31 thg 1, 2020

MỘT DÒNG TIN HẾT SỨC CẢM ĐỘNG, NHÂN VĂN

Hôm nay chính phủ Nhật công bố chữa trị 100% cho người nhiễm bệnh không phân biệt quốc tịch, chủng loại visa, cũng sẽ không công bố quốc tịch của người nhiễm virus. Với người Nhật, trước dịch bệnh, quốc tịch và chữa trị không liên quan đến nhau. 
Trung tâm y tế quốc tế của Nhật Bản cũng ra thông báo, Nhật Bản đã cử 1000 nhân viên y tế đến tuyến đầu Vũ Hán để hỗ trợ, ngoài ra các nhà máy và công xưởng của Nhật đang ra sức làm việc để cung cấp dụng cụ y tế, khẩu trang cho Trung Quốc. 
Nhật Bản sẽ điều máy bay đến đón người Nhật về nước nhưng chiều đi sẽ là không phải là trống rỗng mà là đầy ắp hàng cứu trợ Vũ Hán. Trên khắp Osaka và Tokyo đều nhìn thấy những dòng chữ "Trung Quốc cố lên, Vũ Hán cố lên”. Những dòng chữ này đã khiến người Trung Quốc cảm kích rơi nước mắt... 

Cho tôi xin được cúi đầu trước nước Nhật. Không phải nước Nhật không có những mâu thuẫn lịch sử với Trung Quốc, nhưng lúc cần sinh tử họ đã ứng xử khác biệt. 

Là một người dân Việt Nam, lúc hoạn nạn mới quý nghĩa cử của Nhật Bản, tôi thấy xúc động thay Trung Quốc, như chính tôi được viện trợ vậy.
��Nguồn: Cuộc sống du học

��Đôi lời: Nhật Bản là đảo quốc thường chịu nhiều thiên tai, thảm họa, nên hơn ai hết, họ hiểu lúc hoạn nạn cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng thế giới như thế nào. Nhưng, cái cách mà họ giúp đỡ người ta đúng tinh thần cao thượng "của cho không bằng cách cho". 
♥️LOVE JAPAN!

“Mai Ly Hương" Đào Anh Dũng (Báo Trẻ-Số Tết 2020 )



Như mọi năm, Tuấn canh đúng chín ngày trước Tết anh mới chọn vài cành forsythia xum xuê nhất để chưng ở hai bình sứ trong nhà. Hoa vàng forsythia sẽ nở rộ vào mùng một Tết, không sai. Cách nay hơn mười năm, Tuấn tình cờ biết loài hoa này nhân lúc anh đưa mẹ đi dự lễ cầu siêu cho một bác bạn thân của mẹ ở chùa Phật Ân.
Xong lễ, trong lúc mẹ còn đang thăm viếng, phân ưu cùng tang gia, Tuấn đi vòng quanh ngôi chùa, xem xét những công trình của quý phật tử địa phương, thầm khán phục sự hy sinh cũng như sáng kiến và tài khéo léo của họ đã biến ngôi nhà quàn bỏ trống trở thành một khuôn viên chùa khang trang, làm nơi thờ phượng và họp mặt của giới phật tử Việt Nam tại tiểu bang mang danh vạn hồ này. Bấy giờ là đầu mùa Xuân, vạn vật như sống lại sau gần sáu tháng giá lạnh. Phải, mùa đông Minnesota không những dài như thế, mà còn lạnh khủng khiếp nữa. Ở đây người ta không nói lạnh dưới không độ mà 20, 30 độ âm. Tuấn không sao quên ngày đầu tiên anh đặt chân đến phi trường Minneapolis/St. Paul vào cuối tháng bảy năm 1975, mùa hè nóng bức mà anh mặc chiếc áo khoác dầy cộm. Hai tuần trước, khi nghe anh nói sẽ định cư ở Minnesota, quý ông bà người Mỹ làm việc thiện nguyện ở trại tỵ nạn Eglin, Florida, lắc đầu nói nơi đó lạnh lắm và họ chọn cho anh chiếc áo khoác ấy để mặc cho ấm. Khi đi ngang qua một cửa hàng trong phi trường, Tuấn thấy những chiếc áo T-shirt bày bán có in hàng các chữ:
Minnesota
Spring Spring
Summer Summer
Fall Fall
Winter Winter Winter Winter Winter Winter

nhưng anh không hiểu nó có ý nghĩa gì nên hỏi ông bà bảo trợ. Họ cười và giải thích rằng mỗi tên mùa in trên áo là một tháng trong năm. Bây giờ, nhớ lại kỷ niệm năm xưa, Tuấn không nhịn được một nụ cười, thầm nghĩ: "Khi hiểu được thì gần 20 năm!" Nhưng, cũng như trăm, ngàn đồng hương khác định cư tại tiểu bang này, anh đã chịu đựng được cái lạnh Minnesota. Nhờ vào đâu?

Dọc theo lối đi vào cửa chùa có hai hàng hoa vạn thọ. Lẽ dĩ nhiên là nhà chùa mua từ các chợ hoa, từ các tiểu bang miền Nam chở đến, chứ họ không thể tự trồng cho đến nở hoa trong lúc cơn tuyết cuối mùa mới đổ cách nay hai tuần, Tuấn ngẫm nghĩ như vậy. Những bụi hoa vạn thọ màu vàng, màu của áo cà sa, tuy đơn sơ nhưng chúng mang lại dáng vẻ ấm cúng của những ngôi chùa ở quê hương xa vời nằm bên kia trái đất. Tuấn mải mê ngắm hàng hoa vạn thọ, chìm đắm trong nỗi buồn hoài hương, đến khi anh nhận ra một bụi cây cao khoảng ba thước, chi chít hoa màu vàng tươi óng ánh, đứng khiêm tốn nơi góc chùa. Tuấn hoa mắt, tưởng chừng như mình đang nằm mơ. Hoa mai? Làm sao Minnesota có được hoa mai? Hay là vị phật tử nào đó nảy ra sáng kiến kết hoa mai vải trên cành cây để tạo dáng mùa xuân, cho vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương? Tuấn bước lại gần bụi cây, nhìn tận mắt những đóa hoa bốn cánh, vàng tươi, nhỏ nhắn, xinh xắn, không to và rạng rỡ như hoa mai, mọc chen chút đầy trên cành cây trơ trụi chưa ra lá. Tuấn bước ra xa, cách vài mét, nhìn bụi hoa xa lạ một lần nữa. Nó trông thật giống cây mai già trước nhà Nội ngày nào, cây mai mà năm nào anh em Tuấn cũng lặt lá, rồi mong đợi từng ngày, khi nó trổ hoa là Tết đến. Ôi, những ngày thần tiên đó, nay chỉ còn là kỷ niệm trong tâm khảm mà thôi.
"Đẹp chứ hả cậu?"
Tuấn giật mình, anh quay lại thấy một người đàn ông tuổi độ 60 đứng sau lưng mình tự hồi nào.
"Dạ, thưa bác, hoa đẹp quá! Đứng từ xa trông như là hoa mai của mình. Cháu cứ tưởng mình đang nằm mơ..."
"Tên bông là Pho . . Si . . A . . gì . . . gì đó, tôi không rành. Có bán ở các chợ hoa của Mỹ. Thôi, mình không có mai quê hương thì chọn nó là mai ly hương vậy, như mình chọn đất nước nầy là quê hương thứ hai của mình đó cậu."
Mùa xuân năm ấy Tuấn cố tìm cho ra loại "mai ly hương", mới biết tên thật của nó là forsythia. Anh mua hai cây, trồng trước nhà xen giữa các bụi evergreen, cây "lá thuộc bài" của thời học trò. Nghĩ đến lời nói của bác đồng hương ở chùa Phật Ân, Tuấn gọi forsythia là "mai ly hương". Hai bụi "mai ly hương" anh trồng lớn như thổi. Hai năm sau chúng trổ hoa đầy cành, mặc dù muộn màng vì sau Tết ta đến hai ba tháng, nhưng “có còn hơn không”. Trong khi đó, cây "mai quê hương" Tuấn mua từ California, chăm sóc nó như trứng mỏng, như đứa con cầu tự, tưới nước đúng ngày, vừa đủ, thay đất vun phân, trồng trong một chậu sứ, chiếm một chỗ quan trọng trong phòng khách, gần cửa sổ cho có ánh nắng; vậy mà bao năm nay nó cứ trơ trơ ra đó, trong khi hai bụi "mai ly hương" Tuấn không cần phải chăm sóc, mỗi năm chúng trổ hoa đúng hẹn, báo hiệu xuân đến cho mọi người. Chỉ tiếc một điều là hoa nở được khoảng một tuần thì mưa rơi, gió thổi nên rơi rụng hết. Có lẽ vì thế mà nhiều người Mỹ không thích forsythia. Năm bảy nhà mới thấy một bụi trồng ở góc vườn, trông như một đứa trẻ bị bỏ rơi, một con chiên lạc bầy, một kẻ đứng bên lề cuộc đời...


Nhớ đến những cái Tết đầu tiên xa quê hương, Tuấn cảm thấy chúng lạt lẽo làm sao! Nhà nào cũng cố gắng mua hay tự nấu các món ăn Tết như là mứt, bánh tét, bánh chưng, thịt kho dưa giá... Trẻ thì tung tăng, vui nhộn, áo quần tươm tất, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, được những bao lì xì màu đỏ. Nhưng, không có cành mai, đối với Tuấn, Tết như không có hồn, Tết không trọn vẹn. Cho đến khi có vài sự "đổi mới" ở quê nhà, chú em gởi cho một bọc hoa mai vải, Tuấn chặt cành cây kết hoa mai giả vào, chưng trong nhà, đứng xa trông cũng đẹp, cũng tạm thấy được không khí Tết vào những ngày đầu năm Âm lịch. Vài năm sau, nhân có gia đình người anh họ từ California đến thăm mẹ ngay trong dịp Tết nên Tuấn lo trang hoàng nhà cửa rất sớm. Khoảng hơn một tuần trước Tết Nguyên Đán, Tuấn định ra tận bờ rào sau nhà chặt hai cành cây để kết hoa mai, nhưng hôm ấy trời đổ tuyết thật nhiều và gió cũng khá mạnh, nhiệt độ xuống thấp, anh vội vã cắt hai cành "mai ly hương" trước nhà, kết đầy hoa mai và chưng vào hai bình sứ, một bình ở phòng khách, và bình kia ở phòng gia đình. Rồi, Tuấn quên chúng đi vì đôi khi anh thấy những đoá hoa vải ấy mang dáng hoa mai, nhưng chúng vô tri giác, thiếu nét sống động của mùa Xuân.
Chiều 30 mươi Tết, cả nhà tề tựu đông đủ. Sau khi mẹ Tuấn mời cả nhà đọc kinh cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã che chở gia đình trong suốt năm qua, anh chị em con cháu quay quần bên mâm cơm, ăn uống, trò truyện vui vẻ. Thằng Tim, con của Tuấn, tánh vốn kỹ lưỡng, còn loay hoay dọn dẹp cho gọn mấy tờ báo Xuân ai đó đọc dở dang để trên bàn trong phòng gia đình. Chợt nó gọi cha, giọng đầy hân hoan và bất ngờ:
"Ba ơi, lạ quá ba ơi! Bông forsythia sắp nở rồi!"
Cả nhà bỏ đũa, ùa ra phòng gia đình, nhốn nháo lên:
"Đâu ? Đâu? Bông gì nở?"
Tuấn nhìn cành "mai ly hương", thấy chi chít những nụ vừa nhú màu vàng, lòng anh rộn rã ngây ngất hồn xuân anh đã đánh mất từ ngày bỏ xứ ra đi. Mẹ Tuấn đưa tay đỡ nhẹ cành "mai ly hương", sung sướng nói:
"Tốt lắm. Tạ ơn Chúa! Ngày tư, ngày Tết, nhà nở đầy bông. Vậy là năm mới nhà mình có phước lắm đó con!
Người chị dâu họ lúc ấy lên tiếng:
"Tưởng gì chứ ở Cali tụi nầy... thiếu gì! Người ta chưng bông mai thứ thiệt chứ sá gì cái loại mai Mỹ nầy!"
Chợt nhận ra mình lỡ lời, chị nhẹ giọng:
"Nhưng có ở xứ lạnh, mình mới thấy nó quí giá như thế nào!"

Tuấn trở lại phòng ăn, vui vầy với gia đình, nhưng lòng anh vẫn còn vương vấn đến forsythia, "mai ly hương". Có thể nói nó là của đáng ghét của một số người Mỹ, nhưng lại được nhiều người Việt sống xa xứ ưa thích, ngày Xuân nhìn nó mà vọng về quê hương, nhớ thương ray rức. Tuấn thấy nó giống như những món hàng bán garage sale, bán đổ bán tháo vì đối với người bán chúng là đồ bỏ đi, nhưng lại là món cần thiết, vật hiếm có đối với một số người mua. Rồi Tuấn nghĩ đến thân phận của nhiều người Việt tha hương, ở quê nhà bị xem là "ngụy", nhiều người có tài, có đức, đã qua bao năm "cải tạo" rồi nhưng cũng không được ai dùng đến. Rồi Tuấn tự hỏi, vậy thì tại sao mình không biết sống đời như cây "mai ly hương", thản nhiên khoe sắc, khoe tài của mình, giúp tạo nên mùa Xuân nơi đã chấp nhận, cưu mang mình, để sống còn ở cái xứ rét giá nhưng đầy tình người, nhiều cơ hội này? Hỏi tức là trả lời. Lòng hân hoan, Tuấn nâng ly, mừng tuổi mẹ, chúc Tết cả nhà và anh không quên cám ơn Chúa đã ban cho nhân loại, đặc biệt là người Việt xa xứ, loài hoa "mai ly hương" tuyệt vời.

 
Đào Anh Dũng

Chuyện lạ lịch sử: chương trình vũ trụ của Zambia! (Nghiên Cứu Lịch Sử )


Đăng Phạm biên dịch và giới thiệu
  Có lẽ nhiều người còn chưa nghe đến tên đất nước Zambia. Thì đây, đó là một nước ở phía Nam Châu Phi, nằm phía dưới CHDC Congo. Quốc gia này lúc trước có tên là Bắc Rhodesia, thuộc một liên bang thuộc địa của người Anh cùng với Zimbabwe và Malawi ngày nay. Năm 1964, Bắc Rhodesia giành độc lập, đổi tên thành Zambia, tổng thống Kenneth Kaunda thân Liên Xô đã lãnh đạo Zambia trở thành nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cho đến tận năm 1990.
Tuy nhiên, đất nước nghèo khó này lại là nước thứ 3, chỉ sau 2 siêu cường Liên Xô và Mỹ, có chương trình chạy đua vào không gian trong Chiến tranh Lạnh. Câu chuyện tưởng như điên rồ này lại hoàn toàn có thật vào những năm 60 thế kỷ trước. Dĩ nhiên là nó không thành công, nhưng ít nhất là đã được thực hiện một cách nghiêm túc và nỗ lực. Người đề xuất chương trình này, Edward Makuka Nkoloso, là một nhân vật thực sự có tài và rất nổi tiếng của đất nước Zambia.
Edward Mukuka Nkoloso được sinh ra vào năm 1919, ở phía bắc của Bắc Rhodesia thuộc Đế quốc Anh. Nkoloso gia nhập quân đội thuộc địa Ạnh khi lớn lên. Ông được cho là có một trí óc phi thường, tò mò và bản tính năng động, hiếm có đối với một người gốc Zambia. Ông chiến đấu trong quân đội Anh, thuộc trung đoàn Rhodesia trong thế chiến 2, một trung đoàn chiến đấu ở những mặt trận xa xôi từ Somali, Madagascar, Trung Đông cho tới Miến Điện.
Không tìm thấy vinh quang quân sự trên chiến trường, vào cuối cuộc chiến, Edward Mukuka Nkoloso xuất ngũ với tư cách là một trung sĩ và bắt đầu tìm kiếm chính mình trong cuộc sống dân sự. Ông đã thay đổi nhiều công việc khác nhau từ giáo viên, quan chức, đến chính trị gia đấu tranh cho sự độc lập của quê hương, và thậm chí bị chính quyền Anh bắt giữ vì tham gia bạo động.
Nhưng khi quốc gia độc lập năm 1964, không khó khăn để người ta nhận ra tài năng của Edward Mukuka Nkoloso. Ông nhanh chóng được Tổng thống Kenneth Kaunda mời vào chính quyền mới, và không do dự trao cho ông chức Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học, Nghiên cứu Vũ trụ và Triết học Quốc gia Zambia. Ông trở thành một người không chỉ nổi tiếng, mà còn được tôn trọng trên khắp đất nước Zambia.
Chỉ có điều, Nkoloso có tham vọng lớn hơn nhiều so với những gì ông có, thậm chí có thể nói là không tưởng: Đưa người Zambia lên vũ trụ, cạnh tranh với Mỹ và Liên Xô.
Từ những năm 1960, trên báo đài người ta thường thấy những tin tức về những chương trình tham vọng của Liên Xô và Mỹ nhằm đưa người lên không gian. Tất nhiên vào năm đó chưa nước nào thành công. Nhưng với Edward Mukuka Nkoloso, đọc được những tin tức này làm ông ta quyết định khởi động một chương trình đầy tham vọng, nhằm đưa Zambia vượt 2 quốc gia này trở thành nước dẫn đầu vào vũ trụ. Thậm chí còn xa hơn, ông còn muốn đưa người Zambia gồm 1 cô gái, 2 con mèo và 1 nhà truyền giáo lên Sao Hỏa. Chưa hết, còn muốn thuộc địa hóa Sao Hỏa và truyền đạo Thiên chúa cho cư dân sao Hỏa (thời đó người ta còn chưa biết sao Hỏa có sự sống không?).
Giống như Liên Xô và Mỹ, lần lượt tạo ra 2 thuật ngữ ”kosmonaut” và ”Astronaut”, để không ”đụng hàng”, Nkoloso tự tạo cho mình thuật ngữ ”afronauts” (có nghĩa là ”nhà du hành vũ trụ châu Phi”).
Câu chuyện tưởng như đùa nhưng thực sự Nkoloso đã thực hiện nó một cách nghiêm túc.
Từ năm 1960 cho đến khoảng năm 1969, chương trình này đã tìm cách phóng tên lửa gửi một cô gái tên Matha Mwambwa, 17 tuổi và hai con mèo lên Mặt trăng. Ngoài ra còn có kế hoạch cho một chuyến đi đến sao Hỏa. Nkoloso hy vọng sẽ đánh bại các chương trình không gian tương ứng của Hoa Kỳ và Liên Xô ở đỉnh cao của Cuộc đua không gian.
Để huấn luyện các phi hành gia, Nkoloso đã thiết lập một cơ sở tạm thời ở một trang trại bỏ hoang cách Lusaka 11 km (7 dặm), nơi các thực tập sinh sẽ được lăn xuống một ngọn đồi gồ ghề trong một thùng dầu 200 lít. Điều này, theo Nkoloso, sẽ huấn luyện những người du hành trong cảm giác không trọng lượng trong việc du hành vũ trụ. Ngoài ra, họ đã sử dụng xích đu lốp để mô phỏng tình trạng không trọng lượng.
Nkoloso tuyên bố các mục tiêu của chương trình là truyền bá Kitô giáo cho người sao Hỏa “nguyên thủy” và hy vọng Zambia trở thành “người điều khiển Thiên đường thứ bảy của không gian giữa các vì sao”. Tuy nhiên, ông đã chỉ thị cho nhà truyền giáo trong chương trình không gian ”không ép buộc Kitô giáo đối với cư dân sao Hỏa bản địa”.
Tên lửa, được đặt tên là D-Kalu 1, là một con tàu hình trống 3 mét, được đặt theo tên của tổng thống đầu tiên của Zambia, ông Kenneth David Kaunda. “Tên lửa” được làm bằng nhôm và đồng, làm hết sức đơn giản. Ngày ra mắt tên lửa dự kiến ​​là vào ngày 24 tháng 10 năm 1964, Ngày Độc lập của Zambia và sẽ diễn ra từ Sân vận động Độc lập ở thủ đô Lusaka.
Người ta nói rằng Nkoloso đã yêu cầu UNESCO tài trợ 7.000.000 bảng Anh để hỗ trợ cho chương trình không gian của mình. Người ta cũng nói rằng ông cũng đã xin viện trợ 1,9 tỷ đô la Zambia từ “nguồn tư nhân”. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng, Giao thông vận tải và Truyền thông của Zambia đã nêu rõ rằng những yêu cầu này không được chấp nhận.
Nhưng khó khăn về chi phí và kỹ thuật không phải trở ngại duy nhất với tham vọng của Nkoloso. Sự vô kỷ luật ở ”trung tâm nghiên cứu” của Nkoloso đã dẫn đến việc nghiên cứu không hiệu quả. Có quá nhiều cuộc quan hệ diễn ra giữa các học viên, cuối cùng dẫn đến Matha Mwambwa, phi hành gia 17 tuổi của ông có thai và buộc phải từ bỏ chương trình không gian. Dĩ nhiên nhiều người tỉnh táo nhanh chóng nhận ra sự vô lý của ý tưởng đưa người Zambia lên vũ trụ. Nhiều người chỉ trích Nkoloso và nói ông bị điên. Chính phủ Zambia đã cố gắng tránh xa dự án của ông.
Dự án cuối cùng thất bại, nhưng Nkoloso vẫn đổ lỗi cho ”yếu tố nước ngoài” đã phá hoại dự án của ông. Theo đó, ông đổ lỗi cho các điệp viên Liên Xô và Mỹ đã ngăn cản Zambia tiến lên với chương trình vũ trụ. Tất nhiên điều này là vô căn cứ, bởi với điều kiện thực tế của đất nước Zambia, chương trình này không có cơ may thành công nào.
Tuy nhiên, tham vọng không gian đổ vỡ không đồng nghĩa với thất bại cho bản thân Nkoloso. Với tài năng thực sự, ông sống tiếp cuộc sống sau đó với cống hiến trong nhiều cơ quan chính phủ Zambia, nhất là ngành Luật và là một trong những nhân vật thân cận của Tổng thống Kenneth Kaunda. Ông còn cống hiến cho Liên Xô cũng như quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Zambia. Thậm chí vào năm 1985, ông còn nhận được ”Huân chương 40 năm Chiến tranh Vệ Quốc của Liên Xô”, là người châu Phi duy nhất nhận được huân chương này. Cùng nhận với ông có Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái của QĐND Việt Nam.
Edward Makuka Nkoloso kết thúc cuộc đời trong vinh quang vào năm 1989. Sau khi mất, ông được phong làm Đại tá quân đội, an táng với nghi lễ cho nguyên thủ quốc gia. Ngày nay ở Zambia, Edward Makuka Nkoloso vẫn là một nhân vật được tôn trọng.
Nhưng ngày nay, người ta lại lật lại chương trình không gian bị bỏ quên của Edward Makuka Nkoloso như một trò đùa phổ biến trên Internet về sự ảo tưởng của các quốc gia nhỏ. Nhưng dù sao, nó cũng có thể coi như một phần hài hước nhỏ xen lẫn vào cuộc đời của ông.
*Cộng hòa Zambia là một quốc gia Cộng Hòa nằm ở miền Nam châu Phi. Các nước láng giềng của Zambia bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo ở phía bắc, Tanzania ở đông bắc, Malawi ở phía đông, Mozambique, Zimbabwe, Botswana, Namibia ở phía nam và Angola ở phía tây(Wikipedia)
Cờ                                         







Xem Thêm : Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của tôn giáo

MỘT NGHI ÁN VĂN CHƯƠNG DÀI HƠN THẾ KỶ

ĐỖ NGỌC YÊN (vanvn.net )
Chân dung Shakespeare, không rõ tác giả, National Portrait Gallery, Luân Đôn, Vương quốc Anh

Có lẽ không có bất kỳ một ai yêu thích văn chương trên khắp hành tinh này lại không biết đến Đại văn hào nước Anh William Shakespeare với hàng trăm vở kịch, hàng trăm bài thơ sonne, các bài tạp bút, các ghi chép,... nổi tiếng trong suốt gần 5 thế kỷ nay, trong đó có các vở kịch nổi tiếng như Hăm-lét (Hamlet), Vua-lia (King Lear), Ô-ten-lô (Othello), Mác-bét (Macbeth), Cri-ô-lan (Coriolanus), Chàng thương gia thành Vơ-ni-dơ (The Merchant of Venice)   Chuyện không có gì mà ầm ĩ (Much ado about nothing), Giấc mộng đêm hè (A midsummer night's dream),... và những bài thơ tình sonne của ông đã dược dịch ra hàng chục thứ tiếng trên khắp thế giới. Vậy mà, một Nghi án văn chương dành cho ông vẫn còn đó   

*
1. Tính đến nay, hiện có tới khoảng trên 5.000 cuốn sách hoặc là đề xuất hoặc là đồng tình với ý kiến cho rằng tất cả những tác phẩm văn học kiệt xuất từ thế kỷ XVI đến nay mà cả thế giới cho là của William Shakespeare đều không phải là của ông. Khởi sự cho sự hoài nghi này là một người phụ nữ có tên Delia Bacon. Cô là một người thông minh, xinh đẹp, nhưng tính tình kỳ quặc, thần kinh không ổn định, không có chồng con và sống ẩn dật ở một vùng quê hẻo lánh thuộc vùng New Haven, Connecticut. (Hoa Kỳ). Sau khi chia tay với một người tình, bỗng nhiên cô bị ám ảnh bởi một người đàn ông có tên là Francis Bacon. Tuy nhiên hai người sống cách nhau chừng hơn 200 năm và một người ở Anh, một người ở Mỹ. Nhưng cô cứ một mực quả quyết rằng chính người đàn ông này mới là tác giả của các vở kịch mà từ trước tới giờ người ta vẫn coi đó là của William Shakespeare.   
2. Vào năm 1552, khi Delia Bacon bước vào tuổi 41, Sác-lơ Bút-lơ (Charles Butler), một thương nhân giàu có, đã đồng ý tài trợ chuyến đi của cô đến Anh kéo dài trong 4 năm để thực hiện điều tra vụ việc này. Đến Anh cô được nhà thơ nổi tiếng Ran-phơ Oăn-đô Ê-mơ-sơn (Ralph Waldo Emerson) giới thiệu với Thô-mát Ca-li-lơ (Thomas Carlyle), để giúp đỡ cô trong thời gian ở London. Trong suốt gần một năm ở Xanh An-ban (St Albans), quê hương của Francis Bacon, Delia không hề giao du, chuyện trò với bất kỳ ai. Ngay cả việc Carlyle có ý định giới thiệu cô với các học giả hàng đầu nước Anh thời bấy giờ cũng đã bị Delia Bacon từ chối.
Thế rồi đến năm 1857, Delia Bacon bỗng cho xuất bản công trình Triết học của những trò chơi khám phá Shakespeare (The Philosophy of the Plays of Shakespeare Unfolded). Cuốn sách khá dày dặn, nhưng khó đọc vì nó kỳ quặc ở tất cả mọi khía cạnh. Chỉ riêng việc Delia Bacon dành tới gần 700 trang viết về Francis Bacon là chuyện mà rất ít người có thể hiểu được. Vào năm 1859, sau khi trở lại quê hương điều trị bênh tâm thần một thời gian, Delia Bacon đã qua đời, để lại một nghi án văn chương cho đến tận hôm nay.
Điều đáng nói là một ý nghĩ cá nhân, thiếu những chứng cứ khoa học thuyết phục, nhưng không ít người đã hùa theo và hơn thế họ còn đẩy nó đi xa hơn, biến thành một triết thuyết khá nổi tiếng có tên là Thuyết Bacon với các môn đệ trung thành như: Mark Twain và Henry James, William D. Rubinstein, một giáo sư đại học xứ Wales,...
3. Nhiều người viện lý rằng địa danh Stratford, quê hương của Shakespeare không hề xuất hiện, trong khi đó St Albans, quê hương của Francis Bacon lại tìm thấy những 17 lần trong các vở kịch của Shakespeare, để khẳng định rằng chính công tước Francis Bacon mới là cha đẻ của những vở kịch đó. Tuy nhiên, những tài liệu ghi chép về cuộc đời của vị công tước Bacon này hiện vẫn còn khá đầy đủ cho thấy ông ta là người chẳng có liên hệ gì với giới sân khấu đương thời, thậm chí ông còn là người kỳ thị với sân khấu. Ông cho rằng sân khấu chỉ là một trò mua vui phù phiếm. Vấn đề sự có mặt của những cái tên chỉ địa danh trong tác phẩm của Shakespeare, coi như tạm thời đã được lắng cuống.
Đến năm 1918, trong một cuốn sách có cái tên là Nhận diện Shakespeare  (Shakespeare Identified) của J. Thô-mát Lu-ni (J Thomas Looney), người ta lại thấy xuất hiện một ý kiến cho rằng tác giả đích thực nấp sau đại văn hào Shakespeare chính là Ét-uốt-dơ Ve-rơ (Edward de Vere). Nhưng khi đối chiếu với các tài liẹu liên quan, người ta thấy Vere chẳng có chút gì giống với những đặc tính của Shakespeare còn lưu giữ được trong các tài liệu cũng như tác phẩm của ông. Điều quan trọng hơn là Lu-ni (Looney) không bao giờ có thể chứng minh được rằng sự kiêu căng và rỗng tuếch của một người như Looney lại có thể giấu giếm một cách tài tình thân phận của mình.
Cuối cùng người ta tìm đến giả thuyết cho rằng Xrít-tốp-phơ Ma-lô-vơ (Christopher Marlowe), người đồng thời với Shakespeare mới chính là tác giả đích thực của những vở kịch được mang tên Shakespeare. Chính Can-vin Hốp-man (Calvin Hoffman), người chủ chương thuyết Christopher Marlowe đã từng khai quật mộ của Ma-lô-vơ vào năm 1956 với tham vọng tìm thấy những di cảo của ông này còn mang theo xuống dưới mộ. Thế nhưng việc làm trên của Hốp-man chỉ là công cốc. Cần nói thêm rằng, bảng danh sách những người thay thế Shakespeare với tư cách là cha đẻ những kiệt tác văn chương nổi tiếng khắp thế giới càng ngày càng được kéo dài ra, với khoảng 50 người.
4. Có lẽ Christopher Marlowe là ứng viên đáng tin cậy trong cuộc đua vào vị trí thay thế Shakespeare. Người ta đã ví ông như là một tia sáng nhỏ nhoi vụt qua bầu trời văn học nước Anh thời kỳ hưng thịnh nhất với trào lưu văn hóa Phục hưng ở châu Âu, từ khoảng thế kỷ XIV-XVI, cho dù Marlowe cũng đã để lại những dấu ấn nhất định, góp phần làm biến đối bộ mặt sân khấu nước Anh thời bấy giờ. Những vở kịch của ông được người đương thời đánh giá là cổ xúy cho những tư tưởng nổi loạn tiềm ẩn trong con người bằng xương, bằng thịt Marlowe. Ông luôn chỉ trích một cay cay độc các chính sách xã hội, tôn giáo của chính quyền đương thời. Ông còn được mệnh danh là một nghệ sĩ tai tiếng nhất thời Phục hưng ở Anh, sánh ngang với họa sĩ người Italy có tựa đề Christopher Marlowe: Nhà thơ và tên gián điệp (Christopher Marlowe: Poet and Spy) của Pác Hô-man (Pard Hoffman), con trai của Marlowe thì con người nổi loạn bên trong của Marlowe cũng chỉ được thể hiện một cách mờ nhạt, vì ông không muốn thanh minh cho cha mình, mà nuốn trả lại tư cách nhà thơ cho ông. Tuy nhiên những tư liệu còn lại về Marlowelà quá ít ỏi để người ta có thể chứng minh được rằng chính ông mới là người sáng giá nhất trong chức ứng viên thay thế Shakespeare. Như vậy cho đến hôm nay, dù tư cách tác giả của những tác phẩm nổi tiếng thế giới của Shakespeare có bị nghi ngờ, nhưng chưa một ai có đủ chứng cứ chứng minh được rằng ông không phải là người cha đẻ ra chúng. Người ta cũng chưa thể tìm ra một ai đó xứng đáng nhất về mọi phương diện như đức độ, tài năng, sự giao du, tinh thông nhiều lĩnh vực, khiếu hài hước, sự uyên thâm,...để có thể thay thế được Shakespeare
5. Sự hoài nghi khoa học ở bất cứ đâu và bất kỳ thời đại nào cũng đều cần thiết cho sự phát triển. Với một người tầm cỡ như Shakespeare, nhiều khi những mối nghi ngại trên chỉ tôn thêm tầm vóc của một nghệ sĩ thiên tài. Cũng không thể nào trách những người bỏ ra nhiều công sức và tiền của để tìm kiếm sự thật, khi người ta thật sự khó tin một ai đấy lại có thể am hiểu một cách thấu đáo nhiều lĩnh vực như Shakespeare. Trong các tác phẩm của mình, nhà nghệ sĩ thiên tài này rất đỗi tinh thông về luật pháp, y học, quản lý nhà nước, hoạt động toà án, quân sự, hàng hải, đồ cổ và cuộc sống ngoài nước Anh,…Điều này khiến không ít người nghi ngờ và cho rằng hoặc nó là tài sản của nhiều người, hoặc nó là tài sản của một người có chức, có quyền nào đấy chứ không thể là sản phẩm của một người xuất thân từ một tỉnh lẻ như Shakespeare. Người ta suy đoán rằng hậu duệ của dòng họ William ở Strát-phót cùng lắm cũng chỉ là một anh giúp việc cần mẫn, hoặc một anh chàng chuyên làm nhiệm vụ kéo phông ở các nhà hát cấp tỉnh thời ấy mà thôi. Có như vậy, bình sinh Sếch-xpia mới không dám xuất hiện trước công chúng với tư cách của một kịch tác gia. Chính vị giáo sư đáng kính ở đại học xứ Wales, William D. Rubinstein đã từng quả quyết rằng: Trong số 75 tư liệu đương thời đề cập đến Shakespeare, không tài liệu nào quan tâm tới ông với tư cách là một tác giả.
Thế nhưng, trong một tư liệu chính thống khác viết về Người thầy của những đại tiệc (Master of the Revels), đã cho hay chính Shakespeare được nhắc tới 7 lần với tư cách là tác giả của những vở kịch phục vụ vua Giêm I (James I). Ngoài ra còn có nhiều tài liệu khác xác nhận Shakespeare là nhà viết kịch xuất sắc nhất thời đại ông. Chẳng hạn như Giô-nát-than Bát-tơ (Jonathan Battle), một chuyên gia nghiên cứu về Shakespeare đã chỉ ra rằng: Không một ai, trong khi Shakespeare còn sống hoặc 200 năm sau khi ông qua đời, tỏ ý nghi ngờ về tư cách tác giả của nhà văn.
Có lẽ Nghi án văn chương của Shakespeare là một câu chuyện dài, không ai dễ tìm ra câu trả lời cuối cùng. Nhưng những sáng tác văn học mà ông đã để lại cho hậu thế  chắc chắn đã đạt đến đỉnh cao của những kiệt tác và vẫn là những bữa tiệc tinh thần tuyệt hảo đối với những ai yêu thích dòng văn học cổ điển của nước Anh./.

30 thg 1, 2020

XUÂN TỨ của Lý Bạch (Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi và Bài Họa của Mai Xuân Thanh,Mai Thắng )


 XUÂN TỨ là tựa của một bài thơ xuân trong phần thơ Nhạc Phủ của Thi Tiên Lý Bạch. Bài thơ diễn tả nỗi lòng nhớ nhung tha thiết của một nàng cô phụ đang mõi mắt chờ đợi bóng phu quân lãng tử lạc phách giang hồ nhớ ngày trở lại, và sự kiên trinh trong mõi mòn chờ đợi của người cô phụ trông chồng. Lời thơ mộc mạc chất phác, ý tình chân thật tự nhiên như một khúc dân ca. 
        春思     李白          XUÂN TỨ    Lý Bạch.

          Inline image

        燕草如碧絲,       Yên thảo như bích ty,
        秦桑低綠枝           Tần tang đê lục chi.
        當君懷歸日,       Đương quân hoài quy nhật,
        是妾斷腸時           Thị thiếp đoạn trường thì
        春風不相識,       Xuân phong bất tương thức,
        何事入羅幃?         Hà sự nhập la vi !?



DỊCH NGHĨA :
               Cỏ đất Yên đã xanh mơn mởn như tơ, dâu tầm ăn đất Tần cũng xanh om cả cành lá.( Mùa xuân đã đến rồi đó ! ). Cái ngày mà chàng nhớ đến để quay trở về quê cũ, cũng chính là lúc thiếp đã nhớ nhung chàng mà đứt từng đoạn ruột ra rồi !. Gió xuân kia chẳng hề quen biết, sao lại phe phẩy thổi vào màn thiếp mà chi vậy !? ( Bộ muốn trêu ngươi người cô phụ phòng không hay sao ? Thiếp chặc lòng chặc dạ lắm chớ bộ ! ).



                       Inline image
DIỄN NÔM :
                           Cỏ Yên như tơ xanh biếc
                           Dâu tằm mơn mởn cành xanh
                           Khi chàng nhớ ngày trở lại
                           Thiếp đà ruột đứt từng canh
                           Gió xuân chẳng hề quen biết
                           Cớ sao hây hẩy trong mành !?
          Lục bát :
                           Cỏ Yên xanh biếc như tơ,
                           Dâu tằm mơn mởn lửng lờ cành xa
                           Ngày chàng mong trở lại nhà
                           Thiếp đà đứt ruột xót xa nhớ chàng
                           Gió xuân chẳng biết ngỡ ngàng
                           Sao còn mơn trớn vào màn thiếp chi ?!

              

                        Thư pháp của Đỗ Chiêu Đức
Họa

1 ) Xuân Cảm Động
Cỏ Yên biêng biếc tựa như tơ
Dáng đứng Tần dâu thấp hững hờ
Xót dạ chàng mong hoài giấc mộng
Đau lòng thiếp đợi mãi cơn mơ
Gió xuân mới lạ, đâu quen biết
Sao động khuê phòng phe phẩy chờ ?
Mai Xuân Thanh
Ngày 28/01/2020

2) Xuân Yêu Thương
Cỏ Yên xanh ngát màu tơ
Tần dâu mơn mởn hững hờ thấp xa
Chàng ơi mau trở lại nhà
Thiếp chờ đứt ruột lệ sa mơ màng
Gió xuân lạ lẫm mơn man
Sao màn lay động lụa đang thẫn thờ
Mai Xuân Thanh
Ngày 28/01/2020
 Họa :TỨ XUÂN 
Cỏ Yên như tơ biêng biếc

Dâu Tần nhánh thấp xanh xanh

Lúc chàng muốn về da diết

Lòng thiếp ruột thắt từng khoanh

Gió xuân không hề quen biết

Sao cùng nhập lụa lay mành?
Mai Thắng
*Mai Thắng góp bài phỏng dịch để cùng vui Tết Vì thể thơ ngũ ngôn chỉ có lục cú nên không phải là Đường thi, vì thế đệ dịch theo kiểu tự do

Phòng ngừa virut corona| Hướng dẫn nâng sức đề kháng ở người cao tuổi| D...

Bộ Y tế Canada thông báo cho công chúng rằng cúm (virus Corona) lần này là nghiêm trọng. Phương pháp phòng ngừa là giữ cho cổ họng ẩm, đừng để cổ họng bị khô. Do đó, đừng để khát nước vì một khi màng trong cổ họng của bạn bị khô, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn trong vòng 10 phút. Người lớn nên uống nước ấm 50-80cc, và 30-50cc cho trẻ, tuỳ theo độ tuổi. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy cổ họng bị khô, đừng chờ đợi, hãy giữ nước trong tay. Đừng uống nhiều cùng một lúc vì nó không giúp ích gì, thay vào đó hãy tiếp tục giữ ẩm cho cổ họng. Cho đến cuối tháng 3, tránh đến những nơi đông người, đeo khẩu trang khi cần thiết đặc biệt là trên tàu hỏa hoặc phương tiện giao thông công cộng. Tránh thực phẩm chiên hoặc cay và nạp thêm vitamin C cho cơ thể
Các triệu chứng / được mô tả là:
1. sốt cao
2. ho kéo dài sau khi sốt
3. Trẻ em dễ mắc bệnh
4. Người lớn thường cảm thấy khó chịu, đau đầu và chủ yếu liên quan đến hô hấp
5: rất dễ lây qua tiếp xúc
(H.Phi chuyển)

29 thg 1, 2020

CHUỘT VÀ NGƯỜI - Đinh Từ Thức (TC.Da Màu )



Giải Nobel Y khoa năm 2007 được trao cho ba nhà nghiên cứu Mario R. Capecchi; Oliver Smithies; và Sir Martin Evans. Cả ba đã được tặng giải thưởng cao quý nhờ công trình nghiên cứu từ thập niên 80 về cách tìm hiểu qua “gen” của loài chuột, để biết rõ các căn bệnh nguy hiểm của loài người, như ung thư, áp huyết cao, tiểu đường, và bệnh Alzheimer. Chuột thường bị coi là kẻ thù của người, nhưng lại cũng đóng góp xương máu để cứu nguy, chữa bệnh cho người. Ranh giới giữa bạn và thù, thật quá mong manh.
Các nhà khoa học được giải Nobel, dầu sao cũng chỉ nghiên cứu chuột trong phòng thí nghiệm. Họ chỉ biết có những giống nhau giữa cơ thể chuột và cơ thể người, nhưng có lẽ không biết được cách suy nghĩ, phản ứng, thói quen hay nếp sinh hoạt trong cuộc sống tự nhiên của chuột. Người viết bài này đã có cơ hội theo dõi chuột qua một phần cuộc sống thực của chúng ở ngoài đời, và còn nhớ được một số nhận xét.
Đầu thập niên 70, tôi đã sống hơn một năm tại một căn phòng trên lầu ngôi biệt thự ở đường Hoàng Diệu, Sài Gòn. Phòng không có máy lạnh, cửa sổ mở tối ngày cho thoáng, trên trần lúc nào cũng có vài ba con thạch sùng, trông rất ngứa mắt. Một hôm, bạn thân Lê Triết đem cho khẩu súng bắn hơi “baby gun”, với một hộp đạn chì 500 viên, nói là để thỉnh thoảng bắn thạch sùng cho đỡ buồn. Nhưng tôi chỉ bắn thử vài con, rồi thôi. Vì xác chúng rơi xuống, cái đuôi vẫn còn giãy một hồi, ớn lắm. Có khi chỉ có đuôi rớt xuống, còn nạn nhân cụt đuôi chạy mất tiêu.
Cách phòng tôi chừng bốn mét, là dãy nhà phụ phía sau, nối với nhà chính bằng lối đi ở cả tầng trệt và tầng lầu. Đối diện với cửa sổ phòng tôi là một sân thượng nhỏ, đầu dãy nhà phụ, bên hông nhà bếp của tầng lầu. Góc sân thượng có thùng rác. Hàng ngày, tôi chứng kiến một đàn chuột khá đông, con nào cũng lớn bằng cổ tay, kéo tới kiếm ăn bên trong, hoặc quanh thùng rác. Khi chúng tới, có một con đi đầu, chắc là lãnh tụ. Nhưng khi chúng bới rác kiếm ăn, không còn phân biệt được chuột lãnh tụ với chuột thường. Đây là điểm khác người, vì trong xã hội người, lãnh tụ thường chỉ ăn, và ăn nhiều, mà không phải kiếm ăn. Mỗi khi thấy người, chúng chạy tán loạn, lãnh tụ chạy lẫn với chuột thường. Điều này cũng khác người, mỗi khi nguy hiểm, lãnh tụ thường chạy trước. Nhưng chúng chỉ chạy đi trong chốc lát, rồi quay trở lại.
Quan sát đàn chuột sinh hoạt trong thời gian khá lâu, hầu như không thấy chúng tranh ăn với nhau. Đặc biệt, không bao giờ thấy chúng đánh nhau, hay cắn nhau tới chết, hoặc bị thương. Ngược lại, có vẻ hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc muu sinh. Có người kể, nhưng tôi không được tận mắt chứng kiến, là chuột có phương pháp lấy trứng rất tài. Một con dùng cả bốn chân ôm chặt quả trứng, để con khác cắn đuôi lôi về tổ. Loài người khó hợp tác kiểu này, vì khó tránh được án mạng khi phân chia phẩm vật. Kẻ ôm cho rằng nhờ mình ôm mới có trứng, lại còn bị cắn đuôi lôi đi, đau rướm máu vẫn không la, nên đáng được phần hơn. Kẻ kéo bảo mình có công nhiều hơn, phải tận lực kéo cả trứng lẫn kẻ ôm, không kéo làm sao có trứng?
Không có kiên nhẫn của nhà khoa học, quan sát chúng mãi, cũng chán, lại sợ chúng đem bệnh tới, như trận dịch hạch khủng khiếp thời trung cổ mà chuột đóng vai chính trong việc phát tán, tôi bèn nảy ra ý định dùng cây súng hơi để tiêu diệt chúng. Dự tính sẽ hạ từng tên một, cho đến khi thanh toán hết mới thôi.
Chuột cũng như người, mông là mục tiêu dễ nhắm nhất. Nhưng mỗi lần lẩy cò, khi tai nghe tiếng “đẹt”, mắt chỉ thấy cái mông bị nhắm vạy đi một chút, giống các mệnh phụ quý tộc nhún mình chào vua chúa, rồi cả đàn chuột chạy mất. Ít phút sau, chúng lại kéo đến, như chẳng có chuyện gì xẩy ra.
Bắn mông không kết quả, tôi đổi sang nhắm đầu. Nhưng so với những cái “vòng số ba” đồ sộ, đầu nhỏ hơn, khó trúng. Nhiều khi đám chuột chạy vì hoảng hốt khi nghe tiếng “đẹt”, chứ chẳng con nào hề hấn gì. Tôi vẫn không bỏ cuộc. Cho đến một hôm, một con lăn ra chết vì trúng đạn. Quan sát tử thi, không thấy máu me thương tích gì cả. Tìm mãi mới rõ nguyên nhân: Đạn trúng ngay lỗ tai, khiến chú chuột chết không kịp ngáp. Tất nhiên, con chuột này tới số, chẳng may đạn trúng chỗ hiểm, không phải tôi bắn giỏi tới mức nhắm trúng lỗ tai. Điều làm tôi ngạc nhiên, là từ đó về sau, không còn con chuột nào bén mảng tới gần thùng rác nữa. Khiến dự tính lần lượt hạ từng tên một, bỗng nhiên phải chấm dứt. Sự việc xẩy ra đúng với lời dạy của người xưa dành cho loài người “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người, vạn người sợ).
Điều khó hiểu là bằng cách nào, sự việc xẩy ra rất nhanh, trong khi cả đàn chạy tán loạn, và con chuột trúng đạn chết ngay, không có cơ hội thông báo cho đồng bọn, tại sao chúng biết được một con đã hy sinh? Những lần khác, một con trúng đạn nhưng không chết, chúng cũng chạy tán loạn, nhưng ít lâu sau đã trở lại. Phải chăng đã có cuộc điểm danh, thấy mất một tên, khiến cả bọn ý thức được một việc nghiêm trọng đã xẩy ra: không phải chỉ là chuyện rát mông như trước, mà có một đồng bọn đã chết, nên tất cả không ai trở lại nữa?
Vậy, có thể nói, chuột đã đủ thông minh để nhận ra chân lý: Ở đời chẳng bao giờ có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”, nên, dù bị rát mông, mà có ăn, cũng nên trở lại. Nhưng, đồng thời cũng nhận ra rằng: “ăn để sống”, nếu phải chết vì miếng ăn, là điều vô lý. Do đó, nhất định không trở lại chỗ có thể chết, dù biết rõ nơi đó có ăn. Trong trường hợp này, giữa chuột và người, ai hơn ai? Có người đã lăn xả vào chỗ chết, hay tội nghiệp hơn, đã phải lo chạy tiền, chi trả để tham dự những chuyến đi có thể chết người, chỉ vì miếng ăn. Những người này không khôn bằng chuột, hay chuột không can đảm bằng người? Nếu chuột sinh hoạt theo hướng dẫn của lãnh tụ, thì đàn chuột do tôi quan sát đã có một lãnh tụ sáng suốt, biết quý trọng mạng sống, không xô đẩy đồng loại vào chỗ chết uổng. Tôi xin ngả nón trước lãnh tụ chuột vô danh này, và ghê tởm những lãnh tụ người không được như chuột.
Có lẽ vì sợ chết, chuột đã bị loài người gán cho tiếng xấu. Theo chữ Nho, người Tầu gọi chuột là “thử”, và dùng chữ “thử bối”, tức bầy chuột, để chỉ một bầy tiểu nhân. Cũng như dùng chữ “thử kỹ”, là nghề hay của chuột, để chỉ tài nghệ của bọn tiểu nhân. Người nhát gan mà hay rình lén, bị gọi là người có mắt chuột (thử mục). Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tuổi Giáp Tý, không phải bị gán cho, mà đúng là người có tướng thử mục. Tuổi Chuột mà có tướng thử mục, là trúng cách, hay quý tướng. Càng nhát, càng làm lớn. Chuột mà không nhát, chết như chơi!
Tuy người Tầu đồng hóa chuột với bọn tiểu nhân, nhưng theo cuốn truyện nổi tiếng Trại súc vật của George Orwell, trong một đại hội súc vật, trước cuộc cách mạng long trời lở đất chống lại loài người bẩn thỉu, chuột đã được đa số bầu là bạn của súc vật, tức là thuộc thành phần cao quý tiến bộ, không thuộc thành phần kẻ thù như loài người. Cuộc bầu cử này coi như đã phục hồi danh dự của chuột.
Nhưng không phải lúc nào chuột cũng tránh cái chết. Thỉnh thoảng báo đăng, có những đàn chuột hàng ngàn, hàng triệu con, nối đuôi nhau đi nhiều dặm đường, kéo tới một vách đá trên bờ biển, thường là tại những nơi hẻo lánh ở châu Phi, rồi con nọ theo con kia, nhảy xuống biển mà chết. Hành động này, tất nhiên không phải vì miếng ăn tầm thường. Mắt chuột sáng hơn mắt người, có thể nhìn rõ ngay cả trong đêm tối. Trước khi nhảy, chúng phải nhìn thấy phía dưới là nước biển xanh thẫm, sâu thăm thẳm, không phải là chậu phó-mát mầu vàng. Vậy, khi chúng tự nguyện nhảy vào chỗ chết, chắc phải do một niềm tin cao cả nào đó, như tin sẽ được làm anh hùng, hay làm thánh. Rất có thể một lãnh tụ chuột tài ba đã tạo được niềm tin, khiến đàn chuột tin mà không cần thắc mắc, rằng cứ theo nhảy xuống biển, rồi sẽ được mãi mãi hưởng một cuộc sống thần tiên, được lấy một trăm “trinh thử” (chuột còn trinh), hay được hóa kiếp thành… mèo.
Dưới mắt người, những vụ chuột theo nhau nhảy xuống biển chết tập thể, thật khó hiểu, và có vẻ ngu si đần độn. Trong các sinh vật, hầu như chẳng có loài nào hành động lạ lùng như thế. Trừ loài người. Riêng trong thế kỷ trước, đã có hàng trăm triệu người theo nhau vào chỗ chết. Tự nguyện hay cưỡng bách. Từ một hành tinh nào đó, nếu có một loại sinh vật thông minh tiến bộ, quan sát sinh hoạt của loài người trên trái đất, giống như loài người quan sát sinh hoạt của loài chuột, ắt cũng không thể hiểu nổi thỉnh thoảng có những đám đông hàng triệu người, dàn trận đánh nhau, dùng đủ loại võ khí tiêu diệt nhau, rất tàn bạo.
Khác nhau là: Chuột nhảy vào chỗ chết, nhưng không gây thiệt hại cho đồng loại. Người nhảy vào chỗ chết bằng cách tiêu diệt nhau, vô cùng dã man.
Chuột không hiện đại bằng người, hay người ác hơn chuột?
Chuột hậu truyện
Bài Chuột và Người đã được viết cách đây 12 năm, ký bút hiệu Sức Mấy, đăng trên báo mạng Talawas, vào dịp
Tết Chuột năm Mậu Tý, 2008.
clip_image002
Chuột nhảy xuống biển tự tử tập thể, cảnh trong bộ phim tài liệu White Wilderness của Walt Disney, 1958
clip_image004
Thế giới ngày càng thay đổi mau lẹ. Mười hai năm trước, viết như đã viết, có thể đăng báo được. Ngày nay đọc lại, có chỗ thấy không được, cần phải nói thêm cho rõ. Phần quan sát sinh hoạt kiếm ăn của loài chuột vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, đó là ghi lại kinh nghiệm bản thân do người viết chứng kiến, không có gì thay đổi. Trong nửa thế kỷ, cách suy nghĩ và hành động của loài chuột có thay đổi không, điều này phải có dịp quan sát, mới nói chắc được. Trong khi ấy, có nhiều người vẫn suy nghĩ và hành động y như cũ, dù vẫn sống ở một nơi, hay đã di chuyển tới những nơi rất xa xôi khác.
Trong lãnh vực truyền thông của người, cũng có nhiều thay đổi. Ví dụ, trong bài 12 năm trước, viết: Thỉnh thoảng báo đăng, có những đàn chuột hàng ngàn, hàng triệu con, nối đuôi nhau đi nhiều dặm đường, kéo tới một vách đá trên bờ biển, thường là tại những nơi hẻo lánh ở châu Phi, rồi con nọ theo con kia, nhảy xuống biển mà chết. Bây giờ viết như vậy là hồ đồ, không được. Sống ở thời đại tin giả tràn ngập, không thể viết “thỉnh thoảng báo đăng”, mà phải ghi rõ, báo nào, ở đâu, ngày nào… và còn phải tìm hiểu xem nguồn tin đó có đáng tin không, hay thuộc loại fake news? Vì thế, cần có phần Chuột hậu truyện này để nói thêm về vụ chuột tự tử tập thể.
Nhờ mọi sự thay đổi, mối liên hệ giữa chuột và người cũng mau chóng thành khắng kít. Đầu thế kỷ 21, một loại chuột công nghệ, con chuột trong hệ thống máy điện toán, đã có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người. Người và chuột không thể rời nhau. Nhấp chuột để học hỏi, nhờ chuột để mưu sinh. Người tạo ra chuột, rồi bỗng chốc, lệ thuộc vào chuột. Thiếu nó, cuộc sống bị xáo trộn, hụt hẫng. Rồi, một bài học kinh nghiệm nữa, dù quan trọng như vậy, chuột điện toán chỉ tung hoành khoảng một thập niên, trước khi bị lu mờ. Với laptop, ipad, iphone… chẳng ai cần tới chuột nữa! Không riêng người, chuột cũng bị đào thải mau lẹ.
Tết Mậu Tý 2008, nếu chỉ có thể nói bâng quơ về nguồn tin chuột tự sát tập thể, Tết Canh Tý 2020, chỉ vài cái nhấp chuột, người ta có thể biết rõ hơn về huyền thoại này.
Kết quả nhấp chuột đầu tiên cho thấy từ báo Los Angeles Times (latimes.com) ngày 18 tháng 12, 1985, hồi 8 giờ sáng, loan đi từ thủ Đô Do Thái Tel Aviv, nguồn tin nói rằng: “Hàng trăm con chuột đồng tự tử tập thể bằng cách nhảy từ các mỏn đá ở Golan Heights, qua cách mà các nhà khoa học Do Thái nói hôm nay là do bản năng của loài gặm nhấm này để giải quyết tình trạng sinh sản quá nhiều. Các nhà khoa học dã ngoại nói họ quan sát vụ nhảy tập thể vào hai con suối và đếm được 150 tử thi dưới chân một mỏm đá. Họ nói có tới 250 triệu con chuột sinh sống trong vùng này”.
Tám năm sau, ngày 11 tháng Tám năm 1993, hồi 10 giờ 42 sáng, hãng thông tấn AP (apnews.com), lớn hàng đầu của Mỹ, đăng lại một nguồn tin của hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency) từ Bắc Kinh:
Beijing (AP). – Hàng trăm ngàn chuột đã trầm mình tại Tây Bắc Trung Quốc trong một vụ tự sát tập thể có thể phát động do quá đông. Dân du mục bắt đầu tìm thấy những con chuột chết từ tháng Năm tại thảo nguyên Altay và phần lãnh thổ gần vùng tự trị của người Uygur ở Xinjiang. Theo Tân Hoa Xã, con số chuột chết tăng mau, và trên 300.000 xác đã gom được tại một địa phương.
Các chuyên viên suy đoán, vì số chuột gia tăng trong nhiều năm đã khiến nhiều nạn nhân bị một căn bệnh bí hiểm. Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm thấy dấu tích của một thứ bệnh nào cho loài gặm nhấm, cũng như cho các giống vật khác, hay cho người. Những người khác cho rằng đây có thể là báo hiệu của một trận động đất lớn.
Ngày hôm sau, 12-8, 1993, một tờ báo địa phương của Mỹ, Orlando Sentinel ở Florida, cũng đăng lại tin này.
Tin từ các cơ sở truyền thông lớn như AP hay Los Angeles Times cũng chưa có thể hoàn toàn tin cậy. Muốn biết về cuộc sống của động vật hoang dã, cần tìm hiểu nơi những cơ quan có thẩm quyền hơn. Sau đây là thêm vài kết quả nhờ nhấp chuột:
– Theo bản tin của cơ quan về cá và động vật hoang dã Alaska (Alaska Fish & Wildlife) vào tháng 9, 2003, chuyện chuột tự tử tập thể chỉ là huyền thoại do hãng phim Disney nguỵ tạo, khiến rất nhiều người tin là thật. Theo bản tin chính thức này, vào năm 1958, Walt Disney đã sản xuất bộ phim Hoang Dã Trắng (White Wilderness), là một phần trong loạt phim “Phiêu lưu đời thật” (True Life Adventure). Trong White Wilderness có một đoạn về hiện tượng kỳ lạ trong cuộc sống của một loài gặm nhấm, một giống chuột có tên tiếng Mỹ là lemming. Hiện tượng gây chú ý này mô tả những con chuột, do một sự thôi thúc không hiểu nổi, đã cùng nhau tự tử tập thể.
Theo bản tin chính thức trên, vào năm 1983, hãng truyền hình CBC của Canada (Canadian Broadcasting Corporation), sau một cuộc điều tra, đã cho biết, những hình ảnh về đoàn chuột (lemming) tự tử tập thể là giả tạo (faked). Cảnh chuột tự nhảy xuống biển thực ra bị đẩy từ mỏm cao bởi các nhà làm phim của Disney. Màn chuột chạy trên tuyết là do dàn cảnh. Nơi quay phim là Alberta, Canada, không phải là nơi sinh sống tự nhiên của loài chuột lemmings. Disney đã mua chuột từ các tỉnh lân cận ở Manitoba đem về cho làm “diễn viên” đóng phim.
– Một năm sau, từ Nam bán cầu, hãng ABC (Australian Broadcasting Corporation – abc-net-au), qua bản tin khoa học (News in Science – ABC Science), ngày 27 tháng 4, 2004, khẳng định chuyện chuột tự tử chỉ là huyền thoại. Phần chính bản tin cho biết: Một huyền thoại đã ăn sâu trong ngôn ngữ chúng ta là “Chuột nhảy tự sát – Lemming Suicide Plunge” – về loài chuột lemmings, có vẻ như bị tràn ngập bởi một sự thúc đẩy sâu xa, hàng triệu con đã nhảy từ một mỏm cao, rớt xuống chết trên những tảng đá phía dưới, hay chết đuối dưới biển. Thật ra, huyền thoại này bây giờ chỉ là một biểu tượng cho thái độ của những đám đông dân chúng, những người điên khùng theo nhau, như loài chuột, bất chấp hậu quả. Huyền thoại đặc biệt này đã bắt nguồn từ một cuốn phim của Disney…
Nội dung bản tin khoa học của ABC cho biết, không hề có chuyện tự tử tập thể có vẻ ngu xuẩn của loài chuột. Thật ra, ngoài những cảnh diễn xuyên tạc sự thật của Disney, nếu có những nhóm chuột bị thiệt mạng rơi từ mỏm núi cao, hay chết đuối dưới biển, đó không phải là chúng tự sát tập thể, mà thật ra, là những phần tử không may, đã gặp nạn trên con đường “di tản vì lý do kinh tế”; vì sinh sản quá nhiều, quá đông, phải kéo nhau lên đường tìm một môi trường mới dễ sống hơn.
Như vậy, trong khi giới truyền thông loan tin về những vụ chuột tự tử tập thể, giới khoa học đã khẳng định không có chuyện này. Chuột cũng như người, và mọi loài động vật, đều muốn sống và phát triển. Khi cảm thấy cuộc sống khó khăn, bảo nhau lên đường với hy vọng tìm cuộc sống dễ chịu hơn. Và chuột cũng như người, đa số hành động theo đám đông, “ai sao tôi vậy”, nếu chẳng may cùng bị nạn, giống như tự sát tập thể. Mùa Hè năm 2019, tin tức sôi nổi về những đoàn caravan của người di dân phát xuất từ Nam Mỹ, và hình ảnh thảm thương vào cuối tháng Sáu cảnh hai bố con, anh Oscar Alberto Martinez 25 tuổi, và con gái Valeria chưa đầy 2 tuổi (23 tháng), từ Salvador cùng chết đuối khi bơi qua sông Rio Grande, không phải tự ý tìm cái chết, mà bị nạn trên đường tìm cuộc sống mới.
Cuối bản tin, hãng ABC của Úc đã nêu vấn đề: Một công ty lớn và uy tín như Disney, có biểu tượng là Chú Chuột Mickey Mouse lừng lẫy, không hiểu sao đã làm phim xuyên tạc về cuộc sống của chuột lemming, khiến loài người hiểu lầm về loài chuột.
Hãng Disney, một cơ sở danh tiếng, dùng chuột làm biểu tượng cho mình, trong khi sản xuất những hình ảnh giả tạo, khiến người hiểu sai về cuộc sống của chuột. Khả năng trí trá này, có thể do bộ óc thông minh của loài người, loài chuột chắc còn lâu mới đuổi kịp.

Đinh Từ Thức