9 thg 7, 2019

FM974 Úc Châu : Lebanon: Người Tỵ Nạn Syrian – Chết Không Có Đất Chôn

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 08/07/2019

    Tại nghĩa trang mang tên al – Rahma, có nghĩa là “bác ái”, khu mộ của trẻ con Syrian nằm khuất ở một góc nhỏ, trên dãy đất hẹp  gồ ghề lồi lõm, chạy dọc theo bờ rào, mỗi một cái chỉ là khoảnh đất hình chữ nhật bốn miếng gạch bê- tông, dài cở hơn hai gang bàn tay, không mộ bia không tên họ, chỉ có cỏ hoang, úa vàng trơ trụi nắng giữa cái thung lủng xanh một màu đồng cỏ Bekaa, tuy vậy có cái bia mộ độc nhất của một đứa bé tỵ nạn được làm dấu với cái tên chữ mất chữ còn, mờ nhạt, khắc vội trên đá bằng vật cứng nào đó của cha mẹ nó. 
    Đi theo ông Hosni Shuqayyif, người chăm sóc nghĩa trang, ông chỉ cho thấy những cái mộ nhỏ đã được chôn cùng một phía, đó là mộ của những đứa trẻ phần lớn là người Syrian, con số chết nhiều quá, ông cho chôn ở mấy cái góc, cùng một phía hay xen kẻ giữa các mộ khác, bất cứ chỗ nào còn trống. Số người tỵ nạn Syrian trốn chạy lánh nạn sau sáu năm nội chiến đã vượt khỏi năm triệu người tính tới thứ năm tuần qua, hơn một triệu có ghi tên chính thức với cơ quan tỵ nạn LHQ như là người tỵ nạn ở Lebanon nhưng tại quốc gia nhỏ bé này, với 18 tôn giáo khác nhau, người Syrian đã phải chịu kéo dài khổ sở vì lý lịch của mình từ thủ tục cấp phát chiếu khán cho đến sự đối xử tồi tệ tại biên giới cũng như ở văn phòng chính quyền, cưỡng bách trẻ con lao động, mua bán tình dục đến cuộc sống cơ cực, bất an trong những cái lều bằng ni –lông, chực chờ sụp xuống giữa mùa đông lúc nào không biết, chưa kể bị dọa nạt bởi giới chính trị gia địa phương.
    Hiện giờ, thêm một khổ nạn mà người tỵ nạn chiến tranh Syrian phải gánh như là định mạng, đó là sự chết, gia đình của những người chết tại Lebanon đang khó khăn trong việc tìm một chỗ, một miếng đất để chôn cất người thân, thường bị bỏ nằm trong các nhà xác của bệnh viện từ cả tuần cho tới cả tháng trong khi chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm nghĩa trang nào đó để mang đi. Bên cạnh đó, phải tìm đủ tiền trang trải chi phí bệnh viện, đôi khi vì không có được, họ đành bỏ xác chết trong thùng giấy cạt –tông hay ghế sau của xe ta –xi rồi tự đào huyệt mộ chôn người thân bằng những đôi tay trần của mình. Tổ chức Phi chánh phủ có nhiều lần thương thuyết với các hội đồng thành phố, cho phép người tỵ nạn được chôn cất chung nghĩa trang của người Lebanese nhưng họ lo ngại các nghĩa trang này sẽ bị chật cứng, quá số lượng vì dân số người Syrian quá đông, thường gấp ba hay bốn lần dân số địa phương. Vài chủ đất sẳn sàng bán đất để làm nghĩa trang nhưng ngại là giá cả bất động sản giảm xuống và giới tu sĩ tôn giáo có thẩm quyền không muốn có việc này.
    Hầu hết những người tỵ nạn Syrian, bị cấm không được đi làm không thể nào có số tiền từ 200 đến 300 đô la Mỹ trả cho việc chôn cất, số tiền này bao gồm việc rửa xác chết theo lễ tục hồi giáo, tiền bia mộ và người mạnh thường quân thì quá ít ỏi, vì vậy cuối cùng cũng người chết rồi cũng không được an nghỉ, một giáo sĩ điều hành “hội phát triển và cứu tế” Haytham Taimey, một hội của tổ chức Phi chính phủ, chuyên giúp đở người tỵ nạn Syrian tìm và trả tiền cho chổ chôn người chết ngậm ngùi nói rằng, “ngay cả về tình thương của con người, khi người ta mất đi ai đó gần gũi với mình, cái quyền căn bản trời cho là chôn cất và nói lời vĩnh biệt nhưng với người Syrian họ đã không có cái quyền thiêng liêng này nữa”. 
    Không có con số chính thức về tỷ lệ tử vong của những người tỵ nạn Syrian ở Lebanon, cơ quan UNHCR chỉ có khi một gia đình nào đó báo người chết, có thể đây là điều mà UNHCR dựa vào để giảm bớt sự cứu trợ hay một người chết trong bệnh viện khi đang trị bệnh, UNHCR đếm được 2,087 người chết trong năm 2015, con số này có thể cao hơn vì dân số của người Syrian và sự giới hạn của các báo cáo mà tổ chức này nhận. Phát ngôn nhân của UNHCR ở Lebanon nói rằng, họ có biết những trở ngại của việc tìm kiếm chỗ chôn người chết, trong khi UNHCR không thể giúp gì hơn với việc mai táng nhưng họ cung cấp dịch vụ cố vấn, an ủi các gia đình có người xấu số và giới thiệu họ tới các tổ chức Phi chính phủ, nơi này có thể giúp được phần nào đó. 
     Trong quá khứ, các nghĩa trang của người Á Rập thường có một phần đất họ gọi là “madafen al – ghoraba (nơi chôn người lạ)”, dành cho khách du lịch chẳng may mãn phần nhưng hiện nay không còn tập tục đó nữa. Theo lời của ông Walid Luwais, nhân viên làm việc tại một cơ quan hồi giáo, nhìn nhận là vấn đề này cũng đưa ra nhiều trở ngại không nhỏ, ngay cả khi chính quyền đứng ra mua đất để làm nghĩa trang thì luôn luôn bị người dân láng giềng không cho phép chôn, vì họ không muốn có nghĩa trang gần nơi họ ở, họ yêu đời sống, họ không muốn khi mở cửa sổ ra thấy mình bị ám ảnh bởi cái chết, mặc dù, nói một cách thành thật, với người đã chết là những người láng giềng tốt, họ không bao giờ làm hại bất cứ ai. Một số hội đồng thành phố đã tìm ra một giải pháp tương đối ổn thỏa, cho phép người Syrian sống trong các trại tỵ nạn tại một thị trấn nào đó, được chôn cất người chết tại một nơi được chỉ định trong khu vực nghĩa trang, một trong số các thị trấn như vậy là thị trấn Omariyah, có 15 ngàn người tỵ nạn Syrian và 7 ngàn dân Lebanese, hơi hơn phân nửa nghĩa trang địa phương là mộ của người Syrian. 
    Ông Mohammad al – Ahmad, thị trưởng thị trấn này lo ngại sự khủng hoảng đang xảy ra, ông vẫn còn cảm thấy áy náy khi buộc lòng phải từ chối không cho chôn cất người Syrian chết, ông bùi ngùi, hảy tưởng tượng khi ai đó đến nhờ, họ không tìm được đất để chôn người thân thương, mình không giúp được, thì làm sao không đau lòng, khi một người Syrian tuyệt vọng đến hỏi mình, họ sẽ đi đâu với người chết đây?, ở Syria họ là người vô gia cư rồi ở đây cũng không có đất để chôn người thân, họ không biết phải làm gì, dĩ nhiên họ phải có một chỗ chôn cất, dù là tạm bợ.
    Với người Syrian ở Lebanon, chuyện đau thương nát lòng là chuyện xảy ra hàng ngày, một người đàn ông, không cho biết tên đã khiêng xác cha anh ta trên thùng sau của chiếc xe vận tải nhỏ không mui, trong nhiều giờ cho tới khi anh tìm được một khoảnh đất nhỏ tại nghĩa trang trong đêm khuya, chôn xác người cha không có quan tài, nước mắt tuôn dầm dề trên mặt, anh bỏ đi nói vói lại “Lebanon muốn chúng tôi quăng xác chết ra đường vậy thôi”. 
   Những chuyện như vậy không thiếu gì khi nói tới số phận tuyệt vọng của người tỵ nạn Syrian. Một người làm thiện nguyện của nhóm trẻ ở Saadnayel, một thị trấn có 26 ngàn người Syrian, miêu tả làm như thế nào họ phải chôn một người đàn ông Syrian 50 tuổi chết, bị bỏ nằm trong nhà xác hơn 40 ngày, không thân nhân, bệnh viện thường sẽ cầm giữ xác chết nếu nạn nhân không có giấy tờ tùy thân hay gia đình chưa trả hết lệ phí bệnh viện. 
    Tại nghĩa trang al - Rahma, ông Shuqayyif, kể lại một chuyện khác đau lòng không kém, có một người đàn ông đến nghĩa trang bằng xe ta –xi với xác đứa con trong cái thùng giấy cạt –tông, chỉ là thùng giấy chứ không được một cái hòm gỗ rẽ tiền và trong đó, chắc chắn có mấy củ khoai tây hay đôi giày, chính mắt ông thấy và người cha ở đó, ngay chỗ miếng đất nhỏ, ông ta đào huyệt bằng đôi tay trần chôn con mình, nhìn cảnh đó mà lòng tan nát, không kềm được nước mắt. 

Thuyên Huy
Mon 08.07.19 
Xem CCTG ngày 1/7/2019 :
Đài Loan: Mặt Trận Nằm Vùng Của Trung Cộng Âm Mưu Chiếm Đài Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét