tất cả những điều này cũng mang nhiều rắc rối đến cho hắn. Theo lời mẹ hắn, mỗi lần hắn trở về con hẻm quen thuộc, chẳng ai còn chào hỏi anh chàng học đòi này nữa. Càng ngày càng có nhiều người chọc ghẹo hắn hay huýt sáo lên như thể hắn là một tên bóng. Hắn chẳng bao giờ chi một xu nào vào việc ăn uống. Hắn thường đứng hàng giờ săm soi trước gương và tiêu hết tiền vào các bộ cánh. Bà mẹ da đen của hắn còn nói thêm rằng bố hắn ngày trước là một người da trắng bần cùng đã biến mất như một ảo thuật gia sau một năm hẹn hò với bà, nhưng ông ta chưa bao giờ thấy hổ thẹn trong mối quan hệ giữa hai người, cũng như về việc ông chỉ là một tài công.
Nói riêng với nhau mà nghe, người đầu tiên biết về chuyện này là Peluca Rodríguez. Hắn đặt mua một cái quần jeans từ một viên quản lý của hãng hàng không Braniif. Khi chiếc quần được gởi đến nhà, Peluca diện nó vào ngay. Ra đến công viên, hắn kinh ngạc thấy Roberto cũng mặc một cái quần y hệt như của hắn. Thế là sau hôm đó Peluca suốt ngày chỉ đi bêu riếu tên thổ dân đen này. Hắn bảo rằng Roberto là một tên phá thối, nhất định là hắn đã đi theo rình rập mình để bắt chước. Hắn còn cho biết đã thấy Roberto mua thuốc lá hiệu Lucky và chải tóc thành một lọn buông trước trán.
Nhưng điều tồi tệ nhất đã xảy ra ở chỗ Roberto làm. Cahuide Morales, ông chủ tiệm bánh của hắn, là một thổ dân lai trắng mập mạp, có đầu óc địa phương và mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó. Ông ta khoái ăn món da heo chiên giòn và thích nhảy những điệu valse cải biên của thổ dân lai. Ông đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt suốt hai mươi năm trời để gầy dựng tiệm bánh này. Nhưng không có gì có thể làm ông nổi giận bằng chuyện cố ý trở thành một người khác. Là dân lai trắng hay dân da trắng thực thụ chỉ là chuyện nhỏ, điều quan trọng là phải có thật nhiều “địa”, “xìn” hay “bạc”, ông còn cả chục chữ lóng khác để thay thế chữ “tiền”. Khi thấy nhân viên của mình nhuộm tóc vàng, trán của ông hằn thêm một nếp nhăn nữa. Lúc nhận ra hắn còn bôi phấn, ông cũng đã cố nuốt giận vào bụng. Nhưng tới khi thấy hắn giả trang thành người Mỹ đi làm thì ông chịu hết nổi. Bao nhiêu con người trong ông nhất loạt nhảy ra trong cơn thịnh nộ: người cha, người cảnh sát, người vũ phu, người xử tội trong bộ lạc. Ông đùng đùng lôi cổ Roberto vào phía sau, bảo hắn rằng tiệm bánh Anh Em Nhà Morales là nơi buôn bán đàng hoàng, rằng hắn phải tuân theo nội quy của tiệm. Ông đã làm ngơ về chuyện tóc tai, da dẻ của hắn, nhưng nếu hắn còn đi làm mà không ăn mặc như những nhân viên giao hàng khác thì ông sẽ đá đít hắn ra khỏi tiệm ngay. Nhưng Roberto đã đi quá xa để còn có thể quay lại nên hắn đành chấp nhận cú đá đó.
Tiếp theo đó là những chuỗi ngày buồn vô tận, khi Roberto cố kiếm một việc làm khác. Hắn ao ước được lọt vào nhà một người Mỹ để làm gia nhân, làm vườn, làm tài xế, hay bất cứ công việc gì khác. Nhưng hết cánh cửa này đến cánh cửa khác lần lượt đóng sầm lại trước mặt hắn. Trong toàn bộ chiến lược của mình, còn một điều hắn chưa tính đến: đó chính là việc học tiếng Anh. Vì không đủ tiền để theo học một trường dạy ngoại ngữ, hắn mua một cuốn từ điển và chép từng chữ vào một cuốn vở. Khi đến vần C, hắn bỏ cuộc, vì nhận thấy kiến thức tiếng Anh kiểu này chỉ là hình thức, chẳng đưa hắn đến đâu cả.
Thế nhưng vẫn còn những rạp xi-nê, một mái trường vừa có thể giáo dục, vừa giúp giải trí. Trong vô số thể loại phim đang trình chiếu, hắn đã trải qua nhiều buổi trưa xem các cuốn phim cao-bồi hay trinh thám bằng nguyên bản tiếng Anh. Hắn không quan tâm gì mấy đến truyện phim mà chỉ chú tâm đến cách ăn nói của các nhân vật trên màn ảnh. Chữ nào hiểu được, hắn ghi chú cẩn thận rồi lặp đi lặp lại cho đến khi thuộc nằm lòng mới thôi. Nhờ xem lại những cuốn phim đó nhiều lần, dần dần hắn học được cả câu nói, thậm chí nguyên một mẩu đối thoại. Chẳng bao lâu, trước chiếc gương trong phòng ngủ của mình, hắn là chàng cao-bồi lãng mạn đang tỏ tình hay ho đến không thể nào cưỡng lại được với một cô vũ nữ trong quán rượu, hay là một tên găng-tơ hung ác vừa sắt đá buông lời tuyên án vừa nổ súng bắn gục địch thủ của mình.
Tuy nhiên, phim ảnh cũng gieo vào đầu óc hắn nhiều ý tưởng sai lệch, chất chồng dần dần thành những ảo tưởng. Hắn khám phá ra mình hao hao giống Alain Ladd, tài tử đã xuất hiện trong một phim cao-bồi với chiếc quần jeans màu xanh và áo khoác kẻ ô vuông đen đỏ. Trên thực tế, hắn chỉ giống anh ta về tầm thước và lọn tóc vàng buông hững hờ trước trán. Để bắt chước cách ăn mặc của anh tài tử đó, hắn đã đến rạp coi đi coi lại cuốn phim cả chục lần. Khi phim chấm dứt, hắn đứng ngay cửa, chờ khán giả ra khỏi rạp và kháo nhau: “Nhìn kìa, anh chàng kia giống Alain Ladd đến lạ!” Tất nhiên là chẳng ai nói gì cả. Lần đầu tiên thấy hắn đang đứng với bộ điệu đó, chúng tôi đứa nào cũng cười khúc kha khúc khích với nhau.
Mẹ hắn cho chúng tôi biết, cuối cùng hắn cũng kiếm được một việc, không phải trong nhà của một người Mỹ như hắn vẫn mơ ước, mà là một công việc khác xem chừng còn khá hơn thế, trong câu lạc bộ bowling Miraflores. Hắn phục vụ ở quầy rượu từ năm giờ chiều đến nửa đêm. Trong những lần hiếm hoi đến đó, chúng tôi thấy hắn mặt mày rạng rỡ, làm việc hết sức chăm chỉ. Đối với khách thổ dân, hắn phục vụ một cách chừng mực, và công bằng mà nói là không chê vào đâu được, nhưng với khách người Mỹ thì hắn lại tỏ ra xoắn xuýt và khúm núm. Khách vào vừa ngồi xuống bàn là hắn đã đến ngay bên cạnh, hí hoáy ghi các món khách gọi và chỉ trong chốc lát khách đã thấy trước mặt mình cái hot dog và chai Coca-Cola. Hắn còn dạn dĩ nói một vài chữ tiếng Anh, như thể trả lời bằng cùng một thứ tiếng của khách hàng sẽ giúp hắn tăng thêm từ vựng cho mình. Trong một thời gian ngắn, với một ít vốn liếng thành ngữ kha khá, dần dà hắn chiếm được cảm tình của các người Mỹ. Họ rất thích thú khi thấy một anh chàng da đen hiểu được họ muốn nói gì. Vì cái tên Roberto khó phát âm, bọn họ quyết định gọi hắn là Boby.
Thế là với cái tên Boby López, cuối cùng hắn đã được nhận vào Học Viện Ngoại Ngữ Peru-Mỹ. Ai đã từng gặp Boby cũng công nhận rằng hắn là một sinh viên chuyên cần mẫu mực, chưa bao giờ vắng một buổi học hay bỏ bê bài vở. Hắn không bỏ lỡ cơ hội nào để hỏi giáo sư về một điểm văn phạm chưa rõ ràng. Ngoài những sinh viên da trắng theo học ở đó vì những lý do nghề nghiệp riêng, hắn còn làm quen được với nhiều người giống như hắn, những người đến từ những thế giới hay giai cấp khác với hắn, tuy có suy nghĩ khác nhau, vẫn cùng ôm ấp giấc mơ giống nhau và sống một cuộc đời như hắn. Nhưng người bạn đặc biệt hơn cả của hắn là José María Cabanillas, con của một thợ may ở Surquillo. Anh chàng này cũng mù quáng ngưỡng mộ người Mỹ, từ nhiều năm nay cũng đã giết đi gã thổ dân lai đen trong hắn như Boby, chỉ cần nhìn hắn là thấy rõ ngay kết quả như thế nào. Hắn có lợi điểm là cao ráo và da dẻ ít sẫm hơn Boby. Hắn cũng không thèm giống Alan Ladd, mà thực ra chỉ là một diễn viên hạng nhì được một thiểu số các thiếu nữ học đòi thường ngưỡng mộ. Hắn giống người hùng vô địch John Wayne hơn. Thế là từ đó hai người bạn không rời nhau nửa bước. Cả hai cùng đậu cao vào cuối khoá học, được giáo sư Brown dùng làm tấm gương cho tất cả sinh viên, bảo rằng đây chính là “khát vọng chân thật nhất để vượt lên trên tất cả”.
Đôi bạn mới chuyện trò hàng giờ với nhau vô cùng tương đắc. Người ta thường thấy họ lượn lờ từ chỗ này sang chỗ khác, cùng diện quần jeans bạc màu, làm nổi lên những phần cần phô trương trên thân thể. Nhưng rõ ràng là đôi bạn mới này đã đi quá đà. Họ làm đủ trò kệch cỡm đến nỗi người thân hay bạn bè của họ đều không thể nào chịu nổi. Hai người thuê một căn chung cư trên đại lộ Mogollón và dọn vào sống chung với nhau. Ở đó, họ dựng nên một nơi trú ẩn bất khả xâm phạm của riêng mình, cho phép họ hoà lẫn thế giới bên ngoài với thế giới trong nước, để cảm thấy mình như đang sống trong một khu xóm ở California, ngay trong thành phố sương mù này. Mỗi người đóng góp những gì mình có, Boby với các tấm tranh và bích chương, còn José María, vốn mê âm nhạc, với các dĩa hát của Frank Sinatra, Dean Martin và Tommy Dorsey. Họ cảm thấy mình trở thành hai người Mỹ chính hiệu lúc ngả người lên cái sofa, miệng phì phèo điếu thuốc Lucky, lim dim nghe bài “Strangers in the Night” hay mơ màng ngắm bức hình cây cầu bắc ngang sông Hudson treo trên tường. Chỉ cần cố gắng một chút thôi là, a-lê hấp! họ đã sánh bước bên nhau trên cây cầu nổi tiếng đó.
Đối với nhiều người, đi Mỹ là một chuyện vô cùng khó khăn. Phải xin được học bổng, có họ hàng bên ấy hoặc phải có thật nhiều tiền may ra mới hòng đi được. Đây là những điều kiện mà cả Boby lẫn José đều không có. Họ thấy không có cách nào khác hơn là phải đốt giai đoạn, như những người da trắng vẫn làm, nhờ có chức quản lý ở một hãng hàng không. Hằng năm, hãng thường tổ chức một cuộc thi tuyển vào chức vụ này và hai người đều ghi tên dự thi. Họ thạo tiếng Anh hơn tất cả những thí sinh khác, họ sẵn sàng phục vụ, hy sinh và không bao giờ mỏi mệt. Nhưng chẳng ai biết họ là ai cả. Chẳng ai giới thiệu họ với hãng hàng không này. Đối với ban giám khảo, đây chỉ là những kẻ lai đen bôi phấn trắng. Thế là hai người hỏng kỳ thi tuyển nhân viên lần đó.
Người ta kể rằng Boby đã khóc lóc, vò đầu bứt tai, còn José toan kết liễu cuộc đời bằng cách gieo mình xuống từ tầng lầu hai không lấy gì làm cao lắm. Trong thế giới riêng của họ trên đường Mogollón, hai người đã trải qua những ngày u ám nhất trong đời mình. Thành phố đã từng làm nơi nương náu cho hai người cuối cùng đã trở thành một tấm vải bẩn thỉu phủ chụp lên hai người bao nhiêu lời nhiếc móc, thị phi. Nhưng ít lâu sau, cả hai cũng từ từ phấn chấn trở lại và tiếp tục lập kế hoạch mới. Vì ở đây chẳng ai muốn dây vào với họ, họ đành phải ra đi. Không còn cách nào khác hơn là giả trang thành khách du lịch để làm dân nhập cư. Suốt một năm trời làm việc cực nhọc, nhịn ăn nhịn mặc, hai người mới dành dụm được một số tiền cho cuộc viễn du, đồng thời lập quỹ chi tiêu chung để cùng nhau sống còn nơi xứ người. Cuối cùng, cả hai đã có thể sắp xếp hành lý để giã biệt mãi mãi cái thành phố đáng ghét này, nơi mà họ đã từng đau khổ không biết bao nhiêu lần, nơi họ không bao giờ muốn trở lại, ngày nào mà nó vẫn còn đó.
Tất cả những gì xảy ra sau đó đều có thể đoán trước được mà không cần phải dùng đến trí tưởng tượng mới kết thúc được câu chuyện này. Trong khu xóm, chúng tôi thu thập được rất nhiều tin tức trực tiếp: thư từ của Boby gởi về cho mẹ, các mẩu chuyện do những người đi xa về kể lại, và sau rốt là lời của một chứng nhân hẳn hòi.
Chẳng bao lâu, Boby và José đã tiêu vèo hết số tiền mà họ đã tính toán ít nhất cũng tạm đủ cho nửa năm trời. Họ còn nhận ra rằng ở New York họ đã gặp tất cả những López và Cabanillas từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về, nào là dân Á châu, Ả-rập, Aztec, Phi châu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Maya, Chibcha, Sicile, Caribe, dân Hồi giáo, Quechua, Polynesia, Eskimo, ôi thôi không thiếu ai từ góc biển chân trời nào nữa, cả đến mọi ngôn ngữ, chủng tộc, màu da… Điều giống nhau duy nhất của tất cả những người đó là ước muốn được sống như người Mỹ, sau khi đã từ bỏ linh hồn và cố tình lột xác. New York đã bằng lòng chấp nhận hai chàng trai xứ Peru trong vài tháng đầu tiên, nhưng đồng thời cũng nuốt hết những tờ đô-la mà họ đã chắt bóp. Rồi thì, như xuyên qua một cái ống, họ bị dẫn đến cỗ máy trục xuất. Phải khó nhọc lắm cả hai mới xin gia hạn được visa, trong khi vẫn đang cố tìm một công việc ổn định có thể cho phép họ lưu lại xứ sở này.
Ở đây có khối nàng Queca ngày ngày vẫn lượn lờ ngay trước mắt hai chàng trai và nhìn họ không khác gì khi nhìn mấy con gián. Quần áo hai người mặc dần dần rách cả, mấy bài hát của Frank Sinatra nghe mãi cũng phát nhàm. Hồi còn ở Lima, ăn được một cái hot dog là cả một điều vinh quang, còn ở đây, chỉ nghĩ đến món đó là họ thấy buồn nôn. Từ khách sạn rẻ tiền, hai người chuyển sang tạm trú trong một nhà thờ, và cuối cùng là trên băng ghế đá công cộng. Một hôm, họ thấy những chất gì trăng trắng từ trên trời rơi xuống, làm trôi hết cả phấn trên người họ, khiến họ phải chạy như vịt qua những con đường lạnh lẽo. Cái chất trăng trắng đó chính là nạn kỳ thị chủng tộc muôn đời của thiên nhiên.
Chỉ còn một giải pháp cuối cùng. Cách đó hàng ngàn cây số, ở một quốc gia mang tên Đại Hàn, những người Mỹ trắng đang tranh đấu chống lại một số người Á châu tàn bạo. Lúc đó, báo chí vẫn tường trình về phong trào tự do ở phương Tây, và ngay tại Hoa Kỳ các đài truyền hình cũng lặp đi lặp lại như thế. Nhưng gởi các anh chàng “boys” qua bên đó cũng không phải là chuyện dễ! Họ chết như rạ, bỏ lại những bà mẹ xanh xao hao gầy trong các trang trại ở miền quê có căn phòng trên gác xép vương vãi những món đồ chơi cũ kỹ. Kẻ nào xung phong đi đấu tranh bên ấy trong vòng một năm sẽ được bảo đảm có mọi thứ khi trở về: quốc tịch, việc làm, bảo hiểm xã hội, hội nhập hoàn toàn với đời sống Mỹ, và vô số huân chương vinh danh họ. Khắp nơi đều thấy những trung tâm chiêu mộ những người như thế. Đối với mọi người tình nguyện, nước Mỹ sẵn sàng mở lòng ra với họ.
Boby và José cũng ghi danh xin đi để khỏi bị trục xuất. Sau ba tháng huấn luyện tại một trung tâm, họ cùng nhiều người khác ra đi trên một chiếc phi cơ khổng lồ. Cuộc sống quả là một chuyến phiêu lưu tuyệt vời và cuộc hành trình ấy thật đáng ghi nhớ. Hai người bạn sinh ra ở một đất nước tầm thường, buồn bã và khốn khổ, từng được sống ở thành phố sầm uất nhất thế giới, từng mất mát quá nhiều, đúng thế, nhưng giờ đây tất cả đều bỏ lại sau lưng. Giờ đây, hai anh cùng mặc đồng phục màu xanh, bay qua đất đai, biển cả hay những vùng tuyết phủ trắng xoá, vai mang vũ khí tối tân, là những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết đang hăm hở đến một xứ miền xa lạ.
Bà mẹ làm nghề thợ giặt đã nhận rất nhiều bưu thiếp có hình ảnh đền đài, chợ búa và phố xá kỳ thú, được viết bằng nét chữ nhỏ nhắn và nắn nót. Seoul là ở đâu mới được chứ? Ở đâu mà thấy đầy dẫy những bảng quảng cáo và hộp đêm. Qua những lá thư gởi về từ tuyến đầu dầu sôi lửa bỏng, chúng ta biết được cuộc công kích đầu tiên trong đó có Boby đã diễn ra như thế nào khiến hắn phải nghỉ làm mấy hôm. Nhờ những bức thư đó mà chúng ta có thể mường tượng ra những gì đã xảy đến cho Boby. Từ bước này đến bước khác, qua bao nhiêu thử thách, Boby đã tiến đến cận kề điểm hẹn mà cuộc sống đã dành cho hắn kể từ khi hắn mở mắt chào đời. Đội quân của hắn phải tiến gần đến một vĩ tuyến để đối mặt với một làn sóng quân lính da vàng đang từ một ngọn đồi ồ ạt kéo xuống như thác lũ. Chính vì điều đó mà những chàng xung kích vô địch từ phương Tây như hắn mới phải có mặt ở nơi này.
José María đã thoát chết như một phép lạ. Hắn hãnh diện khoe cái cùi tay phải cụt lủn của mình khi trở lại Lima vài tháng sau đó. Đội quân của hắn và Boby được điều động đến thám thính một vùng đồng ruộng, nơi đang có một nhóm quân Đại Hàn đang chờ để phục kích. Boby không kịp đau đớn gì cả, José cho biết như vậy, cú nổ đầu tiên làm tốc cái nón sắt của hắn lên, còn cái đầu của hắn thì lăn lông lốc xuống một cái mương gần đó, mang theo cả mái tóc nhuộm vàng loà xoà, rũ rượi. Kẻ sống sót là José, chỉ mất một cánh tay, vừa kể lại những điều trên, vừa khề khà nhắp những ngụm bia ướp lạnh. Lúc này, hắn không còn phấn son gì trên người nữa, đen lại hoàn đen, đen hơn bao giờ hết, và đang sống thoải mái với tiền phụ cấp vì bị tàn phế.
Bà mẹ của Boby qua đời trong cơn đau tim lần thứ nhì. Bà không còn được đọc lá thư chính thức báo tin Bob López đã tử trận nơi chiến trường, được nước Mỹ vinh danh và gia đình sẽ được hưởng tiền tử tuất của hắn. Không còn ai để lãnh món tiền đó cả.
Thay lời kết
Còn cô Queca thì ra sao? Giá như Bob biết được câu chuyện của cô, có lẽ cuộc đời hắn sẽ thay đổi hẳn, mà cũng có lẽ rằng không, nào ai biết được. Billy Mulligan mang cô về nước như hai bên đã thỏa thuận, đến một ngôi làng ở tiểu bang Kentucky, nơi bố mẹ hắn có một xưởng sản xuất thịt heo đóng hộp. Queca cùng chồng trải qua mấy tháng đầu tiên trong hạnh phúc tràn trề, trong ngôi nhà xinh xắn, trước nhà là con đường rộng rãi, có hàng rào vây quanh, phía sau là một mảnh vườn xinh xinh, còn trong nhà thì không thiếu bất cứ đồ dùng bằng điện nào mà ngành kỹ nghệ của nhân loại đã phát minh ra được. Nói tóm lại, đó là một căn nhà giống như hàng trăm ngàn căn nhà khác trên đất nước mênh mông này.
Cho đến khi Billy hiện nguyên hình là một anh chàng gốc Ái Nhĩ Lan, lúc nào cũng che giấu sự giáo dục chịu ảnh hưởng của giáo phái Tin Lành, trong khi càng lúc Queca càng mở rộng tầm mắt ra và bắt đầu buồn nhớ quê nhà. Càng ngày Billy về nhà càng trễ hơn, hắn đâm ra mê chơi máy kéo đánh bạc và đua xe. Đôi bàn chân của hắn cứ to ra, to ra mãi và đầy những vết chai. Trên cổ hắn mọc ra một khối u ác tính. Cứ đến thứ Bảy, hắn lại nốc không biết bao nhiêu ly Bourbon ở Câu Lạc Bộ Thân Hữu Kentucky. Hắn còn dan díu với một cô làm công trong xưởng đóng đồ hộp và đụng xe hai ba lần gì đó. Ánh mắt của hắn trở nên lờ đờ trong những cơn say xỉn. Dạo sau này, vào những ngày Chủ nhật, lúc còn sáng tinh mơ, hắn thường tặng cô vợ nhiều cú đấm thôi sơn; cô vợ xinh đẹp mang tên Queca mà không chàng trai nào có thể quên được. Hắn vừa đấm vừa cười to lên ngớ ngẩn, và còn mắng cô là đồ thổ dân lai trắng bẩn thỉu.
(Viết xong ở Paris năm 1954).
Trần C. Trí chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha, 6-2020.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét