28 thg 7, 2019

Cô Xuân và chúng tôi - Đào Trọng Thìn-Khóa 10 SPSG


031-Cô Xuân và chúng tôi-Đào Trọng Thìn-Khóa 10 CoXuan4

Ngày ấy, ngày tôi mới bước chân vào trường SPSG, một ngã rẽ cuộc đời của tôi, tôi bỗng thấy mình thay đổi hẳn. Quả là như thế, bởi tôi cũng đã bước vào tuổi trưởng thành, đủ lớn để suy nghĩ, đủ thấy mình đang ở đâu, làm gì, và phải làm như thế nào. Tóm lại, mình tự nhận biết được mình là ai, và xung quanh mình có những ai, khi mình không bị vào quân trường Thủ Đức như bạn cùng trang lứa. Trường SPSG đã giúp tôi hoàn thiện những nghĩ suy đó. Tôi sắp được làm thầy và phải tự hoàn thiện nhân cách của mình. Các môn học của nhà trường đã bổ sung cho tôi những kỹ năng sống, những kỹ năng giao tiếp, những kỹ năng quản lý, mà sau này khi làm cán bộ quản lý ở mọi vị trí, mọi ngành, tôi đều vững vàng. Ngoài học chuyên môn, chúng tôi còn được học, được sinh hoạt, để rèn tính tháo vát, vượt khó, tự làm đồ dùng dạy học, tự phục vụ, giống Robinson một mình trên đảo hoang, mà bản thân mình cũng đã trải qua sự thiếu thốn ấy, của những năm 1975-1985 và cả về sau. Tuy hai năm học, tất cả những điều học được, chỉ là những khái niệm, đề cương, gợi ý. Nhưng lại là tiền đề cho tôi sống và làm việc trong những chặng đường còn lại mãi đến tận ngày nay.
031-Cô Xuân và chúng tôi-Đào Trọng Thìn-Khóa 10 CoXuan3

Từ những môn học tưởng chừng như chơi, bao gồm nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, thể dục, hoạt động thanh niên, vẽ kỹ thuật, nông nghiệp, làm đồ dùng dạy học, thuyết minh phim, in lụa, kỷ xảo phim trường, sưu tầm, thí nghiệm, sinh hoạt trại…mà nhờ nó, khi vào đời, tôi trở nên tháo vát, thích nghiên cứu, tìm tòi học hỏi. Là một thầy giáo, chúng tôi luôn cập nhật kiến thức, không bao giờ dừng lại sau khi đã ra trường, nghĩa là chúng tôi đã phải học, học nữa, học mãi.
031-Cô Xuân và chúng tôi-Đào Trọng Thìn-Khóa 10 CoXuan2

Tôi nhớ như in và thật ấn tượng sâu đậm với những gì đàn anh mình đã sáng tạo. Bỏ qua việc làm đồ dùng dạy học, vì ai cũng làm được như nhau, nhưng khắc phục được điều kiện thiếu thốn để sống, thì mỗi người mỗi khác. Có anh đã dùng gỗ thông bao bì để tự đóng cho mình chiếc giường ngủ, bộ salon tiếp khách, một cái tủ chất đầy chim, thú, cá ngâm ướp formol. Tuy không có sơn hay verni hào nhoáng, nhưng vẫn có vẻ duyên dáng và trang trọng đáng nể. Có anh thì vườn rộng, mảnh vườn được chăm chút tươm tất, đẹp như công viên. Nhưng tất cả những thứ trồng trong ấy đều là thứ ăn được và bán được, để cải thiện đời sống. Chúng ta hãy hình dung một thảm cỏ xanh mượt với đường diềm tím ngắt, lối đi thì trải sạn trắng, trên đó, đàn gà con lúc túc theo chân mẹ. Trông thiên đường làm sao! . Giữa thảm cỏ là một bụi cây đầy hoa trái. Thực ra, thảm cỏ ấy, chính là thảm rau răm hay rau má. Đường diềm đỏ thắm là rau tía tô hay tần dầy lá và bụi cây chính giữa là bụi ớt, cà chua hay chanh… Mỗi sáng, anh xách nước tưới rồi lấy liềm hái một bao ra chợ, đủ cải thiện buổi chợ trong ngày. So với đồng lương chết đói mà còn phải tự túc lương thực 3 tháng trong năm, nghĩa là giáo viên không được mua lương thực trong 3 tháng, mà phải tự sống, không lệ thuộc vào “bo bo, khoai mì ” của nhà nước bán. Anh vẫn vượt khó, yêu nghề, yêu đời, vẫn đến trường, vẫn bên đàn học sinh thân yêu cho đến ngày anh nằm xuống bên vườn hoa tự tạo ấy. Ôi, cao đẹp làm sao!
Chúng ta vĩnh biệt anh.

031-Cô Xuân và chúng tôi-Đào Trọng Thìn-Khóa 10 CoXuan5

Vào trường SPSG, anh chị em đồng môn yêu thương nhau như thủ túc. Gần gủi, chia sẻ. Ngoài tập thể, chúng tôi gồm năm đứa, mỗi đứa một năng khiếu, kết lại với nhau thành anh em kết nghĩa. Cô Xuân, Cô Nguyễn Thị Xuân, là giáo viên dạy môn Anh văn và cũng là giáo viên hướng dẫn lớp tôi. Cô cũng yêu thương lớp chúng tôi như con mình. Đi đâu cũng có Cô bên cạnh. Cô luôn nhắc nhở chúng tôi, sinh hoạt cùng chúng tôi, và lớp tôi đã xem cô như bà mẹ. Trong trang Kỷ Yếu của lớp chúng tôi ngày 29/05/1973, Cô đã viết: ” Nhị Ba thương mến, mai này, Nhị Ba sẽ cất cánh bốn phương. Cô còn ngồi đây để mơ lại những khuôn mặt quen thuộc, thân yêu, vừa ngơ ngác, vừa chăm chỉ, vừa lẳng lặng, vừa đăm chiêu.. và những sinh hoạt hào hứng ở lửa trại Đà Lạt, Gò Công…”, “…Mỗi người Nhị Ba có một khía cạnh riêng biệt, làm cô phải chú ý đến, cho Cô phải cảm, thương, mến và nhớ mãi đến bao giờ. ..”, “… Cô biết thời gian không bao giờ chờ ta, nên trong niên khóa được gần gủi Nhị Ba dịp nào là hay lúc ấy. Nhìn Nhị Ba sinh hoạt để mình được sống những ngày vui qua. Tiếc rằng, trong những khi sinh hoạt ấy, Cô không được thấy đủ mặt các con.

Đành vậy, đời có bao giờ chiều theo tất cả các ý muốn của mình đâu, và người thì có ai cho rằng mình không thiếu sót?! Hạnh phúc trên đời này hẳn không ngoài đức vị tha xa kỷ, phải không các con?..”, “..Những ngày dài vắng Nhị Ba, Cô chỉ mong mỏi dù cách ngăn bao xa, dù hoàn cảnh gia đình bận rộn sinh kế, dù có ra ngoài nghiệp giáo, Nhị Ba cũng nhớ tin về Cô, Cho cô được chia sớt những buồn vui lo lắng, cho cô có phần nào theo dõi được bước tiến của đứa con đầu lòng của cô…”.
031-Cô Xuân và chúng tôi-Đào Trọng Thìn-Khóa 10 CoXuan

Vâng, Bốn mươi năm đã qua nhanh, Gần trọn đời người, bao nhiêu biến cố, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu nghịch cảnh. Lòng người cũng biến đổi theo thời gian. Tóc đã đổi màu, da đã nhăn lại, mắt có mờ đục, tai có lãng, chân tay yếu dần, nhưng trong kệ sách vẫn còn những hình ảnh ấy, trong trí vẫn nhớ như in những cảnh vật ấy. Làm sao mà quên được những tháng ngày qua.

031-Cô Xuân và chúng tôi-Đào Trọng Thìn-Khóa 10 CoXuan7
Tuy Cô và chúng con yêu thương nhau như tình mẫu tử, nhưng hoàn cảnh của Cô thì khép kín, chỉ biết rằng, sau khi định cư ở Mỹ, là không ai liên lạc được với Cô. Ngày họp mặt Gia Đình SPSG năm 2012 vừa qua. Chúng con mới biết tin Cô mất. Nghĩa tử nghĩa tận, chúng con chỉ còn biết nhặt vội một tấm ảnh cũ của Cô, vào Chùa xin cầu siêu cho cô, thắp nén hương lòng, đúng vào ngày giỗ đầu của Cô, để tỏ lòng thương tiếc, để lòng chúng con đỡ cảm thấy thiếu sót với những ngày cuối đời của Cô. Tất cả chúng con cũng đã nghỉ hưu cả rồi, có kẻ đã thành danh, có người vẫn còn loay hoay vật lộn với cuộc sống bộn bề, chưa yên.
Sanh lão bệnh tử là lẽ thường. Có sinh ắt có diệt. Đến một ngày nào đó, lại đến lượt chúng con. Thôi thì, chúng con xin đại diện những anh chị em đồng môn khác, là những học trò của Cô. Những anh chị em khác lớp, khác khóa mà còn nhớ đến Cô, ôn những kỷ niệm khi còn khoác áo giáo sinh SPSG, để cùng thắp nén hương vĩnh biệt mà tưởng nhớ đến cô vậy.
Trọng Thìn.
I9, II3, K10 SPSG 


http://suphamsaigon.forumvi.com/t313-topic?fbclid=IwAR3w3xbPmP280rwrG1E74vfHwz9Z4rampdeuiwVMqvmM_LmzyG8DA-Q2HC8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét