13 thg 1, 2020

AO BÈO- Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ MINH HOA

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ MINH HOA
LTS: Tác giả Nguyễn Thị Minh Hoa sinh năm 1975 tại Hà Nội; tốt nghiệp Ngữ Văn đại học KHXH & NV; hiện nay là Phóng viên đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài công việc làm báo, Nguyễn Thị Minh Hoa còn đam mê sáng tác văn chương và đã có một số truyện ngắn được đăng báo. Nhân dịp tập truyện ngắn Hoan lạc đỏ của chị vừa được NXB Hội Nhà Văn ấn hành đầu năm 2019, vanvn.net xin giới thiệu một truyện ngắn mới của cây bút nữ này.
Ao này có thế đắc địa, đón nắng mưa, có cổ thụ rủ bóng, có cỏ ven bờ và thủy sinh đông đúc đã từ lâu, thâm căn cố đế cả, nên cuộc sống phong phú lắm. Cóc nhái, ễnh ương, nòng nọc, rô, trê, trắm, ốc, cua, lươn trạch…cùng châu chấu ma, cào cào và giun dế sống cùng nhau. Trên những tán cây, có tổ chim đan cầu kì, bền chắc, hẳn chủ nhân là những cánh chim mải miết bay trên bầu trời cao rộng và cất tiếng hót cao sang vang lừng trời. Xa xa, trong khu rừng thẳm tiếng gầm cũng vang như sấm của loài chúa sơn lâm vọng lại. Đám lao xao không đáng sợ hãi như hươu, nai hay những đối thủ của chúa sơn lâm, chúng sống cuộc đời của chúng. Thi thoảng cũng vờn bóng xa xa để thiên hạ nhìn thấy, khen chê, hoặc khiếp sợ. Khối kẻ cho rằng đó là những kẻ nhạt nhẽo, tầm thường, vớ vẩn không thèm chấp. Những cánh bướm xinh, rập rờn lấy nhụy hoa dệt nên những bộ cánh đẹp nhất để sống một cuộc đời phù du và tai tiếng. Những sắc màu ấy đẹp cho ai, thỏa mãn ai, hay chỉ là sự duy trì nòi giống như sự mặc định của số phận. 
Mùa nào cũng có sự toan lo của mùa ấy. Khi nước đục ngầu, tấp nập những mưu sinh, khi lặng như tờ trong leo lẻo thì sự mưu sinh của chúng cũng không phải đã dừng lại. Những con ốc câm lặng, có tấm áo vàng óng cho sự nhận dạng dòng giống ốc nhồi đã từ lâu không lên tiếng, lặng thinh vì miếng ăn đủ đầy, sẵn có, vì sự an toàn, không dây vào kẻ khác để phòng thân, cố thủ trong vỏ bọc của mình đã lâu, nên rêu xanh bám đầy. Chúng vẫn lặng im, băn khoăn giữa việc lên tiếng hay không, bò lên phơi nắng trên mặt cánh bèo Tây để rêu chết khô, lộ màu vàng nguyên sinh của mình hay thây kệ đám rêu ăn vào vỏ đến biến dạng, nặng thân. Chúng sợ, sợ bọn trắm ốc tợp, nhai rau ráu trong mồm, nghiền nát cả lớp vỏ ấy trong những cái răng to đùng sâu gần cuống họng đỏ lừ, nóng hổi của chúng. Một lúc nào đó trưởng thành hay già nua thì rêu đã xanh thẫm, có khi lên đến vài ba lớp, như lớp ngụy trang kĩ lưỡng khiến loài ốc bươu yên tâm mà sống chung với rêu bám nhằm thoát khỏi cái chết bất thình lình từ loài trắm ốc ăn tạp. Phải nuôi một loài kí sinh dần dà cũng thành quen. Bọn ốc mít, ốc vặn cũng học theo. Chúng lẩn xuống tầng đáy, thây kệ mặt trời, trăng sao và gió. Chúng hạnh phúc bởi lớp bùn tanh hôi đem lại cho chúng nguồn sống. Chúng cũng chấp nhận bọn rêu bám như một sự di truyền của loài cao sang hơn.
Bọn cua đào hang bên mép nước. Chúng bơi được, bò được và giương đôi càng của mình lên đầy kiêu hãnh. Chúng có thể nói hàng giờ về tổ tông mình đã truyền dạy cho chúng cách thích nghi sống cả trên cạn cả dưới nước, cách đào hang trú ẩn an toàn. Những con cua dấu tiệt vết tích lõm do bị trâu giẫm tự thủa xa lắc. Những con cua màu tím thẫm, càng to, hung dữ bơi trong nước, cắp một con nòng nọc bỏ vào mồm diệu nghệ như một kĩ sư khéo léo với cái cờ- lê trong tay. Những ả cua đá bơi thong thả vì cái bụng trứng vướng víu, hậu quả của những ngày dục tình náo loạn, sồn sột đào đất bên bờ ao. Nay mai đẻ xong, trứng lúc nhúc nở cua non. Con mẹ đợi mùa hè lột xác non bấy, như chưa từng lang chạ, đẻ và phó thác bầy con cho dòng nước. Cho dù là con cua mực già hay ả cua đá duyên dáng bơi nghênh ngang dưới nước, bò ngang trên cạn thì cũng có cái nông nổi của nó. Nếu gặp con ếch viền xanh kia, chúng cứ nguyên dạng thế thì có chết ai, đằng này chúng nằm im, co rúm trong sự sợ hãi truyền đời. Con ếch điềm nhiên nhẩy bổ tới, nuốt gọn. Con cua chấm dứt nhanh chóng khoảnh khắc sợ hãi. Chúng chết toàn thây trong cái tù và thon gọn, chật khít và cái chết ngoan ngoãn ấy cho con ếch cảm giác của sự chiến thắng, no nê và kiêu hãnh trong bầy đàn của chúng. Những con ếch khác phồng bụng kêu trong đêm để mong rằng chúng sẽ tìm thấy một ả cua kềnh nào đó cho bữa đại tiệc của mình.
Những con cá rô rạch đến đây vào một mùa mưa lũ nào chính chúng không còn nhớ, ngoài sự tàn sát của giặc nước. Chúng mang máng nhớ cảm giác sung sướng của kẻ khám phá dòng nước mới. Chúng mắc nạn, rẫy đành đạch, ngạnh sắc nhọn quật vào đá trên đường gẫy gục. Chúng thoi thóp nghĩ đến sự trả giá của tuổi trẻ, non nớt, ngông cuồng. Nhưng rồi, dòng nước xô lên ào ạt, chúng bị cuốn cùng đất, sỏi, lá và cành khô xuống cái ao bèo này. Chúng to khỏe, ngu dốt và ăn tạp. Chúng là cư dân ở tầng đáy hay tầng giữa khó mà xác định được. Chúng hung hăng và ương ngạnh. Chúng ăn đòng đong không thương tiếc, ăn ốc nhỏ và tợp lấy tợp để những ngọn cỏ bên bờ sà xuống nước. Chúng hung hăng bảo vệ cho những con trê già nhớt lèo, đầu mốc, má xệ, râu đứt nên khối kẻ sợ chúng. Bao đời trê thay nhau bá chủ tầng thủy sinh này khiến những đàn rô sinh sôi, đen trũi ngạnh sắc càng dữ tợn. Chúng hung dữ bởi cái đầu cứng dám xả thân, chúng có thể húc đầu vào cành lũa cả trăm năm để bảo vệ con trên già nhớt lèo, bệu bã kia. Chúng có lãnh địa và được bảo kê nguồn thức ăn riêng, nên loài rô này có sự trung thành nhất định. Tất thảy đều biết những con trê già sống trong bóng đêm bùn đọng kia bơi còn khó nữa là sức mạnh. Nhưng quyền năng của chúng khiến cái ao bèo có sự sống riêng không giống những dòng chảy và biển cả. Những con đuôi cờ với màu vảy lấp lánh, chẳng có việc gì ngoài việc bơi tung tăng. Chúng thương hại loài ốc mù lòa và ước ao bay lượn được như chim và cất những tiếng hót vang trời. Chúng sống bằng ước mơ hay sự hận thù không rõ? Đôi con tỏ ra nguy hiểm, chúng nghĩ những thông điệp chúng có là quan trọng. Nhưng khi bị con rô đen ngòm tợp cho cái vây rách mướp chúng lại ngoan ngoãn quy hàng. Loài cá thường gây ồn ào này sống chênh vênh. Ngoài cái mã đẹp, chúng chỉ là loài vô dụng, bọn trẻ con vẫn hát’’ chát xin xít như đít bà già’’. Đó là chỉ loài cá đuôi cờ cá săn sắt hay trẻ con còn gọi là xin xít này. Đôi con lại tìm đến chỗ nước trong, khua vây, múa mép, chúng nghĩ rằng vẻ đẹp và tài năng của chúng đều có thể là những tác phẩm để đời. Rồi chúng tung hê nhau, rỉa rói và cãi cọ nhau. Con đầu đàn xin xít là một con đã bạc màu lấp lánh, tím tái, môi trề cả ra, vây rách mướp theo thời gian. Nó bơi vài đường oai vệ như cái thủa còn tráng kiện. Đôi con cá cái tầm trung nhìn nó vẫn xao xuyến. Trời sinh ra cái giống phong tình, cũng là phải có kẻ hưởng ứng nhiệt liệt. Con xin xít cầm đầu sống bằng quá khứ, oai hùng bằng quá khứ của những ngày cạn khô vì hạn hán. Bản năng chống chọi của nó giỏi khiến nó sống xót. Lại còn những ngày đấu tranh với bọn rô nhập ao, muốn phá bỏ trật tự cũ. Rồi cả những ngày vè vè tiếng bói cá gọi nhau trên cành cây, nó khôn ngoan rúc vào dưới lớp bèo, nín thở, bơi xong mới thả một luồng bong bóng. Bói cá vồ trượt, đàn của nó sống xót nhiều. Đám xin xít hay làm duyên và hùng hồn nhất các loài trong cái ao này. Chúng tiên phong trong các phong trào. Từ việc bơi đi tìm cóc theo sự sai khiến của đám trê già để nói với cóc nghiến răng cầu mưa, cho đến việc những con cá cái xung vào đội múa cờ chào đón những giống nòi đến ao bèo này thăm hỏi hay nhòm ngó. Những con cái phong tình, giỏi dụ đám cá lạ, đôi khi vào mùa đẻ, những con cá lạ hoắc cũng theo đám cá cái vào chỗ vắng phóng tinh vào đống trứng hỗn độn ấy để ra đời những con cá tạp chủng loang lổ ở cái ao bèo này. Những con cá mẹ bỏ đàn để lại sự hoang dâm trên thân xác những đứa con. Nhiều con èo uột, khó sống nổi đã làm mồi cho đám cá rô, cá trê trong ao mà thôi. Chúng nói ra rả rồi quên tiệt nhanh chóng bắt vào những chuyện mới xảy ra mỗi ngày.
Những con cá chép vảy vàng óng như ánh trăng, với đôi râu sang trọng sống chỉn chu và ẩn mình sau tất cả sự mạnh mẽ hay ồn ào xung quanh. Chúng thu về một mối, kiếm đủ ăn, tận hưởng hay đau đớn về cuộc sống ngày một khác, ngày một tệ hơn so với xưa. Chúng tự hào về dòng giống thuần chủng, không lai tạp của mình, chúng cố thủ những vùng nước tổ tông truyền lại và chúng thường kể cho con cháu nghe câu chuyện về dòng giống của mình và lý do người đời chọn cá chép chơi trăng, mà không phải những trắm, mè hay riếc... kể cả loài cá trê sống lâu và uy quyền. Có nguyên do của nó. Vì thủy sinh phải có vẩy, giống cao sang, am tường thủy sinh, hiểu được căn cốt vấn đề, phân định được bạn thù, tới hay lui đều trong toan tính, thu nạp cái mới, nhưng cũng không bỉ bôi cái cũ... lại không ăn tạp, thân thể cho đến suy nghĩ đều thanh sạch... bơi quẫy cũng khoan thai, đúng vùng lãnh thủy của mình, không cố ăn tranh của kẻ khác, không xu nịnh kẻ mạnh,ức hiếp kẻ yếu... Đó là những lý do mà người đời chọn hình cá chép chơi trăng mà không phải những loài khác.
Trăm năm đến nơi, cái ao đã mấy lần binh biến, người ta vớt bèo, rồi thả bèo theo định mệnh của mà bọn thủy sinh phải hứng chịu. Loài chép giờ đã khác. Có những con chết phơi bụng không rõ nguyên do, con thì cấm cung trong lãnh thủy của gia tộc, con thì oán hận đổ vương vãi trong từng sải bơi. Đôi con lại trở nên thân cận loài trê già khiến giống nòi nhà chép thấy lạ lẫm. Đôi con vàng mướt, béo ú lại là do đi ăn cùng đám rô ăn tạp. Chúng lang chạ với đám ô hợp thật không ra thế nào, mất thanh danh quí mà tổ tông dày công vun đắp.
Đám trê già ngày càng tỏ rõ sự độc đoán, phán quyết phần thủy sinh. Đám mè to xác, yếu đuối bơi theo mải miết, đám rô hung hăng rỉa vây tất cả những kẻ chống cự. Đám trắm đen thây kệ, chúng là loài ăn tạp, thức ăn ngon là ốc. Mà cuộc đời ốc đến sáng tối còn không phân biệt nổi, nên sự sống với chúng thật bèo bọt. Chúng còn nghĩ sẽ qua một kiếp nạn ở đời, để một ngày nào đó chúng tiến lên loài thủy sinh có vẩy, có xương. Nên chúng coi mỗi ngày đều tạm bợ và cái chết không liên quan đến lớp bùn được hút vào và đùn ra mỗi lúc, mỗi nơi.
Những con chuồn chuồn bay là là mặt nước, đôi mắt thủy tinh nhìn rõ tận con ngươi lấp lánh đẹp nhưng vô hồn. Chúng báo với các loài sinh sống ở ao bèo này rằng: Năm nay có lũ, 3 cái gò trong ao có thể bị cuốn trôi, một loài thủy sinh sống được cả ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt sẽ vào lãnh thủy này sinh sống và làm bá chủ ao bèo. Cả cái ao nhớn nhác, những con tép đi đưa tin mải miết. Chúng nói về kẻ thù và sức mạnh của những vây và răng kia thật đáng sợ. Những con đòng đong cân cấn bơi đi, nhưng đám diếc và chõn, chuối thì làm thinh. Chúng vẫn lả lướt bơi, hay là quẫy lên những điệu đầy gợi tình để làm duyên với đồng loại. Chúng thây kệ vì chúng nghĩ thượng tầng ấy còn cách chúng quá xa. Ai làm bá chủ cái ao này chẳng thế, chúng vẫn phải đi kiếm mồi, vẫn bụng mang dạ chửa cả vạn trứng và vẫn phải lẳng lơ với mấy con đực cùng giống nòi. Chỉ có vậy thì mới có thể sinh sản duy trì nòi giống. Mấy con diếc cái to bè, lấp lánh ánh bạc trên vẩy luôn tỏ rõ uy lực của cái đẹp mà chúng có. Mấy con tơ chưa đến kì sinh sản vè vè cạnh đám rô đen trũi xin được khoảng rêu hay tổ bọ gậy cho cả đàn khiến chúng càng trở nên lười nhác, tin rằng với biệt tài đong đưa của giống nòi thế, chủ là ai thì chúng vẫn no bụng.
Đám ốc dưới tầng bùn, nhớ lời tổ tông dặn. Xưa cũng có trận đại hồng thủy, cả tầng bùn vốn chỉ có ốc trai hến. Nghe đám trê nói nếu ủng hộ trê già thì đám ốc có thể tự do bơi lặn trên mép bờ, được bảo vệ trước loài trắm ốc, đánh đuổi trắm ốc ra khỏi bờ cõi này, chỉ còn trắm cỏ làm bạn hiền. Họ nhà ốc, nhà lươn, dân không vẩy, xuyên đường hầm sang ao kia làm gián điệp cứu trê già và những loài tầng trên. Đến khi ôn hòa trở lại, đường mạch ngầm từ ao kia sang, có mùn, có rêu, có cái ăn sung túc. Đám trên chốc ấy quên loài dưới bùn. Chúng không cho cả ốc bám vào rễ bèo, chúng không đuổi loài trắm ốc đi mà để cho loài này tận diệt những loài yếu đuối. Ốc không muốn diệt vong nên lặn thật sâu xuống bùn. Chúng tìm nguồn thức ăn ở đó và câm lặng, nghĩ về sự phản bội. Giờ đây, đám kia vui thú, hưởng ngày đẹp trời, luồng thức ăn ngon, hưởng những đêm trăng đẹp gió từ thảo nguyên tràn xuống. Loài ốc thu mình trong vỏ, uất hận hay nuối tiếc, chỉ có bọn chúng mới biết.
Có ngôi mộ bị dạt xuống ao từ đời nào không rõ. Mấy trận cạn hán trơ đáy, cây ổi cỏ bám lấy mộ người ta không sờ đến nên còn nguyên. Xương trong tiểu đã tiêu hết, tan vào dòng nước, bao đời thủy sinh giúp cái vật vô tri ấy về nơi vô thủy vô chung. Chắc hồn người chả còn nhớ nắm xương tàn, nên không thấy điềm gì. Loài trê núp bóng ở nơi mộ ấy, dưới gốc cây ổi cỏ lưu niên. Một số con đầu đàn có chỗ kiên cố trong cái tiểu sứt và hai viên gạch thất vẫn đậy kênh phía trên. Chúng được dâng thức ăn tận nơi và đám rô sẽ mang đi những chỉ thị đến với chúng sinh sống trong ao bèo này. Cuộc sống không còn lặng yên nữa. Bèo sẽ tản mát theo dòng nước. Cá chết, cua mất mạng. Loạn xạ, hỗn mang những luồng thông tin từ đong đong, cho đến tép, tôm. Đám rô gần cận đám trê được săn đón, hỏi han rằng:
- Có nghe được chuyện gì mới không? Ý trê quyết thế nào? 3 gò mất thì mất nơi trú ngụ. 3 điểm huyệt chí mạng của ao này.
Hay có kẻ nói:
- Điềm báo cho một sự xóa sổ, mà xóa cũng được, xóa đi cái nơi bùn lầy nước đọng này. Đám dưới bùn khốn khổ, mưu sinh, nguồn lợi vào tay kẻ bề trên hết. Đám trê già bấy bớt, nhớt cũng hết, da bợt, đầu mốc thở nhìn rõ cơ bụng chảy … lại còn không ngó ra nhìn ánh mặt trời, bấy lâu nay ru rú trong cái tiểu thế có đi đến đâu mà biết thời thế, thế thời, mà biết đường quyết sách.
Đám trê hăng máu, chúng phát ngôn bằng những ngôn từ đẹp: Rằng cả ao nên yên tâm, sức mạnh của sự khôn ngoan, tinh thông của chúng sẽ chèo chống tốt. Một trận đại hồng thủy chứ 3 trận đại hồng thủy cũng không phải sợ. Gò bị cuốn đi, thì ta xây lại, đời con cháu chúng ta xây lại.
Con trê già đầu mốc, râu rụng một bên, mắt sụp cả xuống đĩnh đạc ra khỏi cái tiểu sành, nói như thể tiếp lời tổ tông chúng nói gần 100 năm trước. Khi mà cây ổi mới cao tầm một thước, do một con chim tha mồi về gò này ăn rồi rơi rớt lại cái hạt.
- Ao ta nên bình tĩnh, tự tin. Chúng ta có cả đội quân, những trê, rô, cá đuôi cờ, chúng ta có bề dầy đương đầu với gian khó, khi thì giang sơn khô khát, lúc lại bão giông. Chúng ta đã vượt qua cơn hạn hán lâu nhất, nóng nhất, chúng ta cũng lại vượt qua cơn mưa bão úng thủy cả tuần trăng. Sức lực, tài nguyên cạn kiệt, chúng ta đã vượt qua đói khổ và cả cái chết để có ngày hôm nay tươi sáng thế này. Nên không dễ gì chúng ta tin lời nhảm về trận đại hồng thủy với loài thủy sinh gớm ghiếc cả vùng nước ngọt và nước lợ kia đến tiêu diệt chúng ta. Họ là bạn. Người bạn láng giềng. Họ sẽ đem đến cho ao này một nguồn thức ăn mới lạ, khiến chúng ta lớn mạnh hơn.
Đám lao xao nói đổng lao xao:
- Mất gò, mất đống, đến cái tiểu sành hang ổ kia vỡ tan rồi mới trắng mắt ra cụ trê già ạ.
Hay là:
- Cứ ru rú trong cái tiểu sành ấy sao không chết quách đi cho xong mà còn lên mặt nói với chấn áp.
Chúng phóng tinh kiểu phong tình, và sẽ sinh ra giống tạp chủng. Tội của trê già và lũ rô cơ hội, diếc đĩ thõa… Chúng ta sẽ mất đi sự thanh bình, sạch sẽ, thay vào đó là sự ô trọc. Những bãi phân to, đục ngầu nước, những con cá lớn mặc sức nuốt cá bé, chúng sẽ dọn sạch, giết sạch những kẻ yếu đuối. Chúng sẽ ăn thịt đồng loại như những ác quỷ dưới nước, tại đây, tại cái ao bèo xinh đẹp, một lãnh địa tốt mà nhiều kẻ ao ước có được.
Sao chúng ta lại phải nghe con trê run rẩy sắp chết kia hoạch định đời ta? - Một con chép vàng buồn rầu nói với bạn. Chúng tận hưởng đêm trăng giữa mùa hạ đẹp như trong tranh và nói với nhau như thế. Loài chép khép mình hơn, y như loài ốc.
Đám cá trôi nhạt hoét chả biết nghe ai, ăn những ngọn cỏ sà xuống mặt nước. Mấy con nòng nọc còn đuôi, đen kịt đang tập bơi, rung đuôi cười khanh khách. Chúng chả hiểu gì, vui đâu chầu đấy, chờ một ngày thoát xác.
Trăng in hình dưới đáy ao, khoảng gần gò phía Nam, đôi con rắn nước bơi diệu nghệ dưới ánh trăng làm gợi sóng mặt nước. Loài rắn có thể sống trên cạn, có thể bơi trên nước tài ba như bất kì một loài cá nào, thế nên chúng dễ thích nghi, sống lâu và duy trì nòi giống thật dễ dàng. Loài cá thì dễ mắc lưới và thân phận nằm trên thớt sảy ra bất kì lúc nào. Cái ao này địa hình đẹp, thông thương nên lưới câu giăng mắc không ít. Cảnh giác đã đành, lại còn đám trê, rô, diếc, đám săn sắt hùa theo, nên mọi sự hỗn mang cả. Hơn ai hết, đám chép hiểu cả, nhưng chúng bất lực. Mà chúng lên tiếng cũng sẽ bị bóp nghẹt. Ao này là của đám trê già cầm đầu, phụng sự có đám rô điên cuồng hung hăng thế kia thì ai dám chắc còn an lành khi phản bác. Đám chép trước còn xa xôi, bóng gió nay cũng dần câm lặng như ốc. Chúng tìm lại những xưa cũ, trốn vào đó, hay nói với nhau. Chúng là kẻ biết mà bất đắc chí. Đám trê già, rô diếc kia cũng biết cả. Nhưng chúng yêu cái tiểu sành, nhìn thấy nguồn thủy sinh chúng đang quản lý có thể bầy đàn chúng còn yên ổn sống đến già, nên chúng khỏi cần tìm nguồn thức ăn mới hay cải tạo thủy phận.
Trận đại hồng thủy này có sảy ra thì cũng phải giữ được cái tiểu sành. Không để cho đám chép hay ốc tràn vào. Nếu có loài thủy tặc kia đến, chắc cũng phải thương lượng, giữ gò này bằng được. Trê nghĩ thế và nghĩ rằng mình có lý tưởng sắt son, không phá ngang, không chùn bước. Rô ta được thể từ con già tróc vảy cho đến bọn non, bụng vẫn còn vàng cũng hăng lắm, bảo vệ trê đến kì cùng. Đám diếc chỉ làm duyên, khoe vẩy cũng có miếng ăn, nên chúng chả tội gì nhọc lòng nhắc nhở ai. Vậy nên, duy chỉ có đám chép thẫn thờ.
Trời ì ùng tiếng sấm. Đôi đàn cá như chuối, tính chuyện nước tràn tìm hướng kiếm ăn khác, nên chúng nuôi hy vọng. Chỉ có đại hồng thủy mới cho chúng cơ hội.
Mấy con châu chấu ma chưa bị làm mồi cho cóc và ếch vẫn nhảy loi choi bên mấy cọng cỏ dại. Chúng không biết phận mình, ngoạc mồm ra chê mấy bông hoa dại nhỏ ly ti. Đám hoa không vừa, mỉa mai bộ cánh loang lổ của chúng hết lời:
- Anh châu chấu vừa hôi vừa xấu thế có sống cũng chán. Đẹp như chúng tôi thì cần gì đến một cái tên anh ơi!
- Anh làm thuê cho ai? Bênh ai? Thì lỡ sa xuống ao cũng làm mồi cho bọn rô, cung tiến bác trê già thôi anh ơi! Hoi đến mấy, bác cũng xơi cả.
…Đất trời rung chuyển, mặt nước nóng hầm hập, mấy con cá mè ranh chưa quen chịu nắng, hung hăng làm tay sai cho đám đuôi cờ, săn sắt nên chết phơi trắng bụng, bốc mùi tanh lòm lòm. Ốc dấu mình dưới lớp bùn sâu không thèm ló mặt. Mấy con diếc dạo này cũng hay bàn thế sự. Thân thể chúng trắng lốp, hình hài rất đặc trưng, đầu ngọn thân dẹt. Chúng quẫy lên những điệu của mùa cá động dục. Nhưng không, chúng không đẻ mà chỉ là gây sự chú ý. Chúng nói về 3 gò đất, về lịch sử của ao bèo ta, về cái ngày mà sảy ra nạn đại hồng thủy. Vấn đề có vẻ nghiêm trọng, nhưng chúng lượn lờ, xòe vây lộ cả lỗ đẻ ra để mà nói. Chúng kêu gọi ốc lại hãy mở con đường máu, kêu gọi chép hãy cầm cờ xung phong bởi chép vốn am tường. Chúng ca ngợi kinh nghiệm và sự sáng suốt của trê, sự dung mãnh của rô, sự tài ba của cá cờ - săn sắt. Có con nuốt gần trọn đàn đong đong cân cấn xong khi diễn thuyết dưới gốc ổi cỏ lại khóc, xót xa cho đồng loại của mình. Chúng mong muốn không chỉ cá mà các loài thủy sinh trong ao bèo cần đầm ấm, yên vui sống với nhau.
- Đồ đĩ thõa!
Đám rô nói trong mồm không thoát tiếng, nhưng ánh mặt lại đầy tình ý, như thể sẽ phóng tinh ngay, nếu ả nàng quẫy đẻ.
Chép biết, quay mặt đi không chấp, loài chép vốn nho nhã. Bọn nòng nọc mua vui sán lại hít hà da thịt thơm thơm của diếc. Điều mà chúng không bao giờ có được, nên ước ao. Đám nòng nọc đông nhung nhúc, có thói, gió chiều nào che chiều ấy đáng ghét vì sự hèn mạt, tôi đòi.
Những con cóc tróc lở, ngồi chồm hỗm trong hốc của cây ổi dại nay đã xum xuê nhìn lên trời xanh. Lớp da lở loét, nhựa độc chảy thành vết. Hàm dưới chúng rung bần bật, mắt thao láo, không biết chúng đang nhìn hay nghĩ gì?
Chúng có đàn con đông đúc dưới nước, chúng thấy cả trê, cả chép, thấy ốc bò, cua chết. Chúng cũng có không kém là mấy những đàn con cóc, đúng hình hài như chúng đây trên bờ. Cả trời xanh chúng còn thấu nữa là có một cái ao bèo. Cóc nghĩ vẩn vơ, còn nghiến răng hay không thì nó bảo hay trời bảo ai mà biết. Chỉ biết rằng người đời hát đồng dao về sự này rằng: Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh nó thì trời đánh cho. Ỷ thế ấy, cóc uy nghi ngự ở gốc cây ổi trên gò cao trung tâm của ao bèo. Đôi khi, người trong làng chèo con thuyền độc mộc ra thắp hương ở cây hương giữa gò cóc thản nhiên đợi người ta lên thuyền trở vào thì vào ăn những cánh hoa thơm nức mà người ta vừa kính cẩn đặt lên. Ăn cho bằng hết, ai biết. Trê hay rô đều đã có phần dưới nước cả rồi.
Đám lao xao kia, ăn tạp nham xong lại bàn chuyện “Đại hồng thủy’’. Có hay không sự ấy là cóc quyết, chứ trê thì làm được gì khi nhão nhoét ẩn mình trong cái tiểu sành đã ngót 100 năm ấy.
Cóc thì làm được cả, vì ai cũng tin “cóc là cậu ông trời’’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét