3 thg 9, 2019

FM974 Melboure:Syria: “Nhật Ký Raqqa” – Những Năm Tháng Trong Tay Quân Khủng Bố ISIS

 Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 02/09/2019
Syria: “Nhật Ký Raqqa” – Những Năm Tháng Trong Tay Quân Khủng Bố ISIS
(Trích một phần trong cuốn The Raqqa Diaries của Samer)

Tháng 3 năm 2013
    Tôi sẽ không bao giờ quên được, hình ảnh ngày đầu tiên quân Daseh (ISIS) xuất hiện trên đường trong thành phố Raqqa của mình. Mới đầu lính của quân FSA (Quân đội Tự Do Syrian), lực lượng ly khai chống chính quyền Damacus, bao vây quân ISIS đang chiếm đóng các cao ốc, chúng tôi mừng rở và hết sức chủ quan nhưng mọi chuyện dần dần thay đổi, quân FSA bắt đầu yếu thế hơn, có lẽ họ quá bận rộn đối đầu với quân lính chính quyền ở các nơi khác cho nên lực lượng của họ quanh thành phố Raqqa càng lúc càng không đủ mạnh, đồng thời họ cũng bị thiệt hại nặng vì trúng bom oanh tạc cơ của Damacus, lợi dụng tình thế này quân Daesh phản công, phá vở vòng vây và nhanh chóng chiếm được Raqqa, cái thành phố sau này họ xưng là “thủ đô của vương quốc hồi giáo Daesh”.


Chiếm Raqqa xong, sau khi làm chủ tình hình hoàn toàn, trong khi nhiều người lính Daesh bận rộn giết một số người mà không có lý do gì hết thì số khác, bắt tay vào việc tạo nên một sự sợ hãi trên khắp đường phố Raqqa. Họ thừa dịp người dân torng thành phố chưa biết gì về ISIS, bắt đầu dẫn dụ dân chúng gia nhập hàng ngủ của họ, thoạt đầu họ săn đón, hòa nhả vui vẻ với mọi người, hứa hẹn Raqqa sẽ là một thế giới mới nhưng tôi không có cảm nhận gì với những gì họ nói. Thành viên của Daesh đến từ hai thành phần, những người tin tưởng vào ý tưởng ISIS, cho họ là người đến cứu dân ở đây là thành phần tiến vào Raqqa trước tiên, thành phần thứ hai là nhóm người hung bạo hơn.
Lần đầu tiên tôi thấy toán Hisbah, toán cảnh sát tôn giáo của Daesh, họ đi tuần tiểu trên các đường phố, là khi họ la mắng một người đàn bà đang lôi con gái của bà vào lề vì nó chạy ra đường lộ, bà mẹ xem ra chưng hửng khó chịu, bà mặc áo thụng dài và có khăn trùm đầu nhưng họ mắng nhiếc bà và hạch hỏi sự đứng đắn của bà chỉ vì bà không có mang khăn che kín mặt, đám cảnh sát tôn giáo này dùng những từ ngữ mà hầu hết người ở đây sẽ mắc cở, xấu hổ khi nói ra, vậy thì làm sao tự gọi là cảnh sát tôn giáo được, tôi nhìn mà cứ thắc mắc trong lòng. Bà mẹ này bắt đầu lo sợ hơn và cố tình tránh né đám quân Daesh này, bà nói chỉ muốn đem con về nhà thôi nhưng họ không chịu để bà ta yên, lúc này có năm ba người và tôi đứng nhìn gần đó chúng tôi thật “sốc” nhưng không ai dám nói gì, không lâu sau, nhiều người kéo tới và chúng tôi cùng dàn ra bao quanh đám cảnh sát tuần tiểu Daesh, thấy không ổn họ bàn với nhau rồi bỏ đi. Tôi nghe có ai đó hỏi lớn “ai đem bọn nó tới đây”, chúng tôi không ai muốn có những người này ở Raqqa, người đàn ông khác la lớn lên bảo mọi người đừng nói gì hết, hiện bọn Daesh cho người rình rập mọi chỗ, mọi nơi nghe ngóng, ông nói thêm, đêm qua họ đã cắt đầu một anh thanh niên ở quảng trường Naeem, chỉ vì anh này nói xấu về họ, bất chấp lời cảnh báo của người này, tôi nghe rõ tiếng ai đó hét lên “bọn người này sẽ mang chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá”.
Tôi nghe trên loa phóng thanh nói rằng, quân Daesh đang chuẩn bị tử hình một vài người, thì cùng lúc đó đã có một nhóm đàn ông bị bịt mắt đứng giữa khoảng sân rộng trước chợ, trước mặt họ, một tên Daesh bịt mặt bắt đầu đọc bản án: “Hassan là lính của chế độ Damacus, bị chặt đầu, Eissa, một người hoạt động về báo chí bị tội liên hệ, nói chuyện với đám người ngoại quốc, bị chặt đầu”. Tên đao phủ cầm một thanh gươm dài thi hành bản án, nhanh tay chặt đầu hai người đó. Chúng tôi không thể làm gì trước chuyện xảy ra trước mắt mình, rất nguy hiểm cho bản thân nếu để lộ ra cảm nhận của mình vì đám quân Daesh len lỏi ngóng nhìn trong đám đông, tôi liếc nhìn những gương mặt chung quanh, cố đọc họ đang nghĩ gì trong đầu, qua đôi mắt lặng lờ buồn thảm, một số có chút giận dữ trên mặt, họ ném cái giận dữ về phía tên đao phủ Daesh, như ngầm nói sẽ trả thù nếu có dịp may đến, trong khi tôi còn miên man suy nghĩ thì, một số người dân phía sau bắt đầu bỏ đi dần, nhưng điều này cũng nguy hiểm không kém vì quân Daesh muốn biết chắc rằng bọn dân chúng tôi đều chứng kiến vụ chặt đầu này. Trên đường về nhà vì không kềm nổi bất mản, tôi bực tức than phiền trống không hơi lớn tiếng về việc này, thình lình một toán cảnh sát tôn giáo Daesh ở đâu đó xuất hiện, nhào đến bắt, mang tôi đến trụ sở của họ, tôi cố giải thích nhưng họ chẳng thèm nghe, họ kết tội tôi nói xấu Daesh giữa công chúng, phạt bị đánh 40 cây trượng, không một chút tình người, tên quân Daesh đánh ngay vào mông vào lưng tôi với nét mặt tươi cười hả hê sung sướng.
Một sáng lạnh tháng Ba, anh em tôi định làm một bữa tiệc nhỏ mừng lễ “Ngày của mẹ” thì tiếng oanh tạc cơ của chính quyền Damacus gầm gừ vang vọng trên trời, tôi liền bỏ chạy về nhà, bom rớt ngay trên đường nhà tôi ở, căn nhà bị sập gần hết, gạch ngói ngổn ngang, người láng giềng, nhà của ông cũng không khá gì hơn, cho biết cha mẹ tôi bị thương nặng và đã được mang tới bệnh viện. Khi anh chị em tôi tới đó, cả bệnh viện đầy ắp xác người chết và mùi tanh của máu, tôi đòi được nhìn những cái xác chết đặt nằm ngoài hành lang để xem có cha mẹ tôi trong số đó không, tôi chợt rụng rời tay chân, mất hồn, không còn nhớ gì nữa khi đứng bên cạnh cha tôi, xác ông đầy vết thương tím bầm máu, hầu hết xác chết đều được bọc quấn bằng vải trắng nhưng khuôn măt cha tôi vẫn còn lộ rõ ra ngoài, tôi chết trân, khóc không thành tiếng. Có tiếng nói ai đó thì thầm “mẹ anh đang được săn sóc ở đây nhưng đừng vào trong bây giờ”, hai tiếng đồng hồ sau, một người bác sĩ đi ra, tôi nói là con của bà, ông đã cứu bà sống nhưng bà còn hôn mê, mệt lắm. 


Cuối tháng Năm năm 2016
Tôi quyết định ở lại Raqqa cho tới khi nào tôi có thể, thành phố này đã cho những kỷ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong đời và tôi muốn sống với nó và làm những gì khi Raqqa cần tôi, tôi sẳn sành chấp nhận mọi khó khăn, đau khổ cũng như chuẩn bị chết ở đây. Nếu không phải là mẹ tôi, già yếu, bệnh tật thì tôi không bao giờ bỏ đi nhưng bà yếu quá rồi, bà biết tôi vẫn còn bị quân Daesh để mắt tới, sẽ không bao lâu nữa họ sẽ bóp cò súng một ngày nào đó, vì vậy cuộc đời lưu vong bỏ xứ của tôi bắt đầu. Nơi chỗ tôi ở, ai nấy cũng có ý nghĩ giống như tôi, hàng ngàn người đã rời nhà chạy trốn khỏi chế độ của Assad cũng như quân Daesh ISIS, sự đau đớn của họ, những bải mìn vẫn còn trơ trơ ra đó, chưa có chuyện tàn cuộc. Tại trại tỵ nạn, không đủ thực phẩm thuốc men, oanh tạc cơ của Assad cứ bay lượng dọa nạt trên không, nhiều người ở đây quá chán chường đến nổi nói với tôi là, ước gì họ đã chết, nhiều người khác hy vọng vượt biên giới vào đất Thỗ Nhĩ Kỳ nhưng biên giới đã đóng kín, không có gì để mà hy vọng, bên cạnh đó người bị thương tích ráng mà chịu đựng, không ai làm gì khác hơn, là cố làm được gì thì làm để chờ để đợi, một sự nhiệm mầu nào đó.
Tôi mang theo rất nhiều kỷ niệm trong cái túi xách nhỏ, những tấm ảnh chụp người ta và nơi chốn quen thuộc nhớ mãi, một chút về quá khứ của tôi mà xem ra chắc là sẽ không còn hiện hửu nữa, trong số đó, có tấm ảnh của người láng giềng của tôi, đã chết cùng với con của ông ta trong một vụ oanh tạc, một tấm ảnh của một người bạn thân cũ bị quân Daesh đánh chết, đây là hình căn nhà đổ nát của gia đình tôi và con phố hoang tàn, trống vắng không một bóng người hay con vật. Còn nữa, tôi sẽ không bao giờ quên được, ở đó có một cô bạn gái đẹp mà chúng tôi đã có những giây phút hạnh phúc nhất trong đời cho đến khi định mạng gây nên chia ly, cô bị cưởng bức phải kết hôn với một tên lính Daesh, và những người bạn cùng học chung trường chung lớp, tôi không có hy vọng là sẽ gặp lại họ nữa.
Ngày qua ngày tôi cố mà quên những thứ này, hiện tại toàn là rắc rối, đau buồn nhưng tôi vẫn bám víu vào hy vọng, hy vọng rằng mặc dù những kỷ niệm quý giá đó đã xa bay rồi, tôi có lẽ sẽ tìm cái mới đến với mình, môt ngày, một ngày nào đó tôi có thể trở lại mái nhà xưa.
Samer
    
Thuyên Huy
Mon 02.09.19 
Phụ chú:
Cuốn nhật ký “The Raqqa Diaries”, nguyên bản tiếng Á Rập, bắt đầu phát thanh từng phần trên đài Radio 4’s Today Programme, Luận Đôn. Samer không phải là tên thật, được dùng vì sự an toàn của người viết, mặc dù dưới sự cai trị khắc nghiệt của ISIS, Samer vẫn lén lút hoạt động trong một nhóm người chống quân ISIS, Al- Sharqiya 24, và cuốn nhật ký này đã được chuyển ra nước ngoài dịch ra Anh ngữ. Hiện nay, quân ISIS bại trận, tan rã và thành phố Raqqa đã được giải phóng hoàn toàn từ năm 2017.

Xem bài CCTG 26/8/19: Hoa Kỳ - Nebraska: Julia Yllescas Và Tấm Ảnh Của Người Cha Chết Trận Tưởng Như Vẫn Còn Đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét