12 thg 1, 2017

Việt kiều Mỹ tăng một bản đồ khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa

Một Việt kiều Mỹ vừa trao tặng UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng, một tấm bản đồ được cho là có từ những năm đầu thế kỷ 19, trong đó xác định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Đế chế An Nam (Việt Nam).
Tin từ báo chí Việt Nam cho biết vào sáng 10/1, UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, tổ chức tiếp nhận bản đồ Partie de la Cochichine, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ này do ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ sưu tầm và trao tặng.
Bản đồ Partie de la Cochichine nằm trong bộ Atlas Thế giới do nhà địa lý học kiệt xuất Phillipe Vandermaelen (người Bỉ) xuất bản vào năm 1827. Bản đồ được thể hiện trên khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tỉnh Khánh Hòa) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tỉnh Quảng Nam). Phía ngoài khơi, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ 16-17 và kinh độ từ 109-111.
Viet kieu My tang ban do quy cho UBND huyen Hoang Sa hinh anh 1
Ông Trần Thắng (trái) trao tặng tấm bản đồ quý giá cho huyện đảo Hoàng Sa. Ảnh:Đoàn Nguyên.
Đặc biệt, bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa, bản đồ có một phần giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’ An-nam), bao gồm  các nội dung Phisique, Politique, Statistique và Minéralogie.
Một nhà nghiên cứu Biển Đông, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, nói đây là một cơ sở rất tốt để chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa nếu tấm bản đồ trên được xác định là có giá trị.
“Nếu mình có những bản đồ có giá trị thì đó là những cơ sở rất tốt để mình chứng minh đất nước Việt Nam là như thế nào. Cái đó rất cần thiết. Mà ở Việt Nam thì hiện nay chưa có nhiều thông tin về cái này”.
Theo ông Lê Công Giàu, Việt Nam hiện chưa phát huy được những tiềm lực từ dân chúng trong việc tập hợp các tư liệu chứng minh chủ quyền của mình ở Biển Đông. Ông cho biết:
“Ở Việt Nam hiện nay chỉ có những thông tin về bản đồ do nhà nước công bố thôi. Còn của tư nhân nghiên cứu thì rất ít. Có thể có nhưng không được công bố. Đó là điều không được tốt lắm. Đáng lẽ những vấn đề như thế thì nên một mặt là nhà nước công bố, nhưng phải để cho tư nhân, những nhà nghiên cứu họ nghiên cứu được cái gì thì họ công bố để mọi người cùng tham khảo. Cái đó tốt hơn là chỉ có nguồn tin nhà nước”.
TS. Trần Thắng là người chuyên sưu tầm bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ông đã tặng cho Việt Nam 150 tấm bản đồ và 3 cuốn Atlas do Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới xuất bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét