18 thg 9, 2017

Cuộc sống của bác sỹ người Việt tại Budapest

BBCBà Đặng Phương Lan là bác sỹ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng tại Budapest
Image captionBà Đặng Phương Lan là bác sỹ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng tại Budapest
Cuộc phỏng vấn của Quốc Phương, BBC Việt ngữ với bác sỹ Đặng Phương Lan, người đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Budapest, Hungary:

Chị có thể chia sẻ với chúng tôi cũng như các khán thính giả của BBC Việt ngữ về những nét hay, nét đẹp chính của Hungary, và những điều hấp dẫn, duyên dáng của Budapest?
“Budapest là thủ đô của Hungary. Tuy số lượng người ở đây rất ít nhưng người Budapest có đặc điểm là rất cởi mở và hòa đồng với nhiều nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra ở Hungary có nhiều tôn giáo khác nhau nhưng nhìn chung họ đều tương đối hòa đồng, yên ấm.
“Tôi có số khá may là do học trường Đại học Y khoa ở Budapest và biết nói tiếng Hungary nên việc hòa đồng của tôi cũng khá đơn giản. Khi đi làm, các đồng nghiệp cũng đánh giá mình như người Hungary và các bệnh nhân cũng chấp nhận một bác sỹ người châu Á như tôi.”

BBC

Cuộc sống của Hungary, hay Budapest, bây giờ có những nét gì khác biệt so với thời chị mới sang?
“Có một sự khác biệt là càng ngày ở Hungary càng có nhiều khách du lịch hơn. Có lẽ là do sự xây dựng và hòa nhập của Hungary với châu Âu. Và nhiều người nước ngoài, ở những nơi xa như Mỹ, Pháp, Canada hay Bắc Âu ngày càng biết đến Hungary nhiều hơn. Lượng khách du lịch tới Hungary đã tăng đáng kể trong những năm qua. Đây cũng là một niềm vui cho người dân Budapest.”
Là một bác sỹ, theo chị chuyện chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại Hungary có tốt không, có đắt đỏ đối với người dân hay không?
“Hungary vẫn có hệ thống bảo hiểm xã hội. Vì vậy tùy theo mức phí đóng bảo hiểm của người dân, họ sẽ nhận mức độ chữa trị khác nhau.”

‘Budapest cởi mở, hòa đồng’

Vậy đời sống của người Hungary bây giờ như thế nào, có những khó khăn hay thuận lợi ra sao?
“Theo tôi nghĩ, so với thời kì chế độ Cộng sản cũ thì hiện nay nền kinh tế Hungary mở rộng rất nhiều. Nhất là sau khi gia nhập cùng cộng đồng châu Âu, Hungary cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ các nước châu Âu nên đời sống ngày càng tốt đẹp lên.
“Tuy vậy người Hungary vẫn hay lo lắng vì họ phải chấp nhận những quan điểm của cộng đồng chung châu Âu và phải chấp thuận theo những yêu cầu của Liên minh châu Âu dành cho Hungary vẫn đang trong thời kì hội nhập.”


BBC

Chị có hay về thăm Việt Nam không? Nếu có, theo chị làm nghề bác sỹ ở Hungary so với làm bác sỹ tại Việt Nam có điều gì khác biệt lớn không?
“Câu hỏi này rất khó vì tôi chưa từng làm bác sỹ ở Việt Nam bao giờ. Tôi có về Việt Nam thường xuyên và tôi nghĩ làm bác sỹ thì ở đâu cũng khó, nhất là trong mối quan hệ với bệnh nhân.
“Theo tôi chắc chắn làm bác sỹ ở Việt Nam rất vất vả do số lượng người bệnh ở Việt Nam quá đông, tính trên tỉ lệ đầu người đối với một bác sỹ. Tôi nghĩ đây là vấn đề của tỉ lệ dân số, còn về công việc thì như nhau.”
Làm bác sỹ tại Hungary có áp lực như thế nào và mật độ người bệnh cần chăm sóc thì ra sao, có nhiều áp lực như ở Việt Nam hay không?
“Tất cả các bệnh nhân ở Hungary, dù già hay trẻ hay ở đẳng cấp nào, cũng đều được đối xử như nhau. Chúng tôi không có sự phân biệt đối xử giữa những người bệnh. Vì vậy, tôi thấy tất cả chỉ là áp lực về mặt chuyên môn chứ không có những áp lực khác.”
Chuyển sang câu chuyện về gia đình. Trong gia đình chị, chuyện các cháu đi học như thế nào, giáo dục ở Hungary có gì đáng nói?
“Hai con của tôi học cấp 1 và cấp 2 tại trường công ở gần nhà, đi bộ chỉ mất khoảng 5 – 10 phút. Các cháu được thầy cô giáo rất yêu quý. Thậm chí con gái tôi là người gốc Việt Nam nhưng cũng được thầy cô cử đi thi tiếng Hungary toàn trường. Điều này có nghĩa là người Hungary hoàn toàn chấp nhận các học sinh đa sắc tộc, và bất cứ ai học giỏi thì đều được thầy cô tín nhiệm.”

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét