Điều khiến gì trẻ sợ hãi nhất?
Phải chăng là một món đồ chơi bị mất, hay không được ăn món ngon? Không
phải vậy! Thực ra, những điều mà một đứa trẻ sợ hãi và lo lắng nhất đều
có liên quan mật thiết đến cha mẹ chúng.
Hãy cùng tham khảo 8 điều mà một đứa trẻ sợ hãi nhất, nhưng cha mẹ lại thường mắc phải dưới đây:
1. Cha mẹ cãi nhau
Một nhà tâm lý học đã tiến hành điều tra tâm lý của hơn 3.000 trẻ nhỏ ở độ tuổi đi học với câu hỏi: “Con sợ nhất điều gì ở cha mẹ?” Nhà tâm lý học đã nhận được câu trả lời gần như giống nhau, đó là: “Con sợ nhất là cha mẹ nổi giận, sợ cha mẹ cãi nhau!” Một em trong số hơn 3000 trẻ đã viết một bài rất sinh động: “Con
sợ nhất là bố con nổi giận. Lúc bố con nổi giận, trông bộ dạng của
bố thật hung ác, khiến cho mẹ thì khóc còn con thì giống như một con
chuột con, sợ hãi đến mức tim đập thình thịch và cơm cũng không thể ăn
được…”
Cha mẹ thường cho rằng, con còn nhỏ nên
cha mẹ nói gì hay làm gì thì cũng không sao cả. Nhưng thực ra, dưới con
mắt to tròn và trong sáng của trẻ thơ thì việc cha mẹ nói gì với nhau,
làm gì với nhau, trẻ đều ghi nhớ lại hết.
Có một số gia đình, giữa vợ chồng thường
khắc khẩu không ngớt, miệng nói đầy lời thô tục, thậm chí động chân
động tay, không khí gia đình căng thẳng khiến cho tâm lý trẻ vô cùng sợ
hãi. Nếu sự việc kéo dài trong một thời gian lâu, sẽ khiến trẻ bị tổn
thương tâm lý và sức khỏe. Trẻ lớn lên có xu hướng lạnh lùng, cô độc,
bướng bỉnh, lỗ mãng, thậm chí bị bất thường về tâm lý.
Do đó, cha mẹ nên vì con trẻ mà xây dựng
một gia đình có bầu không khí đầm ấm, hòa thuận. Chuyên gia tâm lý
khuyến cáo các bậc cha mẹ nhất định phải ghi nhớ điểm này!
2. Cha mẹ nổi giận
Khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ thực sự tức
giận sẽ khiến trẻ sợ hãi. Thậm chí trong lúc cha mẹ tức giận, trẻ cũng
không nhận ra được lỗi lầm của mình.
Khi cha mẹ nổi giận, trẻ sẽ có một số
trạng thái: Ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, cha mẹ bảo sao thì sẽ làm như
vậy. Cũng có thể trẻ sẽ sợ ngây người, sững sờ đứng yên một chỗ, khóc
không lên tiếng. Nghiêm trọng hơn là trẻ có thể học theo cách xử sự của
cha mẹ, cũng nổi giận lên và ném vỡ thứ đồ mà cha mẹ yêu thích nhất…
Trẻ thường rất mẫn cảm với cảm xúc của
cha mẹ. Bởi vậy, khi cha mẹ phát giận cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và
hành vi của trẻ. Trong rất nhiều trường hợp, trẻ sẽ không biết được rằng
cha mẹ phát giận rốt cuộc là vì điều gì, không biết bản thân mình đã
làm sai điều gì.
Trong cuộc sống, nếu trẻ mắc lỗi, cha mẹ
cần bình tĩnh và nói rõ cho trẻ hiểu rằng trẻ nên làm gì. Như thế, cha
mẹ vừa giáo dục được trẻ, trẻ cũng sẽ biết được sự quan tâm của cha mẹ
dành cho mình. Nếu trường hợp cha mẹ quá bực tức mà không nhịn được thì
nên cảnh báo cho trẻ bằng những câu như: “Hôm nay mẹ rất không vui, con đừng làm mẹ phát giận…”
Cũng không được vì cảm thấy áy náy sau cơn giận mà buông lơi yêu cầu
đối với trẻ, điều gì cần kiên trì thì nhất định phải kiên trì.
3. Cha mẹ nói dối, không giữ lời hứa
Cha mẹ nói chuyện không tính toán gì
hết, phần nhiều là ở phương diện học tập của trẻ. Một số cha mẹ, khi
muốn khuyến khích con học tập chăm chỉ nên đã hứa rất nhiều điều theo
yêu cầu của trẻ. Nhưng khi đứa trẻ đã hoàn thành yêu cầu rồi thì cha mẹ
lại khước từ, không thực hiện lời hứa của mình. Kỳ thực, trong tâm lý,
trẻ rất ghét bị cha mẹ thất hứa, nói không giữ lời, “đùa cợt” mình.
Việc cha mẹ thường xuyên hứa nhưng không
làm sẽ khiến hình tượng của cha mẹ bị mất dần trong trẻ. Thậm chí còn
tạo cho trẻ cảm nhận rằng, nói lời là không cần phải giữ lời, không cần
có trách nhiệm, trẻ lớn lên sẽ dùng cách “thất tín” ấy để đối đãi với
bạn bè.
Cho nên, khi trẻ đưa ra yêu cầu, cha mẹ
phải thực sự suy xét xem yêu cầu có hợp lý hay không, có thực hiện được
hay không rồi mới hứa hẹn.
4. Bất công bằng, không thể cho con tình yêu giống như dành cho người khác
Trong nhà nếu có hai con, cha mẹ nhất
định phải đối xử công bằng. Cha mẹ không nên quá chăm chút cho người con
này từng li từng tí, từ quần áo, đi chơi, lời nói âu yếm… mà “bỏ rơi”
người con kia. Việc đối xử không giống nhau, không công bằng sẽ khiến
cho đứa trẻ không được quan tâm đầy đủ và luôn mang trong mình một “bóng
ma” oán giận.
Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu phát
hiện, những đứa trẻ bị cha mẹ đối xử bất công thường chịu ảnh hưởng rất
xấu về mặt sức khỏe và tâm lý, khiến trẻ có những hành vi không tốt. Cho
dù những đứa trẻ này sau khi đã trưởng thành, có gia đình riêng rồi
nhưng cảm giác “bị bỏ rơi” vẫn tồn tại trong lòng chúng. Ngoài ra, đứa
trẻ bị cha mẹ đối xử lạnh nhạt sẽ sinh ra lòng oán hận đối với đứa trẻ
được cha mẹ sủng ái, yêu chiều và tạo thành mối quan hệ không tốt giữa
anh chị em.
5. Không kiên nhẫn giải đáp thắc mắc của con
Tò mò là thiên tính của con người, đặc
biệt là ở thời kỳ thơ ấu thì tính hiếu kỳ lại rất lớn. Nhưng rất nhiều
bậc cha mẹ lại không xem trọng các vấn đề của trẻ, không nguyện ý làm
người thầy đầu tiên của trẻ.
Cha mẹ thường không thích trẻ làm phiền,
nên khi trẻ hỏi nhiều thì sẽ giải thích ba câu năm câu rồi đuổi trẻ ra
chỗ khác. Trẻ tuy còn nhỏ nhưng vẫn cảm nhận được thái độ của cha mẹ.
Thái độ lạnh nhạt của cha mẹ sẽ khiến trẻ tưởng mình đang mắc lỗi, vấn
đề này của mình là không nên hỏi, dần dần sẽ khiến trẻ mất đi lòng tin
vào năng lực của bản thân. Thậm chí cha mẹ còn khiến con mất đi lòng
nhiệt tâm, trí tò mò.
Nếu cha mẹ vì không muốn trẻ làm phiền
mà trả lời qua quýt, trả lời sai thì sẽ khiến trẻ sau này lớn lên rất
khó có thể sửa được quan niệm ấy, bởi vì lời cha mẹ nói trẻ sẽ tin và
ghi nhớ rất sâu.
Nếu cha mẹ không có thời gian trả lời ngay vấn đề của trẻ thì nên ghi nhận câu hỏi của trẻ và hẹn trả lời vào một lúc khác.
6. Không chào đón bạn của con
Trẻ lớn dần lên sẽ mong muốn có thêm
những người bạn để tâm sự nỗi buồn, niềm vui trong cuộc sống. Nhưng có
một số cha mẹ vì bạn của con không được lễ phép, quá nghịch… nên thường
tỏ ra không thích.
Nhưng đối với trẻ mà nói, chúng luôn
mong cha mẹ lấy tư cách là người lớn để đối xử với chúng, tôn trọng bạn
của chúng. Nếu cha mẹ luôn quản giáo con, không cho con tiếp xúc với
những người bạn mà cha mẹ không thích thì sẽ khiến trẻ bất mãn, khiến
khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng xa hơn.
Cho nên, cha mẹ nên khuyên bảo con cách
chọn bạn, cách đối xử với bạn bè. Nếu thấy trẻ lựa chọn những người bạn
không tốt thì nên chỉ rõ, giảng giải để trẻ hiểu, không nên thể hiện
thái độ lạnh nhạt đối với bạn của con vì sẽ khiến con tổn thương rất
nhiều.
7. Bỏ qua, không xem trọng ưu điểm của con
Cha mẹ nào cũng muốn con mình là đứa
trẻ giỏi và ngoan ngoãn. Nhưng trong mắt cha mẹ, con mình thường không
tốt bằng con người khác, rốt cuộc là vì điều gì? Đó là bởi vì hy vọng
của các bậc cha mẹ.
Cha mẹ cần hiểu rằng, mỗi người đều có
ưu điểm và khuyết điểm riêng, không giống nhau. Trong cuộc sống hàng
ngày, cha mẹ thường để mắt đến những khuyết điểm của trẻ mà dễ bỏ qua ưu
điểm của chúng, đem khuyết điểm của con để so sánh với sở trường của
những trẻ khác. Thậm chí có không ít cha mẹ tô vẽ thêm những điều tốt
đẹp cho một đứa trẻ khác để làm tấm gương cho con mình, với mong muốn
con sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng kỳ thực, lại khiến con tổn thương, thậm
chí còn làm ảnh hưởng đến cả đời của trẻ.
Là cha mẹ, không nên nhìn nhận những
thành tích bên ngoài mà đánh giá con không bằng người khác, mà phải phát
hiện được ưu điểm của con, tin tưởng con mình là người có tiền đồ,
khích lệ con để con phát triển ưu điểm và sở trường của mình.
8. Chỉ trích con trước mặt người khác
Rất nhiều cha mẹ thường chỉ trích khuyết
điểm của con ở trước mặt người khác như một cách để than vãn nỗi khổ
của mình. Không chỉ chỉ trích trẻ mà còn tán dương người khác, vô hình
chung khiến trẻ nghĩ rằng mình là đồ bỏ đi, không làm được điều gì hết.
Trẻ sẽ nghĩ rằng mình kém cỏi, cha mẹ không hài lòng với mình và chúng
dần dần trở nên tự ti, bất hòa với cha mẹ.
Kỳ thực, 8 nỗi sợ hãi này của trẻ cũng
không khó để cha mẹ có thể nhận ra. Nhưng một khi đã nhận ra rồi, cha mẹ
có nguyện ý cải sửa hay không mới là vấn đề lớn. Trong mắt trẻ, cha mẹ
tốt là những người yêu thương con, khoan dung cho lỗi lầm của con, tạo
cho con một không khí gia đình hòa ái, ấm áp. Một đứa trẻ được lớn lên
trong bầu không khí gia đình như vậy thì phần lớn sẽ biết phải trái,
đúng sai và trở thành một người tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét