Tuổi ba mươi, đứng trước gương, chị thấy xương đòn hằn lên càng nổi rõ vùng ngực khô gầy. Mái tóc rối và xơ xác. Chị chạnh lòng thầm hẹn: Mười năm nữa sẽ chăm chút lấy lại nét đẹp xưa.
Tuổi bốn mươi, đứng trước gương, giật mình hóa ra lâu nay chỉ có vài bộ quần áo, chị e ngại phải dự tiệc cưới ngoài xóm chợ. Rồi chị tự nhủ, mười năm nữa, biết đâu mười năm nữa mình sẽ còn lại chút gì của ngày trước.
Ngoài năm mươi, đứng trước gương, thấy tóc ngả màu, mặt hằn những nét chân chim. Vừa qua cơn bệnh, chị lo không đủ sức để lo cho bé ba và thằng út được vào đại học như anh của nó.
Chợ
Con gái thành phố theo chồng, làm dâu mẹ quê. Cha dặn: “Đất lề, quê thói. Đàn bà cái hạnh ở nhà, cái nết ở chợ”.
Mẹ chồng giao tiền đi chợ. Món tiền còm. Mua sao cho tròn mâm cơm?
Ở chợ bực mình vì giá cả nhưng cố nhịn, mềm mỏng. Lời nhỏ nhẹ bị át bởi lời chanh chua, không cãi… Lòng vui khi thoáng nghe “...nhì thời tu chợ... Con nhà ai đẹp nết!”.
Sau bữa cơm chồng nói: “Mẹ theo em đi chợ. Mẹ rất vừa lòng!” Giật mình tự hỏi: ”Mẹ theo mình ra chợ!?"
Vết sẹo
Cận thấy trên tay bố có một vết sẹo thật to. Hỏi mẹ, Cận mới biết vết sẹo đó là do Cận gây nên. Nói đúng hơn là khi Cận mới hai tuổi, mới chập chững đi, bị vấp ngã suýt té xuống ao, may mà có bố, nếu không thì… Nhưng bố lại va vào một cọc nhọn cạnh bờ ao, một vết toét nơi tay còn để lại sẹo đến bây giờ.
Khi kể về vết sẹo ấy, mẹ còn nói:
– Đó là vết sẹo con nhìn thấy, Bố con còn biết bao nhiêu vết sẹo không nhìn thấy được!
Đã hai mươi năm qua, chưa bao giờ Cận thấy bố nói về vết sẹo trên tay và vết sẹo không thấy trong lòng bố. Qua lời mẹ, nhìn lại mình, Cận biết trong lòng bố đến nay vẫn còn những vết thương chưa thành sẹo.
Cha
Nhà đông con. Cha mẹ tôi vất vả, bươn chải nhiều nhưng nhà vẫn nghèo. Nhìn mâm cơm gia đình đạm bac, cha buồn. Đôi khi có thêm thức ăn cải thiện, mẹ gắp cho cha. Cha không ăn và gắt lên: “Không muốn ăn!” Nhưng tôi hiểu: Cha nói dối. Khi trời mưa lạnh, không ai muốn ra đường, cha ra sông cất cá. Đến bữa cơm, tôi thấy trong mắt cha ánh lên niềm hạnh phúc.
Đến giờ, khi chị em tôi đã lớn, có thể mua biếu cha mẹ những món ăn ngon thì cha bị bệnh tiểu đường phải ăn kiêng, không ăn được những đồ ăn ngon nhiều dinh dưỡng.
Đèn tắt
"Gíó đưa bụi chuối sau hè", câu hát đau lòng thuở các con còn bé và từ sông lạch tôi phải trở thành biển cả để con tôi có cha.
Còn nhớ lúc nghèo. Khi ấy quê tôi chưa có đèn điện, tôi thường dẫn các con đi xem phim. Xách lồng đèn bắt nhái cùng con chó đi theo, vô rạp nó nằm im dưới ghế. Khi về trời mưa bùn sình, thằng lớn cõng thằng út. Lon ton con chó theo sau….
Mẹ cùng con. Đường dài. Phim buồn. Mưa khóc nhìn đèn tắt.
Cha tôi
Ngày bé, mỗi lần nghịch bị hàng xóm mắng vốn, cha lại bắt tôi cúi xuống rồi quất liền mấy roi vào… gối, miệng thì hét lớn “chừa chưa, từ nay còn phá nữa thôi!”, cốt để cho bác hàng xóm hả lòng hả dạ. Chỉ có tôi là nằm im thin thít, đợi cha nói nhỏ “chạy đi con” là như mở cờ trong bụng, ba chân bốn cẳng chạy ra cửa, còn nghe tiếng cha nói với theo “Đi luôn đi, con với cái gì hư quá!”.
Lớn lên có con, mỗi lần con nghịch, cầm roi định đánh, nhớ đến cha ngày xưa, lại thôi, không đánh nữa.
Món ngon của mẹ
Mẹ cả đời vất vả, nhịn nhường, chưa từng tự tay gắp miếng ngon. Ăn cơm, chỉ ưa nhất món mắm cà làm xổi.
Cha bảo thương mẹ nhưng có bao giờ quan tâm mẹ nghĩ gì, thích gì.
Và gánh nặng gia đình đâu thấy cha ghé đỡ cho mẹ nhẹ vai . Về già, cha đổi tánh, càng khó chịu. Đòi ăn chay trường. Giỗ mẹ cũng bắt phải cúng chay. Con lén đặt vào góc khuất bàn thờ dĩa mắm cà mẹ ưa ngày trước. Lòng ngùi ngùi. Sống sao thác vậy. Sinh thời mẹ đâu biết ăn chay!
Nỗi buồn
Còn chưa đầy một tháng nữa là đến thời hạn cuối nộp học phí. Con luôn bị nêu tên. Điện về nhà mẹ bảo chờ thêm ít hôm nữa. Cuối cùng thì tiền cũng đã được gửi ra, con không còn lo nằm trong danh sách “đen” bị nêu tên trên bảng thông báo của trường nữa.
Nghỉ hè về nhà thấy chuồng trâu trống trơn. Con hỏi, mẹ bảo sợ con bị đuổi học nên bán rẻ cho người ta rồi. Nhìn thấy thửa ruộng khô cằn cỗi mà nước mắt con chãy dài trên má…
Cái gối
Nhà nghèo, hai chị em phải nằm chung một cái gối. Tối, giành nhau, em đẩy chị, chị mắng em… nhưng cả hai đều ngon giấc.
Chị xa nhà, em chẳng còn người chung gối.
Nó thèm được giành nhau với chị. Nó nhớ chị, không ngủ được.
Chị được nằm một mình cả hai gối, chẳng ai giành giật. Chị thương em ở nhà thay chị làm bao nhiêu công việc. Chị khóc và mất ngủ….
Nhà chật
Không còn chỗ nào khác, phải đặt bàn thờ má ở ngay cửa sổ. Hũ đựng cốt đặt cạnh hình thờ, lâu dần có thói quen luôn tay đóng cửa vì có cảm giác như má đang bị nóng khi nắng chiếu vào và lạnh ướt khi trời đổ mưa.
Hôm nay giỗ má lần thứ hai. Nắng chiếu vào hũ cốt nóng hổi. Choàng tay qua bàn thờ đóng cửa, cảm giác như đang ôm má vào lòng, bất chợt nói thầm: “Má ơi, má đang ở nơi nào? Về thăm con nghe má!”, lòng bổng nhói đau.
Đưa đón
Ngày xưa nhà nghèo. Mỗi ngày Ba chở hai con đi học trên chiếc xe đạp cà tàng. Đường đến trường nhiều dốc cao. Ba, người đẫm mồ hôi vẫn cố còng lưng đưa hai con đến trường đúng giờ. Có hôm trời mưa như trút nước. Ba cha con chỉ có một áo mưa. Ba nhường cho hai con để không bị ướt. Trên đường đi, Ba thường kể chuyện vui cho hai con nghe. Dù mệt hay khỏe, không bao giờ nghe Ba than một tiếng.
Nay sang đây định cư. Hai con đã trưởng thành và vững chãi. Còn Ba tuổi già không lái xe được. Đi đâu cũng phải khó khăn nhờ hai con chở.
Hôm nay có mấy người bạn đến mời họp mặt. Ba nhờ hai con đưa đón. Đứa em thoái thác: “Con không rảnh đâu, ba nhờ chị Hai chở đi”. Nó lên xe chạy vội ra quán cà phê tán gẫu với bạn bè. Chưa kịp nhờ, cô chị đã gắt gỏng: “Già rồi, không lái xe được, chịu khó ở nhà cho yên thân, đi ra ngoài làm chi để người ta phải mất công đưa đón”.
Ba nghe nói. Buồn. Làm thinh. Thẫn thờ ra sau vườn đốt điếu thuốc.
Mẹ ngồi nghe thấy hết. Nhìn theo Ba, nước mắt rưng rưng.
Biển và những giấc mơ
Bố và con dạo biển. Bố chỉ tay về phía chân trời: “Con còn trẻ, hãy như sóng miệt mài… Bố già rồi sẽ làm bờ cát cho con…”.
Mắt bố dõi nhìn mặt biển xa xăm và gieo vào lòng con một giấc mơ.
Thời gian theo chân sóng. Con học giỏi. Lòng bố vui và một ước mơ….
Ngày giỗ mẹ, bố đau nặng. Con nhận tin thi trượt. Sợ người thêm đau, con nói dối….
Một tháng sau, bố khỏe lại với nụ cười rạng rỡ.
Con lại xa nhà…
Giấc mơ vẫn còn dang dỡ!
Điều thiêng liêng
Theo lệ thường, cứ mùng một Tết má bắt cả nhà đi viếng mười ngôi chùa để cầu an, cứ thế cho đến khi anh em chúng tôi lần lượt trưởng thành. Bạn bè nhiều. Tết đến bốn anh em chỉ mong đi chơi cho thỏa thích. Không còn muốn theo má đi chùa nữa, nên mỗi đứa một lý do… Má lặng lẽ một mình đến chùa cầu an.
Năm nay, má mất. Bốn anh em mỗi đứa gia đình riêng, Tết đến như thấy thiếu điều gì thiêng liêng lắm, dường như là sự bình an trong tâm hồn…
Hai chiếc lá vàng
Sớm khuya, trong góc bàn căng -tin, ông uống cà phê còn bà ăn cháo. Ngồi đối diện, thỉnh thoảng họ trộm nhìn nhau. Ông gọi tính tiền, bảo: “Tính luôn tô cháo…”. Bà ngạc nhiên... Bước đến quầy, bà mua cho ông chiếc bánh tiêu. Ông rót cho bà ly trà nóng….
Ra tới ngạch cửa, bà đi sau nhắc nhở: “Ông coi chừng mấy bậc thang nghe!….” Quay nhìn lại thấy chân bà khập khiễng. Móc chai dầu nóng đưa cho bà, ông bảo: “Bà giữ xức cho ấm chân”.
Ông chậm rãi bước. Bà đứng lại nhìn theo.
Thơ và toán
Ngoài trời mưa rả rích. Anh chợt nảy ra một từ cho khổ cuối của bài thơ dang dở. Anh như đấm hồn vào câu thơ buồn, mang tâm trạng của một kẻ cô đơn đi trên con đường vắng.
Nhưng nào anh có cô đơn, chỉ bên kia vách phên mục, mẹ anh đang nhẫm tính sao cho bữa ăn có đủ chất để anh có sức mà học, khi gánh chè bán hết cũng chỉ kiếm được 20.00 đồng.
Đôi khi người ta đọc một bài thơ rất lãng mạn mà không thấy bên cạnh có một bài toán rất khó giải
Tôn sư trọng đạo
Ông nội tôi là cụ đồ nho quanh năm quần ta, guốc mộc. Tết nào học trò cũng đến. Ông mất, họ khóc suốt đêm.
Bố tôi là thầy giáo thời trước sau này về làm ruộng chân lấm tay bùn. Và học trò cũ có dịp gặp, cúi đầu: “Con chào thầy”, lễ phép.
Tôi là giáo viên thời bao cấp, dép Lào, áo linh, một buổi lên lớp, một buổi bán kem cây. Học trò vẫn “chào thầy” kính cẩn.
Gẫm lại ba đời thầy, phảng phất đâu đây lời “tôn sư trọng đạo”
Quấy rầy
“Con gái mà quậy hơn con trai!”.
“Mầy chỉ quấy rầy ba thôi!”.
Tôi thường mắng mỗi khi nó đòi cuốn sách tôi đang đọc, bắt tôi cõng đi chơi khi đang bận bịu. Tội nghiệp, con mắc chứng bại não thêm dị tật bẩm sinh nhưng khi bị quấy rầy tôi vẫn thế.
Con bỏ ăn hai ngày rồi đột ngột qua đời. Tôi cảm nhận rõ ràng sự hụt hẵng khi gia đình mất đi một người thân.
Trong ảnh, nó vẫn nhìn tôi, ánh mắt ngây thơ hiền hòa như muốn nói: “Con không quấy rầy ba nữa, ba ơi!….”
Lòng mẹ
Ba mất. Mẹ đi lấy người khác. Tôi giận mẹ, khăn gói lên thành phố sống với dì. Mỗi tuần mẹ đều ghé thăm nhưng tôi không muốn gặp. Ngày tôi tốt nghiệp đại học, mẹ đứng nép ngoài giảng đường mỉm cười sung sướng lúc tôi lên nhận bằng. Tôi quay đi vờ như không thấy, chút nữa nước mắt chảy ra. Khi tôi kết hôn, mẹ đến chúc mừng, tôi cũng chẳng quan tâm. Rồi tôi mang thai đứa con đầu lòng. Tôi đau đớn, vật vã, lúc đó tôi mới hiểu được lòng mẹ. Khi đứa bé chào đời, tôi bật khóc nắm lấy tay mẹ, mẹ xoa đầu tôi, vuốt ve đứa cháu.
Mê tín
Các con lớn lên và xa dần vòng tay của mẹ . Ngày ngày trong căn nhà nhỏ mà lòng để tận nơi xa, mẹ cầu mong cho các con “chân cứng đá mềm”. Gửi niềm tin vào trời Phật. Cô đồng nào gần xa mà mẹ không biết, chùa nào lớn bé mà không in dấu chân của mẹ. Điện về nhà là lê thê những “sao hạ, ngày kiêng tháng cữ”,con mỉm cười. ”Mẹ lại mê tín!.”
Mẹ bệnh rồi, lòng như lửa đốt. Làm sao đây?… Con chắp tay nguyện cầu… Biết đâu lời nguyện cầu sẽ trở thành sự thật!.
Gọi mùa yêu dấu
Còn nhớ, trên chiếc xe đạp sườn đầm, ba đã từng đưa rước mình sớm hôm đi về thời tiểu học. Hồi ấy, hơn tất cả những gì có được, dường như mình cảm thấy sung sướng và vô cùng thương ba mẹ.
Rồi ngày thi vào đại học, ba vẫn muốn đưa mình tới tận trường thi, cũng bằng chiếc xe đạp cũ ngày nào. Không dưng mình lại nghe lòng bất ổn vì chút thẹn trước mọi người.
– Ba đưa mầy đi để đỡ phải đạp xe. Dành sức làm bài cho tốt con à!..
Nhìn ba mẹ sớm cằn cỗi trước cuộc mưu sinh nhiều nghiệt ngã, bất giác mình thèm sống lại chút gì của cái thuở nào xưa.
Cứ ngỡ
Yêu anh, nó cứ ngỡ mình có cả thế giới. Đọc báo thấy những chuyện tình tan vỡ, nó nhún vai: ” Chuyện người khác…"
Rồi anh xa nó. Thoạt đầu, nó ngỡ trái đất này chỉ toàn màu đen. Nhưng mọi thứ vẫn vậy. Mặt trời vẫn chiếu sáng mỗi ngày. Nó vẫn đi về, vẫn cười, vẫn nói, chỉ có lòng là buồn hơn. Bây giờ khi đọc về những câu chuyện chia ly, nó ngỡ họ đang viết về mình.
Cứ ngỡ, cứ ngỡ, nó cứ ngỡ tất cả là một cơn mơ…