24 thg 9, 2017

Danh sơn bậc nhất ở Ninh Bình (Từ Nghiên Cứu Lịch Sử)


emeralda.jpg
Hoàng Đình Hiền
A .Vị trí
   Núi Thiện Dưỡng thuộc làng Thiện Dưỡng – xã Ninh vân – huyện Hoa lư – tỉnh Ninh Bình. Làng và núi cùng mang một tên là Thiện Dưỡng.
   Làng ở giữa thung có nhiều núi cao bao quanh, nổi bật là là hai dãy núi chạy song song phía tây bắc là dãy núi Hang Thị (hay còn gọi là Ngân Khố Đậu hoặc núi Hang Bạc) và tây nam dãy có điểm cao Nhang Án. Nhang Án là chính thân của Thiện Dưỡng sơn, mạch núi chạy lên tới Bái Đính và xã Trường Yên.
   Tại đây sông Thiện Dưỡng có một nhánh chảy lên tới Chùa Tháp, từ đây nhận nước ở các kênh ngòi từ Hải Nham xã Ninh Hải xuống. Theo sông Thiện Dưỡng một đầu ra sông Vạn Lê ra sông Trinh Nữ; một đầu xuôi về Hệ Dưỡng, sông Vân, qua các làng Xuân Vũ, Tuân Cáo, Hạ Chạo, Bộ Đầu, Cầu Yên Ninh An ra sông Vạc, Đáy ra biển Đông; Một nhánh nối với sông Ngô Đồng chảy vào Tam cốc (xuyên qua hang cả, hang giữa, hang cuối xã Ninh Hải, qua bến Thánh – Thái vi viên.
   “Đổm” theo tiếng địa phương, tức là đỉnh hoặc điểm cao quân sự. Đổm Nhang Án cao 244,6m, là đỉnh cao nhất ở Ninh Vân cũng như cao hơn cả các núi thuộc Cố đô Hoa Lư, nên có thể nói : “Nhang Án là mái nhà của Cố đô Hoa Lư” để dễ hình dung về núi.
    Khoảng cách theo đường chim bay từ đỉểm cao Nhang Án đến “Nam thiên đệ nhị động” – chùa Bích Động khoảng 3 nghìn met, đến Cống Rồng đền Thái Vi khoảng 4 nghìn met, đến Cầu Vó trên Quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt vào khoảng 5 nghìn mét; cách dãy Đồi Dài (đồi Ngô Công) Tam Điệp hơn 2 nghìn met.
   Đứng ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô… thấy được núi. Đỉnh Nhang Án dễ nhận ra với diện mạo khum lên tròn trặn, ở giữa có cái hõm như yên ngựa gọi là lũng mây.
B . Núi Thiện Dưỡng trong các sách viết về lịch sử địa lý văn hóa các thời 

  1. Xa nhất chúng ta biết được Trong sách AN NAM CHÍ LƯỢC của Lê Tắc, NXB Lao Động 2009, trang 59 phần núi sông ghi chép là: “Núi Thiên Dưỡng tốt đẹp mà hiểm, khi thủy triều lên xuống mới chèo ghe đi tới được. Họ nhà vua xây dựng nhà cửa ở trong, để tránh quốc nạn”
Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai 1285 nhà Trần đã rút về phủ Trường Yên, Lê Tắc đã cho chúng ta biết rõ Triều Trần đã làm nhà ở trong núi này “để tránh quốc nạn” –  lui quân chiến lược nhà Trần, theo kế sách “thanh dã” của Tiết chế Hưng Đạo vương, vuaTrần Thánh tông và Trần Nhân tông, tạm thời bỏ trống Thăng Long về căn cứ Trường Yên kháng giữ nền độc lập, chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược làm nên 2 chiến thắng lẫy lừng lịch sử giữ nước bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta ở thế kỷ XIII.

  1. Trong sách NINH BÌNH TOÀN TỈNH ĐỊA CHÍ KHẢO BIÊN của Nguyễn Tử Mẫn, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2001, trang 110- 111, viết rõ hơn: “núi Thiện Dưỡng (trước gọi Thiên Dưỡng) huyện Yên Mô*, núi cao chót vót và tròn đẹp, trèo lên cao nhìn các núi đều nhỏ, sắc đá xanh biếc, lấy đá ấy làm nghiên mực rất trơn và mịn.
Theo sử nhà Minh thì trong số 21 núi có tiếng của An Nam núi ấy là một. Đầu thời Hồng Đức có bày đàn tế Giao (tế trời đất), năm thứ 3 có sai quan tế, vẽ hình thế núi ấy đem về”. (* núi cắt về Yên Mô sau về lại Hoa Lư, như ngày nay).

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ tập 3 NXB KHXH HN 1971, trang 233) chép :”…ở xã Thiện Dưỡng núi cao chót vót, hình thù tròn trặn, đĩnh đạc, lên cao trông xa thì thấy các núi khác đều nhỏ. Núi này sắc đá xanh biếc, dùng làm nghiên mực rất trơn mịn, đáng yêu”. 

  1. Vũ Phạm Khải khi luận về địa lý văn hóa Ninh Bình, trên văn bia Vũ Duy Thanh viết “Núi là Thiện Dưỡng – sông là Hoàng Long – Khí thiêng chung đúc – Người kiệt ra đời”.
Tham khảo thêm tại cuốn sách: Vũ Phạm Khải – Danh nhân Văn hóa Văn thân yêu nước chủ chiến thế kỉ 19 do Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Trung tâm Unesco tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin ấn hành, tr 161).

  1. Trong tuyển tập Nghiên cứu Lịch sử Hà Nam Ninh xuất bản năm 1985 tập 1, tác giả Phạm Ngọc Kanh, Bài Căn cứ địa Trường Yên trang 16 viết “đất đây quả là đất trời nuôi dưỡng vua Trần – Thiên dưỡng. Nhưng những người sống ở đây là dân của trời nên gọi là thiên dân, và cũng quả là đất dễ sống nên đổi là Thiện Dưỡng”. 

  1. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Trò tạp chí Văn nghệ Ninh Bình cùng các nhà nghiên cứu sưu tầm lịch sử địa lý vùng Ninh Bình trao đổi về đỉnh Nhang Án là đỉnh núi cao để ngư dân Ninh Bình trước lấy làm điểm dóng về sau mỗi chuyến đi khơi. Theo lời kể các cụ già trong làng : Thập niên 1960 có nhóm người Trung quốc sang trọ ở ven núi, thuê người cõng thức ăn nước uống, vật liệu, gỗ lớn lên đỉnh cao, có dựng các cột chụm đầu vào nhau hình tam giác như hình kim tự tháp không rõ để làm gì, sau cũng mất. Chi tiết này không rõ lắm vì có thể do thuê chuyên gia Trung quốc khảo sát việc gì đó? Đến nay núi chỉ là núi, không còn dấu tích nào. Trên tấm bia đá tạc vào vách núi Chùa Tháp dùng từ “thiên dân” để nói về dân làng.

  1. Tạp chí Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình: Châu bắc bộ nằm trong 3 đỉnh non thiêng gồm Ba Vì – Hoa Lư – Yên Tử. Nhang Án là “chính thân” của Thiện Dưỡng sơn, được danh nhân các thời chú trọng đến cho thấy núi Thiện Dưỡng nói chung và đỉnh Nhang Án nói riêng là non thiêng đệ nhất chốn đế kinh Hoa Lư. Ba đỉnh non thiêng châu Bắc bộ cụ thể là “Tản Viên – Thiên Dưỡng – Yên Tử” tạo thành TAM ĐÍNH ĐỆ NHẤT LINH (ba đỉnh linh thiêng nhất).

  1. Nhang Án trong ca dao, tục ngữ, văn thơ, sắc phong, thần tích, hương ước làng Thiện Dưỡng, các làng xung quanh chân núi:
* Ca dao cổ các làng quanh núi: “Thứ nhất Bai vì – Thứ nhì Nhang Án là núi cao trong tâm thức và câu ca cổ lưu truyền, Núi ở nơi tiếp giáp gần miền biển trước đây, ở làng còn có đình thờ Quý Minh đại vương tức em của Tản Viên sơn thánh núi Ba Vì.
* Thơ truyền miệng do ông đồ nho làng Vũ Văn Bật viết năm 1930:
VỊNH MINH ĐỨC THÁP:
” Kỳ lân mở hàm rồng.
 Vẳng nghe thấy tiếng cô nàng gọi anh.
 Trèo lên non lĩnh cao xanh. 
Trông lên chùa tháp có thành tiên xây.
 Có rồng mà lại có mây.
 Có chim gõ mõ (gõ kiến) có thày tụng kinh.
 Ngắm xem sơn thủy hữu tình. 
Muốn cho đây đấy ta mình có đôi.
 Ngày xuân thong thả dư hoài. 
Rủ nhau lên động nhà trời mà xem”.
   Bài thơ nói về “Non lĩnh cao xanh” chỉ đổm Nhang Án, tuy nhiên để leo lên tới đỉnh cũng phải mất gần nửa ngày, đi theo đập Hào vào Chẽ lên Vẳng Quyêch từ đó leo khe núi đứng Lũng Mây (là phần lõm như yên ngựa) leo lên đổm cao, hoặc còn nhiều lối khác tùy mỗi người đi. Phía đông mặt láp dựng đứng, trên đỉnh đá phẳng rộng đến vài sào làm đài quan sát toàn bộ Ninh Bình.
   Chùa Tháp gồm tháp đá Minh Đức thờ con gái chúa Trịnh là Trịnh Ngọc Áng, sau lấy vua nhà Lê nhưng không có con, nàng say mê tiếng đàn bầu rồi đi tìm, tu hành ở đây… Cách đây mươi năm có chộm đánh mìn vào tháp tìm vàng tháp chỉ bị nghiêng, phát lộ ra quan quách đá khối, nhờ tiếng lành mà Nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên (người làng Đông Hội xã Ninh An, tên ông trong danh sách được đề cử xét Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2017) biết đến và giới thiệu cho một Quỹ bảo vệ di sản văn hóa của Thụy Điển mà nhân dân dựng lại tháp đến nay. Bên cạnh tháp là Thiên Cung động tức chùa Thiên Cung, nằm gần như dưới hàm núi Kỳ Lân, đi sâu vào hàm núi có miệng hang hẹp dẫn đến động rộng hàng trăm mét vuông có mái cao như “vòm họng con Lân” rồi lên khe mắt con Lân ấy ra sườn khác để xuống núi. Chùa tháp là gọi tắt của chùa và tháp này. Trước Kỳ Lân là núi Hòn Ngọc nên nôm na gọi chung là “Kỳ Lân vờn Ngọc”. Thung Thiện Dưỡng cơ bản nằm trong 3 quần thể : đỉnh Nhang Án – Chùa Tháp – núi Hang Bạc.
* Sắc phong, thần tích, hương ước làng Thiện Dưỡng, một làng cổ hiếm có, phong cảnh hùng vĩ bậc nhất ở Hoa Lư, nơi có đầm lầy, rừng sâu núi cao đất chiến địa, làng thôn có hương ước nghiêm trang ( chọn người hiền lành đức độ trao giữ truyền bá thần tích, trong thờ cúng không được dùng nhiều nghi thức nhằm nhận ban ơn nhiều)…tuy vậy đang đứng trước nguy cơ không còn lại vết tích khi phá Nhang Án, khác nào phá ban thờ tổ tiên (đàn tế Nam Giao), lỗi này không riêng người dân nơi đây vì không nắm được các giá trị do thất truyền ở một khúc nào đó ( Nguyên nhân do : 1. Chiến tranh: Giặc Minh truy đốt hết sách; Pháp, Mỹ đốt cả nhà, người còn đâu là sách. 2. Thất lạc do Quá trình chuyển văn tự và ngôn ngữ từ hán nôm ra quốc ngữ. 3. Tục khi người trên mất sẽ hóa đi đồ dùng thiết yếu gồm cả sách…). Làng xưa có núi Chồng sách (đá khối xếp lên nhau cao bằng bặn như chồng sách) từ khi phá núi này dân làng cảm thấy như “mất sách” con em học hành sao nhãng, không còn là nơi nổi tiếng học hành như xưa.
* Bên phía tây nam dãy Thiện Dưỡng là Lăng Ca, Quang Hiển có các đền thờ Ba vị Lạc tướng (các em trai vua Hùng vương thứ nhất; thần tích Viện hán nôm ký hiệu AEa4/35 ) là Hoàng Tín công, Hoàng Đại công, Hoàng Thống công và bà Nguyễn Phương nương.
Núi gắn với hành cung Vũ lâm, vườn thượng uyển Ô lâm nhà Trần, một triều đại lừng lẫy ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thứ giặc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ đã dày xéo mấy chục dân tộc lớn bé của thế giới mà bị vùi thân không biết bao mà kể ở xứ An Nam, “máu Lăng ca, ma Quang hiển” là câu ca chỉ trận đánh này 17.2.1285 ở trận đánh tại cánh đồng lầy Lăng Ca, Quang Hiển, Vạn Lê dưới chân núi Nhang Án.  Nhà Trần cũng là dấu mốc mở nền phật pháp thiền giáo lớn của nước nhà qua hình ảnh của “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” : họa Phật hoàng Trần Nhân Tông rời động Vũ Lâm về kinh thành, sau lên Yên Tử.
   Nhang Án nhắc đến hình ảnh của bàn thờ hương án của đàn tế Nam Giao. Vua An Nam là nhà Lê Hồng Đức dùng đỉnh này làm đàn tế Giao mặc dầu đã chọn kinh đô là Thăng Long. Vua xứ Bắc Chu Nguyên Chương tức Hồng Vũ cũng lại thờ núi này (trong 21 núi An Nam) với các núi khác bên xứ ấy, xem trong sách ĐỒNG KHÁNH ĐỊA DƯ CHÍ trang 1026 NXB Thế giới 2002.
    Nhang Án trong bức tường thành đá Hoa Lư nổi tiếng, căn cứ địa Trường Yên, kinh đô kháng chiến hành cung Vũ lâm, là đỉnh cao chấn ngự phòng tuyến Tam Điệp – cửa biển Thần Phù, nắm được Nhang Án bao quát con đường Thiên Lí bắc nam huyết mạch qua đèo Ba dội ra đàng ngoài.
C . Nhang Án có giá trị Văn hóa Lịch sử cần được khảo cứu đi tới bảo tồn :
   Đàn tế Giao – Nhang Án thề Quốc thái dân an, sức khỏe và cường thịnh quốc gia. Phá Nhang Án mất đi những thứ chúng ta không lường được. Linh khí quốc gia dân tộc không phải câu chuyện lợi ích kinh tế. Đất đai sông núi không chỉ là cảnh quan nơi chốn mà là văn hóa của một xã hội. Giá trị không được phổ biến dẫn đến thế hệ không di sản. Địa linh nhân kiệt là thế biết sẽ tìm đâu một khi non thiêng nổi bật Hoa Lư không còn ?    
   Rất rất mong được sự quan tâm của các cấp ngành có trách nhiệm để không đưa một DI VẬT lịch sử có thật về lại với truyền thuyết, chuyện buồn Ninh Bình không còn toàn vẹn tuy nhiên CŨNG CHƯA PHẢI LÀ VIỆC ĐÃ RỒI đỉnh Nhang Án còn đó xanh đẹp, chưa muộn để cứu núi (Đỉnh Nhang Án nổi bật trên bức tranh thủy mặc, nhìn từ Cống Rồng – đền Thái Vi trong quần thể Tràng An – Danh thắng Thiên niên và Văn hóa Thế giới.) Một điều tôi cho là đáng tiếc khi năm 2014 về Unesco lại là một “Tràng An không có Thiên Dưỡng”, đáng ra “Tràng An” đó phải mang tính “đại diện” là một nền văn hóa mà nhân dân Ninh Bình đang khao khát xây dựng.
   Đây cũng là đề tài trọng điểm của Hội thảo khoa học “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững” rất công phu của trường Đại học quốc gia cùng Tỉnh ủy tổ chức, qua đây mong muốn có một chiến lược toàn diện, khắc phục những hạn chế tự phát. Núi có giá trị vô cùng lớn đối với tỉnh Ninh Bình trong định hướng phát triển kinh tế du lịch, văn hóa và tâm linh. Lại chưa có một công trình “xếp hạng” nào? mà sang năm 2018 sẽ tròn 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, núi trong nước Đại Cồ Việt. Một “Hoa Lư” với “Tràng An” có giá trị đầy đủ như thế nào đang rất cần làm rõ kịp thời. Và gần khu vực này có hai vết chân của “Ông Khổng lồ” tức thánh Nguyễn Minh Không trong truyền thuyết dân gian.
   Hiện cả dãy núi Thiện Dưỡng đã giao cho 2 nhà máy xi măng Duyên hà và lacky Đài loan, vài doanh nghiệp khai thác đá vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Hoa Lư. Khu vực này từ những năm 1950 đã bắt đầu khai thác đá phục vụ làng nghề và nhu cầu vật liệu xây dựng. Dùng từ “chính thân” ở đây là sự tự thỏa hiệp rồi: “Nhang Án là chính thân của dãy Thiên Dưỡng sơn” . Nếu Nhang Án bị đánh bạt đầu, cao không tới, diện mạo biến đổi, kinh thiên động địa. Thiện Dưỡng sơn còn lại trong ảnh trên giấy là tội đồ lịch sử.
  Theo Quyết định Thủ tướng số 1266/QĐ – TTg2014: Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình 2030 tầm nhìn 2050 xác định triết lý phát triển Thành phố Ninh Bình là “sinh thái, hiện đại, bản sắc, cạnh tranh bền vững”. Nhang Án/Thiện Dưỡng sơn nằm trong Đô thị Ninh Bình mở rộng này, như vậy với các ưu điểm núi cao làm “đài quan sát” bao quát toàn tỉnh Ninh ta, cùng với các dấu tích lịch sử văn hóa gắn với kinh đô của nhà Đinh, Tiền Lê, đầu nhà Lý và nhà Trần (về lại trong thế kỷ 13 đặt làm kinh đô kháng chiến chống Nguyên Mông) đã được các sách sử thời nối tiếp nhau ghi chép lại. Đây sẽ là một điểm nổi bật khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, con người Ninh Bình thời đại đổi mới, hy vọng các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác đá đóng trên địa bàn Cố đô đã nắm được các giá trị của núi sẽ chia sẻ và đồng thuận xây dựng tỉnh nhà hướng đến triết lý phát triển của Thành phố tương lai gần.
Núi sẽ không mọc lại. Không dễ để hồ đồ với Danh sơn bậc nhất có ở Ninh Bình.
Đỉnh Nhang Án núi Thiện Dưỡng đang kêu cứu từng ngày!
   Sông Vân -Núi Thúy gần gũi đã đi vào thi ca nhân dân Ninh Bình, là món ăn văn hóa hàng ngày qua câu hát, vần thơ, là nơi đi bộ dạo chơi của dân thị thành, các em học sinh trước mỗi cấp thi lại đến kính ý Đức tiền nhân thêm rèn chí luyện tài.
Thiện Dưỡng – Hoàng Long lại là cặp giang sơn biểu tượng của âm dương khai thái, lưỡng hợp quyền năng và sức mạnh, được vua chính thống các thời để tâm chọn làm nơi tế trời đất mà được gọi là đỉnh Nhang Án (bàn thờ) thề quốc thái dân an, sức khỏe cường thịnh.
   Dục Thúy sơn (núi Thúy) là nơi các bậc Văn võ toàn tài tụ hợp mỗi thời mà khắc vào đá thơ phú để giao du thiên hạ bày tỏ ý trí. Mỗi dòng sông trái núi mang một cái tên khắc nhắc đến sự kiện lịch sử từ đó thành nét văn hóa đặc trưng.
Để cứu lấy một Danh sơn bậc nhất ở Ninh Bình là vẫn còn kịp ! Trân trọng thông báo và kính gửi mọi người ở Ninh Bình được biết.
D . Theo Luật Văn hóa Di sản:
“Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”

  • Khoản 5 điều 4 : Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
  • Khoản 15 điều 4: Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
  • Khoản 1b điều 28: Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử.
  • Khoản 3 điều 37: Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thong báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
  • Khi nhận được thông báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thong tin phải có biện pháp xử lý kịp thời…trường hợp cần thiết phải đình chỉ để bảo tồn nguyên trạng…
  • Mục 3Hợp tác quốc tế về di sản Văn hóa : khoản 1điều 63: Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với quy định và pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà CHXHCNVN ký kết hoặc tham gia; góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.


 Trên đây là những tư liệu sưu tầm từ nhiều nguồn, được trao đổi tổng hợp và gửi ngay lại cho nhân dân và cán bộ các thôn, xã,huyện, tỉnh Ninh bình; các cơ quan thẩm quyền, hữu quan cần biết, những người quan tâm gìn giữ Danh sơn linh khí quốc gia dân tộc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét