19 thg 1, 2017

Xem tranh dân gian gà Đông Hồ, đón xuân Đinh Dậu (2017)

Xuân Đinh Dậu (2017) đã đến thật gần. Dậu là con gà. Nói đến Dậu, những người Việt Nam lớn tuổi hẳn nhớ đến nạn đói kinh hoàng ở miền Bắc năm Ất Dậu (1945), làm chết trên 2 triệu người. Nhớ đến nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố (xuất bản trên báo Việt Nữ lần đầu năm 1937), kể về người phụ nữ nông dân nghèo khổ, phải bán ổ chó để có tiền đóng thuế thân cho chồng, phải đi ở đợ trong nhà quan, và một tối nọ bị quan cụ mò vào buồng toan hiếp dâm, chị Dậu đã "vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!".

Dậu, theo từ điển Hán Việt còn có nghĩa là "gỗ mục", là "cột nhà mục nát". Tức là cây gỗ tuy đóng vai trò chính yếu, làm trụ đỡ cho căn nhà, nhưng đã bị loài "ngoại bang" là mối đục khoét từ bao giờ rồi. Nay đã ruỗng mục bên trong, sắp gãy. Cột nhà mà mục nát, thì căn nhà ấy sắp sụp đổ vậy.

Nhân xuân năm Đinh Dậu 2017 sắp đến, Bình luận án Blog sưu tầm và gửi đến quý vị bộ tranh dân gian Đông Hồ, vẽ gà.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy về cơ bản có 6 bức tranh gà Đồng Hồ. Gồm:

- Gà mẹ và các con (ảnh 1và ảnh 7).

- Gà trống bên hoa hồng (ảnh 2)

- Gà trống, gà mái và các gà con (ảnh 3 và ảnh 6)

- Chú bé ôm gà (ảnh 4)

- Đôi gà trống "gừ" nhau (ảnh 5)

- Gà trống đại cát (ảnh 8)

Ngày Tết (đặc biệt là trước đây), người dân miền Bắc có nét văn hóa truyền thống rất hay là mua tranh Đồng Hồ về treo, hay làm quà tặng nhau. Những bức tranh được treo ở vị trí trang trọng trong phòng khách, còn thơm phức vị giấy, mùi hoa lá. Màu sắc còn rực rỡ, mới tinh tươm - đem lại nét vui tươi, sảng khoái, làm không gian trong nhà ngày tết thêm phần rực rỡ, vui tươi. Nhà nào cũng phải có tranh treo ngày tết!

Mỗi bức tranh là một thông điệp độc lập mà một mạc, ý nghĩa giản dị mà sâu xa, đầm ấm, chan chứa tình yêu thương giữa người và vật, giữa các loài với nhau.

Làng tranh dân gian Đông Hồ nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Tranh Đông Hồ mộc mạc, đơn sơ, như người nông dân vùng Bắc Bộ tảo tần, chân thật. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn – hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng. Lại có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.

Mời quý vị cùng thưởng lãm.




Ảnh 1: Gà mẹ và các con, nói về tình mẫu tử thiêng liêng. Gà mẹ là điểm tựa cho các con theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bên mẹ gà, đàn gà con vô tư nghịch ngợm, xúm xít quây quần. Trong miệng gà mẹ có sẵn miếng mồi dành cho gà con  




Ảnh 2: Gà trống bên hoa hồng đang chụm chân, nhún người, chuẩn bị gáy vang đón chào ngày mới. Ngày xưa nhiều nhà không có đồng hồ, chỉ nghe theo tiếng gà gáy mà biết giờ ra đồng. Trong đêm đen gà trống thường gáy khoảng 3 đợt, từ khoảng sau nửa đêm (đợt 1) cho đến mờ sáng (đợt 3, khoảng 4h30). Hình tượng gà gáy báo hiệu bình minh đang tới



Ảnh 3: gà trống, gà mái và đàn con biểu tượng cho hình ảnh một gia đình hạnh phúc, no đủ



Ảnh 4: Chú bé bên con gà, hay đúng hơn là chú bé ôm con gà, cho thấy gà là một loại động vật thân thiết và hữu ích. Có lẽ chú đang ôm một con gà chọi chờ một trận đá gà sắp diễn ra chăng? 


Ảnh 5: Hai gà trống đang gừ nhau. Giống gà trống có đặc điểm khá thú vị là thích đánh/đá nhau. Cứ phải là xông vào nhau thượng cẳng chân, mổ vào đầu cho đến khi có kẻ thắng người thua mới xong. Lợi dụng đặc tính này, nhiều người tổ chức đấu gà, cá độ ăn tiền sát phạt nhau. Con gà thua độ sẽ bị ăn thịt, xong một kiếp gà đá.



Ảnh 6: gia đình gà trong một phong cách thể hiện khác về màu sắc


Ảnh 7: gà mẹ và các con


Ảnh 8: Gà trống đại cát, một chú gà trống dáng vẻ uy nghi, đĩnh đạc. Đứng trên một chân, giơ móng vuốt, trợn mắt thị uy. Được xem là biểu tượng của sự hanh thông, thành đạt.

(Từ: http://dandensg.blogspot.co.uk/2017/01/xem-tranh-dan-gian-ga-ong-ho-on-xuan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét