9 thg 6, 2019

Âm thanh trong màng nhĩ, bệnh lạ quấy rối vào đêm

Nhiều đêm, Sabine Kretz phải để đồng hồ báo thức ngay cạnh tai: "tích tắc, tích tắc...". Chỉ có thế cô mới ngủ được. Lại có đêm, cô phải vùng dậy mở một đĩa nhạc rock. Nhạc mạnh sẽ làm át đi cái âm thanh kỳ quặc u u trong tai, thường ám ảnh cô mỗi khi nằm xuống. Sabine mắc bệnh tinnitus: luôn bị quấy rối bởi những tiếng động trong tai.
f
Tiếng động trong tai: dấu hiệu cho thấy cơ thể có gì đó không ổn.
Cách đây 4 năm, một đêm Sabine đột nhiên thấy ở tai trái xuất hiện những tiếng u u như tiếng côn trùng bay. Tiếng động rất nhẹ nhưng liên tục làm cô khó chịu, và cô phải đặt một bản nhạc nhẹ để át đi. Thoạt đầu, cô không biết mình bị bệnh, mà chỉ nghĩ rằng do mệt mỏi hoặc xung quanh có những tiếng động thật. Khoảng một năm, tai phải của cô cũng nghe thấy những tiếng động tương tự. Càng ngày những tiếng u u càng mạnh hơn. Thậm chí có đêm, Sabine phải bật nhạc, bật tivi, bật máy tính... mà vẫn không át được tiếng động... Cô mất ngủ, gầy mòn, nhiều lúc muốn phát điên lên vì đau đầu.
Bao nhiêu người mắc bệnh tinnitus?
Theo thống kê của Hiệp hội Những người mắc bệnh tinnitus của Đức (DTL), năm 1999, số người thường xuyên nghe thấy tiếng động không mời mà đến ở nước này là 3 triệu, tương đương với 4% dân số. Gần một nửa số bệnh nhân cho biết, những âm thanh họ nghe được thuộc loại "khó chịu... đến không thể chịu đựng nổi". Ở Anh, số người kêu ca về "những tiếng ồn trong tai" lên tới 10%. Ở Thụy Điển là 3%, Hà Lan 5%...
Hiện các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự của chứng tinnitus, thậm chí nó vẫn chưa được xem là một căn bệnh. Ông Hans Knoer, người sáng lập Hiệp hội Tinnitus của Đức cho biết, hiện ở châu Âu, rất ít bác sĩ được đào tạo chữa trị bệnh này. "Thường khi mắc bệnh, người ta không biết đi đâu. Các bác sĩ không chẩn đoán được bệnh gì, nên đành phải chuyển bệnh nhân từ bệnh viện này tới bệnh viện khác", Knoer nói.
Sabine phải mất nhiều tháng mới tìm được một bác sĩ. "Đầu tiên ông ta chẩn đoán, tôi bị huyết áp thấp, máu lưu thông kém, sinh ra mệt mỏi, vì vậy nghe thấy những tiếng động. Sau khi chữa trị khoảng 1 tháng, không thấy bệnh thuyên giảm, tôi được đưa tới một trung tâm truyền huyết thanh. Khoảng hai tuần, tai trái của tôi đỡ hơn, nhưng tiếng động ở tai phải lại to hơn. Một thời gian sau, tiếng động ở cả hai tai đều to như tiếng kêu của tủ lạnh... Thật là khủng khiếp...", Sabine kể.
2 tháng sau đó, Sabine được đưa tới một bệnh viện khác để chữa trị bằng liệu pháp ôxy. Đây là phương pháp làm tăng hàm lượng ôxy trong máu, giúp cơ thể đỡ mỏi mệt. Nhưng sau gần 7 tháng, Sabine không đỡ hơn chút nào. Cô gần như phát điên vì mệt mỏi và stress. Các bác sĩ quyết định gửi cô đến bệnh viện tâm thần. Ở đây người ta nói với cô rằng, "không có cách gì để chữa được những tiếng u u ấy, và cô phải dũng cảm để sống chung với chúng".
Hàng trăm nguyên nhân
Ông Hans Knoer cho biết, hiện người ta liệt kê được gần 400 nguyên nhân dẫn tới chứng tinnitus. Trong đó, chấn thương màng nhĩ, huyết áp thấp, đau răng, đau hàm, đái đường, các bệnh về thận... đều có thể gián tiếp gây bệnh.
Theo giả thuyết của nhiều nhà khoa học thì tinnitus không phải là một bệnh thực sự, mà "nó gián tiếp mách bảo chúng ta biết rằng, cơ thể có gì đó không ổn". Trong mọi trường hợp, nếu các phương pháp trị liệu y học không đạt kết quả, thì theo Knoer, chỉ còn cách duy nhất là luyện tập thể thao, bỏ bớt tham vọng, ít suy nghĩ và... chịu khó đi du lịch. Những cách đó sẽ giúp người khoẻ mạnh về sinh lý cũng như tâm lý. Trong nhiều trường hợp, những tiếng động cũng vì thế mà "tự nhiên biến mất".
Minh Hy (theo SurfMed )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét