Mời Bạn Đọc và Suy Nghĩ :
Mẹ cho con hình hài, nhưng đất nước cho
con nguồn cội. Mẹ dạy con gọi cha, nhưng đất nước cho con tiếng nói. Mẹ
nuôi dạy con lớn, nhưng đất nước cho con sức vóc làm người …
Con hỏi mẹ: “Sao đất nước mình nhỏ bé,
không đẹp đẽ trong mắt bạn bè thế giới”, mẹ chạnh lòng: “Phải làm gì để
con tự hào được là người Việt? Phải làm gì để con là một người Việt đáng
tự hào?”.
Mẹ dạy con điều gì nữa ư? Không đâu con,
con đã được dạy vô số điều tốt đẹp ở trường học! Cho nên, thay vì dạy,
thì mẹ sẽ nói về những điều mẹ không dạy con …
Mẹ sẽ không dạy con: Việt Nam có rừng vàng, biển bạc.
Nhưng, mẹ sẽ nói với con rằng, rừng thẳm
kia với tài nguyên phong phú từ bao đời, nay đã bị vắt đến gần cạn
kiệt; Biển xanh mênh mang kia từ cha ông truyền lại, nay đang thu hẹp
dần vì giặc ngoại bang; Thú rừng kia chỉ còn là hình ảnh trong sách giáo
khoa, hay là những vật trang sức nhồi bông trong phòng khách kẻ trưởng
giả …
Mẹ sẽ chỉ cho con xem những ngọn đồi
trọc nham nhở, lở lói, khô cằn trên dọc đường cái quan, những con sông
cạn nước, trơ đáy về mùa hè nhưng ngập tràn vượt nóc nhà đồng bào ta vào
mùa lũ … Mẹ sẽ chỉ cho con thấy những đám khói bụi mờ ảo, dày, quánh
đặc dần bao phủ thành phố, những bãi rác thải khổng lồ ngày càng cao
hơn, to hơn đang bốc mùi tanh tưởi …
Để con biết rằng, sự thật không phải lúc nào cũng nằm trong những từ hoa mỹ trên những trang giấy sạch sẽ, thơm tho!
Mẹ sẽ không dạy con: Người Việt thông minh, cần cù, nhẫn nại.
Nhưng, mẹ sẽ kể với con về hình ảnh cháu
bé người Nhật Bản tại thị trấn vừa xảy ra cơn thảm họa sóng thần, chú
bé quyết chí đứng nguyên vị trí xếp hàng của mình trong giá lạnh, chú đã
khước từ chỗ xếp hàng phía trên của một người lớn nhường cho … Chính sự
tự trọng, ý chí quật cường, để từ tro tàn đổ nát của cuộc chiến tranh
thế giới, đất nước không có tài nguyên, thì cha anh của chú bé người
Nhật đã đứng dậy và trở nên một trong vài ba quốc gia giàu có và hùng
mạnh bậc nhất trên thế giới
Mẹ cũng sẽ chỉ cho con thấy bên cạnh
những hình ảnh học sinh gốc Việt lãnh nhận những tấm bằng khen danh dự
về học vấn, thì vẫn có những tấm bảng lưu ý cảnh giác người Việt ăn cắp;
Bên cạnh những câu chuyện người gốc Việt đảm đương những trách vụ quan
trọng ở nước ngoài làm rạng danh dân tộc, thì cũng có những hình ảnh đám
đông người Việt chen lấn, xô đẩy nhau ở mọi nơi, mọi lúc để tìm vị trí
phía trên của người khác một cách bất công …
Để con biết rằng, tuy “thông minh, cần
cù, nhẫn nại” là cần thiết, nhưng chính lòng tự trọng và ý chí quật
cường mới quyết định phẩm giá của dân tộc trong vô số các dân tộc đang
cùng chung sống dưới gầm trời này!
Mẹ sẽ không dạy con: Đất nước ta ra ngõ gặp anh hùng!
Nhưng, mẹ sẽ nói với con rằng, mỗi tấm
huy chương được phát, mỗi tấm bằng khen được trao, mỗi tấm ảnh được khắc
trên đài tổ quốc ghi công, là thêm nhát dao cứa vào vết thương lòng
vĩnh viễn không bao giờ liền miệng của những người mẹ già, cô vợ trẻ,
đứa con thơ đang khao khát mong chờ người thân về nhà trong ngày sum họp
… Và mẹ cũng sẽ kể cho con biết có những nền độc lập được xây dựng đôi
khi không cần đến xương máu đồng bào mình, nó không khiến bạn bè quốc tế
phải sợ hãi ngắm nhìn chúng ta như những kẻ hiếu chiến, khát máu …
Để con biết rằng, không phải con đường
nào đi đến cứu cánh thì đều phải trả giá bằng máu và đằng sau mỗi tấm
huy chương hào nhoáng đều có thể là nỗi đau xót khôn nguôi!
Mẹ sẽ không dạy con rằng, đất nước ta là vô địch, bách chiến bách thắng!
Nhưng mẹ sẽ kể cho con những câu chuyện
về cột đồng Mã Viện với dòng chữ khắc trên đó “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ
diệt”, về một nghìn năm đô hộ của giặc phương Bắc, non trăm năm thuộc
địa người phương Tây, về những Đỗ Thích, Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Lê
Chiêu Thống bán nước cầu vinh, về một Ải Nam Quan không còn là một phần
của đất nước, về một Hoàng Sa, Trường Sa đang là phần lãnh thổ bị chiếm
đóng bởi ngoại bang …
Để con biết rằng, bên cạnh những trang
lịch sử hào hùng của dân tộc mà con có thể tự hào về nòi giống, vẫn có
những khoảng lặng u uất vĩnh viễn không thể nào quên!
Mẹ sẽ không dạy con: Người khác ta là kẻ xấu!
Nhưng mẹ sẽ nói với con rằng, không ai
chọn cửa để sinh. Chín người thì mười ý. Chính sự khác biệt đã tạo nên
những giá trị, phẩm chất riêng cho từng cá thể, để mỗi người có thể học
được điều gì đấy từ người khác. Con hãy mạnh dạn phát biểu quan điểm của
mình, nhưng bên cạnh đó, con hãy hết mực tôn trọng quan điểm của người
khác. Mẹ sẽ kể cho con câu chuyện về công viên Hyde Park của của nước
Anh, nơi mà từ năm 1904 đã có một góc Speaker’s Corner để bất kỳ ai cũng
có thể đến đó để tự do nói lên ý tưởng, quan điểm của mình, nơi mà thế
giới văn minh không giam hãm, cầm tù người có quan điểm khác với chính
quyền.
Để con thấy rằng, kẻ xấu, đáng khinh đôi
khi chính là người đang đứng trên bục cao trịnh trọng đọc diễn văn,
người khả kính, đôi khi lại chính là người khoác chiếc áo tù nhân đang
trầm ngâm đứng sau song sắt giam cầm!
Mẹ sẽ không dạy con về cách để mưu tìm chiến thắng!
Nhưng mẹ sẽ nói với con về sự tha thứ,
về vua nhà Trần khi thắng giặc Nguyên Mông đã cho đốt sạch tráp đựng thư
xin hàng của các quan trong triều, về Nguyễn Trãi “Đem đại nghĩa để
thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” để cấp thuyền, ngựa,
lương thực … cho tàn quân giặc Minh về nước, nhưng mẹ cũng sẽ kể cho con
nghe câu chuyện từ thế kỷ trước, sau chiến thắng, thì đã có hàng chục
vạn đồng bào của bên bại trận phải chịu câu thúc thân thể từ vài tháng
đến hàng chục năm mà không được xét xử, hàng triệu người đã liều minh
vượt thoát mưu tìm sinh đạo, lòng người ly tán, chia rẽ mãi cho đến nay
đã non nửa thế kỷ mà vẫn chưa tìm được sự hòa giải, hòa hợp.
Để con thấy rằng, nếu sự lựa chọn là tha
thứ, thì con có cả kẻ thù để làm bạn, nhưng sự lựa chọn là trả thù, thì
có lẽ, con có cả một thế giới to lớn để làm kẻ thù của mình vậy!
Điều cuối cùng, mẹ sẽ không dạy con: Tiền là tiên hoặc là chìa khóa vạn năng cho mọi cánh cửa …
Nhưng mẹ sẽ nói với con về giá trị của
đồng tiền rằng, 10.000 đồng là giá của hai que kem, là công một giờ con
giúp mẹ dọn nhà, là đủ một suất cơm tạm no cho các bạn nghèo khó. Và mẹ
cũng sẽ kể cho con nghe về những người giàu có bất thường, sở hữu tiền
ức, bạc mớ, của chìm, của nổi, dù đồng lương có tích cóp đến vài trăm
năm cũng không nhiều được như thế, nhưng vĩnh viễn, họ không thể sở hữu
được sự tôn trọng của chính đồng bào của mình, của người đời?
Để con hiểu rằng, con có thể làm ra giá
trị đồng tiền, nhưng đồng tiền không làm ra giá trị của con. Tiền không
mua được tình yêu của mẹ, tiền không trả được những kỷ niệm ấu thơ của
con …
Và con ạ, nếu con biết hổ
thẹn khi bị bạn bè quốc tế chê cười vì những thói xấu, thì chí ít, con
vẫn còn sở hữu lòng tự trọng, hãy nung nấu thêm ý chí quật cường, để có
lúc, con làm rạng danh dân tộc mình, để con tự hào được là người Việt,
và con là một người Việt đáng tự hào.
Con nhé ?!
LS Đặng Đình Mạnh – Viết lại với sự cho phép của Ng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét