21 thg 6, 2020

Sự thật vụ án Lê Văn Duyệt (Nghiên Cứu Lịch Sữ )

Cao Văn Thức
 Nguyên nhân thật sự của vụ án
Lê Văn Duyệt là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ông sinh năm 1763, tại vòm Trà Lọt, thuộc làng Hoà Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông theo phò giúp chúa Nguyễn Ánh từ năm 1781 và lập được nhiều công lao. Năm 1802, sau ngày chiến thắng Tây Sơn, Lê Văn Duyệt được vua Gia Long phong làm Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình Tây tướng quân, tước Quận công.
Năm 1820, vua Minh Mạng đã cử Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định lần thứ hai và ông đã giữ chức vụ này cho đến khi qua đời vào năm 1832. Trong 12 năm làm Tổng trấn Gia Định, Lê Văn Duyệt đã có công làm cho kinh tế ở vùng đất phương nam phát triển mạnh mẽ, thành phố Gia Định trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội được bảo đảm.
Sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn Gia Định và chia 5 trấn ở Nam bộ thành 6 tỉnh gồm: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, thường gọi là Lục tỉnh Nam Kỳ, đặt các chức quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Đề đốc, Lãnh binh như các tỉnh miền ngoài.
Năm 1833, sau khi vua Minh Mạng cử một số quan chức và trị nhậm tỉnh Gia Định, có viên quan Bố chánh là Bạch Xuân Nguyên đã tìm cách bới tội Lê Văn Duyệt và bắt giam nhiều thuộc hạ của ông, trong đó có người con nuôi là Lê Văn Khôi(1). Lê Văn Khôi bất bình nên đã liên kết với một số binh lính nổi dậy làm binh biến, giết chết Tổng đốc  Nguyễn Văn Quế, Bố chánh Bạch Xuân Nguyên… và tuyên bố chống lại triều đình. Triều đình phải tập trung lực lượng đàn áp khốc liệt cho đến năm 1835 mới dập tắt được cuộc nổi dậy này.
Sau khi dập tắt được cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, triều đình theo lệnh vua Minh Mạng đã hạch tội Lê Văn Duyệt gồm 7 tội đáng chém:
  1. Sai người riêng của mình sang Diến Điện, kết ngoại giao.
  2. Xin đưa thuyền Anh Cát Lợi đến thành Gia Định để tỏ mình có quyền.
  3. Xin giết Thị vệ Trần Văn Tình để khoa miện người khác.
  4. Dâng sớ chống lại mệnh vua, cố xin cho viên quan đã bổ thụ đi nơi khác được lưu lại và điều một viên quan đi làm việc khác khi đã có chiếu chỉ tuyên triệu.
  5. Kết bè đảng, xin cho Lê Chất được thêm tuổi thọ.
  6. Giấu riêng những giấy đóng sẵn ấn ngụ bảo.
  7. Gọi mộ tiên nhân là “lăng”, đới với người tự xưng là “cô”(2).
Hai tội đáng xử thắt cổ chết:
  1. Cố xin dung nạo sứ giả nước Diến Điện để hòng bào chữa điều mình đã sai trái.
2.Nói với người ta về việc xin được thơ tiên giáng bút có câu “Trần Kiều” và “Hoàng Bào”.
Một tội đáng sung quân: Tự tiện bắt biền binh đóng thuyền riêng.
Sau đó nhà vua cho tước đoạt hết chức vụ của ông được phong tặng lúc sinh thời và truy tặng sau khi mất, cho san phẳng mồ mả và dựng tấm bia đá khắc 8 chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ (chỗ này là nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình phạt)”.
Đến đời vua Tự Đức mới cho xoá bỏ bản án, khôi phục lại phẩm hàm và danh dự cho Lê Văn Duyệt.
Lâu nay trong lịch sử, khi đề cập đến vụ án Lê Văn Duyệt, những nhà nghiên cứu thường hay cho rằng vụ án xảy ra là do sinh thời giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt có những mâu thuẫn cá nhân sâu sắc, tóm lược cơ bản như sau:
– Lê Văn Duyệt không ủng hộ việc Gia Long chọn con thứ là hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau này là Minh Mạng) nối ngôi, mà chủ trương ủng hộ con trai của hoàng tử Cảnh (đã mất) vì hoàng tử Cảnh là con trai trưởng của nhà vua.
– Lê Văn Duyệt được vua Gia Long cho hưởng quyền “nhập triều bất bái” (vào triều không phải lạy), theo lệ đó sau này ông cũng không lạy Minh Mạng đã làm cho nhà vua không thích.
– Lê Văn Duyệt đã tự tiện xử tử viên quan tham nhũng là Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý, cha vợ của Minh Mạng, mà không thông qua ý kiến của nhà vua.
– Lê Văn Duyệt cho phép các linh mục các nước phương Tây được tự do truyền đạo ở Nam Bộ, trái ngược với chủ trương của triều đình là cấm đạo.
– v.v…
Tuy vậy, khi tìm hiểu kỹ qua những cứ liệu lịch sử thì vấn đề không phải hoàn toàn như vậy, Minh Mạng không có những mâu thuẫn cá nhân to lớn đến nỗi phải ra tay kết án quá nặng nề, tàn độc đối với cá nhân Lê Văn Duyệt sau khi ông  qua đời.
Trong những mâu thuẫn mà người đời nghi vấn vừa nêu thì những lý do như Lê Văn Duyệt cho linh mục phương Tây tự do truyền đạo dù có trái với chủ trương cấm đạo của triều đình nhưng cũng chưa phải là mâu thuẫn gì ghê gớm hoặc ông được phép vào triều không phải lạy vua thì đó chỉ là “đặc ân” mà Gia Long đã ban cho Lê Văn Duyệt từ trước thì sau này Minh Mạng dù có tâm địa hẹp hòi, cảm thấy khó chịu chăng nữa cũng phải tôn trọng đặc ân mà cha mình lúc sinh thời đã ban cho vị khai quốc công thần, vì vậy không thể lý do đó trở thành một mối thù lớn được; nếu có thì những mâu thuẫn đó chỉ mang tính chất vặt vãnh không đáng kể.
Hai lý do có thể nói rất quan trọng là việc Lê Văn Duyệt phản đối việc phế trưởng lập thứ và qua mặt giết cha vợ nhà vua thì hoàn toàn không đúng với thực tế.
Lý do thứ nhấtLê Văn Duyệt phản đối việc “phế cháu trưởng, lập con thứ”.
Sự thực qua bộ sử Đại Nam thực lục, phần Đệ nhất kỷ (Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế) viết về vua Gia Long do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, không có dòng nào ghi chép việc phản đối của Lê Văn Duyệt về vấn đề “phế cháu trưởng, lập con thứ” của nhà vua, có chăng người phản đối khá quyết liệt là Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành. Và có lẽ vì lý do đó mà Nguyễn Văn Thành làm cho Gia Long căm ghét và tự chuốc hoạ vào thân?(3) Chỉ có một bộ sử của cá nhân là cuốn Quốc sử di biên(4) của Phan Thúc Trực là có cho biết khoảng năm 1810, Lê Văn Duyệt có tỏ thái độ là muốn lập hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán, con hoàng tử Cảnh, nối ngôi sau này; nhưng có lẽ về sau ông đã thay đổi lập trường, thuận theo vua Gia Long. Hơn nữa, Lê Văn Duyệt còn được Gia Long tin tưởng chọn làm “cố mệnh lương thần” kiêm cai quản năm dinh Thần sách, cùng với đại thần Phạm Đăng Hưng nhận di chiếu phò hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, lấy hiệu là Minh Mạng. Nếu là người phản đối việc phế lập gay gắt đến cùng, chắc lẽ ông đã bị Gia Long ghét bỏ thì làm gì có chuyện nhà vua tin tưởng giao cho ông cai quản 5 dinh Thần sách và uỷ nhiệm cùng các đại thần lập hoàng tử Đảm lên ngôi sau khi Gia Long qua đời.
Lý do thứ hai, Lê Văn Duyệt tự tiện tử hình Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý là cha vợ vua mà không xin phép Minh Mạng.
Sự thực là khi Huỳnh Công Lý bị khởi tố vì hành vi tham nhũng, Lê Văn Duyệt đã chuyển hồ sơ vụ việc ra triều đình Huế. Vua Minh Mạng đã giao cho đình thần nghị tội, rồi nhà vua trực tiếp phê chuẩn án tử hình viên Phó Tổng trấn tham tàn này. Lê Văn Duyệt chỉ thi hành án tử hình Huỳnh Công Lý theo mệnh lệnh của nhà vua. Điều này được ghi chép rất rõ trong Đại Nam thực lục: “Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820)…tháng 9…Phó Tổng trấn Gia Định là Hoàng (Huỳnh – TG chú) Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên… Sai đình thần nghị tội. Đều nói: “Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra thì tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm sự Hình bộNguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần mà tra xét hỏi” và “Năm 1821 tháng 5, Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định (tức là Lê Văn Duyệt – TG chú) đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, tịch thu gia sản đem trả lại dân binh.”(5)
Như vậy, có thể nhận thấy giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt không hề có mâu thuẫn thù oán cá nhân sâu nặng, ngược lại nhà vua rất rất ân sủng, tin tưởng ông; đơn cử năm 1820, khi vừa lên ngôi Minh Mạng đã bổ nhiệm Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định lần thứ hai. Gia Định là một vùng đất quan trọng ở phương nam, là nơi khởi nghiệp của tiên đế Gia Long, vì vậy được giao chức Tổng trấn nơi này hẳn phải là những trọng thần được nhà vua tin tưởng cả về hai mặt tài năng và đức độ. Sự tin tưởng của Minh Mạng khi giao trọng trách cho Lê Văn Duyệt đã được sách Đại Nam thực lục chép: “Tháng 5 năm Canh Thìn (1820) lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn Gia Định thành. Phàm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc của Gia Định thành và việc biên cương đều cho tuỳ nghi mà làm”(6). Và khi ông qua đời năm 1832, nhà vua tỏ lòng thương tiếc một bậc công thần bằng việc ban tặng phẩm hàm và chu cấp tiền bạc, vật chất để gia đình tổ chức việc an táng, sách Đại Nam thực lục đã chép rõ điều này: “Truỵ tặng ông là Tá vận công thần, Đặc tiến tráng võ tướng quân, Tả quân đô thống phủ, Chưởng phủ sự, Thái bảo, Quận công, thuỵ Uy Nghị. Ban cho 10 cây gấm màu, 10 tấm biểu màu, 3000 quan tiền, trước hãy ban một tuần tế, đến ngày an táng lại ban một tuần tế nữa” (7).
Một bậc công thần được ân sủng đến tột bậc như vậy, nhưng tại sao khi người đó vừa mới qua đời được một năm thì nhà vua lại thay đổi thái độ, cho dựng lên một bản án quá nghiệt ngã, bất công đến như vậy? Những lý do vừa nêu ở trên đều không có tính thuyết phục vì thiếu cơ sở thực tiễn. Vậy thì chỉ có thể nhìn trên tổng thể cục diện chính trị Việt Nam ở những thập niên đầu thế kỷ XIX để có thể nhận thức ra sự thật.
Thống nhất đất nước sau khi tiêu diệt vương triều Tây Sơn, nhà Nguyễn đã xây dựng mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, theo ý thức hệ Tống Nho. Buổi đầu, do chưa đủ điều kiện và thời gian để phân chia hành đất nước theo xu hướng tập quyền nên Gia Long phải chấp nhận tạm thời chia đất nước làm nhiều trấn dưới sự cai quản của các tổng trấn lớn, ví dụ như Tổng trấn Bắc Thành cai quản 11 trấn tức bao gồm toàn bộ khu vực Bắc Bộ ngày nay, Tổng trấn Gia Định cai quản 5 trấn bao gồm khu vực Nam Bộ ngày nay với chế độ quân quản… Đứng đầu các tổng trấn quan trọng là các đại thần của triều đình có công lao lớn trong chiến tranh được nhà vua tin tưởng. Vị quan đứng tổng trấn với quyền lực rất lớn nắm cả hành chính, tư pháp, quân sự… Mô hình hành chính trấn, tổng trấn có ích cho buổi đầu khi mới chấm dứt chiến tranh, xã hội còn chưa yên ổn, nhưng về lâu dài thì lại bất cập vì sẽ dễ dẫn đến nạn phân quyền, cát cứ, ly khai khỏi triều đình trung ương. Gia Long ý thức được điều này nhưng ông chưa có đủ điều kiện và thời gian để thực hiện việc thay đổi cơ cấu hành chính theo hướng trung ương tập quyền.
Sang thời Minh Mệnh bắt đầu từng bước thực hiện chế độ trung ương tập quyền. Từ năm 1831 – 1832, các Tổng trấn, trấn lần lượt bị bãi bỏ, đất nước được phân chia thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (tương đương cấp tỉnh). Tổng trấn Bắc thành được bãi bỏ sớm hơn, từ năm 1831, nhưng Tổng trấn Gia Định thì Minh Mạng phải chờ đợi hơn một năm sau, khi Lê Văn Duyệt qua đời thì nhà vua mới cho giải thể tổng trấn và chia thành 6 tỉnh. Trước khi thực hiện cuộc “cách mạng hành chính” đó, Minh Mạng đã từng bước cho xâm nhập vào quyền lực địa phương để làm “bước đệm” là cử một số quan chức vào làm việc tại tổng trấn Gia Định nhưng đều bị Lê Văn Duyệt viện những lý do từ chối. Như vậy, đã hình thành sự đối nghịch ngầm của hai xu hướng tập quyền và phân quyền. Minh Mạng đã rất lo ngại điều này, thể hiện rõ qua bản án kể 7 tội đáng chém của Lê Văn Duyệt. Qua bản án, bên cạnh việc bới móc để chồng chất nhiều tội lỗi nhằm bôi nhọ thanh danh của Lê Văn Duyệt thì cũng thấy được nỗi lo lắng cát cứ của Minh Mạng thể hiện qua các chi tiết như: Dâng sớ chống lại mệnh vua…(tội thứ 3); kết bè đảng…(tội thứ 4); gọi mộ tiên nhân là “lăng, đối với người tự xưng là “cô” (tội thứ 7)…
Và sau khi đã thực hiện được việc giải thể quyền lực địa phương quá lớn của Gia Định thành, thâu tóm quyền lực về trung ương; nhưng Minh Mạng vẫn  muốn triệt bỏ tận gốc mầm mống cát cứ đã hình thành từ sự phân quyền quá lâu theo thời gian nắm giữ chức vụ của Lê Văn Duyệt. Hành động cụ thể là Minh Mạng cho viên bố chánh Bạch Xuân Nguyên bới tìm những khuyết điểm của Lê Văn Duyệt trong quá khứ để xoá uy tín của ông còn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống người dân Nam Bộ và triệt hạ những thuộc hạ của ông vẫn còn tồn tại ở đất Gia Định. Tuy vậy, đám quan chức thừa hành đã hành động thiếu khôn khéo dẫn đến cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi do bị bức bách vào đường cùng.
Sau vụ biến loạn của Lê Văn Khôi, Minh Mạng cho thi hành án nặng nề đối với Lê Văn Duyệt dù ông đã qua đời ba năm về trước, nhằm dụng ý chính trị là răn đe các thế lực có mầm mống, tư tưởng cát cứ còn tồn tại ở vùng đất phương nam, và tiêu diệt tận gốc tàn tích cát cứ ở vùng đất quan trọng là Gia Định.

Kết luận
          Qua những phân tích dựa trên sử liệu của triều Nguyễn như trên, có thể khẳng định rằng việc vua Minh Mạng thi hành trọng án đối với trường hợp của Lê Văn Duyệt hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tình cảm cá nhân hay những điều được cho là sự hận thù của nhà vua đối với vị khai quốc công thần này. Những trọng tội mà triều đình theo lệnh vua Minh Mạng quy cho Lê Văn Duyệt, thể hiện việc nhà vua muốn qua vụ án này nhằm xoá bỏ hoàn toàn ảnh hưởng uy tín của vị Tả quân ở vùng đất Nam Kỳ, đồng thời răn đe mọi ý đồ cát cứ nếu có của các bậc khai quốc công thần khác còn sót lại đến lúc ấy. Qua đó, thấy được cốt lõi của vụ án là nhà vua muốn khẳng định chính sách tập quyền, thâu tóm quyền lực về chính quyền trung ương, xoá bỏ xu hướng phân quyền cát cứ ở các địa phương trước đây.
Chú thích:
  1. Lê Văn Khôi tên thật là Nguyễn Hữu Khôi, quê ở Cao Bằng. Năm 1819, khi Lê Văn Duyệt được vua cử đi Kinh lược các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Nguyễn Hữu Khôi do can tội đã đến đầu thú với ông. Thấy Khôi là người có tài năng nên Lê Văn Duyệt thu dụng và nhận làm con nuôi.
  2. Ngày xưa, các vua chúa thường xưng với kẻ khác là “cô” (cô quả, đơn độc) để tỏ vẻ khiêm tốn.
  3. Năm 1815, con trai Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Tuyên, đỗ cử nhân, làm bài thơ tỏ vẻ ngông nghênh, bị kẻ xấu tố cáo là có ý đồ “mưu phản” nên Gia Long giao cho triều đình bắt giam, xét xử. Nguyễn Văn Tuyên bị khép tội tử hình, Nguyễn Văn Thành bị liên đới. Nguyễn Văn Thành cầu cứu Gia Long nhưng nhà vua khước từ nên ông phẫn uất tự sát.
  4. Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, NXB Văn hoá Thông tin, 2009, tr. 108.
  5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo Dục, 2000, tr. 93, 134.
  6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo Dục, 2000, tr.62.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo Dục, 2000, tr.354.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét