19 thg 9, 2019

BIỂN - Vũ Thành Sơn



Một căn nhà đơn sơ nhiều cửa sổ lộng gió vá ánh sáng, mái ngói đỏ, nhìn ra mặt vịnh với cái hàng rào thấp sơn xanh phủ đầy hoa dâm bụt và bông giấy bao quanh một mảnh vườn nhỏ. Không gian bên trong cũng sơ sài tối đa: một cái bàn viết với lọ hoa, la bàn, dãy kệ sách chạy quanh tường, ngọn đèn, nến đầu giường, chiếc ghế đu với tấm chăn đắp chân, tủ rượu, những cái tượng gốm nhỏ. Bây giờ là bốn giờ chiều. Những chuyển động đều trở nên mơ hồ, chậm chạp. Gió thổi căng phồng tấm rèm ngăn cách với phòng ngủ lờ mờ bên trong. Tiếng sóng biển dâng đầy cửa sổ. Một mùi hoa dại ngoài vườn thoang thoảng lẫn với mùi muối mặn.
Đó là hình ảnh thường trở về nhiều lần trong giấc mơ của tôi. Có thể nó có nguồn gốc từ một cuốn phim, một cuốn sách, tờ bưu thiếp hay một tờ họa báo nào đã đọc, đã xem qua đâu đó trong quá khứ và ở lại mãi trong tầng sâu tiềm thức. Cũng có thể từ lâu nó đã là một mong ước thầm kín. Thực ra, tận trong thâm tâm, giả thiết nếu có một mong ước nào để ấp ủ trong đời có lẽ tôi cũng không mong ước gì nhiều hơn thế. Một cuộc sống êm đềm bên biển, ngâm mình trong làn nước xanh, chân trần bước đi trên cát, ăn rong biển, rong chơi với những con còng gió. Một cuộc sống giản dị như một hòn đá nhẵn nhụi bên bờ đại dương.
Nhiều năm trước tôi kết bạn với những ngư dân sống ven biển. Mỗi lần ra biển tôi theo thuyền đánh cá của họ đi đánh bắt ven bờ. Lần đầu tiên nắm chặt trong tay chiếc lưới cá, từ từ kéo lên khỏi mặt nước biển, nhìn thấy những sinh vật quẫy đạp dưới ánh nắng đốt cháy da thịt, đem đến một sự háo hức, hồi hộp, hân hoan pha lẫn chút cảm động khó tả. Đó là một cảm giác khó quên tận về sau. Trên thuyền tôi học ở ngư dân những bài học vỡ lòng về biển: cách quăng lưới, hay tên gọi của từng loại cá đủ màu sắc lạ lần đầu được nhìn thấy, hoặc cách nhận biết những con cá nóc có thể ăn được…Đến trưa chúng tôi cặp thuyền vào một cái bãi cát vắng gần đó, gỡ cá, tôm ra khỏi lưới, rồi đốt lửa nướng ăn, uống rượu, đàn hát cho đến khi trời tắt nắng. Niềm vui hào sảng, phóng khoáng mà biển cả với tình bạn hồn nhiên ban tặng qua những chuyến đi như vậy đã khơi dậy trong lòng tôi một tình yêu biển cả sâu đậm, đằm thắm.
Còn bây giờ? Biển đang rút đi và tôi đang mắc cạn. Tôi là một con sứa hay một con sao biển bị sóng vô tình ném vào phố chợ.
Biển chỉ hồi sinh trong tôi vào những tháng hè. Còn gia tài của tôi lúc này chỉ vỏn vẹn những mảnh vỡ của biển nằm rải rác trên bàn làm việc như những cổ vật mà tôi đem về từ chuyến đi của những mùa hè trước: mấy vỏ sò, vỏ ốc, những con sao biển phơi khô, những viên đá nhỏ nhiều màu và tiếng sóng ghi âm lại từ một chiếc điện thoại.
Ở thành phố những đêm thao thức khó ngủ, tôi lấy điện thoại ra, mở lại những đoạn ghi âm để nghe tiếng sóng trầm hùng từ một nơi chốn xa xăm vọng đến và lúc ấy tôi lại có biển ở bên cạnh mình. Trong đêm tối cái điện thoại ấy đem đến những âm thanh kiêu hãnh của biển vỗ về tôi vào giấc ngủ. Tôi nghe thấy trong tiếng sóng có cả tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc và tiếng chim kêu. Mỗi khi trong lòng tôi tiếng nói con người tắt lịm thì tôi lắng nghe tiếng sóng biển. Tôi nhận ra một điều giản dị: biển là một sinh vật nhiều tiếng nói và dù ở đâu, biển cũng chỉ chuyển đi một thông điệp duy nhất của một đời sống sơ khai, bí ẩn, khó hiểu, đe dọa, luôn luôn hiện diện bên trong con người nhưng không phải lúc nào cũng được nhìn nhận đúng ý nghĩa của nó. Cuộc sống hiện đại xô bồ, bận bịu chỉ cho người ta mỗi năm một khoảng thời gian ngắn ngủi để thư giãn và biển, lúc ấy, thường là một lựa chọn ưu tiên. Tuy vậy, cũng như mọi người, tôi đến với biển vội vàng và ra đi vội vàng. Biển như một mối tình bất chợt, chóng vánh, không lưu luyến. Biển hiển hiện ở đó như một người xa lạ và với tôi, biển còn là một món nợ ân tình, một thách thức của chính mình chưa vượt qua.
Ra biển, tôi bỏ lại hết tiếng động của con người ở sau lưng. Tiếng động do con người tạo ra đang giết tôi chết dần mòn mỗi ngày cũng như giết chết chính họ. Chưa bao giờ văn minh lại đồng nghĩa với hủy diệt như lúc này. Không có gì bất hạnh hơn khi mình bị tiếng động của con người dồn đuổi đến tận những nơi tưởng đã là tận cùng của thế giới. Ra biển, đó là cơ hội để tôi được nghe, được tan biến vào khúc diễn tấu kỳ ảo từ dàn hợp xướng của biển cả, gió lộng, chim chóc, côn trùng, hoa lá.
Việc đầu tiên của tôi mỗi lần đến biển là mở hết cửa và cửa sổ ra, để cho tiếng sóng, gió và nắng tràn ngập hết gian phòng. Biển sẽ đầy ắp từ sáng cho đến tối, cho đến tận giấc ngủ đêm khuya, trong mỗi miếng ăn, mỗi ngụm cà phê, mỗi chuyển động của bước chân, bàn tay. Biển đong đưa trong mắt, trong hơi thở, trong từng giọt mồ hôi rám nắng. Đêm, đứng ở ban công nhìn ra mặt biển lấp lánh ánh sao, dãy núi đá thấp, bãi cát dài và vài chiếc thuyền chài neo đậu, tôi mới thấy từ nguyên thủy biển gần gũi trong một mối thâm giao máu thịt với con người nhường nào và hiểu được nỗi khốn cùng của những người không có biển hay đã đánh mất biển. Con người sẽ trở nên cô đơn, khánh kiệt và hung hãn biết bao một khi không có biển.
Sáng, chiều trên khoảnh ban công nhỏ hẹp nhìn ra ngoài khơi của tôi chỉ có ong, ruồi, kiến, chim, cào cào, bọ dừa, tắc kè là những khách quý. Chúng bận rộn cả ngày. Chúng không quấy rầy tôi như con người. Bằng những chuyến viếng thăm bất ngờ đầy ngẫu hứng, chúng mang đến cho tôi niềm hoan lạc bất tận. Con người thực sự không cảm thấy cô đơn khi sống giữa thiên nhiên mà chỉ khi sống trong xã hội, chung đụng với đồng loại, người ta mới cảm thấy lẻ loi, đơn độc. Người ta chỉ cô đơn trong chính mái nhà của mình.
Theo thói quen mỗi lần đi xa tôi mang theo một quyển sách, một cuốn sổ tay ghi chép. Nhưng những ngày với biển tôi không mảy may đụng đến chúng. Tôi muốn những ngày này sẽ là dịp để cho tôi sống hiến dâng trọn vẹn cho sóng, cát nóng, đá tảng, mây trắng, cây lá, mặt trời, muối mặn, chuồn chuồn, còng gió. Tôi ngồi hàng giờ say sưa nhìn những con sóng đổ dồn vào nhau như những toa tàu, đập vỡ mình vào khối đá tảng thành vô vàn những bọt nước nhỏ, đắm chìm trong tiếng sóng cho đến khi thực sự biến thành một phần của biển, biển chảy trong huyết quản và biển trở thành linh hồn của tôi. Biển làm mới mình qua từng con sóng, biển luôn luôn thanh tân như ngày đầu tiên. Vào lúc đó trong đầu tôi không còn nghĩ đến bất cứ điều gì, kể cả cái chết, nỗi ám ảnh lớn nhất của con người. A! Hơi thở lạnh lẽo của cái chết vẫn thường xuyên làm cho trái tim tôi run rẩy, nhưng lạ lùng thay, ở đây và vào lúc này, cái chết đang ở rất xa như chẳng hề có một mối liên quan nào với mình. Trong một khoảnh khắc bất chợt tôi nhận ra khi giữa tôi và đời sống không còn khoảng cách xa lạ, thù nghịch, tôi sẽ trở nên bất hoại, sẽ sống mãi trong vòng tuần hoàn sinh diệt bất tận của vũ trụ. Tôi sẽ là con ong ruồi mỗi sáng bay tìm mật ngọt bên những cái bông dừa trắng muốt ngả nghiêng trong gió. Tôi sẽ là nắng, là lá bàng, là những con còng gió, những cái vỏ sò nằm thiên thu trên bờ bãi hoang vu.
Tôi hiểu vì sao nỗi bi thương cuối cùng mà Thượng Đế dành cho loài người trong chiếc hộp của Pandora lại là hy vọng. Sống trong hy vọng tức là chối bỏ, chạy trốn thực tại, là hướng đến một đời sống khác. Nhưng điều nghịch lý là những người khốn cùng lại là những người nuôi nhiều hy vọng nhất, họ không biết rằng chính hy vọng làm cho đời sống của họ càng trở nên khốn cùng và tuyệt vọng hơn nữa. Bài học đó tôi học từ biển một buổi sáng chứng kiến những người đánh cá sớm trở về. Mặt trời khi ấy vừa mới lên chớm ngang dãy núi thấp. Họ dàn ngang thành một hàng năm, ba người kéo từ biển lên tặng vật của đại dương trong chiếc lưới lấp lánh những ánh bạc. Trên bờ, vợ và những đứa con nhỏ ngồi bên những chiếc chậu nhựa, có cái đã sứt mẻ không còn nguyên vẹn, cười nói hồn nhiên như con trẻ. Nhìn họ, thấy đời sống thật là giản dị, vạm vỡ. Họ là những đứa con của biển cả, sinh ra ở biển và một đời gắn liền với biển. Biển là linh hồn và da thịt của họ. So với tôi, họ còn có một quê hương để tin cậy, gửi gắm.
Hôm nay trên bầu trời xanh trong bất chợt có một vài đám mây đen dồn tụ từ xa. Sẽ có một cơn mưa rào chăng? Những ngày nắng đẹp có lẽ sắp sửa kết thúc, tôi chờ đợi một cơn mưa trên biển, chờ đợi một điều khác thường trong những điều phi thường của cái có tên gọi là đời sống.
tháng 8 năm 2019
VŨ THÀNH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét