29 thg 2, 2024

HÀNH TRÌNH ĐI TÂY… NINH. 26/2/2024 (P.1 ) CỦA NHÓM GĐSPSG

Hôm qua, thứ Hai 26/02/2024 là một ngày thật vui.
Theo lời mời của các anh chị đồng môn Khoá 9_SPSG ở Tây Ninh, các Thầy Cô gồm: Thầy Đoàn Viết Bửu (cựu hiệu trưởng) và các cựu giáo sư: Thầy Nguyễn Duy Linh, Thầy Phạm Hữu Thành, Cô Trinh Thị Sanh cùng một số anh chị đồng môn khoá khác như: Anh Nguyễn Văn Trung, Chị Nguyễn Thị Ba (K8); Anh Trần Quốc Dũng (Đồng Nai - K9), chị Lê Thị Tuyết Hồng (K12), Trần Ngọc Nghĩa, ĐVL (K13) đã đến Tây Ninh theo hướng dẫn của anh Trần Kim Môn - Trưởng Ban Liên lạc Khoá 9 tại Sài Gòn!
xxx
 
CÀ PHÊ SÁNG.
Đúng 8g05, đoàn đã đến TN.
Anh Trinh Mọn, Chị Nùng Hoa, chi Sáu Lê, chị Nhường, chị Đáng và chị Kim Yến đã chờ sẵn ở quán HP COFFEE, gần Toà Thánh, để nghênh tiếp đoàn và mời cà phê sáng!
Cũng như nhiều lần trước, lần này vẫn là sự tiếp đón ân cần, thán ái, đặc biệt nhất là thái độ rất trọng thị, đầy tôn kính mà các anh chị K9 TN dành cho các Thầy Cô. Chúng tôi rất xúc động khi thấy chị Nùng Hoa, đù thể trạng không được khoẻ, vẫn đứng, mừng đón từng Thầy Cô và thưa gửi với các tôn sư của mình bằng danh xưng “con” như ngày xưa vậy! Các anh chị đồng môn Khoá 9 ở Tây Ninh đều chân tình như vậy cả!
———————-
Hình ảnh: Dùng cà phê sáng tại HP COFFEE, Tây Ninh!
P/s Rất tiếc anh Vũ Cao Biền (k8) và anh Cử (k9 - Biên Hoà) đã không cùng đi được theo lời mời vì lý do sức khoẻ và bận việc riêng!
Có sử dụng hình ảnh bổ sung do anh Trung Nguyen ghi! Tks!
Chụp ảnh lưu niệm trước cửa hàng chị Nùng Hoa.
Dùng điểm tâm tại nhà hàng Minh Ký,

Xem Tiếp ;
 
 


NGHĨ VẨN VƠ - Thơ Trần Phong Vũ



NGHĨ VẨN VƠ
 
Ừ thì buồn mới viết thành thơ
Cũng có đôi khi đầu óc trống trơ
Thế nhân thiên hạ thì lắm chuyện
Chỉ có riêng mình cứ vẫn vơ
Có những lúc muốn quên đi tất cả
Những tình yêu, những status lướt vội trên fay
Khép kín cửa gặm nổi buồn khó tả
Khổ nỗi quá khứ hiện về....
Cứ chập choạng như mây
Rồi có lúc như người vừa tỉnh mộng
Chợt thấy mình sáng suốt đến lạ kỳ
Những giả dối những thương yêu mảnh mỏng
Ngỡ ngàng thay khi ai đó ra đi
Vẫn biết trong cuộc đời chả có gì là bất biến
Vẫn xao lòng khi người ta nói tiếng yêu
Lý trí bảo chuyện xưa rồi tái hiện
Nhưng con tim khờ dại cứ gật gù
Ừ thì yêu
Tự nhủ với lòng chớ dại làm nhà thơ
Những gương xưa soi thấu tận đáy mồ
Bao nghiệp dĩ vùi chôn như xác lá
Rất oan khiên đâu phải chuyện tình cờ
Ta dối lòng tự nhận tiếng thương vay
Tự ném đá mình đến độ tàn hơi này
Trong kinh học gọi đó là nỗi đau hành xác
Thú đau thương ừ nói thế lại nghe hay
Tai vẫn thích nghe lời ngon tiếng ngọt
Mắt vẫn trộm nhìn bóng dáng giai nhân
Em nhiều lúc uất tưởng chừng như phát sốt
Nghe giọng ta cười y hệt đứa trẻ con
Thật đấy em ta không vờ đạo đức
Không nhe nanh sau lớp áo nhà tu
Ta chỉ có một khối tình chân thật
Đã yêu ai thì yêu rất...vô tư
Chủ nghĩa hiện sinh hay siêu thực lạ lùng
Cạn hai chai bia tất cả đều mông lung
Đêm chưa tới mà tình ta chất ngất
Dấu hỏi nào rơi rụng giữa không trung
TRẦN PHONG VŨ


Tranh Đinh Cường 

 

Mời Xem :

NGUYỆT TẬN, BÀN VỀ THÓI ĐỜIi - Trần Phong Vũ  

28 thg 2, 2024

Niềm tin bị đánh mất. (Hồi Ức Của GH )


 
Thêm niềm vui là thêm trách nhiệm và bổn phận, mình không sợ trách nhiệm và bổn phận nhưng ấu trĩ về kiến thức đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đúng là không sợ kẻ thù khôn ngoan mà phải sợ người bạn thân ngu dốt . Lúc vừa lấy xong Tú Tài II, Minh Đức rủ mình đi học lớp Dự bị hôn nhân, mình còn cười ruồi – lập gia đình để làm gì ! Có lẽ vì thấy phụ nữ như mẹ quá khổ, mình không muốn làm phụ nữ mà cũng không muốn vướng vào gia đình- thích sống như thơ Nguyễn Công Trứ -
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc.
Nợ tang bồng vay trả trả vay.
………………………………………
Mình sống trong lý tưởng – Đã mang tiếng đứng trong trời đất…
Ảnh hưỡng những triết lý của Tây phương như John Steinbeck , Hermann Hesse … muốn tìm ý nghĩa cuộc sống- Chẳng hiểu sao không giống như mọi người, mình mất đi cái e ấp, dịu dàng của thiếu nữ, cái làm duyên của tuổi mới lớn trước các chàng trai. Trong óc chỉ nghĩ đến xã hội – chiến tranh – một Tất Đạt Đa đi tìm chân lý trong Câu chuyện của dòng sông hay lánh xa cuộc đời phức tạp như anh chàng trong Nội cỏ của thiên đường- John Stainbeck. Tâm niệm - làm được cái gì cho xã hội như Khổng Tử đã dạy – Điều tốt dù nhỏ mấy cũng nên làm, điều xấu dù nhỏ mấy cũng nên tránh. Khi mình nói chính xác những gì mình suy nghĩ đã bị bạn trai cười – bảo là thánh thiện – mình cũng không ngại . Ai nghĩ sao cũng được, mình chỉ nói đúng điều mình đã nghĩ.
Mình đã sống xa rời thực tế dù là đến giờ cũng chẳng thay đổi là bao.
Nhà có thêm nhiều trẻ con, rất vui và rất cực. Vú phải chăm ba đứa cháu nội – con của cậu em trai mình, cha mẹ nó cuối cùng cũng đường ai nấy đi và ba đứa con trai đi đường bà nội . Bây giờ, lại gánh thêm mình và cháu ngoại. Tội nghiệp Vú, bao nhiêu nổi buồn chồng chất, khóc cho con trai rồi đến con gái – lưng đã còng lại còng thêm với thúng củi dầu, cái cân bàn nặng … mỗi ngày ra chợ. Ngồi chẻ củi dưới đất, lúc trời mưa đầy sình chung quanh… nổi cực cũng không bằng cái nặng lòng. Mình nằm ổ cũng chẳng yên – trông cho qua ngày đoạn tháng để đi làm cho mẹ nhẹ gánh. Ăn uống thiếu thốn, sữa mẹ không đủ, sữa bò không có tiền mua, bé con phải bú dặm thêm nước cháo và bột đậu xanh, đậu nành. Sau này mới biết mình quá dốt, từ sáu tháng trở lên mới cho ăn dặm bột đậu. Bé mới hơn tháng, đường ruột còn non nên bị tiêu chảy thường xuyên, phải trường kỳ uống tetra – trụ sinh. Sau này lớn lên răng con bị vàng do hậu quả thuốc.
Trước ngày sanh con, mẹ đã mãi khóc cho số phận nhưng con lại hay cười, gặp ai cũng cười và rất mạnh mẽ. Lúc con ba tháng, gởi vào nhà trẻ để đi làm thủ quỷ cho hợp tác xã quận Phú Nhuận. Mỗi sáng giao bé cho các cô nhà trẻ mà đau lòng thắt ruột – sáng nào bé cũng bị tiêu chảy – có lúc làm dơ cả ngay trên tay các cô. Ngày đầu bé không quen phải chịu đói, không chịu bú bình, các cô phải đút vài muổng – khóc rồi ngủ luôn . Buổi trưa mình thu tiền xong lo chạy đến thì bé đã ngủ - ngồi ngoài đợi con dậy cho bú mà xót cả ruột gan. Làm thủ quỹ phải ở lại rất trễ để thu tiền các quầy hàng trong chợ đưa về. Nhà trẻ nghĩ sớm, mình đem bé về hợp tác xã vừa giữ vừa làm việc. Có lúc phải vừa vạch áo cho bú mẹ, một tay đếm tiền – mắc cở nhưng cũng phải chịu – không còn cách nào khác- đành muối mặt mà chịu đựng. Sau này, bé quen dần với anh bạn mình – trước là trưởng ban thiếu nhi thời sinh hoạt thanh niên những ngày sau giải phóng – bây giờ anh là phó chủ nhiệm hợp tác xã- anh đã giúp mình đi làm. Mỗi chiều anh lại giữ bé hộ cho mình thu tiền. Đi làm dần dần có tiền mình mới đem bé gởi tiếp ở nhà hàng xóm . Mỗi ngày bé phải ở đến bốn nơi – nhà trẻ, nhà cô giáo – cô đem về nhà, đợi mình tạm xong công việc chạy qua đón – đưa đến nhà hàng xóm gởi tiếp.Tối hết việc mới đem bé về được nhà. Bé cũng lưu linh không kém gì mẹ.
Các cô nhà trẻ gọi bé là trưởng ban la hét, cháu hét lớn không ai bằng. Có lẽ do lúc sanh, mình đã hú to nên bây giờ nó hét lớn. Mỗi bé nằm trong một cái củi như cái chuồng nhỏ đặt sát vào nhau nhưng trưởng ban la hét thường xuyên ra uy bằng cách thò tay qua chuồng hàng xóm và kéo hết chiếu, khăn đắp về phần mình. Lúc biết đi lững thững thường xuống bếp – phụ cơm nước ? Các cô phát hiện ra hết hồn. Lúc mới vài tháng chưa biết lật, nằm trong lồng bàn trên bộ ván, bé hay trồi ngược đẩy cái lồng úp tung xuống đất, đầu đụng sát vách hét to khủng khiếp.
Công việc hợp tác xã rất nặng nhọc mà trách nhiệm nặng nề nên không ai dám nhận làm thủ quỹ. Mình thu tiền, kiểm đếm xong hết tối mịt mới về được nhà để đem bé về, cho bé vào mùng xong hết mới lo ăn tối thì cũng đã 10 giờ. Sáng nào cũng dậy sớm, lo giặt giũ, nhất là mền chiếu thường bị dơ vì cháu bị tiêu chảy, bịnh triền miên cả năm, sang hai tuổi mới hết. Trong thời gian nuôi bé và đi làm mình nặng còn 37 kí. Nhìn lại hình ngày ấy thấy khiếp.
Thĩnh thoảng cha bé về thăm, mẹ mình cũng nhắc nhở về trách nhiệm người cha. Anh ta có nói – Nếu thấy khó khăn quá thì gởi trại mồ côi- Vú giận lắm nhưng mình cũng thấy dững dưng. Không biết chính anh ta hay người nào trong anh ta đã nói . Dù sao, đó là trách nhiệm của mình và do mình thiếu suy nghĩ – chọn người tệ nhất trong những người tệ. Hay đó là số mệnh – mình cũng không tha thiết nên cũng chẳng mong sự giúp đỡ.
Lúc bé sáu tháng bị sốt xuất huyết. Trẻ con bệnh đầy ra, bệnh viện không đủ chổ - hai mẹ con nằm dưới đất. Buổi tối, trong ánh sáng mù mờ của bệnh viện – ngồi nhìn bé bú tay lòng mẹ bồi hồi không biết ra sao ! Chợt nhìn thấy vết máu chảy ra khóe miệng bé, tim mình như ngừng đập – vừa định hét lên nhưng rán gượng nhìn kỷ lại . Thì ra không phải sốt xuất huyết, y tá lấy máu xét nghiệm nơi ngón tay, bé bú tay nên máu tươm ra một chút. Hoàn hồn lại mà vẫn còn run. Khi chưa có con – mình rất ngang ngạnh, chẳng chịu khuất phục ai, chẳng biết sợ trời sợ đất là gì. Có con rồi, mới thấy mình yếu đuối và chấp nhận hết, miễn là con được an toàn.Con là lý do cho mẹ tồn tại.
Vài tháng sau, có một người mới vào làm kế toán phụ, Thoa -một phụ nữ khá đẹp, dịu dàng với giọng nói nhỏ nhẹ và khôn khéo. Mình thấy có cảm tình ngay phút ban đầu. Nhà chị gần cầu Công lý, không xa nên mình thường mang con đến nhà chị chơi. Được biết hoàn cảnh chị đơn chiếc cũng như mình – gánh thêm hai con nhỏ. Dần dà mình và chị trở thành đôi bạn thân, tự nhủ tại sao mình không thể sống chung với bạn gái, đở đần khi hôm sớm . Mình đã có ý định sau này sẽ mang con đến ở chung với chị. Chị từ tốn và không làm ai phật ý, khác hẳn mình nói to và nói thẳng. Mình phải học hỏi thêm. Lúc ấy chị đang nợ một món tiền khá lớn, chị bảo định bán máy may để trả nợ nhưng còn tiếc. Máy may bán rồi khó mua, nó lại rất cần thiết trong gia đình. Chị định đi làm từ từ trả nhưng người ta đòi gấp quá. Mình xót cho bạn nên lại phạm sai lầm lần nữa – phải trả giá vô cùng nặng nề. Cho mượn tiền quĩ của HTX với lời hứa là chị sẽ bán máy may trả ngay khi HTX cần . Đến khi mình nhắc để thu tiền lại thì chị bảo không ai mua máy may. Mình sợ quá liên hệ người mua thì chị bảo không muốn bán. Chị đem mọi việc ra báo cùng ban chủ nhiệm xin giúp đở. Anh bạn mình đứng ra giải quyết và mọi việc cũng êm thấm. Cũng là một bài học cho mình. Đừng quá tin người.
Một biến cố xảy đến – chủ nhiệm cũ ra đi, người mới đến. Toàn bộ hoạt động của hợp tác xã thay đổi, chủ nhiệm mới là kẻ đa nghi, thủ đoạn. Ông ta không tin ai hết. Mình làm thủ quỹ giữ sổ đen – ông ta theo dỏi sát nút và ký tên ngay con số chốt của mình. Thật ra, mình lại càng yên tâm vì mình làm rất cẩn thận và có người ký có nghĩa là chia thêm trách nhiệm. Sổ đen chỉ thủ quỹ và kế toán biết cùng sự giám sát của xếp. Sự hách dịch và đa nghi khiến ông ta xa cách mọi người. Trong khi bạn mình là phó rất vui vẽ, hòa đồng. Bọn mình gồm anh Định,phó chủ nhiệm kinh doanh,Tâm -kế toán trưởng, thủ quỹ-mình, Trung- giao dịch, Hoàng- bán cửa hàng, Tân- thống kê, thường xuyên họp tại quán cà phê – đi bến Bạch Đằng- xem phim- các tụ điểm giải trí…. Đó cũng là thời gian đầy vui nhộn và nẩy nở tình cảm giữa mọi người. Một làn gió buồn cũng len nhẹ vào hồn. Sự giúp đỡ, gần gũi đã tạo nên cảm xúc giữa mình và người bạn – nó đã vượt qua khỏi tình bạn. Không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu, những lời nói bóng gió, chăm sóc tận tình làm rung động lòng người. Mình thấy tội lỗi ngập tràn, tại sao tình cảm lại phát sinh muộn màng. Anh bảo ngày trước thường ngắm mình trong tà áo trắng chạy ngang nhà, đến ngày giải phóng hình ảnh ấy trở thành nữ cán bộ, cô đoàn viên đầy uy quyền – anh là lính ngụy, hải quân- không thể nói được gì. Anh rất đào hoa, mình cùng sinh hoạt thiếu nhi cận kề nhưng luôn giữ khoảng cách. Thật ra lòng mình không thích những chàng thu hút quá. Thời gian qua, mọi việc đổi thay cả hai đều có gia đình lại gặp nhau và cùng chiếc xuồng định mệnh. Mình còn nhớ câu thơ anh đã viết lúc trước- Cho ta ngâm lại bài ca Phương thảo thê
Đất thánh trời đông mẹ Á châu
Anh hoa ngàn thuở rạng phong hầu
Chín cung thăm thẳm hồn hương khói
Liễu động đình thơm chuyện hão cầu
Tóc thề che mướt gái Tô châu
Ai hát mà nay gió vẫn thơm
Ai đau non nước não âm đờn
Chiêu Quân nếu mãi người cung Hán
Thi tứ tìm đâu nét tủi hờn.
Không ngờ nó cũng như cuộc đời mình. Những lúc lấy xe đạp chở con đi công viên Chiến Thắng, lại có bóng người chạy xe gắn máy theo- là anh - mời mình vào quán uống nước. Từ chối… mình hiểu lòng mình – sẽ gục ngã nên không bao giờ dám đối diện riêng tư. Đứng ở công viên với con bên cạnh, mình và anh trao đổi rất nhiều. Cuộc đời không sao hiểu được, tình cảm phát sinh khiến mình thấy tội lỗi vô cùng . Anh bảo mình quá thánh thiện, không có gì là tội lỗi. Những buổi đi chơi cùng bạn bè hợp tác xã lại càng làm tăng thêm mức độ tình cảm.
Cùng lúc ấy, bọn mình là cái gai trước mắt chủ nhiệm – ông ta nghi ngờ và nghĩ ra cách triệt hạ. Hoạt động HTX đang diễn tiến tốt, bỗng một vụ bán hàng bị Kiễm soát kinh tế chạm đến và khui ra nhiều thứ ngoài sổ sách. Cuối cùng chủ nhiệm HTX báo không biết, vô can- bạn mình là phó chủ nhiệm kinh doanh chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trong hoàn cảnh đó, để giúp anh - mình phải đưa ra sổ tay của mình về quỹ đen cùng chữ ký của chủ nhiệm. Kết quả là xử nội bộ và tất cả phi vụ làm ngoài cũng chỉ là mang lợi ích chung, không ai thu vén cho cá nhân.
Sau vụ đó chủ nhiệm rất căm ghét bọn mình và một quyết định của cấp trên đưa xuống. Sa thải một số nhân viên có sai trái, Thủ quỹ cùng hai người bán hàng là Hoàng và Hoàng Anh với những cái cớ vạch lá tìm sâu. Khi nhận quyết định, mình yêu cầu cho biết lý do sa thải thì được cho nhìn một đơn tố cáo của Thoa- người bạn mình đã từng giúp đỡ, khi chị nằm sanh mới đây mình cũng thường mang quà đến, người mình đã dự định sẽ cùng nhau chung đường cho đến cuối đời. Trời đất như tối sầm lại, đơn tố cáo - Lợi dụng chức quyền muốn chiếm đoạt tài sản cá nhân -máy may.
Mình hiểu chị phải làm theo ý chủ nhiệm, nhưng thế là quá đủ. Mấy đêm liền, khóc cho một tình bạn – vô cùng đau không phải vì mất việc mà vì một niềm tin bị đánh mất .

GHIM HO

 Mời Xem :


 

Lá thư tình duy nhất- GHIM HO SPSG


 

Mời Xem 1 Câu Chuyện ST từ Mang

Sau 30-4-1975, như tất cả các Sĩ Quan QLVNCH còn ở lại miền Nam, bản thân tôi đã phải chịu hơn 6 năm tù cải tạo. Trước khi có dịp định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã nghe nhiều chuyện "dở khóc, dở cười" tại cái quê hương hợp chủng này, nên tôi luôn cẩn thận, chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với thực tế.
Đặt chân đến Mỹ vừa tròn 3 tháng, thì gia đình tôi đã phải ứng phó với sự "kỳ thị" của "cô con dâu"!
Từ quê hương đau khổ, nghèo nàn, được sang một đất nước giàu mạnh, văn minh tột đỉnh, dân chủ thật sự, tự do nhất thế giới... thật là một phúc đức lớn lao! Nhưng niềm vui chưa trọn, thì chuyện buồn lại đến liên miên...
Vì con trai tôi sponsor, nên bước đầu gia đình tôi phải về ở chung tại San José. Tôi cũng đã sòng phẳng "trả tiền phòng" hàng tháng coi như "share phòng" hầu tránh phiền muộn về sau. Thế nhưng càng ngày tôi thấy "cô con dâu" càng tỏ ra "kỳ thị" với 3 đứa em chồng và thường sửa sai, gây gổ luôn cả chồng. Bà vợ tôi phải lo đi chợ nấu ăn cho cả nhà nên bận rộn suốt ngày! Thế mà chẳng được ơn mà còn bị oán.
Bạn hữu của cô con dâu thấy chuyện bất bình, đã lén gọi điện thoại lại báo cho chúng tôi. Cô ta nói với bạn, "Phải gắt gao với họ (chúng tôi) để chồng không dám giúp đỡ họ... và đoan chắc rằng họ chẳng bao giờ dám xa rời hoặc bỏ đi, vì lý do duy nhất là họ mới qua Mỹ, chưa có xe. Không tiền thì phải chấp nhận đau thương thôi!"
Chịu đựng đau khổ được 3 tháng, vợ chồng tôi bàn nhau tìm đường "di tản"!
May mắn làm sao, chỉ vài hôm sau, một người bạn thân từ Dallas gọi sang và rủ chúng tôi qua. Thế là chúng tôi quyết định "move" sang Garlant (Dallas) thuộc tiểu bang Texas.
Chúng tôi ra đi vì hạnh phúc của con trai tôi, tôi không muốn cái hạnh phúc của con bị sứt mẻ vì sự hiện diện của chúng tôi, và cũng để cho chúng tôi được an thân.
Thượng đế cũng thương nên qua Garland tôi tìm được việc làm tại hãng Mervyn. Làm "Machine Operator" được 3 tháng, thì nhận được "giấy" đi khám sức khỏe để vào permanent, nhưng vì vết thương chiến tranh còn để lại "nơi cột sống" nên tôi phải nghỉ việc.
Một lần nữa, gia đình tôi phải "move" đi tìm việc làm. Cuộc phiêu lưu vì "đô la" bắt đầu.
Chúng tôi di chuyển xuống Houston, một thành phố khá lớn, nằm phía Nam của Texas. Tại thành phố nghèo việc làm này, tôi cũng may mắn tìm được một job: lái xe đưa rước những gia đình H.O mới sang Mỹ đi học Anh ngữ ESL. Nhờ vậy, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè thuộc mọi giới trong xã hội để được tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm.
Mỗi người một số phận, mỗi gia đình một hoàn cảnh, tuy nhiên đa số đều giống na ná nhau: khó khăn về ngôn ngữ phong tục tập quán, trong gia đình thì vấn đề con cái đã trở nên nghịch lý.
Tôi chỉ biết lấy kinh nghiệm của người đến Mỹ trước, an ủi tất cả anh em để họ có đủ niềm tin và an tâm, hầu vượt qua được bước "khởi đầu nan"! Và tôi đã đi thấy nghe, hoặc chứng kiến, nhiều chuyện "cười ra nước mắt"!
Tháng 5/95 tôi có dịp giúp đưa một người bạn là chị H. đến "viện dữởng lão" để thăm "bà cô chồng".
Bà cô trong "Viện Dưỡng Lão" là một bà cụ đã 89 tuổi nhưng vẫn còn nét đẹp lão quí phái. Tóc trắng cả mái đầu, mắt vẫn còn long lanh, trong sáng. Bà đọc báo không cần mang kính lão. Bà chỉ có một tật nhỏ là hơi lãng tai. Khi tiếp xúc với Bà chỉ cần viết trên giấy để bà đọc, và bà trả lời rất rõ ràng.
Lần đầu đi với chị H, và sau khi chị H trở về Cali, chúng tôi vẫn đến thăm bà những khi rảnh rỗi và rồi được bà kể là bà lập gia đình năm 19 tuổi, đến năm 24 tuổi thì ông nhà mất, để lại 3 đứa con, mà đứa con gái út chỉ mới lên 2 tuổi!
Góa chồng ở lứa tuổi 24, tuy vẫn còn trong độ thanh xuân, nét mỹ miều còn làm bao thanh niên trong Quận theo đuổi, nhưng vì thương con, thương chồng, bà quyết ở vậy nuôi ba đứa con đến ngày khôn lớn.
Bà tần tảo mua bán, lập nghiệp từ một ít vốn của ông chồng để lại. Sau đó bà làm chủ 2 tiệm vàng tại quận TB thuộc tỉnh Tây Ninh.
Ngày 30/4/75 miền Nam thất thủ. Thời thế đổi thay. Bà cùng 2 con gái di tản sang Hoa Kỳ. Dù tuổi đời bà đã 69 tuổi. Quyết định bỏ cả ruộng vườn nhà cửa và chỉ mang theo 03 bao cát vàng.
Đến cuối năm 1975, bà và 2 con được phép định cư tại Texas.
Qua năm 76, dù mới định cư chưa được 1 năm nhưng với số vàng sẵn có trong tay, bà quyết định mua một ngôi nhà để cho con gái út (còn gọi là Út Thơm) và chồng cùng các cháu an cư rồi sẽ lập nghiệp, và các cháu được an tâm học hành.
Sau 9 năm, hai cháu ngoại đã tốt nghiệp Đại Học. Một là Bác Sĩ,một là Dược Sĩ...
Khi thấy cháu ngoại dự trù mở phòng mạch mà không có tiền, bà đã không do dự, mà còn khuyến khích, giúp đỡ bằng cách trao lại cho Út Thơm tất cả tài sản còn lại của Bà để Út Thơm lo cho cậu con bác sĩ có được phòng mạch...
Theo bà nghĩ sở dĩ trước đây bà giữ số vàng mang theo là vì sợ con, cháu ỷ lại, tiêu pha hết. Không còn để phòng thân khi hữu sự. Nay, các cháu đã thành tài. Bà không cần lo nữa và an tâm sang luôn tên nhà, giao hết của cải cho Út Thơm.
Một tuần lễ sau đó, Út Thơm cùng chồng và 2 con tổ chức đãi mừng Ngoại 79 tuổi và Út Thơm cùng chồng ngỏ ý đưa Bà đi nghỉ mát vùng xa... đổi gió. Bà ngập ngừng suy nghĩ nhưng vì 2 cháu năn nỉ thêm, nên miễn cưỡng bằng lòng cho gia đình được vui!
Sáng thứ bảy, cả nhà dậy sớm lo cho Bà ăn sáng, quần áo và vật dụng thường dùng. Hai cháu ngoại dìu Bà ra xe để lên đường. Ngồi trên xe khoảng 30 phút, xe dừng trước một tòa nhà lớn lao, sang trọng.
Tại đây, Bà được Bác Sĩ Mỹ khám bệnh trước khi đi chơi xa. Khám xong, Út Thơm vui vẻ bảo với Bà bác sĩ nói sức khỏe Mẹ rất tốt, ngoại trừ chỉ bị hơi lãng tai thôi! Sau đó Út Thơm dìu Bà lên phòng khách ngồi, mang cho Bà lon trà ướp lạnh, rồi bảo: "Mẹ uống nước chờ con vào trong thanh toán tiền cho Bác Sĩ, xong con trở ra chở Mẹ đi."
Ngồi chờ suốt mấy tiếng đồng hồ, Bà sốt ruột nên đi tìm. Chẳng thấy cô Út ở đâu! Bà bắt đầu lo sợ...thì xuất hiện cô y tá người Mỹ đến nói gì Bà chẵng hiểu và dẫn Bà vào phòng ăn. Đến nơi nhưng Bà không ăn, nhìn quanh toàn là những bà Mỹ già, chẳng có người VN và cũng chẳng có ai quen.
Bà gọi tên Út Thơm... nhưng vô vọng! Bà chạy ra ngoài nhưng nhân viên trực không cho Bà đi. Bà la, khóc và nói thật nhiều nhưng chẳng ai hiểu Bà, vì Bà chưa hề biết tiếng Mỹ.
Bắt đầu từ đây, Bà phải sống với bao nhiêu cực hình mà đám y tá Mỹ trắng, Mỹ đen rất bạc đãi, đôi khi còn xô đẩy Bà nữa!
Khi tôi đến thăm thì Bà đã ở đây được 9 năm, tuổi đã 88 tuổi. Suốt 9 năm dài, Út Thơm, con gái Bà không bao giờ trở lại thăm mẹ. Con cháu Bà, tuy phòng mạch ở downtown cách nơi đây chỉ 20 phút lái xe, cũng chẳng hề thăm viếng!
Gặp chúng tôi Bà vẫn còn sáng suốt. Bà yêu cầu chúng tôi giúp cứu Bà ra khỏi trại Dưỡng Lão này, liên lạc giùm với em trai của Bà, hy vọng sẽ đưa Bà trở về quê hương. Nhưng, than ôi, chúng tôi cũng như em trai của Bà, tất cả phải bó tay. Vì luật của Hoa Kỳ là ai gởi Bà vào thì chính người đó mới có quyền lãnh ra. Em trai Bà là cậu ruột của Út Thơm, đã có lần đến gặp Út Thơm để yêu cầu cô lãnh Bà ra giao cho gia đình Ông nuôi. Chẳng những bị Út Thơm xua đuổi, ông cụ còn bị gia đình Út Thơm hăm gọi cảnh sát vì chen vào nội bộ gia đình cô!
Từ lúc hiểu được hoàn cảnh của Bà, chúng tôi thường dành thì giờ đến thăm Bà. Mang quà bánh biếu, Bà không ăn. Biếu tiền, Bà không nhận. Bà nói Bà tuyệt thực và cầu nguyện ơn trên cho Bà chết sớm. Từ hơn 2 năm rồi, Bác Sĩ ra lịnh bắt Bà ngồi xe lăn, nên đến nay Bà không đi đứng được nữa.
Giữa năm 1995, vì tôi bị thất nghiệp nên phải move đi tiểu bang khác. Mãi đến năm 1998, chúng tôi trở về Houston thăm Bà nhưng, tiếc thay Bà đã vĩnh viễn lìa bỏ cái "địa ngục xa lạ" này, ra đi trong cô quạnh. Hết một kiếp người!
Hình ảnh bà cụ bị con cháu bỏ rơi trong viện dưỡng lão làm tôi trăn trở mãi. Mỹ quốc là một siêu cường quốc, có nền văn minh và phát triển cao nhứt thế giới, nơi có đủ thứ luật lệ bảo vệ con người. Một xứ xở tốt đẹp như thế, tại sao đạo lý lại không được quan tâm? Phải chăng đây là nơi suy tàn của đạo lý gia đình Việt Nam?
Công Cha như núi bỏ hoang!
Nghĩa Mẹ như nước lụt tràn lối đi!
Nhớ bà cụ đã mất. Thương chính thân thế gia đình mình, tôi không muốn tin điều ấy là có thực. Đành chỉ còn biết cầu mong cho các thế hệ tương lai không còn thảm cảnh này.
 
Nam Huỳnh
Share Lại Hoài Niệm T.TT

 

Mời Xem và Tự AN ỦI !!!!!

🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹
 


27 thg 2, 2024

Công Viên Buồn & Nói Với Chị Hằng - Nguyễn Thị Châu


1./ CÔNG VIÊN BUỒN

Công viên vắng vẻ buồn tênh

Mình tôi lặng lẽ ghé bên ghế ngồi

Đã nghe trong dạ bồi hồi

Thương từng sợi nắng buông rơi trước thềm

Gió lay từng cánh hoa mềm

Chim không ngừng hót, gọi tìm cùng nhau

Bây giờ khách ở nơi đâu?

Để cho ghế đá âu sầu nhớ ai?

Nắng chiều rơi rớt vàng phai

Hàng cây trút lá cho dài nhớ thương

Công viên có những con đường

Cũng xanh, sạch đẹp, cũng vườn hoa xinh

Vậy mà vắng bóng riêng mình

Không người qua lại, tâm tình vui chơi

Công viên buồn lắm ai ơi!

Hoàng hôn buông xuống, bầu trời kém vui

Khi nào mới đến cuộc vui?

Công viên ghế đá tới lui đông người

Khi nào mới có nụ cười?

Trẻ thơ vui hát đùa chơi nơi nầy….!!!
21-2-2024

Nguyễn thị Châu



NÓI VỚI CHỊ HẰNG

Lấp lánh sông xanh bóng chị Hằng

Vì sao ngơ ngẩn bên tường hoang

Trăng khuya bóng trải bên thềm vắng

Để lòng khắc khoải nhớ miên man



Có phải trăng tròn giữa tháng giêng?

Cùng người tâm sự dưới mái hiên

Ánh trăng soi sáng trong tiềm thức

Rồi tiễn nhau về nỗi niềm riêng



Lệ ướt mi rồi, nhớ về ai?

Thềm khuya lá đổ suốt đêm dài

Tâm tư khép kín từ hôm ấy

Trăng xế bóng rồi, ai có hay…



Ngày lại ngày qua, với chị Hằng

Hỏi thăm người ấy, có về chăng?

Chị nhìn xa vắng không lời nói

Nét mặt vô tư đẹp dịu dàng



Thôi thì trả hết về bên ấy

Cùng trăng trò chuyện những đêm thâu

Đón gió nàng Xuân thêm ấm áp

Quên đi tất cả vạn nỗi sầu…!!!


21-2-2024 Nguyễn thị Châu

Nguyễn thị Châu


Mời Xem :

 

TRĂNG THÁNG GIÊNG,NẮNG HOÀNG HÔN - Thơ Nguyễn Thị Châu  



TRƯỚC VÀ SAU KHI “XUỐNG TÓC”! -ĐVL

 
Chuyện vừa mới hôm qua:

“Xuống tóc” nhưng chửa… qui y
Bởi “tục luỵ” vẫn ôm ghì lấy… Ta
(đvl2024)
 
TRƯỚC VÀ SAU KHI “XUỐNG TÓC”!
 
Tính ra cũng khá lâu rồi
Mới có cuộc gặp hai “người anh em”
Kẻ này - dài tóc, hom hem
Gã “húi cua” có vẻ hiền lành hơn
Là ruột rà hay người dưng
Mà như hai giọt lệ rưng rưng đời
“Vắn, dài” - khác tóc tơ thôi!
Còn thì hai “nụ môi” cười y chang
“Xuống tóc”, trông vẫn khá ngoan…
Nhìn Ta - Mình ngỡ hai chàng sinh đôi
Còn đang Giêng, tếu táo chơi
Dẫu cho Tết cạn, xuân vơi ít nhiều.
SG_220224
(13 Giêng, Giáp Thìn)
ĐVL

Ảnh :Xúc Tép


Mời Xem :

HỌP MẶT CHÚC THỌ VÀ TIỄN THẦY NGUYỄN DUY LINH VỀ LẠI MỸ.(Bài và Ảnh :ĐVL )

Bài thơ DU SƠN TÂY THÔN của Lục Du - Đỗ Chiêu Đức,Songqung

Góc Đường Thi : 
             
                   Bài thơ  DU SƠN TÂY THÔN 
              
 
             Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ,         山窮水盡疑無路,
             Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn !  柳暗花明又一村!
Có nghĩa :
     Núi đã cùng, nước đã tận, ngỡ là đã cùng đường rồi, không ngờ phía trước lại có ... Liễu xanh om hoa rực rỡ lại đưa ta đến một thôn làng khác nữa !
     Câu nầy còn dùng để chỉ : Những việc tưởng đâu đã hết hi vọng rồi, nào ngờ lại mở ra được hướng giải quyết mới còn tốt hơn là cơ hội cũ nữa ! Ta hay đọc thấy câu nầy trong  các truyện xưa, nhất là trong các truyện võ hiệp kỳ tình Trung Hoa :
                 Non cùng nước cạn ngờ vô lối,
                 Liễu biếc hoa hương lại một thôn !

     Thực ra đó là 2 câu Thực trong bài Du Sơn Tây Thôn của Lục Du đời Tống. Hai câu thơ đó nguyên là :

        山重水復疑無路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ,        
        柳暗花明又一村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.         

       Nhưng trong THIÊN GIA THI 千家詩 đã chép sai  " Sơn Trùng Thủy Phục 山重水復 " thành " Sơn Cùng Thủy Tận 山窮水盡 " là câu nói quen miệng của dân gian. Hai cách nói nầy khác nhau rất xa, nếu ta phân tích theo văn chương, còn đối với giới bình dân thì cho là " Ý nghĩa của NÓ cũng tương đương với nhau " mà thôi !

     * SƠN TRÙNG THUỶ PHỤC 山 重 水 復 : SƠN TRÙNG là Núi trùng trùng điệp điệp, hết núi nầy đến núi khác, nên ở xa nhìn thì thấy toàn núi là núi. THỦY PHỤC là Hết dòng nước nầy đến dòng nước khác, nên nhìn thấy toàn nước là nước.
        Vì NÚI và NƯỚC trùng phục ở trước mặt, cho nên mới NGHI VÔ LỘ 疑 無 路 : là " Ngỡ là đã hết đường đi rồi ". Nên mở ra câu sau rất thú vị không ngờ là :
         Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn !  柳暗花明又一村!
  Còn nếu là ...
     * SƠN CÙNG THỦY TẬN 山窮水盡 : là Núi đã Cùng đường rồi, Nước cũng đã tận cùng rồi, là ở nơi Cuối Đất Cùng Trời rồi, thì đâu có NGHI VÔ LỘ nữa, mà là CHUNG VÔ LỘ 終無路 là Rốt cuộc đã " Hết Đường Đi Thật rồi !" thì làm sao còn có câu sau là : Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn  柳暗花明又一村 cho được !

        Bây giờ thì ta hãy đọc toàn bài thơ của bài Du Sơn Tây Thôn này nhé :

    遊 山 西 村                     Du Sơn Tây Thôn
莫 笑 農 家 臘 酒 渾,    Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,            
豐 年 留 客 足 雞 豚。    Phong niên lưu khách túc kê đồn      
山 重 水 復 疑 無 路,    Sơn trùng thuỷ phc nghi vô lộ        
柳 暗 花 明 又 一 村。    Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn         
簫 鼓 追 隨 春 社 近,    Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận   
衣 冠 簡 樸 古 風 存。    Y quan giản phác cổ phong tồn           
從 今 若 許 閑 乘 月,    Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt         
拄 杖 無 時 夜 叩 門。    Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.          
                    陸 游                                      Lục Du   

1708490848653blob.jpg
CHÚ THÍCH :           
    * LẠP TỬU : Lạp là Tháng Mười Hai Âm Lịch, ta đọc trại thành Thánh CHẠP, nên Lạp Tửu là rượu của tháng Chạp, rượu được ủ để uống vào dịp Tết Âm Lịch.
    * PHONG NIÊN 豐 年 : là Năm Được Mùa.
    * KÊ ĐỒN : Kê là Gà, Đồn là Heo.
    * XUÂN Xà春 社 : là Ngày Mậu Nhựt thứ 5 sau tiết Lập Xuân làm ngày XUÂN Xà để cúng tế Thần Làng, như ta cúng Đình Làng vậy, để cầu cho sang năm lại được trúng mùa. Vì thế mà có thổi tiêu đánh trống ...
     * 從 今 若 許 閑 乘 月 Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt : là Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì hay thừa lúc trăng sáng ...
     * 拄 杖 無 時 夜 叩 門 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn : là Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm ( cũng hổng sao !). VÔ THÌ : là Bất cứ lúc nào.

NGHĨA BÀI THƠ : 
                         Dạo Chơi Thôn Xóm Núi Tây
          Xin đừng cười chê thứ rượu tế lễ không được trong của nhà nông trong tháng Chạp. Năm nay được mùa, nên giữ khách lại, đủ cả heo gà để đãi khách. Đừng vì núi liền với núi sông liền với sông mà ngỡ rằng đã không còn đường để đi tới, vì thấp thoáng trong bóng râm rặng liễu và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ phía trước sẽ lại mở ra một thôn làng mới. Trống tiêu như giục giã vì ngày tế lễ đầu xuân đang gần kề. Áo mũ giản dị nhưng vẫn theo tục lệ cũ còn giữ lại. Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì cứ thừa lúc trăng sáng ... Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm ( cũng hổng sao, vì ta luôn luôn sẵn sàng đón tiếp ! )

        Đây là cảnh nông dân ăn Tết ở Tây Thôn là một làng miền núi của một năm được mùa, chất phác chân thật mà nhiệt tình của đời sống thôn dã sau một năm cày sâu cuốc bẫm.             
 

DIỄN NÔM :

                       DẠO NÚI XÓM TÂY

                Thôn dã chớ cười rượu nhạt phèo,
                Cuối năm đãi khách sẵn gà heo.
                Núi liền sông nước ngờ vô lối,
                Liễu rũ đường hoa đến xóm nghèo.
                Tiêu trống rộn ràng Xuân Xã đến,
                Áo xiêm giản dị cổ phong theo.
                Từ nay nếu rảnh đêm trăng sáng,
                Gỏ cửa cùng vui gậy khẳng kheo.
 Lục bát :
                Chớ cười rượu lễ nhạt phèo,
                Được mùa đãi khách gà heo sẵn sàng.
                Non liền nước ngỡ hết đàng,
                Hoa chào liễu đón thôn làng lại sang.
                Trống tiêu xuân xã rộn ràng,
                Tục xưa áo mão nghiêm trang chỉnh tề.
                Từ nay trăng sáng đi về,
                Thăm nhau gỏ cửa chẳng nề đêm thâu.
                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

       Hẹn bài dịch tới !

                                                                                        杜紹德
                                                                                    Đỗ Chiêu Đức 

  Bài viết trên đây đã được Yên Bđọc và đưa lên YouTube  Nov.18.2023                                                  
                 https://www.google.com/search?q=du+s%C6%A1n+t%C3%A2y+th%C3%B4n&

Để vui chơi chữ nghĩa cùng thầy Đồ ĐCĐ ,SQ xin phỏng theo sự giải thích và dịch nghĩa của Thầy Đồ xin có bài phỏng tác theo ý gốc bài thơ “ Du Sơn Tây thôn” của tiền nhân Lục Du  cốt mua vui cuối tuần.Xin chúc sức khỏe ông Đồ trường ta.


TÂY THÔN DẠO NÚI

Đừng cười ta đãi đằng rượu nhạt 
Tiệc cuối năm thết khách heo gà
Núi sông liền lối mất xa
Đường hoa khóm liễu hiện ra xóm làng
Xuân sắp đến rộn ràng trước ngõ
Áo xiêm xưa chẳng bỏ đơn sơ
Từ nay trăng sáng đầu bờ
Tự nhiên gõ cửa ta chờ người sang
songquang 
20240222