11 thg 4, 2024

TẠI SAO DƯƠNG MINH HỌC ẢNH HƯỞNG MẠNH ĐẾN CÁC CHÍ SĨ NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ DUY TÂN? Bài 2

Chào Đời, Giáo Dục và Linh cảm từ trời của Saigô Takamori

Tác giả: UCHIMURA Kanzô (*)
Dịch sang tiếng Nhật: Suzuki Norihisa
Dịch sang tiếng Việt: Nguyễn Sơn Hùng

Lời thưa trước

Trong bài với tựa đề phụ “Nhận xét của Uchimura Kanzô về Tống Nho tức Chu tử học” (1), người dịch đã giới thiệu nhận xét của Uchimura Kanzô về ảnh hưởng của Dương Minh học đối với người Nhật Bản, đặc biệt đối với Nakae Tôju, vị thánh nhân vùng Ômi, như thế nào. Trong bài này giới thiệu cụ thể ảnh hưởng của Dương Minh học đối với một nhân vật rất quan trọng của Minh Trị Duy Tân, đó là Saigô Takamori. Nhân vật này được Kanzô chọn làm nhân vật đầu tiên của 5 nhân vật tiêu biểu của Nhật Bản trong tác phẩm Những Người Nhật Bản Tiêu Biểu của ông. 

Phần giới thiệu nhân vật này gồm có 5 tiết mục: 1) Nhật Bản Duy Tân năm 1868, 2) Chào Đời, Giáo Dục và Linh cảm từ trời, 3) Vấn Đề Triều Tiên, 4) Saigô Như Kẻ Mưu Phản, 5) Cuộc Sống và Nhân Sinh Quan.

 Bài này chỉ giới thiệu tiết mục thứ 2 theo mục đích của đề tài; các phần còn lại sẽ lần lượt giới thiệu sau trong dịp khác.

*

Tiết 2 Chào Đời, Giáo Dục và Linh cảm từ trời

Bởi vì là một con người vĩ đại, nhân vật mà người đời thường gọi “Dai Saigô” (Dai: vĩ đại) (1) để phân biệt ông với em trai ông tên Tsugumichi; ông chào đời năm Văn Chính thứ 10 (1827) ở thành phố Kagoshima. Ở vùng đất mà Dai Saigô lần đầu tiên thấy ánh sáng thế gian này, hiện nay người ta có dựng bia đá kỷ niệm. Cách đó không xa, người đồng chí nổi tiếng của Dai Saigô, tên Ôkubo Toshimichi, chào đời vào 2 năm sau. Ở vùng đất trên, cũng có bia kỷ niệm Ôkubo được dựng lên. 

Dòng họ Saigo không phải là dòng họ danh tiếng đáng để kể lại, chỉ là “dưới bậc trung” của một phiên to lớn tên Satsuma. Ông là trưởng nam của một gia đình gồm 4 trai và 2 gái. Thời niên thiếu ông trầm lặng ít nói, bạn bè cho ông là đứa ngu ngốc, không biết việc gì. Người ta cho rằng sự kiện đầu tiên đã khơi dậy ý thức tinh thần nghĩa vụ ở tâm hồn ông vào tuổi thiếu niên là ông đã thấy tận mắt quang cảnh một người bà con xa mỗ bụng trước mặt ông. Đúng là người đàn ông đó khi sắp đâm lưỡi dao vào bụng đã hướng mặt về thiếu niên này nói “Sinh mạng con người là để tận sức và hết lòng với vua và đất nước”. Thiếu niên đã rơi lệ, và trong suốt cuộc đời của mình, thiếu niên này quyết không bao giờ quên lời nói trên.

Khi trưởng thành, người trai trẻ trên trở thành một thanh niên to mập với đặc trưng vai rộng và đôi mắt lớn. Do đôi mắt ông có nhãn cầu to lớn nên có biệt danh là “mắt to” (tiếng Kagoshima là “udome”; udo: to, me: mắt). Môn đô vật (sumo) là môn thể thao ông yêu thích, và ông có một cơ thể với nhiều bắp thịt rắn chắc. Ngoài ra, khi rảnh rỗi ông thường thích đi bộ trong rừng núi. Thói quen này theo ông suốt cả cuộc đời.

Từ lúc trẻ ông đã có hứng thú với các sách Dương Minh học. Trong các tư tưởng của Trung quốc, Dương Minh học có chỗ rất giống với một tôn giáo thánh thiện nhất, tôn giáo này lại có khởi nguồn ở Á châu (ý tác giả ám chỉ đạo Thiên chúa). Chỗ rất giống đó là dạy con người sống theo lương tâm tối thượng, thuyết giảng quy tắc (pháp) của trời mặc dù nghiêm khắc nhưng chứa đầy ơn huệ thâm sâu. Những lời nói của nhân vật chính trong câu truyện chúng tôi (ý nói Saigô) phản ảnh rõ ràng ảnh hưởng của Dương Minh học này. Tình cảm có tính chất của đạo Thiên chúa thấy được ở trong các câu văn của Saigô; tất cả đều chứng minh tư tưởng đơn thuần mà Vương Dương Minh vĩ đại đã ôm ấp, đồng thời cũng nói lên sự vĩ đại của Saigô là do ông hấp thụ được hết Dương Minh học và cái học này đã xây dựng nên tính cách thực tiễn cho chính ông.

Ngoài ra, Saigô cũng cho thấy ông có một ít hứng thú với tư tưởng thiền có tính khắc kỷ (stoic) trong Phật giáo. Từ những lời nói sau này của ông với bạn bè ông, chúng ta có thể hiểu quan tâm này “là để kiềm chế bớt tính yếu lòng của bản thân mình đối với tình cảm”.

Tóm lại, Saigô hoàn toàn không có quan tâm gì đến văn hóa của Âu châu. Trong những người Nhật Bản, giáo dục của nhân vật có tinh thần tiến bộ và có mức độ lượng to lớn này đều căn cứ vào tinh thần của Đông phương.

Tuy nhiên, trong suốt cả cuộc đời của Saigô chúng ta có thể thấy 2 tư tưởng rõ rệt. Thứ nhất là Thống nhất đất nước Nhật Bản. Thứ hai là Chinh phục vùng phía Đông châu Á. Từ đâu mà ông có 2 tư tưởng này? Nếu truy xét tư tưởng Dương Minh học một cách có lý luận thì không phải không có thể đạt đến kết luận trên (nghĩa là có thể đạt đến). Khác với Chu tử học, học thuyết được chính phủ cũ đặc biệt bảo hộ để duy trì chế độ của họ, Dương Minh học là nội dung giáo dục tiến bộ, hướng về phía trước và chứa đựng nhiều khả năng tính.

Đối với sự tương đồng giữa Dương Minh học và đạo Thiên chúa đã được nhiều người đề cập đến. Do lý do này, Dương Minh học giống như đạo Thiên chúa đã gặp phải sự ngăn cấm. “Cái này giống hệt Dương Minh học, là thứ sẽ làm cho đế quốc đổ vỡ” (2), người thốt ra lời nói trên là nhà chiến lược của phiên Chôshyu tên Takasugi Shinsaku khi gặp Thánh kinh lần đầu tiên ở Nagasaki. Tư tưởng giống với đạo Thiên chúa là yếu tố quan trọng được đòi hỏi để tái thiết Nhật Bản. Điều này là một sự thật tạo ra đặc trưng cho lịch sử vào lúc đương thời. 

Tình huống và hoàn cảnh mà Saigô được đặt trong đó chắc chắn đã giúp ích cho ông hình thành một kế hoạch vĩ đại đó. Vị trí phiên Satsuma ở Tây Nam của Nhật Bản là gần nhất để tiếp nhận ảnh hưởng của Âu châu đến Nhật Bản, theo cùng một phương hướng địa lý. Việc phiên Satsuma ở gần Nagasaki cũng có lợi điểm (3). Trước khi được phép chính thức của chính phủ trung ương, các đảo (4) thuộc phiên Satsuma trong thực tế đã mậu dịch với các nước ngoại quốc.

Tuy nhiên, đối với ảnh hưởng từ bên ngoài, Saigô đã chịu ảnh hưởng lớn nhất của 2 nhân vật ở cùng thời đại. Một là phiên chủ (lãnh chúa) tên Shimadzu Nariakira (5) của phiên ông đang sinh sống. Một người khác là Fujita Tôko (6) (Đằng Điền Đông Hồ) của phiên Mito (7).

Shimadzu Nariakira là một nhân vật phi phàm, điều mà không ai có thể nghi ngờ. Con người ông bình tĩnh và trầm lặng, có khả năng phong phú nhìn thấu sự việc, ông đã sớm đọc được việc cải cách và phải thay đổi của Nhật Bản, ông cho rằng việc này chắc chắn phải đến, và ông đã thực thi các cải cách trong lãnh địa của ông để chuẩn bị cho nguy cơ sắp đến. Khi hạm đội Anh đánh phá thành phố ở Kagoshima vào năm 1863 đã gặp sự đề kháng mãnh liệt. Người đã củng cố phòng ngự thành phố của mình chính là Nariakira. Mặc dù chính ông mang tư tưởng “đuổi người ngoại quốc không cho vào đất nước mình” (nhương di) mạnh mẽ nhưng ông đã kiềm chế các đề nghị phản đối ồn ào của cận thần, và chính ông là người trân trọng nghênh đón người Pháp lên lãnh địa của ông. Ông là một phiên chủ có tinh thần của “một kẻ sĩ yêu chuộng hòa bình nhưng không ngần ngại chiến tranh nếu cần thiết”. Ông là một nhân vật có con tim (tinh thần) thông đạt qua lại với Saigô. Về phía Saigô với thân phận bề tôi, cấp dưới lúc nào cũng luôn luôn tôn kính phiên chủ của mình trong suốt cả thời gian về sau, đối với tầm nhìn sáng suốt thấy xa và vĩ đại của vị lãnh chúa này. Quan hệ giữa 2 người thân thiết nhau giống như bạn hữu; họ cùng có chung một tấm lòng hướng về tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, sự cảm hóa ở mặt tinh thần lớn nhất và quan trọng là tiếp nhận từ nhân vật có vai trò lãnh tụ của thời đại. Đó là Fujita Tôko của phiên Mito, một khối vĩ đại to lớn tập hợp cả trí tuệ, tài năng và học vấn cố hữu của người Nhật Bản (khối linh hồn Đại Hòa). Ông giống như một Nhật Bản có linh hồn. Ngoại hình nghiêm khắc, dung mạo mẫn cảm sắc bén là hình dáng của một hỏa sơn Phú Sĩ nhưng trong đó chứa đầy tinh thần của sự chân thành. Ông là con người nhiệt tình yêu thích chính nghĩa, là người rất ghét “loại người Tây phương dã man”. Các thanh niên đảm đương thời đại đã lần lượt tập hợp chung quanh ông. Saigô, mặc dù ở xa nhưng nghe danh tiếng của Tôko nên khi cùng phiên chủ ở lại trong thành phố Edo không bỏ qua cơ hội đi tiếp kiến ông. Cuộc gặp gỡ của 2 người tâm đầu ý hợp ở mức độ chưa từng có trước nay, đã được thực hiện. Người thầy nói:

“Người mà kế tiếp được chí hướng đang có trong lòng ta gần đây, ngoài người trai trẻ này không còn ai”.

Người học trò cũng nói:

“Nhân vật đáng kính sợ trong thiên hạ này chỉ có một người. Người này chính là Tôko tiên sinh”.

Có thể nghĩ rằng do sự cảm hóa mới nói trên, phương sách thực hiện kế hoạch: thống nhất đất nước Nhật Bản, và mở rộng lãnh thổ về phía lục địa để “Nhật Bản ngang hàng với các quốc gia châu Âu”, đã trở thành hình ảnh sau cùng và hiện ra trong con người của Saigô. Đối với Saigô giờ đây lý tưởng rõ ràng sống để phục vụ đã được hình thành. Phần còn lại chỉ là hướng về mục tiêu có ở phía trước và chỉ có thẳng tiến lên mà thôi. Tư tưởng cách mạng duy tân đã nảy mầm trong tinh thần mãnh liệt của Tôko. Tuy nhiên, để có thể trở thành cuộc cách mạng có hiện thực, tinh thần mãnh liệt của Tôko đã cần phải được đem trồng lại vào những người có tinh thần ôn hòa như Saigô, không quá mãnh liệt như Tôko. Gặp tai họa động đất lớn vào năm 1858, Tôko đã từ giã cõi đời ở số tuổi 50. Lý tưởng đầu tiên đã trú đóng trong lòng của Tôko đã ủy thác vào tay của người đệ tử.

Phải chăng nhân vật chính của chúng tôi trong lúc ngày đêm vui thích đi trong trong núi rừng đã trực tiếp nghe được âm thanh truyền đạt từ trời cao xuống? Trong núi rừng yên tĩnh, thì thầm nhiều lần việc cử Saigô đến trái đất với sứ mệnh mang lại kết quả làm cho đất nước của mình và thế giới được phong phú. Nếu như không có tiếng của trời đến thì tại sao trong văn chương và lời nói của Saigô đã nhiều lần đề cập đến trời như thế? Tôi tin rằng một con người thuần khiết ít nói như Saigô có khuynh hướng giam hãm trong thế giới nội tâm của ông đã tìm thấy sự tồn tại chính đáng trong toàn vũ trụ và bản thân của mình, và âm thầm trò chuyện với tồn tại đó. Dù cho những người của đạo phái Pharisee (8) của ngày nay mắng chửi Saigô là người theo dị giáo, cho rằng ông có sự nghi ngờ về hành tung của linh hồn trong tương lai, ông cũng không màng tới .

“Người thực hiện đạo của trời, dù cho cả thiên hạ chê bai cũng không sờn lòng. Cả thiên hạ có khen đi nữa cũng không lấy làm kiêu hãnh”.

“Hãy lấy trời làm đối tượng, chớ lấy người là đối tượng. Tất cả hãy làm vì trời. Đừng trách cứ người, chỉ hãy xét lại sự thiếu lòng chân thành của chính mình!”

“Pháp (quy luật) là tự nhiên, là do vũ trụ đặt ra. Do đó, hãy sợ trời, chỉ có người lấy việc phục vụ trời làm mục đích mới thực hiện được pháp…..Trời yêu thương tất cả mọi người như nhau. Do đó, chúng ta cũng phải thương yêu người khác như thương yêu bản thân mình” (9).

Saigô đã nói ra những lời đã trích dẫn ở đây và nhiều lời gần giống như thế. Tôi tin rằng tất cả nội dung này đều là Saigô nghe trực tiếp từ trời cao.

Nguyễn Sơn Hùng, bắt đầu viết: 27/2/2024, tu sửa bổ sung: 1/4/2024


Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

(*) Nguồn: Suzuki Norihisa (1995): Những Người Nhật Bản Tiêu Biểu (tiếng Nhật), Iwanamibunko. Nguyên tác: Uchimura Kanzô (1894): Japan and Japanse. Tái bản năm 1908, 1910 với tựa mới: Representative Men of Japan, NXB The Keiseisha.

Suzuki Norihisa (1935 ~) là giáo thụ danh dự của đại học Rikkyo và nhà nghiên cứu có uy tín cao nhất trong lĩnh vực dịch thuật Thánh kinh sang tiếng Nhật.

Ghi chú

* Tổng quát: phần trong ( ) với khổ chữ nhỏ là của người dịch thêm vào.

(1) Nguyễn Sơn Hùng (2024): TẠI SAO DƯƠNG MINH HỌC ẢNH HƯỞNG MẠNH ĐẾN CÁC CHÍ SĨ NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ DUY TÂN ? – Nhận xét của Uchimura Kanzô về Tống Nho tức Chu tử học –

(2) Nguyên văn tiếng Anh: “This resembles Yang-Ming-ism; disintegration of the empire will begin with this.”. Theo chú thích của Suzuki Norihisa, câu này có trong tài liệu dưới đây:

Gamo Shigeaki 蒲生重章 (1833~1901): Cận Thế Vĩ Nhân Truyện, xuất bản năm 1878.

Người dịch đã xác nhận trong Cận Thế Vĩ Nhân Truyện có nội dung này này nhưng nội dung hơi khác có lẽ do Kanzô chỉ nhớ đại ý không xem kỹ lại khi viết. Trang thứ 6 trong 7 trang của toàn truyện về Takasugi Shinsaku.

Nội dung này cũng được nhắc lại trong “Nhật Bản Dương Minh Học Phái Chi Triết Học” của Inoue Tetsujirô do Fuzanbo xuất bản năm 1900, tr. 560.

Nội dung trong 2 sách trên như sau: “Khi xem sách của Gia Tô giáo (tức thánh kinh) ông bùi ngùi than thở “Lời này thật giống với Vương Dương Minh. Tuy nhiên, không ngoài làm tổn hại an ninh quốc gia, chẳng khác gì như máy bắn đá to lớn làm nghiêng thành trì, lật đổ quốc gia!”

Nguyên văn Hán văn trong Cận Thế Vĩ Nhân Truyện như sau:

閱耶蘇教書慨然嘆曰:其言頗似王陽明然国家之害寧有之過者乎.其傾城覆国豈啼大碩巨礮

Duyệt Gia Tô giáo thư khái nhiên thán viết: Kỳ ngôn pha tự Vương Dương Minh nhiên quốc gia chi hại ninh hữu chi quá giả hồ. Kỳ khuynh thành phúc quốc khởi đề đại thạc cự pháo.

(3) Nagasaki là địa phương duy nhất được chính phủ cũ cho phép mậu dịch với nước ngoài.

(4) Tức Lưu Cầu, và là Okinawa ngày nay.

(5) Shimadzu Nariakira島津 斉彬 (1809~1858): phiên chủ đời thứ 11.

(6) Fujita Tôko藤田 東湖(1806~1855): tâm phúc của phiên chủ phiên Mito đời thứ 9 tên Tokugawa Nariaki (1800~1860).

(7) Phiên Mito: phía bắc và trung bộ của Ibaraki-ken ngày nay. Phiên chủ đời thứ 2 là Tokugawa Mitsukuni (1628 ~ 1701): lập Shôkôkan 彰考館 để biên soạn Đại Nhật Bản Sử, và đặt cơ sở cho “Mitogaku水戸学” (Học thuyết Mito)

(8) Pharisee (Biệt phái): một đạo phái trong đạo Do Thái cổ đại, đối lập với Thiên chúa giáo, chủ trương tuân thủ theo luật pháp của Moses (Môi se).

(9) Có trong “Saigô Nam Châu Di Huấn”

                     Trang đầu tiên quyển chép truyện của Takasugi Shinsaku

Mời Xem Lai  Bài 1 :

Tại sao Dương Minh Học ảnh hưởng đến các chí sĩ Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân?  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét