28 thg 1, 2017

GÀ TRONG THI CA VIỆT NAM



GÀ TRONG THI CA VIỆT NAM
        Gà gần với đời sống, ở thôn quê nhà nào cũng nuôi gà để lấy trứng ăn thịt, chỉ có gà tây ở Việt Nam hơi hiếm, ít người thích ăn thịt vì sợ phong ngứa và thịt không ngon, nuôi gà tây khó hơn vì loại gà nầy rất dữ có thể tấn công đá, mổ lại chó mèo và trẻ em, những gia đình người Pháp sống làm việc ở Việt Nam họ thương nuôi loại gà tây. Về đời sống dân gian người ta thường ví von những cặp vợ chồng không xứng đôi vừa lứa

Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi.
Gà già khéo ướp lại tơ,
Nạ
dòng trang điểm gái tơ mất chồng. 

        Gà vườn không chịu với thời tiết mưa gió, gà xù lông mồng tái mét như gà mắc bệnh dịch, còn chó bị ước vì mưa thi lạnh run… cho nên kinh nghiệm mua bán hay tiên đoán thời tiết nắng mưa.

Bán gà kỵ ngày gió, bán chó kỵ ngày mưa,
Ráng mỡ gà thì gió, ràng mỡ chó thì mưa.

        Người nuôi gà thường chọn giống gà nào tốt:

Nuôi gà phải chọn giống gà,
Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau.
Nhất to là giống gà nâu,
Lông nhiều thịt béo, về sau đẻ nhiều.

       Các thức ăn điệu nghệ người miền Bắc thường cần phải có lá chanh, hành, hay riềng để hợp với khẩu vị.

Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉnh mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
Thịt gà cần phải lá chanh,
Tía tô, cà, chuối mới thành ba-ba. 

        Cố đô Huế với cảnh u tịch trang nghiêm, nhiều Chùa, Đình Miếu, Lăng tẩm nhưng du khách thường đến thăm chùa Thiên Mụ, khung cảnh hữu tình, Tháp chùa  nghiêng mình trên dòng nước trong xanh, không gian yên lặng nhưng những tiếng chuông chiều ngân vang, buổi sáng tinh sương nghe tiếng gà gáy từ làng Thọ Xương gọi người thức dậy cho một ngày mới, theo tin đồn trước 1975 người nào đó dịch canh gà trong thi ca là tô canh gà “chicken soup”!

Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.

       Văn chương bình dân phong phú, nhưng không thể nhầm lẫn tai hại khi dịch phổ biến văn hoá với nước ngoài, Nếu đọc các câu sau sẽ hiểu được vấn đề.

Có thương thi thương,
Không thương thì nói.
Làm chi lần lần lữa lữa,
Trên Chùa đã dậy tiếng chuông.
Gà Thọ Xương đã gáy,
Chim trên nguồn đã kêu.

       Nói đến một giai đoạn lịch sử với tiếng gà gáy hàng ngày vẫn trôi qua buồn thảm, Kinh đô còn đó nhưng chủ quyền quốc gia mất dần vào tay thực dân Pháp.

Bến chợ Đông ba, tiếng gà eo-óc,
Bến chùa Thọ Lộc, tiếng trống sang canh.
Giữa sông Hương giợn sóng khuynh thành,
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng.                                       

       Hoặc trong hoàn cảnh gia đình:

Trách con gà gáy vô tình,
Chưa vui sum họp, đã đành chia phôi.
Trách gà vội gáy tàn canh,
Không lâu tí nữa, cho tình thở than.
Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.                                                       

        Trong thi ca cũng nhắc đến tình yêu không đến với con người bằng địạ vị, vật chất, nhưng đến với nhau bằng giao cảm, với sự rung động con tim một siêu tần số tâm hồn, nếu không có sụ giao cảm thì không bao giờ có tình yêu, nên đã có trường hợp

                       Ông nói gà bà nói vịt.

        Vì nhận thức tính chất giao cảm giữa tâm hồn và cảnh vật, đuôi gà cũng đã gợi được một phần luyến ái hay mượn gà để tỏ tình

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lún đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh, hạt huyền kém thua.
Thương em anh để trong lòng,
Việc quan anh cứ phép công anh làm.
Thương em không dám vô nhà,
Đi qua đi lại hỏi có gà bán không. 

         Mái tóc đẹp thước tha, duyên dáng nên người xưa từng bới tóc theo kiểu đẹp riêng, như ngày nay các bà uốn, chải tóc nhiều kiểu cho phù hợp với khuông trăng đầy đặng. Có người chọn tóc đuôi gà mày lá liễu, không kém phần hấp dẫn tạo thành duyên nợ, vì cái đuôi gà ấy mà phải xin địa chỉ cô nàng chăng?

Cô kia bới tóc đuôi gà,
Nắm đuôi cô lại, hỏi nhà cô đâu. 

        Sinh hoạt gia đình, xã hội nếu không cùng chung sống trong yêu thương, hòa bình, mà lòng người cứ mang mãi hận thù, đời thêm khổ đau vết thương không bao giờ hàn gắn lại được.

Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau.
Gà què ăn quẩn cối xay,
Hát đi hát lại tối ngày một câu. 

         Thời xưa, chưa có đài dự báo thời tiết nắng mưa thế nào? Nhưng kinh nghiệm sinh tồn, người ta tiên đoán được thời tiết và chú trọng về vấn đề phong thủy.

Chớp đông nhay nháy, mà gà gáy thi mưa,
Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
Mồng một lưỡi gà, mồng ba lưỡi liềm
Nhà giầu mua vải tháng ba
Bán gạo tháng tám, nuôi gà tháng năm
Chó liền da gà liền xương
Chuồng gà hướng đông cái lông chẳng còn 

        Ngày xưa thường có tục cúng tế thần linh, ông thần Hoàng phải mời thầy cúng sao giải hạn, cầu mong tai qua nạn khỏi, nên thường nuôi gà để cúng và trả công cho thầy.

Chập chập rồi lại cheng cheng,
Con gà trống thiến để riêng cho thầy.
Chập chập thôi lại chòng chong,
Có con gà sống cũng mang biếu thầy.

        Ngoài vấn đề giao tế hai bên suôi gia, gà heo thường làm lễ vật, bên đàn trai  biếu xén đàn gái gọi là „thăm suôi“ không đầu gà thì má thịt lợn (heo). gia đình sinh nhiều con trai ngày xưa hàng năm phải tốn kém gà heo, nên con gái nói với mẹ:

Mẹ ơi sinh trai làm chi,
Đầu gà má lợn đem đi cho người.
Mẹ sinh con gái như tôi,
Đầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ ăn! 

        Ngoài xã hội đàn ông là cột trụ trong gia đình, nhưng trong gia đình không có đàn bà thi không được.

Không đàn bà thì gà bươi bếp,
Chủ vắng nhà gà mọc đuôi tôm. 

        Hoặc nói lên sự hy sinh của người vợ lính chiến.

Anh đi tay súng tay cày,
Em nuôi gà vịt, trông bầy con thơ.

        Đầu năm, “khách đến nhà, không gà thì vịt”, bên quê nhà phải làm thịt gà hay vịt đãi khách, còn chúng ta ở hải ngoại đơn giản, gà vịt mua ở siêu thị người ta làm sẳn không lo chuyện „bắt nước ví gà“ hay „cắt cổ gà không nại dao phay“. Nói về việc gởi bài cho các báo nhờ có Computer, viết theo font Unicode nên không bị độc giả chê, „chữ xấu như gà bới“. Chủ bút nhận bài save để đó, không phải bài „lăng xăng như gà mắc đẻ“ nhiều bài của tác giả gởi đến mờ mắt „trông gà hóa cuốc“ nhưng bài gởi đăng „chùa“ không tiền nhuận bút nên không ngại việc ký check trả tiền „bút sa gà chết „.
Tranh Gà của làng Đông hồ



       Độc giả về thăm Việt Nam (1) nhớ ăn „gà đi bộ“ đừng ăn „gà móng đỏ“ hay „gà đi xe gắn máy „ như người ta nói „trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con“ Về nhà bà xã bắt mạch trị bệnh đau đầu kinh niên thì phiền cho cả năm. Độc giả có thư hỏi tác giả bài viết bài nầy là ai ? xin trả lời „ngây ngô như gà mờ, lờ đờ như gà hoàng hôn“. Phóng viên phỏng vấn, hay phát biểu trên tivi phải uốn lưởi bảy lần trước khi nói hay trả lời trả lời tránh „Gà chết vì tiếng gáy.“ Năm cũ đã qua năm mới đến gà nhà xin „đừng bôi mặt đá nhau.“ Đầu năm nếu quý vị có ai xem bói vận mệnh trong năm mới ra sao? tôi xin đoán trước độc giả hưởng được: Phước-Tài-Lộc, công danh tươi sáng như sao Mai, sức khoẻ dồi dào như Hercules.
Nguyễn Quý Đại – Munich.
Hồ Xưa sưu tầm, trình bày và chuyển_______________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét