Tôi thường đọc bài trên trang 304ĐEN, để giải trí và cũng như để thưởng thức thơ văn của các tác giả tứ phương gởi về. Sau một thời gian là độc giả của trang này, theo thiển ý của mình, tôi có nhận xét như sau: những bài đăng trên blog là những bài chọn lọc có giá trị thuộc nhiều lãnh vực: thơ văn, chánh trị, thời sự trong và ngoài nước thật dồi dào. Theo đánh giá của cá nhân tôi, mà không sợ sai lầm, cũng như không có gì quá đáng để có thể nói, TH là một người viết văn, làm thơ khá hay do khả năng làm thơ viết văn vốn có từ thuở còn học trung học. TH hiện định cư ở Úc, là cựu học sinh trung học công lập Tây Ninh, ngoài việc làm thơ, viết văn, TH cũng thường viết một số bài xả luận và bình luận cho các tờ báo và tạp chí bạn quen, tôi là bạn thơ cũng là người đồng hương và đồng môn ở Trung Học Công Lập Tây Ninh với anh.
Tôi thích đọc truyên ngắn của anh, để ý từng chữ từng câu để hiểu, thưởng thức và cảm thông nỗi lòng của anh đã gởi trong đó. Tôi nhận thấy mình là người khó tánh trong việc đọc truyện. Nhiều khi đọc hết một trang mà chưa thấy tác giả đi vào đề tài là tôi bỏ ngang, nhưng với TH thì không, vì tôi tìm thấy trong mỗi bài của anh những cái hay cái mới để học hỏi nhất là cách hành văn rất chuyên nghiệp. Truyện ngắn kể trên thật hay, lời văn dung dị bình thường như chính cuộc đời thực của tác giả. Cách phân đoạn, phân nhánh, cách hành văn cũng mộc mạc chơn chất dễ đi vào lòng người đọc. Nhiều bài viết của anh có nội dung buồn, buồn cho nhân vật cũng cho chính mình vì hoàn cảnh tác giả lúc nhỏ rất nghèo như chính quê nghèo Long Chữ của anh vậy. Lớn lên, vào đời chẳng được bao lâu thì biến cố 1975 xảy ra, TH mang nỗi đau chung của cả một dân tộc, nó kéo dài cho đến tận bây giờ thì làm sao mà vui cho được? Hơn nữa câu chuyện thường lấy bối cảnh trong thời chiến tranh ác liệt, nhất là giai đoạn cuối của cuộc chiến.
Để bạn đọc tiện theo dõi, câu chuyện được tóm tắt như sau:
“Bưởi (đứa con gái 13 tuổi) cùng em trai là Chương 3 tuổi theo mẹ về xã Long Chữ, quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh sinh sống. Mẹ là người Hớn Quản làm nghề cạo mũ cao su, phải lòng một người đàn ông, gá nghĩa vợ chồng sinh ra thằng Chương. Khi đứa bé được 3 tuổi thì chồng bỏ đi biền biệt, không một lần trơ lại. Bà mẹ thất chí dẫn thằng Chương xuôi Nam tìm đất sống mới để nguôi ngoai mối tình buồn. Khi tới Thủ Dầu Một bà gặp một đúa con gái tuổi 13 đang chạy dọc theo xe đò chở hàng lên xuống Thủ Dầu Một-Tây Ninh, bán nước trà đá. Thấy đứa nhỏ côi cút bà xin nó làm con nuôi, về sống chung với bà, từ đó bà coi nó như con ruột của mình. Nhà của bà chỉ là một cái chái che bằng mấy tấm tôn rách nát cong queo, dựa vào tường căn nhà ngói của một nhà hảo tâm. Hằng ngày Bưởi và mẹ đi ra chợ lượm ve chai, bịch ni lông, đồ phế thải quanh đống rác đem về bán cho chủ vựa bên kia đường. Hơn hai năm sau mẹ tình cờ gặp lại người bà con xa bên ngoại rủ về Gò Dầu Hạ sinh sống. Ba mẹ con lại gom góp đồ đạc lặt vặt lên đường tìm về vùng đất mới. Nhờ người bà con và sự giúp đỡ của lối xóm, họ dựng giùm bà một căn nhà tranh vách đất gần con rạch Gò Suối, có hàng cây trâm bầu, ăn thông ra tới con sông lớn Vàm Cỏ Đông. Hằng ngày bà đi làm thuê làm mướn, đập lúa giã gạo, nhổ mạ cấy lúa...
Bà xin ai đó một chiếc xuồng ba là cũ rách, đem về sửa lại, chèo ghe theo con rạch, vớt bông súng đem ra chợ bán, chiều về bà cột xuồng dưới rặng trâm bầu. Rồi ngày tháng bình thản trôi qua, mới đó mà Bưởi đã 18 tuổi, nàng biết e thẹn khi gặp trai làng trêu ghẹo. Qua tết mẹ mất, Bưởi và em Chương khóc hết nước mắt. Sau đó là những ngày đen tối, đau khổ, vất vả, buồn tủi. Bây giờ thì Chương đã lớn, nó thi đậu vào trung học quận Gò Dầu Hạ. Nhờ người hảo tâm thông cảm hoàn cảnh hai chị em nên Chương ở trọ nhà cô giáo miễn phí. Thỉnh thoảng Chương về Long Chữ thăm chị.
Cuối hè khi Chương lên lớp đệ tam thì được tin chị đi lấy chồng, một chàng trai ở làng Long Giang, tên Tín do người mai mối tới hỏi. Từ đó hai chị em xa nhau. Trước khi về nhà chồng, Bưởi và em ra mộ mẹ khấn vái, cầu xin mẹ phù hộ cho hai con gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Bưởi hứa sẽ vê thăm mẹ vào mùa hè năm sau khi hoa trâm bầu nở rộ.
Mấy mùa trăm bầu nở rộ đã qua mà Bưởi vẫn không trở lại, có người nói nhà chồng đối xử tệ bạc với con dâu mà chồng thì không dám đứng ra bênh vực cho vợ nên Bưởi buồn, bỏ nhà ra đi, có người nói thấy Bưởi đón xe lên miệt biên giới Miên. Còn Chương thì tình nguyện đi Thủ Đức, ra trường là sĩ quan chuẩn úy Biệt Động Quân, phục vụ tại tiểu đoàn 41 đóng tại Kiến Phong, Cao Lãnh. Đầu mùa hè năm 1971, Tư Lịnh Vùng 4 Chiến Thuật mở cuộc hành quân vùng Phụng Hiệp, càn quét VC đang âm mưu đánh chiếm quận lỵ, đơn vị Chương đụng mạnh với lực lượng chánh quy CSBV, hai bên bị thiệt hại nặng. Tàn trận đánh, khi đi lục soát, bất ngờ Chương phát hiện ra ra một nữ cán binh VC bị thương nặng, đâu có ngờ người đó lại là Bưởi, chị mình. Chương xin cấp trên cho trực thăng chở binh sĩ bị thương và chị về điều trị tại bệnh viện Cần Thơ. Không lâu sau đó chị tắt thở, lục trong người thấy có một tờ giấy "hồi chánh" không biết Bưởi đã giữ nó từ bao lâu rồi? Chương xin chở xác chị về chôn cạnh mộ mẹ ở Long Chữ khi mùa trâm bầu chưa kịp nở!”.
Câu chuyện thật cảm động xảy ra thời binh lữa trước 75. Chuyện có thể là thật, cũng có thể thêm vào một chút hư cấu. Nhưng dẫu hư cấu nó vẫn có giá trị riêng của nó về mặt nghệ thuật bởi môt cây viết chuyên nghiệp, già giặn trong chốn văn chương. Thật vậy có thể nói đây là một trong những bài hay nhất của TH, sau bài "Nơi dòng sông lẻ bạn", và trước bài "Gói xôi nước mắt mặn". Xin các bạn, dành chút thì giờ tìm đọc lại những bài nầy qua trang blog 304Đen để thưởng thức cái hay của tác giả trong các truyện ngắn này.
Với bút pháp sắc sảo, lối hành văn lôi cuốn, khiến độc giả như bị lôi cuốn vào câu chuyện ngay từ đầu. Đầu câu chuyện, tác giả đưa ta đi ngay vào tình huống "có vấn đề" khiến ta phải chú ý đọc tiếp phần kế coi câu chuyện ra sao?
"Theo mẹ về Long Chữ từ ngày mới lên mười hai với đứa em trai, thằng Chương lúc đó chưa tròn ba tuổi, Bưởi đã biết chèo cái xuồng ba lá cũ kỹ, chỗ hở chỗ lành, phụ mẹ, vớt bông súng vào mùa dọc theo con rạch Gò Suối, ra tới đầu vàm lớn nơi sông Vàm Cỏ Đông, chảy vào địa phận Bến Cầu, bưng ra chợ xã bán. Mẹ là người Hớn Quản, làm phu cạo mủ cao su, phải lòng người thanh niên cũng cùng một nghề, lấy nhau, sinh ra thằng Chương, thì người đàn ông bỏ đi biệt tăm trong một đêm mưa dầm cuối mùa hạ, lúc có tiếng súng du kích Việt cộng bắt đầu nổ lai rai, rãi rác đâu đó trên khắp làng trên xã dưới của miền Nam".
Bằng một bút pháp điêu luyện, TH thường kết hợp tả cảnh xen lẫn tả tình, khai thác triệt để tâm lý nhân vật khiến người đọc cảm nhận ngay những biến chuyển tâm lý nhân vật qua từng biến cố lớn nhỏ đang xảy ra , khi thì phát họa sơ sài bằng vài nét chấm phá khi thì đào sâu chi tiết để lột tả hết sự khổ đau cùng cực của bà mẹ và của Bưởi , nghe mà đắng lòng :
"Buồn tủi, nghèo nàn, mẹ ôm con lếch thếch, lưu lạc trôi giạt về Nam, ngang Phước Long, Bình Long, qua Thủ Dầu Một rồi ở đây, tại ngã ba Củ Chi, mẹ gặp Bưởi, đứa con gái gầy còm, da mặt mốc thích, mười tuổi đầu, không cha không mẹ, chạy bán nước trà đá theo những chuyến xe đò, xe hàng lên xuống Tây Ninh, Hậu Nghĩa, cho người đàn bà mập mạp, chủ một sạp thức ăn, tóc Bưởi rối bời, vàng úa màu nắng khét, đang ngồi đếm lại tiền người mua trả dưới bóng mát giữa trưa, bên gốc hàng cây bả đậu già nua, không thấy hoa thấy trái".
Hay bằng vài nét chấm phá mà vẫn thấy ngọt ngào tình cảm bằng hai tiếng "má ơi":
"Về ở với bà, Bưởi vui sướng hẳn lên với hai tiếng “má ơi”, tiếng mà nó không biết là đã có lần nào gọi ai đó chưa, Bưởi cũng chưa hề biết cha mẹ là ai và từ phương nào tới đây, và tới giờ này, thật ra nó cũng không buồn nghĩ tới".
Bưởi tuy là một đứa con gái nghèo, lam lủ nhưng khi thấy những đứa khác cùng tuổi được cha mẹ cho tới trường, em cũng cảm thấy buồn tủi cho thân phận mình sao mà bạc phước . Đoạn nầy TH tả tâm trạng của Bưởi rất xác thực:
" Nhiều hôm, nắm tay em chờ mẹ về, đứng nhìn ra đường, thấy học trò trai gái, cở tuổi mình, tan học đi ngang qua, Bưởi chợt thấy tủi thân tủi phận và đã có lúc ước gì... nhưng rồi thôi".
Chương tuy không phải là em ruột của Bưởi nhưng Bưởi coi nó như em ruột mình nên Bưởi lo cho em ăn học hy vọng sau nầy em nó có một viêc làm xứng đáng cho đở tấm thân, không như nó bây giờ. TH rất tâm lý khi diễn tả đoạn nầy :
"Từ đó, Bưởi cũng như mẹ, chèo xuồng ba lá vớt bông súng đầu mùa, làm thuê gặt mướn cho người láng giềng, cũng cắm câu tát đìa, nuôi em, không than không phiền một tiếng, nhất quyết lo cho em ăn học, trong cái hy vọng mỏng manh như ngày còn sống, đời thằng Chương sẽ phải khá hơn họ".
Nhưng phải nói cái mà tôi thích nhứt là những đoạn tả về cuộc chiến ác liệt giữa ta và địch trên chiến trường . TH đã dùng một lối hành văn thật lôi cuốn hấp dẫn mô tả cảnh chiến trường như thật đang xảy ra, nó gợi cho thấy hình ảnh âm thanh của tiếng reo hò quân sĩ hai bên, trong một số các bài viết. Chiến tranh đã thôi thúc lòng yêu nước và vì đang gặp hoàn cảnh đau buồn nên Chương, cũng như nhiều thanh niên khác, phải từ giã mái trường thân yêu để đi vào miền khói lữa:
"Chiến tranh giờ lan rộng khắp nơi, không còn là cuộc chiến của những tiếng súng lẻ loi, lác đác mà của súng đại liên đại pháo, quân cộng sản miền Bắc đã có mặt nhiều nơi, xem ra trận đánh ngày càng ác liệt hơn, đậu tú tài một, Chương tình nguyện vào lính, từ trường Bộ Binh Thủ Đức ra, Chương theo binh chủng Biệt Động Quân, về tiểu đoàn 41, đóng tại Kiến Phong - Cao Lãnh".
Về bố cục, TH theo đúng sách giáo khoa, xây dựng cốt truyện theo nhân vật chính phụ nhưng cách diễn tả thì khác, đầy màu sắc cảm hứng với lý luận chặt chẽ. Cách phân đoạn cũng vậy. Trọng tâm truyện là bà mẹ nhưng nhân vật chính lại là Bưởi. Tác giả cho biết bà mẹ chết sớm nên xoáy mạnh vào cuộc đời còn lại của hai đứa trẻ mồ côi để thấy được cuộc sống của chúng thêm đau khổ, khốn nạn biết chừng nào khiến người đọc ngậm ngùi thương cho hai trẻ nhiều hơn!
Sự đột biến xảy ra cho hai đứa bé khi mẹ nó chết bất ngờ sau cơn bịnh tưởng như không có gì nguy hiểm. Thực ra thì bà mẹ của hai đứa bé đã cạn kiệt sinh lực do làm việc quá sức mà không được bồi dưỡng. Sự kiện nầy đã đẩy cuộc sống hai trẻ vào bước đường cùng khiến Bưởi phải đi lấy chồng không như ý muốn và Chương phải đi lính khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tác giả khéo sắp xếp câu chuyện theo một trình tự lớp lang hẳn hoi khiến người đọc muốn theo dõi xem cuộc đời của hai đứa trẻ rồi sẽ ra sao? tức gây được sự chú ý nơi người đọc, phải nói đó là thành công của tác giả. Còn một đột biến thứ hai có tính cách quyết định cho bước rẽ cuộc đời của Bưởi là khi nàng bước chân về nhà chồng chẳng đươc bao lâu thì lại bỏ đi mất không ai biết. Vậy lý do gì buộc nàng làm như thế? Tác giả dùng lý luận chặt chẽ để biện giải: nàng bị nhà chồng ngược đãi, bị Tín nhu nhược không dám đứng lên bênh vực vợ, nàng bị đẩy vào đường cùng không lối thoát nên buộc phải theo vc làm du kích. Đọc tới đây chắc hẳn các bạn cũng như tôi đều thương và tội nghiệp cho Bưởi quá, nếu nàng được nhà chồng yêu thương thì nàng đâu có đi theo phía bên kia. Thảm kịch nầy xảy ra rất nhiều ở vùng nông thôn VN trước 75, đưa tới tình trạng anh em bà con, người theo bên nầy người bên kia xung đột nhau cho tới ngày tàn cuộc chiến mà hậu quả là sự mất mát, nghi kỵ, chia rẽ vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, làm suy yếu nội lực dân tộc thì mong gì động viên được toàn dân đứng lên cứu nước?
Hai chị em Bưởi cũng ở vào trưởng hợp nầy. Tác giả thật khéo léo biết sắp xếp câu chuyện cho có tình có lý rồi dựng lên yếu tố bất ngờ bằng cách đua thằng em , lúc đó là thiếu úy đi hành quân phá vỡ âm mưu tấn công của VC vào tỉnh Cao Lãnh , nào ngờ khi bắt được một nữ cán binh VC, lại là chị mình ! Thật trớ trêu, oan trái, bất ngờ, mà trước đó ít người nghĩ tới sự việc lại xảy ra như vậy . Yếu tố bất ngờ gây ngạc nhiên thích thú cho người đọc nhưng cũng gây nhiều cảm xúc đớn đau. Đoạn kết thật bùi ngùi cảm động: Chương chở xác chị mình về chôn tại quê nhà nằm cạnh mộ mẹ khi mùa trâm bầu chưa kịp nở hoa:
" Chương mướn xe đưa xác Bưởi về Long Chữ, khi được tiểu đoàn cho vài ngày phép, với sự giúp đở của bà con chung quanh ấp cũ, đem Bưởi chôn cạnh mộ mẹ, hai nấm đất nằm bên nhau, cùng nhìn hướng hàng cây trâm bầu bên bờ con rạch Gò Suối, nén nhang thơm chia đều, bên mẹ bên chị, Chương bùi ngùi, nghèn nghẹn khóc. Cuối cùng, dù có trễ chị Bưởi cũng “về lại nhà xưa như đã hẹn hôm ra đi nhưng không như mẹ, chị về khi mùa hoa trâm bầu chưa kịp nở”.
Tôi đọc khá nhiều truyện ngắn của Thuyên Huy, lấy làm tâm đắc về những sáng tác loại nầy. Có thể nói sở trường của tác giả là viết truyện ngắn, truyện nào đọc nghe cũng hay cũng hấp dẫn ở cách dàn dựng câu chuyện, phân tích tâm lý nhân vật, tả cảnh xen lẫn tả tình, bằng một lối hành văn thật bình dị mà lôi cuốn khiến người đọc như đặt mình vào nhân vật đó, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ. Thật ngưỡng mộ.
Nguyễn Cang
(20/11/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét