31 thg 1, 2020

“Mai Ly Hương" Đào Anh Dũng (Báo Trẻ-Số Tết 2020 )



Như mọi năm, Tuấn canh đúng chín ngày trước Tết anh mới chọn vài cành forsythia xum xuê nhất để chưng ở hai bình sứ trong nhà. Hoa vàng forsythia sẽ nở rộ vào mùng một Tết, không sai. Cách nay hơn mười năm, Tuấn tình cờ biết loài hoa này nhân lúc anh đưa mẹ đi dự lễ cầu siêu cho một bác bạn thân của mẹ ở chùa Phật Ân.
Xong lễ, trong lúc mẹ còn đang thăm viếng, phân ưu cùng tang gia, Tuấn đi vòng quanh ngôi chùa, xem xét những công trình của quý phật tử địa phương, thầm khán phục sự hy sinh cũng như sáng kiến và tài khéo léo của họ đã biến ngôi nhà quàn bỏ trống trở thành một khuôn viên chùa khang trang, làm nơi thờ phượng và họp mặt của giới phật tử Việt Nam tại tiểu bang mang danh vạn hồ này. Bấy giờ là đầu mùa Xuân, vạn vật như sống lại sau gần sáu tháng giá lạnh. Phải, mùa đông Minnesota không những dài như thế, mà còn lạnh khủng khiếp nữa. Ở đây người ta không nói lạnh dưới không độ mà 20, 30 độ âm. Tuấn không sao quên ngày đầu tiên anh đặt chân đến phi trường Minneapolis/St. Paul vào cuối tháng bảy năm 1975, mùa hè nóng bức mà anh mặc chiếc áo khoác dầy cộm. Hai tuần trước, khi nghe anh nói sẽ định cư ở Minnesota, quý ông bà người Mỹ làm việc thiện nguyện ở trại tỵ nạn Eglin, Florida, lắc đầu nói nơi đó lạnh lắm và họ chọn cho anh chiếc áo khoác ấy để mặc cho ấm. Khi đi ngang qua một cửa hàng trong phi trường, Tuấn thấy những chiếc áo T-shirt bày bán có in hàng các chữ:
Minnesota
Spring Spring
Summer Summer
Fall Fall
Winter Winter Winter Winter Winter Winter

nhưng anh không hiểu nó có ý nghĩa gì nên hỏi ông bà bảo trợ. Họ cười và giải thích rằng mỗi tên mùa in trên áo là một tháng trong năm. Bây giờ, nhớ lại kỷ niệm năm xưa, Tuấn không nhịn được một nụ cười, thầm nghĩ: "Khi hiểu được thì gần 20 năm!" Nhưng, cũng như trăm, ngàn đồng hương khác định cư tại tiểu bang này, anh đã chịu đựng được cái lạnh Minnesota. Nhờ vào đâu?

Dọc theo lối đi vào cửa chùa có hai hàng hoa vạn thọ. Lẽ dĩ nhiên là nhà chùa mua từ các chợ hoa, từ các tiểu bang miền Nam chở đến, chứ họ không thể tự trồng cho đến nở hoa trong lúc cơn tuyết cuối mùa mới đổ cách nay hai tuần, Tuấn ngẫm nghĩ như vậy. Những bụi hoa vạn thọ màu vàng, màu của áo cà sa, tuy đơn sơ nhưng chúng mang lại dáng vẻ ấm cúng của những ngôi chùa ở quê hương xa vời nằm bên kia trái đất. Tuấn mải mê ngắm hàng hoa vạn thọ, chìm đắm trong nỗi buồn hoài hương, đến khi anh nhận ra một bụi cây cao khoảng ba thước, chi chít hoa màu vàng tươi óng ánh, đứng khiêm tốn nơi góc chùa. Tuấn hoa mắt, tưởng chừng như mình đang nằm mơ. Hoa mai? Làm sao Minnesota có được hoa mai? Hay là vị phật tử nào đó nảy ra sáng kiến kết hoa mai vải trên cành cây để tạo dáng mùa xuân, cho vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương? Tuấn bước lại gần bụi cây, nhìn tận mắt những đóa hoa bốn cánh, vàng tươi, nhỏ nhắn, xinh xắn, không to và rạng rỡ như hoa mai, mọc chen chút đầy trên cành cây trơ trụi chưa ra lá. Tuấn bước ra xa, cách vài mét, nhìn bụi hoa xa lạ một lần nữa. Nó trông thật giống cây mai già trước nhà Nội ngày nào, cây mai mà năm nào anh em Tuấn cũng lặt lá, rồi mong đợi từng ngày, khi nó trổ hoa là Tết đến. Ôi, những ngày thần tiên đó, nay chỉ còn là kỷ niệm trong tâm khảm mà thôi.
"Đẹp chứ hả cậu?"
Tuấn giật mình, anh quay lại thấy một người đàn ông tuổi độ 60 đứng sau lưng mình tự hồi nào.
"Dạ, thưa bác, hoa đẹp quá! Đứng từ xa trông như là hoa mai của mình. Cháu cứ tưởng mình đang nằm mơ..."
"Tên bông là Pho . . Si . . A . . gì . . . gì đó, tôi không rành. Có bán ở các chợ hoa của Mỹ. Thôi, mình không có mai quê hương thì chọn nó là mai ly hương vậy, như mình chọn đất nước nầy là quê hương thứ hai của mình đó cậu."
Mùa xuân năm ấy Tuấn cố tìm cho ra loại "mai ly hương", mới biết tên thật của nó là forsythia. Anh mua hai cây, trồng trước nhà xen giữa các bụi evergreen, cây "lá thuộc bài" của thời học trò. Nghĩ đến lời nói của bác đồng hương ở chùa Phật Ân, Tuấn gọi forsythia là "mai ly hương". Hai bụi "mai ly hương" anh trồng lớn như thổi. Hai năm sau chúng trổ hoa đầy cành, mặc dù muộn màng vì sau Tết ta đến hai ba tháng, nhưng “có còn hơn không”. Trong khi đó, cây "mai quê hương" Tuấn mua từ California, chăm sóc nó như trứng mỏng, như đứa con cầu tự, tưới nước đúng ngày, vừa đủ, thay đất vun phân, trồng trong một chậu sứ, chiếm một chỗ quan trọng trong phòng khách, gần cửa sổ cho có ánh nắng; vậy mà bao năm nay nó cứ trơ trơ ra đó, trong khi hai bụi "mai ly hương" Tuấn không cần phải chăm sóc, mỗi năm chúng trổ hoa đúng hẹn, báo hiệu xuân đến cho mọi người. Chỉ tiếc một điều là hoa nở được khoảng một tuần thì mưa rơi, gió thổi nên rơi rụng hết. Có lẽ vì thế mà nhiều người Mỹ không thích forsythia. Năm bảy nhà mới thấy một bụi trồng ở góc vườn, trông như một đứa trẻ bị bỏ rơi, một con chiên lạc bầy, một kẻ đứng bên lề cuộc đời...


Nhớ đến những cái Tết đầu tiên xa quê hương, Tuấn cảm thấy chúng lạt lẽo làm sao! Nhà nào cũng cố gắng mua hay tự nấu các món ăn Tết như là mứt, bánh tét, bánh chưng, thịt kho dưa giá... Trẻ thì tung tăng, vui nhộn, áo quần tươm tất, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, được những bao lì xì màu đỏ. Nhưng, không có cành mai, đối với Tuấn, Tết như không có hồn, Tết không trọn vẹn. Cho đến khi có vài sự "đổi mới" ở quê nhà, chú em gởi cho một bọc hoa mai vải, Tuấn chặt cành cây kết hoa mai giả vào, chưng trong nhà, đứng xa trông cũng đẹp, cũng tạm thấy được không khí Tết vào những ngày đầu năm Âm lịch. Vài năm sau, nhân có gia đình người anh họ từ California đến thăm mẹ ngay trong dịp Tết nên Tuấn lo trang hoàng nhà cửa rất sớm. Khoảng hơn một tuần trước Tết Nguyên Đán, Tuấn định ra tận bờ rào sau nhà chặt hai cành cây để kết hoa mai, nhưng hôm ấy trời đổ tuyết thật nhiều và gió cũng khá mạnh, nhiệt độ xuống thấp, anh vội vã cắt hai cành "mai ly hương" trước nhà, kết đầy hoa mai và chưng vào hai bình sứ, một bình ở phòng khách, và bình kia ở phòng gia đình. Rồi, Tuấn quên chúng đi vì đôi khi anh thấy những đoá hoa vải ấy mang dáng hoa mai, nhưng chúng vô tri giác, thiếu nét sống động của mùa Xuân.
Chiều 30 mươi Tết, cả nhà tề tựu đông đủ. Sau khi mẹ Tuấn mời cả nhà đọc kinh cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã che chở gia đình trong suốt năm qua, anh chị em con cháu quay quần bên mâm cơm, ăn uống, trò truyện vui vẻ. Thằng Tim, con của Tuấn, tánh vốn kỹ lưỡng, còn loay hoay dọn dẹp cho gọn mấy tờ báo Xuân ai đó đọc dở dang để trên bàn trong phòng gia đình. Chợt nó gọi cha, giọng đầy hân hoan và bất ngờ:
"Ba ơi, lạ quá ba ơi! Bông forsythia sắp nở rồi!"
Cả nhà bỏ đũa, ùa ra phòng gia đình, nhốn nháo lên:
"Đâu ? Đâu? Bông gì nở?"
Tuấn nhìn cành "mai ly hương", thấy chi chít những nụ vừa nhú màu vàng, lòng anh rộn rã ngây ngất hồn xuân anh đã đánh mất từ ngày bỏ xứ ra đi. Mẹ Tuấn đưa tay đỡ nhẹ cành "mai ly hương", sung sướng nói:
"Tốt lắm. Tạ ơn Chúa! Ngày tư, ngày Tết, nhà nở đầy bông. Vậy là năm mới nhà mình có phước lắm đó con!
Người chị dâu họ lúc ấy lên tiếng:
"Tưởng gì chứ ở Cali tụi nầy... thiếu gì! Người ta chưng bông mai thứ thiệt chứ sá gì cái loại mai Mỹ nầy!"
Chợt nhận ra mình lỡ lời, chị nhẹ giọng:
"Nhưng có ở xứ lạnh, mình mới thấy nó quí giá như thế nào!"

Tuấn trở lại phòng ăn, vui vầy với gia đình, nhưng lòng anh vẫn còn vương vấn đến forsythia, "mai ly hương". Có thể nói nó là của đáng ghét của một số người Mỹ, nhưng lại được nhiều người Việt sống xa xứ ưa thích, ngày Xuân nhìn nó mà vọng về quê hương, nhớ thương ray rức. Tuấn thấy nó giống như những món hàng bán garage sale, bán đổ bán tháo vì đối với người bán chúng là đồ bỏ đi, nhưng lại là món cần thiết, vật hiếm có đối với một số người mua. Rồi Tuấn nghĩ đến thân phận của nhiều người Việt tha hương, ở quê nhà bị xem là "ngụy", nhiều người có tài, có đức, đã qua bao năm "cải tạo" rồi nhưng cũng không được ai dùng đến. Rồi Tuấn tự hỏi, vậy thì tại sao mình không biết sống đời như cây "mai ly hương", thản nhiên khoe sắc, khoe tài của mình, giúp tạo nên mùa Xuân nơi đã chấp nhận, cưu mang mình, để sống còn ở cái xứ rét giá nhưng đầy tình người, nhiều cơ hội này? Hỏi tức là trả lời. Lòng hân hoan, Tuấn nâng ly, mừng tuổi mẹ, chúc Tết cả nhà và anh không quên cám ơn Chúa đã ban cho nhân loại, đặc biệt là người Việt xa xứ, loài hoa "mai ly hương" tuyệt vời.

 
Đào Anh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét