Nhận xét của Uchimura Kanzô về Tống Nho tức Chu tử học –
Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng
Lời mở đầu
Sau khi viết bài “Động Cơ Gì Đã Thúc Đẩy Tôi Tìm Hiểu Nội Dung Lý Giải Khổng Mạnh Học của Nhật Bản” (1), người viết đọc lại phần giới thiệu Nakae Tôju trong tác phẩm “Những Người Nhật Bản Tiêu Biểu (Representative Men of Japan)” (bằng tiếng Anh xuất bản lần đầu tiên năm 1908 và tái bản vào năm 1910), và rất ngạc nhiên khi phát hiện ra phần nhận xét Uchimura Kanzô (1861~1930) về ảnh hưởng xấu Chu tử học, tức Tống Nho, và ảnh hưởng tốt của Dương Minh học đối với người Nhật Bản, một đề tài mà người viết rất quan tâm tìm hiểu. Không hiểu tại sao khi viết bài “Bài học cải cách này ngày nay còn có giá trị tham khảo không?” (2), “Nhật Bản: Nhờ đâu tiếng thơm vẫn còn?” (3), “Truyện Banzan tìm thầy để học” (4) đã tham khảo tác phẩm này nhưng không quan tâm đến nhận xét nói trên. Có lẽ do không để ý đến đề tài “ảnh hưởng của Tống Nho” mặc dù khi đó người viết đang tìm hiểu Nakae Tôju và biên dịch tác phẩm “Ông Vấn Đáp” của ông. Khi tìm hiểu “Ngữ Mạnh Tự Nghĩa” của Itô Jinsai, tác phẩm đề cập nhiều về khác biệt của Khổng Mạnh học và Chu tử học cũng như bài của cụ Huỳnh Thúc Kháng về Tống Nho (5) đã làm người viết bắt đầu lưu tâm.
Tại sao Dương Minh học có ảnh hưởng mạnh đến các chí sĩ Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân là đề tài quan tâm của người viết và chưa tìm ra được câu trả lời. Biết rằng nhận xét của Kanzô chưa đủ để đưa ra kết luận nhưng cũng đáng tham khảo cho quý độc giả có quan tâm về đề tài nên người viết biên dịch phần liên quan của sách nói trên để giới thiệu.
Khi biên dịch người viết dùng bản dịch tiếng Nhật ghi trong Tài liệu tham khảo ở cuối bài. Người viết cũng có đọc sơ qua bản tiếng Anh và nhận thấy có một ít khác biệt giữa 2 phiên bản do cách diễn tả của ngôn ngữ và trình độ lý giải ngôn ngữ khi đọc nhưng ở đây người viết dùng phiên bản tiếng Nhật để dịch vì nghĩ rằng phần đông người Nhật Bản thông thường đọc phiên bản này và điều người viết quan tâm là người Nhật đọc và hiểu tác phẩm này như thế nào.
Sơ lược về phần giới thiệu Nakae Tôju trong sách
Phần giới thiệu Nakae Tôju trong “Những Người Nhật Bản Tiêu Biểu” gồm có 5 phần:
- Giáo dục ngày xưa của Nhật Bản
- Thời thiếu niên và tự giác (của Tôju)
- Sùng bái mẫu thân (của Tôju)
- Trở thành thánh nhân vùng Omi
- Một con người giàu nội tâm
Về phần “Giáo dục ngày xưa của Nhật Bản” người viết dự định sẽ giới thiệu trong tương lai gần. Một phần của “Trở thành thánh nhân vùng Omi” người viết đã giới thiệu trong bài “Nhật Bản: Nhờ đâu tiếng thơm vẫn còn?” và “Truyện Banzan tìm thầy để học”.
Phần đầu của “Một con người giàu nội tâm” người viết giới thiệu dưới đây và phần còn lại sẽ giới thiệu trong tương lai gần.
Một con người giàu nội tâm (phần đầu)
“Nếu so sánh cái nghèo và nét đơn giản bên ngoài với sự phong phú và nét đa dạng bên trong của Tôju thì phải nói là không cân xứng quá mức. Ở bên trong của Tôju tồn tại một vương quốc to lớn mà chính bản thân ông là vị vua nắm toàn quyền tuyệt đối.
Nét ôn hòa bên ngoài của Tôju phản ảnh nét tự nhiên sung mãn của bên trong. Có thể tán thưởng ông là một nhân vật gần như thiên sứ gồm 9 phần linh hồn và 1 phần da thịt. Đối với những người tin tưởng vào học thuyết Thế mạt luận (Eschatology) và Cứu độ luận (Soteriology) tân tiến như chúng tôi, không biết có sống hạnh phúc bằng phân nửa của nhân vật này không?
Gần đây các trước thuật của Tôju được 2 người đệ tử đời sau này cực nhọc đầu tư tâm sức để biên tập thành 10 quyển sách khổ lớn và cho xuất bản. Ở thời đại mà không biết ở Nhật Bản đã có được một nền tư tưởng có hệ thống hay chưa, việc làm này đã cụ thể cho chúng ta có thể thấy được toàn bộ hình dung của một nhân vật có thật ở Nhật Bản của ngày trước. Sách nói trên đã biên tập những câu truyện nhỏ về cuộc đời của Tôju (tiểu truyện), các hồi tưởng của người dân làng, các sách chú giải cho kinh sách cổ điển của Trung Quốc, các bài giảng dạy, tiểu luận, vấn đáp (hỏi và trả lời), thư từ, các ý tưởng chợt đến (ngẫu tưởng, stray-though), đàm luận, Hòa ca (bài ca tiếng Nhật) và Hán thi (thơ bằng chữ Hán). Tôi chỉ là một người hướng dẫn quý độc giả vào thế giới bên trong (nội tâm) của nhân vật nói trên.
Sự tiến triển học vấn của Tôju có thể phân chia rõ ràng làm 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ được giáo dục trong Chu tử học có tinh thần bảo thủ, giống như các người khác sống vào cùng một thời đại ở Nhật Bản. Do Chu tử học, Tôju luôn luôn tìm kiếm không ngừng về bên trong của bản thân mình hơn mọi thứ khác. Con người trẻ với tinh thần tinh tế này không ngừng phản tĩnh, tự kiểm khuyết điểm và nhược điểm của bên trong của bản thân, và kết quả làm cho tinh thần của người trẻ này trở nên quá mẫn cảm; đây là điều có thể hiểu dễ dàng. Kết quả của việc tìm kiếm bản bản thân mình quá độ đã phản ảnh rõ ràng trong các trước tác vào thời kỳ đầu cuộc đời của Tôju. Tác phẩm “Đại Học Khải Mông” (Khai sáng của sách Đại Học) được viết trong trạng thái này vào lúc 21 tuổi. Nếu như Tôju không gặp trước tác có tinh thần cầu tiến (tiến bộ) của Vương Dương Minh người Trung Quốc để có được niềm hy vọng mới thì của đời ông đã trở thành như thế nào? Dưới sự đè nén của của Chu tử học có tính bi quan có lẽ đã dồn ép ông vào cuộc sống ẩn dật không lành mạnh như thường thấy ở nhiều nhân vật vốn có tính tiêu cực như Tôju.
Khi thuật lại truyện của nhân vật Saigo vĩ đại tôi đã nhiều lần thuật lại truyện của nhà tư tưởng lớn này. Tôi nghĩ rằng nhờ ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc dưới dạng Dương Minh học mà chúng tôi đã không trở thành một dân tộc có tính cách hướng nội, nhút nhát yếu đuối, bảo thủ và thụt lùi. Có thể nói đây là một sự thật được thừa nhận trọn vẹn trong lịch sử Nhật Bản cho đến hiện nay (6). Khổng tử thánh nhân con người đó là con người tiến bộ và ưu tú mà những người luận về Khổng tử đều nhất trí thừa nhận như vậy. Những người dân có tinh thần thụt lùi của đất nước ông đã làm thay đổi hình dung của ông đối với người trên thế giới, bằng giải thích theo quan niệm của họ. Tuy nhiên Vương Dương Minh đã triển khai tính tiến bộ trong Khổng học (7), đem lại niềm hy vọng cho những người có khuynh hướng hiểu sai Khổng học (7). Nhân vật Vương Dương Minh này đã giúp cho Tôju của chúng ta nhìn thánh nhân Khổng tử bằng cách nhìn mới. Vị thánh nhân của vùng Omi giờ đây trở thành một con người thực tiễn. Ông có vài bài ca tiếng Nhật (hòa ca) vịnh chủ nghĩa Dương Minh, đại ý như sau:
– Đường có thể khó nhưng một lòng tiến lên,
Lúc nào đó, trăng đến trong lòng ta.
– Phải kiên chí cho vững chắc,
Từng nghetên cắm trên đá cứng (8).
– Đường dường như không lối đi,
Khi quên mình tiến lên, lối sẽ hiện ra
Những lời ca trên có ai nghĩ đây là lời của một người thầy dạy học trong một thôn quê yên lặng.
Chúng tôi đã viết, Tôju có chú giải các kinh sách cổ điển của Trung Quốc. Đây là phần quan trọng nhất trong những gì Tôju đã trước thuật. Tuy nhiên chúng mong muốn quý độc giả chớ nghĩ rằng ông là “người chú giải kinh sách” của ý nghĩa thông thường. Tôju là một con người có óc sáng tạo cao. Tuy nhiên, do tính cách vốn khiêm tốn nên ông đã dùng phương pháp chú giải cổ điển để biểu hiện cá tính mình. Việc ông có thái độ hoàn toàn tự do đối với các cổ điển biểu hiện rõ ràng trong lời nói của ông với các học trò ông dạy:
“Trong các trước thuật của thánh hiền ngày xưa có rất nhiều điều không thể áp dụng thích hợp với tình trạng xã hội hiện nay”.
Do đó, Tôju đã viết các phiên bản tu sửa để sử dụng ở trường học của ông dạy. Nếu Tôju còn sống đến ngày nay, chắc có lẽ ông sẽ là đối tượng điển hình của tòa án xét xử các tà thuyết”. (Còn tiếp theo)
Nội dung giới thiệu Nakae Tôju của sách chưa hết nhưng nội dung phần còn lại không liên quan đến đề tài của bài viết này nên dừng lại ở đây. Phần còn lại sẽ giới thiệu tiếp trong tương lai gần.
Nhận xét
- Một điểm thú vị là cả Nakae Tôju (1608 ~ 1648) và Itô Jinsai (1627 ~ 1705, quyết ý lúc 35 tuổi) đều quyết chí tự học để trở thành thánh nhân. Jinsai sinh sau Tôju khoảng 20 năm nhưng trong các tác phẩm của Jinsai không thấy nhắc đến Tôju cũng như các học giả khác của Nhật Bản, không hiểu tại sao,
- Chưa biết nhận xét của Kanzô về ảnh hưởng của Chu tử học, tức Tống Nho, có đúng không nhưng trường hợp của Jinsai thì vào năm 1655 lúc 29 tuổi tinh thần ông không được cân bằng ổn định phải nhường chức gia trưởng của dòng họ cho em để sống ẩn cư và đọc sách của Vương Dương Minh, Lão tử và cả Phật giáo. Nhưng 3 năm sau, tức vào năm 1658 ông đổi tên hiệu từ Kính Trai do sùng bái Chu tử thành Nhân Trai và bỏ hết tâm sức nghiên cứu Cổ nghĩa học. Không biết việc tinh thần không cân bằng ổn định có do ảnh hưởng của Chu tử học không?
- Ở đây người viết nghĩ cũng nên giới thiệu thêm về một nét rất tích cực rất đáng khâm phục của Tôju. Số là có một người học trò tên Ôno Ryosa, vừa dạy xong buổi sáng buổi chiều đã quên nhưng quyết tâm muốn học y học. Tôju phải bỏ ra 3 năm soạn sách y học Tiệp Kính Y Thuyên để người học trò này học. Sách khoảng ngàn trang, mỗi trang 400 chữ. Cuối cùng người học trò thầy y sĩ và truyền dạy cho nhiều người khác.
Nguyễn Sơn Hùng, Viết xong ngày 5/2/2024
Mời Xem :
🌷 GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC “NGỮ MẠNH TỰ NGHĨA” CỦA ITÔ JINSAI (Diển Đàn Khai Phóng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét